Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Một vài trích đoạn trong cuốn Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi

 Bìa cuốn Khuyến Học do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành quý I năm 2008
► "...Cổ nhân có câu: "Dân thì phải tuân theo sự cai trị. Còn cai trị thế nào thì dân không cần phải biết". Câu này có nghĩa là ở trên đời, những người hiểu được đạo lý không nhiều. Chi bằng thiểu số người đó lên nắm chính trị, cai trị nhân dân, bắt dân phải tuần theo chính sách vạch ra là được. Không cần phải thông báo hay giải thích gì cả. Như thế tốt hơn là việc gì cũng phải giải thích, phải cắt nghĩa, mà có giải thích xong, cắt nghĩa xong thì đâu lại vào đấy như nước đổ đầu vịt vậy.

Đây là lời răn dạy của Khổng Tử. Nhưng lời răn này thật là phi lý, hoàn toàn xa rời thực tế.

Người có năng lực để có thể cai trị được dân chúng thật là ít ỏi. Trong cả ngàn người may ra mới có được một người. Giả dụ, dân số của một quốc gia nọ là một triệu người. Trong số đó chỉ có 1 nghìn người có trí thức. 999 nghìn người còn lại là những kẻ một chữ cắn đôi cũng chịu. Cứ cho rằng 1 nghìn người có trí tuệ đó cai trị số dân ngu dốt bằng tất cả lòng yêu thương, chăm bẵm họ như chăm bẵm bầy cừu. Và 999 nghìn người mù chữ này cũng một mực tuân theo lời răn dạy của "cha mẹ dân", sống trong cảnh ngu si hưởng thái bình. Cứ như thế, dần dần quan hệ giữa người cai trị và nhân dân sẽ trở thành quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào chính phủ (chủ nhân). Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng tới vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đã có chủ nhân lo rồi.

Và cũng giả dụ, quốc gia này bị nước ngoài gây hấn, chiến tranh bùng nổ. Và cứ giả thử là không có một người dân nào phản bội, bán mình cho nước ngoài. Vậy thì sự thể sẽ ra sao?

Từ trước tới nay, dân chúng như bầy cừu ngoan ngoãn nghe theo chính phủ và họ cũng chẳng có điều gì phải phàn nàn về chính phủ cả nhưng khi bảo họ phải hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước thì đừng tưởng rằng họ cũng sẽ một mực tuân theo. Tôi chắc rằng phần lớn sẽ tìm cách thoái thác, tìm cách bỏ trốn. Tức là khi có việc đại sự như lúc đất nước lâm nguy thì người dân chỉ biết lo cho sự an toàn của bản thân, không có lòng yêu nưuớc. Và như thế khó mà giữ được sự độc lập cho đất nước..."


► "...Người ta thường nói: "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người". Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.

Loài người, chúa tể của muôn vật, bằng hoạt động trí óc và hoạt động chân tay mà biến mọi thứ có trên thế gian thành vật có ích cho bản thân mình. Nhờ thế mà thỏa mãn được nhu cầu ăn, mặc, ở, sống tự do theo ý muốn và không làm phiền, làm cản trở cuộc sống của đồng loại. Con người có thể sống yên ổn, vui vẻ trên thế gian. Đó là ý Trời, là niềm hi vọng của Trời đối với con người.

Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ ngu độn; giữa người giàu và kẻ nghèo; giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.

Như thế là tại làm sao? Nguyên nhận thực ra rất rõ ràng.

Cuốn sách dạy tu thân "Thự ngữ giáo" có câu: "Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt". Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.

Trên thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó được coi là người quan trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ. Vì thế học giả, quan chức chính phủ, giám đốc các công ty lớn, chủ trang trại sử dụng nhiều nhân công... là những người có địa vị cao, quan trọng. Và một khi đã là những người có địa vị, quan trọng thì đương nhiên gia đình họ cũng giàu sang sung túc đến mức tầng lớp hạ đẳng nằm mơ cũng không được. Tuy vậy, nếu suy nghĩ kỹ lưỡng gốc rễ của vấn đề thì chỉ có một nguyên nhân. Đó chẳng qua là do có chịu khó học hay không mà thôi, chứ có người nào được trời phú đâu. Ngạn ngữ có câu: "Trời không ban cho con người phú quý. Chính con người tạo ra giàu sang phú quý." Có nghĩa là Trời nhìn vào kết quả hoạt động, lao động của con người để ban thưởng.

Như tôi đã đề cập: Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ..."



