"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người" - Fukuzawa Yukichi
"Thích điều nhân mà không thích học thành ra người ngu, thích mưu lược mà không thích học thành ra người tặc, thích điều thẳng mà không thích học thành ra người giảo, thích đức dũng mà không thích học thành ra người loạn, thích cương cường mà không thích học thành ra người cuồng!" - Khổng Tử
"Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự bạo ngược bất công là soi sáng đến hết mức có thể tâm trí của quần chúng và đặc biệt là cho họ tri thức và sự thật." - Thomas Jefferson
"Hòa bình không có nghĩa là hết xung đột; sự khác biệt luôn hiện diện trong quan hệ giữa người và người. Hòa bình là giải quyết sự khác biết đó thông qua những phương pháp ôn hòa; bằng đối thoại, giáo dục, sự hiểu biết; và bằng những cách thức khác mang tính nhân bản." - Dalai Lama

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Immanuel Kant: Thế nào là giác ngộ?

 Immanuel Kant (1724-1804)
\Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Không trưởng thành là không có khả năng tự mình dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người đỡ đầu. Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán cũng như thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho. Tiếng Latin nói: Sapere aude!có nghĩa “Hãy dũng cảm đem trí năng mình ra dùng!”- thì đó cũng là phương châm của giác ngộ.

Lười và hèn là nguyên nhân khiến cho vô số con người ngay cả khi đã thoát từ lâu khỏi những dắt dẫn tự bên ngoài mà rồi cả đời vẫn cứ cam chịu cảnh lệ thuộc, và đó cũng là nguyên nhân để kẻ khác dễ dàng tự phong cho họ chức lính canh. Sống phụ thuộc như vậy bao giờ cũng thật dễ chịu. Có sách để sách hiểu biết hộ mình, có mục sư để mục sư lo ý thức cho mình, có thầy thuốc để thầy thuốc quyết định cách ăn cách nhịn cho mình, cứ như thế, và chẳng có gì đáng lo sợ hết. Chẳng cần suy nghĩ, chỉ cần bỏ tiền ra, mọi người sẽ làm mọi điều vớ vẩn hộ ta.

Những ông bảo vệ vốn đã ưu ái nẫng lấy cho mình công việc đỡ đầu sớm muộn sẽ thấy rằng phần đông con người (kể cả chị em phái đẹp) thường coi sự trưởng thành là một con đường không những khó khăn mà còn vô cùng nguy hiểm. Mới đầu các ông bảo vệ làm cho đàn gia súc biết ngoan ngoãn nghe lời và đoan chắc rằng chúng chẳng dám làm một điều cỏn con nào mà lại thiếu cái ách kéo xe chòng cổ, sau đó các ông bảo vệ sẽ chỉ cho chúng thấy mối hiểm nguy một khi chúng định tìm cách thoát ra để một mình đi đó đi đây. Song thực ra thì mối hiểm nguy đâu có lớn, vì chỉ cần thoát ra vài bận là chúng liền học được ngay cách tự đi một mình. Nhưng chỉ cần một lần sảy chân là sẽ khiến chúng trở nên nhút nhát và thường làm cho chúng tránh xa mọi lần thử sức sau này.

Vậy là, thật vô cùng khó khăn cho một cá nhân khi định thoát ra khỏi cách sống không có người đỡ đầu, cái cung cách hầu như đã thành bản chất của mình. Anh ta đã quen đến mức đem lòng yêu tình trạng của mình, và giờ đây anh ta thực sự không có khả năng đem dùng trí năng của mình, vì chưa từng có một ai cho phép anh ta thử làm điều ấy. Những xiềng xích của một sự bảo trợ mãi mãi kéo dài đó là các lệ luật và công thức, những thứ công cụ cứng quèo của cách sử dụng hợp lý (hoặc đúng hơn là cách không biết sử dụng) các năng lực thiên bẩm của mình. Có ai xua đuổi anh ta thì cũng chỉ khiến anh ngỡ ngàng nhảy qua một cái rãnh, vì anh ta chưa bao giờ quen với cách chuyển động tự do như thế. Thế là, có thật ít người thành công khi tự mình suy nghĩ để giải phòng mình khỏi sự bất lực và có được một bước đường chắc chắn.

Có nhiều khả năng mọi người tự giác ngộ được chính mình. Điều này thực ra gần như không tránh khỏi nếu con người được tự do. Bởi vì bao giờ thì cũng vẫn còn một nhóm người ít ỏi suy nghĩ cho chính mình, thậm chí đó là những người nằm ngay trong đám bảo vệ canh giữ đám đông. Những ông bảo vệ đó, một khi chính họ quăng đi được cái ách của sự không trưởng thành, sẽ truyền bá cái tinh thần kính trọng hợp lý đối với giá trị cá nhân và với cái nhiệm vụ mỗi con người phải tư duy cho chính mình. Điều đáng chú ý ở đây là, nếu như quần chúng, những người trước đây đã bị bọn lính gác chòng cái ách lên vai họ, nay lại đủ sức bị khuấy động bởi vài ba ông lính canh không có khả năng giác ngộ, khi ấy hệ quả sẽ là họ sẽ cầm giữ được các ông lính gác dưới chòng ách. Vì truyền bá các định kiến thật rất tai hại, cuối cùng chúng sẽ quật lại vào đầu chính những con người đã khuyến khích các định kiến (hoặc những kẻ trước đó đã từng làm như vậy). Và thế là mọi người chỉ có thể được giác ngộ từ từ. Một cuộc cách mạng rất có thể lật đổ một nền chuyên chế cá nhân hoặc một sự áp bức tham lam hoặc bạo hành, nhưng sự thay đổi như vậy không khi nào tạo ra một sự đổi mới đích thực về cung cách tư duy. Hơn nữa, những định kiến mới sẽ lại được dùng như cũ để đóng ách lên đám đông quần chúng chẳng có tư duy gì hết.

Để thực sự được giác ngộ thì chẳng đòi hỏi gì ngoài sự tự do, và đó là cái tự do vô hại nhất trong những thứ có thể công khai đem dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề. Nhưng tôi đang nghe thấy khắp bốn phương đang la lên “Không lý sự gì hết!” Ông sĩ quan nói: “Không lý sự gì hết, luyện kỹ năng đi!” Ông thu thuế nói: “Không lý sự gì hết, nộp tiền đi!” Ông thầy tu nói: “Không lý sự gì hết, hãy tin đi!” Chỉ có một ông hoàng trên thế giới này nói rằng “Tha hồ mà lý sự đi, hãy lý sự đủ mọi chuyện đi, nhưng hãy phục tòng!”

Khắp nơi nơi, đâu đâu tự do cũng bị bớt xén. Nhưng đâu là chỗ bớt xén làm cản trở sự giác ngộ và đâu là chỗ bớt xén nhưng không cản trở mà lại còn thúc đẩy sự giác ngộ? Tôi cho rằng, bao giờ cũng phải tự do công khai đem dùng trí năng, và chỉ riêng điều đó cũng đem lại được sự giác ngộ đến cho con người. Còn nếu trí năng được đem dùng riêng tư thường khi có thể rất hạn hẹp song cũng chẳng cản trở tiến trình giác ngộ. Tôi quan niệm rằng, công khai đem dùng trí năng là như trong trường hợp người có học đối với những người biết đọc sách. Còn tôi quan niệm dùng trí năng riêng tư là khi dùng trên cương vị riêng của mình hoặc trong văn phòng của mình.

Có nhiều vụ việc tiến hành vì quyền lợi của cộng đồng đòi hỏi phải có một cơ chế để những thành viên cộng đồng chỉ cần thực thi thụ động với một bề ngoài nhất trí, sao cho chính phủ có thể dắt dẫn tất cả đến cái đích cuối cùng, hoặc chí ít là ngăn cản để không làm tổn hại những mục đích tối hậu kia. Trong những trường hợp này, hẳn là không được phép lý sự – mọi người ai cũng phải phục tùng. Thế nhưng chừng nào một cá nhân còn vận hành như một bộ phận của cỗ máy lại cũng tự coi mình như một thành viên của cả khối cộng đồng hoặc thậm chí của một xã hội công dân thế giới, và khi ấy, với tư cách người có học, qua các bài viết của mình anh ta sẽ hướng tới quần chúng (theo ý nghĩa đúng đắn nhất), khi đó anh ta có thể bàn bạc lý sự mà không làm tổn thương gì đến công việc anh ta được thuê làm trong cái thời gian anh ta hoạt động trong tư cách thành viên thụ động của mình.

Vậy là sẽ có tác hại khi một viên sĩ quan đang hành nhiệm mà khi nhận mệnh lệnh của cấp trên lại bàn tán lý sự về tính đúng đắn hoặc tính hữu ích của mệnh lệnh ấy; ông ta chỉ có quyền phục tùng thôi. Nhưng thật hợp lý khi không cấm anh ta với tư cách con người có học được đưa ra những nhận xét về những sai lầm trong việc quân và đưa những chuyện đó ra cho quần chúng phán xét. Người công dân cũng không thể từ chối nghĩa vụ đóng thuế; những lời phê phán táo tợn về các khoản thuế má mà anh ta phải nộp có thể bị trừng trị vì coi như là sự xúc phạm khả dĩ dẫn tới sự bất phục tòng của đông đảo mọi người. Song cũng con người ấy vẫn làm đúng nghĩa vụ công dân của mình một khi trong tư cách con người có học anh ta nói công khai các tư tưởng của mình về sự không đúng đắn hoặc thậm chí về sự bất công của những biện pháp thu thuế ấy.

