"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người" - Fukuzawa Yukichi
"Thích điều nhân mà không thích học thành ra người ngu, thích mưu lược mà không thích học thành ra người tặc, thích điều thẳng mà không thích học thành ra người giảo, thích đức dũng mà không thích học thành ra người loạn, thích cương cường mà không thích học thành ra người cuồng!" - Khổng Tử
"Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự bạo ngược bất công là soi sáng đến hết mức có thể tâm trí của quần chúng và đặc biệt là cho họ tri thức và sự thật." - Thomas Jefferson
"Hòa bình không có nghĩa là hết xung đột; sự khác biệt luôn hiện diện trong quan hệ giữa người và người. Hòa bình là giải quyết sự khác biết đó thông qua những phương pháp ôn hòa; bằng đối thoại, giáo dục, sự hiểu biết; và bằng những cách thức khác mang tính nhân bản." - Dalai Lama

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Albert Einstein: Bàn về Tự do

Albert Einstein (1879-1955) là một nhà vật lý nổi tiếng, các công trình khoa học của ông đã cách mạng hóa thế giới quan vật lý. Albert Einstein được coi là biểu tượng hoàn thiện của một nhà nghiên cứu và một thiên tài. Hơn nữa, bên ngoài thế giới chuyên môn khoa học, ông cũng đã tận dụng sự nổi tiếng phi thường của mình trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và cho hòa bình.

***

Muốn thảo luận về việc đánh giá các giá trị nền tàng, tôi biết đó là một công việc vô vọng. Ví dụ, chẳng hạn có một ai đó đã tự cho mình có nhiệm vụ phải xóa bỏ một giống người nào đó khỏi mặt đất, thì không thể nào có thể bác bỏ quan điểm của nó bằng những lập luận hợp lý. Nhưng nếu có được sự thống nhất với nhau về một số nhiệm vụ và giá trị, thì lúc này người ta có thể hoàn toàn nói chuyện với nhau về phương tiện dùng để đạt đến được những mục đích đó. Vì vậy, chúng ta hãy giả sử rằng có hai mục đích, mà tất cả những ai đọc những dòng này, có thể sẽ đồng ý.

1. Tất cả của cải vật chất, dùng để bảo tồn cuộc sống và sức khỏe của con người, cần phải được sản xuất ra với mức lao động ít nhất có thể.

2. Mặc dù việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất là điều kiện không thể thiếu đối với sự bình an của chúng ta, nhưng như thế chưa đủ. Để thỏa mãn cho chính mình con người hơn nữa phải có cơ hội để phát triển những năng khiếu theo khả năng trí tuệ và nghệ thuật của mình một cách tùy ý.

Mục tiêu thứ nhất trong hai mục tiêu này đòi hỏi sự gia tăng của tất cả các kiến thức có liên quan đến các quy luật tự nhiên và quy luật tiến bộ xã hội, tức là khuyến khích mọi nghiên cứu khoa học. Bởi vì nghiên cứu khoa học là một khối tự nhiên thống nhất mà từng bộ phận của nó phụ thuộc lẫn nhau một cách thường khó có thể dự đoán được. Tuy nhiên, điều kiện cho tiến bộ của khoa học là phải có được khả năng trao đổi một cách tự do tất cả các kết quả - và như thế có nghĩa là tự do bày tỏ quan điểm và tự do giảng dạy trong tất cả mọi lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ở đây tôi hiểu tự do là các quan hệ xã hội trong đó ai cũng có thể đưa ra nhận xét về những lĩnh vực thuộc kiến thức chung và chuyên ngành mà không gặp phải bất kỳ sự nguy hiểm cũng như sự bất lợi nào cho cá nhân. Sự tự do trao đổi quan điểm này là điều thiết yếu cho sự phát triển và phổ biến kiến ​​thức khoa học và có tầm quan trọng thực tiễn lớn. Trước hết, pháp luật phải đảm bảo cho điều này. Nhưng luật một mình nó không thể bảo vệ được tự do bày tỏ ý kiến; để sao cho mọi người đều có thể thể hiện quan điểm của mình mà không bị trừng phạt, thì tinh thần khoan dung phải được duy trì trong dân chúng. Một lý tưởng tự do bên ngoài như vậy tất nhiên không bao giờ có thể đạt đến được một cách hoàn toàn, nhưng người ta phải phấn đấu không mệt mỏi hướng tới đó, nếu như những ý tưởng khoa học và triết học tất cả vẫn còn cần phải tiếp tục tồn tại.

Để đạt được mục tiêu thứ hai, cụ thể là tạo điều kiện cho sự phát triển tinh thần của tất cả mọi người, cần thiết phải có một loại tự do khác. Con người không còn phải nhọc nhằn để mưu toan cho cuộc sống của mình đến mức không có cả thời gian hay năng lượng cho việc nâng cao trình độ. Nếu không có sự tự do thứ hai này, thì sự tự do trình bày quan điểm đối với anh ta cũng trở nên vô ích. Những tiến bộ của công nghệ sẽ giúp anh ta đạt được sự tự do này, một khi vấn đề phân công lao động hợp lý được giải quyết.

Sự phát triển của khoa học và của mọi hoạt động sáng tạo và trí tuệ khác cũng còn đòi hỏi một sự tự do bên trong. Sự tự do tâm trí này thể hiện ở chỗ, tư tưởng con người phải được giải thoát khỏi những ràng buộc của những định kiến ​​xã hội và độc đoán, và phải giữ được tính độc lập của mình trong sự đơn điệu và vô thức của cuộc sống hàng ngày. Sự tự do bên trong này là một món quà hiếm có của thiên nhiên và có giá trị xứng đáng để mỗi cá nhân phấn đấu cho nó. Ngay cả xã hội cũng có thể hỗ trợ cho nỗ lực này, hoặc ít nhất cũng không bao giờ nên có hành động cản trở. Ví dụ như trường học có thể sẽ ức chế sự phát triển của tự do bên trong, nếu như nó gây nên những tác động độc đoán hoặc tạo ra những gánh nặng quá mức cho lớp trẻ; ngược lại nó sẽ thúc đẩy sự tự do kiểu này, nếu như nó khuyến khích tư duy độc lập. Tuy nhiên chỉ với sự theo đuổi liên tục cả hai loại tự do, bên trong và bên ngoài, chúng ta mới đạt được khả năng phát triển và hoàn thiện tâm trí và do đó mới có thể cải thiện được cuộc sống bên trong và bên ngoài của chúng ta.
 
Theo: Dân Luận

Nguồn: Albert Einstein, Bàn về Tự do. Trích dẫn trong cuốn: Albert Einstein, Những năm sau này của tôi, Stuttgart: Nhà xuất bản Đức 1979, trang 17-19 .

