"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người" - Fukuzawa Yukichi
"Thích điều nhân mà không thích học thành ra người ngu, thích mưu lược mà không thích học thành ra người tặc, thích điều thẳng mà không thích học thành ra người giảo, thích đức dũng mà không thích học thành ra người loạn, thích cương cường mà không thích học thành ra người cuồng!" - Khổng Tử
"Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự bạo ngược bất công là soi sáng đến hết mức có thể tâm trí của quần chúng và đặc biệt là cho họ tri thức và sự thật." - Thomas Jefferson
"Hòa bình không có nghĩa là hết xung đột; sự khác biệt luôn hiện diện trong quan hệ giữa người và người. Hòa bình là giải quyết sự khác biết đó thông qua những phương pháp ôn hòa; bằng đối thoại, giáo dục, sự hiểu biết; và bằng những cách thức khác mang tính nhân bản." - Dalai Lama

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Đi tìm một mô thức phát triển đất nước V

Các chế độ độc tài không phải chỉ đã viện dẫn những thí dụ cụ thể để lập luận rằng dân chủ không có lợi cho cố gắng phát triển. Họ cũng đã điều động những học giả, kể cả những học giả có tên tuổi, để xây dựng cả một học thuyết. Trong hầu hết mọi trường hợp uy tín của các học giả này chính là nhờ họ đã được các chế độ độc tài đề cao. Tuy vậy, cũng có những học giả vô tư, thực sự tin rằng dân chủ mâu thuẫn với phát triển. Trong một phần sau tôi sẽ trình bày lý do tại sao những người rất uyên thâm và xuất sắc cũng có thể sai lầm lớn trên những vấn đề thực ra khá giản dị.

Lý thuyết về mâu thuẫn giữa dân chủ và phát triển có lúc đã rất thời thượng, đến nỗi phần đông các học giả bênh vực dân chủ cũng chỉ dám biện hộ rằng dân chủ không có hại gì cho phát triển.

Tôi xin tóm tắt sau đây toàn bộ những lập luận của phe chủ trương dân chủ không có lợi cho phát triển. Công việc này đã làm mất khá nhiều thời giờ, nhưng đó là việc phải làm để giải quyết một lần cho tất cả những lấn cấn về quan hệ giữa dân chủ và phát triển.

Nói một cách tổng quát, phe phản bác dân chủ đưa ra ba lập luận cùng với những nghiên cứu thống kê về các nước đang phát triển.

Lập luận thứ nhất là các chính quyền dân chủ, vì lệ thuộc vào lá phiếu của cử tri, không dám thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để áp đặt tiết kiệm dùng cho đầu tư. Làm như thế họ sẽ bị cử tri trừng phạt trong lần bầu cử tới. Các chính quyền dân chủ vì vậy bắt buộc phải, một mặt, dành một phần lớn ngân sách cho các vấn đề xã hội thay vì tập trung tài nguyên cho phát triển và, mặt khác, nâng đỡ các kỹ nghệ tiêu dùng thay vì đặt ưu tiên vào những kỹ nghệ nền tảng cho phát triển (đây là một điệp khúc của lý thuyết những kỹ nghệ kỹ nghệ hóa).

Lập luận thứ hai là thế giới cạnh tranh gay gắt hiện nay ["hiện nay" ở đây có nghĩa là các thập niên 1960 và 1970 và những năm đầu của thập niên 1980] khác xa bối cảnh của các thế kỷ trước khi những quốc gia Tây Âu đầu tiên đã vươn lên. Phát triển ngày càng trở nên phức tạp. Nhà nước do đó sẽ phải can thiệp một cách thường xuyên và tích cực để chỉ huy cố gắng phát triển. Vì vậy nhà nước cần phải nắm thật nhiều quyền lực, nếu cần phải độc tài. Nhiều học giả còn bổ túc thêm bằng một lập luận khác : giai đoạn độc tài chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp có mục đích tập trung mọi cố gắng xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế, sau đó dân chủ sẽ đến một cách tự nhiên. Các vị này không nói rõ giai đoạn quá độ này có thể kéo dài bao lâu, cũng như hình thức dân chủ nào sẽ đến sau đó và đến như thế nào.

Lập luận thứ ba là một lập luận thuần túy chính trị. Nó có thể tóm lược như sau: các nước chưa mở mang cũng là những nước mà các định chế chính trị (luật pháp, chính phủ, quốc hội, các tòa án, v.v...) còn mới và yếu ; một chế độ dân chủ trong bối cảnh này sẽ đặt các định chế chính trị dưới áp lực quá mạnh của các đòi hỏi mâu thuẫn từ xã hội dân sự (tôn giáo, địa phương, nghiệp đoàn, hội đoàn). Do đó các nước chưa mở mang cần một chính quyền thật mạnh, nghĩa là độc tài, để bảo đảm sự ổn vững cần thiết cho phát triển.

Các tác phẩm và bài viết của trường phái chống dân chủ nhân danh phát triển rất dồi dào về số lượng trong suốt ba thập niên 1960, 1970 và 1980. Thuần túy lý thuyết cũng có, phối hợp lý luận với quan sát cụ thể cũng có. Khó có thể thống kê được số tấn giấy đã được dùng cho việc in ấn, nhưng tất cả đều chỉ xoay quanh ba lập luận trên đây.

Song song với cuộc tranh luận lý thuyết, nhiều học giả đã thực hiện những công trình khảo sát rất công phu trên nhiều quốc gia. Robert March công bố năm 1979 một thống kê về phát triển trên 98 nước trong thời gian 15 năm, từ 1955 đến 1970. Dirk Berg Schlosser công bố năm 1984 một công trình khảo cứu về các nước châu Phi; Dwight King khảo sát sáu nước châu Á trong thập niên 1970; Yousseff Cohen khảo sát một số nước châu Mỹ La Tinh trong cùng thời kỳ ; G. William Dick khảo sát các kết quả thống kê của 72 quốc gia trong thời gian từ 1959 đến 1968. Đó là chỉ kể một vài trong số rất nhiều công trình khảo sát qui mô. Các nghiên cứu về từng quốc gia một thì không thể đếm nổi bởi vì các chế độ độc tài tuy chủ trương "thắt lưng buộc bụng" đối với quần chúng dưới quyền cai trị của họ, nhưng lại rất rộng rãi đối với những công trình nghiên cứu có tác dụng đề cao họ. Bên cạnh những nghiên cứu theo đơn đặt hàng, hoặc theo mệnh lệnh, cũng có những nhà nghiên cứu đứng đắn thực sự muốn tìm ra trong kinh nghiệm cụ thể một liên hệ giữa dân chủ và phát triển.

Một trong những khảo sát cụ thể [case study] hay được viện dẫn nhất để chứng minh dân chủ không có lợi cho phát triển, hay nói một cách khác độc tài có lợi cho phát triển, là khảo sát so sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và đã chọn hai con đường khác hẳn nhau từ một nửa thế kỷ nay. Ấn Độ đã trở thành một nước dân chủ từ 1947 trong khi, ngược lại, Trung Quốc đã chọn chế độ cộng sản chuyên chính từ 1949. Theo mọi khảo sát, nước Trung Hoa độc tài đã thắng nước Ấn Độ dân chủ trên tất cả mọi địa hạt kinh tế, dù là công nghiệp hay nông nghiệp, chứng minh một cách hùng hồn sự hơn hẳn về mặt kinh tế của một chế độ độc tài so với một chế độ dân chủ.

Tất cả những lý luận và khảo sát cụ thể đó đã cho phép một số người dõng dạc khẳng định: "dân chủ hay phát triển giữa hai cái đó phải chọn một".

Tới đây, chúng ta có thể bắt đầu khảo sát các lý luận phản bác dân chủ. Trước hết là một vài nhận xét tổng quát:

- Các lập luận này đều dựa trên một định đề được coi là một sự thực hiển nhiên không cần chứng minh là sự can thiệp mạnh của các chính quyền vào sinh hoạt kinh tế là một điều phải làm và nên làm. Sự "hiển nhiên" này hiện nay không còn "hiển nhiên" chút nào. Cùng lắm vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế là một đề tài thảo luận; đối với đa số các nhà nghiên cứu nhà nước càng ít can thiệp càng hay.

- Các lập luận này nhìn phát triển kinh tế như một vấn đề thuần túy kỹ thuật, có thể giải quyết bằng những chương trình và kế hoạch. Các yếu tố tâm lý và văn hóa hoàn toàn vắng mặt. Tệ nạn tham nhũng cũng không được kể đến. Các học giả không coi tham nhũng là yếu tố quan trọng, hoặc coi nó là một tệ nạn nẩy nở và tác hại như nhau trong mọi chế độ chính trị. Ngày nay cách nhìn này đã bị bác bỏ. Kinh nghiệm đã đưa các nhà quan sát đến một đồng thuận: phát triển không phải là một vấn đề kỹ thuật mà chủ yếu là một vấn đề tâm lý và văn hóa. Mặt khác cũng không còn ai phủ nhận quan hệ giữa chế độ chính trị và mức độ tham nhũng.

- Các lập luận này đều coi là phát triển đồng nghĩa với phát triển công nghiệp. Dịch vụ và thương mại hầu như không đóng vai trò nào hay chỉ có vai trò rất thứ yếu. Quan điểm này ngày nay đã trở thành hoàn toàn lạc hậu, sau khi đã bị thực tế phản bác một cách phũ phàng.
Chính vì dựa trên những tiền đề đã bị bác bỏ mà ngày nay các lập luận này không còn được nhắc tới nữa và các lý thuyết gia một thời vang bóng bênh vực chúng cũng đã chìm vào quên lãng. Tuy vậy, một lần cho tất cả, chúng ta hãy phân tích những lý luận này, bởi vì điều đáng tiếc là trí thức Việt Nam chúng ta đầu tư rất ít vào tư tưởng, do đó những điều có thể rất cũ vẫn còn là mới với nhiều người Việt, kể cả một số chuyên gia kinh tế.

Lập luận thứ nhất (các chính quyền dân chủ thường phải đặt quá nặng các vấn đề nhân sinh và hy sinh những đầu tư cơ bản có tác dụng đẩy mạnh phát triển) chắc chắn phải khiến độc giả có cảm giác ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi. Quả đúng như vậy, đằng sau lập luận này là lý thuyết về "các kỹ nghệ kỹ nghệ hóa" đã làm phá sản nhiều quốc gia, thí dụ như Algeria. Trong một dịp trước chúng ta đã đề cập đến lý thuyết này. Nếu quả thực các chính quyền dân chủ đầu tư nhiều cho sức khỏe và giáo dục, chú trọng thỏa mãn những đòi hỏi cấp bách của dân chúng và đặt trọng tâm vào các kỹ nghệ tiêu dùng thì hay biết bao. Sau bao nhiêu năm bị lôi cuốn vào những lý luận cao siêu về phát triển, các quốc gia đã khám phá ra rằng đầu tư vào giáo dục và sức khỏe là đầu tư có hiệu năng kinh tế cao nhất. Tiêu thụ, và đặc biệt là tiêu thụ trong thị trường nội địa, cũng đã được nhìn nhận như yếu tố cốt lõi của hoạt động kinh tế. Đầu tư vào kỹ nghệ tiêu dùng, trước hết là những kỹ nghệ sản xuất nhu yếu phẩm, cũng là đầu tư có tác dụng kích thích kinh tế lớn nhất. Ngược lại, đầu tư vào những kỹ nghệ nặng sản xuất hàng trăm ngàn tấn thép mà các kỹ nghệ tiêu dùng chưa đòi hỏi chỉ là phí phạm. Cũng thế, xây dựng những hạ tầng cơ sở chưa thực sự cần thiết cũng là một phí phạm khác, phí phạm trong phí tổn xây dựng, phí phạm liên tục trong phí tổn bảo trì, rồi cuối cùng cũng vẫn hư hỏng vì không được sử dụng. Nền tảng của kinh tế thị trường mà ngày nay không còn nước nào chối cãi vẫn là... thị trường. Phải sản xuất những gì thị trường chờ đợi. Có thể tiên liệu những nhu cầu của thị trường cho năm năm hay mười năm sắp tới, hay xa hơn nữa nếu có thể, nhưng không thể bắt thị trường phải tiêu thụ những sản phẩm mà nó không cần, nếu không muốn bị đánh thức khỏi giấc mơ duy ý chí một cách tàn nhẫn.

Trên thực tế, điều đáng tiếc là các chế độ dân chủ đã không hành động như các lý thuyết gia phê phán. Trong phần lớn các nước dân chủ, giới chủ nhân thường hay dựa vào những kẽ hở của luật pháp và thế yếu của giới công nhân, nhất là tại những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao, để giữ lương bổng ở mức độ thấp. Họ chèn ép công nhân trong mục đích đạt tới tỷ lệ lợi nhuận cao nhất với hy vọng tái đầu tư vào việc bành trướng xí nghiệp mà không ý thức được sự cần thiết phải gia tăng sức mua của quần chúng. Đây là một cái nhìn thiển cận mà nhà nước cần điều chỉnh vì lợi ích của giai cấp công nhân và vì chính lợi ích của giai cấp chủ nhân. Trong nhiều trường hợp, như tại Ấn Độ, lớp người giàu có còn sử dụng tài sản tích lũy được cho những xa hoa phi sản xuất.

Tóm lại đầu tư vào y tế, giáo dục và nâng cao mức tiêu thụ của quần chúng không những không tai hại mà còn là điều nên làm và phải làm. Một trong những khám phá quan trọng nhất của hai thập niên cuối của thế kỷ 20 là không những phát triển có thể mà hơn thế nữa còn phải đi song song với cải thiện dân sinh.

Lập luận thứ hai (về sự cần thiết phải gia tăng mức độ can thiệp của nhà nước vì bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh và hoạt động kinh tế ngày càng phức tạp, và do đó cần một nhà nước mạnh, nghĩa là một nhà nước độc tài) chưa bao giờ là một lập luận nghiêm chỉnh. Nó luôn luôn chỉ là một xác quyết suông dựa trên "dẫn chứng" là sự thành công của các nước cộng sản. Từ khi các chế độ cộng sản sụp đổ, và thế giới nhìn rõ những «thành tựu to lớn» của các chế độ cộng sản đều chỉ là bịp bợm, lập luận này đã mất hết nội dung.

Dĩ nhiên trong một nước chưa phát triển nhà nước bắt buộc phải trọng tài một cách khó khăn giữa những đòi hỏi mâu thuẫn, và chính đáng như nhau, với một ngân sách hạn hẹp, đặc biệt là trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, hải cảng, phi trường, hệ thống viễn thông, v.v...) và như thế cần phải mạnh. Nhưng thế nào là một nhà nước mạnh ? Nhà nước mạnh không có nghĩa là nhà nước độc tài, có nhiều công an và nhà tù. Ngược lại. Sức mạnh của nhà nước, hiểu theo nghĩa sức mạnh để phát triển đất nước, chủ yếu dựa trên hậu thuẫn của dân chúng. Sức mạnh này các nhà nước độc tài không có, chúng dùng bạo lực để thống trị dân chúng và gặp sự chống đối của dân chúng. Sự chống đối có thể thụ động, không có tổ chức nhưng tổng kết lại cũng vẫn đủ sức để làm hỏng mọi kế hoạch của nhà nước. Trong thực tế, trong những quốc gia có tầm vóc lớn, các kế hoạch của những tập đoàn thống trị mù quáng tự coi mình đủ thông minh để suy nghĩ thay cho hàng chục triệu người, và xấc xược áp đặt sự suy nghĩ đó lên mọi người, chỉ có thể là ngớ ngẩn. Các chính quyền độc tài có thể thừa sức để bỏ tù những người đòi dân chủ, họ cũng có thể thừa sức để ngăn chặn sự hình thành của những tổ chức đối lập, nhưng không bao giờ đủ phương tiện để kiểm soát mọi hành động của mọi người và cuối cùng không bao giờ quản trị được xã hội một cách đúng nghĩa, ngay cả về trật tự an ninh.