Tương tự như vậy, người giáo sĩ có bổn phận rao giảng trước học trò và giáo dân của mình theo đúng những giáo thuyết Nhà thờ ông ta phụng sự, bởi vì ông ta được thuê làm việc đó theo những điều khoản đó. Thế nhưng, với tư cách người có học, ông ta hoàn toàn tự do và cũng hoàn toàn bị buộc phải chia sẻ với quần chúng mọi suy tư chín chắn và thiện chí về những điều còn lệch lạc trong các giáo thuyết kia nhằm tổ chức tốt hơn việc đạo và giáo dân. Và làm như vậy thì chẳng có gì khiến lương tâm ông ta áy náy hết. Vì những điều ông ta rao giảng được xem như là hệ quả của công việc với tư cách là đại diện của Nhà thờ, và ông không có quyền muốn rao giảng ra sao mặc lòng; đó là công việc ông được thuê làm theo cách được quy định sẵn và tiến hành nhân danh một ai khác. Ông ta sẽ nói: “Nhà thờ của ta dạy điều này điều nọ, và đây là những lý lẽ được dùng để biện hộ chúng.” Sau đó, ông ta sẽ trình ra càng nhiều giá trị thực tiễn càng tốt cho dân xứ đạo mình theo, nhưng lại là những tín điều ông hoàn toàn không thực lòng tin nhưng lại chưa khi nào trình bày ra cho rành rẽ rằng thực sự những điều đó khó có thể chứa đựng chút chân lý nào. Xét cho cùng thì chẳng thấy có gì là ngược lại với bản chất của tôn giáo trong các giáo thuyết đó. Vì nếu viên giáo sĩ nhận ra trong đó chút gì nghịch lại như vậy, thì hẳn ông ta chẳng thể nào yên lòng chịu chức và hành nghề, và hẳn sẽ xin từ nhiệm. Do đó, nếu có ai dùng cách của ông giáo sĩ để bàn cãi lý sự trước các giáo dân thì đó cũng chỉ là thuần tuý riêng tư, vì dù có đông đúc tới đâu thì đám giáo dân cũng chẳng khi nào khác một cuộc tập hợp kiểu gặp gỡ trong nhà. Nhìn nhận theo cách đó, vị giáo sĩ không hề và không thể tự do với tư cách giáo sĩ, chỉ vì ông ta hoạt động theo quy định tự bên ngoài. Ngược lại, với tư cách người trí thức qua các bài viết của mình mà nói với đám quần chúng thực thụ (tức là với toàn thể mọi người), người giáo sĩ phô bầy công khai trí năng của mình, và khi đó ông ta có được sự tự do vô hạn độ đem trí năng của riêng mình lên tiếng nhân danh chính mình. Thật là một điều ngu xuẩn nếu giữ rịt các ông lính gác tâm linh nhân dân trong tình trạng không trưởng thành, điều đó rốt cuộc lại làm cho những điều ngu xuẩn được thường xuyên tồn tại.

Thế nhưng liệu có chăng một cộng đồng giáo sĩ, chẳng hạn như hội đồng nhà thờ hoặc một chủng viện danh tiếng (kiểu như ở Hà Lan) có quyền đứng tên tuyên thệ trước một hệ giáo lý vững chãi nhằm giữ cho thời nào cũng có được quyền bề trên đỡ đầu mọi thành viên của mình và thông qua đó duy trì quyền lực bảo hộ đến tất cả mọi người? Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không thể có được. Một hợp đồng dạng đó nhằm vĩnh viễn ngăn chặn mọi khả năng giác ngộ mai sau của nhân loại, đó là điều tuyệt đối không có giá trị ngay cả khi nó được thông qua bởi các cơ quan quyền lực tối cao, các nghị viện, hoặc các hoà ước ký kết trịnh trọng nhất. Một thế hệ này không thể tuyên thệ gia nhập một liên minh để rồi một thế hệ khác bị rơi vào tình trạng không có khả năng mở rộng hoặc điều chỉnh sự hiểu biết của mình, sửa chữa sai lầm và đi con đường tiến dần đến giác ngộ. Làm như vậy có thể coi là một tội ác chống lại bản chất con người, cái bản chất ngay từ khởi nguyên đã chỉ có một nhiệm vụ là tiến đến sự giác ngộ. Những thế hệ mai sau do đó hoàn toàn có quyền khước từ những thoả thuận coi như là không được phép hoặc như là tội ác.

Muốn đo xem liệu một giải pháp riêng biệt nào đó có thể thành luật đem áp dụng cho mọi người, chúng ta chỉ cần nêu câu hỏi là liệu nhân dân có định áp đặt chính giải pháp đó cho họ hay không. Nếu đó là nhằm cho một giai đoạn ngắn định đưa ra một trật tự nào đó trong lúc chờ đợi có một giải pháp tốt hơn, thì rất có thể đưa ra giải pháp áp đặt lắm. Điều này cũng hàm nghĩa là từng công dân, nhất là người giáo sĩ, với tư cách người có học, cần được quyền tự do nêu ý kiến công khai, thí dụ như trong các bài viết, nói lên những điều bất cập của các thiết chế đang tồn tại. Đồng thời, cái trật tự mới xác lập cũng phải được tiếp tục cho tới khi có sự thức tỉnh của quần chúng về bản chất các vấn đề đang diễn tiến đó và đủ độ để chứng minh được là có sự tán đồng rộng rãi (nếu không phải là đồng ý trăm phần trăm), khi đó một kiến nghị có thể được trình lên nhà vua. Làm như vậy thì sẽ bảo vệ được những cộng đồng giáo dân đã đồng ý chẳng hạn như thay đổi thiết chế tôn giáo của họ theo các quan điểm nhận thức cao hơn của họ, đồng thời cũng vẫn không ngăn chặn những ai muốn duy trì sự vật như cũ. Nhưng cũng tuyệt đối không cho phép dù chỉ trong thời gian ngắn đồng ý với một thể chế tôn giáo thường trực mà không một ai có quyền tra vấn công khai. Vì như vậy thì trên thực tế sẽ vô hiệu hoá một chặng đường tiến lên của con người, làm cho nó không sinh kết quả nữa, thậm chí làm hại đến nhiều thế hệ về sau. Con người có thể trì hoãn giác ngộ những vấn đề anh ta cần nhận biết cho mình và trong một giai đoạn không hạn định, nhưng nếu khước từ hoàn toàn sự giác ngộ đó, dù là cho bản thân hoặc cho những thế hệ sau, có nghĩa là vi phạm và chà đạp những quyền năng thiêng liêng của nhân loại. Thế nhưng, có cái gì đó con người thậm chí không thể tự áp đặt cho mình thì lại càng không thể để cho một đấng chuyên chế áp đặt; bởi vì uy quyền về lập pháp của nhà vua hoàn toàn lệ thuộc vào sự hoà làm một giữa ngài với nguyện vọng chung của đám dân của ngài. Chừng nào ngài còn thấy đó hoàn toàn là chân lý hoặc ngài hình dung ra những điều cải thiện phù hợp với trật tự của người dân, thì ngài có thể hoặc là để cho thần dân mình làm mọi điều họ thấy là cần thiết nhằm cứu vớt chính họ, không coi đấy là việc riêng của nhà vua. Nhưng nhà vua lại có nhiệm vụ phải chặn lại bất kỳ ai cố tình ngăn chặn kẻ khác đang gắng sức xác định và nâng cao khả năng cứu rỗi chính họ. Nhà vua thực ra sẽ bớt giá trị một khi can thiệp vào các việc này và cứ bị lệ thuộc vào những điều thần dân viết ra để nói rõ các ý tưởng về tôn giáo cho bề trên xét. Nhà vua có thể làm điều này khi nhận chân ý nghĩa câu châm ngôn “Đấng tối thượng thì cũng không đứng trên luật lệ” (Caesar non est supra grammaticos). Song nhà vua sẽ chỉ làm mất uy danh mình khi ngài ủng hộ sự chuyên chế về tinh thần cuả vài ba tên bạo chúa chống lại đám thần dân còn lại.

Nếu có ai hỏi chúng ta “Hiện nay chúng ta có đang sống trong một thời đem lại cho con người sự giác ngộ?”, thì câu trả lời là “Không”, nhưng chính là chúng ta lại đang sống trong một thời khai sáng. Giờ đây, chúng ta còn xa mới đến chỗ mọi con người có đủ khả năng (hoặc có thể có được khả năng) dùng trí năng của mình một cách đúng đắn và tự tin vào những vấn đề tôn giáo mà không cần người chỉ bảo. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ số khác cho thấy rõ ràng rằng con người có thể tự do tiến lên theo hướng đó, và ngày càng ít đi những trở ngại để đạt tới sự giác ngộ đầy đủ, tức là tới chỗ con người thoát ra khỏi tư thế kẻ không trưởng thành. Về phương diện này, thời đại chúng ta là thời khai sáng, thế kỷ của hoàng đế Frederick.

