Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Hà Sĩ Phu: Chia tay ý thức hệ - Phần 3

Hà Sĩ Phu
Lịch sử đang đặt Việt Nam trước một bước nhảy. Không phải nhảy vọt kiểu cách mạng, nhưng cần một bước nhảy khoa học, dũng cảm và khôn khéo. Cũng như người đi đường, có lúc phải nhảy, nếu không thì không vượt qua được chướng ngại và bùn nhơ. Nhưng muốn có bước nhảy chính xác cần biết rõ mình đang đứng ở đâu và phải hướng tới đâu, bị bịt mắt thì chỉ còn cách để cho người khác dắt đi đâu thì dắt chứ nhảy sao được.

Phần trên, tôi đã trình bày cơ sở nhận thức để kết luận rằng:

Thực chất, Việt Nam là một nước đang chọn nhầm phải con đường "xã hội chủ nghĩa" đầy tính phong kiến và ảo tưởng, đã trót tách khỏi thế giới thông thường từ khi mình còn là một nước phong kiến lạc hậu, nay đã đến lúc buộc phải từ bỏ con đường ấy để trở về hội nhập với nền văn minh nhân loại, giữa lúc kỷ nguyên Văn Minh Tin Học đã bắt đầu! Đã xuất phát chậm, lại bỏ phí mất nửa thế kỷ, nên việc đổi mới tất nhiên phải khẩn trương để khỏi bị tụt hậu quá xa.

Từ nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch hóa, phải chuyển về kinh tế thị trường. Từ xu hướng công hữu, tập thể hóa, phải chuyển về sở hữu đa dạng, trong đó tư hữu là chính. Từ nền Chuyên Chính Vô Sản, và thực chất là biến tướng của Đức Trị Phong Kiến Chuyên Chế phải chuyển dần thành một nền Pháp Trị Dân Chủ Đa Nguyên. Từ quan hệ quốc tế "hai phe thù địch" (trong đó quan hệ nội bộ phe Xã Hội Chủ Nghĩa thì theo nền nếp một đại gia đình đức trị, bao cấp và gia trưởng) chuyển sang "một quan hệ toàn cầu, đa phương, biến động", tự do nhưng trong luật quốc tế văn minh, bình đẳng nhưng trong quy luật cạnh tranh sinh tồn khắc nghiệt, bác ái trong việc cùng nhau chia xẻ thành quả của văn minh, nhưng đồng thời chia xẻ trách nhiệm gìn giữ môi trường sống, cùng nhau ngăn chận và khắc phục tai họa và dã man. Từ một xã hội Thần Dân với uy lực tỏa xuống của một ý thức hệ với tư tưởng, nghị quyết, và phân loại công dân để đối xử... phải chuyển thành một xã hội Công Dân Bình Đẳng, lấy luật pháp, dân quyền và nhân quyền làm nguyên tắc đối xử, và vận dụng quyền lực nhân dân từ dưới lên để khống chế và lành mạnh hóa quyền lực thống trị. Từ một quân đội, một bộ máy hành pháp của "Chế độ", của "Triều đình" phải chuyển thành một quân đội, một bộ máy thực sự của "Quốc Gia và Luật Pháp". Phù hợp với thiết chế căn bản ấy, thì một nền giáo dục, văn nghệ nói riêng và nền văn hóa nói chung cũng sẽ phải thay đổi một cách căn bản.

Tóm lại, lịch sử dân tộc đang đòi hỏi một cuộc "Đổi Mới" sâu sắc và toàn diện, một sự tự "Lột Xác", một sự quay ngược các tấm biển chỉ đường, như vậy dĩ nhiên không phải để đi tiếp một bước xa hơn trên quỹ đạo Bác Hồ đã chọn, mà để trở về thành một quốc gia lành mạnh và tiến bộ. Cái Cũ, tức cái chủ nghĩa xã hội, là mô hình do Đảng cộng sản chủ trương, cái Mới là đòi hỏi của Dân Tộc và của Thời Đại. Hai cái Cũ và Mới đó mâu thuẫn nhau một cách toàn diện, trong đó cơ bản nhất là mâu thuẫn giữa vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản với tính chất Dân Chủ Đa Nguyên của Xã Hội Mới. Chẳng ai tin rằng một Đảng Cộng sản đang nắm mọi quyền lực trong tay tự nhiên lại "khởi xướng" một cuộc Đổi Mới như thế! Trái lại, nếu Đảng ấy chống lại sự đổi mới này thì cũng là điều dễ hiểu, bởi chính Mác-Lê vẫn nhắc mọi người rằng không ai lại tự nguyện rời bỏ địa vị thống trị của mình. 

Dẫu chúng ta yêu mến nhau đến đâu cũng không được che dấu quy luật muôn đời ấy. Nếu thực sự để quyền lợi dân tộc lên trên, chúng ta hãy thẳng thắn đặt ngửa vấn đề ấy trên bàn, ai đuối lý hãy tự rút lui (nhưng chữ "nếu" này quá khó đối với người đang cầm quyền)! Quy luật muôn đời cũng như thực tiễn rành rành trước mắt đều thống nhất chứng minh một điều là: Trước yêu cầu bất khả kháng của quy luật, Đảng ta bị buộc phải đổi mới, song lại đối phó bằng cách vẫn trở về với quy luật chung nhưng theo một phương án có lợi nhất cho mình và cự tuyệt mọi phương án khác! Đảng ta "khởi xướng" là khởi xướng cái phương án riêng ấy của mình, rồi ép Dân Tộc phải lấy cái riêng ấy làm cái chung! Giữa cái riêng ấy và cái chung có rất nhiều điểm giống nhau, nhất là biểu hiện bên ngoài, nhưng lại có nhiều điểm khác nhau rất căn bản. Vì thế trước cùng một thực tiễn Việt Nam mấy năm qua mà người thì vui vì đã có rất nhiều đổi mới, người thì thất vọng vì có điều căn bản vẫn chẳng thay đổi gì!

Nếu có một con đường công tư lưỡng lợi, trong đó cái chung cũng là cái riêng, cái riêng cũng là cái chung (như ta vẫn thường nghe) thì ai chẳng tán thành, còn mong gì hơn? Nhưng đơn giản vậy thì lịch sử sẽ chỉ còn là một trò đùa. Vấn đề phải đặt ra là: Nếu người lãnh đạo được tự do thực hiện phương án của mình thì đất nước và nhân dân sẽ phải trả giá ra sao? Sự trả giá của một dân tộc trước lịch sử chỉ có thể được nhận ra nếu có một tầm nhìn ít ra là vài thập kỷ. Nhưng khi người thiển cận đã nhìn ra sự thật thì đoạn lịch sử ấy đã xong rồi. Khoảng thời gian chênh lệch này đủ để kẻ cơ hội làm xong một sự nghiệp, và cũng đủ để Dân Tộc tan vỡ một sự nghiệp! Tình huống ấy làm bật ra tầm quan trọng của một cuộc đấu tranh không thể trì hoãn trong nội bộ dân tộc về nhận thức. Người và Dân tộc ắt muốn phơi bày tất cả nhận thức xuôi ngược lên bàn để cùng nhau sàng lọc. Kẻ giả danh Dân Tộc ắt cấm không cho ai nói khác mình, chỉ có mình được độc quyền dẫn dắt nhận thức của xã hội.
Trở Ngại Trong Việc Nhận Thức Thời Đại:
Nội dung của Thời Đại Mới là vấn đề đã được đề cập nhiều lần, ngay cả trong bài viết này, nên về mặt lý luận chung thiết tưởng không cần nhắc lại. 

Thời Đại Mới là cái đang bày ra trước mắt, lại là cái của toàn thế giới, mà là Thế Giới Tin Học, thì khó che dấu được. Ngoài tài liệu lý luận cơ bản, người ta có thể đọc nhiều tài liệu tham khảo, chẳng hạn như ba cuốn sách đã dịch của nhà Tương Lai Học An-vin Tô-flơ (Làn Sóng Thứ 3: Cú Sóc Tương Lai - Thăng Trầm Quyền Lực). Nhưng việc nhận thức về Thời Đại Mới vẫn cứ gặp trở ngại, bởi có Ngụy Biện.

Về nội dung của Thời Đại Mới, tại thời điểm này có lẽ Ngụy Biện chủ yếu chỉ còn nằm trong vấn đề Dân Chủ Đa Nguyên. Lúc đầu các nhà lý luận Mác xít phản đối Đa Nguyên một cách tuyệt đối: về nguyên tắc đã Đa Nguyên là Dân Chủ Tư Sản, tức là phản động! Nhưng nói thế mãi xem chừng khó xuôi bèn chuyển sang mềm dẻo hơn: "Về nguyên tắc, Cộng Sản và Đa Nguyên Đa Đảng không loại trừ nhau. Liên Xô trước đây, Việt Nam trước đây đã từng Đa Đảng".

Nhưng đây mới là luận điểm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xin trích: "Trong điều kiện Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai, không có sự cần thiết khách quan nào để tạo dựng nên các đảng phái chính trị đối lập. Một chế độ dân chủ chân chính không phải được quyết định ở chỗ có một đảng hay nhiều đảng. Vấn đề là ở chỗ nền dân chủ đó hình thức hay có thực chất, dân chủ cho một thiểu số hay cho đa số nhân dân. Nắm vững chân lý sơ đẳng này có ý nghĩa nguyên tắc để không bị tuyên truyền về dân chủ tư sản mê hoặc và lừa mị chúng ta." (Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Tạp Chí Cộng Sản, số 2/1990, trang 7).

Bất cứ người Việt Nam nào kể cả trí thức, nếu đã sống vài chục năm trong chế độ chúng ta, thì khi nghe lập luận trên đây của Tổng Bí Thư ắt cảm thấy tính khúc chiết của Trí Tuệ, tính đương nhiên của Chân Lý và tính sang sảng đanh thép của Quyền Uy. Nghĩa là không còn mảy may nào có thể cựa quậy, nhúc nhích gì nữa. Nhưng hãy thử động não một chút xem sao! Cứ thử làm người có tư duy một chút xem sao! (Không tư duy thì ta đâu còn tồn tại như một Con Người? )

Trước hết xin ghi nhận đây là kiểu lý luận rất "đổi mới" của Việt Nam. Nếu là trước đây thì một Tổng Bí Thư nhất định không tha thứ cho bất cứ một thứ lý luận Đa Nguyên nào, song ở đây ông đã tha thứ cho lý luận mà chỉ nói chuyện thực tế, tha thứ cho thế giới mà chỉ nói chuyện Việt Nam. Nhưng khi đã trở về với điều kiện Việt Nam thì ông không tha thứ cho ai nữa. Mọi thần dân đều phải nắm vững cái chân lý sơ đẳng và có ý nghĩa nguyên tắc mà ông nêu ra. Vì đã là sơ đẳng và nguyên tắc thì không còn khả năng nhân nhượng, nên cái gì khác với nó ắt bị liệt vào dân chủ tư sản có âm mưu "mê hoặc và lừa mị", chỉ còn cách "bọn phản động" có một sợi tóc! Với tội danh ấy thì được mời đi "học tập" là cái chắc. (Dân ta nổi tiếng là hiếu học mà lâu nay cứ thấy nói đến "học tập" là hoảng!)

Chân Lý Sơ Đẳng của Đảng là: một đảng hay nhiều đảng không quan trọng, quan trọng là đảng ấy tốt hay không tốt! Tốt thì một đảng cũng đủ! Đúng quá, và nên thêm: Nếu tốt thì một đảng chẳng những cũng đủ mà lại còn nên cho đảng ấy quyền trị vì thật độc quyền và thật vĩnh viễn vào, để khỏi có đảng nào tranh vào đấy nữa. Vớ được cái tốt nhất thì dân tộc nào chẳng muốn giữ mãi cho mình! 

Chân lý ấy quả là sơ đẳng, nông dân sẽ hiểu ngay, trẻ con cũng hiểu ngay! Chỉ có cả loài người là phải trả giá máu xương hàng ngàn đời cho nó, để đến hôm nay tỉnh ngộ rằng: Nếu chỉ có một thì biết thế nào tốt với xấu, anh bảo xấu nhưng tôi bảo thế là nhất rồi, làm gì có cái tốt hơn được, anh chống cái tốt nhất ấy thì anh là "phản động"! Hơn thế, nếu chỉ có một thì dẫu cho ban đầu có tốt thực trăm phần trăm, sau dứt khoát cũng trở nên xấu, dẫu cho ban đầu có dân chủ thực chất thì sau dứt khoát cũng trở nên dân chủ hình thức", quy luật này không có ngoại lệ. Vì người ta khám phá ra Quyền Bính có một thuộc tính rất lạ là cứ phải có nguy cơ bị mất thì nó mới có khả năng trở nên tử tế hoặc mới duy trì được sự tử tế.