(Tới đây tôi xin phép độc giả mở một ngoặc đơn về sự chống đối thụ động của dân chúng. Vợ tôi làm việc cho một hội từ thiện, hội Măng Non. Hội này mở những lớp dạy tiếng Việt tại Paris và dùng học phí thu được, cùng với sự đóng góp của các hội viên, để xây trường học tại những vùng nghèo khổ ở Việt Nam. Hội cũng cấp nhiều học bổng mỗi năm và khuyến khích thân hữu nhận làm con nuôi một số học sinh mồ côi. Trong các hồ sơ xin học bổng hay xin được nhận làm con nuôi, có rất nhiều học sinh có cha mẹ bị điện giật chết. Tôi tìm hiểu và được biết nguyên nhân : đó là công trình đường dẫn điện cao thế 500 KVA Bắc-Nam mà ông thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương và đôn đốc. Công trình này là một trong những kế hoạch lớn nhất của nhà nước Việt Nam trong thập niên 1990 và là cả một kỳ quan của sự ngu dốt mà chỉ có một chế độ rất độc đoán mới áp đặt được. Tại sao lại dẫn điện từ Bắc vào Nam ? Miền Bắc không thực sự thừa điện mà chỉ tạm thời thừa điện vì chưa phát triển. Tải điện đi cả ngàn cây số cũng phải chịu những mất mát to lớn trên đường dẫn. Đây là một kế hoạch duy ý chí nhằm đặt miền Nam trong thế lệ thuộc miền Bắc về năng lượng để dễ kiểm soát. Công trình này mới đầu dự trù tốn kém 500 triệu đô la, sau điều chỉnh lại ở mức độ 800 triệu đô la, nhưng vẫn không đủ. Sau cùng không điều chỉnh nữa mà cứ làm tới, theo tâm lý lỡ phóng lao thì phải theo lao. Nó đã là một phí phạm lớn nhưng nó còn tạo ra vô số thảm kịch về nhân mạng. Dân chúng ùa nhau cắt dây điện để bán làm đồng vụn. Tôi đọc trên báo trong nước có lần trong vòng một tuần lễ đường dây bị cắt trên hai ngàn đoạn. Số người đi cắt dây bị điện giật chết không biết bao nhiêu mà kể. Một số khác, có lẽ cũng đông đảo không kém, bị điện giật chết vì đụng phải dây điện rớt xuống đường).

Về lập luận thứ hai này cũng nên lưu ý một lý do mà các lý thuyết gia bênh vực nó đưa ra: cần một nhà nước độc tài bởi vì tình thế mới đòi hỏi như thế, bối cảnh thế giới hiện nay khác với bối cảnh thế giới trong các thế kỷ 17, 18 và 19 khi các quốc gia phát triển đầu tiên xuất hiện. Một cách gián tiếp họ nhìn nhận Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã phát triển nhờ có tự do và dân chủ, một điều mà họ không nhìn nhận khi tranh cãi về chính các nước này. Rõ ràng là một cách tranh cãi không lương thiện.

Lập luận thứ ba (về nhu cầu cần có ổn định xã hội để phát triển và do đó cần một chế độ độc tài) thì đúng là ăn ngang nói ngược, đổi trắng thay đen. Đồng ý, và đồng ý một trăm phần trăm, là phải có ổn định xã hội để phát triển, nhưng các chế độ độc tài có đảm bảo ổn định xã hội không? Hoàn toàn không! Chế độ độc tài cho phép người cầm quyền thay đổi luật pháp và lấy các quyết định một cách rất tùy tiện. Nay cho phép, mai cấm đoán. Đó là chưa kể người cầm quyền không cần tôn trọng những luật pháp mà mình ban hành, khi không giải thích chúng một cách tùy tiện. Trong một bối cảnh bấp bênh không tiên liệu được như vậy, ai có thể yên trí để làm những dự án đầu tư ? (Phương châm của người kinh doanh tại Việt Nam hiện nay là ba không : không làm lớn, không làm lộ và không làm lâu). Ngược lại, trong một nước dân chủ, hiến pháp và luật pháp là kết quả của những tranh cãi sâu rộng trong đó mọi ý kiến đều được trình bày trước khi được biểu quyết một cách lương thiện cho nên phản ánh mọi nguyện vọng và do đó khó thay đổi. Luật chơi vì vậy rõ ràng và mọi người có thể tiên liệu được tương lai.
Sự gian trá của lập luận thứ ba này là đồng hóa ổn định xã hội với sự kéo dài của các chính quyền, hai điều không những khác nhau mà còn mâu thuẫn với nhau. Ổn định thực sự là luật pháp được tôn trọng và không thay đổi một cách bất ngờ, điều mà chỉ có những chế độ dân chủ pháp trị mới bảo đảm được.

Một điều rất cũ, quá cũ, nhưng cũng cần được nhắc lại vì quá quan trọng: các chế độ độc tài đẻ ra tham nhũng. Độc quyền đưa đến lạm quyền và lạm quyền đưa đến tham nhũng, đó là một qui luật bắt buộc. Tham nhũng là gì nếu không phải là lợi dụng công quyền cho lợi ích cá nhân ? Càng nhiều quyền thì càng dễ tham nhũng. Cho nên các chế độ độc tài dù quyết tâm chống tham nhũng đến đâu đi nữa cũng bất lực, tham nhũng chỉ tăng lên chứ không giảm đi như ta đã thấy trong trường hợp Việt Nam. Muốn giảm tham nhũng thì trước hết phải giảm quyền lực nhà nước, muốn chống tham nhũng thì trước hết phải tôn trọng quyền tự do tố giác và phải tách bộ máy tư pháp khỏi sự kiểm soát của chính quyền, tóm lại phải có dân chủ. Có thể nói tham nhũng là 90% trở ngại của phát triển. Bất cứ một lý thuyết phát triển nào không kể đến sự tác hại của tham nhũng đều chỉ là lý thuyết suông.

Còn những khảo sát cụ thể?
Một cách vắn tắt, chúng đều vô giá trị.

Nguyên nhân đầu tiên là chính sự mơ hồ của việc phân loại các nước dân chủ và độc tài. Phần lớn các khảo sát này đều được thực hiện trước thập niên 1980. Cho tới thập niên 1980, các nước kém mở mang thay đổi chế độ thường xuyên, một chế độ quân phiệt bế tắc phải nhường chỗ cho một chế độ dân cử, rồi sau đó một đại tá lại đảo chính tái lập chế độ độc tài. Có thể thành tích của một nước được coi là dân chủ thực ra chỉ là di sản của một chế độ độc tài, và ngược lại.

Sau đó là sự ngắn ngủi của thời gian khảo sát. Thời gian này thường chỉ là năm hay mười năm, trong khi mức độ phát triển là thành quả của cả một quá trình dài.

Cuối cùng là sự thiếu chính xác của chính những số liệu. Nếu các chế độ dân chủ thường khá lương thiện trong những số liệu thì ngược lại trong các chế độ độc tài các số liệu rất đáng ngờ vực. Độc giả muốn ý thức được điều này hãy thử tìm đọc các tài liệu của Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, hay các chế độ độc tài châu Phi để có một khái niệm. Cái gì cũng đẹp, cũng tốt, cũng vượt chỉ tiêu. Khổ một nỗi là các nhà nghiên cứu, ngay cả các chuyên viên của những định chế rất nghiêm chỉnh như Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cũng bắt buộc phải sử dụng những thống kê chính thức vì không có dữ kiện nào khác.

Nhưng điều lý thú nhất là nếu những "khảo sát" đầu tiên đưa tới những kết luận có lợi cho các chế độ độc tài thì càng về sau các nhà nghiên cứu, sau khi đã vật lộn với những số liệu mà chính họ cũng phải nhìn nhận là không chính xác, càng kết luận là dân chủ không có hại gì cho phát triển, trong nhiều trường hợp họ còn thấy dân chủ có tác dụng tốt cho phát triển. Chấm, và chấm hết.

Sau cùng, nên nghĩ thế nào về sự so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ?

Mới thoạt nhìn sự so sánh này có giá trị: cả hai nước đều là những quốc gia lớn, tầm vóc của chúng cho phép đại cương hóa các quan sát; hai quốc gia đã chọn lựa một cách quả quyết hai hướng đi khác nhau, Ấn Độ chọn dân chủ trong khi Trung Quốc đi theo chế độ độc tài cộng sản; thời gian quan sát cũng khá dài, gần một nửa thế kỷ. Tuy nhiên giá trị của sự so sánh chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta cũng gặp phải sự sai lệch của những dữ kiện. Nếu các số liệu của Ấn Độ có thể coi là tương đối khả tín thì ngược lại những số liệu của Trung Quốc rất khó tin. Chẳng hạn như nông nghiệp của Trung Quốc được ghi nhận là đã tăng trưởng trung bình 3,1% mỗi năm từ 1950 đến 1980 trong khi nông nghiệp của Ấn Độ chỉ tăng trưởng 2,3% mỗi năm. Sự thực mà mọi người đều nhìn nhận là trong thời gian này, qua các giai đoạn "bước nhảy vọt" rồi "cách mạng văn hóa", nông nghiệp của Trung Quốc suy sụp hoàn toàn, làm gần 50 triệu người chết đói. Cũng trong thời gian đó không ai phủ nhận rằng Ấn Độ đã tiến từ địa vị một nước thiếu đói quanh năm tới tình trạng tự túc về lương thực và thực phẩm. Những số liệu như vậy khiến sự so sánh không đứng đắn chút nào. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến ta phản bác sự so sánh. Lý do chính là một người quan sát đứng đắn không thể nghĩ đến việc so sánh Ấn Độ và Trung Quốc. Lịch sử và văn hóa của hai nước quá khác nhau. Nếu căn cứ vào việc Trung Quốc theo chế độ độc tài đã phát triển nhanh hơn Ấn Độ theo chế độ dân chủ để rồi kết luận dân chủ không có lợi cho phát triển bằng độc tài thì cũng ngây ngô như thấy con bò lớn hơn con chó rồi kết luận là những con vật có sừng lớn hơn những con vật không có sừng. Ấn Độ cho tới khi người phương Tây đến không phải là một quốc gia mà là cả một thế giới hỗn tạp với những tập quán và triết lý hủ lậu; xã hội phân hóa thành vô số đẳng cấp kỳ thị lẫn nhau; các triết lý không tìm cách cải thiện cuộc sống mà coi cuộc đời như một bể khổ vô phương cứu chữa; con người tìm hạnh phúc trong những suy tư siêu hình, tìm khoái lạc trong việc nằm trên bàn đinh nhọn hoặc thổi sáo cho rắn hổ múa. Trái lại Trung Quốc là một xã hội thực tiễn, đề cao cố gắng để giải quyết những nhu cầu vật chất. Trước đây không ai nghĩ tới việc so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, nếu ngày nay người ta so sánh hai nước thì cũng vì Ấn Độ đã tiến lên, và tiến lên nhờ dân chủ.

Tôi không phản bác những khảo cứu so sánh, với điều kiện là phải so sánh những cái có thể so sánh. Muốn so sánh hiệu năng kinh tế của dân chủ và độc tài thì phải so sánh tình trạng của cùng một nước trước và sau khi thay đổi từ một chế độc độc tài sang một chế độ dân chủ, hay sang một chế độ tuy chưa phải là dân chủ nhưng với một mức độ tự do lớn hơn. Hoặc ngược lại từ một chế độ dân chủ, hay tương đối cởi mở, sang một chế độ độc tài. Như thế phải so sánh Đại Hàn Dân Quốc trước và sau Lý Thừa Vãn, Phi-líp-pin trước và sau khi chế độ Marcos bị lật đổ, Thái Lan trước và sau năm 1992, từng nước châu Mỹ La Tinh hay từng nước Đông Âu trước và sau cuộc chuyển hóa về dân chủ. Hoặc cũng có thể so sánh các chế độ khác nhau của cùng một dân tộc như hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước năm 1975, Nam và Bắc Cao Ly, Đài Loan và Hoa Lục. Những so sánh này không cho phép bất cứ ngờ vực nào: dân chủ hơn hẳn độc tài về mặt kinh tế.

Nhưng cuộc thảo luận này có thể khiến cây che khuất rừng. Kinh tế không phải là tất cả. Hạnh phúc của một dân tộc không phải chỉ là lợi tức trung bình trên mỗi đầu người, càng không phải là tỷ lệ tăng trưởng 5 hay 10% mỗi năm. Còn những điều cao hơn, và cao hơn nhiều. Đó là phẩm giá, là quyền được nói và làm điều mình muốn, là quyền được sống mà không sợ bị bắt giam vô cớ, được phát triển khả năng của mình mà không cần đút lót, và được tham dự vào những quyết định quan trọng cho cộng đồng. Những điều này chỉ có một chế độ dân chủ có thể đem lại. Các tập đoàn độc tài viện lý cớ phát triển kinh tế để hy sinh tự do. Lập trường này tự nó đã khó chấp nhận, điều còn khó chấp nhận hơn là vì chà đạp tự do và làm thui chột óc sáng tạo họ cũng ngăn chặn luôn cả phát triển kinh tế. Họ biện luận là cần hy sinh hôm nay cho ngày mai nhưng thực ra họ hy sinh hôm nay chỉ để hủy hoại ngày mai.

(Còn tiếp)

Nguyễn Gia Kiểng

Đi tìm một mô thức phát triển đất nước IV

Bài liên quan:

Phi-líp-pin: sự bịp bợm của Marcos

Cho đến năm 1521, khi Magellan, một nhà mạo hiểm người Tây Ban Nha đặt chân đến, Phi-líp-pin là một quần đảo không tên không tuổi với hơn 7.000 đảo và hàng trăm bộ lạc nhỏ. Quốc gia tân lập này đã hoàn toàn do người Tây Ban Nha tạo dựng ra, tên của nó cũng được đặt theo tên vị vua Tây Ban Nha đương thời. Như thế Phi-líp-pin đã được Tây phương hóa ngay từ thời thành lập. Trước đó không hề có một dấu tích đáng kể nào của nền văn minh châu Á, dù là Phật Giáo, Khổng Giáo, Hồi Giáo hay Ấn Độ Giáo. Hiện nay tôn giáo chính của Phi-líp-pin là Công Giáo, do người Tây Ban Nha mang tới, với trên 60% dân chúng.

Tuy là một quốc gia rất mới, nhưng nhờ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, Phi-líp-pin lại là một trong những dân tộc có tinh thần quốc gia đầu tiên tại châu Á, trong khi Việt Nam và Trung Quốc chỉ có tinh thần trung quân. Các phong trào đòi độc lập đã xuất hiện ngay từ thế kỷ 18 và được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng của các nhà văn. Năm 1896, một phong trào dân tộc được ủng hộ rộng rãi đã tuyên bố độc lập. Hai năm sau Tây Ban Nha bối rối phải nhượng bộ trước áp lực của Hoa Kỳ sau khi bị đại bại trong một cuộc hải chiến và đã chấp nhận bán lại toàn bộ quần đảo Phi-líp-pin cho Hoa Kỳ với giá tượng trưng 20 triệu USD. Hoa Kỳ không có truyền thống thực dân và cũng không cần đất đai mà chỉ tìm kiếm các đầu cầu thương mại, nên đã lập tức chuẩn bị trả độc lập cho quốc gia tân lập này. Tuy vậy một nửa thế kỷ tiếp xúc với Hoa Kỳ vẫn không lay chuyển được ba thế kỷ rưỡi do Tây Ban Nha nhào nặn. Nền văn minh phương Tây mà Phi-líp-pin tiếp nhận vẫn là nền văn minh Tây Ban Nha với những nhược điểm của nó : thiếu tinh thần trách nhiệm và đối thoại, tập tính giáo điều và ưa bạo lực. Có thể nói Phi-líp-pin đã tiếp thu văn hóa phương Tây ở dạng kém nhất.

