Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Hà Sĩ Phu: Chia tay ý thức hệ - Phần kết

Hà Sĩ Phu
Lòng yêu nước và khát vọng tự do hạnh phúc đã đưa nước ta vào quỹ đạo Cộng sản với sự trả giá khá đắt. Nhưng trí tuệ nhân loại, cùng với thực tiễn xã hội hôm nay lại chứng minh rằng con đường đã giúp ta đổi xương máu lấy Độc Lập ấy không có khả năng đưa ta tới đích cuối cùng vì đó chỉ là một ngõ cụt, những người bạn đi trước trên con đường ấy đều đã quay trở lại. Điều này không ai mong muốn, song đã là sự thật. Do bản chất nhạy bén, nên thực tình thì chúng ta đã quay về với con đường chung của thế giới rồi, cái ngõ cụt kia đang lùi lại dần phí sau như một kỷ niệm không thể nào quên của thời ấu trĩ.

Đáng lẽ phải bộc lộ thẳng thắn với nhau về sự thật ấy, để có thể quên đi phần quá khứ thù hận, tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm đã qua, tập hợp lại mọi "vốn liếng" của Dân tộc, cùng nhau hợp sức làm lại sự nghiệp của đất nước trong sự bao dung, hỗ trợ của bè bạn năm châu. Chỉ có sự chân thành như thế mới gây được khí thế hồ hởi và lòng tin cậy lẫn nhau, chỉ có sức mạnh tinh thần ấy mới chấp cánh cho những sức mạnh vật chất, để đưa Dân tộc tới một tương lai sáng lạn, một tương lai đã hiện ra trong tầm mắt. Song hy vọng ấy chỉ lóe sáng trong khoảnh khắc, rồi cả Dân tộc đã sa vào cách đổi mới như hiện nay.

Tại sao một sự lựa chọn tưởng có thể đơn giản mà cuối cùng lại không đơn giản? 

Vì chủ nghĩa Cộng sản đi qua loài người đã để lại trên những quốc gia cộng sản ba hậu quả:

- Một nền sản xuất và kinh tế trì trệ, phi quy luật.

- Một bộ máy chuyên chế khổng lồ.

- Một hệ tư tưởng và văn hóa lạc hậu, giả tạo, phục vụ cho nền sản xuất và bộ máy kể trên. 

Trong ba yếu tố ấy, thì yếu tố thứ hai mới là yếu tố có vai trò quyết định khả năng chuyển hóa đất nước trong hòa bình.

Bộ máy này có mặt ƯU và mặt NHƯỢC rất đặc trưng. ƯU ở chỗ: bộ máy ấy trưởng thành từ phong trào giải phóng dân tộc dầy dạn kinh nghiệm, có khả năng quy tụ và vận động quần chúng đông đảo, nhất là nhân dân lao động, đây là năng lực quý giá mà một lực lượng cầm quyền không dễ gì có được, không phải ngẫu nhiên mà có được. Ưu điểm này nếu được phát huy sẽ thành nhân tố rất thuận lợi cho sự đổi mới đất nước một cách trong sáng và ổn định, bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa ảo tưởng để chọn mục tiêu thiết thực "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh" . Người tiền phong trong việc cứu nước sẽ lại có khả năng tiền phong trong công cuộc đổi mới.

NHƯỢC ở chỗ: đây là pháo đài của ý thức hệ chuyên chính vô sản, một kiểu Đức trị phong kiến chuyên chế nhiều đặc quyền đặc lợi, nặng tính duy lợi và duy tín hơn là duy lý, nặng đầu óc phân biệt, kỳ thị với trí thức và dân chủ. Nhược điểm này bấy lâu vẫn thường xuyên tha hóa đội ngũ tiền phong kia, và khi gặp cơ hội nó có thể biến bộ máy ấy thành trở ngại khổng lồ, rất khó khắc phục đối với công cuộc đổi mới.

Những năm 1986-1988 là thời gian tranh chấp giữa hai khả năng ấy.