Khuyến học: Phần 9 - Mục đích của học vấn là gì?

PHẦN IX: MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VẤN LÀ GÌ? 
Nếu khảo sát cụ thể các hoạt động ở mỗi con người thì sự hoạt động đó có thể chia thành hai loại như sau:

-          Thứ nhất là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập.

-          Thứ hai là hoạt động với tư cách của một thành viện trong xã hội con người.

Có những người cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến:

Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.

Mọi sự vật trong thế giới tự nhiên xung quanh ta, không có vật nào lại không có ích cho con người. Một hạt giống gieo xuống có thể cho ra cả hai ba trăm quả. Cây cối, tự mọc trong rừng sâu. Gió, làm quay cối xay. Biển, tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Con người vào rừng đào hầm lò lấy than; ra sông xuống biển lấy nước; nhờ biết lợi dụng sức nước, sức lửa mà chế tạo ra tàu hỏa, tàu thủy chạy bằng hơi nước. Không sao kể xiết những ích lợi tuyệt vời của thế giới tự nhiên bao la.

Con người nhận được ơn huệ từ thế giới tự nhiên, tác động thêm một chút vào nó, tạo ra nguồn lợi cho chính mình. Chỉ cần thêm một phần trăm công sức vào những thứ sẵn có trong tự nhiên là con người đã có thể có được cái ăn, cái mặc và chỗ ở của mình. Điều này giống như nhặt được của do người khác vứt trên đường vậy. Tức là, tự bản thân con người chẳng phải khó nhọc gì cho lắm, vẫn kiếm sống được. Mà đã thế thì không có gì đáng để tự phụ.

Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.

Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng... tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.

Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn. 

Tôi lấy một ví dụ để mọi người cùng thấy.

Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu.

Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí.

Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo. Sẽ nhầm lẫn nếu dư luận xã hội đánh giá nhân vật này như tôi viết ở trên. Thực ra, anh ta chỉ lập lại những gì mà loài kiến đã và đang làm không hơn không kém. Tôi thừa nhận rằng không phải tự nhiên mà anh ta có được cuộc sống ổn định, có được căn nhà riêng. Anh ta đã phải nỗ lực và vất vả lắm mới có được như vậy. Vả lại, tự anh ta tạo ra cho mình và đình mình cuộc sống độc lập chứ có dựa dẫm vào ai đâu. Ở điểm này thì anh ta hoàn toàn không phải hổ thẹn trước lời dạy của người xưa.

Nhưng, tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người – với tư cách là chúa tể của muôn loài – mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.

Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lồng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị tấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.

Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.

Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống.

Người châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không khác gì khi mới có loài người”.

Thỏa mãn, toại nguyện có nhiều kiểu. Vì thế cần phải phân biệt và lưu ý về sự khác biệt đó. Lòng tham của con người giống như cái thùng không đáy, được cái này lại muốn ngay cái khác, vừa mãn nguyện đất nhưng lại bất mãn ngay. Đó là dục vọng, là dã tâm. Phải biết chế ngự chúng.

Như tôi đã nói ở trên, những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không hướng tới mục đích cơ bản của con người, chỉ có thể gọi là lũ lười biếng ngu đần không khác gì loài sâu bọ có hại.

Học tập, làm việc vì xã hội:

Thứ hai, đặc tính của con người ta là luôn có khuynh hướng tập hợp lại thành nhóm, thành hội và thường né tránh các “bước tiến” với những nỗ lực đơn độc, lẻ loi. Con người ta cảm thấy nếu chỉ có các mối liên hệ hẹp giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái thôi thì không đủ. Ngược lại càng mở rộng được mối quan hệ với người ngoài thì con người lại cảm thấy tự tin, chắc chắn là yên ổn. Nhờ các mối liên kết với người ngoài đã tạo ra quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, và cả lý do để hình thành xã  hội nữa.

Một khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với mọi người thì bản thân mỗi con người vẫn còn là một thành viên trong xã hội. Cho nên lẽ đương nhiên là phải có nghĩa vụ với xã hội. Ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp... không có cái nào là không cần thiết để cho con người sống trong xã hội, tất cả những thứ này sinh ra là vì xã hội con người.

Luật pháp mà chính phủ thực thì là để bảo vệ quyền cơ bản của con người, để mối quan hệ giữa con người với con người diễn ra trôi chảy. Các học giả viết sách, giáo dục con người cũng để xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nâng cao tri thức, đưa những cái mới vào cuộc sống, nhằm làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Người Trung Hoa xưa có câu: “Cai trị thiên hạ cũng giống như việc biết chia đều, chia công bằng miếng thịt cho mọi người ở chốn hội hè vậy”. Và họ còn có câu “Hãy dọn sạch cỏ ở vườn thiên hạ trước rồi mới dọn cỏ trong sân nhà mình”. Cả hai câu nói đều thể hiện ý chí mong muốn làm cái gì đấy có ích cho xã hội trước khi nghĩ tới mình.

Con người ta, bất kỳ ai, hễ có chút ít “sở trường” là đều muốn đem ra giúp ích cho đời. Đó âu cũng là lẽ thường. Nhiều khi tưởng chừng như con người không có ý thức vì xã hội, nhưng rồi không biết bằng cách nào mà con cháu họ vẫn nhận được ơn huệ. Đó là vì trong con người có thiện tâm, nên các nghĩa vụ trong xã hội rồi cũng đều được thực hiện.

Nếu trong xã hội từ xa xưa mà không có những con người như vậy thì chúng ta ngày nay đâu có được hưởng thành quả của văn minh đang tràn đầy khắp nơi trên thế gian.

Được thừa hưởng “di sản vĩ đại” mà không biết tạ ơn ai:

Tài sản nhận từ tổ tiên được gọi là di sản. Thế nhưng, cái di sản, mà không khéo thì chỉ vung tay một vài đời là tiêu tán sạch sẽ chẳng còn lại chút dấu vết gì.

Di sản của nền văn minh thì hoàn toàn ngược lại.

Cứ tạm coi toàn bộ tổ tiên của chúng ta là một người cụ thể thì di sản đã được người đó để lại cho hết thảy mọi người. Di sản này cực kỳ to lớn, đến mức nhà cửa, đất đai, gia tài cũng không thể so sánh được. Trước ơn huệ đó, chúng ta dù có muốn cũng không sao tìm thấy ai ở đâu để mà cảm tạ. Nó cũng giống như việc con người đã không phải trả một đồng bạc nào để có được ánh sáng và không khí, những thứ không thể thiếu cho sự sống của chúng ta. Di san này rất cao quý và không phải từ một con người cụ thể nào để lại cho chúng ta. Mà chúng ta chỉ có thể nói rằng đó là ơn huệ, do công đức người xưa để lại.