Tuy chỉ có một chế độ dân chủ xô bồ, Phi-líp-pin vẫn tiếp tục phát triển một cách tương đối khả quan - cần nhấn mạnh tĩnh từ "tương đối" - từ ngày được độc lập, năm 1946. Tình hình Phi-líp-pin đã xấu đi từ 1965 khi Ferdinand Marcos, với sự hỗ trợ của giai cấp giàu có, đã đắc cử tổng thống. Marcos đã khéo dùng mọi thủ đoạn mị dân như tô vẽ thành tích chống Nhật trong thế chiến II, tạo cho mình hình ảnh một anh hùng võ nghệ cao cường, dũng lược hơn người, có vợ từng là hoa hậu, để thu hút quần chúng. Để kéo dài vô hạn định thời gian tại chức thay vì hai nhiệm kỳ bốn năm như hiến pháp qui định, Marcos ban hành lệnh giới nghiêm năm 1971, rồi quân luật năm 1972. Những năm cuối trào của Marcos đã là những năm cực kỳ đen tối cho Phi-líp-pin: loạn quân Hồi Giáo, loạn quân cộng sản, cướp bóc, đàn áp, thủ tiêu và biểu tình bạo động v.v... trong một bối cảnh tham nhũng cực kỳ trắng trợn; kinh tế Phi-líp-pin hoàn toàn suy sụp và nợ nước ngoài chồng chất. Hoa Kỳ và các định chế tiền tệ quốc tế thấy không còn tiếp tục ủng hộ Marcos được nữa, các áp lực càng ngày càng tăng cao đòi Marcos từ chức, giới giàu có cũng cảm thấy quyền lợi của họ không còn đi đôi với chế độ Marcos nữa. Giọt nước làm tràn ly là cuộc ám sát lãnh tụ đối lập Benigno Aquino trên cửa chiếc máy bay đưa ông từ Mỹ về nước. Chống đối bùng lên dữ dội, buộc Marcos phải chấp nhận bầu cử lại quốc hội năm 1984 đúng hạn kỳ hiến định. Đối lập dân chủ tuy không giành được đa số nhưng đã thắng lớn tại Manilla. Đây là tiếng chuông báo hiệu ngày tàn của chế độ Marcos vì trước đó, những cuộc đầu phiếu và trưng cầu dân ý luôn luôn đem lại cho ông ta gần như toàn bộ số ghế trong quốc hội và những đa số 80%, 90%. Lúng túng trước áp lực trong nước cũng như ngoài nước, Marcos chơi bạo tổ chức bầu cử tổng thống năm 1986 trước hạn định một năm. Tính toán của Marcos là buộc đối lập phải tranh cử vào lúc chưa kịp chuẩn bị. Marcos đã có lý vì quả nhiên ông ta đã thắng bà quả phụ Cory Aquino trên 500.000 phiếu. Nhưng đối lập dân chủ đã dựa vào hậu thuẫn của trí thức và hỗ trợ quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ, đã tự tuyên bố bừa là thắng cử và phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận, dù sau này các tài liệu chứng tỏ Marcos đã thực sự thắng cử. Quân đội và giới tài phiệt bỏ rơi Marcos, ông ta đào thoát khỏi Phi-líp-pin và chết trong cảnh lưu vong.

Từ đó dân chủ được tái lập, sinh hoạt chính trị và kinh tế dần dần trở lại bình thường, hòa bình cũng dần dần được vãn hồi. Từ đó Phi-líp-pin tiến những bước đều đặn và chắc chắn trên đường phát triển với một mức độ tăng trưởng rất khả quan, và may mắn hơn, không bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng châu Á mùa hè 1997. Nhiều nhà bình luận bắt đầu nói tới một "phép mầu Phi-líp-pin". Nhưng điều không may cho người Phi-líp-pin là họ đã không biết rút kinh nghiệm của bài học Marcos và vẫn duy trì chế độ tổng thống, một chế độ rất dễ đưa đến lạm quyền trong những nền dân chủ non trẻ. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống bình thường, năm 1998 một tài tử kịch ảnh là Joseph Estrada đắc cử tổng thống và lợi dụng chức quyền để tham nhũng và ăn chơi trác táng, gây nhiều thiệt hại lớn về vật chất cũng như tinh thần cho Phi-líp-pin. Tuy nhiên dân chủ đã được thiết lập và người dân Phi-líp-pin nhiều lắm cũng chỉ phải chịu đựng viên tổng thống tồi này trong một nhiệm kỳ.

Những gì đã xảy ra tại Phi-líp-pin chứng tỏ rõ rệt hai điểm:

Một là, trái ngược hẳn với luận điểm của Marcos, dân chủ đã không đem lại hỗn loạn, nó đem lại hòa bình và trật tự. Trái lại, chính chế độ độc tài đã đem đến hỗn loạn và suýt nữa đẩy Phi-líp-pin xuống vực thẳm.

Hai là, dân chủ đã đem lại phát triển và một lần nữa dân chủ đã đi trước phát triển. 

Indonesia: sự ra đời vội vã của một nước lớn

Nước duy nhất có thể coi là độc tài trong khối ASEAN cho tới gần đây là Indonesia. Nhưng Indonesia cũng là nước lạc hậu nhất trong sáu nước thành viên kỳ cựu của khối ASEAN, với lợi tức bình quân trên mỗi đầu người là 800 USD mỗi năm. Cần lưu ý là con số bi đát này dầu sao cũng cao gấp ba lần lợi tức của người Việt Nam.

Một nước độc tài quân phiệt rồi bị nghèo khổ lạc hậu thì có gì đáng nói ? Indonesia cùng lắm chỉ chứng minh một chế độ độc tài quân phiệt không đến nỗi tai hại bằng một chế độ cộng sản như tại Việt Nam. Nếu có gì cần ghi chú, nhưng ngoài khuôn khổ của cuộc thảo luận ngắn này mà mục đích là tìm ra tương quan giữa dân chủ và phát triển, thì đó là thực ra chế độ quân phiệt tại Indonesia không đến nỗi độc tài như người ta tưởng.

Ngay trong thời gian bị Hòa Lan đô hộ, các đảng phái chính trị vẫn được phép thành lập và hoạt động nhưng họ quá yếu để có thể đe dọa guồng máy cai trị của Hòa Lan. Sau thế chiến II, dưới chế độ Sukarno, các chính đảng còn gặp thời cơ thuận tiện hơn, đặc biệt đảng cộng sản phát triển mạnh nhất. Vào năm 1965, trước khi âm mưu đảo chánh thất bại và bị tiệu diệt, đảng cộng sản Indonesia đã có tới ba triệu đảng viên và hai mươi triệu đoàn viên. Từ năm 1965 trở đi quân đội khống chế chính trường Indonesia nhưng cũng không cấm đoán các đảng đối lập ; báo chí vẫn còn được hưởng một mực độ độc lập tương đối.

Những khó khăn của Indonesia thực ra là những khó khăn của một quốc gia được thành lập một cách vội vã, dựa trên bạo lực và bất chấp đồng thuận. Cho tới khi người Hòa Lan đến, vào thế kỷ 16, Indonesia hoàn toàn không có đặc tính nào của một quốc gia, mà là cả một thế giới phức tạp với khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải rộng 5.000 km từ Đông sang Tây và 2.000 km từ Bắc xuống Nam, với hàng trăm sắc dân và thổ ngữ. Vô số vương quốc không tên không tuổi được thành lập rồi bị tiêu diệt. Một cuộc kiểm kê không đầy đủ năm 1939 cho thấy trên quần đảo Indonesia còn có 269 vương quốc hoàn toàn độc lập với nhau. Ánh sáng leo lét của văn minh đã chỉ dừng lại tại hai hòn đảo Sumatra và Java ; càng về phía Đông sự bán khai càng gia tăng. Mặc dầu đã tiến bộ khá nhiều nhờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phần lớn các bộ lạc trên các đảo phía Đông vẫn còn ở trong tình trạng tiền sử, một số vẫn còn ăn thịt người, chiến tranh giữa các bộ lạc không cần một lý do nào cả vì là một tập quán. Việc thành lập nước Indonesia với lãnh thổ hiện nay trên thực tế chỉ là trao cho đảo Java trách nhiệm khai hóa các đảo miền Đông : Borneo, Irian Jaya, Sulawesi, v.v..., một trách nhiệm hoàn toàn vượt quá khả năng của đảo Java nghèo nàn và lạc hậu. Hoa Kỳ đã phản đối việc thành lập này và đã có lý. Đáng lẽ đã phải đặt các đảo này dưới quyền sở hữu của Liên Hiệp Quốc và sau đó Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm cho các quốc gia tiên tiến và giàu mạnh khai phá. Với sự thành lập duy ý chí như vậy, đảo Java không có cách gì để giữ sự gắn bó giữa các đảo ngoại trừ quân lực, cho nên việc quân đội nắm chính quyền có thể coi như cái giá mà Indonesia đã phải trả cho tham vọng thành lập nhanh chóng một nước lớn. Điều đáng lưu ý là quân đội Indonesia do người Hòa Lan thành lập ra và chịu ảnh hưởng của tinh thần Hòa Lan, một tinh thần không quân phiệt chút nào, do đó quân đội Indonesia rất hợp hiến, họ không trực tiếp nắm chính quyền mà luôn đứng sau một chính quyền dân sự. Quân đội cũng tôn trọng chính quyền dân sự đó, chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả là vẫn có một mức độ tự do dân chủ tương đối và quân đội một phần nào đó còn xuất hiện như một bảo đảm cho dân chủ trước những tham vọng chuyên chính của đảng cộng sản và của các lực lượng Hồi Giáo sau đó.
Nếu muốn nhận diện tương quan giữa dân chủ và phát triển thì có lẽ nên nhìn vào sự thay đổi nhanh chóng của đảo Java, trung tâm quyền lực của Indonesia. Nhờ một sinh hoạt ít nhiều dân chủ, hòn đảo bán khai này đã tới một mức độ phát triển khả quan, cao hơn cả Trung Quốc, một nước đi trước họ cả ngàn năm với tài nguyên và nhân lực hơn hẳn. Nếu không mang gánh nặng khai phá các đảo phía Đông chắc chắn đảo Java còn mở mang hơn nhiều. Indonesia, mặc dầu khởi hành rất sau Trung Quốc với những điều kiện khó khăn hơn nhiều, đã phát triển hơn Trung Quốc vì đã mở cửa tiếp nhận các giá trị tự do và dân chủ trong khi Trung Quốc đã chỉ chọn một thứ chế độ Khổng Giáo hiện đại hóa, nghĩa là cộng sản.

Tháng 5-1998, chế độ độc tài quân phiệt Suharto sụp đổ sau gần một năm chao đảo vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Một năm sau, một cuộc tổng tuyển cử đã đem lại thắng lợi cho các lực lượng đối lập dân chủ. Cuộc chuyển hóa về dân chủ của Indonesia sẽ không dễ dàng bởi vì tình hình Indonesia quá phức tạp và vì chính các lực lượng dân chủ cũng chưa đủ trưởng thành. Nhưng dù gặp khó khăn thế nào đi nữa, Indonesia cũng đã khá hơn trước và chắc chắn sẽ vươn lên, trừ trường hợp các thế lực quân phiệt một lần nữa phản công bẻ gãy tiến trình dân chủ hóa. 

Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia

Trường hợp duy nhất tại châu Á có vẻ như chứng minh rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ là Đài Loan. Cần nhấn mạnh là có vẻ vì đó chỉ là một cái nhìn phiến diện.

Quả thực từ năm 1949, khi đám tàn quân của Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan và thiết lập tại đó một quốc gia ly khai với Hoa Lục, Đài Loan đã chỉ có những chính quyền xuất phát từ Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Hai cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc kế tiếp nhau làm tổng thống trong gần bốn mươi năm cho tới năm 1988. Quân luật được thi hành cho tới 1987. Mặc dầu vậy, kinh tế Đài Loan vẫn tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ và hiện nay Đài Loan đã trở thành một nước dân chủ với một sức sống gần tương đương với Tây Âu, với một nền kinh tế lành mạnh hơn hẳn : thất nghiệp hầu như không có, dự trữ ngoại tệ tính trên mỗi đầu người cao hơn hẳn mọi quốc gia trên thế giới. Trường hợp Đài Loan đã được một số người viện dẫn để bảo vệ lập trường cho rằng có thể bỏ qua dân chủ, tập trung mọi sức lực xây dựng kinh tế rồi phát triển kinh tế sẽ đem đến dân chủ. Sự thực như thế nào ?

Đảo Đài Loan cho tới thế kỷ thứ VIII gần như hoang vu, với một số ít thổ dân gốc Mã Lai (điều này cho thấy các sắc dân gốc Mã Lai từ ngàn xưa đã trải rộng khắp Đông Á). Dần dần người di dân từ hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến đã khiến người gốc Hoa trở thành đa số, nhưng những người gốc Hoa này coi họ là người Đài Loan hơn là người Trung Hoa. Từ cuối thế kỷ 15 đảo này đã bị người Tây Ban Nha, rồi Hòa Lan chiếm đóng và khai thác. Giữa thế kỷ 17, sau những đợt di dân lớn từ Hoa Lục, Đài Loan trở thành một vương quốc độc lập, rồi bị nhà Thanh chinh phục và sáp nhập thành một tỉnh của Trung Quốc.

Năm 1895, nhà Thanh thua trận phải nhường đảo này cho Nhật. Lưu Vĩnh Phúc, viên chủ tướng tài ba của quân Cờ Đen từng tận lực giúp Việt Nam chống Pháp, đã cùng với tổng đốc Đài Loan Dương Tinh Tùng tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Đài Loan. Nước cộng hòa đầu tiên tại châu Á này đã bị quân Nhật đánh bật khỏi Đài Bắc trong vòng một tuần lễ, dù Lưu Vĩnh Phúc vẫn còn kháng cự tại miền Nam gần mười năm nữa. Sau thế chiến II, Đài Loan, với khoảng 10 triệu dân, được trao trả lại cho Trung Quốc.

Bước ngoặt lớn của Đài Loan xảy ra năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch bỏ lục địa đem gần hai triệu người gồm gia đình, đảng viên và quân đội Quốc Dân Đảng sang đây. Trong những thập niên đầu, Đài Loan không phải là một quốc gia mà là một chiến khu. Lực lượng Quốc Dân Đảng di tản sang đây tự coi là một chính phủ Hoa Lục di tản, với đầy đủ quốc hội, chính phủ và quân đội ; họ vẫn tiếp tục tự nhận là chính quyền của toàn thể Trung Quốc và chỉ coi Đài Loan là một tỉnh. Qui chế chiến khu là một thực tế. Chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra tại eo biển, cạnh các hòn đảo Kim Môn, Mã Tổ, Trần Thành. Bên ngoài thì Hạm Đội 7 của Mỹ túc trực. Cần hiểu rõ tình trạng này khi nhận định về vấn đề dân chủ tại Đài Loan.

Dân chủ là một phương thức sinh hoạt quốc gia cho phép đạt tới một đồng thuận được chấp nhận giữa các khuynh hướng khác nhau dù không thỏa mãn mọi người. Nhưng tại Đài Loan vấn đề đồng thuận không đặt ra. Những người Quốc Dân Đảng sang đây hoàn toàn đồng ý với nhau trên hầu như tất cả và rất đoàn kết trong một mục tiêu chung là chống lại Hoa Lục, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch mà họ coi là một lãnh tụ anh minh. Vấn đề dân chủ thực sự chỉ đặt ra vài thập niên sau đó, khi những người bản địa Đài Loan đã tiến lên về kinh tế và văn hóa, và đòi hỏi tổ chức Đài Loan như một quốc gia. Trong những thập niên đầu, đoàn người di tản từ Hoa Lục sang hơn hẳn dân bản địa về mọi mặt. Họ là tập hợp tinh nhuệ nhất của Trung Quốc, đồng thời họ cũng mang theo những tài sản rất lớn. Có thể nói vào năm 1949 đại bộ phận của lớp người đã Tây phương hóa cùng với chất xám và tư bản của Trung Quốc đã tản cư qua Đài Loan làm sinh hoạt kinh tế và mức sống Đài Loan gia tăng mau chóng, cải thiện một cách ngoạn mục mức sống của những người bản địa Đài Loan. Đối lập với Quốc Dân Đảng trên đảo Đài Loan cũng không có vì các thành phần cộng sản đã bị tiêu diệt hoàn toàn một năm trước cuộc di tản, vào năm 1948, khi các cuộc bạo động xuống đường bị đàn áp trong một biển máu, với hơn mười ngàn người bị hành quyết trong vài ngày, phần đông là đảng viên cộng sản.

Sự sáng suốt của chính quyền Quốc Dân Đảng là đã hiểu ngay rằng họ sẽ phải biến Đài Loan thành một quốc gia thật sự. Họ đã nỗ lực nâng cao mức sống và trình độ văn hóa người địa phương, mà đại đa số có gốc Trung Hoa, để hội nhập người địa phương vào sinh hoạt chính trị. Mức sống và trình độ văn hóa càng tiến triển họ càng nới rộng tự do và dân chủ, và luôn luôn đi trước yêu cầu. Trường hợp Đài Loan về thực chất là một cố gắng xây dựng một quốc gia và một chế độ dân chủ từ một chiến khu. Điều mà thế giới đang chứng kiến là sự ra đời của một quốc gia thật sự tại Đài Loan.