Nhưng không may cho dân tộc chúng ta, tình hình diễn biến phức tạp ở một số nước trong khối Liên Sô cũ và Đông Ấu, ở Trung Quốc cuối những năm 80 đã tác động bất lợi đến Việt Nam.

Tình hình ấy đã kích động bản năng tự vệ của tầng lớp lãnh đạo, làm cho cán cân nghiêng về mặt tiêu cực và cướp mất của Dân tộc chúng ta cái cơ hội nghìn năm có một, để đổi mới đất nước trong tinh thần cởi mở, trong sáng và hòa hợp, hòa giải. Để hôm nay lại phải khó nhọc từng bước tìm kiếm lại tinh thần trong sáng ấy. Những người Cộng sản còn nặng lòng với Dân tộc đã dần dần nhận ra rằng muốn tiếp tục sống có lương tâm không thể không phân biệt mình với thế lực không trong sáng kia.

Đã lỡ mất một cơ hội lịch sử để Đảng của một giai cấp cực đoan có thể thăng hoa, hóa thân trở về thành một Đảng có tính chất Dân tộc Dân chủ, thế là Đảng ấy lại trở về với quy luật ích kỷ muôn thuở: hòa nhập với thế giới nhưng không muốn mất đặc quyền đặc lợi, nên bộ máy ấy đã chủ động thay đổi yếu tố thứ nhất (tức nền kinh tế), đồng thời cố duy trì yếu tố thứ ba (tức những nguyên tắc chính trị tư tưởng của Chủ nghĩa), dùng cả hai yếu tố ấy phục vụ cho mình. Từ đấy hình thành phương án "Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa". Và chỉ cần thế thôi là tự nhiên phải áp dụng một chính sách hai mặt, tự nhiên không thể cởi mở thẳng thắn với nhau, nói gì cũng cứ ngọng nghịu! Thay vì chân thành, cởi mở và tin cậy lẫn nhau, lại phải tiếp tục nói dối, lại phải tiếp tục đối phó với nhau! Tham nhũng như rươi nhưng cứ chạy quanh trong một trận đồ bùng nhùng hai mặt, và phát triển thành một quốc nạn bất trị.

Tham vọng ấy không có gì lạ và bài bản ấy cũng chỉ là cái lôgíc thông thường của cuộc đấu tranh sinh tồn tầm thường. Đáng lẽ cái cơ hội thăng hoa kia đã có thể kéo Dân trí, "Đảng trí" lên một bậc (Đảng với tinh thần Dân tộc, Dân chủ!) để làm nền cho sự cất cánh; thì nay ngược lại, Dân tộc đang phải làm cái việc gây dựng lại Dân trí, "Đảng trí" từng chút một, để tựa vào đó mà vực tình hình lên.

Nhưng nay không còn con đường nào khác. Bởi chỉ những vận hội bắt nguồn từ sự phát triển của Dân trí mới là vận hội thực của Dân tộc. Kẻ cơ hội một mặt cố tình "câu giờ", trì hoãn việc đổi mới khi họ chưa thu xếp xong mưu kế, một mặt lại muốn tranh thủ tạo ra những "vận hội" càng nhanh càng tốt, trong khi Dân trí chưa kịp phát triển để cản trở cách "đổi mới" rất nhanh của họ. Trạng thái giao thời này là thời điểm lý tưởng để tranh thủ "làm ăn" kiếm lợi nên được rất nhiều người (cả bên trong lẫn bên ngoài) ưa thích cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Khi những người tử tế tỉnh ngộ ra thì "ván đã đóng thuyền"!

Dân tộc lại một lần nữa đứng trước nhu cầu: khai Dân Trí, chấn Dân Khí, hậu Dân Sinh (hậu là bồi đắp) như khẩu hiệu mà nhà ái quốc Phan Chu Trinh hô hào thuở trước. Vẫn phải giải lại bài toán ngày xưa, nhưng với những thông số mới hôm nay.

