Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Nguyễn Văn Vĩnh: Bộ mặt thật của nền giáo dục


Đối với đa số đồng bào ta ở trong nước, lâu nay vẫn theo hai cách giáo dục :

1. Nền giáo dục truyền thống, dạy bằng chữ Nho là cách thật và duy nhất dạy các em học sinh sự hiểu biết  về Lễ và Nghĩa. Nhưng do những khó khăn thực tế của cuộc sống hàng ngày nên đã đẩy chúng ta tới sự coi thường và thậm chí bỏ hẳn; cách giáo dục mà chỉ có các nhà Nho làm được và giờ đây họ dần như biến mất. Còn lại đôi ba người hiếm hoi, do hoàn cảnh khách quan, tự họ cũng đã chọn một diện mạo mới của những nhà học giả tân thời, tức là đã Âu hóa còn hơn cả lớp trẻ được đào tạo trong các trường học của Pháp. Có một số khác lại khư khư nắm giữ những quan niệm cũ để rơi vào cảnh túng quẫn, bần hàn.

2. Nền giáo dục chính thức hiện nay của người Pháp, thường tỏ ra như một phương thức để chuẩn bị cho những sản phẩm của mình chuẩn bị cho những vị trí làm việc trong hệ thống của Nhà cầm quyền, hoặc có một số sẽ làm việc cho tư nhân. Cách giáo dục được khởi đầu từ những tổ chức danh giá, nhưng vai trò của nó đã được hoàn tất để rồi đương nhiên, khi các học sinh ra trường thì hầu hết bộ máy đã thừa biên chế.

“Mật ít, ruồi nhiều” đúng như người Nam ta vẫn nói.

Cả hai cách đã nêu, đều thất bại !

Cách thứ nhất, do không đáp ứng được những yêu cầu thiết thực cho cuộc sống, đến mức, chính những người sinh đẻ ra nó lại trở thành những người đầu tiên từ bỏ nó.

Cách thứ hai, đẻ ra quá nhiều người học xong, cần có việc làm, trong lúc thực tế việc làm lại có quá ít.

Dân chúng An Nam đã rơi vào tình cảnh lúng túng, chẳng còn biết đi theo lý tưởng nào ??? Chết nỗi, lúc nào người ta cũng phải có một lý tưởng, kể cả những việc bình thường như một ông bố luôn lo toan tương lai cho con mình.

Còn đâu lý tưởng, khi một một ông quan Nho giáo, quyết định gửi con vào học ở trường “Lycée Albert Sarraut” để sau này mong sẽ thành một bác sỹ, kỹ sư hoặc luật sư. Chẳng khác gì, một người bố theo Âu học và lo cho con mình phù hợp với những thực tế hiện tại.

Ở người thứ nhất thể hiện điều gì ? Đó là sự chối bỏ quá khứ của chính mình nhưng lại muốn giữ được bộ mặt của người có danh hão. Thực ra danh hão đó chỉ nói lên điều: anh chỉ còn là kẻ sống sót của một lớp người mà thời buổi này chẳng còn nhiệm vụ gì để lo.

Ở người thứ hai, đó chỉ là một cuộc đấy tranh sinh tồn thông thường giành sự sống cho con mình, cho lợi và lộc thật nhiều, kể cả nó có thiếu tính bền vững hay đôi khi tàn độc.

Cả hai đối tượng này người này đều tự nhận thấy mình chẳng có công lao gì cho đời. Trong xã hội phương Tây, không thiếu gì những tư tưởng tiến bộ cũng như sự công bằng, nó có đủ sức quyến rũ đối với những tâm hồn Á Đông chúng ta. Nhưng chúng ta lại đang sống vào đúng thời điểm mà xã hội tiến bộ đang tự nghi ngờ mình, khi mà những thành quả tốt đẹp của khoa học bắt đầu lộ rõ giá trị giản dị, tinh tế, không ồn ào. Điều này đã làm cho cuộc sống thêm rắc rối. Chúng ta chưa bao giờ đặt mình vào lòng một cuộc sống với đầy những lý thuyết vị tha nhưng lại mang tính dối trá đối với hạnh phúc của nhân loại. Lý thuyết đó chỉ tồn tại với phần nhân loại sống khốn khổ và luôn có ảo tưởng về một sự tốt đẹp trời cho với sự bình đẳng tự nhiên mà chẳng biết định nghĩa thế nào !