Chắc ông sẽ cãi: nhiều nước đa đảng đấy nhưng có dân chủ đâu? Nếu vậy thì chúng ta chỉ còn biết nhắc lại cái điều sơ đẳng: "đa" là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ!

Bây giờ tới luận điểm cho rằng trong điều kiện Việt Nam không có sự cần thiết khách quan nào để tạo dựng nên các đảng phái đối lập chính trị. Ở đời, phàm nghe thấy lời phát ngôn "cần" hay "không cần" là cử tọa phải nhỏm dậy để nhìn mặt người nói ấy là ai. Chẳng hạn hai người buôn chung, lãi được 10 đồng, anh này cướp lấy 9 đồng và chia cho chị kia một 1 đồng. Trọng tài kinh tế hỏi: Có cần chia lại không? Cử tọa thử tưởng tượng xem nếu cái anh đã cướp 9 đồng kia lại la tướng lên rằng "không cần" thì khôi hài biết chừng nào? Câu hỏi ấy là dành cho phía bị thiệt, bị ăn hiếp, chứ không phải dành cho người đã giành được quyền "lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối"!

Chị kia bị ăn hiếp, muốn đòi chia lại nhưng lấm lét không thốt ra lời, vì sợ rằng chia lại xong, trọng tài đi rồi thằng kia nó sẽ nện cho nhừ xương và cướp lại, thì "tiền vẫn mất, mà tật lại mang". Nếu trọng tài đáng bậc quan phụ mẫu thì sẽ hiểu ngay tình thế là có cách làm cho vấn đề được sáng tỏ. Nhưng nếu trọng tài cũng thuộc loại quân cướp ngày thì ắt đứng về phía kẻ mạnh, nhân lúc chị kia im lặng, sẽ tuyên bố: "Không thấy ai nói cần chia lại, vậy kể như hiện nay, cũng như trong tương lai, không có sự cần thiết khách quan nào phải chia lại nữa! Thế là rất Dân chủ, rất Pháp trị và rất Khách quan, có đủ cả còn kêu ca nỗi gì?"

Cứ xem như "đảng" Dân Chủ, "đảng" Xã Hội, do đảng cộng sản chế tạo để làm cảnh mà còn phải "tự giải tán" thì "đảng phái chính trị đối lập" (như Tổng Bí Thư có nhắc đến) chắc cũng nên biết "tự giải tán" trước khi thành lập mới là biết điều. Biết điều thì đừng có xuất hiện, không xuất hiện tức là không có nhu cầu, không có nhu cầu thì không được phép xuất hiện là đúng chứ gì nữa! Cái "tam đoạn luận" Cộng sản nước mình còn khó cãi hơn cả "tam đoạn luận" A-ris-tốt! Một chi tiết nữa trong chuyện Nội Dung Thời Đại là cái "Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" của Việt Nam và mấy nước Cộng sản kiên trì. Ta còn nhớ trước đây, khi định nghĩa Thời Đại Mới là thời đại "chuyển từ chủ nghĩa Tư bản sang chủ nghĩa Xã hội trên phạm vi toàn thế giới" thì có nghĩa là người cộng sản đã coi trái đất, tức ngôi nhà chung, là của riêng thế giới Cộng sản, các nước Tư Bản chỉ còn là kẻ tạm trú, chỉ được gia hạn ở thêm một thời gian nào đó thôi, giai cấp công nhân "đào huyệt" sẵn cho họ rồi (chính với tinh thần làm chủ ấy nên Phi-đel Cas-tro đã nói: Mỹ không thích Cuba thì Mỹ dọn đi nơi khác mà ở!) Nay nhà lãnh đạo của mấy nước cộng sản sót lại đã có đôi chút khiêm tốn, chỉ kiên trì cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong lãnh thổ của mình, chứ chưa quyết định việc tràn ra trên "phạm vi toàn thế giới"! Được tạm tha, chắc các nước trong khối G7 cũng như Cộng Đồng Châu Ấu đã có thể tạm yên tâm, tiếp tục lo việc làm ăn để có tiền giúp chúng ta ra khỏi tình trạng nghèo khổ (200 đôla trên đầu người một năm) để ta còn xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Tiên Tiến cho họ noi theo...(!)

Thật là một sự phỉ báng không gì có thể so sánh. Thế hệ con cháu chúng ta sau này chắc không thể tưởng tượng rằng ông cha chúng đã có thời dám dũng cảm dùng sự ngu dốt ma quái của mình để phỉ báng Trí Tuệ loại người một cách thản nhiên đến thế! Khi mọi lý luận cũng như thực tế đã được phơi bày đến mức này, nếu quả thật cả dân tộc 70 triệu này vẫn cứ nhất tề giữ vững cái "Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" ấu trĩ do các thế hệ thiệt thòi trước kia đã chọn (như lời Đảng ta khẳng định) thì hóa ra cả dân tộc chỉ là một đàn vịt hay sao? Coi "Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng và Văn Minh" là Chủ Nghĩa Xã Hội thì chỉ chứng tỏ Đảng ta đã khinh cái Dân Tộc này không còn ai biết gì, vì đó chỉ là câu nói đùa! Các vị đại biểu quốc hội nghĩ thế nào thì tôi không rõ, nhưng một người dân thường hôm nay cũng hiểu được cái "Chân Lý của Thời Đại" là: nếu không cố giữ cái "định hướng Xã hội chủ nghĩa" thì Đảng ta biết làm cách nào để giữ yên vai trò độc tôn của mình? Người ta nhái lời thơ Cao bá Quát nói với Tự Đức: "Khề khà mưu kế đa nhân thức, Khệng khạng tương lai "bịp" Tú tài!"

Thử hỏi ngày nay có nhà khoa học nghiêm túc nào dám đưa Xã Hội Chủ Nghĩa vào nội dung của thế kỷ 21 hay của kỷ nguyên Văn Minh Tin Học hay không? Vậy thì dù có mỹ miều đến đâu, cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa cũng chỉ là một con đường giả định rất lơ mơ. Tại sao dám huy động tất cả sinh lực của một dân tộc vào cái việc ép dân tộc đó dấn thân vào một con đường còn rất lơ mơ, đầy bất trắc? Con đường mà chính người dẫn đường cũng mới chỉ được đọc trong một cuốn tiểu thuyết giả tưởng! Con đường mà ngay người đạo gốc đi trước cũng đã phải quay về, với thân hình tiều tụy? Con đường mà mới đi một quãng đã thấy lố nhố khuôn mặt "cường hào mới"! Con đường mà mới đi một quãng đã ngót 10 triệu con người đã tàn phế, tử vong, (người là "vốn" quý nhất?)!...

Sự phi lý ấy quá hiển nhiên nên buộc người ta phải nghĩ rằng: Người dẫn đường kia không hề ngu dốt, bởi đấy là một sự ngu dốt không thể có! Đã không ngu dốt thì chỉ có thể là ma quái, vì chắc chắn không thể là bình thường! Và cái phép lôgic tự nhiên buộc người ta phải nghĩ rằng: Cái "định hướng" làm cho mọi người mất công bàn cãi kia chỉ là định hướng giả. Con đường thì rất lơ mơ, không có trên bản đồ, nhưng phải có một cái gì đó không lơ mơ, một cái gì đó rất vật chất mà người dẫn đường đang có thật trong bàn tay đang nắm của anh ta, và anh ta cứ giữ chặt lấy không cho ai động đến! Chỉ có một thứ vật chất sờ sờ như vậy mới có thể làm cho ông trùm "duy vật" kia có được nguồn sức mạnh để tiếp tục cái công việc mà người không biết cứ tưởng là duy tâm phi lý! Và nếu cần thì anh ta vui vẻ nhận ngay cái khuyết điểm duy tâm, duy ý chí để khỏi ai nhắc đến cái ưu điểm rất duy vật của mình! 

Khi tôi bộc lộ suy nghĩ này với mấy người dân, họ phá lên cười: Khổ quá, các ông khoa học thiếu thực tế nên mới phải có "luận cứ" nọ, "lôgic" kia, lại chỉ tổ để người ta kết tội là "làm yếu sự lãnh đạo". Chứ chúng tôi lăn lộn với thực tế, chúng tôi biết tỏng từ tám đời rồi! Nhưng chúng tôi thấy cái "ông dẫn đường" cầm roi kia tớp được cái đùi gà thì chúng tôi cũng phải lẳng lặng nhặt cho vợ con mình con tép riu, chứ ngu gì mà chịu chết đói? Chúng tôi không dám "làm yếu" ai cả, chúng tôi chỉ làm cho mình mạnh lên thôi! Nghe họ nói tôi vừa phục lại vừa thương, cách ứng xử Việt Nam mình là vậy.
Trở ngại trong việc tự nhận ra mình:
So với việc nhận thức Thời Đại thì việc nhận ra mình gặp khó khăn hơn nhiều. Nhận ra chân dung quá khứ của mình đã khó, nhận ra chân dung của mình hôm nay lại càng khó hơn. (Thật là ngược đời!). Vì mọi cố gắng ngụy tạo đều tập trung ở đây.

Cuộc đấu tranh để Tự Nhận Thức Về Mình diễn ra trên ba lĩnh vực:

1/ Về quá khứ, cội nguồn: Lịch sử Việt Nam, Con Người Việt Nam có ưu điểm gì, khuyết nhược điểm gì? Tính cách Con Người Việt Nam ra sao? Nên đánh thức nó hay nên ru ngủ nó?
2/ Về Cách Mạng Việt Nam: biến cố lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay, trào lưu, bản chất, tính đúng sai, sự thành bại, hiệu quả và hệ quả của trào lưu ấy, đặc biệt là trào lưu Cộng Sản.

3/ Về công cuộc đổi mới đất nước hiện nay: Yêu cầu khách quan có tính Thời Đại đối với cả dân tộc là gì? Phương án đổi mới do Đảng khởi xướng thực chất là gì? Hiện trạng, hiện tình của xã hội Việt Nam hôm nay ra sao? Tiên lượng thế nào?

Ba khâu tự nhận thức ấy là ba bước liên hoàn, gắn với nhau rất lôgic. Chẳng hạn: Nếu muốn khẳng định sự lãnh đạo đổi mới như hiện nay là đúng đắn, là làm vẻ vang cho dân tộc, (nên không ai được chống lại!) thì trước hết phải khẳng định nửa thế kỷ đi theo Mác-Lê để đấu tranh giai cấp và tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội là đúng đắn, và phải ca ngợi dân tộc này là tuyệt vời, bởi có tuyệt vời mới biết chọn con đường đúng đắn ấy và chọn người dẫn đường tuyệt vời ấy. Và như thế thì đương nhiên không thể lôi sai lầm Cải Cách Ruộng Đất và Cải Tạo Tư Sản, lôi vụ án Nhân Văn , vụ Hoàng Minh Chính, thảm trạng thuyền nhân vượt biên... ra mà khảo sát được! Và cái Dân Tộc tuyệt vời này cứ tiếp tục như thế mà đi, đừng có nhìn trước nhìn sau, đừng nghe ai xúi dục mà cựa quậy làm gì cho rách việc!

Trái lại nếu muốn căn cứ trên đặc điểm của Thời Đại và quy luật tiến hóa phổ quát, muốn so sánh dân tộc ta với các dân tộc khác về thành quả đang được hưởng và cái giá phải trả cho thành quả ấy, để tìm lời giải tối ưu cho dân tộc mình thì khi ấy dân tộc là trên hết, Mác Lênin cũng không to, Đảng cũng không to... cứ cái gì tốt và hợp thời thì giữ, cái gì xấu và lỗi thời thì bỏ. (Trong bức thư ngỏ của mình một người Cộng sản viết: "Đảng là cái gì mà không được chống?" là trên tinh thần dân tộc ấy). Cái gì cũng phải đem ra khảo sát, cái gì cản trở dân tộc đi lên đều phải được phê phán, nợ nần oan khuất đều phải trang trải phân minh!

Nếu lựa chọn con đường vì dân tộc như vậy thì Đảng quy tội là chống Đảng, vậy Đảng là cái gì? Ông Nguyễn Trung Thành là người biết rõ hơn ai hết rằng người bị Đảng cầm tù vì tội "Xét Lại, Chống Đảng" là không có tội, nên đã yêu cầu minh oan cho họ. Tổng Bí Thư Đảng đã đứng đối lập với thái độ thức tỉnh ấy của lương tri, vậy Đảng là ai?