Lời hô hào về "một cuộc kháng chiến mới" (theo cách nói của người Cộng sản lão thành Nguyễn khắc Viện) cũng là một lời "khai Dân trí, chấn Dân khí" đầy tính văn hóa vậy.

Đây là cuộc đấu tranh nội bộ của Dân tộc, không phải chuyện "địch, ta". Không ai có thể làm thay. Quyền phán xử cuối cùng thuộc về nội bộ Dân tộc.

Đây là cuộc diễn biến hòa bình đầy tính văn hóa. Không có sự được thua "một mất một còn". Cái mới phải thắng, nhưng tất cả những giá trị chân chính cứ phải được bảo tồn, tất cả những dự định chân chính đã có vẫn được tiếp tục. Lỗi lầm cũ còn được tha thứ thì công lao cũ sao lại cần phải phủ định? Không một xáo động bạo hành nào được phép xảy ra. Xã hội vẫn hòa bình mà đi lên, tất nhiên cần điều chỉnh rất nhiều nhưng không cần có bước lùi nào cả.

Song sự đấu tranh có tính chất ôn hòa và văn hóa ấy không thể đồng nghĩa với "sự ổn định" giả tạo một chiều hiện nay. Thái độ lãng tránh trách nhiệm công dân, thái độ ngậm miệng ăn tiền sao có thể coi là văn hóa được? (Không đấu tranh "tới nơi" thì chẳng cái gì có thể nhúc nhích!). "Im lặng nuôi dưỡng sự Áp bức", câu nói ấy của nhà Văn hóa, cựu Tổng thống Pháp F. Mitterrand thật đáng cho ta suy nghĩ. Tôi nghĩ nếu ai hù dọa chúng ta rằng đấu tranh cho Dân chủ tất yếu dẫn đến bạo loạn, quy những cuộc chém giết dã man trên thế giới là do tinh thần Dân chủ đa nguyên thì chẳng những không hiểu biết gì, mà còn là tiếp tay cho những luận điệu phản động, không muốn cho dân ta mở mày mở mặt, chỉ muốn duy trì một Nhân dân ngoan ngoãn để dễ bề sử dụng. Nếu thích tìm "địch" thì hãy tìm "địch" ở đấy!

Cái cũ chuyên chế, chật hẹp nên buộc phải phủ định những cái khác với mình để tồn tại. Chỉ cái mới, cái đa nguyên pháp trị, phi ý thức hệ, mới có khả năng bao dung. Nếu quy luật tiến hóa là "Ít thì ổn, nhiều thì loạn" thì nhân loại làm gì có nền văn minh hôm nay? Chỉ có đấu tranh hòa bình để đạt tới sự phát triển lành mạnh mới là sự ổn định thực, ổn định "biện chứng". Dùng bạo lực của Chuyên chính để giữ ổn định thì sự ổn định ấy chẳng những không lành mạnh mà còn là ổn định giả, mâu thuẫn không được khơi thông, cứ tích lũy sẽ sinh bạo loạn.

Đây là cuộc đấu tranh công khai. Chẳng những rất công khai mà còn phải lấy CÔNG KHAI làm nguyên tắc, làm "luật chơi". Trước hết phải đấu tranh cho tính CÔNG KHAI, lên án mọi sự "dấm dúi". Bóng tối chỉ có lợi cho cái Ác. Khi Đảng đã tự nhận lấy trách nhiệm là người lãnh đạo cả xã hội và ghi vào hiến pháp thì mọi việc của Đảng đều ảnh hưởng đến xã hội, sao còn là việc nội bộ của Đảng được? Không thực hiện được tính CÔNG KHAI, thì mọi phương án đổi mới để dân chủ hóa và pháp trị hóa xã hội chỉ là chuyện để nói cho vui.

Một mặt phải đấu tranh trong khuôn khổ luật pháp, bảo vệ phần luật tiến bộ. Một mặt phải đấu tranh để cải thiện chính luật pháp. Có vậy luật pháp mới không mâu thuẫn với phát triển, nhất là khi một nền luật pháp còn ở giai đoạn đang hình thành.