Một ông hoàng không thấy rằng mình không xứng đáng có nghĩa vụ không áp đặt gì hết cho mọi người về những vấn đề tôn giáo mà trao cho họ trọn vẹn tự do, một ông hoàng khi đó thậm chí không nhận rằng mình là kẻ khoan dung, thì đó là một con người đã giác ngộ và đáng được thế giới và hậu thế biết ơn như là kẻ đầu tiên giải phóng nhân loại khỏi trạng thái không trưởng thành và để cho mọi con người tự do dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề thuộc ý thức của họ. Dưới sự trị vì của ông hoàng đó, các chức sắc nhà thờ, bất kể chức vị nào, với tư cách là người có học, có thể tự do và công khai để cho mọi người đánh giá các nhận định và ý kiến của mình, kể cả khi nơi này nơi khác việc làm có chệch hướng so với giáo thuyết chính thống. Điều này lại càng áp dụng được mạnh hơn với mọi người không kể chức trách nào. Tư tưởng tự do này sẽ vượt xa hơn mảnh đất này, thậm chí đến cả những nơi nó phải đấu tranh chống lại những cản trở áp đặt bởi những chính phủ nào vẫn còn hiểu sai chức năng của họ. Vì chỉ thấy một cái mẫu là đủ để mở mắt cho các chính phủ kia thấy rằng tự do là có thật và là nguyên nhân của thanh bình, ổn định của cả cộng đồng. Con người sẽ tự mình dần dần thoát ra khỏi sự mông muội một khi những điều giả tạo cố tình không còn kìm giữ họ lại được trong vòng mông muội đó nữa.

Tôi lấy tiêu điểm là các vấn đề tôn giáo để nói về sự giác ngộ, tức là vấn đề con người thoát ra khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Sở dĩ làm như vậy trước hết là vì các nhà cầm quyền của ta không chú ý đến việc giữ vai trò lính canh thần dân đối với những vấn đề hiện đang được khoa học và nghệ thuật quan tâm, và sau đó là vì sự không trưởng thành về tôn giáo là thứ nguy hiểm chết người và làm ô danh con người nhất hạng. Nhưng thái độ tư duy của người nguyên thủ quốc gia ủng hộ tự do cho nghệ thuật và khoa học còn mở rộng đi xa hơn nữa, vì ông ta thấy rằng chẳng có gì nguy hiểm ngay cả cho quyền hành của mình khi ông ta cho thần dân có quyền công khai sử dụng trí năng của họ để đưa ra trước quần chúng các tư tưởng của mình về những cung cách làm luật pháp tốt hơn, ngay cả khi đó sẽ có những lời phê phán trực diện đối với luật pháp hiện thời. Trước mặt chúng ta là một mẫu mực về chuyện đó, chuyện không một nhà cầm quyền chuyên chế nào có thể vượt xa hơn đấng quân vương chúng ta đang trọng vọng.

Nhưng chỉ khi nào một người cầm quyền tự mình đã giác ngộ và chẳng sợ gì ma quỉ và trong tay vẫn có vô vàn quân sĩ nghiêm minh để bảo đảm an ninh công cộng, chỉ người đó mới có khả năng cất lời nói rằng: Hãy lý sự bao nhiêu tuỳ thích và lý sự mọi điều tuỳ ý, nhưng hãy phục tòng! Không một nền cộng hoà nào dám cả gan nói năng như vậy. Điều này cho chúng ta thấy một cái mẫu kỳ quặc và bất ngờ về những xu thế trong mọi việc của con người mà nhìn rộng ra ta chỉ có thể nói đó là những gì thật nghịch lý. Một trình độ tự do cao hơn cho mọi công dân có lợi cho tự do tư tưởng của mọi con người mặc dù vẫn có những rào cản không ai vượt nổi. Ngược lại, một trình độ tự do thấp cũng vẫn đem lại cho từng đầu óc cá nhân mở rộng hết cỡ khả năng của từng người. Và một khi cái mầm mang tính bản chất người này vẫn nảy nở bên trong cái vỏ cứng, thì nó vẫn dần dần tác động lên tính cách tư duy của mọi người, rồi sau đó dần dần đủ sức sử dụng cái tự do của họ. Cuối cùng, điều đó tác động lên các nguyên tắc cai trị, chính quyền sẽ thấy ở đó mối lợi khi cư xử với con người theo cung cách phù hợp với tư cách người, không phải cỗ máy.

Immanuel Kant (1784)
Phạm Toàn (dịch)

Phan Bội Châu: Thời thế và anh hùng

    …Có một hạng người sợ chết (1). Cái sợ chết ấy không phải là thật sợ chết. Các người ấy vốn là bậc cảm tử, vì đó mà sinh ra lòng sợ chết. Như nước Hàn mất Trương Lương, có thể chết, nhưng không chết. Tử Cử chết, Quản Trọng có thể chết, nhưng không chết. Về sau phá được Tần, Diệt được Sở, dẹp được rợ địch, tôn được nhà Chu, há chẳng phải làm được sự nghiệp diệu kì đó sao! Các người ấy sợ chết, các người ấy vốn sợ nếu mình chết đi, thì không biết lấy ai để thành cái chí của mình, lo công việc của mình. Các người ấy có phải tiếc cái sinh mạng cá nhân của các người mà để cho bọn trẻ con sau này mượn cớ bình phẩm đâu! Nhưng xét đến cội nguồn tâm sự của các người ấy, không phải hạng người với con mắt tầm thường mà trông thấy được. Đấy là những bậc anh hùng sợ chết vậy.

    Phàm là mọi việc trong thiên hạ đều không đương nổi một chữ Thời. Thời chưa đến mà vội làm là trái trời; thời đã đến mà không làm là khinh trời. Trái trời là trái thời; khinh trời là khinh thời. Trải xem các đời trước, do trái thời mà hòng, do khinh thời mà mất, không thể kể xiết. Các người ấy hiểu thấu lẽ đó, nên không dám trái, không dám khinh, các người đó cứ làm theo thời. Nhưng vin vào cớ ấy để mà đi hoài, trái với “thời thế”, thì đấy cũng là việc cực chẳng đã của các bậc thánh hiền chứ đâu phải là bản tâm của thánh hiền! Thánh hiền như Khổng Mạnh mà gặp phải thời Xuân Thu, Chiến Quốc thì sao? Mạnh như Quan Võ, Trương Phi mà gặp phải thời Đông Ngô, Bắc Ngụy thì sao? Nhưng thời thế không cho phép, thì cũng không làm gì được. Đấy là những bậc anh hùng chờ thời vậy.

    Nói rằng, cần phải làm thay đổi thời thế, như vậy không phải là trái thời hay khinh thời. Đấy là biết trước được thời thế mà lo liệu vậy. Hễ đại hạn lâu thì tất phải có mưa rào; giá rét lâu thì tất phải có nắng ấm, các người biết được lí nó phải như vậy, cho nên những việc làm của các người đó là thủ đoạn mặt sau. Tuy công việc các người ấy làm, chưa hẳn đều hay cả. Nhưng biết ngăn ngừa lo xa từ cái nhỏ nhất, thì người sau được hưởng lợi, được nên việc, người sau đều nhờ ơn những người ấy cả. Đấy là những bậc anh hùng thay đổi thời thế vậy.

    Sông bề nêu lạ, non núi nhóm thiêng mà đúc nên một hạng người khác hẳn người thường, sinh ra đã hiểu biết, theo nghĩa vụ mà gắng sức làm, đấy không phải là hạng người tầm thường ti tiện. Đấy vốn là trời phú tính, đất đúc hình, cho nên công việc của mỗi người ấy làm, không pha tạp với người thường, khác hẳn với người thường, không nhờ ở người, mà nên ở trời. Đấy là do khí thiêng của non song, phúc ấm của nước nhà. Thiên hạ sắp loạn, ắt có hạng người ấy; trong nghìn muôn người mới có một người, không phải có nhiều. Đấy là những bậc anh hùng trời gây nên vậy.

    Có một hạng người, giống như điên mà không phải là điên, giống như kì lạ mà không phải là kì lạ, tính cách họ không có gì khác với người bình thường. Nhưng trong khi cố gắng học hỏi, dần dần biến đổi được khí chất đi đến chỗ khả quan. Và cứ thế học mãi, họ có thể tiến đến được địa vị thánh hiền. Họ cố gắng học hành mãi, mãi mãi không thôi, thì tinh thần và thể chất đều thay đổi và trở thành một hạng người rất tốt, gánh vác nổi việc lớn. Muôn dặm phong hầu, buông hết bút nghiên thường tục, ra tay mẫn cán, đạt nhiều công tích. Đấy là những bậc anh hùng do sức người gây nên vậy.

    Mấy hạng người nói trên đây, không hạng nào giống hạng nào. Tuy vậy nếu có được những biểu hiện của một hạng nào trong số đó, cũng đã là có mầm mống của người anh hùng.

