Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Phân chia quyền lực: Phân quyền chiều dọc & chính quyền liên bang

PHẦN 2: Phân chia quyền lực theo chiều dọc

Để hiểu về vấn đề này, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu qua các mô hình nhà nước sau [2]

Chính quyền tập trung (Unitary Government): Là mô hình mà toàn bộ quyền lực được được nắm giữ bởi một chính quyền trung tâm cao nhất. Chính quyền trung tâm này lập ra các cơ quan nhỏ hơn ở từng vùng, từng cấp để dễ quản lý. Đất nước sẽ có một bộ Hiến Pháp thống nhất. Thể chế này thường thiên vị một thành phố trung tâm và bỏ qua quyền lợi của các vùng hẻo lánh, nên chỉ hữu dụng đối với những quốc gia nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các chính quyền trên thế giới đều theo dạng này. Nước Anh là một ví dụ điển hình.

Chính quyền liên bang (Federal Government): Là mô hình mà quyền lực được chia ra giữa chính phủ nhà nước và chính phủ từng vùng (bang). Cách phân chia quyền lực có khác biệt theo từng nước, nhưng nhìn chung, chính phủ nhà nước chịu trách nhiệm về những vấn đề lớn như quốc phòng, di trú, xuất nhập khẩu, hộ chiếu, tiền tệ... và chính phủ từng vùng sẽ lo những vấn đề còn lại như giáo dục, y tế, giao thông, cảnh sát, dịch vụ công cộng... [3] Chính phủ từng vùng sẽ có những quyền riêng mà chính phủ nhà nuớc không được phép can thiệp. Mỗi vùng sẽ có một Hiến pháp riêng (không được vi phạm Hiến pháp chung của cả nước), cũng như là có một hệ thống tam quyền phân lập riêng. Úc, Malaysia, Mỹ... là những nước theo thể chế này.

Vậy chính quyền liên bang, với mức tản quyền chiều dọc cao hơn, có những ưu điểm gì so với chính quyền tập trung? [4]

Đầu tiên và quan trọng nhất, chính quyền liên bang ngăn ngừa sự độc tài. Lord Acton, một chính trị gia nổi tiếng người Anh, cho rằng con người vốn dĩ không hoàn hảo. Do đó, không một ai đáng tin để được trao quá nhiều quyền lực. Mô hình thứ hai, quyền lực được tản đều về từng bang, từng địa phương, thành phố và được nắm giữ bởi nhiều cơ quan, cá nhân khác nhau, do đó sẽ khó có thể hình thành một tầng lớp cao cấp, nắm giữ nhiều quyền lực như trong mô hình chính quyền tập trung. Phân quyền chiều dọc cũng hỗ trợ rất tốt cho việc phân quyền chiều ngang, giúp cho việc kiểm soát và cân bằng (check and balance) quyền lực giữa các nhánh trở nên hiệu quả hơn

Thứ hai, mô hình liên bang giúp tiếng nói của người dân có trọng lượng hơn trong những cuộc bỏ phiếu về một đạo luật hay chính sách. Nói cách khác là dân chủ hơn so với mô hình tập trung. Phiếu bầu của một người trong một vùng nhỏ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong một đất nước. 1 trên 100 sẽ mang tính quyết định cao hơn so với 1 trên 10000.

Thứ ba, nhà nước liên bang cung cấp cho người dân thêm một quyền rất quan trọng: quyền lựa chọn chính quyền. Khi nhắc đến dân chủ, người ta thường chỉ nghĩ đến quyền được bỏ phiếu và quyền tự do ngôn luận mà quên mất quyền thứ ba này. Công dân của một nước tập trung, nếu không hài lòng với chính quyền hiện tại cũng có thể chuyển tới một nước khác, tuy nhiên việc này có thể gặp khó khăn nếu những nước đích đến có chính sách di trú ngặt nghèo. Ngược lại, trong nhà nước liên bang, người dân có thể so sánh và di trú dễ dàng giữa các bang. Quá trình so sánh, lựa chọn và di trú từng diễn ra mạnh mẽ ở Úc, đặc biệt vào những năm từ 1980 tới 1990. Trong những năm này, một lượng lớn người dân chuyển từ bang Nam Úc với chính sách ngặt nghèo sang một bang Queensland thông thoáng, mở cửa hơn.

Thứ tư, nhà nước liên bang có chính sách linh hoạt hơn nhà nước tập trung, đáp ứng được quyền lợi của nhiều người dân hơn, đặc biệt đối với những nước rộng lớn, đông dân và đa dạng về tôn giáo, chủng tộc, kinh tế... Lấy một ví dụ dễ hiểu, có 2 vùng bỏ phiếu về việc cấm thuốc lá nơi công cộng. Vùng A có 90 người đồng ý, 10 người phản đối, vùng B có 20 người đồng ý, 80 người phản đối. Như vậy, nếu lệnh cấm được ban bố trên toàn nước, sẽ có 110 người thoả mãn và 90 người bất mãn. Nếu lệnh cấm chỉ được ban hành ở vùng A và không được ban hành ở vùng B, sẽ có 170 người thoả mãn và 30 người bất mãn. Tỷ lệ thoả mãn này còn có thể cao hơn nữa nếu những người hút thuốc ở vùng A chuyển san vùng B sống và ngược lại, người ghét thuốc lá chuyển từ vùng B sang vùng A sống.

Vì vậy, trong nhà nước liên bang, các chính sách sẽ trở nên hài hoà hơn và thoả mãn được nguyện vọng của người dân nhiều hơn, nên không những không gây chia rẽ đất nước mà còn tạo ra được sự thống nhất trong đa dạng (Unity in diversity), đáp ứng được nhu cầu đặc biệt của từng vùng. Vô hình chung tạo nên sự ổn định cho đất nước, tránh được những bất công vùng miền.

