Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Nguyễn Văn Vĩnh: Báo chí An Nam tự do

Ảnh chụp Nguyễn Văn Vĩnh năm 1925
Ngài Toàn quyền Rô Bin (*) sẽ tán thành việc bãi bỏ sự kiểm duyệt được áp dụng đối với báo chí xuất bản bằng tiếng An Nam (Quốc ngữ).

Nếu xét về mặt tư tưởng, sẽ có một ngày, người đứng đầu Chính phủ Thuộc địa, sẽ là ngài Toàn quyền đầu tiên thực hiện một cử chỉ tốt đẹp về tự do, một cử chỉ mà mọi người dân An Nam đều có quyền được mong đợi ở Chính phủ Cộng hòa Pháp. Việc này, chúng tôi có thể nói là lẽ ra nó phải được thực hiện từ lâu rồi!

Chính cái chính sách của chế độ kiểm duyệt báo chí của Nhà cầm quyền khi viết báo phải xin phép trước đã làm nảy sinh sự kỳ quặc của một nền báo chí bản địa, và nó thể hiện vai trò gì trong xã hội chúng ta?! Đây cũng là điều khó có thể định nghĩa được. Có ý kiến cho rằng, nó đã góp phần phản ánh dư luận xã hội một cách đầy đủ! Có ý kiến khác lại cho rằng, nó chỉ góp phần làm công việc phổ biến, tuyên truyền đơn thuần...

Thực tế, mọi tờ báo của chúng ta đều bị giám sát và kiểm duyệt một cách gay gắt. Các báo chỉ nói lên được những ý kiến, những dư luận mà người viết biết trước rằng: Nhà chức trách sẽ đồng ý và chấp nhận. Thường, tối thiểu các bài viết đều phải trình trước 3 ngày để kiểm duyệt. Điều này chỉ phù hợp với các bài viết thuộc thể loại văn học hoặc đề tài khoa học. Đối với các phóng viên thời sự, khi viết bài bình luận, đều phải viết vừa đúng phạm vi của những điều được nói. Làm như vậy, bản báo sẽ tránh được việc các bài in thử, hay các bản thảo bị gửi trả lại với nhiều đoạn trong bài viết bị cắt không ít vào đúng giờ báo phải in ra. Rồi phải bỏ ra khỏi bát chữ đã được xếp, hoặc phải sửa lại theo ý kiến của Phòng Báo chí. Điều này đã gây cho hoạt động của nhà in rất nhiều trở ngại và cả sự tốn kém.

Thực tế này đã giải thích sự giống nhau trong cách đánh giá những hành vi, những hoạt động của Chính phủ, cũng như sự vắng mặt các bài bình luận quan trọng, vì các tờ báo đều biết trước việc sẽ không được phép đề cập, không được phép phê phán. Đặt ra chính sách kiểm duyệt đối với các tờ báo An Nam, chính quyền đã ép nó phải chịu chế độ xin phép, bằng không sẽ bị rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động. Việc làm này, đặt Chính phủ Bảo hộ vào tình trạng tự mình tước bỏ quyền nhận được những ý kiến đóng góp tích cực mà bản chất chính là những nguồn thông tin quý giá, đồng thời họ cũng không ngăn cản được việc người dân bằng mọi cách vẫn tìm cách truyền đạt, trao đổi với nhau những quan điểm, suy nghĩ của mình.

Chính quyền đã phải đẻ ra một Sở Mật thám khổng lồ để nắm bắt tất cả những dư luận của công chúng và nó thường được hành xử một cách rất thiếu lịch sự, việc khi phải viết ra, nó sẽ trở nên một hình thức nhã nhặn hơn. Những bài viết đó, khi viết ra nó được dùng những câu văn bóng bẩy, nhờ những cây viết khôn ngoan để mong hợp với tâm lý và dư luận của quần chúng hơn.