    Từ khi đạo học của thánh nhân không sáng, nhân tài không như xưa, khí lực đã hèn, óc não lại mỏng. Vua thì không biết nuôi dưỡng, thầy thì không biết dạy bảo. Vì thế mà con người ta đã như một hình nộm gỗ, một tượng đất, chỉ có khác hơn là biết ăn uống, nói năng đi đứng vận động được mà thôi!

    Than ôi! Cũng đồng tai mắt ấy, cũng đồng râu mày ấy, ai làm hỏng tâm địa của các người? Ai làm hại tính tình của các người? Há lẽ khí số đã hết, non sông không thiêng? Thi thư là thứ làm cho ngu dốt, trung hiếu là vật quái dị? Hay là tự giữ, tự bỏ, tự phá, tự hại, tự mình làm hư lấy mình, để đến nỗi như thế? Thương ôi! Thương ôi! Nói đến mà đau lòng, nói đến mà tủi hổ!

    Than ôi! Hồn dân nước ta bây giờ ở đâu, sao không mở mắt mà xem các người ngoài vì sao mà mạnh, vì sao mà yếu, vì sao mà còn, vì sao mà mất? Cờ cao, gương sáng đã treo ở trước mắt. Sở dĩ thế là do trong nước có bậc hanh hùng hay không có vậy! Ví như một nhà, cha là anh hùng, con là anh hùng, anh em đều là anh hùng, thì nhà ấy há lại không thành một nhà anh hùng hay sao? Ví như một làng, người sang anh hùng, người hèn anh hùng, người này anh hùng, người kia anh hùng, thì làng ấy há lại không thành một làng anh hùng hay sao? Một nước có anh hùng hay không, cũng là do nhân dân trong nước ấy có anh hùng hay không mà thôi. Nhân dân trong một nước đều đã anh hùng rồi, mà nước ấy còn dã man thấp hèn, là điều chưa từng có vậy.

    Có người hỏi rằng: Anh hùng có thể làm được không?

    Tôi cười mà đáp rằng: Anh hùng cũng không phải là việc gì kì quái lắm. Muốn làm anh hùng thì được anh hùng thôi. Leo núi thì có thể đến đỉnh, đào giếng thì có thể đến mạch nước. Ngày xưa Thành Gián bảo Tề Cảnh rằng: “Kẻ kia là trượng phu, ta đây cũng trượng phu, sao ta lại phải sợ kẻ kia!” Nhan Tử nói rằng: “Vua Thuấn là người, ta cũng là người, có làm ra thì cũng như thế!” Mạnh Tử cũng bảo rằng: “Mặc đồ của vua Nghiêu, nói lời nói của vua Nghiêu, làm việc làm của vua Nghiêu, thì cũng là vua Nghiêu mà thôi vậy!” Không phải tôi đây cố ý nói khoác lác. Từ xưa người ta đã nói rồi, các người cũng đã đọc mà quên đi mất đấy thôi.

    Lại có người hỏi: Đến như cái thuật làm anh hùng thì phải thế nào?

    Tôi cười mà đáp rằng: Các người muốn làm anh hùng, thì cũng cần phải xem hoàn cảnh nước mình và xem thời thế như thế nào đã. Nước Việt Nam ngày nay, nói về nước, thì còn trong tình trạng lạc hậu, yếu hèn, một nước mang đầy căn tính nô lệ, bàn suông bỏ việc. Nói về thời, thì đương ở cái thời chết đói, thời tuyệt chủng, thời ghen ghét, lăng nhục, cừu địch lẫn nhau. Nay ai cũng có thể cùng với nước thay đổi thời thế được, thì đấy là anh hùng chả có gì là kì lạ, là quái gở cả! Nhưng mà các người sở dĩ không làm được anh hùng cũng có lí do. Các người chỉ là một khối thịt sống, ù ù cạc cạc không biết cái gì. Kẻ giàu sang, ăn mặc thừa thãi, còn khổ gì mà làm? Kẻ đói khổ, khốn đốn về ăn mặc, thì vui gì mà làm? Kẻ già lão, chỉ thiếu cái chết, thân phận xong rồi, làm để làm gì? Kẻ trẻ nhỏ còn muốn lớn lên, thích gì việc chui đầu vào nơi gươm giáo, chỉ ngồi mà trách cứ lẫn nhau, trong mong lẫn nhau mà thôi. Giáp thì trông Ất, Bính lại trông Đinh, người này trách người kia, người kia trách người nọ. Năm nay chưa thấy thì trông năm sau, năm sau chưa thấy lại trông năm sau nữa. Người này bảo cơ trời, người kia bảo vận nước, cũng như là cả bọn đều đui điếc, mù mịt chả biết cái gì. Đến khi trách cùng vọng tuyệt, muốn làm mà không có thời mà làm, muốn làm mà không có thế để làm, đến nỗi cùng dắt díu xô đầy nhau xuống hố cả một lũ, một đoàn: Nào là giàu sang, đói khổ, trẻ già, trai gái đến thời vận đó, cùng gặp nhau ở dưới suối vàng, nhắc lại chuyện cũ, không biết các người có mở miệng cười cùng nhau được không? Nhưng người nước ta thì chắc là không chịu như thế được. Các người chưa nghĩ kĩ đấy thôi. Nay tôi xin nghĩ thay cho người nước tôi vậy.

    Người ta sinh ra ở trên quả đất này, sống lâu nhất là 100 tuổi, lâu vừa là 80 tuổi, dưới nữa là 60 tuổi. Trừ những ngày đau ốm lo âu ra, thời gian còn lại cũng chả được bao năm nữa. Người sinh trên đời, nếu không vui thì dù sống đến một nghìn năm đi nữa, cũng là chết yểu mà thôi. Vậy thì người đời hà tất phải khốn khổ giữ cái bưới thịt thừa vô vị mà làm gì?

    Ôi! Đứng trên trường tranh cạnh của năm châu, cần phải giơ sừng gạc của mình, phương chi gặp lúc thời thế cùng quẫn, nước phá vua mất, chết đến trước mắt, gươm kề sau cổ, vốn phải nên dứt áo đứng dậy, vì nghĩa giết thù, sống cũng sướng, mà dù chết nữa cũng sướng. Vậy thì sao lại cứ bo bo giữ lấy cái lòng dục, gái trai ăn uống, nhung nhúc ở trong trường trâu ngựa, sống làm người không may, chết làm ma không tiếng? Lạ thay! Lạ thay! Hát không được, cười không được, khóc không được, chỉ được nhắm mắt ngồi nghĩ, kêu trời than khóc mà thôi!

    Than ôi! Dâu chìm bể nổi, đất sụp trời nghiêng, người tráng sĩ vắng tanh, kẻ mưu thần đâu mất!? Vua Đổng Thiên Vương xưa rồi, thánh Trần Hưng Đạo không còn nữa! Lo toan việc lớn, trời không phụ với con rồng bể! Ngó lại các người, ta chỉ hổ thẹn với con chó của tên Đạo Chích. Anh hùng ôi! Anh hùng ôi! Ta làm sao để được mang gươm đi theo các người lên thẳng đài múa? Vậy có thơ rằng:

    Chong chóng trò đời khá chuyển mau,
    Khó khăn thời thế khóc không đâu!
    Rồng nằm giúp Hán trời còn đó,
    Hổ thét vì Hàn chí vốn sâu!
    Thế giới năm châu bừng mắt thấy,
    Non sông trăm Việt chạnh lòng đau.
    Khuyên ai cầu tiến nơi tươi sáng,
    Bĩ thái cơ trời nối tiếp nhau.

    Lại có thơ rằng:

    Trời đất sinh ra cái thế này,
    Tay không hồ dễ biết rằng đây?
    Quan đà ngơ ngẩn như thằng chết,
    Dân lại mơ màng giống bọn say!
    Ghê gớm cuộc đời đà ngán nỗi,
    Khen sao con tạo khéo vần xây.
    Phen này dựng lại cơ đồ mới,
    Dám mượn anh em với một tay! (2)

    Tuy ngày nay bảo là anh hùng, ta vốn đòi hỏi ở dân ta, trông mong ở dân ta, nhưng không phải là đòi hỏi phiếm, trông mong phiếm. Ta chỉ đòi hỏi, trông mong vào các bậc sĩ phu mà thôi.

    Thường nghe người nước ngoài nói rằng: Nước thật dã man thì không có anh hùng, nước thật văn minh cũng không có anh hùng. Vì tất thảy mọi người trong nước đều là anh hùng cả rồi, thì còn có gì là anh hùng nữa. Các nước văn minh ở Thái Tây, những người ở nông thôn đã cũng đều nghiêm trang đường bệ, những người phụ nữ cũng đều thành thần. Cái gọi là anh hùng cũng chả khác gì nắng mặt trời của người nước Tống, chẳng khác gì con lợn trắng ở xứ Liêu Đông mà thôi. Nước ta hiện nay chưa thể tiến vội đến như thế được. Tìm hạc ở trong bầy gà, chọn ngọc ở dưới núi đá, chỉ trông mong và những vị thức giả trong đám sĩ phu, đứng ra tổ chức đoàn thể, góp gió thành bão, cần phải có một vài người đại anh hùng cầm dao lớn, vác búa sắc, phát gai góc, chặt lau sậy, để mở trời đất mới, làm thành thế giới mới, đấy là việc rất cần khẩn cho hiện tại; đấy chính là việc rất bức thiết cho ngày nay vậy...