* * *

Từ ngày có công cuộc đổi mới, về Kinh tế chúng ta đã có nhiều bước tiến rất đáng kể, cũng không ít những thành quả rất đáng vui mừng.

Nhưng tất cả những điều tôi đã trình bày chắc cũng có thể nói lên phần nào tính chất rất phức tạp của tình hình, không đơn giản như cái vẻ bên ngoài của nó.

Nếu không vì một khát vọng có tính Văn hóa cao thì những người dân Việt quả thực đã có thể cho phép mình tạm nghỉ ngơi đôi chút để lo cho mình, mà chẳng cần mệt óc nghĩ điều nọ điều kia làm gì, để làm phiền lòng những cấp lãnh đạo!

Một khát vọng mang tính Văn hóa! Ầy là khát vọng muốn nhân vận hội này mà đưa Dân tộc ta bứt lên, bứt lên không chỉ để nâng cao một chỉ số GDP, không phải chỉ để cải thiện đời sống, không phải chỉ để hòa nhập được vào thế giới, không phải chỉ nhằm được "hóa rồng", mà để Dân tộc ấy tự cải tạo, rũ bỏ những khuyết tật để nâng mình lên một tầm vóc văn minh thật sự (chứ không phải cái tầm vóc hào nhoáng mà ta vẫn tự phong), lên một tầm vóc mà tiềm năng của Dân tộc cho phép và sự nhọc nhằn của Dân tộc đáng được đền bù!

Cách đi của nước ta hiện nay mâu thuẫn với khát vọng Nhân văn ấy, nên không tạo được nền tảng Văn hóa vững chắc cho sự phát triển Kinh tế lành mạnh, xây dựng một nền Dân chủ pháp trị, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước như ta mong muốn.

Khi ta nắm toàn bộ quyền lực trong tay, ta có thể cứ làm Dân chủ giả mà chẳng ai làm gì được, chẳng ai cãi nổi miệng ta, mà khối người còn phụ họa và ca ngợi. Nhưng trời đất công bằng ở chỗ: nếu không thành tâm thì không thu phục được lòng người, nhất là những người tiên tiến, nên không thể có sức mạnh cội nguồn, và trước sau gì Dân tộc cũng bắt ta quay trở lại, trả cái món nợ mà Dân tộc đã "tạm ứng" cho ta hoặc ta đã khôn ngoan chiếm đoạt. Ta có thoát được đời mình thì con cháu mình lại phải trả nợ cho mình, làm sao quịt được nợ Dân tộc? . Khốn nỗi, chung quy người bị tổn thất vẫn là Dân tộc, nên mới phải cùng nhau ngăn chặn để sự trừng phạt ấy đừng phải xảy ra.

Trái lại, nếu có một đường lối đổi mới quang minh chính đại, xuất phát từ nhãn quan Văn hóa và cách giải quyết có tính Văn hóa, lấy CÔNG KHAI làm nguyên tắc, ai có ý kiến xuôi ngược gì đều được nói cho mọi người cùng nghe, vận mệnh Dân tộc để cho toàn dân thực sự định đoạt, thì chẳng có sự xáo trộn tàn bạo nào có thể xảy ra, tất cả những thành tựu đã có đều được bảo toàn, tất cả những dự định chính đáng đều được tiếp tục, và một niềm hạnh phúc vô giá sẽ được chia cho tất cả mọi người là cái không khí thanh bình, sung sướng được nhìn vào mắt nhau chứa chan tin cậy, hưởng thụ mọi tiện nghi trong sự kiêu hãnh làm người. Điều ấy mười bộ máy tuyên truyền khổng lồ của ta hiện nay cộng với trăm tỷ đô la viện trợ cũng không làm được!