Phải vất vả lắm nhân loại mới có được lịch sử của mình. Ở thủa còn chập chững của lịch sử nhân loại – là thời kỳ mà trí tuệ con người chưa phát triển đầy đủ - trí tuệ của con người chỉ giống như đứa trẻ sơ sinh mới chào đời, chưa được thừa nhận.

Tôi lấy ví dụ việc giã lúa mạch thành bột để minh họa.

Thủa sơ khai, loài người chỉ biết lấy cục đá có sẵn trong thiên nhiên giã nát hạt lúa mạch. Thế rồi, trải qua biết bao khó nhọc, công phu, người ta đã biết đục đẽo đá thành phiến, rồi tạo thành hai khối tròn, phẳng, làm ra cái cối xay bột. Lúc ban đầu, con người dùng sức mình để quay cối xay. Theo thời gian, hình dáng cái cối xay cũng được cải tiến. Có người còn biết lợi dụng sức nước, sức gió thay cho sức người để xay bột. Ngoài ra có người còn dùng cả tới máy móc chạy bằng hơi nước nữa. Cứ như vậy, việc xay bột trở nên dễ dàng, tiện dụng như ngày nay.

Mọi sự vật càng ngày càng tiến bộ. Đà phát triển của kỹ thuật diễn ra từng ngày. Mới hôm qua, có cái còn được xem như là phát minh rất tiện lợi thì hôm sau đã trở thành lạc hậu, lỗi thời. Những tiến bộ của nền văn minh phương Tây nhanh tới chóng mặt. Kỹ thuật điện tín, máy hơi nước, kỹ thuật ấn loát... theo nhau ra đời, ngày càng được cải tiến và hoàn thiện.

Mà không chỉ riêng lãnh vực kỹ thuật với những cỗ máy tân kỳ, tri thức của con người càng sâu thì mối giao tiếp giữa họ lại càng rộng. Sự giao tiếp càng rộng thì lòng người cũng cởi mở hơn, bao dung hơn và độ lượng hơn.

Và trên thế giới, nếu công pháp quốc tế được phổ cập rộng rãi và có hiệu lực thì các mưu mô gieo rắc chiến tranh cũng sẽ tự biến mất. Những tranh luận trong lãnh vực học thuật càng sâu rộng thì thể chế chính trị và kinh tế cũng sẽ thay đổi. Chế độc giáo dục và nhà trường, việc in ấn và phát hành, hình thức của sách, báo, tạp chí, phương châm của chính phủ, quyết sách tại nghị viện... tất cả đều được cải cách, trình độ tiêu chuẩn được nâng cao. Những tiến bộ đó không thể kể hết ra đây.

Để kiểm nghiệm, các bạn hãy cùng tôi giở thử cuốn ‘Lịch sử phát triển của phương Tây”  ra xem. Nào hãy đọc thử giai đoạn từ khi bắt đầu của nhân loại đến thế kỷ 17. Sau giai đoạn đó chúng ta hãy bỏ qua hai trăm năm kế tiếp, lật ngay tới những trang viết về thế kỷ 19. Tôi đồ rằng không một ai trong chúng ta mà không cảm thấy kinh ngạc trước sự phát triển chóng mặt của tiến bộ và văn minh. Và tôi cũng tin chắc là không ít người phải thốt lên một cách ngỡ ngàng “Tiến bộ của nền văn minh là thực hay mơ?”.

Vậy nguyên nhân của các tiến bộ đó là gì? Đó chính là di sản của biết bao thế hệ đi trước. Đó chính là ơn huệ của những người đã khuất để lại cho chúng ta.

Nền văn minh của Nhật Bản, vốn dĩ có nguồn gốc từ Triều Tiên, Trung Hoa. Nền văn minh của chúng ta là thành quả, là sự đúc kết của tổ tiên và truyền lại tới tận bây giờ. Nhất là ngàng “Tây học”, đã được du nhập vào nước ta từ những năm 1751 – 1764. Các bạn hãy giở cuốn “Nhập môn Hà Lan học” ra coi sẽ rõ.

Những năm qua, từ khi Nhật Bản mở cửa giao thương bới quốc tế thì học vấn, tư tưởng phương Tây dần dần được mọi người biết đên, và những người theo học ngành “Tây học”, những dịch giả sách phương Tây ngày một tăng.

Nhờ thế, cách suy nghĩ trong xã hội cũng có nhiều chuyển biến, chính phủ cũng đã thay đổi, chế độ phong kiến chuyên chế Mạc phủ bị xóa bỏ và thời thế trở nên như hiện nay.

Công cuộc khai hóa văn minh bắt đầu mở ra trên đất nước ta cũng nhờ vào di sản, công đức do các bậc tổ tiên để lại.

Đừng để mai một tài năng:

Như tôi đã nói ở trên, từ xa xưa có biết bao nhân tài lao tâm khổ tứ, đem hết sức mình cho sự phát triển của xã hội. Trong tâm khảm của họ, tiền bạc, công danh không phải là mục đích, là lẽ sống duy nhất. Họ coi trọng nghĩa vụ của con người với xã hội. Họ mang trong lòng lý tưởng to lớn và ngày đêm nỗ lực thực hiện hoài bão đó.

Hiện nay, các bạn – những người đang cố gắng học hành – tất cả đều đang thừa hưởng di sản của tổ tiên, của những người đi trước. Hơn nữa, các bạn đang đứng trên tuyến đầu của sự tiến bộ nên lại càng phải gắng sức cho sự phát triển của nền văn minh. Vì lẽ đó, các bạn hãy tự nhủ rằng sự phấn đấu có nhiều mấy đi nữa cũng sẽ vẫn luôn chưa đủ.

Mất chục năm sau, chúng ta cũng muốn nhận được lòng biết ơn của những người đời sau, giống như lòng biết ơn mà chúng ta hiện đang dành cho các bậc tiền bối.

Nói tóm lại, trách nhiệm của chúng ta là phải để lại một cách sống động dấu tích của các hoạt động xã hội, phải tiếp tục truyền bá nó cho muôn đời sau.

Trách nhiệm này thật nặng nề. Không hề đơn giản là đọc vài chục cuốn sách lý thuyết, trở thành thương nhân, trở thành quan chức, trở thành thợ, có đủ tiền nuôi được gia đình con cái, thế là xong. Như thế thì mới chỉ dừng lại ở chỗ không làm ảnh hưởng đến người khác, chứ không mở ra, không đem lại con đường làm thế nào để sống có ích cho xã hội, cho con người.