Bài lý luận của chúng tôi đã trình bày phương hướng của một hệ tư duy mới, một phương pháp luận mới. Trên cơ sở ấy đã thử nhìn lại một cách hệ thống dân tộc mình, xã hội mình trước đây và hiện nay. Qua bài phê phán của Trung ương Đảng, của Ban Tư Tưởng Văn Hóa, cũng như của các nhà lý luận Mác-xít trong nước nói chung, tôi biết mình bị coi là đại biểu của "Khuynh Hướng Phủ Định Sạch Trơn". Nhưng rất tiếc đấy chỉ là quy kết chính trị, là lập luận ngụy biện, không có nội dung khoa học để thảo luận.
II - Vượt Qua Ngụy Biện.
A - Nhìn chung tình trạng Ngụy Biện:
Quyền và Tiền, hay Bạo lực và Đô la, là sức mạnh vật chất của xã hội. Chẳng có cái Ác nào không biết bám vào hai cái đó để sống. Nhưng phải ở các nước nông nghiệp Châu Á, đặc biệt là trong ý thức hệ Mác-Lê thì hai sức mạnh ấy mới có thêm một đồng minh thứ ba, để kết lại thành thế chân vạc giữ cho thành trì bảo thủ bất cả xâm phạm. Đó là Ngụy Biện!

Ngụy Biện đã có tự nghìn xưa, nhưng chỉ Cộng Sản Châu Á mới nâng được nó lên thành quốc sách, để cùng với "cây gậy" và "củ cà rốt" thành "Tam pháp bảo". Thử xem khắp kim cổ Đông Tây, ở đâu có một bộ máy ngụy biện hoàn chỉnh, ngang nhiên và đạo đức nhường ấy?

Nền Ngụy Biện Việt Nam được hun đúc từ ba yếu bố:

- Yếu tố thứ nhất: lý thuyết của nền Đức Trị Phong Kiến Chuyên Chế từ phương Bắc, mang nặng tính tín điều tôn giáo hơn là tính khoa học khách quan.

- Yếu tố thứ hai: truyền thống láu vặt của một dân tộc nhược tiểu (so với nước láng giềng khổng lồ) vốn thông minh nhưng không có độc lập và dân chủ, nên không thể kết đọng thành hệ tư tưởng chính thống độc lập. Nó là sự cố gắng chắp vá để dung hòa, hoặc ngược lại thì là sự chống chế, đối phó để tồn tại. Lý sự kiểu Trạng Quỳnh ấy có tác dụng để phá hơn là để xây.

- Yếu tố thứ ba : lý thuyết Cách Mạng Vô Sản, vừa mang tính chất võ đoán của một triết học "quyết định luận", mang tính tùy tiện của thứ lý thuyết chính trị thực dụng. Toàn bộ cái gọi là "Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học" chẳng qua là một Đại Ngụy Biện, nhằm biện minh cho một ảo ảnh. Học thuyết ấy đi vào xã hội và con người Việt Nam không qua vọng gác của Trí Tuệ.

Truyền thống Ngụy Biện tiềm tàng ấy đặc biệt khởi sắc trong thời kỳ đổi mới để thích ứng với tính chất phức tạp, và lắt léo của giai đoạn này, nhất là từ sau Đại hội 13 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Đại Hội 7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đối với người cầm quyền, Ngụy Biện thành vũ khí thứ ba lợi hại, để vừa tránh phải dùng nhiều đến "cái gậy", vừa tiết kiệm được "củ cà rốt". Ngụy Biện này tận dụng triệt để thành quả trong quá khứ của cuộc chiến tranh vệ quốc, tận dụng tâm lý sau chiến tranh muốn yên thân và khát khao cuộc sống vật chất, và tận dụng thói quen phục tùng vô điều kiện của dân. Tóm lại là tận dụng tình trạng dân trí thấp để không đổi mới mà vẫn đổi mới, để nói "đổi mới của dân, do dân, vì dân" mà thực ra là "đổi mới của mình, do mình, vì mình", để miệng nói "định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" mà tay làm "định hướng Tư Bản Chủ Nghĩa."

Đối với cán bộ cấp dưới và dân chúng, thì Ngụy Biện là vũ khí để tự giải phóng mình khỏi sự kiềm hãm của cơ chế, để có thể cứ vi phạm mọi điều mà không ai bắt tội được. Họ tận dụng triệt để tính phi lý của ý thức hệ, tính mâu thuẫn và thoái hóa trong hệ thống điều hành, tính dân chủ giả, pháp trị giả, nói một đằng làm một nẻo, và nhất là tính "nhị nguyên" của phương án làm "Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa". 

Đối với Trí Thức, Văn Nghệ Sĩ thì Ngụy Biện có hai dạng: dạng Ngụy Biện giúp cho Đảng và dạng Ngụy Biện tự che cho mình. Ngụy Biện cho Đảng chính là luận điểm vẫn công bố trên sách báo chính thống và các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngụy Biện này ngày càng xẹp dần đi. Nhưng Ngụy Biện để che cho mình thì ngày càng phát triển, nhất là khi ngọn lửa đổi mới hồ hởi của Đại Hội 6 đã bị cái gáo nước lạnh ổn định dội cho tắt ngẩm. Đó là cả một hệ thống não trạng, tâm trạng, tâm tư, tâm lý... ngày càng sâu rộng, bộc lộ trong lúc tâm sự, chuyện nhàn đàm, cách ứng xử... mà dưới đây tôi sẽ điểm qua.
B - Điểm qua một số Ngụy Biện:
Như đã nói từ bài "Dắt tay nhau...": nét đặc sắc của cuộc đấu tranh mới trong xã hội là cục diện đấu tranh giữa Ngụy Biện và Chống Ngụy Biện, nên Nội dung Chống Ngụy Biện, nhất là Ngụy Biện chính là gắn với lý luận, tôi đã đề cập trong phần lý luận trước đây cũng như trên đây. Sau đây chỉ là phần bổ sung cho rõ thêm, chủ yếu về Ngụy Biện bất thành văn nhưng trực tiếp chi phối thái độ ứng xử. Tôi tạm chia Ngụy Biện thành 4 cụm, kèm theo lời bàn ngắn gọn. Đối với một số ngụy biện quá ngô nghê, xin chỉ kể ra mà không bàn để tránh làm mất thì giờ của người đọc.
Bảo Vệ Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
1) Mác không sai, vì Mác vạch ra cái hướng, chứ Mác đã nói cái gì cụ thể đâu? Mình tự làm sai sao lại đổ cho Mác? Không nên chống một lý tưởng, con người phải có niềm tin chứ?

- Toàn bộ bài lý luận của tôi là câu trả lời rằng mọi sai lầm đều bắt nguồn từ phương pháp luận và định hướng sai của Mác. Việc phải thờ một chủ nghĩa để làm điểm tựa cho niềm tin là chỉ dấu hiệu về sự thiếu tự tin. Khi con người đủ trình độ để tin vào mình và nhân loại sinh động quanh mình thì mọi chủ nghĩa giáo điều linh thiêng tự nhiên sẽ mất tác dụng.

2) Sai lầm thì nhiều, nhưng sai là do cá nhân sai chứ Đảng không sai!

- Phải hiểu ngược lại mới đúng. Tuyệt đại bộ phận người trước đây vào Đảng Cộng sản là người tốt. Vì con đường đi trái quy luật nên sinh bế tắc và làm thoái hóa con người. Cứ đem cá nhân ra trị tội thì trị người này người sau lại phạm tội nặng hơn, mất hết cán bộ cũng không giải quyết được tình hình. Việc sửa con đường, đổi cơ chế sẽ làm cho cán bộ đáng lẽ phải đi tù lại có khả năng thành cán bộ tốt. Thế mới là nhân đạo. Tôi biết rất nhiều đảng viên tốt, có suy nghĩ hợp với lương tâm, hợp lòng dân, hợp lẽ phải, nhưng vì phải gò vào kỷ luật Đảng mà không thể làm theo lương tâm. Thử làm cuộc điều tra sẽ thấy người Cộng sản lão thành đáng quý bỏ sinh hoạt Đảng rất nhiều, vì họ không muốn đứng chung hàng ngũ với bọn tham nhũng và cơ hội, đi ngược lại lý tưởng của mình.

3) Sao lại nhẫn tâm phủ định máu xương, phủ định quá khứ, phủ định sạch trơn?

- Không người Việt Nam biết suy nghĩ nào lại phủ định sạch trơn. Tôi thấy nhiều sĩ quan của chính quyền Sài Gòn cũ cũng biết đánh giá vừa phải về cụ Hồ, tự hào về Cách Mạng Tháng 8 và Kháng Chiến Chống Pháp. Nhưng Cuộc Chiến Tranh Chống Mỹ (để bao quát hơn, nên gọi là cuộc nội chiến Nam Bắc lần thứ hai, lần thứ nhất là Trịnh Nguyễn phân tranh), cũng như cuộc Thanh Trừng Mang Tính Giai Cấp Và ý Thức Hệ thì ngay người Cộng Sản hiểu biết cũng ngày càng phê phán. Phải phê phán đường lối sai lầm ấy chính là vì quý, vì tiếc máu xương, vì trân trọng sinh mạng con người. Phê phán để không phải hy sinh vô ích nữa. Xã hội phải chăm sóc gia đình nạn nhân chiến cuộc là đúng, nhưng đánh giá chiến cuộc lại là chuyện khác. Không phải đã dùng nhiều máu xương cho một con đường thì con đường ấy nhất định phải đúng. Không thể vì trót đổ nhiều máu xương nên nay phải giữ! Vấn đề là con đường nào lợi nhất cho dân tộc từ nay về sau, muốn vậy phải nhận thức chính xác xem mình vừa đi trên con đường gì, đang đi trên con đường gì? 

Xin hãy bình tĩnh để tham khảo ý kiến của ông Lê Xuân Tá, một cán bộ của Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước năm 60: " ... Khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biện Phủ, để vượt trội cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp. Khát vọng đó được Lê Đức Thọ đồng tình. Lập trường Chủ Chiến có nguồn gốc sâu xa như vậy." Nếu không phát động được cuộc chiến tranh ở miền Nam thì cả Lê Duẩn lẫn Lê Đức Thọ đều chưa nắm được thế thượng phong trên vũ đài chính trị. Tháng 11 năm 1960 Lê Duẩn phát động Phong Trào Đồng Khởi, đặt cả nước và toàn ban lãnh đạo Đảng ở thế đã rồi." (xem phần phụ lục, bài Hồi ức Về Cuộc Khủng Bố Chống Chủ Nghĩa Xét Lại ở Việt Nam).

Na-pô-lê-ông ngày trước cũng quyết định một trận đại chiến với ý chỉ để dọn đường cho vợ đi cáu xương ấy, chắc chỉ vài tấm huân chương là đủ. Còn việc phủ định quá khứ thì không ai đoạn tuyệt truyền thống của nhân loại phũ phàng hơn trào lưu Cộng sản (xem "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", mục "Nguyên Tắc Tích Lũy, Kế Thừa và Giao Thoa")

4) Chủ nghĩa Tư bản có sinh thì cũng có diệt chứ, phải có cái thay thế chứ!

5) Quân đội là dứt khoát Đảng phải nắm, không thì mất nước ngay.

6) Châu Á khác châu Ấu, không thể tự do cá nhân cực đoan được.

7) Dân mình không pháp trị được. Giải quyết được tình cảm rồi thì gì cũng xong.

8) Các vị Bôn sê vích Đệ tam sai, chứ không phải Mác sai! Đệ nhị đúng chứ! hoặc Đệ tứ đúng chứ!

- Dòng Mác xít này có thể phê phán dòng Mát xít kia là không trung thành với Mác. Nhưng tư tưởng Mác xít có khiếm khuyết căn bản từ trong nguyên lý (nhất là tư tưởng Mác ở giai đoạn sau), nên việc phản bội nó là điều không tránh khỏi, càng trung thành với nguyên lý ấy thì càng bị đào thải sớm. Tôi nghĩ "Đệ Nhị" đỡ cực đoan hơn, nên phần hợp lý của nó đã được đồng hóa vào trong đường lối của các Đảng của Bắc Ấu, của Pháp... Tôi có hỏi một nhà "Đệ tứ" : Tại sao các vị Bôn Sê vích lại chống các ông hơn cả kẻ thù? thì được trả lời: "Vì chúng tôi chấp nhận Dân Chủ Đa Nguyên"! Đó là chi tiết đáng chú ý.

9) Ông đừng nhẹ dạ, tưởng Tư Bản là tốt. Đánh bằng quân sự không được thì nó Diễn Biến Hòa Bình!

- "Diễn Biến Hòa Bình" theo nghĩa chân chính của từ ấy là sự vận động lành mạnh của xã hội, hợp với quy luật tiến hóa. Nó trái với sự bảo thủ, trì trệ, nhưng đồng thời cũng trái với bạo lực và chiến tranh, trái với đột biến "cách mạng long trời lỡ đất một mất một còn". Con người văn minh, có văn hóa bao giờ cũng ủng hộ luật chơi "Diễn Biến Hòa Bình", vì không thể khác. Song đó mới là luật chơi, trong đó cả lực lượng tiến bộ lẫn lạc hậu, chính nghĩa và phi chính nghĩa đều phải chấp nhận, trong đó mỗi bên đương nhiên có mục tiêu và đấu pháp riêng. Loài người tiến bộ từng ủng hộ mục tiêu tốt và lên án mục tiêu xấu, chứ không thể chống diễn biến hòa bình. Trừ tình huống đặc biệt cần đến đột biến và bạo lực ra, nói chung nhân loại tiến lên bằng Diễn Biến Hòa Bình.