Trong chiến tranh Thế giới thứ Nhất, chính những bài báo của người An Nam đã từng góp phần gợi ý cho các nhà chức trách của Pháp và các nhân sỹ An Nam bày tỏ lòng đoàn kết giữa hai dân tộc trong cuộc chiến đấu tìm đến nền văn minh và quyền con người. Thể hiện rõ nhất qua những cuộc tuyển quân và những hoạt động kêu gọi sự quyên góp tài chính ủng hộ công cuộc  chiến đấu. Hoàn cảnh lúc đó là một thực tế mà người dân chúng ta chưa gặp phải bao giờ, mọi người còn tỏ ra lúng túng nói gì đến những lời khách sáo. Quần chúng thường bao giờ cũng tốt và dễ chấp nhận, cho nên cần để mọi người được thoải mái và cũng cần tránh sự không thành thật.

Chính quyền từng lấy lý do cho việc không nói những mặt xấu là để giữ uy tín cho các nhà chức trách, cũng như các vị ở vị thế người đại diện. Hoặc, họ bảo, một số tờ báo tiếng Pháp không được người dân An Nam tìm đọc! Xin thưa, điều này hoàn toàn ngược lại. Báo tiếng Pháp được tất cả những người quan tâm đến các vấn đề chính trị tìm đến. Họ đọc, bình luận và nhiều khi còn truyền đạt lại cho những người không hiểu hết vì kém tiếng Pháp. Một bộ phận trong số các độc giả này còn tìm đọc cả các tờ báo tiếng Hoa, mà ở đó tính tranh luận còn mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Những người cầm quyền trong Chính phủ bảo hộ còn không biết chính chúng ta là một bộ phận của thế giới Trung Hoa. Những điều đang sảy ra hiện nay, đều được đề cập trên các báo Tầu và lan ảnh hưởng sang bên nước ta, bởi lẽ các Nhà Nho không hề biến khỏi đất nước này, bất chấp cả việc ở An Nam đã hủy bỏ nền giáo dục tiếng Hán. Ảnh hưởng của Trung Hoa nằm trong phạm trù văn hóa, tư tưởng. Nó chỉ biến mất nếu có một ngày ở đất nước này, tư tưởng và văn hóa tiến bộ Pháp thật sự có được ảnh hưởng. Một nền văn hóa chỉ có thể tạo ra ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực nếu nó được thể hiện ở mọi khía cạnh của giá trị có thật của nó.   

Trong một giai đoạn dài dưới sự đô hộ của Phong kiến Trung Hoa ở nước ta, không hề có sự đàn áp nào trong lĩnh vực tư tưởng, hay sự hạn chế nào về tự do viết lách. Chỉ sảy ra những sự việc đơn lẻ trong lĩnh vực chuyển giao những phương thức sản xuất hoặc công nghệ sản xuất. Ngược lại, những người An Nam, khi tiếp thu được đầy đủ những phương thức sản xuất, họ cũng được vinh quang và đối xử ngang hàng. Nhưng người Pháp?! Họ đã bảo với chúng tôi rằng: Các vị vẫn là dân An Nam, các vị chỉ được trở thành người Pháp trong phạm vi mà chúng tôi cho phép, điều này để đảm bảo sự thuận lợi trong hoạt động của chúng tôi trên đất nước này!

Với cách bộc lộ hạn chế này, đương nhiên, người An Nam sẽ thích ngả về xu hướng theo người Trung Hoa hơn. Mặc nhiên, họ đã theo sát những diễn biến tư tưởng, dù xấu hay tốt được phát động bên Trung Hoa trước tác động, ảnh hưởng của tư tưởng Âu Châu. Trong khi đó, sự có mặt của người Pháp trên đất nước này, đáng lý có thể làm cho chúng tôi trở nên độc lập hơn trước những ảnh hưởng pha tạp của nước Trung Hoa.