Khi làm bất cứ việc gì, bao giờ cũng có một vấn đề rất quan trọng. Đó là thời cơ. Nếu không gặp thời thì người tài giỏi đến mấy cũng không thể phát huy được khả năng. Từ cổ kim đông tây, không út ví dụ chứng tỏ điều đó. Ngay tại Nakatsu quê hương tôi cũng có không ít những nhân tài. Đứng trên góc độc của nền văn minh hiện nay mà đánh giá thì có nhiều điều trong hành động và phát ngôn của họ khiến chúng ta phải đặt thành vấn đề. Nhưng thời đại lúc đó buộc họ phải hành động như vậy chứ bản thân họ không có lỗi. Ở họ tràn trề dũng khí trong hành động. Nhưng tiếc vì họ không gặp thời. Kết cục là cuộc đời họ chấm hết cùng với tài năng vô ích. Họ đường đầu với đời nhưng không thể cống hiến được gì cho xã hội. Tiếc thay!

Nhưng, hiện nay thời đại đã đổi khác. Nền học vấn và tư tường của phương Tây phổ biến khắp mọi nơi. Chính quyền cũ đã bị lật đổ, chế độ phong kiến Mạc phủ đã tan rã. Những biến đổi trong xã hội, không đơn giản là kết quả của cuộc nội chiến duy tân mang lại. Sức mạnh của nền văn minh không phụ thuộc và một vài cuộc chiến tranh. Và càng không phải do một hoặc vài cuộc chiến tranh dã mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nền văn minh. Mà phải thấy rằng, chính sức mạnh vốn có của nền văn minh đã làm thay đổi nhận thức trong con người và nhờ đó mới có những biến đổi trong xã hội như hiện nay. Cuộc chiến tranh năm Canh Thìn (*) mới kết thúc cách đây bảy năm đã không còn sót lại bất kỳ vết tích nào nữa. Vậy mà ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục tác động lên nhận thức của người Nhật Bản chúng ta..

Đối với những vật thể bất động, hoàn toàn không có biện pháp nào để dẫn dắt cho chúng. Nhưng con người thì khác, con người vẫn đang hoạt động hàng ngày.

Để trở thành người dẫn đường chỉ lối, để đưa tinh thần của mọi người trong xã hội lên tầm cao hơn, để dạy được những điều hay trong học vấn cho mọi người, thì hơn hết thảy mọi việc nào khác, trước hết các bạn phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập.

Cơ hội tuyệt vời cho việc học tập chính là lúc này.

Tháng 5 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)
__________________________________
Chú thích:

(*) Chiến tranh năm Canh Thìn: Nổ ra năm 1868 (năm Minh Trị thứ nhất). Kết thúc năm 1869 (năm Minh Trị thứ 2). Kéo dài một năm năm tháng. Ngay sau khi chính phủ mới Minh Trị vừa ra đời, các thế lực còn sót lại của chính quyền phong kiến Mạc phủ, do mất hết quyền lợi, đã tập hợp lại dấy binh đánh quân đội chính phủ. Cuộc chiến tranh đã kết thúc với thằng lợi thuộc về quân chính phủ mới, đồng thời chấm dứt hoàn toàn 265 năm chính quyền phong kiến Mạc phủ cai trị Nhật Bản. Chính phủ mới đã thông nhất và mở ra một chương mới trong lịch sử Nhật Bản với công cuộc Minh Trị Duy tân, hiện đại hóa Nhật Bản.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Hiểu về các hình thái quyền lực

Quyền lực là khả năng của con người hành động và gây ảnh hưởng đến người khác. Khi nói đến quyền lực người ta thường nhìn nhận nó một cách tiêu cực, nhưng quyền lực cũng là một thứ vô cùng hấp dẫn và con người có xu hướng sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho bản thân mình, cũng như gây ảnh hưởng đến người khác. Chính vì vậy, việc hiểu về quyền lực và cách sử dụng quyền lực rất quan trọng.

Theo “Powercube về các hình thái quyền lực” thì quyền lực được chia làm ba loại. Thứ nhất là quyền lực hữu hình (visible power), là loại quyền lực được tạo bởi vị trí, chức danh, và được quy định bởi thể chế chính trị và xã hội, ví dụ như chính phủ, quốc hội, hoặc tòa án. Những người được bầu giữ các chức vụ chính thức nắm giữ quyền lực hữu hình, ví dụ như các đại biểu quốc hội thì có quyền lập pháp, nội các chính phủ có quyền hành pháp và tòa án có quyền tư pháp. Tương tự như vậy, trong một cơ quan, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng có quyền lực hữu hình. Trong gia đình dòng tộc thì trưởng họ có quyền lực hữu hình.

Thứ hai là quyền lực ẩn (hidden power), đó là khả năng gây ảnh hưởng đến nội dung hoặc quá trình ra quyết định/cách thức ra quyết định – nói một cách khác là ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của các cơ quan. Ví dụ, tại một bệnh viện, một nhân vật cùng phe với giám đốc chỉ được dưới 50% số phiếu tín nhiệm vào chức trưởng khoa. Trong lần lấy phiếu tín nhiệm lại, Giám đốc họp mặt các trưởng phòng và phát tờ phiếu đã ghi sẵn tên của người cần lấy tín nhiệm, nếu ai không tín nhiệm thì gạch. Tất nhiên, với quy định này, Giám đốc và người được đưa ra lấy phiểu tín nhiệm biết ngay ai đã đưa bút lên gạch. Chỉ bằng một “quy định rất công khai” đó thôi, người ta đã dọa được những người sợ bị trù dập và họ đã có được hơn 50% phiếu tín nhiệm.trong lần bỏ phiếu lại, và được bổ nhiệm.

Đôi khi, “quyền lực ẩn” còn được thể hiện qua các rào cản vô hình, hoặc có tính hệ thống để cản trở sự tham gia hoặc ý kiến của một nhóm đối tượng nhất định nào đó. Ví dụ, quy định ngôn ngữ cuộc họp là tiếng Kinh, đồng nghĩa loại bỏ những người không nói tiếng Kinh, như người dân tộc thiểu số, ra khỏi bàn nghị sự. Hoặc trong những cuộc đối thoại chính sách qui định chọn những người nói năng lưu loát, cũng đồng nghĩa loại đi những người nghèo, thực sự đang là đối tượng bị tác động bởi chính sách nhưng có thể lại không phải là người giỏi ăn nói.

Thứ ba là quyền lực vô hình (invisible power), là quyền lực tạo bởi niềm tin/chuẩn mực, một tư tưởng, một giá trị, hoặc một thái độ nào đó làm người dân không nhận thức được quyền của họ. Người dân tin rằng việc người khác thống trị hoặc bóc lột họ là điều tự nhiên, bình thường, từ đó họ không đòi hỏi, hoặc thậm chí đặt câu hỏi về tình trạng bất công phải sống. Paulo Freire gọi đây là “văn hóa của im lặng”, là hậu quả của việc nhập tâm hóa việc bị đàn áp.

