Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Những đồng tiền vô giá trị và sự thất bại của các quốc gia

Một số quốc gia châu Âu lựa chọn chuyển đổi đồng tiền quốc gia của họ sang sử dụng đồng Euro giờ đây đang bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan do không còn khả năng điều hành chính sách tiền tệ một cách độc lập. Giải pháp nhằm ổn định tình hình tài chính ở khối Liên minh châu Âu đã là như thế nào? Về cơ bản, một lượng tiền cứu trợ khẩn cấp đã được bơm vào nền kinh tế Hy Lạp và Ireland thông qua Ngân hàng trung ương châu Âu (European Central Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế ((IMF – International Monetary Fund). Liệu sức khỏe của nền kinh tế châu Âu và đồng Euro sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong dài hạn với cách cứu vớt nền kinh tế khỏi sự sụp đổ như thế này? Lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta một trong những câu trả lời.

1. Đồng PAPIERMARK (Đức)

Cộng hòa Weimar (Đức) sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) là minh họa đầu tiên trong bức tranh về sự sụp đổ của tiền tệ. Là quốc gia thất bại trong chiến tranh, theo Hiệp định Versailles, Đức phải có nghĩa vụ bồi thường chiến tranh cho các quốc gia đồng minh giành chiến thắng.

Đức chính thức sử dụng đồng tiền Papiermark từ khi Thế chiến thứ nhất nổ ra để thay thế cho nền kinh tế bản vị vàng đã ngự trị từ lâu trong lịch sử. Để chi trả cho chiến phí trong chiến tranh, thay vì tăng thuế, Chính phủ Đức đã liên tục cho in tiền và tăng vay nợ nước ngoài khiến giá trị của đồng Mark ngày càng bị suy giảm. Sau chiến tranh, Đức không còn vàng hay tiền tệ (nội tệ và ngoại hối) dự trữ trong ngân khố quốc gia và do đó không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ khi các quốc gia thắng trận chỉ chấp nhận lấy vàng hoặc ngoại tế. Để trừng phạt Đức, Pháp và Bỉ đã chiếm dụng các cơ sở công nghiệp nặng của quốc gia này khiến công nhân phải lao động cực nhọc mà không được trả lương. Đức phải chạy đua với cuộc chiến trả lương cho công nhân để tránh bị công nhân đình công nổi loạn trên diện rông và trả món nợ chiến tranh vẫn đang nhãn tiền.

Giải pháp trong cơn nguy khốn, chính phủ Đức đã tiếp tục gia tăng in tiền khiến siêu lạm phát bùng phát. Theo thống kê, đầu năm 1922, mệnh giá lớn nhất của đồng Mark là 10 nghìn (104) thì tới tháng 2 năm 1923 mệnh giá đồng bạc lớn nhất của Đức đã lên tới 1 tỷ (109), và khi siêu lạm phát lên đỉnh vào tháng 10 năm 1923 thì mệnh giá lớn nhất của đồng Mark đã là 1 nghìn tỷ (1012). (http://en.wikipedia.org/wiki/Hyperinflation_in_the_Weimar_Republic)

2. Đồng SOL & INTI (Peru)

Những năm 1980 là thập kỷ bị đánh mất của nền kinh tế Nam Mỹ Peru. Nửa đầu thập kỷ, đất nước của đế chế Inca cổ đại đã ẩn chứa mầm mống của lạm phát trong nhiệm kỳ của tổng thống Fernando Belaunde Terry do sự gia tăng nợ nước ngoài cho chi tiêu của chính phủ, bạo lực hoành hành do sự sung đột giữa lực lượng nổi dậy cánh tả của Đảng cộng sản Peru (Shining Path) với chính phủ của tổng thống Belaunde, cộng với tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên của khí hậu trái đất “E; Nino” những năm 1982 – 1983 khiến nhiều vùng bị lũ lụt lan tràn trong khi những vùng khác bị hạn hán nặng nề và nguồn thu nhập chính của quốc gia từ đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng. Những vấn nạn trên, cùng với chính sách tự do hóa thương mại thiếu hiệu quả làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài đã nối đuôi nhau tháo vốn khỏi thị trường Peru.

Năm 1985, Alan Gacia được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp của Peru thay cho Balaunde. Để giải quyết vấn đề lạm phát mãn tính, tổng thống Gacia đã tiến hành đổi tiền, từ đồng Sol sang đồng Inti với tỷ lệ giao dịch 1 đồng Inti tương đương 1000 đồng Sol. Tuy nhiên, chính phủ mới của Gacia lại tiếp diễn đường lối cải cách kinh tế sai lầm áp đặt các chính sách phi chính thống (heterodox policies) thông qua mở rộng quá độ chi tiêu công trong khi lại trì hoãn trách nhiệm trả nợ nước ngoài. Trong khi, chính phủ Gacia lại cũng chọn giải pháp đơn giản nhất song cũng nguy hại nhất cho sức khỏe của nền kinh tế là in tiền để chi tiêu và trả nợ.