    (trước 1905)

    Chương Thâu (dịch)
    Phan Bội Châu toàn tập – Tập I: Văn thơ thời kỳ trước khi xuất dương (1882-1905) – Chương Thâu sưu tầm và biên soạn (NXB Thuận Hóa, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, 2001) tr. 118-123.  

    ___________________
    Chú thích:

    (1) Ở phía trên dòng đầu này có một số trang bị xé mất, không rõ nội dung gì.
    (2) Hai bài thơ này tác giả viết bằng chữ Nôm trong nguyên bản.

    Triết học của nhân quyền

    Một khế ước do hai hay nhiều người thành lập. Khế ước ra đời chưa ráo mực các người đồng ước đã giải thích khế ước theo nghĩa riêng của mỗi người. Khế ước kia lập tức từ trần. Nó sẽ chẳng bao giờ được thi hành.

    Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948. Lời mở đầu của tuyên ngôn này được kết thúc bằng câu viết nguyên văn rằng:

    Một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy (cam kết tôn trọng nhân quyền)”.

    Sau nhiều thập niên trôi nổi trong thế giới loài người, thay vì được hiểu theo một quan niệm chung, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã bị hoặc cá nhân, hoặc đoàn thể, nhất là giới chức cầm quyền của các quốc gia giải thích theo nhiều quan niệm riêng. Những quan niệm riêng kia đều có chung một mục đích: vừa biện minh cho hành động chà đạp nhân quyền, vừa tránh né nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền. Những quan niệm riêng kia xuất phát từ hai lý luận căn bản sau đây:

    1) Một là: Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng, mỗi quốc gia cần có quan niệm riêng về nhân quyền sao cho phù hợp với văn hoá của quốc gia sở tại.

    2) Hai là: Nhân Quyền là sản phẩm tư tưởng của các quốc gia thắng trận trong đệ nhị thế chiến. Họ là những quốc gia Tây Phương. Vì vậy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có khuynh hướng đề cao cá nhân chủ nghĩa theo kiểu Âu Mỹ. Sự thể này gây khó khăn cho công việc điều hành xã hội tại môt số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia vùng A’ Châu.

    Hai luận điểm nêu trên hiển nhiên là hai tảng đá cực lớn làm tắc nghẽn con đường phát triển nhân quyền. Gọi là tảng đá cực lớn bởi lẽ hai luận điểm vừa kể tuy mơ hồ và vô căn cứ nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn những người hiểu biết hời hợt về nhân quyền. Sự thể này làm cho tính thuyết phục của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền phần nào bị hoài nghi. Muốn giải trừ các lý lẽ bài bác nhân quyền, con người không thể không tìm tới triết học. Triết học là môn học lý giải mọi hiện tượng trong đời sống, đồng thời, hoạch định một đời sống cân phân và ổn đinh, một đời sống trong đó mọi nhu cầu được bình đẳng triển nở, không nhu cầu nào chèn ép nhu cầu nào. Làm thế nào để nhân quyền có thể vươn vai lớn mạnh, đồng thời, an ninh trật tự công cộng của xã hội không vì thế mà bị xâm lấn? Trả lời câu hỏi này, chúng ta không thể không tìm hiểu vị trí của con người trong đời sống và mối quan hệ song phương giữa con người và xã hội.

    Cho đến ngày nay, trên địa bàn triết học, chúng ta thấy sự xuất hiện của rất nhiều tư tưởng giải thích cội nguồn của đời sống. Trong đó có hai luồng tư tưởng đáng chú ý: Đó là Duy Vật và Duy Tâm.

    - Triết học Duy Vật chủ trương: thế giới chỉ là thế giới vật chất và những thuộc tính của nó. Vật chất sản sinh ra mọi hiện tượng sống. Vật chất là chính. Tinh thần và những năng lực trừu tượng khác đều là phụ, đều là thuộc tính của vật chất.

    - Ngược lại, những người Duy Tâm lại chủ trương tinh thần chi phối vật chất. Tinh thần là đầu mối của mọi hiện tượng sống.

    Câu hỏi được đặt ra là: tinh thần hay vật chất đã sản sinh ra mọi hiện tượng sống?

    Để trả lời câu hỏi vừa nêu, chúng ta hãy suy nghĩ về vận hành của một nguyên tử vật chất. Như chúng ta đã biết, mỗi nguyên tử vật chất đều có nhân nguyên tử và một số điện tử cùng trung hòa tử xoay vần chung quanh nhân tạo thành một khối hình cầu. Đó là thành phần vật chất của nguyên tử. Mặt khác, chúng ta cũng ghi nhận thêm rằng thành phần vật chất của nguyên tử đã vận hành theo một trật tự nhất định. Trật tự đó không là vật chất. Trật tự đó chính là thành phần trừu tượng của nguyên tử. Trong thực tại đời sống: cấu tạo vật chất của nguyên tử không thể tồn tại nếu không có trật-tự-vận-hành đi kèm. Cũng trong thực tại đời sống, chúng ta không thể nhận thức được trật tự của nguyên tử nếu cấu tạo vật chất của nó đã tan biến. Nói cách khác, cái cụ thể và cái trừu tượng, vật chất cũng như tinh thần đều không có năng lực đơn phương tồn tại, vì vậy chủ trương cho rằng Duy cái Vật hay Duy cái Tâm đã sản sinh ra mọi hiện tượng sống, hiển nhiên là chủ trương không phù hợp với thực tại của đời sống. Sai lầm của Duy Tâm hay Duy Vật là ở chữ “DUY”. Vật hay Tâm không có khả năng đơn phương tồn tại. Tại sao Duy Vật hay Duy Tâm lại có khả năng sản sinh ra mọi hiện tượng sống? Cả Duy Tâm lẫn Duy Vật đều sai lầm. Vậy thì tiền đề của đời sống là gì? Cội nguồn của đời sống ở đâu? Nhà tư tưởng lừng danh của Việt Nam, ông Lý Đông A trả lời câu hỏi vừa nêu như sau:

    Hiện tượng sống được phản ánh bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào cũng gồm hai loại từ: từ cụ thể và từ trừu tượng. Khi một từ trừu tượng chứa trong nó một số từ cụ thể hoặc một số từ trừu tượng khác, thì từ “có sức chứa” như vừa nói được gọi là phạm trù.

    - Xoài, mít, ổi… là các từ cụ thể. “Thực vật” là phạm trù, bởi vì từ “thực vật” hàm chứa trong nó: xoài, mít, ổi… và vô số cây cỏ khác.

    - Đồng, chì, kẽm… là các từ cụ thể. “Khoáng sản” là phạm trù của đồng, chì, kẽm…

    - Thương, ghét, vui, buồn… là các từ trừu tượng. “Tình cảm” là phạm trù của những từ trừu tượng đó.

    Sau khi đã nắm vững ý niệm phạm trù, chúng ta hãy phân loại hiện tượng sống theo phạm trù. Trước tiên, bạn hãy dành cột thứ nhất để cất đặt những hiện tượng không do loài người chủ động tạo ra. Ở cột này, bạn sẽ thấy: thực vật, động vật, khoáng sản, thời tiết, thiên tai, v.v… Tại đỉnh cao nhất của cột này, bạn sẽ thấy phạm trù tự nhiên.

    Kế đến, bạn hãy cất đặt những hiện tượng liên hệ hai chiều với bộ óc của loài người tại cột thứ hai. Ở cột này, bạn sẽ thấy các hiện tượng kiểu: ái quốc, thù hận, nghi ngờ, tin tưởng v.v… Lên đến đỉnh cao của cột hai, bạn sẽ gặp phạm trù tư tưởng. Như vậy, tư tưởng là phạm trù gói ghém tất cả những hiện tượng trừu tượng gắn bó với bộ óc như hai mặt của một bàn tay.

    Tiếp theo, bạn cất đặt những hiện tượng do hai người trở lên kết hợp với nhau mà tạo ra tại cột thứ ba. Bạn thấy: tự do, luật pháp, gia đình, dân tộc v.v… Cao nhất của cột ba, bạn tìm gặp phạm trù xã hội. Như vậy, xã hội là phạm trù gói ghém tất cả những hiện tượng tạo ra do sự hợp quần giữa Người với Người.

    Tóm lại, trước muôn vàn hiện tượng sống, chúng ta đã xếp loại chúng thành ba nhóm phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Chúng ta không thể bỏ đi nhóm nào. Chúng ta cũng không thể tìm ra nhóm thứ tư. Như vậy hiện tượng sống chỉ có thể xếp loại thành ba nhóm: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.