Vào năm 2010, một người dân thành phố Hồ Chí Minh kiện sở giao thông công chính vì đã làm đường quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông. Việc một người dân dám kiện “nhà nước” đã làm “rung động giới luật gia Việt Nam”. Sở dĩ vụ việc này gây xôn xao vì trước đó, chưa có người dân nào dám kiện cơ quan nhà nước. Niềm tin “cơ quan nhà nước là luôn đúng/bất khả xâm phạm” là quyền lực vô hình, khiến người dân không bao giờ nghĩ đến việc kiện sở này ban kia dù họ sai

Một ví dụ điển hình khác, đó là người nhập cư, họ tin rằng chỉ những người ở thành phố mới có quyền hưởng các dịch vụ công, như y tế, giáo dục và nước sạch, những người từ “tỉnh lẻ” như họ chỉ là người ở đậu, “công dân hạng hai” nên họ coi sự bất bình đẳng ngay trên đất nước của mình như một điều hợp lý. Họ ngoan ngoãn nộp tiền điện, nước cao hơn, đóng học phí khủng vì cho con đi học “trái tuyến” hoặc phải gửi về quê cho “đúng tuyến”, chấp nhận gia đình chia rẽ.

Ba hình thái quyền lực này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ ở một nước châu Phi, một tập đoàn tư nhân chuyên về khai thác khoáng sản và trở nên vô cùng giàu có. Ông chủ tập đoàn nhờ những đóng góp/từ thiện đã có được một chân trong hội đồng thành phố - có nghĩa ông ta có được quyền lực hữu hình. Với cương vị là một thành viên trong hội đồng, ông loại bỏ vấn đề về đất đai khu mỏ ra khỏi chương trình nghị sự - có nghĩa ông đã dùng “quyền lực ẩn” để bảo vệ lợi ích của mình. Sau nhiều năm không được bàn đến, khu mỏ trở thành “vùng cấm bàn luận” và hình thành một niềm tin “Khu mỏ là bất khả xâm phạm” – đây chính là “quyền lực vô hình”. Và như thế, mặc dù người dân tranh nhau từng mét đất, dẫn nhau ra tòa vì từng mét đất nhưng họ không bao giờ chất vấn về hàng nghìn hecta đất đang được tập đoàn khai thác mỏ quản lý.

Trong một nước dân chủ thì “quyền lực hữu hình” được bảo vệ nhờ một nhà nước tam quyền phân lập (ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt độc độc lập, kiểm soát lẫn nhau). Người dân có những không gian dân sự tự do để học và thực hành các quyền của mình, trong đó có quyền giám sát nhà nước. Khi đó, “quyền lực ẩn” mới bị hạn chế và không ai có thể thể tạo ra “quyền lực vô hình” bằng cách tuyên truyền, tẩy não hoặc tạo ra thói quen bắt người dân tin vào những trật tự xã hội bất công, hoặc định hướng có lợi cho một nhóm xã hội nào đó.

Bình Lê

Những đồng tiền vô giá trị và sự thất bại của các quốc gia

Một số quốc gia châu Âu lựa chọn chuyển đổi đồng tiền quốc gia của họ sang sử dụng đồng Euro giờ đây đang bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan do không còn khả năng điều hành chính sách tiền tệ một cách độc lập. Giải pháp nhằm ổn định tình hình tài chính ở khối Liên minh châu Âu đã là như thế nào? Về cơ bản, một lượng tiền cứu trợ khẩn cấp đã được bơm vào nền kinh tế Hy Lạp và Ireland thông qua Ngân hàng trung ương châu Âu (European Central Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế ((IMF – International Monetary Fund). Liệu sức khỏe của nền kinh tế châu Âu và đồng Euro sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong dài hạn với cách cứu vớt nền kinh tế khỏi sự sụp đổ như thế này? Lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta một trong những câu trả lời.

1. Đồng PAPIERMARK (Đức)

Cộng hòa Weimar (Đức) sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) là minh họa đầu tiên trong bức tranh về sự sụp đổ của tiền tệ. Là quốc gia thất bại trong chiến tranh, theo Hiệp định Versailles, Đức phải có nghĩa vụ bồi thường chiến tranh cho các quốc gia đồng minh giành chiến thắng.

Đức chính thức sử dụng đồng tiền Papiermark từ khi Thế chiến thứ nhất nổ ra để thay thế cho nền kinh tế bản vị vàng đã ngự trị từ lâu trong lịch sử. Để chi trả cho chiến phí trong chiến tranh, thay vì tăng thuế, Chính phủ Đức đã liên tục cho in tiền và tăng vay nợ nước ngoài khiến giá trị của đồng Mark ngày càng bị suy giảm. Sau chiến tranh, Đức không còn vàng hay tiền tệ (nội tệ và ngoại hối) dự trữ trong ngân khố quốc gia và do đó không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ khi các quốc gia thắng trận chỉ chấp nhận lấy vàng hoặc ngoại tế. Để trừng phạt Đức, Pháp và Bỉ đã chiếm dụng các cơ sở công nghiệp nặng của quốc gia này khiến công nhân phải lao động cực nhọc mà không được trả lương. Đức phải chạy đua với cuộc chiến trả lương cho công nhân để tránh bị công nhân đình công nổi loạn trên diện rông và trả món nợ chiến tranh vẫn đang nhãn tiền.

Giải pháp trong cơn nguy khốn, chính phủ Đức đã tiếp tục gia tăng in tiền khiến siêu lạm phát bùng phát. Theo thống kê, đầu năm 1922, mệnh giá lớn nhất của đồng Mark là 10 nghìn (104) thì tới tháng 2 năm 1923 mệnh giá đồng bạc lớn nhất của Đức đã lên tới 1 tỷ (109), và khi siêu lạm phát lên đỉnh vào tháng 10 năm 1923 thì mệnh giá lớn nhất của đồng Mark đã là 1 nghìn tỷ (1012). (http://en.wikipedia.org/wiki/Hyperinflation_in_the_Weimar_Republic)

2. Đồng SOL & INTI (Peru)

Những năm 1980 là thập kỷ bị đánh mất của nền kinh tế Nam Mỹ Peru. Nửa đầu thập kỷ, đất nước của đế chế Inca cổ đại đã ẩn chứa mầm mống của lạm phát trong nhiệm kỳ của tổng thống Fernando Belaunde Terry do sự gia tăng nợ nước ngoài cho chi tiêu của chính phủ, bạo lực hoành hành do sự sung đột giữa lực lượng nổi dậy cánh tả của Đảng cộng sản Peru (Shining Path) với chính phủ của tổng thống Belaunde, cộng với tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên của khí hậu trái đất “E; Nino” những năm 1982 – 1983 khiến nhiều vùng bị lũ lụt lan tràn trong khi những vùng khác bị hạn hán nặng nề và nguồn thu nhập chính của quốc gia từ đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng. Những vấn nạn trên, cùng với chính sách tự do hóa thương mại thiếu hiệu quả làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài đã nối đuôi nhau tháo vốn khỏi thị trường Peru.