Ai cũng biết phong trào Cộng sản sành sỏi cả về cả hai mặt đấu tranh này (Cách Mạng Bạo Lực và Diễn Biến Hòa Bình). Vì thế khi Đảng ta nói "Chống Diễn Biến Hòa Bình" thì người hiểu biết đã không hiểu nổi, nhất là khi miệng ta nói "chống diễn biến hòa bình" nhưng tay ta lại tiến hành "diễn biến hòa bình" rất ráo riết! Một công cuộc đổi mới lành mạnh và có văn hóa không có gì khác hơn một công cuộc Diễn Biến Hòa Bình! Phải đẩy mạnh chứ sao lại chống? Phải đẩy mạnh chiều hướng diễn biến tốt để lấn át chiều hướng diễn biến xấu!

10) Đảng vẫn phải lãnh đạo thôi, nếu Đa nguyên, các phái hữu cực đoan trở về phục thù là rách việc lắm.

- Thế là chúng ta, người chuyên "diễn biến hòa bình" và "bạo loạn lật đổ", nay lại vừa sợ "diễn biến hòa bình" vừa sợ "bạo loạn lật đổ"!

11) Các ông ấy không dốt đâu, cai quản cả một xã hội như thế này đâu phải chuyện chơi, thằng Pháp, thằng Mỹ cũng phải chịu thua cả!

12) Cứ giữ chủ nghĩa Cộng sản như một cái đích để mà ước vọng thì có sao đâu mà phải bỏ?

- Một cái đích rất đẹp nhưng không khả thi thì chỉ có tác dụng tốt nếu để nó trong phạm vi tôn giáo, trong chùa hoặc trong nhà thờ... Đưa nó vào đời sống chính trị, xã hội thì nó thành cái để người ta nhân danh mà quyến rũ hoặc hù dọa mọi người, thành bình phong cho cái Ác, gây nhiễu đối với hệ thống giá trị hiện thực, nên rất có hại. Mọi chủ nghĩa không tưởng đều rất có hại, chính Mác, ăng-Ghen thấy rất rõ điều này.
Bảo Vệ Phương án Đổi Mới Hiện Nay
13) Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều rồi, anh cứ nghĩ Mác như Mác ngày xưa, Đảng như Đảng ngày xưa nên anh mới nhắm mắt phê phán! Chính anh lạc hậu, lại phê người ta lạc hậu!

- Chúng tôi không lo xã hội không thay đổi mà lo vì nó quá thay đổi. Thay đổi là quan trọng, nhưng thay đổi theo hướng nào mới là điều quan trọng hơn.

Hiện nay có ba xu hướng phê phán:

* Thứ nhất, coi Đảng như người Cộng sản quá bảo thủ, cứ khư khư giáo điều cũ, phải đấu tranh để Đảng đổi mới, tức là cập nhật hóa cho Mác-Lênin không thì lạc hậu. Tình trạng lạc hậu này chỉ còn đúng với một số cán bộ, đảng viên cấp dưới. 

* Thứ hai, coi Đảng hiện nay vẫn là Cộng sản nhưng bị tha hóa, làm sai chủ nghĩa, vi phạm đạo đức, vì vậy phải đấu tranh để trở về cái gốc của Mác, của Hồ Chí Minh. Tình trạng này đúng với nhiều cán bộ, đảng viên cấp trung gian. 

* Thứ ba, coi Đảng hiện nay chỉ còn mang cái vỏ Cộng sản vì quá tinh khôn, biết Mác-Lê không còn thích hợp với thế giới Văn Minh Tin Học, nhưng cứ dùng nó như một phương tiện để giữ yên dân chúng, giữ yên địa vị lãnh đạo của mình và tạo điều kiện đưa phe cánh của mình chiếm lĩnh vị trí béo bở trong xã hội Tư Bản tương lai. Phải đấu tranh để công khai hóa mọi điều, chấm dứt tình trạng nói một đường làm một nẻo, chấm dứt việc dùng Mác-Lê làm bình phong. Tình trạng thứ ba này đúng với nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao, đang quyết định toàn xã hội. Tình trạng này nguy hiểm hơn nhiều, bởi vậy về tư tưởng, sự trung thành thật sự với Mác-Lê ảo tưởng không đáng sợ bằng sự trung thành giả. Đừng mải phê phán sự mê tín coi "chủ nghĩa" là mục đích mà quên nguy cơ chính là sự quá ư tỉnh táo, đang dùng "chủ nghĩa" làm phương tiện, như không phải phương tiện cho Dân Tộc mà là phương tiện cho riêng mình.

14) "Sự nghiệp đổi mới đang thu được thắng lợi chưa từng có, nếu có khó khăn thì đó chỉ là khó khăn đương nhiên của sự phát triển, tạo sao bỗng dưng các anh lại đề cập một cuộc kháng chiến mới là nghĩa làm sao? Hay các anh muốn hủy thành quả mà chúng tôi đang được hưởng?"

- Có lẽ đây là Ngụy Biện có tính phổ cập hơn cả. Nếu cuộc đổi mới tốt đẹp như thế thật thì người đề cập đến "cuộc kháng chiến mới" kia nếu không phải là người mắc bệnh điên thì dứt khoát phải là phản động (!). Chỉ có động cơ bất mãn hoặc bị gián điệp nước ngoài mua chuộc thì mới sa sút phẩm chất cách mạng đến thế được!

Một kẻ như vậy, đầu tiên phải kể đến ông Nguyễn Khắc Viện, tác giả bài "Bước Vào Cuộc Kháng Chiến Mới" (xem phần phụ lục). Người trí thức Mác xít đã bỏ nước Pháp theo cụ Hồ về nước kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa Cộng sản ấy, hôm nay viết: "Tư Bản, tôi hoàn toàn đồng ý (!) Mở đường cho Tư Bản trong nước phát triển, mở cửa cho Tư Bản ngoài vào, đồng ý. Cái đầu tầu Tư bản sẽ kéo nước ta lên". Đối chiếu với lý tưởng và hành động của ông cũng như của Đảng trước đây thì đấy là sự đầu hàng rành rành rồi còn cãi gì nữa, nhưng Đảng đã làm thế thì ông đành phải theo (đây là sự theo Đảng lần thứ hai của ông). Chắc hẳn ông đã theo Đảng đầu hàng Tư Bản một cách vui vẻ nếu được đầu hàng Tư Bản Văn Minh. Nhưng đằng này lại là "Tư bản Man Rợ" nên ông theo không nổi! Cái "Tư Bản Man Rợ" ấy "sẽ bóc lột ai cúi đầu cho họ bóc lột, đàn áp giết hại ai cản trở việc làm ăn của họ, sẽ mua chuộc tham quan ô lại, lừa bịp kẻ ngu dại". Bởi vậy ông mới phải kêu gọi mọi người "Hãy cùng nhau bước vào cuộc kháng chiến mới, nay phải dựng nên một Mặt Trận Dân Tộc, Nhân Dân, Quốc Tế rộng hơn, tiến hành một cuộc kháng chiến mới lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giầu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số..." Xem như vậy thì ông Viện không thể bị qui thành điên hay bị bọn phản động mua chuộc được. Trái lại ông cho mọi người thấy cái mặt trái của thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Bài viết ấy của ông Nguyễn Khắc Viện chỉ là một ví dụ, điều ông nêu ra lúc ấy (tháng 6/93) chưa thấm vào đâu so với thực tiễn, nhất là thực tiễn năm 1994-1995.

Chúng ta đã dùng một bộ máy tuyên truyền khổng lồ để làm cái việc tô đậm một nửa của sự thật. "Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì..., còn một nửa của sự thật thì chỉ là sự đối trá khôn ngoan" (phương pháp sáng tác "Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa" chính là một trong ngón võ khôn ngoan ấy). Muốn hiểu đúng sự thật không thể không tiếp tục phân tích cái nửa sự thật đã được phơi bày, đồng thời phải đem đến cho mọi người thông tin về cái nửa sự thật còn bị bưng bít. Ta nói ta muốn cho Dân làm chủ nhưng ta chỉ cho Dân được nhìn cái một nửa sự thật do ta định hướng thì Dân làm chủ cái gì? Và cái công việc thông tin khách quan này không bao giờ có thể thực hiện được nếu không có ít nhất một quyền tự do là Tự Do Báo Chí.

15) Có Kinh tế thị trường rồi, quy luật tự nó sẽ đi, đừng nóng vội!

16) Các cụ còn sống bao lâu nữa mà lo, con cháu các cụ thành tư bản cả, đến thời họ sẽ làm khác. Cứ để cho thế hệ các Cụ được mồ yên mả đẹp cái đã!

17) Phải từ từ, nóng vội sửa ngay như Liên Xô, Nam Tư để đánh nhau thì khổ lắm!

- Ba ngụy biện này là sự ngộ nhận về quy luật, không hiểu yếu tố chủ quan và yếu tố thời gian trong quy luật. Trong quy luật xã hội thì con người là một yếu tố, lại là yếu tố động. Không chủ động tạo ra cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ lại chờ nó tự đến thì thật là ảo tưởng, hoặc chỉ là sự lẫn trốn trách nhiệm. Các cụ ngày xưa rất tin ở "mệnh trời" mà còn biết "Tận nhân lực, tri thiên mệnh" (có cố hết sức mình thì mới biết mệnh trời ở đâu)!

Quy luật là định hướng lớn của cái chung, trong đó vẫn chứa số phận rất khác nhau. Trong quy luật lớn vẫn dung nạp nhiều quy luật nhỏ. Ví dụ làm kinh tế thị trường là đúng quy luật, nhưng trong đó quy luật vẫn dành quyền lựa chọn cho con người muốn thành người giầu sang hay thành kẻ bần cùng! Cứ chờ quy luật thì có khi xã hội đi rất đúng quy luật, nhưng cá nhân mình thì thân tàn ma dại! Vì có khoảng trống đó nên người cầm quyền mới có khả năng vẫn đưa xã hội trở về đúng con đường của quy luật nhưng chiếm hết chỗ béo bổ nhất cho mình, anh nào ngu ngốc thì thiệt thân. Xin đừng quá lo cho quy luật không được thực hiện mà hãy biết sợ rằng quy luật sẽ được thực hiện, nhưng với sự lợi dụng. Lợi dụng quy luật cũng chính là một quy luật, một quy luật phổ biến nhất trong đấu tranh sinh tồn, chứ không có gì lạ.

Nghĩ về quy luật, người ta thường chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng (cứu cánh), mà quên rằng linh hồn của một quy luật không nằm ở cứu cánh ấy mà nằm trong yếu tố thời gian, cũng tức là tốc độ của diễn biến. Cùng một kết quả nhưng đến sớm hay đến muộn có thể lộn ngược tình thế. "Đổi mới lương thiện hay không lương thiện cũng chỉ lừa nhau ở chỗ tốc độ, ở thời gian thôi". Cứ lấy một ví dụ thô thiển cho dễ hiểu: Khi ta phát hiện một ổ buôn lậu đang chia nhau tiền, đang xóa tang chứng. Về nguyên tắc ai cũng tán thành việc khám xét, nhưng người này bảo phải ập vào khám xét ngay bây giờ, người khác lại bảo không nên nóng vội phải biết chờ đợi, chờ đến sáng mai! Sự chênh lệch vài giờ đồng hồ có khi cũng đủ để phân định ai là người chính trực hay ai là kẻ lưu manh. Người anh hùng và kẻ cơ hội cuối cùng cũng sẽ nói điều giống nhau, nhưng người này nói lẽ phải lúc đang bị cấm, kẻ kia nói lẽ phải khi thấy ông chủ đã bật đèn xanh! Thậm chí đến lúc ông chủ sẽ thuê người chửi mình, hưởng lương rất hậu nhưng phải chửi cho đúng kiểu.

18) Trước đây mình cứ đối lập Xã Hội Chủ Nghĩa với Tư Bản, nay mình thấy tất cả cái cơ bản cũng vẫn giống nhau thì mình điều chỉnh lại cho hợp lý, có gì quan trọng đâu? Mỹ, Nhật thế cũng là Xã Hội Chủ Nghĩa, mình có kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa của mình!

- Ngụy Biện này thoạt tiên có vẻ như thuyết "hội tụ" mà người Cộng sản lúc còn thịnh vượng thường lên án (nhưng nay lại bám lấy nó để hợp lý hóa sự tồn tại của mình). Ngay một số nhà lý luận rất đổi mới cũng tìm đến sự hội tụ ấy: Văn Minh Tin Học làm cho cả chủ nghĩa Tư Bản lẫn chủ nghĩa Xã Hội đều phải điều chỉnh, cuối cùng hai đối thủ vẫn qui tụ tại một điểm, chẳng có ai thắng ai. Nói vậy không đúng. "Chủ nghĩa Tư Bản" và "Chủ nghĩa Xã Hội" không bao giờ là địch thủ của nhau cả. (Có thể sự đối địch giữa một phe do Liên Xô đứng đầu với một phe do Hoa Kỳ đứng đầu đã gây ra sự ngộ nhận này).