Những suy nghĩ tôi trình bày trên đây, có đa số quần chúng nhân dân không nghĩ như vậy, nhưng họ lại cảm nhận được sự thể đúng như thế. Họ thấy như bị bỏ rơi giữa ngã ba đường, nơi mà họ bị dắt tới. Họ thấy thiếu một sự hướng dẫn nghiêm chỉnh để chúng ta có một nền giáo dục phù hợp với dân ta.

Không nên hiểu một nền giáo dục phù hợp là một loại hỗn hợp, mà trong đó có thành phần định tính thực dụng nhiều hay ít như Chủ nghĩa thực dụng theo quan điểm phương Tây, bởi lẽ dân ta đang đứng trước những vấn đề sống còn trên thực tế chưa hề gặp phải. Sự can thiệp của người Pháp, thực chất chỉ là một sự đổi ngôi của tầng lớp cai trị, họ bỏ mặc đa số người dân vẫn lầm lũi theo cách sống và mức sống như cách đây nửa thế kỷ. Bộ phận những người có cuộc sống khác nhờ việc thay đổi tư duy sống chỉ là một nhóm nhỏ không đáng kể trong dân chúng. Việc đem lại sự thay đổi trong xã hội, hiển nhiên là kết quả của việc sử dụng chữ viết mới: chữ Quốc ngữ mà chúng ta vẫn biết ơn các nhà truyền giáo phương Tây cùng với một vài yếu tố của tiếng Pháp trong một chương trình giáo dục tối thiểu dành cho cấp tiểu học trên quan điểm Âu Châu. Nhưng về căn bản, chúng ta vẫn phải dựa vào cái lịch sử đáng trân trọng mà chúng ta vừa thoát ra !

Họ không thể tự thấy được sự cần thiết đối với một xã hội thuần nhất như xã hội ở đất nước An Nam, một xã hội luôn kiên trì với một mô thức sống riêng, mang nặng sự thể hiện những tố chất riêng biệt của một dân tộc. Rõ ràng phải có một nền giáo dục khác, cụ thể phải là một nền giáo dục được trang bị ở mức độ cao về đạo đức và lòng hướng thiện cùng với tính hợp lý của nó.

Công việc giáo dục, đào tạo tầng lớp thanh niên một cách hợp lý sẽ trở thành huyền thoại. Một xã hội muốn phát triển, nhất thiết phải dựa vào những nguyên tắc căn bản nhằm làm ổn định nền tảng chính của nó. Nó sẽ làm cho mỗi con người không phải chỉ là những thành phần suy luận của sự hợp lý, mà mỗi thành viên của xã hội phải là một phần không thể tách rời, phù hợp với chính môi trường đã sản sinh ra nó. Mọi nguyên tắc được hình thành trong thế giới này đã phải trải qua hàng ngàn năm, và mỗi nguyên tắc đó đều mang theo những hình thức riêng được xác định và cấu thành từ chính những điều kiện lịch sử và địa lý của nó. Người ta không thể tự tạo ra cho riêng mình những nguyên tắc mới hàng ngày. Những dân tộc lớn, là những dân tộc tự đặt ra cho mình những nguyên tắc được sinh ra từ những thử thách và nó cũng không thể bị loại bỏ một cách thiếu căn cứ, hay còn gọi là: vô thưởng, vô phạt !

Nước Nhật trở nên hùng mạnh vì họ đã thừa nhận một số những phương pháp của người Âu Châu, nhưng cuối cùng, họ chỉ thắng với điều kiện vẫn là Nhật Bản, hoặc phải trở lại là Nhật Bản ! Trong cơn lôi cuốn tìm đến sức mạnh, họ đã có lúc quên mình là Nhật hoặc định thôi không phải là Nhật Bản nữa. Nước Trung Hoa, nếu muốn Âu hóa, họ sẽ chỉ còn là một nước vô chính phủ rộng lớn, và nếu họ bỏ quên những tinh túy của dân tộc. Tinh túy của dân tộc Trung Hoa chính là nền tảng đích thực của sức mạnh và sự tồn tại muôn đời của họ.