Năm 1985, Alan Gacia được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp của Peru thay cho Balaunde. Để giải quyết vấn đề lạm phát mãn tính, tổng thống Gacia đã tiến hành đổi tiền, từ đồng Sol sang đồng Inti với tỷ lệ giao dịch 1 đồng Inti tương đương 1000 đồng Sol. Tuy nhiên, chính phủ mới của Gacia lại tiếp diễn đường lối cải cách kinh tế sai lầm áp đặt các chính sách phi chính thống (heterodox policies) thông qua mở rộng quá độ chi tiêu công trong khi lại trì hoãn trách nhiệm trả nợ nước ngoài. Trong khi, chính phủ Gacia lại cũng chọn giải pháp đơn giản nhất song cũng nguy hại nhất cho sức khỏe của nền kinh tế là in tiền để chi tiêu và trả nợ.

Hệ lụy của 2 nhiệm kỳ tổng thống trên là sự bùng phát của siêu lạm phát (hyperinflation). Riêng trong năm 1990, lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này là 7,649% và trong 5 năm 1985 – 1990 tổng mức lạm phát lên tới con số kinh hoàng 2.220.200% (http://en.wikipedia.org/wiki/Economic_history_of_Peru). Thậm chí chỉ một cái bánh mỳ cũng tốn mất hàng tuần lương của một viên chức. Người dân mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia và họ quay trở lại với nền kinh tế hàng đổi hàng (bater). Kết quả, đến lượt đồng Inti lại bị đào thải và được thay thế bằng đồng Nuevo Sol với tỷ lệ giao dịch 1 Nuevo Sol đổi 1000 Inti.

3. Đồng DOLLAR (Zimbabwe)

Ai muốn biến giấc mơ tỷ phú đô la thành hiện thực trong chốc lát hãy mang 1 đồng tiền Việt với mệnh giá 10.000 đồng đến giao dịch với ngân hàng để đổi lấy đồng tỷ đô la Zimbabwe. Khi quốc gia này giành được độc lập năm 1980, đồng đô la Zimbabwe được định giá rất cao, lên tới 1 đô la Zimbabwe đổi được 1,25 đô la Mỹ. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề đã dẫn đến sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong suốt các thập kỷ tiếp theo. Đặc biệt năm 1998 khi Tổng thống (thực ra khi đó còn là Thủ tướng) Robert Mugabe khởi động chính sách cải cái ruộng đất tịch thu đất đai của những người nông dân da trắng và tái phân phối những tài sản này cho những người nông dân da màu, sản lượng nông nghiệp sụt giảm không phanh, đặc biệt là ngành trồng cây thuốc lá vẫn chiếm tới 1/3 tỷ trọng xuất khẩu, khiến quốc gia này mất đi nguồn thu chính từ xuất khẩu các mặt hàng nông phẩm.

Tiếp đó, năm 2000, Zimbabwe tiếp tục bị quấn vào cuộc chiến tranh lần thứ 2 với quốc gia láng giềng Congo. Để trả lương cho quân đội và quan chức chính phủ, Mugabe đã mạnh tay cho in tiền và vay tiền tràn lan. Theo thống kê của Wikipedia, thời điểm này mỗi tháng cỗ máy chính phủ Zimbabwe đã ngốn một khoản nợ lên tới 22 triệu USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. 
100 tỷ dollar Zimbabwe
Chính sách cải cách ruộng đất ăn cướp, in tiền bừa bãi để phục vụ chiến tranh, nội chiến giữa các đảng phái chính phủ Zimbabwe, tham nhũng hoành hành, sự suy giảm niềm tin vào tương lai nền kinh tế, cộng với sự di dân ồ ạt ra nước ngoài để tránh khỏi sự bạo loạn quốc nội đã khiến cho tình hình lạm phát của Zimbabwe nguy kịch hơn bao giờ hết. Năm 2004 ghi nhận chỉ số lạm phát là 624%, năm 2007 là 11.000%, và một năm sau đó cuối năm 2008 lên tới mức không tưởng hơn 11.000.000% (http://edition.cnn.com/2008/BUSINESS/08/19/zimbabwe.inflation/index.html). Toàn dân Zimbabwe hiện thực hóa giấc mơ tỷ phú khi đồng bạc mệnh giá 100 tỷ đô la được phát hành, và mỗi “tỷ phú” sở hữu một đồng bạc tỷ này có thừa sức mua được… 3 quả trứng.

KẾT LUẬN

Đối với các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia, tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu cực kỳ quan trọng, song đừng lấy nó làm tất cả. Chẳng có bữa trưa nào miễn phí trên bàn tiệc này cả và chẳng phải cứ in tiền rồi rải nó khắp nơi là sẽ giúp kích thích nền kinh tế và sự thịnh vượng sẽ mọc lên khắp nơi như nấm sau mưa. Thực chất, đồng tiền càng in nhiều thì càng bị suy giảm giá trị, đặc biệt ở những quốc gia mà đồng tiền ít tác động tới cục diện nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù in tiền sẽ giúp giải quyết vấn đề suy giảm kinh tế và giải quyết nợ đọng trong ngắn hạn, song sau cơn bạo bệnh, một căn bệnh trầm kha khác sẽ xuất hiện và nó có nguy cơ phá hủy cả nền kinh tế: LẠM PHÁT PHI MÃ. Nếu lạm phát xuất phát từ những nguyên nhân đơn thuần như cầu kéo hay chi phí đẩy thì giải pháp sẽ có thể giải quyết bài toán vĩ mô này bằng giải pháp cứu trợ tài chính ngắn hạn (để cầm máu nền kinh tế) và đồng thời là tái cấu trúc mô hình quản trị, chấp nhận sự phá hủy sáng tạo, cùng với thúc đẩy nghiên cứu - phát triển phát triển giá trị tích lũy trong quá trình sản xuất. Song, lạm phát mà do chính phủ “lười nhác và tư lợi” in tiền tràn lan thì chẳng chóng thì chày sẽ rơi vào thảm cảnh của nươc Đức sau Thế chiến thứ nhất, Peru những năm 1980, Zimbabwe những năm 2000. Và cái giá phải trả để kiểm soát khủng hoảng và siêu lạm soát thì đau đớn và dai dẳng vô cùng.