Cách gọi tên không đúng khiến lâu ngày người ta lầm lẫn. Tuy cùng được gọi là "chủ nghĩa" nhưng đây không phải là hai khái niệm tương ứng trên cùng một bình diện. "Chủ Nghĩa Xã Hội" là sự triển khai một ý thức hệ, như một công trình xây dựng theo một thiết kế có tác giả hẳn hoi, tức là một công trình nhân tạo được định hình trước khi xây dựng. Còn cái gọi là "Chủ Nghĩa Tư Bản" thì cũng như "Chủ Nghĩa Phong Kiến"... là sản phẩm tự nhiên của xã hội loài người, không ai định hình nó trước, không có tác giả. Đó là dòng chảy theo quy luật, đến đó thì người ta nghĩ như thế và làm như thế, nhà tư tưởng lúc ấy có thể suy nghĩ vấn đề mà thực tiễn lúc ấy đặt ra, chứ không ai dám định hình một "Thời Đại" chưa có, không ai dám ra một nghị quyết về "Nội Dung của Thời Đại" rồi lừa thế giới vào cái khuôn ấy như các nhà Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa đã làm.

Có thể Liên Xô và Mỹ đã thách thức nhau, Mỹ và Việt Nam đã thách thức nhau..., người Cộng sản đã thách thức quy luật. Nhưng quy luật và cái thế giới bình thường sống theo quy luật thì không thách thức ai bao giờ! Cái gọi là "Chủ Nghĩa Tư Bản" chỉ là sản phẩm tự nhiên của quy luật, nên nó cứ nới rộng theo quy luật, quy luật bắt phải thành cái gì thì nó thành cái đó, nó chỉ "thắng" quá khứ của nó thôi. Còn "Chủ Nghĩa Xã Hội" là một sản phẩm nhân tạo, chống quy luật nên bị quy luật đào thải. Nó thua rõ ràng, nhưng là "thua" quy luật, bị quy luật dạy cho bài học, nay phải đơn phương trở về với quy luật, chứ không thể nói nó với quy luật "hội tụ" vào nhau được, chẳng có ai "hội tụ" với nó cả! 

Nhưng mặt khác, ý nghĩa của Ngụy Biện này là muốn xúy xóa lý luận sai lầm mà nay người Mác xít không muốn ai nhớ tới nữa. Giống như anh nông dân lúc đầu tưởng thửa ruộng của mình tốt hơn nên cố đắp bờ cho cao để ngăn cho rành mạch, đến khi thấy thửa ruộng bên cạnh tốt hơn bèn phá bờ đi, cười hề hề rằng "Tôi với bên ấy hai nhà cũng như một thôi mà!" Cái Ngụy Biện muốn đồng nhất "Dân Giầu Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng và Văn Minh" với "Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa", thì cũng là cách xúy xóa như thế chứ gì nữa.

19) Mỹ nó chẳng để cho các cụ như thế mãi đâu, đừng lo!

20) Hai triệu kiều bào giầu có sẽ đi về luôn, tình hình tự nhiên phải đổi.

Đây là hai Ngụy Biện khác nhau, chỉ chung nhau cái tinh thần lạc quan tếu, cho rằng khi con tàu đã được đặt vào đường rầy thì cứ yên tâm ngồi hút thuốc, sớm muộn gì cũng tới đích! Riêng với Mỹ thì từ ngày này mang ý nghĩa rất phức tạp trong cuộc đổi mới của Việt Nam. Thứ nhất, Mỹ là kẻ đứng đầu trong danh sách kẻ thù của ý thức hệ Vô sản. Thứ hai, Mỹ là nước đứng đầu trong các nước văn minh mà một nước hậu tiến như Việt Nam phải dựa vào để phát triển đất nước mình. Thứ ba, Mỹ là vị bố già số 1 mà tất cả các thế lực chính trị và kinh tế cầu mong được hưởng sự ưu ái, để có thể cạnh tranh với nhau trong thị trường và chính trường Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 là một thế kỷ sàng lọc, chọn một cường quốc làm chỗ dựa: Phan Bội Châu chọn Nhật Bản, Phan Chu Trinh chọn Pháp, Ngô Đình Diệm chọn Mỹ, Hồ Chí Minh chọn Liên Xô (ý đồ chọn Trung quốc sau nhiều phen thăng trầm vẫn chưa thể chính thức tham dự vào cuộc sàng lọc này vì có vẻ khó được Dân Tộc chấp nhận. Người Việt và người Hoa chung sống với nhau rất tình nghĩa thì đấy lại là chuyện khác). Sự tranh chấp ác liệt hơn cả là giữa con đường chọn Mỹ và con đường chọn Liên Xô. Con đường chọn Liên Xô thắng trong hiệp đầu, nhưng rồi Liên Xô đổ, con đường cũng đổ theo, đấu thủ này bỏ cuộc. Việc người Cộng sản vốn dẫn đầu trên con đường đánh Mỹ để chọn Liên Xô, nay sẽ lại tranh thủ thời gian, ngoặc ngay sang con đường chọn Mỹ để lại tiếp tục đi đầu, chỉ là cái lôgic tất yếu. Nhưng bước ngoặc này làm sao thực hiện được, khi trong danh sách "kẻ thù" của ý thức hệ công khai Mỹ vẫn ở ngôi sao số 1? Thế thì: Trong khi chờ để có một nước cờ công khai chuyển thế, buộc phải bắt đầu bằng "đi đêm". Cái lôgic tất yếu này, ngồi trong xó bếp cũng có thể suy ra, chưa cần đến thông tin về vụ đi đêm này, việc móc ngoặc nọ mà Đảng ta không thể dấu được. Bài ca đạo đức chỉ là việc giao cho mấy anh tép riu, cò mồi, đứng giữ trật tự ở vòng ngoài.

Nên hy vọng ở Mỹ hay nên đề phòng? Việc lập quan hệ toàn diện với Mỹ là tốt hay xấu? Cả hai khả năng ấy đều thường trực! Vì Mỹ vẫn là Mỹ hai mặt. Vừa là anh nhà buôn khổng lồ, sẵn sàng bán người khác để mua quyền lợi cho nước mình, vừa là sứ giả cứu tinh cho nhân loại. Đối với Việt Nam, Mỹ sẽ là sứ giả của Dân Chủ, Nhân Quyền hay chỉ là anh lái buôn, điều đó do nội tình của Việt Nam quyết định. Nhân dân Việt Nam xứng đáng ở tầm nào, Mỹ sẽ "chơi" ở tầm đó. Nếu Việt Nam tự khẳng định mình là một dân tộc có nhân phẩm, đang đấu tranh đòi người cầm quyền nước mình phải hòa nhập vào thế giới văn minh bằng con đường quang minh chính đại, thì Mỹ sẽ quyết đóng trọn vai người anh hùng nghĩa hiệp. Nếu nhân dân Việt Nam tự bộc lộ mình là đàn vịt trong trại thì Mỹ chỉ làm ăn với ông chủ trại thôi! (nội tình trong anh thế nào thì cha con nhà anh tự xử với nhau, cứ có lợi nhuận cho tôi bỏ túi là được). Trong tình thế ấy, anh lái buôn và người chủ trại tuy là hai đối thủ mặc cả với nhau nhưng đồng lõa với nhau trong việc kiếm tìm lợi nhuận trên lưng đàn vịt. Nếu cả anh lái buôn lẫn người chủ trại đều đại thắng lợi thì đàn vịt hãy liệu chừng, chứ đừng thấy người khách vứt cho nắm thóc đã vội nhao nhao, đạp lên nhau mà ăn. Người dân Việt xin đừng quá lo nước mình không có Đảng đối lập mà hãy biết sợ rằng đến một lúc Đảng đối lập sẽ ra đời, nhưng chẳng có cái nào của mình!

Hai triệu người Việt ở nước ngoài là một nhân tố có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Lịch sử hình thành cộng đồng người Việt hải ngoại này là một quá trình sàng lọc, khiến nó có ưu điểm mà không một quốc gia tự nhiên nào có được. Sàng lọc về trình độ người ra đi và sàng lọc về trình độ của quốc gia mà người ấy đến sinh sống. Về nhiều mặt, nếu lấy trình độ trung bình trong nước làm chuẩn thì người Việt ra đi nói chung có trình độ cao hơn, trong đó không ít người tài giỏi và giữ bền tấm lòng đối với đất nước, lại được sống trong nước tiên tiến nhất, có văn hóa nhất. Tuy bị hạn chế bởi nhược điểm phân tán, phân ly, nhưng cái tổng lực khổng lồ ấy nhất định sẽ có đóng góp đặc biệt cả về xây dựng kinh tế, lẫn xây dựng dân chủ.

Việc đánh giá đúng vai trò rất cao của các nước tiên tiến và của Việt kiều không được làm mờ đi cái nguyên lý biện chứng: Cái bên trong là quyết định, cái bên ngoài chỉ có tác dụng thông qua cái bên trong. Từ thái cực bài ngoại, mang nặng đầu óc thù địch, nhiều nhà lý luận và chính trị Mác-xít bây giờ lại nhảy qua thái cực tìm sự đồng điệu ở bên ngoài Dân Tộc, ở phía thù địch cũ. Từ công thức "chống Tư Bản, chống Đế Quốc Mỹ và Tay Sai" lại nhảy sang cái mốt (mode) lấy "quan hệ và lời khen của Tư Bản, Đế Quốc và Tay Sai" làm chuẩn để chứng minh là phương án đổi mới của mình là đúng, lấy đó làm điều hãnh diện hả hê, để khước từ và trù dập ý kiến khác phát xuất từ trong lòng mình, từ trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, thậm chí trong nội bộ ban lãnh đạo của mình. Cái đó là gì, nếu không phải là sự tự phá sản về lý luận, là tự bộc lộ cái não trạng duy lợi và thực dụng? Chưa thể quá tin vào một thế giới lý tưởng mà quên rằng sự công bằng, dân chủ là vấn đề nội bộ của mình. Giả sử có một chính sách mà tất cả các nhà buôn và nhà chính trị toàn thế giới đều ca tụng thì cũng chắc gì đã đồng nghĩa với hạnh phúc của người dân!
Ngụy Biện Chí Phèo:
21) Nhà của anh, anh đang toàn quyền, nay có thằng ở ngoài nó đòi chia nhà của anh, anh có chịu được không?

22) Chủ nghĩa Xã hội thì là cái vớ vẩn rồi, phải bỏ thôi. Nhưng người chiến thắng phải được hưởng chiến lợi phẩm cũng là lẽ công bằng.

23) Nói lý thuyết thì nói thế thôi, giai cấp thống trị nào chẳng có quyền lợi riêng, Đảng mình cũng là người chứ đâu là thánh mà không cần quyền lợi?

24) Lúc Đảng lãnh đạo gian khổ sao không Đảng nào vào đãy chia sẻ, nay lại đòi chia sẻ?

25) Thế giới đâu cũng thế cả thôi! Ông tưởng ở Mỹ có dân chủthật hả? Tay Trần văn Anh hắn nói đúng đấy, Cộng sản hay Thiên chúa đều chẳng ra gì, nhưng trong hai cái xấu thì phải chọn cái Cộng sản, ít xấu hơn!

26) Các anh đừng có ảo tưởng về dân chủ mà làm bậy, chống chế độ thì ở Mỹ cũng bị đi tù!
27) Quy luật phải phù hợp với tình hình thực tế, trình độ dân mình thế thì Đảng cai trị thế là đúng quy luật. Một nhúm trí thức, văn nghệ sĩ không thể tiêu biểu cho dân được.

28) Nói Đa nguyên là phải dựa trên thực tế, thực tế ta làm gì có lực lượng nào ra hồn? Đảng cứ trưng cầu dân ý thật thì các anh Đa nguyên cũng thua chỏng gọng chứ đừng tưởng bở!

29) Dân mình không cần tự chủ, cứ quân chủ là thích hợp. Cụ Hồ sai lầm là không lên ngôi vua.

30) Đa số dân mình còn đang cần ăn no mặc ấm là đủ rồi, họ biết dùng dân chủ làm gì đâu, đưa dân chủ vào sớm chỉ tổ họ làm bậy.

31) Nay hết bao cấp rồi, phải có tiền, thật nhiều tiền, nếu không con cháu mình làm sao có thể học hành cho thành tài, sao có thể cạnh tranh được! Phải lao vào thị trường thôi, phải chơi với bọn Tư bản thôi, nếu phải leo lên đầu thằng khác thì cũng phải leo thôi! Xã hội đi vào quỹ đạo ấy là đúng rồi! Đừng bàn lùi nữa, không được đâu!