Vì vậy, người An Nam mình vẫn phải giữ là người An Nam nếu chúng ta muốn tận dụng được những thành quả tốt đẹp của nền văn minh Châu Âu mà người Pháp đã đem đến một phần ở đất nước này. Trong một mức độ nào đó, vị trí chỗ đứng lịch sử đã tạo cho chúng ta có tư tưởng Âu Tây, mà chúng ta vẫn giữ được những nguyên lý từ ngàn xưa trong việc tạo ra sức mạnh cho dân tộc mình, đó sẽ là nét riêng biệt của chúng ta, và chúng ta hãy phát huy cho nó nổi bật thành tính cách của dân tộc này, bộ mặt riêng của dân tộc này, và là tài lực riêng của dân tộc này.

Việc giữ nguyên mình là người An Nam, không có nghĩa là chỉ giữ tác phong, kiểu cách vẻ ngoài do ta đã có vì chịu tác động trong những hoàn cảnh nào đó. Muốn giữ được mình, trước tiên phải có được một hệ thống giáo dục riêng của dân An Nam, dạy bảo và nuôi nấng trẻ em để trở thành người Nam thực sự. Giữ vững những tính cách tích cực đã từng tạo nên sức mạnh An Nam, sức mạnh đã được thử thách qua bao thăng trầm của quá khứ với lịch sử khốc liệt.

 Giáo dục sơ đẳng là bậc thang đầu tiên của văn hóa đối với chúng ta

Quan niệm về một nền giáo dục sơ đẳng mang tính thực dụng của những người Hoa buôn bán có lẽ phù hợp với họ, nhưng không hợp với những người phương Tây. Giống như người phương Tây, chúng ta cũng muốn điều đó phải được kết hợp hài hòa trong giáo dục.

Chủ nghĩa Thực dụng giản đơn của những người Hoa buôn bán nếu đem so sánh với với Chủ nghĩa Thực dụng lý thuyết của người Pháp, ta thấy nó có phần lợi thế hơn ở mặt: không tạo ra sự lẫn lộn giữa thực tế của việc kiếm miếng ăn và việc chuẩn bị cho sự bước vào đời.

Những người Hoa buôn bán ở Quảng Đông, họ chủ trương dạy cho con em mình một lượng chữ Nho thông dụng, vừa đủ để giao tiếp khi buôn bán, gảy bàn tính (tính toán), làm sổ sách...Chúng chỉ cần biết đến đó, đủ để là nhân viên trong một cửa hiệu, cửa hàng. Những nhân viên buôn bán trẻ đó không hề được học về văn chương cổ điển hay nền luân lý trong gia đình... Những lĩnh vực này phải nhờ những người mẹ, phụ nữ bảo ban theo cách truyền khẩu ngay từ những ngày đầu khi mới được tiếp nhận vào làm việc trong cơ sở của họ.

Cái cách giáo dục chuyên theo kiểu thực hành này đặt các “thày” dạy vào cảnh không được các nhà buôn và người được học phải mang nợ, phải biết ơn suốt đời, khác hẳn với một nền giáo dục cổ điển khi các học trò phải đi tìm thầy để học, rồi từ đó mới có được nghề để đi tiếp đến những vị trí cao hơn trong cuộc sống.

 Những ai đã từng là kẻ tự học trong cái nền giáo dục thực dụng này, họ vẫn sống, vẫn lao động và phục vụ. Nền giáo dục sơ cấp của người Pháp không như vậy. Chương trình dạy của họ đều do các viên chức Nhà nước lập nên. Họ không chỉ nghĩ tới những mảng lý thuyết có tính lý luận hữu ích dành cho những kiến thức phổ thông, mà còn nghĩ tới những mục đích chính trị được quy định rõ ràng trong chương trình giáo dục dành cho lớp trẻ của một đất nước, đặc biệt họ nhắm đến việc thanh niên phải có một lý tưởng chung về sự tiến bộ. Việc này, nhất thiết phải có mối quan hệ hữu cơ giữa nền giáo dục sơ cấp bắt buộc với nền giáo dục cao đẳng. Trong mỗi một dân tộc văn minh, một Nhà nước, một Quốc gia, người dân phải đòi cho được các nhân vật lãnh đạo ưu tú, những người lãnh đạo tương lai của đất nước thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu này.