Nguồn: Wegreen Vietnam
____________________
Nguồn tham khảo: 

1. Wikipedia
2. Investopedia: 5 Failed Currencies And Why They Crashed

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

[ Sách ] Việt Nam: 1945 -1995

Lịch sử Việt Nam vào nửa sau của thế kỷ XX là lịch sử của đất nước bị chia đôi và bốn cuộc chiến tranh trước và sau sự chia cắt ấy. Cuộc chiến thứ nhất là kháng chiến chống Pháp và chống Quốc Gia Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Mặt trận Việt Minh) lãnh đạo (1945-1954). Cuộc chiến thứ nhì là nội chiến giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam quốc gia (1956-1975) với sự tham gia của hai khối đối đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh: Hoa Kỳ chiến đấu sát cánh với miền Nam, Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn cho miền Bắc. Hai cuộc chiến tiếp theo xảy ra giữa Việt Nam và hai đồng minh cộng sản: Trung Quốc (tháng Hai 1979) và Cam-pu-chia (1979-1989). Hậu quả để lại sau những năm chiến tranh là một đất nước tụt hậu nghèo nàn và sự chia rẽ trầm trọng  trong dân tộc. Việc ôn lại và rút ra bài học lịch sử để tránh những sai lầm về sau là điều cần thiết. Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách: “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử” tập I, của Giáo sư Lê Xuân Khoa.

Trong “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, Giáo sư Lê Xuân Khoa giới thiệu những nghiên cứu và nhận định của ông về bốn cuộc chiến tranh liên tiếp, với những thiệt hại chưa từng có về tài sản và sinh mạng của người Việt. Ngoài ra, ông còn phân tích khá kỹ lưỡng những sai lầm về chính sách và những cơ hội mà hai chủ thể quốc gia và cộng sản cũng như các cường quốc được coi là đồng minh của mỗi bên đã bỏ lỡ. Theo ông: “Có rất nhiều bài học chính trị, quân sự và ngoại giao cần phải được tìm hiểu và rút ra những kinh nghiệm khôn ngoan để cho dân tộc có thể tồn tại và phát triển, tránh khỏi trở thành nạn nhân của những chính sách cai trị sai lầm hoặc lại trở thành công cụ của những thế lực quốc tế trong những hình thức tranh chấp nóng hay lạnh trong tương lai. Ngạn ngữ Đông, Tây đều dạy rằng trong cái rủi có cái may. Cuộc chiến thảm khốc do mâu thuẫn ý thức hệ đã khiến cho hai triệu người phải bỏ nước ra đi nhưng nay đã trở thành một nguồn tài chánh và trí tuệ quan trọng có khả năng phục hồi sinh lực của dân tộc, giúp cho đất nước sớm trở nên giàu, mạnh và có một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới”.



>> Link download: Việt Nam: 1945 -1995

.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Nhật Bản giáo dục đạo đức cho học sinh như thế nào?

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến như một đất nước an toàn và hiện đại. Sau trận sóng thần tháng 3/2011, báo chí phương Tây đặc biệt ca ngợi cách ứng xử của người Nhật: dù trải qua thảm họa, nhiều người rơi vào tình cảnh mất nhà, mất người thân, thiếu đồ ăn thức uống, nhưng tình trạng hôi của, cướp giật, hỗn loạn không diễn ra như tại nhiều đất nước khác. Ngoài gia đình, nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo các thế hệ công dân có cách hành xử đúng mực, văn minh. Liệu nền giáo dục Nhật Bản có bí quyết gì? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin về cách giáo dục đạo đức (道徳 | Doutoku) trong nhà trường tại Nhật Bản.

Lịch sử 

Theo Bách khoa Toàn thư Triết học Stanford, “đạo đức” là “các quy tắc hành xử được một xã hội thống nhất và chấp nhận, và đóng vai trò hướng dẫn hành vi cho tất cả thành viên trong xã hội đó”. Giáo dục đạo đức tại Nhật có lịch sử lâu đời, có thể bắt nguồn từ thời Tokugawa (1603-1868). Trong giai đoạn này, trẻ em học Đạo Khổng tại các trường Terakoya (dành cho con cháu tầng lớp samurai) và Hankou (dành cho các trẻ còn lại). Giáo dục đạo đức được kéo dài tại Nhật, và giai đoạn Hiện đại bắt đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (WW II). Tháng 3 năm 1947, “Luật căn bản” (Fundamental of Law) tại Nhật quy định giáo dục đạo đức là một phần bắt buộc trong xã hội dân chủ.

Mẫu giáo

Các lớp học về đạo đức tại Nhật chính thức bắt đầu từ tiểu học, thế nhưng ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được học các quy tắc ứng xử căn bản. Người Nhật đặc biệt chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi, và cám ơn. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp.

Trẻ em Nhật tuần tự xếp hàng đi vệ sinh
Đến giờ ăn, trẻ được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn: giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, đổ sữa vào ly; và trẻ sẽ bưng đến bàn của các bạn. Trẻ mặc đồng phục như một người chăm nuôi thật sự. Sau đó, những trẻ phục vụ của ngày sẽ tập trung đứng trước lớp và đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, và các bạn sẽ đồng thanh cám ơn. Trước khi ăn, người Nhật nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn), sau khi ăn sẽ nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn), và hai điều này cũng được hướng dẫn ngay từ mẫu giáo.

Trẻ em Nhật mặc đồng phục và phục vụ bữa ăn cho các bạn

Trẻ em từ 3 tuổi trở lên được hướng dẫn tự ăn mà không cần người lớn bới, tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, tự trải ga trải giường, tự gấp gối và nệm sau giấc ngủ trưa. Có thể nói, ngay từ cấp mẫu giáo, trẻ đã được học những bài học quan trọng đầu tiên về cách ứng xử lịch thiệp (lời cám ơn và xin lỗi), tinh thần trách nhiệm với công việc (mặc đồng phục), chia sẽ trách nhiệm trong tập thể (lần lượt đảm nhiệm việc phục vụ đồ ăn), và sự tự lập (tự phục vụ bản thân). 

Tiểu học và Trung học

Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), mục đích của môn đạo đức  tại các trường tiểu học bao gồm giảng dạy về hành vi trong đời sống hàng ngày, sự cảm nhận và phán đoán về đạo đức, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo, sự nhận thức về tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh trong việc xây xựng đất nước. Lên cấp hai, các chủ đề được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh, bao gồm các chủ đề như cách phản ứng đối với lời phê bình, sự hiểu biết và tôn trọng giới tính, thái độ tôn trọng sự thật, v.v.

Theo quy định của MEXT, đến khi tốt nghiệp cấp hai (lớp 9) – bậc giáo dục phổ thông bắt buộc tại Nhật; mỗi học sinh đã trải qua các lớp đạo đức kéo dài 45 phút (cấp 1) và 50 phút (cấp 2) mỗi tuần (tương đương với 35 giờ học mỗi năm). Năm 2002, MEXT xuất bản “Ghi chú Trái tim” (Kokoro no Noto), một sách tham khảo dành cho giáo viên.