Thất bại mau chóng của Quốc Dân Đảng tại Hoa Lục cũng như hào quang của chế độ cộng sản và lãnh tụ Mao Trạch Đông sau đó đã khiến dư luận thế giới miệt thị tập đoàn Tưởng Giới Thạch như một tập đoàn bất lực và tham nhũng, nhưng ngày nay chúng ta đã có bước lùi cần thiết để nhìn lại lịch sử cận đại Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch và bộ tham mưu của ông không tồi dở như người ta tưởng. Chính di sản Trung Quốc do nhà Thanh để lại mới là tồi tàn. Kinh tế lụn bại, đất nước phân tán dưới những sứ quân tham tàn và xâu xé nhau. Tưởng Giới Thạch đã phải có bản lãnh lắm mới thống nhất được Trung Quốc, nhưng ông đã thất bại trước Mao Trạch Đông vì thử thách mà chính quyền của ông tự đặt cho mình quá lớn : đó là xây dựng một Trung Quốc theo mô hình dân chủ phương Tây, điều mà người Trung Quốc không hiểu và do đó không chia sẻ. Cuộc tương tranh quốc - cộng tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam chủ yếu là một cuộc xung đột giữa hai mô hình xã hội được đề nghị để thay thế ý thức hệ Nho Giáo đã lỗi thời và sụp đổ. Một bên là mô hình dân chủ kiểu phương Tây và một bên là mô hình cộng sản. Về bản chất, chủ nghĩa cộng sản là một thứ Khổng Giáo cải tiến khá gần gũi với xã hội Nho Giáo : cũng đặt nền tảng trên một chủ nghĩa nửa chính trị nửa tôn giáo, cũng giáo điều độc tôn, cũng tập trung tuyệt đối, cũng khống chế tư tưởng, cũng bóp nghẹt xã hội dân sự và đè bẹp cá nhân, cũng cấm đoán thương mại và sự giàu có, nhưng quan tâm tới quần chúng hơn và có tổ chức tinh vi hơn. Chính vì thế mà chủ nghĩa cộng sản dễ hiểu đối với người dân các nước thuộc văn hóa Khổng Giáo và đã được ủng hộ. Ngược lại mô hình dân chủ phương Tây đòi hỏi một đoạn tuyệt văn hóa quá lớn nên đã không được hưởng ứng. Tưởng Giới Thạch đã thua vì xã hội Trung Hoa sau hơn hai ngàn năm Nho Giáo chưa chín muồi cho thay đổi, chứ không phải vì ông ta kém Mao Trạch Đông. Giờ này chắc không còn ai ngờ vực là nếu Tưởng Giới Thạch thắng, thay vì Mao Trạch Đông, thì Trung Quốc đã khá hơn rất nhiều so với hiện nay.
Không thực hiện được cuộc canh tân theo mô hình phương Tây trên đất nước Trung Quốc bao la và phân rã, phe Quốc Dân Đảng đã thực hiện nó trên khuôn khổ hạn hẹp của Đài Loan và họ đã thành công. Điều cần chú ý là tại Đài Loan chính quyền Quốc Dân Đảng đã luôn luôn chủ động, nới rộng tự do một bước trước khi những thay đổi về kinh tế xã hội đòi hỏi. Chính vì vậy mà Đài Loan đã ổn vững và liên tục tiến lên. Ngay từ 1969, chính quyền Quốc Dân Đảng đã tổ chức những cuộc bầu cử bổ túc các dân biểu địa phương vào quốc hội, các quyền tự do phát biểu và hội họp đã được thừa nhận. Năm 1986, các chính đảng được phép thành lập và tranh cử. Năm 1987, quân luật được bãi bỏ hẳn. Từ 1991 mọi đạo luật của thời kỳ quân luật đều được bãi bỏ, Đài Loan trở thành một nước dân chủ thật sự, và cũng là nước dân chủ nhất châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Đa số những cấp lãnh đạo tối cao của Đài Loan hiện nay là người địa phương. Sự thành công của Quốc Dân Đảng chính là ở chỗ họ đã biết thăng tiến người địa phương và sau đó tự hội nhập vào với người địa phương. Trong cuộc bầu cử quốc hội hoàn toàn tự do và lương thiện năm 1998 họ đã thắng lớn. Họ đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 vì chia rẽ chứ không phải vì không được cử tri tín nhiệm.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu từ mùa hè 1997, Đài Loan đã là nước ít bị thiệt hại nhất, bởi vì nó là quốc gia dân chủ và lành mạnh nhất trong những nước vừa vươn lên.
Không, Đài Loan không phải là một ngoại lệ của qui luật dân chủ đi trước và tạo ra phát triển. Đó chỉ là quốc gia ra đời trong một trường hợp đặc biệt. 

Châu Mỹ La Tinh: một thế kỷ rưỡi trong bóng đêm

Vòng du lịch vội vã một số nước châu Á trên đây đã chứng minh, nếu cần phải lặp lại một lần nữa, là dân chủ, tự do và nhân quyền không hề đưa đến hỗn loạn mà trái lại còn đem tới hòa bình và ổn vững, không hề cản trở mà còn tạo ra và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vấn đề chủ yếu của chúng ta là nhận diện liên hệ mật thiết giữa dân chủ và phát triển nên có lẽ chúng ta sẽ còn thiếu sót nếu không nhìn qua, dù chỉ là một cách sơ lược các nước châu Mỹ La Tinh.
Các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên này đã được độc lập từ đầu thế kỷ 19, nghĩa là gần hai thế kỷ nay, nhưng trong hơn một thế kỷ rưỡi đã quằn quại trong nghèo khổ và bạo loạn. Vì sao ? Đó là vì ngay từ khi được độc lập, họ đã phải chịu đựng những chế độ độc tài, với những người hùng oai phong lẫm liệt, tài ba xuất sắc, ngự trị trong hàng mấy chục năm. Người hùng nào cuối cùng cũng đã có công lớn là làm cho đất nước kiệt quệ và phân rã. Các nước châu Mỹ La Tinh đã chỉ vươn lên bắt đầu từ thập niên 1980 khi dứt khoát chuyển hóa về dân chủ. Một lần nữa qui luật dân chủ đi trước và tạo ra phát triển được ứng nghiệm.
Một ngoại lệ: nước Chile. Nhưng đây không phải là ngoại lệ của qui luật dân chủ đi trước và tạo ra phát triển mà lại là ngoại lệ của châu Mỹ La Tinh. Chile đã là nước châu Mỹ La Tinh duy nhất chọn con đường dân chủ rất sớm. Và, trùng hợp làm sao, Chile cũng là nước phát triển hơn hẳn mọi nước châu Mỹ La Tinh khác.

Trong cuộc lược duyệt này chúng ta đã bỏ qua bốn nước châu Á: Miến Điện, Lào, Kampuchea và Việt Nam. Có gì cần nhận định về trường hợp bốn nước này? Có, và có hai điều mà không ai có thể chối cãi: một là cả bốn nước này đều đã phải chịu đựng từ lâu các chế độ độc tài, đồng thời cả bốn đều là những nước nghèo khổ và tụt hậu nhất trong vùng; hai là, cả bốn nước đều đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây sau khi đã chấp nhận nới rộng một phần nào tự do. 

Chú thích thêm về trường hợp Chile

Vào lúc tôi đang viết những dòng này, thế giới đang sôi nổi vì cựu tổng thống Chile Augusto Pinochet bị giữ lại tại Anh và có thể bị dẫn độ sang Tây Ban Nha để bị xét xử về tội ác đối với loài người. Các thủ tục kéo dài và sau cùng Pinochet được phép về nước vì đã già yếu.
Chế độ Pinochet khiến người ta dễ đồng hóa Chile với chế độ độc tài. Thực ra Pinochet chỉ là một ngoặc đơn ngắn trong lịch sử Chile. Chile đã có một chế độ dân chủ lưỡng đảng ngay từ năm 1823. Sau đó thỉnh thoảng vẫn có những người hùng thiết lập những chế độ độc tài nhưng dân chủ vẫn được mau chóng vãn hồi. Chile cũng là một nước có hiến pháp ổn định. Hiến pháp năm 1823 được áp dụng tới 1925, và sau 1925 một hiến pháp dân chủ khác được ban hành và kéo dài tới 1973. Năm 1969, một người cộng sản, ông Salvador Allende, đắc cử tổng thống một cách khó khăn. Bản tính cực đoan và nóng nảy, Salvador Allende đã muốn mau chóng biến Chile thành một nước cộng sản và tỏ ra chống Mỹ kịch liệt. Trong một thời gian ngắn, kinh tế Chile hoàn toàn suy sụp, các công ty ngoại quốc rút ra hoặc chuẩn bị rút ra. Bất mãn tăng cao, dân chúng xuống đường biểu tình phản đối liên tục. Allende còn làm một phiêu lưu nguy hiểm khác là thành lập các đoàn võ trang riêng của mình. Cơ quan tình báo Mỹ, CIA, một mặt ráo riết thúc đẩy chính phủ Mỹ và các công ty Mỹ tẩy chay Chile, mặt khác xúi giục quân đội và các đảng cánh hữu lật đổ Allende. Năm 1973, quốc hội Chile, định chế đã chung quyết bầu ra Allende sau khi cuộc bầu cử tổng thống qua phổ thông đầu phiếu không đem lại kết quả ngã ngũ, biểu quyết coi Allende không còn là tổng thống hợp pháp nữa. Quân đội, dưới quyền tướng Pinochet, coi quyết định này như một lệnh truất phế và tiến đánh dinh tổng thống, Allende bị giết chết. Về mặt thuần túy pháp lý, cuộc đảo chánh của Pinochet không phải hoàn toàn phi pháp. Pinochet chỉ trở thành bất hợp pháp sau khi ông ta nắm được chính quyền, giải tán quốc hội và thi hành chính sách khủng bố. Pinochet đã lãnh đạo Chile với bàn tay sắt, đàn áp thô bạo các phần tử cộng sản và thân cộng, thủ tiêu hơn 3.000 người. Nhưng chính Pinochet cũng chuẩn bị để vãn hồi dần dần dân chủ. Năm 1988, sau một cuộc trưng cầu dân ý trong đó ông thất bại, Pinochet nhường quyền cho một chính quyền dân sự, nhưng vẫn giữ quân đội và đã chỉ chấp nhận từ bỏ quân đội sau khi đã đòi được làm thượng nghị sĩ suốt đời để hưởng qui chế bất khả xâm phạm.

Chế độ độc tài của Pinochet kéo dài tổng cộng 17 năm, tuy nhiên trong mười năm về sau các đảng không cộng sản vẫn được tự do hoạt động. Trong lịch sử gần hai trăm năm của nền dân chủ Chile khoảng thời gian độc tài của Pinochet tương đối ngắn. Việc Pinochet bị dư luận thế giới và đa số nhân dân Chile lên án là bằng chứng rằng nhân loại đã văn minh hơn. Nếu cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện thì chắc chắn Pinochet không thể bị lên án. Ông ta đã sử dụng những biện pháp bạo ngược nhưng đã đạt được cứu cánh tốt đẹp là ngăn chặn âm mưu thiết lập một chế độ chuyên chính, ổn định được xã hội, phát triển được đất nước và sau cùng xây dựng được dân chủ. Nhưng ngày nay dân chủ đã đủ trưởng thành để kết án cả những kẻ đã phục vụ nó bằng những biện pháp thô bạo. Những tập đoàn độc tài không bằng Pinochet, nghĩa là không những đã thô bạo mà còn làm cho đất nước kiệt quệ đi, càng đáng bị lên án một cách quả quyết hơn.

(Còn tiếp)

Nguyễn Gia Kiểng

Đi tìm một mô thức phát triển đất nước III


Những thí dụ phản bác?
Tự do, dân chủ đi trước và tạo ra phát triển kinh tế chưa phải là một niềm tin phổ cập. Cho tới nay vẫn có một số khá đông người cho rằng phát triển kinh tế tạo ra dân chủ, với hệ luận là các dân tộc đang chịu ách độc tài hãy cứ tạm gác những đòi hỏi về tự do dân chủ để tập trung cố gắng phát triển kinh tế, sau đó chính phát triển kinh tế sẽ mang lại tự do dân chủ. Đây là một lý luận rất tiện nghi cho các chế độ độc tài như Việt Nam; không có gì ngạc nhiên nếu họ sử dụng nó. Điều đáng tiếc là nhiều người khao khát tự do dân chủ cũng hoài nghi và không thể phản bác luận điệu "kinh tế đi trước chính trị" một cách thực dứt khoát.

Những phân vân về tương quan giữa dân chủ và phát triển có ít nhất ba nguyên nhân.

Một là, trên thực tế phát triển kinh tế cũng thúc đẩy dân chủ và tự do vì thế mà chúng ta dễ lẫn lộn hậu quả với nguyên nhân.

Hai là do chính hiệu lực nhanh chóng của tự do dân chủ: nó lập tức đưa đến tiến bộ về mặt kinh tế, do đó một số người không nhận ra cái gì trước cái gì sau.

Ba là, vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là sự kháng cự của những người lãnh đạo không chịu từ bỏ lập tức những đặc quyền đặc lợi, dân chủ và tự do không tới toàn bộ cùng một lúc mà thường tới từng đợt một, dưới sức ép của thực tại xã hội theo từng mức độ phát triển, người quan sát thiếu chăm chú khó thấy được rằng ở mỗi giai đoạn một mức độ dân chủ tự do lớn hơn đã cho phép một mức độ phát triển lớn hơn.

Trong cuộc kháng cự lồng lộn để cố giữ nguyên quyền lực của họ, các chế độ độc tài dùng đủ mọi lập luận, nhiều khi dựa vào những giải thích gian trá của chính hiện tượng phát triển tại các quốc gia đang dân chủ hóa. Những kinh nghiệm thường được viện dẫn để phản bác những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền là trường hợp của những nước được mệnh danh là "các con rồng châu Á" như Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei, và đôi khi ngay cả Hồng Kông. Các chế độ độc tài châu Á, nhất là Việt Nam, thường căn cứ vào đó để nói rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ và chính phát triển kinh tế sẽ đem lại dân chủ. Sự thực như thế nào? Chúng ta lại thử làm một vòng khảo sát. 

Hồng Kông, mẫu mực dân chủ phương Tây

Cần loại bỏ ngay trường hợp Hồng Kông. Đó là một nhượng địa của nước Anh cho tới ngày 30-6-1997. Một toàn quyền người Anh đại diện cho nước Anh, giao toàn bộ việc quản lý đời sống hàng ngày cho một guồng máy hành chính người Hồng Kông. Vị toàn quyền không ở đó để áp đặt một ách thống trị, vai trò của ông là đảm bảo các quyền tự do theo quan niệm của nước Anh. Trong những năm cuối cùng trước khi trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, toàn quyền Chris Patten còn xuất hiện như một người luật sư của tự do, dân chủ và nhân quyền tại châu Á. Ông bị nhiều chế độ châu Á đả kích như một nhân vật "giáo điều nhân quyền".

Dưới sự giám sát và bảo vệ của nước Anh, Hồng Kông là một mẫu mực thành công của khuôn mẫu dân chủ tư bản phương Tây. Hồng Kông không những không chứng minh rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ, trái lại nó còn là bằng chứng đầu tiên tại châu Á về phép mầu dân chủ tư bản.

Cũng phải loại bỏ trường hợp của Brunei trong cuộc thảo luận về tương quan giữa dân chủ và phát triển. Đúng là vương quốc nhỏ bé này không có dân chủ, chế độ của nó là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mặc dầu vậy nó vẫn có một mức sống rất cao. Nhưng trước hết Brunei chỉ giàu chứ không phát triển. Brunei là một quốc gia giàu có lạc hậu. Hãy cứ nhìn trong những phim tài liệu những rác rưởi trôi lềnh bềnh và ngập ngụa dưới chân những làng cất trên cọc cao bên mé sông, mé biển. Brunei cũng không phải là một quốc gia mà chỉ là một giếng dầu. 260.000 dân sống trên một diện tích nhỏ xíu chưa đầy 6.000 km2, trong đó quá ba phần tư là rừng hoang. Brunei không muốn độc lập mà đã bị nước Anh bắt phải độc lập và đã tự an ủi bằng cách xây một hoàng cung tốn kém 350 triệu USD, tốn kém này nếu đem chia cho dân số thì mỗi người phải "đóng góp" 1.500 USD. Muốn hình dung sự hoang phí này phải tưởng tượng nước Mỹ bỏ ra 350 tỷ USD để xây tòa Bạch Ốc. Sự giàu có của Brunei không do con người làm ra mà đã phun từ lòng đất lên. Con người ở đây không cần làm gì cả, cũng không phải đóng một loại thuế nào, mà được chu cấp tất cả một cách dồi dào. Chắc chắn họ có thể chấp nhận bỏ qua dân chủ và tự do với giá này. Nhưng thực ra là họ cũng không mất gì cả. Họ sống quá sung túc và không cần tranh đấu đòi hỏi bất cứ gì, do đó không có ý định chống lại nhà vua, và ngược lại nhà vua cũng không cần kiểm soát họ. Nhà vua cũng không cần cấm đoán họ đi đâu vì đi đâu họ cũng không sung túc như ở chính nước họ. Cũng không có một quốc gia nào ngăn cản những du khách Brunei tới nước họ để tiêu xài. Kết quả là do sự sung túc cực kỳ người Brunei có tất cả mọi quyền tự do, trừ quyền tự do trai gái hôn nhau ngoài đường do phong tục Hồi Giáo. Brunei vẫn thiếu mở mang. 