 Dân tộc An Nam đã được học văn hóa và tư tưởng Khổng Tử do những người Trung Hoa đầu tiên truyền dạy cho các trí sỹ Nho học khi đô hộ chúng ta, họ biết và đánh giá được khả năng áp dụng các kiến thức của những Nho sỹ của ta.

 Nền giáo dục khởi đầu của chúng ta là hoàn toàn cổ điển. cách đào tạo của ông cha chúng ta đã áp dụng cũng gần giống như vai trò của những người thầy. Nó cho phép chúng ta là một nước có đồng văn và tạo ra lý tưởng tự trị đối với từng địa phương, tạo nên sự cạnh tranh của những nước nhỏ quay chung quanh một hạt nhân chỉ đạo, đó cũng là một Đế quốc ở trung tâm này. Nguyên lý này đã ra đời từ thời nhà Chu. Chúng ta cần hiểu và quan niệm đúng về ý nghĩa này, ý nghĩa của sự phụ thuộc và nội thuộc trong danh nghĩa, và nhân dân ta không bao giờ gỡ ra được. Tuy nhiên, sự lệ thuộc đó hoàn toàn chỉ có giá trị tinh thần, nó không thể là sự cản trở công cuộc phát triển của tinh thần một quốc gia. Điều này cũng không gặp sự phản đối trong bộ máy cầm quyền nhiều tham vọng của lục địa Trung Hoa, kể cả trong trường hợp, có thể một ngày mai họ trở thành Trung tâm ! Nói như vậy bởi vì: Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của một Đế quốc rộng lớn nhân danh hạt nhân “Thiên tử”, họ đã rất nhiều lần bị hoán vị. Không bao giờ, kể từ người khùng và phiêu lưu như Nguyễn Huệ, cũng không bao giờ có tham vọng thâu tóm, thu phục các bang nhỏ ở phía Nam Trung Hoa vào đất nước An Nam với danh nghĩa là thực hiện sự nghiệp thống nhất, hay chinh phục.

 Một nền giáo dục như vậy, không khi nào thể hiện là một nền giáo dục hoàn toàn hữu ích. Các nhân sỹ Nho học đã chỉ chấp nhận một nghề có tính chuyên nghiệp với danh nghĩa là “Tứ trát”. Nó bao gồm cả việc viết chữ đại tự “Bút thiếp”, trong đó với những người đã học chữ Nho tương đối đầy đủ, còn học thêm việc viết chữ bằng bút lông theo cách hành văn văn chương hành chính. Sự nắm bắt một số công thức nhất định mà người học sau này cũng không được lợi gì. Thực tế này, đã tạo nên các cá nhân có biên chế làm công việc bàn giấy gọi là quan lại, việc gọi là “lại” để tránh việc phải đề bạt vào vị trí người chỉ huy, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, cá biệt. Mặt khác, trong cái thế giới của những nhân viên ở các Tổng và các Xã, những nhân vật được gọi là Tổng lý hay Lý dịch, luôn chỉ được coi là những kẻ ăn bám vô dụng. Trong chuyện này, mấy ông Tây đã sai lầm trong việc đối xử tốt với tầng lớp này vì đã mặc nhiên coi họ là những người đứng đầu của một địa phương.

 Điều muốn nói ở đây là: Bao giờ người An Nam ta cũng coi việc học hành như một phương tiện để chuẩn bị cho vai trò của kẻ lãnh đạo. Công việc học thực hành của các Nho sỹ chỉ là những hoạt động đặc biệt, tuy là nó khá phổ biến, song họ luôn coi đó là loại công việc được thì tốt, mà không được thì cũng chẳng sao ( Được chăng hay chớ ), vì thế, bất chấp cả việc nghề nghiệp có thể bị méo mó, họ cũng không nhất thiết phải học nhiều.

 Một người công dân lý tưởng, phải là một người có khả năng chỉ dẫn cho người khác, nếu không dành cho một Nhà nước lớn thì cũng để dành cho chính gia đình mình. Cả hai lĩnh vực này đều như nhau mà thôi, vì gia đình là tế bào của một Quốc gia. Mục đích tồn tại của nó là để nuôi sống một đất nước. Đời sống không có mục đích nào khác là chính cuộc sống này.