"...Quan hệ giữa chính phủ và nhân dân, như tôi nói ở đoạn trên, chỉ khác nhau ở tình trạng giàu nghèo, mạnh yếu. Còn quyền lợi thì hoàn toàn ngang nhau. Người nông dân làm ra thóc gạo, nuôi sống con người; người thị dân buôn bán, lưu thông hàng hoá mạng lại sự tiện lợi trong cuộc sống. Đó là công việc của bản thân họ. Mặt khác, chính phủ đặt ra luật lệ, trấn áp kẻ bất lương, bảo vệ dân lành. Đó là công việc phải làm của chính phủ. Để làm việc này, chính phủ cần nhiều tiền. Nhưng chính phủ lại không tự làm ra được lúa gạo, không có tiền nong. Vì thế nông dân và thị dân nộp thuế, nộp thóc, tạo ra nguồn ngân sách cho chính phủ. Hai phía, dân và chính phủ bàn bạc cùng nhau thoả thuận về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên như nêu trên. Quan hệ giữa nhân dân và chính phủ là quan hệ như vậy.

Nộp thóc, đóng thuế, làm theo pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của dân.

Thu đủ thóc, đủ thuế, sử dụng đúng và công khai nguồn tài chính, bảo vệ dân là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính phủ.

Nếu cả hai phía đều thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên như trên đây thì chẳng có gì để mà nói. Vì hai bên, bên nào bên nấy cũng đều làm đúng bổn phận của mình, chính phủ không làm phiền dân và dân cũng không làm phiền chính phủ. Không còn cảnh bị "cùm chân, cùm tay" về tinh thần và vật chất.

(Tuy nhiên) (...) Các lãnh chúa, quan chức chính quyền nghĩ ra đủ trò để tiêu xài, làm cạn kiệt nguồn tài chính. Và để tiếp tục có tiền tiêu xài, họ liền đặt ra đủ loại sắc thuế bắt chẹt dân, buộc dân phải đóng góp. Dân chúng kêu ca, họ nguỵ biện rằng đó là sự "đền ơn, báo đáp đất nước". Cái mà họ goi là "đền ơn, báo đáp đất nước" là gì? Chắc là họ muốn nói rằng nhờ có chính quyền này mà dân chúng mới được sống thanh bình, yên ổn làm ăn, không phải lo sợ kẻ xấu. Thế nhưng lập ra pháp luật, bảo vệ dân chúng giữ gìn an ninh... là công việc, là nghĩa vụ đương nhiên của chính quyền. Không thể coi đó là sự ban ơn, không thể coi đó là lòng tốt để rồi bắt dân phải hàm ơn, không thể coi đó là lòng tốt để rồi bắt dân phải hàm ơn hay báo đáp lại chính quyền. Nếu như chính quyền nghĩ như vậy thì ngược lại người dân sẽ nói rằng: Chính quyền phải hàm ơn dân và báo đáp cho dân mới phải, vì chính quyền sống bằng tiền thuế, tiền thóc lúa do dân đóng, cớ vì sao lại có chuyện ngược đời như thế được?

Thực ra bên nào cũng nhận "ơn" của bên kia. Đó là sự có đi, có lại.

Không có đạo lý nào buộc dân phải hàm ơn chính quyền mà chính quyền lại không cần phải hàm ơn dân cả.

Vì sao tập quán xấu này vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày? Đó là vì chính quyền miệng nói bình đẳng nhưng không hiểu bình đẳng, lợi dụng chênh lệch giàu nghèo, mạnh yếu, sử dụng quyền lực chèn ép quyền lợi của dân lành.

Đã là con người thì phải thường xuyên nhớ rằng: mọi người sinh ra đều bình đẳng về tư cách và quyền lợi. Đây là điều quan trọng nhất. Ở châu Âu, người ta gọi là reciprocity, tức là quan hệ có đi có lại, có tác động lẫn nhau, lợi ích song phương..."





► "....Nhân dân lẫn chính phủ, nếu cả hai phía đều làm trọn bổn phận, trách nhiệm của mình thì chẳng cần phải nói gì thêm cả. Nhưng cũng có những lúc chính phủ đi chệch hướng, thi hành lối chính trị chuyên chế bạo tàn, chạy theo quyền lực vô tri thức. Những lúc như thế, nhân dân buộc phải hành động. Và sẽ hành động theo một trong ba giải pháp như sau. Hoặc từ bỏ khí tiết, khuất phục chính phủ. Hoặc phản kháng chính phủ bằng bạo lực. Hoặc sẵn sàng hiến thân, hy sinh tính mạng chứ không chịu để mất khí tiết. Tôi xin giải thích rõ hơn.