- Tất cả Ngụy Biện này là tự xé toạc tấm màn đạo đức giả, để "chơi bài ngửa", nói toẹt ra. Rất nhiều yếu tố trong đó là sự thật, thậm chí có phần rất đúng, nhưng là thứ sự thật trần truồng, phiến diện, vô cảm của kẻ vì bị dồn đến chân tường nên buộc phải trút bỏ tất cả nhãn hiệu đẹp đẽ mà mình vẫn nhân danh, để lộ nguyên hình duy lợi, thực dụng, vô văn hóa, vô lý tưởng của một chủ nghĩa đấu tranh sinh tồn ở cấp độ bản năng.

Dư luận chắc không thể quên tấn bi hài kịch về bức thư gửi Bùi Tín của một "kẻ chống Cộng" ở Mỹ tên là Trần văn Anh (thật hay giả?), nhưng lại do các tổ chức Đảng của ta phân phát, và Tạp Chí Cộng Sản của Đảng ta giới thiệu. "Kẻ chống Cộng" ấy muốn nhắn nhủ điều này: "Dân tộc Việt Nam chỉ có 2 con đường: theo Cộng sản hoặc theo Công giáo, cả hai đều tồi tệ, nhưng trong hai cái tồi tệ thì phải chọn cái ít tồi tệ hơn, đó là Cộng sản!!!"

Việc nói cả hai đều tốt hay đều tồi tệ là quyền nhận định của mỗi người, điều ấy chưa quan trọng. Điều quan trọng là khẳng định chỉ có khả năng chọn trong hai cái xấu, không có con đường trong sáng nào khác. Chúng ta cũng đã thường được nghe giải thích: "Đừng kêu ca làm gì, trên đời đã ở đâu có dân chủ thật sự đâu mà đòi!" Chúng ta biết rằng con đường xây dựng Dân Chủ, Công Bằng là con đường vô tận thật, nhưng trên con đường ấy loài người đã đi được đoạn dài, rất dài và rất đáng nâng niu gìn giữ. Nhân loại phát triển không đều, trình độ dân chủ của các nước chênh nhau cũng xa lắm, người đi sau phải biết trân trọng và noi gương người đi trước, đấy là cách nhìn nhân bản mà con người phải biết dạy cho nhau. Nếu coi ai cũng như ai, chưa đâu có văn minh đáng cho mình học, thì sẽ xóa nhòa hết mọi ranh giới. Như thế địa cầu sẽ tối xầm lại, và cái ác, cái Lạc Hậu sẽ không được nhận diện để cô lập và canh chừng, cái Dã Man sẽ ngang nhiên giáp mặt với mọi người và thế giới sẽ kinh khủng không lường được! Phải lên án không thương tiếc cái Ngụy Biện vừa tuyệt vọng vừa dã thú này!

Điều làm mọi người day dứt là chính Ngụy Biện này lại ở trong miệng, trong tai, trong tay người nhân danh Đạo Đức, từ xưa đến nay vẫn tuyên truyền bằng Đạo Đùc. Phải dùng đến Ngụy Biện này và tin vào hiệu quả của nó, chứng tỏ lòng người đi tuyên truyền không còn tin gì ở con bài Đạo Đức, trái lại tin rằng cái chất phi nhân chứa trong lập luận kia sẽ vào được lòng người (!)
Ngụy Biện khác loại này, thiết tưởng chẳng đáng để phân tích gì thêm. Xin nhường diễn đàn cho một gã chuyên đánh vợ. Gã vũ phu đánh vợ, hàng xóm sang can, gã bảo: Ngày trước, khi tôi phải đi "tìm hiểu", cưới xin, lo toan... bao nhiêu vất vả, tốn kém thì lúc ấy sao không thấy mặt các anh đâu? "Mất tiền mua mâm, tôi phải đâm cho thủng"! "Nhân Quyền" gì cũng phải nhập gia tùy tục. Nhà này tôi là chủ, đặc điểm nhà tôi không có bình quyền như nhà các anh được! Vâng, tôi phong kiến, nhưng vợ tôi nó không có nhu cầu đổi mới thì việc gì đến các anh? Cái gậy này của tôi cũng là "của vợ, do vợ và vì vợ" đấy! Các ông mượn cớ bênh vực Nữ Quyền để can thiệp vào gia đình tôi là không được! Cứ để yên rồi tôi sẽ cho nó được bình quyền, nhưng bao giờ "cho" được thì tôi sẽ "cho", chứ cấm không được đòi! Gia đình tôi lại không dân chủ gấp triệu lần gia đình các anh ấy chứ, lại đòi giáo dục tôi à? Nghe nói ngày xưa gã ấy là du kích nên không ai dám đánh nổi cái lý thuyết "Dân Chủ" của gã. Chính quyền ta đã mấy lần định bắt gã đi "học tập" cho gã sợ mà chừa đi, nhưng chị vợ ốm nhom cứ lăn xả vào, mếu máo xin cho gã, nên đành chịu.
Cao Đạo, Lẫn Tránh:
32) Chính trị là bẩn thỉu, dính đến làm gì? Ông cứ lo viết văn, lo làm khoa học, làm nghệ thuật có phải vừa thanh cao lại vừa an toàn, vừa bổ ích không?

33) Sôi sục bao năm nay mới biết là vô nghĩa, tôi chán hết mọi thứ rồi, nay chỉ muốn yên thôi. Tôi lo kiếm ăn, còn thì giờ thì chơi cây cảnh, khoẻ người mà lại có tiền!

34) Ông Mác cũng như ông Giê-su, ông Thích Ca, muốn cho đời tốt thôi, chẳng ông nào sai cả! Sai là do kẻ lợi dụng các ông ấy, kẻ lợi dụng ấy thời nào chẳng có?

35) Giải pháp gì cũng vô ích, vì con người tham, sân, si mà ra cả. Cái gốc là phải trở về cái gốc thiện của Con Người! Bây giờ tôi đang nghiên cứu Kinh Dịch! Phải đọc Phật Giáo ông ạ! Đấu tranh giai cấp đã là sai rồi, nay lại đấu tranh chống nó thì lại sai tiếp. Vấn đề là Thiện và Ác thôi. Ông nên đi vào Thiền, Yoga, khí công, nhân điện... là thấy thanh thản ngay!

- Lời khuyến thiện đầy tính chất tu hành, đạo sĩ này hầu hết là từ đảng viên Cộng sản trí thức, sĩ quan cựu chiến binh cách mạng, nhà khoa học, nhà văn nhà báo dở dang, thành viên tích cực của các phong trào đấu tranh chống Mỹ Ngụy trước đây..., nghĩa là từ người trước đây vốn sôi sục lý tưởng, hăm hở nhập thế. Điều ấy thì không lạ. Vì chính người quá yêu đương say đắm thì khi thất tình mới quyết tâm cắt tóc đi tu. Đạo Duy Vật Mác-xít một thời ngự trị cả phần hồn phần xác người ta, bây giờ Đạo ấy vô hồn, để lại cho xã hội một khoảng trống. Điều ấy cũng dễ hiểu.
Điều kỳ lạ là sự tài tình của người sử dụng trào lưu ấy. Khi xưa anh hiếu động là trúng ý của tôi. Bây giờ anh bất động, lại càng trúng ý của tôi. Cái con người tâm linh của anh chạy ngược chạy xuôi thế nào cũng thuộc về tôi cả! Xưa nay đã tôn giáo nào làm được điều ấy? 

36) Phân tích, đấu tranh thì nghe cũng phải đấy, nhưng không thay đổi được gì đâu, cái Ác mạnh lắm, lì như bê tông, làm gì được! Thôi thì Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách!"

- Thái độ bi quan này là do chỉ nhìn thấy biểu hiện bên ngoài. Thử hỏi cái mà anh cho là vững mạnh vô địch kia là cái gì? Chủ nghĩa Mác-Lênin chăng? Tư tưởng Hồ Chí Minh chăng? Xin thưa, bảo vật thiêng liêng kia chỉ là cái vỏ bày triển lãm thôi, ruột gan bên trong đã đánh tráo từ lâu rồi.

Một khối bê tông mà chất xi măng gắn kết đã mủn ra thì thanh sắt, cục đá bên trong dù có giữ nguyên độ cứng rắn cũng chỉ còn là thanh sắt, cục đá, khiêng đi đâu chẳng được. Huống chi thanh sắt, cục đá ở đây lại là vật liệu rất mẫn cảm với lợi quyền, trong bóng tối cứ gặp đô-la là rã ra từng mảng! Nhưng không phải ai cũng bị lợi quyền làm cho hủ hóa. Người tử tế thì mẫn cảm với Trí Tuệ và Lương Tâm. Trí Tuệ và Lương Tâm bao giờ cũng thuộc về Dân Tộc và Thời Đại mà đại diện của nó cứ xuất hiện ngày càng nhiều. Người Cộng Sản lão thành, nhất là người xuất thân trí thức, mấy chục năm trước tuy hát khúc lợi quyền nhưng hồn đâu có ở chỗ lợi quyền mà quyện theo hồn sông núi, nay đã có đủ độ lùi để nhìn rõ vết chân mình đã qua, lẳng lặng bỏ sinh hoạt Đảng.

Rất nhiều đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ Đảng cao cấp, bằng vai phải lứa (hoặc đàn anh) của Ủy Viên Bộ Chính Trị đương nhiệm đã công khai phê phán chính bộ phận tối cao của Đảng, đã phê phán chính Mác và Lênin, phê phán từ đường lối chiến lược của Đảng đến ngụy án và nghi án mà Đảng cố tình bưng bít. Tầng hàng rào kẽm gai bảo vệ bóng ma chủ nghĩa cứ lần lượt bị phá, ngày càng tiếp cận trung tâm, là bởi con người có "tấm lòng Cộng sản" trong sáng đã dần dần tự giải thoát khỏi cái hàng rào "ý thức Đảng, kỷ luật Đảng" bấy lâu vẫn trói chặt lương tâm và nhân cách mình. Cuối đời, nếu không hành động một chút theo lương tâm thì phút lâm chung làm sao nhắm mắt được? Đảng ta đã vu cáo đảng viên yêu nước rất trung trực như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Dương Thu Hương (và hàng loạt đảng viên trong vụ án chính trị Hoàng Minh Chính)... là phản động, liệu có thể cứ tiếp tục vu cáo như thế với các ông Lê Giản, Nguyễn Trung Thành, Ngô Thức, Trần Độ, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Đào... và rất nhiều cán bộ đảng viên khác, là người Cộng sản đã dành trọn đời mình cho cuộc tranh đấu của Dân Tộc nhưng không tán thành cách làm của Đảng hiện nay, người mà danh sách họ cứ ngày càng dài thêm, người Cộng sản mà Đảng chưa kịp khai trừ đã được nhân dân giang tay ra đón?

Điều Đảng ta dễ làm nhất là vận hành cái bộ máy ngụy biện khổng lồ của mình. Nhưng mặc dù liên tục được lên dây cót trên đầu và rót kinh phí vào bụng, bộ máy ấy vẫn cứ xỉu dần. Trong một buổi lên dây cót, Tổng Bí Thư Đỗ Mười đã phải lấy tay đập đập vào cỗ máy khổng lồ ngủ gật ấy như sau: "Chúng ta phải có ý thức về cuộc đấu tranh tư tưởng. Các cán bộ trong các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các nhà chính trị, các nhà văn hóa phải có thái độ, phải lên tiếng. Tại sao lại ngồi yên ở vị thế bị động suốt mấy năm nay? Sắp tới còn bị động nữa nếu ta không bàn và thống nhất với nhau; nhất là các viện nghiên cứu mà không nghiên cứu sâu thì không thể đấu tranh với địch được!" (!).

Khổ, mà "địch" là ai? Đế Quốc Mỹ thì chắc không phải, vì nếu Mỹ là địch thì sao mỗi lần gặp địch Đảng lại tươi tỉnh thế? Chủ lực của "Địch" ở đây là mấy anh cán bộ của Đảng, bị Trí Tuệ và Lương Tâm Con Người đánh thức, nên lại ân cần đánh thức Đảng dậy để tỉnh táo ứng xử cho Dân Tộc được nhờ, dầu biết trong số người mà mình phải đánh thức ấy, nhiều anh chỉ ngủ giả vờ thôi (!)

Nhiều lúc tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu nội bộ Đảng có đoàn kết được với nhau trong đường lối nhị nguyên "Làm Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" này không? Và tôi tự giải đáp thế này: Bây giờ không bao cấp nữa, anh nào làm anh ấy ăn. Vậy bộ phận Đảng làm Kinh Tế Thị Trường ắt có ăn lớn. Còn bộ phận chính trị, tuyên huấn chuyên lo về cái định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa thì chắc thiệt thòi hơn, cái lẽ công bằng chắc phải đặt ra.