 Nhận thức như vậy thì công việc giáo dục sẽ luôn là điều cần thiết, dù cho những điều kiện để tồn tại được có bị thay đổi ra sao đi nữa. Hãy trân trọng những nguồn mạch của cuộc sống, vì sự sống là tạo nên cuộc sống và sẽ làm cho người ta được sống nhiều hơn. Chính trị, luân lý đạo đức, kinh tế đều phải thống nhất bởi lẽ đạo đức cá nhân hay đạo đức xã hội vẫn chỉ là một, vì nó đều là Đạo đức !

 Vấn đề là làm sao để học được những quan niệm cao quý như vậy ?! Chúng ta hãy đi sâu vào việc tìm hiểu những tư tưởng của các nhà hiền triết, bởi họ đã tuân thủ những quy luật hình thành thế giới này theo những nguyên lý rõ rang.

 Từ tư tưởng sẽ thành hình ra nhiều ý tưởng, hãy xác minh và chứng minh sự đúng đắn của nó. Bằng phương pháp này, chúng ta mới nhận thức được sâu sắc nhất những tư tưởng đó và sẽ tự dần nâng cao mình bằng với nguồn gốc phát sinh của tư tưởng đó.

 Việc nghiên cứu những tư tưởng kinh điển, thoạt nhìn như nó chẳng liên quan gì đối với các nhà sư phạm hiện nay. Sẽ không có lý do nào để tồn tại nếu ta không hiểu được những giá trị tư tưởng ẩn bên trong tư tưởng ấy. Phân tích và phê phán đơn thuần sẽ chẳng có tác dụng gì nhiều. Hãy đi đến cùng để hiểu được nó. Một người học trò, sẽ hiểu được phần nào và hiểu được toàn bộ nếu chịu khó lật lên, lật xuống một con chữ, một vấn đề sau nhiều ngày xào đi, xào lại và sẽ là người học được nhiều hơn nếu so sánh với kẻ từng nắm được những định nghĩa, hàm ý sáng sủa trong những câu văn nhàm chán nhưng lại không hiểu được ý chính của nó !

 Quốc gia văn minh

 Khi có khả năng, các bậc cha ông gửi ta đi học chữ Nho ở nhà một ông thầy đồ, hoặc mời thầy về nhà dạy. Trước tiên, ta cần phải hiểu, các cụ muốn chúng ta sẽ trở thành những người văn minh.

Trong Tam Tự kinh có viết: “Nhân bất học, bất như vật” (Người vô học còn kém hơn con vật). Hoặc: “Ngọc bất trác, bất thành khí” (Ngọc quý mà không được mài dũa cũng không thành được vật quý).

Đã từ 30 năm nay mọi người đã than phiền, hôm nay người ta vẫn than phiền về cùng một việc: Đó là việc đổ xô nhau vào chốn quan trường, thi nhau xin làm các chức dịch của Nhà nước ! Con số này tỷ lệ ra sao so với những người lao động cần cù (kể cả số nhân viên tập sự trong các cơ quan, bộ máy của Chính quyền). Đừng quên rằng, không biết bao nhiêu đứa trẻ đang cắp sách đến trường nhưng cũng đang tơ tưởng sau này sẽ làm quan !

Luật pháp và các tập tục ở nước ta đã tỏ ra ưu đãi các nhà Nho một cách nực cười, ngay cả đối với các thầy khóa mới chỉ vượt qua được kỳ thi thứ nhất. Tuy nhiên. Có đến 9/10 các Nho sỹ không hy vọng đi được đến cái đích mình định. Từ góc nhìn này, ta thấy nền giáo dục tiểu học tự phát đã đáp ứng được nguyện vọng học tự nguyện của người dân, vì chính người dân đã tự tổ chức hoạt động này, bằng kinh phí của chính mình, theo cách của mình, không nhất thiết phải thi tuyển, cũng không cần phải có phép của chính quyền Bản xứ. Hôm nay, nếu mở một trường tiểu học mà không phải dẫn đến việc thi đỗ lấy bằng “Cepfi”(chứng chỉ), và lại chỉ dạy bảo những điều cần thiết cho việc kiếm sống, sẽ chẳng có cậu trò nào đến học. Ngược lại, ta thử mở một trường cho học sinh học chữ Nho, mời các nhà Nho thế hệ cũ đến giảng, dạy trẻ học những văn bản cổ theo phong cách cũ, cũng sẽ chẳng có mấy học sinh theo học nếu so với một lớp đồng ấu, sơ đẳng của các Hương sư hay Tổng sư lập ra. Các lớp này, đăng ký xin học khoảng sáu chục em, thực tế hàng ngày chỉ đến khoảng ½, và ngày mùa sẽ còn khoảng 1/3 mà thôi.