    Ba nhóm đó quan hệ với nhau như thế nào? Ổn định hay bất ổn định? Bền vững hay lỏng lẻo? Để trả lời những thắc mắc vừa nêu lên, chúng ta hãy khảo sát các hình ảnh sau đây:

    Trước mặt là một dòng sông. Dòng sông là một hiện tượng sống. Sự vật được gọi là dòng sông không do loài người tạo ra. Nó thuộc phạm trù tự nhiên. Nhờ vào bộ óc, chúng ta đã nhận ra dòng sông. Động từ “nhận ra” thuộc phạm trù tư tưởng. Chúng ta dùng từ ngữ “dòng sông” để gọi một lượng nước lớn chảy từ nguồn ra khơi. Từ ngữ “dòng sông” là ngôn ngữ của xã hội. Nó thuộc phạm trù xã hội.

    Một nhóm người yêu nước đang tham dự cuộc hội thảo về tương lai Việt Nam. Cuộc hội thảo là một hiện tượng sống. “Yêu nước” thuộc phạm trù tư tưởng. “Một nhóm người” thuộc phạm trù xã hội. “Việt Nam” hàm chứa: chánh quyền, dân tộc và lãnh thổ. Lãnh thổ thuộc phạm trù tự nhiên. Chiếc xe hơi là một hiện tượng sống. Xe hơi được chế tạo từ sắt, thép, plastique và nhiều hóa chất khác lấy từ khoáng sản. “Khoáng sản” thuộc phạm trù tự nhiên. “Xe hơi” là sản phẩm của óc sáng chế. “Sáng chế” thuộc phạm trù tư tưởng. Xe hơi được sản xuất từ xí nghiệp xe hơi. “Xí nghiệp” thuộc phạm trù xã hội.

    Từ ba thí dụ kể trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: bất kỳ hiện tượng sống nào trong đại vũ trụ cũng là một thống nhất của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Nói rõ hơn, ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội đã thống nhất trong từng hiện tượng sống. Kết luận này có hai ghi chú:

    Ghi chú một: trong đại vũ trụ, ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội thường hằng thống nhất. Không hề và không thể có hiện tượng thuần túy tự nhiên, thuần túy tư tưởng hay thuần túy xã hội. Khi người ta gọi hiện tượng này là tự nhiên, hiện tượng kia là xã hội, hiện tượng nọ là tư tưởng, chỉ là kiểu nói tương đối, kiểu nói nhằm nhấn mạnh tính trội yếu của tự nhiên, của tư tưởng hay của xã hội trong một hiện tượng sống nào đó.

    Ghi chú hai: Khi nhận diện ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội trong một hiện tượng sống, người ta có thể nhận diện mỗi phạm trù từ nhiều mặt khác nhau. Trong thí dụ chiếc xe hơi, bạn có thể chọn khoáng sản, người khác có thể chọn các qui luật vật lý được áp dụng để chế tạo chiếc xe hơi như là các khía cạnh của phạm trù tự nhiên.

    Hai ghi chú nêu trên hẳn nhiên đã giúp cho chúng ta hiểu biết tường tận thế nào là tính thống nhất thường hằng của tự nhiên, tư tưởng và xã hội trong mỗi hiện tượng sống. Tại điểm thống nhất này, có người lại đặt câu hỏi: do đâu mà tự nhiên, tư tưởng và xã hội thống nhất?

    Thưa rằng:

    Không có Con Người, dòng sông có cũng như không.
    Không có Con Người, không thể có cuộc hội thảo về tương lai Việt Nam.
    Không có Con Người, không thể có chiếc xe hơi.
    Không có Con Người, không thể có hiện tượng sống.

    Các khảo sát và phân tích kể trên cung cấp cho chúng ta hai nhận thức:

    1/ Con Người có thân xác thuộc phạm trù tự nhiên. Con Người có tư tưởng liên hệ xoay chiều với bộ óc thuộc phạm trù tư tưởng. Con Người có tính sống hợp quần, tính này thuộc phạm trù xã hội. Do đó bản thân mỗi Con Người là một thống nhất điển hình của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.

    2/ Con Người là cội nguồn duy nhất trên đại vũ trụ có năng lực tạo ra mọi hiện tượng sống bằng cách thống nhất ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng, xã hội trong mỗi hiện tượng.

    Từ hai nhận thức nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận không một chút dè dặt rằng: Con người là chân chính tiền đề của triết học, chứ không phải duy cái tâm hay duy cái vật. Trên cương vị là tiền đề của triết học con người có ba nghĩa vụ làm người căn bản sau đây:

    Nghĩa vụ một: Nghĩa vụ đối với bản thân.

    Sống trong xã hội thực tiễn, con người là dân. Lý tưởng sống của dân là nhân. Nhân là con người toàn thiện toàn mỹ, con người của trung đạo. Trong bản thân mỗi con người, nhân và dân thường hằng gắn bó với nhau. Người này khác với người kia chỉ là khác ở điểm: mức độ thể hiện trạng thái nhân trong đời sống. Nghĩa vụ đối với bản thân của mỗi cá nhân là nghĩa vụ học hiểu ba loại qui luật nhiên, nhân (tư tưởng), dân (xã hội) nhằm hướng dẫn và thúc đẩy dân đi tìm nhân, thực hiện đời sống nhân, cả về sinh lý lẫn tâm lý.

    Nghĩa vụ hai: Nghĩa vụ đối với xã hội giới.

    Sống là sống trong xã hội. Sống là giao dịch với xã hội. Mỗi giao dịch là một tổng hợp ba thành tố: Tự nhiên, tư tưởng, xã hội. Giao dịch có hai loại. Loại một là loại giao dịch ổn định, giao dịch thành công, giao dịch được con người chấp nhận: những hành động phù hợp với luân thường đạo lý… Loại hai là loại giao dịch bất ổn định, giao dịch bị con người chối bỏ: các loại tội ác hình sự cùng vô số tệ đoan xã hội khác…Nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với xã hội là nghĩa vụ vận dụng một cách khôn ngoan các qui luật tự nhiên, tư tưởng, xã hội để tạo thành những giao dịch loại một.

    Nghĩa vụ ba: Nghĩa vụ đối với tự nhiên giới (vũ trụ)

    Tự nhiên bao gồm sinh vật, thực vật và khoáng vật. Tự nhiên là muôn nhiên cho muôn loài, mỗi loài chỉ có thể tồn tại ổn định trong một môi trường tự nhiên riêng biệt dành cho loài đó. Nghĩa vụ của con người đối với vũ trụ là nghĩa vụ vận dụng ba hiểu biết: Khoa học (Tự nhiên giới), triết học (tư tưởng giới), sử học (xã hội giới) nhằm tạo điều kiện để vũ trụ muôn nhiên được vận hành đúng qui luật: Loài nào sống theo tự nhiên của loài đó. Có như vậy môi trường sống mới trong lành cả về tinh thần lẫn thể chất. Có như vậy con người mới có thể sống hoà cùng vũ trụ.

    Từ vị trí tiền đề triết học của con người, chúng ta đã nhận chân được ba nghĩa vụ làm người: Nghĩa vụ đối với bản thân, nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với vũ trụ.

    Bây giờ hãy nói tới mối quan hệ tất yếu giữa nghĩa vụ và quyền hành. Nhân viên cảnh sát công lộ có nghĩa vụ điều hành lưu thông. Nhân viên này đương nhiên có quyền biên phạt những người vi phạm luật giao thông. Quyền là công cụ giúp con người thi hành nghĩa vụ. Công lý đòi hỏi: Nghĩa vụ làm người và quyền làm người phải gắn bó với nhau như hai mặt của một bàn tay. Đã là con người ắt có nghĩa vụ làm người, ắt có quyền làm người. Quyền làm người ở đây đã được chi tiết hoá bằng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948. Năm 1993, tại Vienna, 170 quốc gia và 1000 Hiệp Hội Nhân Quyền phi chính phủ đã ra tuyên ngôn xác nhận: Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và hai Công ước Quốc Tế Nhân Quyền về dân sự chính trị và kinh tế xã hội (1966).

    Từ nghĩa vụ làm người như đã luận giải trong bài viết này, chúng ta có thể khẳng định không nghi ngờ rằng: nghĩa vụ làm người và quyền làm người có tính bẩm sinh. Bất kể chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, văn hoá, tôn giáo… đã là con người, mọi người đều có nghĩa vụ làm người và quyền làm người giống nhau. Chân lý này vừa là một thực tiễn của đời sống vừa là sự minh chứng cho nguyên tắc: “Dân tộc tính và nhân loại toàn tính thống nhất”. Luận cứ vừa nêu mạnh mẽ bác khước lý lẽ rằng mỗi văn hoá cần giải thích nhân quyền theo nghĩa riêng và rằng Luật Quốc Tế Nhân Quyền có tính cá nhân chủ nghĩa, không thích nghi với xã hội Đông phương.


    Đỗ Thái Nhiên

    Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

    Phan Khôi: Đời người với thường thức

    Một vài điều tỏ ra về thường thức người mình còn kém lắm
    Than ôi! Sự sống của ta là có bờ mà sự biết là không bờ!
     
    Trang tử

    Thường thức, cũng gọi là phổ thông tri thức, nghĩa là sự tri thức mà ở đời ai nấy đều phải có, để ứng dụng trong đời của mình. Cái danh từ nầy, tiếng Pháp kêu là Connaissances usuelles. Usuelles nghĩa là "thường dùng, dùng hằng ngày". Cái tri thức đã là thường dùng, dùng hằng ngày, thì nó cần cho đời người là dường nào. Cho nên có thể nói rằng người ta ở đời, không có thường thức, không được; mà ai có nhiều thường thức chừng nào, hay chừng nấy, tiện lợi cho đời mình chừng nấy.