Nếu toàn Đảng đều nhất trí quan hệ mật thiết với Mỹ thì điều này sẽ tác động rất dễ vào hai bộ phận chiến lược của Đảng: Về Kinh tế thì Mỹ sẽ phải ngồi ghế "người bạn lớn nhất" vì tài chính lớn do Mỹ nắm, nhưng về chủ nghĩa thì Mỹ vẫn không được rời cái ghế "kẻ thù số 1", chuyên nghề "diễn biến hòa bình". Phải chờ xem Mỹ chấp nhận diễn vai kịch kép này thế nào. Đảng ta muốn "làm bạn" với tất cả mọi người, thì cái bộ phận giữ gìn chủ nghĩa của Đảng cũng có quyền "làm bạn" với Mỹ chứ, chỗ này cũng phải tài tình lắm mới lãnh đạo được. Nếu Đảng cứng như khối bê tông thì chỗ này cũng phải uyển chuyển. Khối bê-tông vô địch thuở nào nay đang tự giải thể, không phải do một lực cơ học nào tác động!

Đáng lưu ý chăng lại là khối bê tông mới hình thành, đang là trở ngại chính trên con đường đổi đời của Dân Tộc hôm nay: vật liệu thoái hóa của khối bê tông cũ, cùng với cặn bã mới từ nhiều nguồn và một số cấu tử ngoại nhập đã liên kết nhau bằng lực hấp dẫn của đô-la cùng vô số chất phụ gia hấp dẫn khác. Liên kết này tuy chỉ nhất thời nhưng trong điều kiện nhất định có thể trở nên liên kết cực mạnh, như liên kết mafia... Một giải pháp chân chính không có gì khác hơn là một quy trình nhằm hóa giải mối liên kết đó
III - Cái nút của giải pháp:
Nhiều người bảo tôi: Mọi điều đều rõ cả rồi, bây giờ chỉ cần nghĩ cách gì để thoát khỏi hiện trạng này, tiến ra nơi tươi đẹp, trong sáng mà không gây sứt đầu mẻ trán cho dân tộc, cách gì mà mọi người đều chấp nhận được! Ý kiến chính thống của Đảng cầm quyền hiện nay, cũng như ý kiến khác đều muốn đưa ra được một quy trình cụ thể, càng cụ thể, càng mạch lạc, càng chi tiết càng hay.

Đấy là việc phải làm, nhưng bài viết nhỏ này của tôi không trực tiếp tham dự vào công việc ấy, vì tôi hiểu công việc ấy thật khó, nhưng cũng thật dễ. Phút sinh nở của Lịch sử cũng dễ dàng như ở các bà mẹ vậy thôi, lịch sử vẫn đẻ như gà, nhưng thai nghén ra sao mới là việc khó. Thai nghén thế nào để cái sản phẩm tương lai đáp ứng đúng ước vọng của mình về mọi mặt? Mà cuộc thai nghén nào cũng là một cuộc thách đố, vì đều diễn ra trong hộp kín, chỉ khi cái hộp kín mở ra thì mọi sự mới tỏ tường. Sinh học hiện đại cũng chỉ mới dám mon men điều khiển phần giới tính của đứa bé thôi, đâu đã dám đoạt quyền tạo hóa để điều khiển chất lượng bẩm sinh mà tạo hóa luôn tác thành trong bóng tối?

Bài toán thai nghén xã hội của chúng ta còn khó gấp vạn lần bài toán sinh học. Đứa con của Lịch sử sẽ quyết định hạnh phúc không phải của một gia đình mà hàng triệu gia đình. Nóng vội, đẻ non tất nhiên cũng không nuôi được, nhưng lại không thể thụ động ngồi chờ, vì Lịch sử sinh sôi đâu có hẹn kỳ, từng phút từng giờ đều có ma quỷ từ muôn kiếp trước tranh nhau về đầu thai! Khi mắt trông thấy đứa hài nhi, là một "Người" lai, trên trán có sừng chẳng hạn, thì ván đã đóng thuyền rồi! Tạo hóa đánh đố ta, nhưng lại mách nước cho ta bằng "quy luật". Vậy ta phải cùng nhau nghiền ngẫm kỹ quy luật ấy.
1/ DẤN TRÍ là nền và là điều kiện cho Chương trình Cải cách!
Tuy lịch sử luôn có ngẫu nhiên nhưng quy luật chung là: Dân tộc nào thì số phận ấy. Số phận một Dân tộc do Dân trí của Dân tộc ấy quyết định. Nếu Dân trí chưa đủ cao để đón nhận thì một cơ hội nổ ra chỉ càng tạo điều kiện để thế lực cơ hội chiếm lĩnh. Chỉ vận hội do sự vận động tích cực của Dân trí sinh ra mới là vận hội thực. Việc thị trường hóa, công nghiệp hóa, bình thường hóa với Mỹ, A-sê-an hóa, Rồng hóa... đều có tính hai mặt cả, đều là con dao hai lưỡi. Dân chớ vội thấy mà mừng. Đáng mừng hay đáng lo là do trình độ Dân trí của mình quyết định.

Nhân đây, chúng ta cũng nên mở ngoặc để nói với người có thiện ý giúp chúng ta. Mọi sự đều có hai mặt, cùng một việc nhưng hiệu quả tốt hay xấu là do điều kiện kèm theo. Không chú ý đến điều kiện thì có khi thương nhau lại hóa bằng mười phụ nhau đấy. Nhà yêu nước Miến điện Ôn-san Su-chi vừa được thả tự do liền có lời với các nước tiên tiến rằng: "Chúng tôi sẽ rất cần viện trợ, nhưng ngay bây giờ thì hãy khoan!" Bà có thể lại bị bọn chính quyền quân sự vu rằng như thế là làm hại cho đất nước, nhưng chúng ta phải lấy đó là một lời dạy về lòng yêu nước thông minh!

Tôi chưa xây xong cái kho đựng thóc, mà anh cứ vội mang thóc viện trợ đổ đầy đường thì chỉ béo lũ chuột. Dân chưa thành chủ, mà các anh đã bày tiệc linh đình thì bọn đầy tớ ăn hết. Mọi sự vật, mọi quá trình đều có tính đồng bộ nhịp nhàng bên trong. Chỉ cần làm so le đi một chút để phá vỡ tính đồng bộ ấy là đủ lộn ngược hết thảy. Bên nào cũng có thể lợi dụng quy luật này. Nói đổi mới Kinh tế và Chính trị là nên làm song song, hay cái này trước, cái kia trước đều không đúng. Vì không nhất thiết lúc nào cũng song song hay lúc nào cũng giữ cự ly cái trước cái sau. Vấn đề là có đồng bộ hay không! Muốn biết nhịp điệu thế nào là đồng bộ thì phải xét trong từng việc, từng lúc, lấy hiệu quả và mục đích cuối cùng mà đo. Đồng bộ là sự phối hợp vừa có nguyên tắc lại vừa linh hoạt, hợp lý như người đánh võ.

Kinh tế phải đồng bộ với Chính trị và Văn hóa. Viện trợ từ ngoài phải đồng bộ với Dân trí bên trong. Dân trí phải đồng bộ với Dân khí, Dân sinh. Toàn bộ sự nghiệp đổi mới thì phải lấy DẤN TRÍ làm nền. Trên cái nền Dân trí càng thấp thì đề án lừa mị càng mạnh càng dễ thuyết phục, trái lại đề án chân chính càng mạnh càng không có tính khả thi. Khi Dân trí cao hơn, thì chương trình đổi mới mạnh dạn ấy lại thành khả thi. Tuy nhiên, không thể chờ xây dựng tốt Dân trí mới bắt đầu làm mọi việc khác. Vậy nên phải có sự đồng bộ giữa xây dựng Dân trí và Cải cách xã hội. Dân trí cao hơn một bước thì cuộc Cải cách lại có thể đưa ra yêu cầu cao hơn một bước... Hai mặt cứ tương hỗ nhau nhiều lần trong suốt quá trình. Xây dựng Dân trí và Cải tổ cung đình cái nọ tạo cơ hội cho cái kia. Không thể đặt một chương trình cách mạng ảo tưởng theo kiểu làm một lần là xong, đi một mạch là tới đích!

Chủ nghĩa cơ hội luôn thù địch với Dân trí và lợi dụng Dân trí. Điều kiện lý tưởng cho bất cứ bọn cơ hội nào là: Dân tộc thì ngủ, nhưng họ thì thức. Người lớn cũng giống trẻ con, khen thì dễ ngủ. Ả ngoại tình chẳng thường cho con cái kẹo, nựng vài câu cho con nhỏ lăn ra ngủ để mình thu xếp "vận hội" là gì? Dân trí của ta còn thấp, nếu không muốn nói là rất thấp, cả người của trường phái nựng Dân tộc cũng không thể nói rằng Dân trí đã cao. Nhưng khác nhau ở chỗ có dám vạch rõ "thấp" ở chỗ nào, và ủng hộ hay ngăn cản nhân tố căn bản để nâng cao Dân trí.
2/ CÔNG KHAI là điều kiện quyết định để nâng cao Dân trí:
Trong mỗi bài viết, nhất là trong phần nói về Tính cách Việt Nam" (bài Đôi điều suy nghĩ..) và phần "Vượt Qua Ngụy Biện" (bài Chia tTy Ý Thức Hệ) tôi đã cố gắng phác họa bức tranh chung về Dân trí. Mỗi nhóm người có một đặc điểm riêng, nhưng theo tôi, nhược điểm chung nặng nề nhất cần phải khắc phục là:

* Ý thức xã hội của công dân rất thấp, trước một khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ vô cảm và trơ trước nỗi đau chung, nỗi đau đồng loại. Khi mở cửa, được tự do một chút thì cái gì của riêng lập tức phát triển, cái chung ngày càng tàn tạ. Rất nhiều cái túi riêng phồng lên là do cái kho chung cạn đi. * Chủ nghĩa thực dụng, du kích. Nhu cầu nhận thức thấp. Không có nhu cầu chính thống, chỉ chắp vá tùy tiện, "Vốn không rành mạch bao giờ" (thơ Nguyễn Duy), cốt sao được việc, cốt sao có lợi trước mắt, Việt Nam là thủ đô của Ngụy biện.

Muốn nâng cao Dân trí, điều kiện quyết định nhất là phải cung cấp tri thức và cung cấp thông tin. (Đồng thời, phải tạo điều kiện để người dân có thể làm chủ trong hoạt động kinh tế, kỹ thuật, văn hóa và chính trị của đất nước). Điều này nói thì đơn giản nhưng thực tế thì vô cùng khó khăn. Vì chế độ Đảng trị của chúng ta giữ độc quyền trong việc cung cấp tri thức xã hội và thông tin xã hội. Tất cả tri thức và thông tin ấy có nhiệm vụ phải củng cố cho một ý thức hệ phi khoa học, vừa duy tâm giáo điều, vừa duy vật thực dụng. Vì thế, sự nghiệp nâng cao Dân trí thực chất là cuộc đấu tranh không khoan nhượng về nhận thức giữa một bên là Tư duy mới với một bên là Ý thứ hệ cũ kỹ giả tạo cùng với biến thể rất mô-đéc của nó trước cuộc sống mới. Nói nâng cao Dân trí mà không tạo điều kiện cho tự do tư tưởng và tự do báo chí thì chỉ là nói suông, thậm chí là ý đồ kìm hãm Dân trí.

Nền tảng, cốt lõi của cuộc Đổi mới là DẤN TRÍ, linh hồn của DẤN TRÍ là CÔNG KHAI (Glasnost). Chừng nào chưa có CÔNG KHAI thì điều gì cũng có thể bị bưng bít, người dân không thể có hiểu biết đúng, và không được cung cấp thông tin, do đó mà không thể nâng cao DẤN TRÍ! Không được tiếp nhận đầy đủ mọi nguồn thông tin thì nói gì đến chuyện "làm chủ"? Rút cuộc thì cục diện đấu tranh giữa một bên đòi mở rộng tính CÔNG KHAI và một bên kìm hãm tính CÔNG KHAI sẽ quyết định sự tiến triển hay thoái bộ của toàn bộ quá trình đổi mới đất nước. Sự ủng hộ cho tính CÔNG KHAI là tiêu chuẩn số một để xét xem anh có muốn đổi mới thật hay đổi mới giả! Cứ xem tính CÔNG KHAI được mở rộng tới đâu thì biết công cuộc đổi mới đã đi được tới đó. Quan hệ toàn diện với Mỹ, vào khối Asean... là sự kiện quan trọng đối với Đổi mới nhưng không phải là thước đo thành tựu của Đổi mới.
IV - Triều đại phong kiến cuối cùng cần có sự thoái vị
1/ Thực Chất Trào Lưu Cộng Sản và Phương Án Đổi Mới Hiện Nay
Trong phần 2 và phần 3 tôi đã trình bày thực chất của Trào lưu Cộng sản thế giới thế kỷ 19-20 và vai trò tích cực cũng như tiêu cực của nó trong lịch sử.