Như vậy, con cái của các gia đình nghèo, họ luôn coi việc phải đi học trường chữ Nho là “Cực chẳng đã”. Phải nói rằng, các bậc phụ huynh ở các lớp này cũng chẳng đóng thêm tiền nếu ở lớp có dạy thêm môn chữ Quốc ngữ hay môn làm tính. Tôi quan sát thấy có một số tư tưởng trái ngược nhau giữa hai đám trẻ, đám trẻ học chữ Nho và đám trẻ tinh quái ngoài đời, bọn tinh quái, chúng phải nhiều hơn từ hai đến ba lần.

Đáng tiếc, số ít trẻ chữ Nho lại cam chịu ở lại làng quê, còn số đông nọ chỉ coi làng quê là nơi bất đắc dĩ, khi có cơ hội, họ sẽ chuyển đến một trường ở thị trấn, hoặc sang một trường khác, nơi có điều kiện tốt hơn trong việc rèn luyện. Chính vì vậy, tôi không ngừng nghĩ đến một chương trình giáo dục cho khoảng giữa của hai thực trạng này, làm sao, để chương trình giáo dục tiểu học (cấp một) đồng thời cũng là chương trình giúp được các em chuẩn bị bước vào đời.

Hệ thống giáo dục cần phải thể hiện sự thuần túy An Nam, kể cả phần giữa và phần cuối của chương trình cần có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Khổng Tử. Thông qua những tư liệu, cần phải nắm rõ tính cần cù của dân ta. Họ cần mẫn theo cách cổ truyền như: việc học thuộc lòng, chép đi chép lại nhiều lần một đoạn văn, dẫn tới khả năng giảng nghĩa được, viết được những lời bình hoặc viết được một đoạn văn nghị luận. Cách viết bằng bút lông đã tạo nên những nghệ sỹ còn giỏi hơn một anh họa sỹ tồi, hoặc những anh thợ tô màu không năng khiếu. Tóm lại, những tập quán, những cử chỉ có tính trang trọng một cách ngây ngô nhưng đó chính là nền tảng của một nền luân lý.

Bên cạnh cái gốc của một nền văn hóa, cần phải chỉ rõ cho mọi người những việc cụ thể dù ngay trong chính gia đình của họ đã xây dựng nên, một thứ trật tự, để qua đó ai cũng phải biết tôn trọng và tuân thủ ý kiến của người khác, của người cha hay có thể của người anh lớn trong nhà. Đành rằng còn rất nhiều điều khác liên quan tới nhận thức của sự tiến bộ, sự biết hòa đồng giữa các chủng tộc, sự chấp nhận việc thay đổi nơi sinh sống, sự cần thiêt trong quan hệ với mọi người, ngoài những người họ hàng và láng giềng. Cuối cùng là sự phấn đấu cho cuộc sống tiện nghi, xứng đáng để được sống.

 Trên đây, chính là điều tôi đặt ra cho một chương trình tối thiểu của một nền giáo dục tiểu học hiện đại. Tôi nói là tối thiểu vì thực tế hiện nay, chương trình mà chúng ta thấy họ đang áp dụng với người dân bản xứ là quá nặng nề.

Nhìn vào những theo dõi toàn bộ sự hình thành những kết quả từ đầu đến cuối của một người học xong đến khi đỗ đạt, ta nhận thấy: Những điều có ích cho cuộc sống của anh ta đọng lại quá ít ỏi. Những kiến thức được coi là tốt đẹp với anh ta khi đi học, qua một thời gian dài đã đọng lại như những kỷ niệm, một thứ kỷ niệm sẽ mờ dần theo năm tháng và rồi nhận ra rằng: những kiến thức đã được nhồi nhét vào óc ta khi còn trẻ như một sự kỳ quặc !