Singapore: một thị trưởng xuất sắc

Singapore cũng là một trường hợp rất hi hữu. Nó là một thành phố thương cảng hơn là một quốc gia và cũng không phải là một thành phố lớn, với một diện tích 639 km2 và một dân số chưa đầy ba triệu. Nhưng Singapore không phải là một ngoại lệ đối với qui luật "tự do dân chủ tạo ra phát triển". Được thành lập từ đầu thế kỷ 19 bởi một người Anh, bắt đầu từ một làng đánh cá với khoảng một trăm người, Singapore chưa hề biết tới một tổ chức xã hội nào khác hơn là khuôn mẫu tự do dân chủ phương Tây. Singapore được hoàn toàn tự trị dưới sự giám sát của người Anh tương tự như Hồng Kông từ 1959 và trở thành một nước độc lập từ 1965. Chính quyền nằm trong tay một quốc hội xuất phát từ bầu cử tự do và quốc hội chỉ định một thủ tướng. Chắc chắn Singapore không phải là một chế độ dân chủ gương mẫu. Đảng Nhân Dân Hành Động, cầm quyền từ ngày độc lập, đã sử dụng những biện pháp không mấy lương thiện để tiếp tục nắm chính quyền, chẳng hạn như trợ cấp cho những khu nào bầu cho đảng cầm quyền. Nhưng các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị bỏ tù, báo chí không là độc quyền của nhà nước. Đảng cầm quyền dùng các biện pháp bất chính để thắng cử nhưng không cấm đối lập ứng cử và không gian lận kết quả các cuộc bầu cử. Singapore cũng là một nước có luật lệ khá khe khắt, nhưng với một diện tích quá nhỏ và một mật độ dân số 5.000 người trên một cây số vuông, đó có lẽ là cái giá phải trả để giữ gìn trật tự an ninh. Vả lại luật pháp tuy khe khắt nhưng lại được áp dụng một cách đứng đắn cho tất cả mọi người. Và dầu sao nhu cầu dân chủ cũng không đặt ra cho một thành phố nhỏ như Singapore một cách gay gắt như đối với một quốc gia lớn. Dân chủ chủ yếu là phương thức sinh hoạt cho một nước có tầm vóc đáng kể, phải đương đầu với những chọn lựa lớn và phải cai trị một dân số đông đảo với những điều kiện sinh hoạt, những ưu tư và nguyện ước khác nhau. Singapore không có những vấn nạn đó. Chức năng của nó rất rõ rệt vì con người ở đây không có mục đích nào khác hơn là làm giàu; điều mà họ mong muốn là được tự do sinh sống và làm ăn, và họ đã đạt được. Nhu cầu dân chủ chỉ là thứ yếu.

Trong những năm gần đây, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã có công dẫn dắt Singapore trong hơn ba mươi năm trên con đường đi tới phồn vinh, đã lên tiếng nhiều lần đề cao "những giá trị châu Á" với một giọng điệu bài bác chung chung các giá trị của phương Tây. Vì tự do, dân chủ và nhân quyền được coi là những giá trị của phương Tây nên những phát biểu của họ Lý được hiểu là không thuận cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lập tức tôn ông Lý làm bậc thầy (trên thực tế họ đã mời ông làm cố vấn, để rồi có lúc bị ông mắng là không chịu cải tổ kịp thời).

Nhưng đối với Singapore, chúng ta không nên quên hai sự kiện rất cơ bản:

Một là, dù Singapore có phồn vinh đến đâu đi nữa nó cũng chỉ là một thành phố trung bình và dù ông Lý Quang Diệu có thành công đến đâu đi nữa ông cũng chỉ có kinh nghiệm của một viên thị trưởng. Ông có thể lấy kinh nghiệm của mình để làm cố vấn cho một thành phố thương cảng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng nhưng ông không thể dạy bảo một quốc gia với những vấn đề mà ông chưa bao giờ biết tới.

Hai là, có một cái gì rất khôi hài trong "những giá trị của châu Á" mà Lý Quang Diệu đề cao khi đã về hưu. Hơn tất cả mọi quốc gia và hơn cả Hồng Kông, Singapore là nước châu Á bị Tây phương hóa nặng nhất. Mọi người Singapore đều thạo tiếng Anh và đa số không viết thạo tiếng Tàu. Tập tính của người Singapore là tập tính buôn bán, tôn giáo của Singapore là của cải vật chất, cái Khổng Giáo mà ông Lý đề cao chỉ là một thứ Khổng Giáo đô-la. Trong suốt cuộc đời hoạt động của ông, Lý Quang Diệu đã dồn mọi cố gắng để bắt chước phương Tây tối đa. Chỉ đến khi về già, ông mới bày tỏ một sự lưu luyến muộn màng với nguồn gốc Trung Hoa của ông. Đó chẳng qua là tâm lý lá rụng về cội thông thường của con người. Người ta có thể hiểu ông nhưng không thể lấy những lời nói của ông làm tiền mặt. 

Mã Lai: dân chủ ngay từ khi thành lập

Mã Lai cũng không khác Singapore bao nhiêu về quan hệ với phương Tây. Đó cũng là một quốc gia hoàn toàn do người phương Tây thành lập ra, lãnh thổ chỉ mới tạm ổn định từ năm 1963. Lịch sử của quốc gia này, với một diện tích 330.000 km2 (đúng bằng Việt Nam) nhưng chỉ có khoảng 20 triệu dân, chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ 16. Trước đó, trong những thế kỷ đầu của công nguyên bán đảo Mã Lai chỉ là một vùng rừng núi hoang vu với một số rất nhỏ thổ dân, và là trạm dừng chân của các đoàn thuyền buôn từ phương Bắc, phần lớn từ Ấn Độ, tới Sumatra. Những người Bumiputra, tự coi là chủ nhân của đất Mã Lai, chỉ bắt đầu đến từ Sumatra từ thế kỷ thứ 8. Dấu vết chính trị đầu tiên được ghi nhận là một vương quốc nhỏ được thành lập ở phía Nam bán đảo đầu thế kỷ 15. Khi một số người Bồ Đào Nha đến chinh phục mỏm Malacca năm 1511, họ chỉ gặp một sự kháng cự rất yếu ớt của những bộ lạc rất lẻ tẻ. Người Bồ Đào Nha đã đóng góp làm cho sinh hoạt thương mại phát triển mau chóng. Hơn một thế kỷ sau, năm 1641, Mã Lai lại được may mắn khác : người Hòa Lan, một dân tộc rất sáng tạo và giàu óc kinh doanh, hất cẳng người Bồ Đào Nha và chiếm lấy Mã Lai. Sự thịnh vượng lại càng gia tăng dưới sự cai trị của người Hòa Lan, nhưng nó cũng bắt đầu cám dỗ một đế quốc mới vừa qua mặt Hòa Lan về sức mạnh : nước Anh. Năm 1795 Hòa Lan phải nhường bán đảo Mã Lai và vùng Bắc Borneo cho Anh để rút về cố thủ quần đảo Indonesia.

Sự khác biệt rất lớn giữa hai đế quốc thực dân lớn nhất trong thế kỷ 19, Anh và Pháp, là ở chỗ người Pháp cố gắng phá vỡ mọi giềng mối quốc gia có sẵn để dễ thống trị, trong khi người Anh cố thành lập ra những quốc gia ngay cả ở những nơi không có quốc gia để có những đối tác kinh doanh. Trong suốt một thế kỷ họ đã tạo dựng ra nước Mã Lai bằng cách kết hợp những cộng đồng rất khác khau trên bán đảo. Họ thành lập ra Liên Bang Mã Lai năm 1891, mở rộng dần dần lãnh thổ và quyền tự quản của người địa phương, rồi trả độc lập cho Mã Lai năm 1957, sau khi đã ký kết một hiệp ước quân sự. Cũng chính người Anh năm 1963 đã sáp nhập vùng đất phía Bắc đảo Borneo vào Liên Bang Mã Lai.

Sự nhắc lại vắn tắt lịch sử Mã Lai này cho thấy nó hoàn toàn được tạo dựng lên do người phương Tây, cho nên tinh thần nền tảng của nó không thể khác phương Tây, nghĩa là tự do và dân chủ. Quốc gia tân lập này gồm 55% người Bumiputra nói tiếng Mã Lai (tiếng nói chung của nhiều sắc dân thuộc quần đảo Indonesia nơi họ xuất phát), hơn 30% người gốc Trung Hoa và non 10% người gốc Ấn Độ. Người Trung Hoa tuy ít hơn về dân số nhưng lại hơn hẳn người Bumiputra về kiến thức và tài sản. Với một cấu tạo nhân chủng như vậy, Mã Lai không thể tồn tại dưới một chế độ độc tài. Nó đã tồn tại được nhờ một thỏa thuận : người Hoa nhường nhịn người Bumiputra, và người Bumiputra chấp nhận người Hoa. Cũng cần lưu ý một đặc điểm của người Hoa ở Mã Lai : họ là những người thích buôn bán làm giàu hơn là thích quyền lực chính trị. Trong thời gian thế chiến II, hầu như đã chỉ có một nhóm nhỏ cộng sản gốc Hoa kháng chiến chống lại quân chiếm đóng Nhật. Tháng 8-1945 khi Nhật đầu hàng, họ đã nắm được chính quyền tại Mã Lai nhưng đã hạ khí giới khi người Anh trở lại vì tự thấy không đủ sức mạnh và hậu thuẫn quần chúng để chống lại. Người Anh vì thế đã lấy lại được quyền lực một cách không tốn kém và tiếp tục tạo dựng ra Liên Bang Mã Lai. Về sau này, khi Đảng Cộng Sản Mã Lai phát động kháng chiến trở lại, họ cũng chỉ qui tụ được, ở lúc mạnh nhất, không đầy bảy ngàn người, chủ yếu là người Hoa, và dần dần tàn lụi đi. Tập tính hiếu hòa, chăm làm giàu và không ham quyền lực của người gốc Hoa là bí quyết của sự phát triển của Mã Lai sau này, đồng thời cũng là lý do khiến cho Mã Lai tiếp tục đứng vững.

Gần đây, những lời tuyên truyền chống các giá trị phương Tây, hàm ý chống dân chủ và nhân quyền, của thủ tướng Mahathir Bin Mohamad đã làm những người dân chủ Việt Nam khó chịu và chính quyền cộng sản Việt Nam khoái chí, nhưng ta cần phải hiểu rằng đó chỉ là những lời tuyên bố dùng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa mà thôi. Sự thực không phải như vậy. Mã Lai ngay từ ngày thành lập đã được hưởng không khí tự do dưới sự giám sát của người Anh. Từ khi có độc lập nó là một nước dân chủ (chế độ chính trị của Mã Lai là quân chủ lập hiến nhưng rất ít ai biết đến vua Mã Lai). Nền dân chủ đó không hoàn chỉnh do điều kiện dân trí, nhưng có tất cả mọi yếu tố cốt lõi của dân chủ: tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử. Các chính đảng được hoạt động tự do, các cuộc bầu cử diễn ra một cách đúng hạn kỳ và lương thiện từ ngày độc lập. Mã Lai hoàn toàn không phải là một chế độ độc tài. Luật pháp Mã Lai có nhiều khe khắt nhưng do một quốc hội dân cử biểu quyết ra. Những diễn văn bảo thủ của Mahathir chỉ có mục đích tuyển cử : toàn bộ giới lãnh đạo Mã Lai, kể cả Mahathir, đều thuộc giai cấp trưởng giả thành thị Tây phương hóa 100%, nên luôn luôn lo sợ bị một đảng bảo thủ mị dân nổi lên đánh bại. Mahathir bài xích phương Tây chỉ để tỏ ra mình vẫn là Mã Lai, vẫn truyền thống và không mất gốc.

Mã Lai hoàn toàn không phải là bằng chứng cho rằng một quốc gia có thể phát triển mà không cần tự do dân chủ. Ngược lại, hoàn toàn ngược lại, đó là bằng chứng rằng dân chủ và tự do đã có khả năng biến một quốc gia tân lập, với dân trí thấp và chủng tộc phức tạp thành một trong những quốc gia giàu mạnh nhất vùng Đông Nam Á. 

Đại Hàn Dân Quốc: sự thành công của những chế độ độc tài sáng suốt?

Một ngộ nhận khác của người Việt Nam là trường hợp Nam Cao Ly (tên chính thức là Đại Hàn Dân Quốc). Quốc gia nhỏ bé này, với diện tích 98.500 km2, chưa bằng một phần ba Việt Nam, và dân số 47 triệu, trong vòng ba thập niên đã vươn lên từ địa vị một nước nghèo và bị chiến tranh tàn phá thành cường quốc kinh tế thứ 11 của thế giới. Trong vòng hơn ba mươi năm, từ 1960 đến 1993, Nam Cao Ly được các tướng lãnh cai trị cho nên dưới mắt thế giới đó là một nước độc tài quân phiệt. Thành công ngoạn mục của Nam Cao Ly vì thế đã được nhiều tập đoàn độc tài, đặc biệt là chính quyền cộng sản Việt Nam, lấy làm bằng cớ là một chế độ độc tài sáng suốt có khả năng phát triển kinh tế hiệu lực hơn là một chế độ dân chủ. Sự thực như thế nào?

Các tướng lãnh thay nhau lên làm tổng thống Nam Cao Ly chắc chắn không phải là những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền. Pak Chung Hee [Phác Chính Hy] đã bắt cóc và định thủ tiêu lãnh tụ đối lập Kim Dae Jung [Kim Đại Trung], tướng Chun Doo Hwan [Toàn Đầu Hoán] đã tàn sát hàng trăm sinh viên tại Kwangju. Họ là những tay võ biền, và chính tình trạng căng thẳng do sự hiện diện của một chính quyền quân phiệt hung dữ tại Bắc Hàn đã đưa họ lên cầm quyền. Nhưng vấn đề là họ không áp đặt được chế độ độc tài. Nam Cao Ly vẫn là một nước dân chủ, với đầy đủ những yếu tố cơ bản của một chế độ dân chủ: tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử. Trên thực tế, những cuộc bầu cử tại Nam Cao Ly đã rất sôi nổi với những kết quả rất khít khao. Syng Man Rhee [Lý Thừa Vãn] bị lật đổ năm 1960 bởi những cuộc xuống đường rầm rộ phản đối bầu cử gian lận. Tướng Pak Chung Hee chỉ hơn đối thủ Djang Myon không đầy 1% trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1963. Do thành công ngoạn mục về kinh tế, ông đắc cử vẻ vang năm 1967 (87%), nhưng bốn năm sau đó, năm 1971, chỉ thắng khít khao đối thủ Kim Dae Jung (54% / 46%). Một giai đoạn sôi động diễn ra sau đó khi Pak Chung Hee, dựa vào hậu thuẫn mà quần chúng dành cho ông ta, sửa đổi hiến pháp để tiếp tục nắm chính quyền. Dù bản hiến pháp mới đã được dân chúng Nam Cao Ly ủng hộ mạnh mẽ (73% qua trưng cầu dân ý), trí thức và sinh viên đã tỏ ra sáng suốt và dũng cảm, họ nhìn thấy một âm mưu thiết lập chế độ độc tài mị dân và đã chống đối mãnh liệt. Chun Doo Hwan, cầm quyền sau khi Pak Chung Hee bị ám sát, đắc cử với 90% số phiếu của một "Đại Hội Quốc Dân Thống Nhất Đất Nước" năm 1982 đã chống trả hung bạo những tranh đấu của sinh viên trí thức, nhưng càng ngày cuộc đấu tranh càng được quần chúng hiểu và ủng hộ đưa tới những cuộc biểu tình khổng lồ. Chun Doo Hwan phải nhượng bộ và chấp nhận rút lui, tướng Roh Tae Woo [Lư Thái Ngu] chấp nhận trở lại cách bầu tổng thống theo phổ thông đầu phiếu và chỉ thắng cử với 36% trong cuộc bầu cử năm 1987 nhờ sự chia rẽ của đối lập dân chủ mà tổng số phiếu của hai ứng cử viên, Kim Dae Jung và Kim Yong Sam, cộng lại là 55%. Lực lượng dân chủ ngày càng mạnh lên, buộc đảng cầm quyền phải làm một thỏa hiệp kỳ lạ với đảng của cựu ứng cử viên tổng thống Kim Yong Sam [Kim Đồng Tam] theo đó hai đảng hợp nhất, với Kim Yong Sam làm chủ tịch và là ứng cử viên tổng thống. Năm 1992, Kim Yong Sam đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử lương thiện. Cuối năm 1997 Kim Dae Jung đánh bại ứng cử viên đảng cầm quyền và đắc cử tổng thống.