Một nền Chính trị có Văn hóa, một mặt có thể căn cứ vào trình độ quần chúng quảng đại để hoạch định những chính sách trước mắt thích ứng với số đông, nhưng mặt khác không được lấy tình trạng Văn hóa thấp ấy làm giới hạn hoặc lợi dụng nó, trái lại phải tìm cách thỏa mãn những nhu cầu có tính VẮN HÓA và NHẤN QUYỀN của cái thiểu số đã ở tầm DẤN TRÍ cao hơn. Chính sự trân trọng thiểu số ấy sẽ đảm bảo sự công bằng cho số đông và nâng dần Dân tộc lên, mà không cần đem người này làm tiêu chuẩn tức khắc để gò người kia. Nếu cuộc đấu tranh giành cơm áo lấy chủ lực ở số đông lớp dưới, thì cuộc đấu tranh vì Văn hóa lấy chủ lực ở những thiểu số ở tầng Văn hóa trên cũng là thuận lẽ tự nhiên. 

Bằng cách ấy, những nhu cầu cao sẽ được thực hiện dần dần, có sự dung hòa giữa khả năng và hiện thực, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, dung hòa giữa những khối người có trình độ và nhu cầu rất chênh lệch nhau trong xã hội. Một tinh thần "đa nguyên" rộng rãi như vậy may ra có thể mở lối thoát cho tất cả mọi người.

Trong đấu tranh nội bộ, nhiều khi ta có khả năng sửa lỗi, nhưng khi có cái bình phong bên cạnh thì cái lỗi cứ nấp vào đấy. Trong trường hợp này, giúp nhau sửa đổi không gì bằng cất hộ nhau cái bình phong ấy đi! 

Càng suy nghĩ về nội dung cũng như về hiện tình của Ý thức hệ Mácxít, tôi càng thấy rõ đây là một Ý THỨC HỆ PHONG KIẾN TRÁ HÌNH của triều đại phong kiến cuối cùng, đang kìm hãm sự tiến bộ xã hội, và được dùng làm BÌNH PHONG cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp. Ít ai có ý nghĩ muốn phá cái bình phong ấy đi, trái lại ứng xử theo kiểu: "Cứ để nó đấy, anh nấp tôi cũng nấp, chúng ta hiểu nhau cả mà! Sống thời nào ta theo thời ấy, gặp thời Mác-Lê thì ta làm luận văn Tiến sĩ về Mác-Lê mà sống, cãi nó làm gì? Đấy là khí quyết của môn phái "hiệp khí đạo" đấy!...".

Hình như "cứ để nó đấy" cũng chẳng chết ai thật, nhưng sao tôi cảm thấy một cái gì khốn nạn quá, không chịu nổi, nên cứ phải nói ra! Sao lại không chết ai? Khối kẻ đã chết theo nghĩa đen, khối kẻ đang sống dỡ chết dỡ vì cái bình phong ấy, và cả một Dân tộc đang chết theo nghĩa CHẾT chân chính của CON NGƯỜI, chứ sao không chết? ...

Ở những nước khác, thì chắc một cái bình phong không bao giờ lại đáng quan tâm đến thế! Nhưng Việt Nam thì khác, bình phong là tất cả, vì Việt Nam là THỦ ĐÔ của ngụy biện!

Ngụy biện trước hết là cái bình phong để mình không phải đối diện với Lương tâm và Trí tuệ của mình! Thế là mình thảnh thơi, muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, tha hồ truồi như trạch như lươn, thời nào cũng sống được. "Đổi mới, đổi cũ" thế nào mình vẫn kiếm lãi.

Đó là thủ thuật để không bao giờ phải trực diện đương đầu với cái Ác, cũng như không bao giờ phải trực tiếp đối phó với cái Thiện!

Đó là tấm khăn của nhà ảo thuật, khi tấm khăn được mở ra thì không đã thành có, có đã thành không rồi! Mắt trông thấy rành rành vậy mà không phải vậy!