Giải pháp thứ nhất: Nếu chấp nhận vứt bỏ khí tiết, tuân theo chính phủ vô điều kiện thì có thể coi đây là giải pháp mù quáng.

Tôi đã giải thích ở phần trước: Đạo làm người là tuân theo đạo trời. Nếu vất bỏ đạo lý, khí tiết, đồng loã với những sai trái bất chính thì tự chúng ta đã làm hỏng vị thế của cong người, và tập quán xấu đó sẽ truyền tới đời con, đời cháu. 

Từ trước tới nay, ở Nhật Bản có nhiều chính phủ thi hành chế độ chính trị chuyên chế bạo ngược đối với lũ dân ngu muội chúng ta. Nền chính trị bạo ngược sẽ không thể kéo dài mãi được. Biết vậy nhưng lặng thinh chấp nhận cảnh sống cùng cực chỉ vì sợ Tướng quân - Mạc phủ nổi giận và trấn áp. Chính điều này là ví dụ rõ ràng nhất mà tôi phải nói: Nếu nhân dân từ bỏ vị thế của mình thì tương lai bất hạnh sẽ chờ đón chúng ta. 

Giải pháp thứ hai: Cá nhân chống lại chính quyền, là điều không tưởng. Vì thế mà tập hợp nhau, lập nhóm lập đảng gây nên nội chiến, nội loạn. Cách này tôi không cho là cách làm nghiêm túc. Bởi nếu xảy ra nội loạn thì vấn đề phân biệt thiện, ác sẽ bị loại bỏ. Các bên chỉ dựa vào sức mạnh trên chiến trường để giải quyết. Và kẻ thắng sẽ quyết định tất cả. Mà các bạn hãy xem lại lịch sử từ cổ chí kim của Nhật Bản sẽ rõ: dân chúng tay không bao giờ cũng yếu thế hơn chính phủ. Tôi nghĩ thế này, nếu suy nghĩ về nguyên nhân của loạn lạc nội chiến thì rõ ràng do oán hận căm ghét sự vô nhân đạo, không có tình người của tầng lớp cai trị, nên mới dẫn đến xảy ra các cuộc nổi dậy chống đối. Và không có gì vô nhân đạo, không đếm xỉa đến tình người cho bằng nội loạn. Tình người bị chia cắt, cha con, anh em trở thành kẻ thù địch, nhà cửa bị cướp phá, giết chóc lẫn nhau, sự tàn bạo kinh khủng không sao kể xiết. Mà phe thắng có lập ra chính phủ thì có gì đảm bảo chính phủ đó sẽ thực thi một đường hướng chính trị tử tế, vì họ sinh ra trong máu của nội loạn kia mà.

Giải pháp thứ ba: Giữ trọn đạo lý chính nghĩa, sẵn sàng hi sinh mạng sống trước mọi áp bức của chính quyền. Tức là tin tưởng một lòng một dạ vào đạo Trời, dù phải chịu mọi cực hình của chính quyền chuyên chế, bạo ngược cũng không khuất phục, giữ vững khí tiết, bảo vệ chân lý, niềm tin, hơn nữa không bao giờ sử dụng vũ khí bạo lực, chỉ dùng đạo lý để kháng cáo với chính phủ. 

Trong cả ba giải pháp, tôi cho rằng giải pháp thứ ba là thượng sách. Nếu chúng ta chất vấn chính quyền bằng lý lẽ thì những luật pháp tốt hoặc những chính sách tuyệt vời hiện hành trong quốc pháp không bị ảnh hưởng. Thuyết phục bằng lý lẽ, điều đó sẽ thấm dần vào lòng người theo lẽ tự nhiên. Năm nay, thuyết phục chưa được thì sang năm tiếp tục thuyết phục cho tới khi chính quyền hiểu ra. Và mục đích của nó là ngăn chặn và cải thiện bất chính trong chính quyền. Và một khi chính phủ đã chấp thuận cải thiện chính sách thì việc chất vấn chính phủ cũng sẽ chấm dứt.

Nếu chúng ta dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ. Quan chức chính phủ dù có là những kẻ bạo chính thì cũng là người Nhật Bản chúng ta cả. Trước những lời lẽ đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hoà bình và sẵn sàng hi sinh thân mình vì đạo lý đó thì không lẽ không thuyết phục hoặc không làm lay động được các quan chức chính phủ. Tôi nghĩ rằng họ không thể không hối hận về những lầm lỗi, sai trái của họ và sẽ cải tà quy chính..."

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More