Các cuộc bầu cử quốc hội cũng diễn ra một cách đều đặn và lương thiện từ 1963, trong đó đảng cầm quyền chưa bao giờ được đa số tuyệt đối.

Như vậy, Nam Cao Ly đã là một nước dân chủ từ thập niên 1960. Cho tới đầu thập niên 1990 đó chưa phải là một nền dân chủ hoàn hảo, nhưng vẫn là một nền dân chủ thực sự, một lần nữa nếu hiểu dân chủ là một chế độ bảo đảm tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử. Điều khác với Mã Lai là tại Nam Cao Ly các tướng lãnh cầm quyền đã chủ trương áp đặt chế độ độc tài và trí thức Nam Cao Ly đã phải tranh đấu cam go để đánh bại họ và bảo vệ dân chủ. Thật là sai khi nói rằng Nam Cao Ly đã phát triển mạnh mẽ trong hơn ba mươi năm dưới chế độ độc tài quân phiệt. Càng bất lương khi lấy trường hợp Nam Cao Ly để lập luận rằng có thể phát triển mà không cần có dân chủ. Không, Nam Cao Ly đã chỉ bắt đầu phát triển sau khi loại bỏ chế độ độc tài Syng Man Rhee, và từ đó đã tiến lên nhờ dân chủ và tự do. Sự thực là Nam Cao Ly đã vươn lên nhờ trí thức của nó đã sáng suốt và dũng cảm để bảo vệ dân chủ và do đó duy trì được đà phát triển. Không những không phải là một ngoại lệ, trường hợp Nam Cao Ly còn chứng tỏ phải dân chủ hóa mới có thể phát triển và dân chủ phải đi trước phát triển. Cũng đừng nên quên rằng điều nổi bật nhất và đáng chú ý nhất là Cao Ly đã bị chia cắt làm hai, miền Bắc (Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên) theo chế độ độc tài cộng sản trong khi miền Nam (Đại Hàn Dân Quốc) theo chế độ dân chủ tư bản, miền Nam tư bản đã trở thành một cường quốc trong khi miền Bắc suy sụp và đói nặng. 

Thái Lan: mãi đến 1992

Thái Lan chỉ được biết tới như một con rồng hay con cọp tương lai trong vài năm trước cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á khởi đầu từ tháng 7-1997 tại chính Bangkok. Thái Lan không phải là một mẫu mực thành công về kinh tế và vì thế về cơ bản không chứng minh điều gì rõ rệt. Điều đáng nói là Thái Lan đã phải thành công hơn.

Quốc gia này may mắn nhất Đông Nam Á, có lịch sử khá lâu đời và không bị ngoại thuộc, ngoại trừ thời gian ngắn ngủi bị Nhật chiếm đóng nhưng không gây đổ vỡ. Thái Lan đã kháng cự một cách rất hình thức trong vòng vài giờ rồi đầu hàng và sau đó cũng chỉ bị Nhật chiếm đóng một cách hình thức cho đến khi Nhật đầu hàng. Thái Lan cũng may mắn có một hình thức dân chủ thật sớm, ngay từ 1932 khi một cuộc đảo chánh buộc vua Thái chấp nhận chế độ quân chủ lập hiến, nhường thực quyền cho một chính phủ xuất phát từ một quốc hội do dân bầu.
Với sự chuyển hóa mau chóng và bình ổn lâu dài như vậy đáng lẽ Thái Lan phải là nước phát triển bậc nhất châu Á, nhất là Thái Lan có đất rộng, vị trí khá thuận lợi và tài nguyên khá phong phú. Nhưng sự thực đã không diễn ra như vậy, vì có bề ngoài nhưng cũng còn có bề trong. Mà bề trong là gì?

Đó là các tập đoàn tướng lãnh đã thay nhau cầm quyền dưới một chế độ dân chủ trong hình thức nhưng độc tài quân phiệt trong nội dung. Lịch sử cận đại của Thái Lan có thể tóm tắt như thế này : khi một nhóm tướng lãnh cảm thấy đủ sức mạnh, họ đảo chính lật đổ đám tướng lãnh đang cầm quyền và nhóm tướng lãnh bị hất cẳng quay ra làm thương mại hoặc cạo đầu đi tu chờ cơ hội trở lại cầm quyền. Những cuộc đảo chánh không đổ máu kế tiếp nhau trước sự dửng dưng thụ động của quần chúng. Tình trạng này đã chỉ thật sự chấm dứt tháng 9-1992, khi tập đoàn quân phiệt phải nhượng bộ, sau khi đã đàn áp đẫm máu mà không dẹp được, những cuộc xuống đường rầm rộ đòi dân chủ. Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan đã kéo dài suốt sáu mươi năm bởi vì nó dựa trên một liên minh rất vững chắc giữa quân phiệt, tài phiệt và nhà vua, nghĩa là một liên minh vừa có bạo lực, vừa có tiền lại vừa có tính chính đáng do lịch sử và truyền thống. Chưa kể là nó còn có một đồng minh gián tiếp là Phật Giáo Tiểu Thừa, một tôn giáo nhẫn nhục và thụ động.

Nếu trường hợp Thái Lan có chứng minh điều gì thì đó là dân chủ không do phát triển kinh tế mang lại. Trong suốt thời gian sáu mươi năm, mặc dù mức độ tăng trưởng không cao nhưng sinh hoạt kinh tế xã hội cũng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giành dân chủ đã chỉ do sinh viên chủ động, mà sinh viên thì không thuộc một thành phần kinh tế nào, còn gia đình họ thì hầu hết thuộc thành phần quân phiệt hoặc tài phiệt, nghĩa là những thành phần được ưu đãi và đáng lẽ phải gắn bó với chế độ. Người ta không ghi nhận một cuộc đấu tranh có động cơ kinh tế nào trong suốt thời gian này. Các sinh viên đã chỉ xuống đường vì những lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền do ảnh hưởng của văn hóa và truyền thông. Mọi cuộc biểu tình của sinh viên đều bị đàn áp thẳng tay, mỗi lần vài chục sinh viên thiệt mạng, trong khi những cuộc đảo chánh quân sự rất ít khi có người chết hay bị thương. Mùa Xuân 1992, sau một cuộc bầu cử gian dối, lực lượng sinh viên xuống đường đã mạnh gấp bội những lần trước, không phải vì cơ cấu kinh tế đã thay đổi mà vì sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và khối cộng sản đã đẩy thế giới vào kỷ nguyên dân chủ. Khí thế đấu tranh cho dân chủ đạt một cường độ chưa từng có, trong khi tập đoàn quân phiệt Thái vừa lung lay như mọi tập đoàn độc tài trên thế giới, vừa mất lý cớ cầm quyền để chống nguy cơ cộng sản. Chế độ quân phiệt Thái cáo chung.

Về mặt kinh tế, Thái Lan đã chỉ phát triển chậm chạp cho tới giữa thập niên 1960, sau đó Thái Lan, nhờ vị trí hậu cần cho đoàn quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã nhận được một khoản viện trợ lớn và kinh tế đã có phần khởi sắc, tuy vậy Thái Lan cũng vẫn còn thua xa nước láng giềng Mã Lai. Phải chờ đợi đến sau 1992, khi chế độ quân phiệt chấm dứt, kinh tế Thái Lan mới thực sự cất cánh. Từ đó trở đi người ta mới bắt đầu nói tới Thái Lan như con rồng mới. Cuộc khủng hoảng tài chánh ập tới, đưa Thái Lan trở lại với một tham vọng khiêm nhường hơn. Mùa hè 1998, đúng một năm sau cuộc khủng hoảng, tôi có dịp trở lại thăm viếng Thái Lan và nhận xét một cách rất khác với nhiều người. Tôi thấy đó là một quốc gia dân chủ, với sinh hoạt kinh tế đang được lành mạnh hóa và một tâm lý kinh doanh rất rõ rệt. Trái với nhiều người, tôi lạc quan cho Thái Lan sau này hơn là trước mùa hè 1997.

Điều cần chú ý là Thái Lan đã phát triển mạnh sau khi dân chủ hóa, và từ đó không còn những xung đột đẫm máu như trước nữa. Trường hợp Thái Lan như vậy cũng không phải là một ngoại lệ của qui luật dân chủ đi trước và kéo theo phát triển. Hơn nữa nó còn bẻ gãy một lý cớ quen thuộc của các tập đoàn độc tài là dân chủ đưa tới hỗn loạn. Chính dân chủ đã tránh cho Thái Lan một thảm kịch. Thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra vào mùa hè năm 1997, khi một cách rất đột ngột kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn, nếu chế độ vẫn là độc tài quân phiệt? Chắc chắn sẽ có bạo loạn và đổ máu lớn.

(Còn Tiếp)

Nguyễn Gia Kiểng

Đi tìm một mô thức phát triển đất nước II

Bài liên quan:
Vượt lên trên mọi đam mê chính trị, thảm kịch của chúng ta ngày nay là một sự tụt hậu đầy hổ nhục cho mọi người Việt Nam dù thuộc quá khứ nào hay theo khuynh hướng nào. Mọi cuộc đấu tranh chính trị đều là vô nghĩa nếu không nhắm mục đích sau cùng là đưa đất nước tiến lên và cũng vô nghĩa nếu không biết con đường nào sẽ đưa đất nước đi lên.

Điều chúng ta cần nhắc lại một lần nữa là hiện nay, trên thềm thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, phát triển là một hiện tượng rất mới và chỉ giới hạn trong một số rất ít quốc gia, nhờ một số điều kiện rất đặc biệt mà ta cần quan sát.

Tôi xin mời độc giả làm một cuộc du lịch thăm viếng một số nước, nơi hiện tượng phát triển đã xuất hiện trước tiên và một cách ngoạn mục. Đây là một cuộc thăm viếng có hướng dẫn, rất nhanh chóng và có chủ đích. Chúng ra sẽ chỉ quan sát những gì giúp chúng ta trả lời câu hỏi "tại sao họ đã phát triển?". Cuộc tham quan này tuy vội vã nhưng vẫn thật thà, không giấu giếm. Những gì không được quan sát sẽ không phản bác kết luận mà chúng ta sẽ rút ra. Đây là một cuộc hành hương về cội nguồn của hiện tượng phát triển để tìm hiểu. Chúng ta sẽ thành công nếu vào một lúc nào đó ánh sáng bỗng dưng bừng lên và chúng ta vui mừng thốt lên: "Hiểu rồi, thì ra thế !".

Hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia đã xuất hiện hầu như cùng một lúc tại châu Âu và Hoa Kỳ. Châu Âu đi trước một chút và phát triển nhanh chóng hơn trong giai đoạn đầu. Nói là châu Âu nhưng thực ra, nếu muốn chính xác hơn, phải nói là Hòa Lan và Anh, các nước khác đã chỉ bị, hay được, lôi kéo theo. Một cách vắn tắt, có thể nói thế kỷ 17 đã là thế kỷ Hòa Lan, thế kỷ 18 là thế kỷ Anh, từ cuối thế kỷ 19 Hoa Kỳ lên ngôi bá chủ hoàn cầu. Cũng từ nửa sau thế kỷ 19, Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ dù chưa bao giờ đạt tới sức mạnh của Hoa Kỳ.

Viết tới đây tôi sợ bị một số học giả chê là quá sơ sài, vì thực ra hiện tượng phát triển vốn đã có từ trước với các thành phố buôn bán. Venice (tại Ý) ngay từ thế kỷ 12 đã đạt tới một sức mạnh kinh tế, chính trị và cả về quân sự rất huy hoàng. Antwerpen (tại Bỉ) từ thế kỷ 15 đã trở thành trung tâm thương mại số một của thế giới. Nhiều thị trấn khác trong vùng biển Baltic băng giá, một Địa Trung Hải của Bắc Âu, cũng đã trở nên rất phồn thịnh trong cùng một thời điểm. Nhưng tất cả những thành tựu ngoạn mục này, ngay cả trường hợp Venice, chỉ là những ốc đảo phồn vinh cô lập. Điều tôi muốn nhận định ở đây là hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia.

Sẽ là một sự lố bịch, có thể nói là một sự xúc phạm đối với trí tuệ, nếu muốn tóm tắt lịch sử phát triển của Hòa Lan, Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong một vài trang giấy. Mục đích ở đây là tìm ra cái gì đã làm nảy sinh ra phát triển và sau đó đã duy trì được đà phát triển. Xin nói ra ngay rằng kết luận sẽ chẳng có gì thực sự độc đáo. Điều quan trọng là sau đó chúng ta thực sự tin. Và niềm tin là tất cả, nó sẽ tránh cho chúng ta những hoang mang, bối rối và lạc lối trong những biện luận mông lung. Chúng ta đang rất cần niềm tin đó.

Bây giờ, xin mời độc giả khởi hành. 

Hòa Lan: cái gì đã xảy ra?

Cho tới giữa thế kỷ 16, quyền lực tại châu Âu tập trung về phía Nam, với Tây Ban Nha làm bá chủ. Đế quốc của Charles Quint, trong đó Tây Ban Nha vượt trội nhất, bao phủ gần hết châu Âu và cả miền đất rộng lớn vừa khám phá ra, nghĩa là châu Mỹ. Nhưng đột nhiên vào giữa thế kỷ 16, năm 1568, châu Âu rúng động vì cuộc nổi dậy tại Hòa Lan. Càng ngạc nhiên hơn nữa vì đất nước nhỏ bé này đã kháng cự thắng lợi trước sức mạnh của quân lực Tây Ban Nha hùng hậu trong hơn bốn mươi năm, trong một cuộc chiến được mệnh danh là "chiến tranh cho tự do", buộc Tây Ban Nha phải ngừng chiến, chấp nhận thực tế của sự ly khai và sau đó ký thỏa ước Den Haag chính thức nhìn nhận "Nước Cộng Hòa Hòa Lan". Từ đó Hòa Lan, với không đầy mười triệu dân, tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, trở thành siêu cường số một của thế giới trong thế kỷ 17. Cái gì đã xảy ra?

Montesquieu (1681-1755), thủy tổ của lý thuyết "tam quyền phân lập" và lý thuyết "những bất lợi tiên khởi", nhận định rằng người Bắc Âu đã bị thiên nhiên ngược đãi nên phải phấn đấu để tiến lên, và để tiến lên cần tự do, trong khi các dân tộc Nam Âu vì được thiên nhiên ưu đãi nên không cần phấn đấu và do đó dễ chấp nhận cuộc sống nô lệ.

Max Weber (1864-1920), dựa vào thành tựu của Hòa Lan, và của Anh và Mỹ sau đó, cho rằng phát triển là do ảnh hưởng của đạo Tin Lành năng động và cởi mở hơn đạo Công Giáo. Weber lặp lại một cách mạnh mẽ hơn lập luận của một vài nhà tư tưởng trước ông cho rằng chủ nghĩa tư bản là một sản phẩm của đạo Tin Lành. Karl Marx, thiên tài trong nghệ thuật lấy ý kiến của người khác làm khám phá của mình bằng cách nói ngược lại, cho rằng chính chủ nghĩa tư bản đã khai sinh ra đạo Tin Lành. Quanh quẩn vẫn chỉ là một ý : có một liên hệ mật thiết giữa một tôn giáo (Tin Lành) và phát triển.

Phải nghĩ gì về những giải thích này?