Đấy là Võ Việt Nam, cũng là Xiếc Việt Nam! - Xin các Võ sĩ và các Nghệ sĩ Xiếc thứ lỗi cho tôi được mượn từ ngữ cao quý của các bạn . "Quy luật" ư? "tư tưởng" ư? "Chính thống" ư? "Chuẩn" gì đã đến nước này cũng phải Du kích hóa! Ầy là cái "bất biến" Việt Nam để ứng xử với "vạn biến" trên đời!

Người ta sống bằng Ngụy biện, lập nghiệp bằng ngụy biện, giết nhau cũng bằng Ngụy biện!... Vượt vạn trùng vây, bách chiến bách thắng mà trong tay chỉ một chiếc bình phong biến hóa.

Người ta thường nghĩ một cách đơn giản rằng thời buổi kinh tế này thì mất công đấu tranh tư tưởng làm gì, bởi không biết cái bình phong ấy, với tất cả thiết chế và hệ lụy của nó, hàng ngày ngốn của nhân dân bao nhiêu tiền! Ít người hiểu được rằng để có một ngày "ổn định" theo phương án hiện nay, ngân quỹ phải chi bao nhiêu tiền để kê cho bằng những chỗ khập khiễng, bao nhiêu vai gầy của người dân phải ghé vào để cho tòa lâu đài bị sụt móng kia có thể gượng đứng thẳng bình thường mà tiếp đón khách thập phương! Nhưng những phí tổn ấy không thấm vào đâu so với sự trả giá cho những băng hoại về văn hóa đang diễn ra hàng ngày, sau tấm bình phong đó.

Muốn biết cái bình phong quan trọng nhường nào thì cứ thử giật bỏ nó đi mà xem, người ta sẽ lăn xả vào ôm ghì lấy nó để bảo vệ hơn cả bảo vệ người thân. Và nếu giật bỏ được thì cả cõi Việt Nam này bừng sáng! Vì chỉ từ đó mọi việc mới có thể bắt đầu một cách trong sáng, mọi sự vật mới mang ý nghĩa thật của nó!

* * *

Học thuyết Mác-Lê tuy không dùng được vào việc xây dựng xã hội văn minh ngày nay, và tuy đã gây cho nước ta những tổn thất không phải không đau đớn, nhưng cũng đã có công giúp chúng ta huy động sức mạnh Dân tộc làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thay đổi vị trí nước ta trên bản đồ thế giới, đã từng cùng với nhân dân ta có những ngày sống đẹp, và về một mặt nào đấy cũng góp phần cho con người Việt Nam trưởng thành.
Hãy có cách hành xử trượng phu để Chủ nghĩa ấy được từ biệt nhân dân ta một cách công khai, chia tay trong tình nghĩa. Chủ nghĩa ấy đã phải vào bằng con đường bí mật, nay đất nước ta đã có độc lập, nên tiễn Chủ nghĩa ấy ra đi bằng cửa trước. Hãy để cho Chủ nghĩa ấy được ra đi thanh thản! Nếu ở giai đoạn cuối cùng này, vì tham chút lợi riêng mà bắt Chủ nghĩa ấy phải đóng nốt vai trò của cái bình phong, che đậy những điều khuất tất để gây thêm ác cảm cho những thế hệ Việt Nam sau này, thì chẳng hóa ra chúng ta định lấy oán trả ân cho Mác sao? Việt Nam ta sành chơi bình phong, học thuyết nào đến đây cũng không thoát được, nhưng thôi, với Mác, nên tha cho Mác! 

Tôi đã liều lĩnh vượt qua cái trở ngại quá lớn là trình độ thô thiển của mình mà giải bày chút nhận thức nông cạn, cũng chỉ cốt để được thu nhận sự chỉ bảo của bạn đọc kính mến.

"ĐỒI MỚI" là gì? Nếu không phải là cả một DẤN TỘC thức tỉnh, tự vượt qua mình mà đi lên!


Đà lạt, Ngày 19-8-1995
HÀ SĨ PHU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More