    Ôi! nói đến sự tri thức mà luống những giật mình! Chỉ có sanh ra làm anh Mọi trong giải núi Trường Sơn (Chaines annamitiques)[1], hằng ngày sống với chim muông rừng hố, thì mới dám kiêu ngạo với võ trụ vạn vật mà ra ý không cần; chớ còn ta đây, đã lỡ ra có biết một vài, lại càng trông thấy võ trụ vạn vật mà càng hổ mình ngu dốt! Nào? ai cả gan dám nói rằng tôi biết, dám nói rằng tôi biết nhiều, dám nói rằng tôi biết hết, thì nói đi?

    Không, chẳng ai hề dám nói như vậy đâu. Rất đỗi thánh như Khổng Tử mà ngài còn nhiều lần tỏ mình ra là không biết; lại ngài cũng từng nói Học nhiên hậu tri bất túc, có ý cho là càng học càng thấy dốt, nữa là ai!

    Bởi vậy, tôi thấy từ xưa đến nay, loài người làm việc gì, phần nhiều chẳng qua là muốn cho no cái lòng dục tri thức của mình. Cho đến ngày nay máy bay liệng trên mây xanh, ai nói để thông tin cho chóng, để thả trái phá xuống giết người, chớ tôi thấy nó làm cái đường để dần dần bữa sau giao thông với các tinh cầu khác, cho biết trên đó có những gì; người Việt Nam lặn lội sang học tận bên Paris, ai nói để kiếm cái bằng cấp hầu có về làm quan, chớ tôi thấy là nhờ đó người ấy sẽ biết được những điều mà ở đây không thể biết.

    Giống người là giống tinh quái, tọc mạch, cố mà kiếm cho ra những cái tạo hóa đã giấu mình cũng như bà mẹ kia giấu bánh giấu kẹo sau lưng các con nhỏ. Như vậy chẳng là loài người dấy loạn nghịch cùng Tạo hóa; Tạo hóa đâu có nhịn thua. Có một cách đối phó lại, Tạo hóa hạn chế cái đời người ta, ai giỏi sống lắm một trăm năm là cùng, có tọc mạch mấy đi nữa cũng phải chịu phép. Loài người khóc tấm tức với nhau vì cái luật hạn chế ấy, có một người đã thở dài mà rằng: Than ôi! Sự sống của ta là có bờ mà sự biết là không bờ![2]

    Nhưng mà chớ vội bảo loài người đã bó tay trước mặt Tạo hóa, vì cái luật hạn chế ấy. Họ còn cứ kiếm cách nầy cách khác để đạt đến cái mục đích cầu tri thức của mình mãi mãi không thôi. Nếu võ trụ còn có đến chừng nào mà loài người còn có đến chừng nấy, thì họ cố gắng cầu tri thức đến chừng nấy.

    Cho được chống lại với cái luật buộc người ta chỉ sống một trăm năm, trong cõi triết học đời nay, có một phái hiểu nghĩa chữ chơn ngã ra thế khác. Họ cho chơn ngã tức là cái tánh chất và cái tư cách còn có của cả và loài người; cái tánh chất và cái tư cách ấy cứ liên tiếp với nhau hoài không dứt, ấy đó tức là chơn ngã. Nói cho gọn và rõ hơn, chơn ngã là cái tánh cách của cả và loài người còn có từ đời nọ qua đời kia để đối với võ trụ. Như vậy, cái đời người ngắn ngủi kia có hại gì cho sự cầu tri thức của họ đâu; bởi vì cái chơn ngã ấy cứ còn hoài thì còn cứ tọc mạch hoài cho biết được những điều giấu kín của Tạo hóa. Như vậy, hết thảy loài người trở thành ra một người, cứ đeo đuổi và đố thách mãi với Tạo hóa!

    Cái lý luận ấy hơi cao, có lẽ không bổ ích ngay cho sự ở đời hằng ngày của mỗi người trong chúng ta. Muốn bổ ích ngay cho sự ở đời hằng ngày của mọi người, phải có cách khác. Cái danh từ thường thức sanh ra bởi đó.

    Đời càng văn minh chừng nào, sự sanh hoạt của người ta càng phức tạp chừng nấy, những điều mình nên biết lại càng nhiều chừng nấy. Như sự thông tin, đời xưa chỉ có một cách nhắn miệng hay là gởi giấy đi mà thôi. Việc quan thì giao giấy cho trạm đem đi, việc riêng thì tùy tiện gởi cho người nào đi đến chỗ mình muốn gởi; sự lý rất là đơn giản, không có gì đáng cho người ta tìm tòi ghi nhớ làm chi. Nhưng từ khi có cái chế độ bưu điện, sự thông tin có nhiều cách, trong mỗi cách lại có nhiều thế: gởi thơ, đánh điện tín hay là nói điện thoại cũng vậy, tùy ai muốn dùng cách nào thế nào thì dùng. Mình đã sanh trong đời có cái chế độ ấy, có thế nào từ chối nó mà không dùng? Đã muốn dùng thì mọi cách mọi thế của nó mình phải biết. Vì biết thì lợi mà không biết thì nhiều khi có hại cho công việc của mình. Một sự thông tin đã thấy phiền phức như vậy rồi, huống chi còn trăm ngàn sự khác.

    Trang Tử sanh ra non ba ngàn năm trước, vào lúc việc đời còn đơn giản mà còn than thở cho sự biết là không bờ, nữa là chúng ta ngày nay. Thật chúng ta sanh ra ngày nay chỉ lo có một cái biết mà đã hết hơi hết nghỉn[3]!

    Không khỏi có kẻ thấy vậy mà sanh ra nản lòng. Nhưng không sao, người ta đã liệu trước rồi, cho nên ngoài sự tìm ra cái chơn ngã để đeo đuổi với võ trụ trên con đường tri thức của mình, còn một cách nữa, là chia đôi sự tri thức.

    Trong cõi học ngày nay, chia sự tri thức ra làm hai: là tri thức phổ thông và tri thức chuyên môn. Cái sau là cái biết tới nơi; cái trước là cái biết đại khái. Cái biết đại khái hay là tri thức phổ thông, tức trong bài nầy gọi là thường thức. Cái biết tới nơi thì duy có nhà chuyên môn mới cần nó; còn cái biết đại khái thì ai nấy đều phải cần.

    Tức như một sự thông tin dùng làm ví dụ trên kia, cũng có hai thứ biết. Phát và nhận điện tín thế nào, viết trên măng-đa và cắt nó làm sao,… cho đến luật lệ về bưu điện giao thông với vạn quốc những gì: ấy là tri thức chuyên môn. Còn gởi cái thơ đây qua Pháp phải dán tem mấy xu, gởi một gói hàng quá bao nhiêu kilô thì người ta không nhận… ấy là tri thức phổ thông. Ông tính đi làm chủ một sở bưu điện thì ông phải tìm cái tri thức chuyên môn về việc thông tin; còn tôi không tính như ông, tôi chỉ là người giao thiệp với nhà giây thép, thì tôi chỉ có cái tri thức phổ thông cũng đủ. Tuy vậy, cái biết của tôi đó lại là quan trọng cho người đời hơn cái biết của ông, vì người đời ít kẻ làm chủ sở bưu điện như ông, chớ giao thiệp với nhà giây thép như tôi thì đều mặt.

    Nói một món mà nghe, suy ra món gì cũng vậy. Toán học, vật lý học, pháp luật, chánh trị, kinh tế… cho đến nghề vẽ, nghề kiến trúc… bất kỳ món nào, hễ đã thành lập là một món tri thức, cần cho người đời phải biết, thì đều có chia ra phổ thông và chuyên môn. ở các nước văn minh, mỗi người phải có tri thức chuyên môn về một món để làm chỗ đứng cho cái đời của mình, lại còn phải có tri thức phổ thông về nhiều món - nhiều chừng nào, hay chừng nấy - để giao thiệp với thiên hạ. Từ khi con đường tri thức đã chia hai, người đã gọi là có học không có phép từ chối cái đại khái của mọi sự vật ở trước mắt mình mà nói rằng tôi không biết nó được đâu.

    Bởi vậy, sự giáo dục đời nay, nước nào cũng noi theo con đường tri thức chia đôi ấy mà đi. Đại để từ bậc trung học trở xuống, dạy về tri thức phổ thông; từ dự bị chuyên khoa trở lên các trường đại học, dạy về tri thức chuyên môn. Nhờ cách giáo dục chia đường ấy mà ai nấy đều có được sự tri thức thích hiệp với sự sống.