Viết đến đây, tôi nhớ đến người thầy dạy tiếng Pháp cho tôi là ông Đỗ Đức Toại. Ông là thủ khoa khóa học 1890 của trường Thông ngôn ở Yên Phụ. Ông từng là Lý trưởng của làng mình và là một người nông dân hoàn hảo. Ông đã mất . Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến ông !

Ông thủ khoa của khóa học 1892, bây giờ là Chánh Thư ký ngoại ngạch của một cơ quan Nhà nước, cũng đã sắp về hưu. Giờ rảnh, ông làm thêm nghề Đông y. Tôi tin chắc, ông ấy cũng không ngồi viết lại chính tả theo mẫu của năm 1892, và cũng không ngồi làm bốn phép tính, mặc dù trước đây ông ngại nhất môn này.

Chính việc thông qua những người như tôi kể, tôi thấy nhiều người trở thành Quan là nhờ sự đỗ đạt, và tôi phát hiện có những người rất kỳ quặc. Lúc đầu, họ còn quên những kiến thức đã học một cách điệu bộ, nhưng sau này, vì cũng chẳng dùng đến những điều đã học, thậm chí quên cả những từ tiếng Pháp rất thông thường, quên cả cách viết và những phép tính đơn giản nhất. Tôi xin được kể đôi ba trường hợp trên đây để minh họa cho một điều, mà trong thực tế thường gặp nhưng rất ít người để tâm đến, đó là: Trong đời sống hàng ngày của người dân An Nam, có một cái gì đó đã loại trừ khái niệm về khoa học chính xác. Thực tế, ai dám nghi ngờ lợi ích của khoa học chính xác ?!

Đây là một vấn đề cần được xem xét một cách kỹ càng và giải thích rõ hơn. Hôm nay, tôi chỉ đưa ra để chúng ta cùng suy ngẫm.

Những nhà sư phạm người Pháp đã đặt ra chương trình giáo dục ở nước ta, họ cũng đã nhiều lần sửa và hiệu chỉnh, có lẽ họ cũng đi từ nguyên tắc là: đặt con người trước những thực tế của Vũ trụ. Nếu như sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này không thật cần thiết và bổ ích cho cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể quên được mà không hại gì, thì nhân cơ hội này nên sửa lại là tốt nhất.

Cứ theo nguyên tắc này, người ta đang hy vọng sẽ gạt bỏ được những sai lầm và những điều có tính mơ hồ trong giáo dục tiểu học. Tôi nghĩ, quan điểm của tôi, là họ cũng sẽ không thành công ! Ngay như ở Pháp, có khá đông người dân cũng quên rất nhiều những điều họ đã từng học ở trường, kể cả ngôn ngữ mẹ đẻ thông thường mà họ đã truyền đạt cho tất cả các công dân Pháp. Phải chăng, theo tôi, lả vì chương trình giáo dục tiểu học của các nhà sư phạm Pháp quá nặng nề ?!

Theo quan điểm của tôi: Một Quốc gia lý tưởng trong lĩnh vực giáo dục là một nước dạy được cho tất cả các công dân của mình biết đọc, biết viết. Mỗi người đều có khả năng diễn đạt, biết nghe, biết số học và những phép tính tối thiểu đối với các đơn vị đo lường thường dùng trong công việc của mình. Nếu sự giảm thiểu chương trình CEP(Tiểu học) về hai vấn đề này thôi, sẽ giúp cho tất cả mọi người dễ dàng nắm được, hiểu được. Tôi cầu mong như vậy ! Quốc gia nào thực hiện được cách giáo dục tối thiểu này cho đa số nhân dân của mình, theo tôi, đó là Quốc gia văn minh nhất Thế giới!

Những gì còn lại chỉ là thừa đối với 9/10 những người đi học, hoặc còn nhiều hơn thế. Cũng vì lẽ ấy, làm sao giúp người lao động quên bớt đi những khó nhọc (nhất là lao động chân tay) thay vì nhồi sọ cho họ những khái niệm mà sau này, họ không biết để làm gì...?

  
Báo L’Annam Nouveau-Nước Nam mới, số141, 144 và 145 ra ngày 6, 14 và 19.6.1932

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More