Dĩ nhiên dân tộc nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của điều kiện địa lý, nhưng lý thuyết "những khó khăn tiên khởi" rất khó đứng vững. Nếu bảo rằng nhờ bị thiên nhiên ngược đãi mà nhiều dân tộc đã phải phấn đấu, rồi nhờ đó tiến lên thì rất khó giải thích tại sao nước Mỹ, với tài nguyên bao la và điều kiện sinh sống dễ dãi, đã vươn lên mạnh mẽ? Ngược lại, một số dân tộc khác như Mali, Ethiopia, Bangladesh lạc hậu cùng cực và bị coi là tuyệt vọng chính vì thiếu tài nguyên thiên nhiên. Các giải thích của những nhà nghiên cứu về điều kiện thiên nhiên thường rất mâu thuẫn. Có khi cùng một sự kiện được sử dụng cho hai giải thích hoàn toàn trái ngược nhau : có lúc họ nói rằng nước Anh đã trở thành hùng mạnh nhờ than đá và sắt, có khi họ lại lý luận rằng nước Nhật đã phát triển vì người Nhật bắt buộc phải sản xuất nhiều để xuất cảng lấy ngoại tệ mua nguyên liệu và nhiên liệu. Lý thuyết "những khó khăn tiên khởi" độc đáo ở chỗ nó vừa ngược đời vừa hùng hồn, nhưng không đúng. Tài nguyên thiên nhiên chắc chắn là có ảnh hưởng, và dĩ nhiên về lâu về dài có ảnh hưởng tốt, nhưng không thể giải thích tất cả.

Khí hậu cũng thường được viện dẫn như một lý do giải thích sự phát triển, dựa vào nhận xét chung là các nước khí hậu lạnh thường phát triển hơn các nước nhiệt đới. Nhưng Nga và Mông Cổ (chưa nói dân Esquimo!) cũng có khí hậu rất lạnh mà tại sao không phát triển?

Còn lý do tôn giáo? Chắc chắn là các dân tộc theo một tín ngưỡng tiêu cực coi cuộc đời không đáng sống và không đáng cải thiện, như ‰ên Độ và Tây Tạng, sẽ rất khó ra khỏi cảnh nghèo khổ nếu không thay đổi tâm lý, vì một lý do dễ hiểu là họ không coi nghèo khổ là một tai họa. Nhưng bảo rằng đó là do ảnh hưởng của đạo Tin Lành thì phải trả lời thế nào về sự trỗi dậy ngoạn mục của Nhật Bản?

Chắn chắn phải có một lý do căn bản hơn trong khi những lý do khác như tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, tôn giáo chỉ là những biểu hiện ngoài mặt.

Từ thế kỷ 15, trung tâm quyền lực tại châu Âu dời về miền Nam, các vùng phía Bắc chung quanh Hòa Lan ít được quan tâm tới. Đó lại là vùng đất thấp, sình lầy và giá lạnh, cảnh trí chẳng có gì là hùng vĩ, thành quách lâu đài cũng khó xây dựng. Các vùng này ở trong một tình trạng đặc biệt: một mặt họ nằm dưới quyền lực của các triều đình lớn và không thể lập ra một chính quyền mạnh của mình mà không sợ búa rìu, mặt khác vì gần như bị bỏ quên nên họ phải tự tổ chức sinh hoạt riêng của mình. Công thức duy nhất và bắt buộc là cố gắng tìm ra đồng thuận để sống yên với nhau, tránh mọi xung đột có thể lôi kéo sự can thiệp của triều đình Tây Ban Nha. Một xã hội tự do dân chủ dần dần thành hình với một chính quyền rất giản dị, người cai trị Hòa Lan không phải là một ông vua, cũng không phải là một lãnh chúa mà chỉ được gọi là một "đại thường trú", vì ông cư ngụ và làm việc ở tòa nhà được dựng ra để giải quyết các vấn đề hành chính tối cần thiết.

Những người Hòa Lan cũng không thể có vinh quang được làm vương, làm tướng, họ chỉ còn một lý tưởng là làm giàu. Một thanh niên Hòa Lan lớn lên không thể nuôi mộng gì khác hơn là kinh doanh buôn bán thành công.

Một xã hội mới dần dần thành hình. Chính cái xã hội tự do dân chủ này, với một guồng máy chính quyền thật nhẹ và thu hẹp nhường không gian tối đa cho cá nhân, và trong đó mọi cá nhân theo đuổi lý tưởng làm giàu, đã thúc đẩy sáng kiến và cố gắng và tạo nên sự phồn vinh của Hòa Lan. Vào năm 1551, khi hoàng đế Charles Quint phong cho dòng họ Bourguignon 12 quận đất thấp phía Bắc (gồm Hòa Lan và Bỉ ngày nay), vùng đất này đóng thuế cho triều đình Tây Ban Nha một số tiền gấp bảy lần lợi nhuận quan trọng đem về từ toàn châu Mỹ. Hòa Lan đã phồn vinh hơn hẳn Tây Ban Nha. Mười bảy năm sau, họ nổi dậy tuyên bố rũ bỏ ách thống trị của mẫu quốc. Sức mạnh kinh tế và quyết tâm sống tự do đã khiến họ đẩy lùi được đạo binh hùng hậu của Tây Ban Nha.

Trái với nhận xét của Max Weber, không phải đạo Tin Lành đã tạo ra sự phồn vinh của vùng đất thấp bao gồm Hòa Lan và Bỉ, bởi vì phần lớn của cải vẫn nằm trong tay những nhà kinh doanh theo đạo Công Giáo. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói người Công Giáo còn năng động hơn cả người Tin Lành trong giai đoạn đầu. Nhưng dần dần do sự bách hại đạo Tin Lành tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha, những người Tin Lành đã di cư tới Bỉ và nhất là Hòa Lan để tị nạn. Họ là một đóng góp quan trọng cho sự phồn vinh của Hòa Lan, nhưng họ không phải là yếu tố quyết định nhất. Đóng góp quyết định nhất là những nghệ nhân, thợ khéo, thương gia di cư tới Hòa Lan để tránh những chính quyền độc tài khắc nghiệt. Không khí tự do dân chủ tại Hòa Lan đã giúp họ làm giàu cho mình và cho quê hương mới. Descartes (1596-1650), nhà toán học và tư tưởng lớn bậc nhất của nước Pháp vào thời đại của ông, năm nào cũng phải tới Hòa Lan sống vài tháng để lấy hứng sáng tác trong không khí tự do, dù ông là người Công Giáo. 

Anh: một dân tộc bán tiệm

Nước Anh, từ sau khi vua John "Lack Land" [Jean Sans Terre] ký Đại Hiến Chương [Magna Carta] năm 1215 nhìn nhận những quyền tự do lớn cho giới quí tộc, đã không còn là một nền quân chủ tuyệt đối trung ương tập quyền nữa. Sự áp bức vẫn còn nhưng là những áp bức của các lãnh chúa địa phương không đủ mạnh, phải dựa vào dân chúng, do đó cần người dân và phải tương đối nể nang người dân. Đặc điểm của Đại Hiến Chương là nó định chế hóa đối thoại chính trị, buộc nhà vua phải tham khảo với một nghị viện. Nó cũng nhìn nhận cả quyền nổi loạn chống bạo quyền.

Cuộc cách mạng của Oliver Cromwell (1599-1658), năm 1649 giáng một đòn chí tử vào cả quyền lực lẫn danh giá của triều đình London (vua Charles I bị hành quyết và một thể chế cộng hòa ngắn ngủi được thành lập). Năm 1688, sau một cuộc cách mạng ngắn, các nguyên tắc tự do dân chủ được chính thức ban hành, mở đầu một giai đoạn phát triển huy hoàng. Sự hiện diện của chính quyền từ đó trở nên giới hạn và ngay cả các giá trị cũng thay đổi. Làm quan tướng trong triều đình không vinh quang hơn là làm những phú nông, phú thương. Phải nói ngay rằng những thay đổi ngoạn mục này có rễ từ rất lâu đời. Thói quen sinh sống trong bối cảnh phóng khoáng đã đem lại cho người Anh, kể cả quí tộc, một tâm lý rất khác so với lục địa châu Âu. Họ không khinh thường những hoạt động sản xuất (có cả một huân tước được mang danh hiệu "huân tước củ cải" vì trở thành giàu có nhờ sản xuất và cổ võ cho củ cải đường). Cuộc sống hải đảo đã đem lại cho họ một tâm lý đặc biệt, phiêu lưu mạo hiểm nhưng lại không màng những danh giá phù phiếm của quyền lực. Vả lại, cũng tương tự như trường hợp Hòa Lan, họ vừa được các đế quốc hùng mạnh ở lục địa bỏ quên, vừa không thể xưng hùng xưng bá để tránh búa rìu. Sau này từ thế kỷ 18 trở đi, khi họ tự nhận ra mình đã quá mạnh và đi chinh phục thế giới, là một chuyện khác.

Nét đặc thù của nước Anh từ trước thế kỷ 17, khi hiện tượng phát triển bắt đầu xuất hiện một cách rõ rệt, là một không khí cởi mở, phóng khoáng và tự do. Nước Anh đã là nước dân chủ đầu tiên trên thế giới, trước rất lâu so với các nước khác. Tại sao ? Đó là câu hỏi rất phức tạp mà một cuốn sách vài trăm trang cũng không thể trả lời một cách đầy đủ, nhưng lý do chủ yếu có lẽ là địa lý. Đối với chúng ta ngày nay, Anh là một đảo nhỏ về diện tích, nhưng cho tới thế kỷ 16 đó là một lãnh thổ bao la đối với khoảng 3 hay 4 triệu dân. Cuộc sống tản mác trên một lãnh thổ phì nhiêu đồng đều đó không cho phép ra đời một chính quyền trung ương mạnh. Cuộc sống hải đảo biệt lập cũng không làm nảy sinh ra những tham vọng quyền lực điên cuồng. Thêm vào đó, những con người sống với biển cả và dám thách thức biển cả cũng không dễ chấp nhận cuộc sống phục tùng tuyệt đối của những kẻ nô lệ.

Cuộc sống thủy thủ cũng đã đem lại cho họ tập quán yêu thích buôn bán. Napoléon I có lần nhận định một cách không mấy nể nang rằng người Anh là một "dân tộc bán tiệm" [un peuple de boutiquiers]. Ông đã lầm, người Anh không chỉ "bán tiệm", họ là những thương gia có viễn kiến rất sớm. Ngay từ thế kỷ 15, họ đã thành lập nhiều công ty buôn bán có tầm vóc lớn. Một trong những công ty đó mang một tên đầy ý nghĩa "Đồng Đội Của Những Nhà Mạo Hiểm Thương Mại Luân Đôn" [Fellowship of the Merchant Adventurers of London]. Cần ghi nhận "mạo hiểm" nhưng cũng cần ghi nhận "đồng đội".

Người Anh có một đặc điểm là rất thích những kết hợp ngoài chính quyền, những kết hợp của những người cùng theo đuổi một mục đích và cùng chấp nhận một luật chơi. Chính họ đã phát minh ra các Club, mà hầu hết mọi ngôn ngữ khác đều dùng và chúng ta phiên âm là câu lạc bộ. Xã hội dân sự tại Anh xuất hiện rất sớm và phát triển rất nhanh, rất mạnh. Cho đến nay, tham gia các hội đoàn và câu lạc bộ vẫn là một nét đặc thù của người Anh. Tất cả những yếu tố đó đều là đặc tính của một sinh hoạt dân chủ. Người Anh gieo hạt giống dân chủ một cách vô tình, rất lâu trước khi họ có tư tưởng dân chủ. Và họ cũng đã có tư tưởng dân chủ rất sớm. Vài dẫn chứng :

Một nhà tư tưởng, Dudley North, viết năm 1691 : "Hòa bình, cố gắng và tự do, chứ không phải bất cứ một lý do nào khác, đem lại thương mại và giàu có" và "vai trò của luật pháp là đảm bảo hòa bình, công lý và khuyến khích các công nghệ bằng cách tôn vinh chúng". Vài năm sau, năm 1699, Charles Davenant (1656-1714), dân biểu Anh, viết: "Tự do và phồn vinh đi cùng với nhau tay trong tay".

Lý do nào đã khiến một dân tộc vài triệu dân trên một hòn đảo vào thế kỷ 16 trở thành bá chủ hoàn cầu hai thế kỷ sau đó ? Câu trả lời ở đây rất là hiển nhiên : một chế độ tự do dân chủ, nhà nước nhẹ, một xã hội dân sự năng động và lòng yêu thích thương mại. Nhưng điều cần được đặc biệt chú ý ở đây là bối cảnh tự do đã xuất hiện rất lâu trước khi sự giàu có ló dạng. Những hạt giống của tự do dân chủ đâm mộng, thành cây, rồi trổ hoa kết trái. Trái cây ở đây là sức mạnh và sự phồn vinh. 

Hoa Kỳ: đất nước của những con người tự do và dũng cảm

Châu Mỹ đã được khám phá ra từ năm 1492 và hầu như ngay sau đó các chính quyền Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ra công khai phá và khai thác. Sự khai thác này đã rất thành công, nếu ta không nghĩ đến chính sách diệt chủng của những đoàn conquistadors đầu tiên. Châu Mỹ được coi như một kho của vô tận. Ngày nay nếu được hỏi về nước Peru, đa số chúng ta sẽ chỉ biết mang máng rằng đó là môt nước ở Nam Mỹ, có một ông tổng thống người Nhật tên là Fujimori gì đó, không lớn lắm, không giàu lắm và khá lộn xộn. Hơi giản lược nhưng mà đúng. Vậy mà cho tới thế kỷ 19, Peru đồng nghĩa với thiên đường hạ giới. Trong tiếng Pháp, thành ngữ "trouver le Pérou" [tìm thấy nước Peru] vẫn được coi là đồng nghĩa với may mắn và đạt ước mơ.

Sự khai thác châu Mỹ tiến triển mạnh ngay sau khám phá của Columbus, nhưng chỉ giới hạn ở vùng "châu Mỹ La Tinh" thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Vùng đất phía Bắc thuộc Hoa Kỳ và Canada hiện nay vẫn bị bỏ hoang. Anh và Pháp cạnh tranh nhau khai phá vùng đất này nhưng cả hai nước đều gặp nhiều vấn đề nội bộ, và lại còn bận chống nhau nữa, nên không đặc biệt chú ý đến châu Mỹ. Việc di dân và khẩn hoang vùng đất này không nằm trong một chính sách quốc gia nào mà do sáng kiến của những công ty tư nhân. Từng đoàn người lẻ tẻ trên những con tàu mong manh kéo nhau tới đó. Trong tuyệt đại bộ phận họ là những người bị phân biệt đối xử nên phải ra đi chứ không phải vì Pháp hay Anh thiếu đất. Nước Pháp vào thế kỷ 16 tuy là nước đông dân hạng nhì thế giới (sau Trung Quốc nhưng trước Ấn Độ) nhưng chỉ có khoảng 20 triệu dân mà thôi. Nước Anh lúc đó không có tới 4 triệu dân. Những người ra đi đều là thành phần nghèo khổ và bị hắt hủi, phần lớn là người Anh ; nước Pháp trong suốt tiến trình di dân chỉ gởi qua Québec sáu ngàn người và một số ít hơn tới Louisiana.

Cho tới ngày 9 tháng 6 năm 1620, khi con tàu Mayflower cập bến, với một trăm người di dân, trên cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la chỉ có khoảng hai ngàn người da trắng. Những người di dân tới đây không sống dưới một chính quyền nào, họ ít quá để triều đình Anh chú ý, những người chủ bỏ tiền cho họ vượt đại dương thì ở quá xa và cũng chỉ quan tâm lấy lại vốn cộng thêm lời của số tiền đầu tư bỏ ra, còn lại thì để mặc họ muốn làm gì thì làm. Khoảng 40 người trên tàu Mayflower rủ nhau đi lập nghiệp tại Provincetown, trong bang Massachussetts. Đến nơi họ thảo chung với nhau một kết ước sống chung, Kết ước Mayflower [The Mayflower Compact]. Không biết họ có ý thức được không, nhưng những con người thô sơ và mỏng manh đó (phân nửa đã chết trong mùa đông giá lạnh đầu tiên) đã làm một trong những hành động sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Đó là tuyên ngôn thành lập một xã hội tự do, dân chủ và pháp trị:

"[...] Chúng tôi thỏa thuận thành lập với nhau một tập thể. [...] Mỗi khi thấy cần thiết cho phúc lợi chung, chúng tôi sẽ làm ra và ban hành các luật lệ đúng đắn và đồng đều cho tất cả, và chúng tôi sẽ tuân phục những luật lệ đó".