Tuy Đạo đức là môn bắt buộc, tuy nhiên MEXT không có quy định thống nhất về nội dung chương trình, sách giáo khoa và điểm số. Điều này giúp giáo viên linh hoạt thiết kế bài giảng cho phù hợp với học sinh. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng sách tham khảo “Ghi chú trái tim” hay chuẩn bị các tài liệu khác. Các chủ đề bao gồm phân biệt đối xử người thiểu số, tình bạn, bắt nạt học đường, vai trò giới tính, v.v. Hoạt động lớp học bao gồm các bài giảng, thảo luận các câu hỏi như “Liệu việc một người đàn ông khóc có được xem là hành vi được chấp nhận?”, “Nếu bạn ngồi một mình trong lớp, em sẽ làm gì?”, đến việc giải thích các thành ngữ, thăm quan bảo tàng, viết những lá thư ẩn danh miêu tả những điểm tốt về các bạn cùng lớp.

Ngoài ra, đạo đức cũng được nhấn mạnh trong các bộ môn giáo dục khác tại trường. Một vài ví dụ về mục tiêu các môn học như sau:
  •  Tiếng Nhật: Phát triển khả năng hiểu và sử dụng tiếng Nhật, phát triển đam mê và sự tôn trọng dành cho tiếng Nhật (Mục tiêu chung, Lớp 7)
  •  Khoa học: Giúp trẻ nhận thức về sinh vật dưới tác động môi trường, phát triển thái độ tôn trọng sự sống, nghiên cứu sự phát triển và cấu trúc cơ thể của sinh vật (Lớp 5)
  •  Giáo dục thể chất: Phát triển tinh thần “fair-play” khi cạnh tranh và hợp tác, sẵn sàng tuân theo quy định và hoàn thành trách nhiệm thông qua việc hơp tác (Trung học).

Hoạt động ngoại khóa

Quan trọng không kém là việc giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa. Một trong những hoạt động phổ biến tại Nhật là việc tổ chức các Lễ hội thể thao trườngmỗi năm, bắt đầu từ  tiểu học. Tất cả học sinh được yêu cầu tham gia với tư cách vận động viên hay cổ động viên. Gia đình cũng được khuyến khích tham gia.

 Bắt đầu từ trung học, các trường tổ chức nhiều câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, và các câu lạc bổ theo sở thích khác. Học sinh Nhật đặc biệt xem trọng các hoạt động ngoài giờ không kém các lớp học chính thức. Chính những hoạt động tập thể này sẽ giúp học sinh hiểu rõ về sự tập trung, nỗ lực vì bản thân, phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn tập thể.

Ngoài ra, một trong những hoạt động ngoài giờ phổ biến ở tiểu học là việc chăm sóc chậu cây nhỏ. Hàng ngày, học sinh sẽ lần lượt thay phiên trực nhật, quét dọn lớp học, và các khu vực công cộng  như sân bóng rổ, cầu thang, hành lang lớp học, v.v. Các hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu về trách nhiệm với bản thân, chăm sóc người thân, và việc chia sẽ trách nhiệm với cộng đồng.

Cải cách giáo dục

Tuy Nhật có hệ thống giáo dục đạo đức khá hiệu quả, không thể phủ nhận nhiều vấn đề nhức nhối vẫn xảy ra trong phạm vi trường học. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là nạn bắt nạt. Tháng 2/2013, một dự thảo cải cách giáo dục được đề trình lên chính phủ thủ tướng Abe Shinzo. Một điểm quan trọng của dự thảo này là việc đưa môn Đạo đức trở thành bộ môn chính thức với sách giáo khoa, nội dung chương trình, và cách đánh giá thống nhất.
Tuy nhiên, dự thảo này gặp không ít phản đối và nghi ngại. Vấn đề bất cập đầu tiên là điểm số. Đối với Đạo đức, một khái niệm không có câu có trả lời tuyệt đối đúng sai, thì việc áp dụng những phương pháp đánh giá truyền thống như trắc nghiệm, đúng-sai sẽ không phù hợp.

Điều bất cập thứ hai là thiếu nhân lực. Đạo đức hiện đang được giảng dạy bởi các giáo viên chủ nhiệm đang đứng lớp. Nếu Đạo đức trở thành bộ môn chính thức, điều này sẽ tạo thêm nhiều áp lực và khối lượng công việc cho các thầy cô. Ngược lại, nếu đào tạo lớp giáo viên mới cho bộ môn này, liệu các thầy cô trẻ không có kinh nghiệm có thể truyền đạt các bài học vốn cần nhiều kinh nghiệm sống một cách hiệu quả?

Điều bất cập thứ ba là nội dung chương trình mới có thể bao gồm chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa yêu nước (patriotism), vốn được thủ tướng Abe xem trọng. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (WWII), hầu hết người Nhật đã mất lòng tin vào chính phủ vốn theo chủ nghĩa quốc gia cứng rắn. Chính vì thế, việc đưa chủ nghĩa quốc gia vào môn Đạo đức gặp nhiều sự phản đối. Một sinh viên nhận xét, chủ nghĩa quốc gia nên đưa vào môn Đạo đức dưới dạng khuyến khích học sinh yêu thích và tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản như trà đạo hay các môn võ thuật, thay vì giới thiệu về chủ nghĩa quốc gia một cách đơn thuần.

Chúng ta làm được gì?

Đạo đức đã và đang được giảng dạy khá hiệu quả tại Nhật. Ba đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục đạo đức bao gồm sự linh hoạt trong phương pháp và nội dung giảng dạy của giáo viên, nội dung phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi của học sinh, và giáo dục gắn liền với thực hành và đời sống qua các hoạt động ngoại khóa. Điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu Đạo đức và Giáo dục công dân giảng dạy tại Việt Nam có hiệu quả khi thiếu các hoạt động thực hành, nội dung chương trình dựa quá nặng vào triết học chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp ba, và hình thức kiểm tra dựa vào trắc nghiệm? Liệu chúng ta có thể học hỏi gì về hình thức giáo dục tại Nhật và thay đổi cho phù hợp để áp dụng nâng cao hiệu quả cho việc giảng dạy bộ môn giáo dục Đạo đức và Công dân tại Việt Nam? – Đây là điều rất đáng quan tâm và suy nghĩ.

Lan T
Bài viết dựa vào kinh nghiệm thực tế tham quan tại trường mẫu giáo tại Miyazaki và thông tin từ phỏng vấn với năm sinh viên Đại học Nagoya.

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More