Việc không tạo dựng được cho giới báo chí quyền tự do thích hợp trong bối cảnh xã hội chính trị của đất nước này, nhân dân chúng tôi đã biến cái công cụ lai căng này thành một thứ đồ chơi. Một nửa dành cho đám trẻ em lớn tuổi, một nửa biến thành công cụ đả kích những đối tượng mà nhà chức trách muốn quay lưng để họ trở thành mối thù của mình. Phải công bằng mà nhìn nhận, báo chí An Nam đã nhiều lúc phản ánh được nguyện vọng của người dân bản xứ, những nguyện vọng đôi khi nó vô thưởng, vô phạt, thậm chí không cần phải tranh cãi hay bình luận.

Nói vậy, vì không nhất thiết mọi ý nguyện đều phải là của nhân dân An Nam. Những cơ quan công quyền chỉ chú ý đến họ khi thấy bất ngờ sự việc đập vào mắt mình. Ở một mặt khác, họ bỏ qua nó và không phản ứng gì vì họ không cho phép được tranh luận. Họ từ chối hay gạt bỏ, đôi khi cũng vì nó không gây ra sự tranh cãi có thể làm phương hại đến những nhân vật có chức sắc trong hệ thống công quyền mà uy tín của những người này rất quan trọng đối với Chính phủ Bảo hộ.

Nhà cầm quyền còn vin cớ, coi là nguyên do phải có những hạn chế đó vì những người làm báo của chúng ta mới hành nghề, không đủ hiểu biết những nguyên tắc và điều luật cũng như tác dụng của báo chí. Cho nên, vì lợi ích của chính họ, họ phải giám sát gay gắt, tránh để họ bị rơi vào những tình huống bất lợi. Chính quyền này đã suy nghĩ như thế. Họ cho rằng, phải ngăn chặn những phạm pháp có thể trong nghành báo, hơn là lại phải xử nhau tại tòa án. Tôi nhận thức rằng như vậy thật không đúng. Bởi lẽ, trong khi đang tranh cãi về một thể chế theo quan điểm của người Pháp, chúng tôi cần phải hiểu mọi luật lệ cũng như giá trị do nó đem lại. Không thể, nếu không biết thì đơn giản là không cho sử dụng!

Với một chế độ rao giảng là sẽ che chở cho nghành phát hành báo chí, qua đó đã thu hút không ít người lao vào hoạt động báo chí bằng tiếng bản xứ. Trong số này, có cả một số lượng lớn những người không tìm được bất kỳ một vai trò nào trong xã hội, và lại kiếm được những vị trí đứng làm trọng tài thay mặt lực lượng công quyền. Thực chất họ chỉ là những kẻ bị thất bại trong các lĩnh vực làm ăn trước đó mà thôi.

Có nhiều người trong số họ, đã tự tôn mình lên vị trí của những kẻ truyền bá, trong khi, chính bản thân họ cũng không biết để dạy cho người khác, thì phải dạy cái gì?! Thực chất, họ nên đi học trước khi ngồi vào vị trí của kẻ dạy mọi người.

Việc xin cấp giấy phép đòi hỏi phải được xin trước. Tuy nhiên, giấy phép nhiều khi họ cấp cho người này...nhưng người kia lại bị từ chối sau khi họ nhìn vào kết quả điều tra của cảnh sát, và khả năng thanh toán nếu phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến sự chân thực. Khái niệm này rất mênh mông, nhiều khi như một sự ưu tiên với kẻ này, nhưng người hội đủ điều kiện và những đức tính cần thiết đúng như trong các quy định thì lại bị từ chối.

Bài sau, chúng tôi xin nêu những hậu quả có thực qua bộ luật của nước Pháp về tự do báo chí, chứ không phải là công lao và sự chú tâm của ngài Toàn quyền Đông Dương Rô Bin. 

Người dịch: Nguyễn Kỳ.
__________________________________________
Ghi chú: (*) Ngày 23.7.1934, Eugène Jean Louis René Robin thay cho vị trí của Quan Toàn quyền Pierre Marie Antoine Pasquier  về Pháp lần thứ hai. Tuy nhiên Robin chỉ được gọi là lâm thời thay vì là Quan Toàn quyền. Sự phá sản và cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh ngày 2.5.1936 nằm trong suốt giai đoạn tồn tại nhiệm kỳ của Jean Louis René Robin.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More