Lợi ích thứ năm là việc người dân dễ dàng kiểm soát nhà nước hơn. Lord Bryce, một chính khách nổi tiếng nước Anh cho rằng sự phát triển của Mỹ như ngày nay có phần đóng góp to lớn của việc kiểm soát từng bang từ phía người dân. Trong một bang nhỏ, từng động thái của chính phủ sẽ được người dân theo dõi sát sao hơn, do đó sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Từng có những ý kiến cho rằng nước Úc nên chuyển từ thể chế liên bang sang mô hình tập trung. Giáo sư Cheryl Saunders từ đại học Melbourne cho rằng, không thể chấp nhận việc toàn bộ nước Úc được điều hành từ Canberra. Đối với những nơi gần Canberra như Melbourne hay Sydney thì việc nàycó thể chấp nhận được, còn những vùng xa xôi như Tây Úc,Tasmania hay Queensland sẽ kịch liệt phản đối. Người dân cần một chính phủ độc lập ở gần họ hơn, giải quyết tốt hơn những vấn đề cụ thể của từng vùng và nhiệm vụ của nhà nước là phải đáp ứng được nguyện vọng đó.

Việc chia nhỏ cũng giúp giảm thiểu được chi phí cho việc thanh tra các cơ quan của chính phủ, giảm được tiền thuế của nhân dân.


Thứ sáu, vì mỗi bang có một bộ luật và chính quyền riêng nên tạo điều kiện cho việc thử nghiệm những chính sách mới và khuyến khích sự thi đua giữa các bang. Một chính trị gia sẽ không thể khẳng định chính sách nào là phù hợp nhất. Việc ban hành những chính sách, điều luật khác nhau ở mỗi bang khác nhau giúp chính phủ từng bang dễ dàng so sánh kết quả, từ đó chọn ra con đường phù hợp nhất với bang mình. Điều này cũng giống như việc so sánh giữa Đông Đức và Tây Đức trong quá khứ. Trong khi Đông Đức chọn chế độ Cộng Sản với mô hình tập trung thì Tây Đức chọn mô hình liên bang. Sự phát triển vượt trội của Tây Đức và sự nghèo nàn của Đông Đức đã dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin vào năm 1989, nước Đức thống nhất và quyết định chọn mô hình liên bang, mô hình đã góp phần tạo nên sự thành công của Tây Đức trong quá khứ.


Tuy nhiên, mô hình liên bang cũng tồn tại những hạn chế nhất định như việc trùng lặp chức năng giữa các cơ quan địa phương và cơ quan nhà nước, tranh cãi giữa quyền lợi quốc gia và quyền lợi từng bang, phức tạp trong hệ thống pháp luật và tốn kém thời gian, công sức trong quá trình tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bang...

TIỂU KẾT

Tóm lại, không có mô hình nhà nước nào là hoàn hảo. Dù có những khuyết điểm nhưng đối với những nước có diện tích và dân số lớn, mô hình nhà nước liên bang có thể đem lại một chế độ tản quyền tốt hơn, dân chủ và ổn định hơn. Những nước thành công trong việc xây dựng nhà nước liên bang giàu có gồm có Úc, Đức, Mỹ, Canada và Thụy Sỹ. Tuy nhiên, cũng không ít nước gặp thất bại trong quá trình xây dựng chế độ liên bang, Cộng hoà Liên bang Trung Mỹ sau 20 năm thành lập đã tan rã thành những bang độc lập. Những nước khác như Argentina và Mexico đã có sự chuyển đổi qua lại giữa chính quyền liên bang và chính quyền tập trung, và sau cùng chọn chính quyền liên bang. [4]


KẾT

Thực hiện cùng lúc phân quyền chiều ngang và chiều dọc giúp quyền lực được tản đều, ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền và tạo được cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước một cách rất chặt chẽ. Qua đó, những quyền lợi của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử và quyền lựa chọn được bảo đảm, là biểu hiện tối cao của một đất nước dân chủ, văn minh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Khoa luật đại học Quốc gia Hà Nội, Hiến Pháp Việt Nam vào năm 1946 đã có những biểu hiện của cơ chế phân công và giám sát quyền lực. Kể từ Hiến pháp năm 1959 trở đi, học tập theo mô hình của Xô Viết, Hiến Pháp Việt Nam chuyển sang nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền lực được dồn vào các cơ quan ở trung ương, trong đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt Nam (điều 83 Hiến Pháp 1992). Tuy nhiên, cả phương diện pháp lý cũng như thực tế không diễn ra đúng như quy định ở Điều 83, vì tại Điều 4 của Hiến Pháp năm 1992 lại quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. [5]

Tiến sĩ cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu, kế thừa và ứng dụng cơ chế phân quyền và giám sát quyền lực đã có từ Hiến Pháp 1946 và những giá trị của cơ chế phân quyền trong Luật cơ bản của Cộng hoà Liên bang Đức (một trong những nước có kiến trúc thượng tầng tiến bộ bậc nhất thế giới) vào việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay.

Nguồn: Wegreen Vietnam

_________________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:

[1] Teaching the German Way of Separating Powers – Joachim Detjen
[2] Advantages and disadvantages of federal, confederate and unitary systems of Government - http://www.dsusd.k12.ca.us/users/scottsh/Govt/Advantagesdisadvantages%20federal.htm
[3] Three Levels of Government – www.parliament.qld.gove.au
[4] Ten Advantages of a Federal Constitution – Geoffrey de Q.Walker
[5] Phân quyền trong luật cơ bản Cộng hoà Liên bang Đức – Nguyễn Minh Tuấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More