    Nói đến đây đã thấy thường thức là quan trọng cho đời người lắm. Thường thức tức là những cái đại khái của sự vật rút ra từ cái biển tri thức minh mông, mà xã hội buộc mỗi người phải biết; nó giống như bánh và gạo, ai cũng phải có trong nhà hằng ngày, chớ không như tri thức chuyên môn, là gân nai vây cá, duy có bữa ăn của kẻ giàu hoặc đám tiệc chi mới dùng mà thôi.
    Ở nước nào giáo dục nên hình thì người ta dễ mà có đủ thường thức. Còn như ở nước ta, giáo dục chưa ra chi, muốn kiếm cho đủ thường thức thật rất khó. Nhứt là kẻ từ nhỏ thất học, như tôi chưa hề được ngồi cái ghế nhà trường kiểu kim thời, thì lại càng khó hơn. Muốn có được những cái thường thức thích hiệp với sự sống thời nay mà bảo tôi tìm trong Luận ngữ, Mạnh Tử thì họa có mốc đầu mà chớ!

    Bởi vậy, người mình muốn kiếm được thường thức cho gọi là đủ, cũng phải dụng công gấp năm gấp mười người ta. Ai biết được một thứ chữ nào thì do đó mà tự tìm lấy. Ngoài ra lại còn phải tìm ở cái chưn, tìm ở cái tay, tìm ở lỗ tai, tìm ở con mắt, nghĩa là đi đến đâu cũng học cả, gặp việc gì cũng học cả, có thế thì mới mong đỡ đói được, chớ đâu dám gọi là no!

    Vậy mà tôi thấy trong chúng ta hình như có lắm người nghe hai chữ thường thức thì đã khinh đứt đi, cho là đồ tiểu học, không thèm để ý tới. Bởi vậy ai dốt nát quá không kể; hạng người gọi là tri thức mà xem ra có ít nhiều kẻ cái biết của họ cũng quá su sơ. Khẩu thuyết vô bằng, xin cử ra đây vài cái chứng cớ trong nhiều cái.

    Tôi đọc một bổn tiểu thuyết, thấy mở đầu ra nói một người đàn bà vì cớ gì đó đi trầm mình. Khi nhảy xuống sông thì gặp chỗ có đám lục bình[4], nó quấn lấy tóc người ấy và như đỡ lên, cho nên không chìm được, rồi lần lần theo giòng nước chảy trôi đi, cho đến chừng gặp có kẻ vớt. Sự tích đó kể trong chừng một trương giấy in, đây tôi tóm tắt đại ý như thế, quyết không sai.

    Đừng giở đến vật lý học ra làm chi, câu chuyện đó thật trái hẳn với lẽ thường. Số là, người ta nặng hơn nước[5], cho nên hễ rớt xuống nước thì chìm, có lẽ nào nhờ lục bình quấn tóc mà không chìm được? Sau khi chìm rồi, nước vô đầy bụng, thở không được nữa, ấy là người ta chết. Trong ba ngày, cái xác chết ấy sình lên (fermenter), trong đó chứa một chất hơi, làm cho cái xác trở nhẹ hơn nước, nên mới nổi trên mặt nước. Quả vậy, ai chết trôi, cũng chìm đến ba ngày (kêu là giáp cữ) mới nổi lên, ấy là sự thường. Chớ một người đàn bà không biết đạp bơi, đương sống mà nổi trôi theo giòng nước, rất là vô lý.

    Phàm những chuyện nhà tiểu thuyết nói, đều là chuyện đặt điều, mà phải đặt điều cho có lý, như lời tục nói nói láo có sách mới được. Bởi vậy nhà tiểu thuyết lại cần phải có nhiều thường thức hơn người thường, thì bất kỳ gặp sự vật gì tả ra mới đúng và kẻ đọc mới tin. Nhà tiểu thuyết xứ ta ít thường thức quá đến nỗi bày ra câu chuyện vô lý như trên nầy, thật là một điều đáng lo lắm vậy!

    Hễ là người làm sách, có giao thiệp với nhà in, thì sự xếp đặt trong một cuốn sách, mình phải biết. Ấy là thường thức về nghề in. Nếu viết một cuốn sách ra, rồi giao cho nhà in xếp đặt thế nào mặc kệ, sai lạc mình cũng không hay, như vậy chưa phải là nhà làm sách.

    Tôi thấy một cuốn sách, nơi trương đầu, trước cái tựa, có để một đoạn vắn như vầy:

    Voltaire tiên sanh nói:

    Sách không khiến đời được, điều ấy có lẽ là thật. Nhưng chỗ khác ông lại nói rằng: Bất cứ dân tộc nào cũng tuân trọng thi thố theo sách vở cả, điều ấy lại là có lý thật hơn. Sách không xuôi động dân sự đâu, mà sách cám dỗ dân sự một cách đầm ấm.

    Les livres ne mèment point le monde, a dit Voltaire, cela peut être vrai, mais ailleurs il dit que tous les peuples obéiseent à des livres et cela est plus juste. Les livres ne remuent pas le monde mais ils le conduisent secrètement.
    Sénancour

    Một đoạn ấy tỏ ra tác giả cuốn sách ấy gần như không có chút thường thức gì về nghề nhà in hết, bởi vì nó trình bày ra nhiều điều vô nghĩa.

    Đoạn ấy là dịch nguyên Pháp văn của Sénancour ra. Vậy thì nguyên văn thế nào nên để y như thế là phải. Sao lại rứt mấy chữ Voltaire tiên sanh nói để lên trên và in to như cái đầu đề? Đã lấy mấy chữ Voltaire tiên sanh nói làm đầu đề, thì nó phải bao gồm luôn cả những câu ở dưới, đều là lời của Voltaire nói hết mới phải; vậy thì sao ký tên được là Sénancour? Thiệt cái sự trái lẽ nó ngờ ngờ ra như vậy, sao đã là nhà trứ thuật mà không thấy?

    Tôi phải cho độc giả biết cái người soạn cuốn sách nầy đây lại chính là người quản lý nhà in! Người quản lý nhà in đáng lẽ có đủ tri thức chuyên môn về nghề in, vậy mà phạm ngay cái lỗi sầm sầm về thường thức như vầy, còn ai dám bảo rằng sự tri thức ở xứ ta không phải cũng lâm vào thời kỳ khủng hoảng!

    Mà thật, người nước ta dạo nầy bị cái nạn khủng hoảng về kinh tế thì cũng bị luôn cái nạn khủng hoảng về tri thức từ lâu nữa. Hiện đương có nhà báo lo mở cuộc điều tra về kinh tế để tìm cách bổ cứu, thì tôi cũng điều tra sơ lấy vài khoản về tri thức như trên kia, để cho biết thường thức ở xứ ta nó kém đến mực nào đó thôi; còn cách bổ cứu thì xin ai lo lấy phần mình.

    Thường thức đã cần cho sự sống chúng ta cũng như gạo và bánh: cái nầy để nuôi xác thịt cũng như cái kia để nuôi tinh thần. Vậy thì, thiếu gạo thiếu bánh, ta biết lo, lẽ nào thiếu thường thức, ta lại ngồi khoanh tay mà chịu? Sự sống chuyên một mặt về xác thịt, há phải là sự sống mà chúng ta ao ước hay sao?

    Thấy sự tri thức ở giữa xã hội ta còn kém sút quá, tôi viết bài nầy mong giục giã cho nó bước sấn lên. Từ đầu chí cuối, tôi cúi mình trước cái biết nhiều lần; nếu còn có ai thấy mà bảo tôi kiêu căng, thì thật là oan tôi lắm vậy.

    Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 92 (23.7.1931)
    ____________________________
    1.  Dải núi chạy từ Bắc tới Nam, ở sau lưng cõi Trung kỳ, người Pháp kêu là Chaines annamitiques, người mình hay dịch là Hoành Sơn. Tôi tưởng là không được, phải nói là Trường Sơn mới phải. Bởi vì hòn Đèo Ngang ở Quảng Bình đã có tên sẵn là Hoành Sơn rồi; vả lại giải núi ấy chạy dài, kêu là Trường Sơn đúng lắm (nguyên chú của Phan Khôi).
    2.  莊子:嗟乎!吾生有涯而知也無涯 (Trang Tử : Ta hồ ! Ngô sinh dã hữu nhai nhi tri dã vô nhai).
      Hoặc có nhà Hán học thấy tôi dịch câu nầy ra như vậy mà lấy làm lạ chăng. Nếu vậy, tôi xin nhắc lại rằng đời xưa, khi người ta dùng chữ 也 vào giữa câu thì nghĩa nó cũng như verbe Être trong tiếng Pháp, vì đó tôi mới dịch bằng chữ là của ta. Tôi lấy chứng cớ ở những câu nầy:: 其爭也君子 (kỳ tranh dã quân tử); 柴也愚 (sái dã ngu); 參也魯(sâm dã lỗ); 其生也榮; 其死也 (kỳ sinh dã vinh, kỳ tử dã ai); bao nhiêu chữ ? Ấy đều có nghĩa là là hết, đều dịch bằng là được hết (nguyên chú của Phan Khôi).
    3.  Nghỉn : (một) quãng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
    4.  Lục bình là bèo xanh, có nơi kêu bằng sen Nhựt Bổn (nguyên chú của Phan Khôi).
    5.  Nói người ta nặng hơn nước, nghĩa là người ta với nước thể tích đồng nhau thì người ta nặng hơn (nguyên chú của Phan Khôi).

    Facebook Digg Stumbleupon Favorites More