Hệ lụy của 2 nhiệm kỳ tổng thống trên là sự bùng phát của siêu lạm phát (hyperinflation). Riêng trong năm 1990, lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này là 7,649% và trong 5 năm 1985 – 1990 tổng mức lạm phát lên tới con số kinh hoàng 2.220.200% (http://en.wikipedia.org/wiki/Economic_history_of_Peru). Thậm chí chỉ một cái bánh mỳ cũng tốn mất hàng tuần lương của một viên chức. Người dân mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia và họ quay trở lại với nền kinh tế hàng đổi hàng (bater). Kết quả, đến lượt đồng Inti lại bị đào thải và được thay thế bằng đồng Nuevo Sol với tỷ lệ giao dịch 1 Nuevo Sol đổi 1000 Inti.

3. Đồng DOLLAR (Zimbabwe)

Ai muốn biến giấc mơ tỷ phú đô la thành hiện thực trong chốc lát hãy mang 1 đồng tiền Việt với mệnh giá 10.000 đồng đến giao dịch với ngân hàng để đổi lấy đồng tỷ đô la Zimbabwe. Khi quốc gia này giành được độc lập năm 1980, đồng đô la Zimbabwe được định giá rất cao, lên tới 1 đô la Zimbabwe đổi được 1,25 đô la Mỹ. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề đã dẫn đến sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong suốt các thập kỷ tiếp theo. Đặc biệt năm 1998 khi Tổng thống (thực ra khi đó còn là Thủ tướng) Robert Mugabe khởi động chính sách cải cái ruộng đất tịch thu đất đai của những người nông dân da trắng và tái phân phối những tài sản này cho những người nông dân da màu, sản lượng nông nghiệp sụt giảm không phanh, đặc biệt là ngành trồng cây thuốc lá vẫn chiếm tới 1/3 tỷ trọng xuất khẩu, khiến quốc gia này mất đi nguồn thu chính từ xuất khẩu các mặt hàng nông phẩm.

Tiếp đó, năm 2000, Zimbabwe tiếp tục bị quấn vào cuộc chiến tranh lần thứ 2 với quốc gia láng giềng Congo. Để trả lương cho quân đội và quan chức chính phủ, Mugabe đã mạnh tay cho in tiền và vay tiền tràn lan. Theo thống kê của Wikipedia, thời điểm này mỗi tháng cỗ máy chính phủ Zimbabwe đã ngốn một khoản nợ lên tới 22 triệu USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. 
100 tỷ dollar Zimbabwe
Chính sách cải cách ruộng đất ăn cướp, in tiền bừa bãi để phục vụ chiến tranh, nội chiến giữa các đảng phái chính phủ Zimbabwe, tham nhũng hoành hành, sự suy giảm niềm tin vào tương lai nền kinh tế, cộng với sự di dân ồ ạt ra nước ngoài để tránh khỏi sự bạo loạn quốc nội đã khiến cho tình hình lạm phát của Zimbabwe nguy kịch hơn bao giờ hết. Năm 2004 ghi nhận chỉ số lạm phát là 624%, năm 2007 là 11.000%, và một năm sau đó cuối năm 2008 lên tới mức không tưởng hơn 11.000.000% (http://edition.cnn.com/2008/BUSINESS/08/19/zimbabwe.inflation/index.html). Toàn dân Zimbabwe hiện thực hóa giấc mơ tỷ phú khi đồng bạc mệnh giá 100 tỷ đô la được phát hành, và mỗi “tỷ phú” sở hữu một đồng bạc tỷ này có thừa sức mua được… 3 quả trứng.

KẾT LUẬN

Đối với các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia, tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu cực kỳ quan trọng, song đừng lấy nó làm tất cả. Chẳng có bữa trưa nào miễn phí trên bàn tiệc này cả và chẳng phải cứ in tiền rồi rải nó khắp nơi là sẽ giúp kích thích nền kinh tế và sự thịnh vượng sẽ mọc lên khắp nơi như nấm sau mưa. Thực chất, đồng tiền càng in nhiều thì càng bị suy giảm giá trị, đặc biệt ở những quốc gia mà đồng tiền ít tác động tới cục diện nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù in tiền sẽ giúp giải quyết vấn đề suy giảm kinh tế và giải quyết nợ đọng trong ngắn hạn, song sau cơn bạo bệnh, một căn bệnh trầm kha khác sẽ xuất hiện và nó có nguy cơ phá hủy cả nền kinh tế: LẠM PHÁT PHI MÃ. Nếu lạm phát xuất phát từ những nguyên nhân đơn thuần như cầu kéo hay chi phí đẩy thì giải pháp sẽ có thể giải quyết bài toán vĩ mô này bằng giải pháp cứu trợ tài chính ngắn hạn (để cầm máu nền kinh tế) và đồng thời là tái cấu trúc mô hình quản trị, chấp nhận sự phá hủy sáng tạo, cùng với thúc đẩy nghiên cứu - phát triển phát triển giá trị tích lũy trong quá trình sản xuất. Song, lạm phát mà do chính phủ “lười nhác và tư lợi” in tiền tràn lan thì chẳng chóng thì chày sẽ rơi vào thảm cảnh của nươc Đức sau Thế chiến thứ nhất, Peru những năm 1980, Zimbabwe những năm 2000. Và cái giá phải trả để kiểm soát khủng hoảng và siêu lạm soát thì đau đớn và dai dẳng vô cùng.

Nguồn: Wegreen Vietnam
____________________
Nguồn tham khảo: 

1. Wikipedia
2. Investopedia: 5 Failed Currencies And Why They Crashed

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More