Tinh thần Mayflower đã mau chóng trở thành tinh thần nền tảng của xã hội Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có một đặc điểm nổi bật : đó là quốc gia ngay từ lúc thai nghén đã không hề biết một chế độ nào khác ngoài tự do và dân chủ. Đó quả là đất nước của những con người tự do [land of the free]. Năm 1776, khi tuyên bố độc lập, dù đã tiến bộ rất nhiều, họ mới chỉ có hai triệu rưỡi dân nghèo đói, trình độ văn hóa thấp, phần lớn không biết đọc biết viết và hơn nữa rất xa lạ với nhau. Dân chủ và tự do đã dần dần đem đến sự gắn bó, ý thức quốc gia, sáng kiến và sức mạnh. Tân quốc gia Hoa Kỳ đã lôi cuốn những người yêu chuộng tự do dân chủ tại châu Âu. Lòng tin vào tương lai đã cho họ một tỷ lệ sinh đẻ cao. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ là quốc gia tiến bộ nhất và hùng mạnh nhất thế giới với 63 triệu dân. Bước vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, họ là siêu cường độc nhất của thế giới với gần 300 triệu dân. Thế kỷ 21 sẽ còn là thế kỷ Hoa Kỳ, sự hơn hẳn sẽ còn gia tăng lên chứ không giảm đi trong nhiều thập niên. Trường hợp Hoa Kỳ chứng tỏ tự do và dân chủ không đòi hỏi một trình độ văn hóa hay kinh tế nào, trái lại còn là lý do thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa. 

Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt

Người Việt Nam sùng bái sự học một cách quá đáng và lệch lạc nên bất cứ một điều gì, dù sai tới đâu, mà đã được nhồi sọ ở trường học cũng trở thành một chân lý rất khó lay chuyển. Một trong những sai lầm lớn mà hầu như mọi người Việt Nam, bất luận có bằng cấp nào, cũng tin một cách chắc nịch là nhờ vua Minh Trị sáng suốt biết canh tân kịp thời mà nước Nhật đã trở thành tân tiến và hùng mạnh. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu trí thức tiếc rằng các vua Minh Mạng, Tự Đức đã không được như Minh Trị, nếu không Việt Nam chắc đã không thua Nhật Bản.

Sự thực Minh Trị không hơn gì Tự Đức, và nước Nhật đã không tiến lên nhờ Minh Trị. Không những thế, còn có thể nói chính Minh Trị đã bẻ gãy, hay đúng hơn đã là dụng cụ để giúp đám quân phiệt bẻ gãy đà tiến hài hòa của Nhật Bản về tương lai. Cuối "lộ trình Minh Trị" là một cuộc chiến tự hủy, hai trái bom nguyên tử và một phần quan trọng của lãnh thổ bị mất.

Minh Trị lên ngôi năm 1867, lúc mới 14 tuổi. Phải mê tín dị đoan mới có thể tin một cậu bé bằng ấy tuổi và được nuôi nấng trong hoàng cung có thể có cả một dự án canh tân đất nước. Thực ra Minh Trị lên ngôi vào đúng lúc quyền bính nước Nhật rối loạn hoàn toàn, các sứ quân liên kết với nhau lật đổ và chấm dứt chế độ chúa công [shogun] được thiết lập từ thế kỷ 12 theo một mô hình tương đương như vua Lê chúa Trịnh tại nước ta. Lúc đó nước Nhật đã tiếp xúc với phương Tây từ hơn ba thế kỷ, từ năm 1543, nghĩa là cùng một lúc với Việt Nam.

Vào thời điểm Minh Trị lên ngôi, nước Nhật đã thay đổi rất nhiều rồi, khác hẳn với Việt Nam. Câu chuyện sau đây đủ nói lên mức độ phát triển của nước Nhật trước khi người phương Tây đến. Một người Bồ Đào Nha, tên là Pinto, đến nước Nhật vào khoảng cuối thế kỷ 16 đem theo một cây súng. Ông ta khoe hiệu lực của cây súng hơn hẳn những thanh kiếm của các hiệp sĩ Nhật, rồi cho mượn. Vài tháng sau, khi ông ta ra đi, người Nhật đã chế ra được 500 khẩu súng giống hệt như vậy. Hai năm sau trên toàn nước Nhật có tới 300.000 khẩu súng Pinto. Kỹ năng của người Nhật đã tiến tới một trình độ rất cao ngay từ thế kỷ 16.

Các tài liệu của nước ta, cũng như phần lớn các tài liệu phiến diện của phương Tây mà ta sao dịch lại, đánh dấu sự mở cửa của Nhật về phương Tây từ năm 1853 (tức mười bốn năm trước khi Minh Trị lên ngôi) khi phó đề đốc [comodore] Perry chỉ huy một đoàn chiến hạm Mỹ tiến vào cảng Đông Kinh đưa tối hậu thư buộc Nhật mở cửa khẩu cho tàu bè phương Tây, và Nhật nhượng bộ. Thực ra, một cách không chính thức, Nhật đã mở cửa cho phương Tây và đã tiếp thu rất nhiều kỹ thuật và phương pháp phương Tây từ ba thế kỷ trước rồi. Người Nhật đã quen với phương Tây và đã đủ tiến hóa để hiểu sức mạnh của phương Tây. Họ nhượng bộ vì hiểu biết chứ không phải vì nhát sợ. Họ đã quen sử dụng lịch phương Tây từ lâu, cho nên năm 1873 họ bỏ hẳn lịch Tàu để chỉ dùng lịch Tây. Họ cũng đã mở những trường học về y khoa và khoa học cơ bản từ thập niên 1720, nổi tiếng nhất là Trường Hòa Lan (người Nhật quả nhiên biết chọn thầy!). Năm 1744, họ xây một đài quan sát thiên văn với hai kính viễn vọng lớn. Từ năm 1810, họ tổ chức cả một cơ quan chuyên môn dịch sách khoa học kỹ thuật phương Tây. Ngày 7 tháng 1 năm 1870, đúng ba năm sau khi Minh Trị lên ngôi, bức điện tín đầu tiên được đánh đi từ Tokyo.

Nước Nhật đã rất tiến bộ khi người phương Tây đến. Chính nhờ tiến bộ mà họ đã nhận thức được sự hơn hẳn của phương Tây và đã hấp thụ rất mau chóng các kỹ thuật phương Tây. Tại sao ? Đó là nhờ một sự kiện ngoài chủ đích của mọi người. Xã hội Nhật do các lãnh chúa thống trị dựa trên giai cấp hiệp sĩ. Các lãnh chúa và các hiệp sĩ cực kỳ kiêu căng không thèm hòa trộn với dân chúng mà để mặc quần chúng tự tổ chức lấy cuộc sống của mình, miễn là nộp đủ thuế. Trong tình trạng ấy, quần chúng Nhật tuy ở sát nhưng thực ra lại sống rất xa giai cấp thống trị. Họ không thể tổ chức thành chính quyền nếu không muốn lãnh búa rìu và họ phải tìm cách sinh sống với nhau trong đồng thuận để tránh những can thiệp của bọn hiệp sĩ. Một cách tiệm tiến và thầm lặng, một sinh hoạt tự do đã hình thành giữa quần chúng với nhau, dưới sự giám sát từ xa của các lãnh chúa. Đó là lý do khiến xã hội Nhật đã phát triển, rồi chính sự phát triển này đã tạo ra áp lực buộc giới cầm quyền Nhật nhượng bộ dần dần.

Ở đây, Nhật cũng không phải là một ngoại lệ. Nhật cũng đã phát triển nhờ tự do dân chủ, dù là tự do trá hình, dân chủ giấu mặt. Không hiểu được điều này là không hiểu phép mầu Nhật Bản, một phép mầu đã bắt đầu từ trước khi người phương Tây tới và đã gia tăng vận tốc sau đó. Minh Trị sau khi lên ngôi đã chỉ là một biểu tượng giúp cho đám quân phiệt tiêu diệt dần tự do dân chủ và đưa Nhật Bản đến bế tắc. Những năm cuối của triều đại Minh Trị còn là những năm đen tối cho nước Nhật: bành trướng quân sự, chiếm Đài Loan và Cao Ly, đàn áp đẫm máu ở trong nước. Khi Minh Trị chết, năm 1912, chế độ Nhật trở thành một chế độ độc tài quân phiệt thuần túy với hậu quả mà chúng ta đã thấy. Sau thế chiến II, Nhật bại trận, phải đầu hàng không điều kiện, chấp nhận một hiến pháp tự do do Hoa Kỳ áp đặt và giám sát, và nước Nhật lại vươn lên. 

Những xã hội phồn vinh khác

Đến đây chúng ta đã xong một cuộc hành trình qua những kinh nghiệm phát triển. Chúng ta đã dừng chân ngắn ngủi tại các chặng đường Hòa Lan, Anh, Mỹ và Nhật. Cuộc hành trình vội vã này đã không cho phép chúng ta dừng lại ở một số phép mầu tại một số quốc gia khác.
Như Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ, không có bờ biển, không tài nguyên thiên nhiên, lại thêm núi non trùng điệp, vậy mà đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới. Trong nhiều thế kỷ Thụy Sĩ đã là vùng đất không nước nào dòm ngó, nó đã thành đất dung thân của người Đức, người Pháp, người Ý muốn xa lánh bạo lực và sự bất dung. Người Thụy Sĩ đã xây dựng với nhau một xã hội tự do dân chủ theo phương châm dĩ hòa vi quí. Và họ đã tìm được hạnh phúc. Đặc điểm của Thụy Sĩ mà mọi người đều biết là có một chế độ dân chủ đi xa nhất trong mọi chế độ dân chủ : dân chủ trực tiếp ở một số địa phương.
Hay như trường hợp của các nước Bắc Âu, Đan Mạch và Thụy Điển (cho tới gần đây Thụy Điển là nước có lợi tức bình quân trên mỗi đầu người cao nhất châu Âu). Các quốc gia xa xôi băng giá và ít người này cũng ở trong thế "chẳng ai để ý đến họ và họ cũng chẳng dám vênh váo thách thức với ai". Họ tổ chức với nhau một xã hội đồng thuận và khiêm nhường, tôn trọng tự do và sáng kiến của mỗi người. Và họ đã là những quốc gia phát triển đầu tiên ; như phần đầu bài này đã nói, vùng biển Baltic đã phát triển rất sớm. 

Cùng một hiện tượng

Điều ngạc nhiên và lý thú là dưới những bề ngoài có vẻ rất khác nhau cùng một hiện tượng đã được lặp lại.
Hiện tượng diễn ra như sau: một cộng đồng quốc gia vào một lúc nào đó, do một tình cờ địa lý hay lịch sử, rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, quyền lực khống chế không quan tâm tới họ và để mặc họ sống với nhau. Một tổ chức xã hội mới đã dần dần hình thành với bốn đặc tính: một là vì không có chọn lựa nào khác họ đã tổ chức với nhau một chính quyền tối thiểu, thậm chí không chính thức, và sinh sống với nhau theo qui luật tự nhiên của thị trường; hai là do không thể có tham vọng quyền lực, mọi người tập trung cố gắng làm giàu; ba là do chính quyền không can thiệp vào đời sống hàng ngày, người dân được hưởng một mức độ tự do lớn, do đó phát huy tối đa sáng kiến; bốn là thương mại được ưa chuộng và tôn vinh. Yếu tố thứ tư thực ra chỉ là một hậu quả của yếu tố thứ hai và nhất là thứ ba. Đã chủ tâm làm giàu và lại được tự do phát huy sáng kiến thì chắc chắn con người trở thành mạo hiểm, thích trao đổi và buôn bán.
Chính quyền nhẹ, tự do và dân chủ, kinh tế thị trường, ham mê làm giàu, trọng thương mại và cởi mở với thế giới bên ngoài là những yếu tố đem tới sự giàu có. Những yếu tố đó là nguyên nhân thực sự của phát triển, cho dù chúng xuất phát trong hoàn cảnh nào. Chúng ta có thể coi đó là một định luật đúng trong mọi trường hợp. Ngay cả các thị trấn thương mại đã phát triển sớm nhất cũng không phải là ngoại lệ. Kiến thức của tôi rất nhiều giới hạn, nhưng những kinh nghiệm phát triển mà tôi có dịp nghiên cứu, và tôi có cảm tưởng không bỏ sót trường hợp quan trọng nào, cho tôi một nhận xét là trong chiều sâu mọi phát triển trên phạm vi quốc gia đều có cùng một nguyên nhân, dù bề ngoài chúng có thể bộc lộ dưới một lý do đặc biệt: tôn giáo, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, v.v... Điều đáng lưu ý là thực ra nhiều chế độ độc tài hoặc thiếu dân chủ cũng đã nhận ra điều này. Đó là lý do khiến họ cho phép lập ra những khu chế xuất, vùng kinh tế đặc biệt, v.v... mà đặc tính là ở đó tự do được thả lỏng, các thủ tục được giảm nhẹ, sự hiện diện của chính quyền bớt lộ liễu. Các vùng này đều đã thành công và khiến nhiều kinh tế gia coi chúng như một giải pháp. Nhưng đây chỉ là một biện pháp nửa chừng. Nếu các khu chế xuất có lợi, tại sao không mở rộng cho cả nước ?

Nét đậm nhất cần ghi nhớ sau những dòng này là, một mặt, xã hội tự do dân chủ kích thích cố gắng và cho phép con người phát huy tối đa khả năng của mình, và mặt khác, tự do dân chủ không đòi hỏi một điều kiện nào, nó phù hợp với mọi xã hội và mọi trình độ. Các dân tộc vươn lên đầu tiên đã tình cờ đạt tới tự do và dân chủ trong trường hợp đặc biệt. Ngày nay, đã hiểu được phúc lợi của tự do và dân chủ, chúng ta có thể cố ý tạo dựng tự do và dân chủ để vươn lên.

Kết luận trên đây có phải là hiển nhiên quá đến độ nhạt nhẽo không? Nếu được như vậy thì còn gì hơn, nhưng điều đáng buồn là không. Tôi đã quá nhiều lần được nghe từ miệng những vị khoa bảng cao, kể cả những vị tự coi và được coi là những chuyên viên kinh tế, kể cả một số người hoạt động chính trị dưới danh nghĩa dân chủ, nói tới một trình độ dân trí tối thiểu để có dân chủ, hay tự do quá trớn, dân chủ quá trớn, hay dân chủ tự do có nguy cơ dẫn tới vô trật tự và hỗn loạn v.v... Những lúc đó tôi chua chát nhớ tới lời nói của một ông thầy tôi: "Có bằng cấp chưa phải là có kiến thức và thực học".

Trước khi chấm dứt chương này, tôi thấy cần thêm hai chú thích.

Một là, những dòng trên có thể khiến độc giả nghĩ tôi phản bác Max Weber. Sự thực là không, Weber là một trong những nhà lý luận về kinh tế và xã hội mà tôi ngưỡng mộ nhất. Những đóng góp của ông thật là to lớn. Nếu nhìn mặt trăng thay vì chỉ nhìn ngón tay chỉ mặt trăng thì ta thấy Weber nói đúng. Đạo Tin Lành chỉ là ngón tay mà thôi, điều mà Weber thực sự khám phá ra cho chúng ta là tầm quan trọng quyết định của văn hóa. Chính vì thế mà các quốc gia tự do dân chủ như nhau đã có những nhịp độ phát triển khác nhau vì văn hóa khác nhau. Phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chủ yếu là do tâm lý con người, mà tâm lý con người là sản phẩm của văn hóa. Ở thời đại mà Weber nghiên cứu, thời đại của các thế kỷ 16, 17 và 18, tôn giáo là yếu tố áp đảo của văn hóa. Văn hóa Tin Lành cởi mở, phóng khoáng, lấy đối thoại làm căn bản thay cho giáo điều, khuôn phép. Đó là một văn hóa tự do. Đạo Tin Lành đã đem lại phồn vinh (không ai có thể chối cãi là các dân tộc theo đạo Tin Lành tiến bộ hơn hẳn các dân tộc theo các tôn giáo khác) vì nó chuyên chở văn hóa tự do và đối thoại. Nhưng chúng ta cũng có thể đạt tới một văn hóa tự do, lấy chính tự do, dân chủ và đa nguyên làm những giá trị căn bản, mà không cần cỗ xe Tin Lành.

Hai là, những biện luận trên đây có một chỗ yếu là đã gán ghép tự do và dân chủ, trong khi các kinh nghiệm chỉ chứng tỏ tự do đã đóng vai trò quyết định. Các nước phát triển đầu tiên đã bắt đầu phát triển ngay từ khi chưa hẳn có dân chủ, nếu hiểu dân chủ là thể chế chính trị trong đó những người cầm quyền được dân chúng tự do bầu ra trong một nhiệm kỳ giới hạn nhất định. Trong một phần khác tôi sẽ trở lại vai trò của dân chủ. Ở đây chỉ xin nói một cách vắn tắt : quả thực tự do mới cần thiết và mới là cứu cánh, nhưng dân chủ là yếu tố cần thiết để đảm bảo tự do, để đà phát triển có thể tiếp tục thay vì bị gãy đổ giữa đường.

(Còn tiếp)

Nguyễn Gia Kiểng

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More