- Về Triết học, về Tiến hóa luận thì Chủ nghĩa Duy vật lịch sử là một lý thuyết tư biện, duy tâm chủ quan và siêu hình, cực đoan và phiến diện, đem phong trào nhất thời làm quy luật tổng quát. Lý luận ấy chỉ có giá trị để phê phán xã hội lúc ấy, chứ không thể hòa nhập vào thế giới ngày nay, lại càng không thể dùng vào việc xây dựng một xã hội văn minh sau này.

- Về Chính trị học, đó là biến tướng của nền Đức trị phong kiến mang màu sắc Công nghiệp, (thậm chí mắc bệnh Công nghiệp"), nó mâu thuẫn về nguyên tắc với nền Dân chủ của thế giới ngày nay, vì nó dựa hẳn vào nền đạo đức giả định của một giai cấp tiền phong giả định, để cố định một bộ máy chuyên chính thật của một Đảng độc quyền thật, nhân danh nhân dân để tước đoạt hoặc ức chế quyền làm chủ của nhân dân. Chuyên chính Vô sản là cuộc thử sức cuối cùng của triết lý Đức trị trước Lịch sử, là ngọn lửa Phong kiến sắp tàn lại bùng lên một lần cuối cùng trước khi tắt hẳn.

- Đối chiếu với giá trị phổ quát nhất và vững bền nhất của quá trình tiến hóa nhân loại là VẮN HÓA và NHẤN QUYỀN thì trào lưu tranh đấu dưới ngọn cờ búa liềm thế kỷ 19-20 là một trào lưu chân chính và tất yếu cho NHẤN QUYỀN tối thiểu, nhưng là một trào lưu ở tầm VẮN HÓA thấp.

- Trào lưu Cộng sản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử nói trên một cách xuất sắc, trong đó có thành quả về giành quyền tự quyết cho nhiều dân tộc bị áp bức.

Nhưng sau khi giành được NHẤN QUYỀN tối thiểu, nó lại ngộ nhận về vai trò lịch sử của mình. Đáng lẽ phải trút bỏ hoàn toàn nguyên lý chỉ dùng cho việc khởi hành, nó lại sử dụng nguyên lý ấy để đi tiếp đoạn đường mới đã khác hẳn về chất so với đoạn đường cũ. Ví như trong cuộc chạy tiếp sức, nếu đấu thủ vô địch ở đoạn đầu cho rằng không ai thay nổi mình nên cứ giành quyền chạy tiếp thì càng chạy càng đuối sức, và đội của anh ta chắc chắn sẽ về đích sau cùng. Vì quá kéo dài một ưu điểm, nên sau đó khủng hoảng đã bắt đầu rồi ngày một gia tăng. Bên cạnh sự suy sụp kinh tế là sự suy sụp văn hóa. Trong sự tha hóa toàn xã hội thì quan trọng nhất là sự tha hóa chính người nắm quyền lực, tức sự tha hóa của đội ngũ tiền phong của giai đoạn trước, vì chính điều này sẽ quyết định chiều hướng của cuộc đổi mới của giai đoạn sau.

Trước làn sóng Dân chủ hóa và Thị trường hóa toàn cầu của kỷ nguyên Văn minh Tin học, hệ thống thế giới Cộng sản không còn đủ sức bao cấp cho sự ổn định phi lý của mình. Sợi dây bảo hiểm đứt phựt, khối Cộng sản rơi tung tóe, mạnh ai nấy chạy. Quốc gia đã có chút truyền thống Dân chủ Tư sản thì tìm được đường về với cộng đồng nhân loại tương đối dễ dàng. Quốc gia kém tỉnh táo thì bị mâu thuẫn dồn ép bấy lâu trong cái vỏ ổn định giả tạo, nay bùng ra thành ngọn lửa nội chiến tàn bạo và đau thương. Riêng mấy nước châu Á phong kiến đặc sệt, sau phút choáng váng định bước theo nước Cộng sản đàn anh, thì định thần lại, thấy trong ngõ tối thâm u của núi rừng châu Á, vẫn có chỗ cho chúa sơn lâm có thể vạn đại dung thân, bèn rút quân về đó, cố thủ. Việc mấy nước Cộng sản châu Á trụ lại được trong cái vỏ Cộng sản có cái lý của nó. Trước đây, khi theo lý thuyết "Chuyên chính Vô sản" mấy nước ấy cũng không chính chuyên gì. Cộng sản châu Ấu mang tiếng là "xét lại" nhưng lại là Mác chính thống. "Chủ nghĩa Mao ít" châu Á bị xếp vào loại giáo điều, kỳ thực là giáo điều của Mao chứ đâu phải giáo điều của Mác. Mao trạch Đông đã từng tuyên bố là không có thì giờ để đọc Mác-Lênin! Cứ cái chất Phong kiến Gia trưởng mà cập nhật hóa đi là thành Chuyên chính chứ có khác gì lắm đâu mà phải học? người Cộng sản Việt Nam lúc đầu vào Đảng là để đánh Pháp đuổi Nhật chứ mấy ai được biết sách vở kinh điển của Mác ra sao ngoài mấy câu Mác-Lê truyền khẩu? Ngay từ đầu đảng Cộng sản châu Á đã đồng hóa chủ nghĩa Mác theo thể trạng của mình, để làm việc của mình. Vì thế khi thấy Mác lung lay, lãnh tụ Cộng sản châu Á đã kịp thời điều chỉnh đến mức cần thiết, thực chất là good bye Mác một cách không bịn rịn gì, đâu có dại chịu đổ theo Mác? Có thể bỏ chủ nghĩa Mác, chỉ lọc lại cái phần hữu ích nhất cho mình là sự độc quyền lãnh đạo, không chia xẻ với ai!

Đối với nền văn minh mới thì ta chỉ lọc ra để sài cái phần hữu ích nhất là Kinh tế thị trường và làm bạn với tất cả mọi người, nhất là người giầu có. Còn cái phần bất lợi cho mình là Dân chủ Đa nguyên thì vứt bỏ. Lọc lấy hai cái cốt lõi béo bở nhất của hai hệ thống ấy, ghép lại là thành nền văn minh hiện đại của ta. Thế mới hóm chứ! "Làm kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa" chính là đứa con lai láu cá đó. Trong cách tính toán ấy làm gì có DẤN?

Nhưng sự thành công của phương án châu Á ấy lại rất cần một yếu tố thuộc về Dân: đó là tình trạng nghèo khổ của Dân và tình trạng Dân trí thấp! Nếu Dân trí như ở Hung, ở Tiệp... thì thôi khỏi phải bàn. Dân trí thấp, nên cứ dọa cho một mẻ là yên. Nếu khéo tận dụng tình trạng Dân trí thấp ấy thì còn được Dân bảo vệ nữa. Thấy nói nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội trước không khí đổi mới hồ hởi năm 86-87 đã nắm tay đe: Đứa nào đòi pháp trị, Đa nguyên, động đến Đảng ông đánh bỏ mẹ! Dân chưa hiểu pháp trị là thể chế Dân chủ để bảo vệ mình khỏi các thứ TRị khác. Thấy nói pháp trị lại nghĩ là dùng luật PHÁP để TRị nên sợ hết vía, bèn đi cầu cứu lòng thương dân của Đức trị, khiến cho mấy ông Đức trị cười thầm: thế mới biết cái bẫy Đức trị của các Cụ thánh thật, càng say đạo đức, càng hướng thượng bao nhiêu thì càng rúc sâu vào bẫy của ta bấy nhiêu!
2/ Phải Bắt Đầu Từ Cách Nhìn Văn Hóa và Cách Ứng Xử Văn Hóa
Khi cuộc tranh đấu cho Quyền Con người còn ở tầm Văn hóa thấp thì nó chỉ xoay quanh nhu cầu sinh tồn tối thiểu, thiếu thứ ấy thì chết ngay, nên tâm lý tranh đấu là loại tâm lý đơn giản nhưng quyết liệt, cứ "một mất một còn", một là "chết", hai là "được cả thế giới"! Bây giờ đối với số đông trong xã hội ta, nhu cầu tối thiểu ấy đã được vượt qua, cuộc vận động để dân chủ hóa xã hội là cuộc tranh đấu ở một tầm Văn hóa cao hơn, nhưng tâm lý tranh đấu kia vẫn còn.
Bởi vẫn giữ tâm lý tranh đấu đơn giản nhưng quyết liệt ấy, người ta phân biệt nhau, kỳ thị nhau, quy kết nhau một cách hết sức đơn giản và võ đoán: đã phê phán học thuyết Mác-Lê tức là ăn phải bã của Thực dân, Đế quốc. Đã không tán thành cái định hướng Xã hội chủ nghĩa và phê phán đường lối của Đảng cầm quyền tức là phản động, phải bỏ tù. Đã phê phán sự độc quyền và yêu cầu dân chủ tức là nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Đã không còn "nguyện một lòng theo Đảng" tức là sa sút phẩm chất chứ không thể là tăng phẩm chất được. Đã có quan điểm khác với Đảng thì chắc là bất mãn vì thiệt thòi quyền lợi. Đã Đa nguyên là sẽ đánh nhau và có nguy cơ mất nước...vân...vân...

Cuộc sống Văn hóa dần dần sẽ giúp con người nhận ra sự đời không phải vậy, không gian của con người rộng rãi hơn thế nhiều, đường đời không phải chỉ một lối độc đạo. Cuộc sống rất đa dạng và luôn có nhiều khả năng. Ta sẽ nhìn các mâu thuẫn trên đời một cách khoan dung và có Văn hóa hơn. Trước sự bao dung của đồng loại ta sẽ thấy ngượng vì cái ý thức đấu tranh giai cấp quá thường trực và quá sắc bén của mình. Ta sẽ tự tin hơn, đồng thời biết tin người khác, hiểu rằng anh hùng khi hết sứ mệnh có thể cứ yên tâm mà rút lui, xã hội sẽ không vì vắng mặt anh mà tắc tỵ. Và nhất định sẽ đến một lúc tâm hồn ta thanh thản, để nhận ra rằng cuộc đời vốn vẫn Đa nguyên. Vươn được tới tầm nhìn Văn hóa, người ta sẽ có khát vọng Văn hóa, sẽ hiểu ra lẽ biện chứng nhân bản giữađấu tranh và dung thứ, đấu tranh mà tâm không ác, dung thứ nhưng không dung tha. Đấu tranh không phải vì "bất mãn" cho mình mà "bất mãn" thay cho người khác. Lòng trung thực buộc ta phải đẩy nhận thức tới tận cùng cho rõ trắng đen mà hành vi lại độ lượng.

Cuộc đấu tranh ở tầm Văn hóa thấp là cuộc chọn lựa giữa zêrô và số 1, cái mới phủ định hoàn toàn cái cũ, thua là hết sạch không còn gì. Cuộc đấu tranh Văn hóa cao là cuộc chọn lựa giữamột 9 một 10. Cái mới dẫu thắng vẫn bảo toàn cái cũ, chỉ nâng cao thêm một đoạn, nhưng là một đoạn không thể bỏ qua, vì chính cái đoạn nhỏ chênh lệch ấy xác định hẳn một tầm Văn hóa. Một bước tiến nhỏ ở tầm cao khó khăn hơn nhiều bước nhảy vọt ở tầm thấp. Giống như một quy trình sản xuất đã tối ưu rồi còn muốn tăng năng suất lên 0,1%. Giống như hai đội bóng ngoại hạng trứ danh vẫn phải phân ngôi nhất nhì trong một trận chung kết.

Có cái nhìn Văn hóa ta sẽ thấy cuộc đổi mới của chúng ta đã có rất nhiều mặt "được", nhưng lại có mặt "chưa được". Cái "chưa được" ấy dường như rất ít nhưng không thể nhân nhượng vì nó bao trùm như ánh sáng, như không khí ta thở, như nhân cách con người. Không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn. Nhưng đến một trình độ Văn hóa nhất định người ta sẽ thấy thiếu cái vi lượng con con ấy thì không sống được. Bởi sự "sống" lúc ấy đã bỏ xa nghĩa "sống" sinh vật. Có cái nhìn Văn hóa sẽ nhận ra rằng khi đã hòa nhập vào Thời đại để làm Kinh tế thị trường mà vẫn giữ ý thức hệ Vô sản độc tôn, thì mỗi câu mỗi từ trong "ngôn ngữ" giao tiếp của ta đều luôn hai nghĩa; trong khoảng vũ trụ "Nhị nguyên" này đạo đức chỉ là cái vỏ ngôn ngữ để phát ngôn bề nổi cho hợp "chủ nghĩa", ở tầng ngầm nó sẽ được tự động phiên dịch ra cái nghĩa trần trụi của một thứ Thị trường dã man. Và thói quen Ngụy trang này sẽ gậm nhấm cả một Dân tộc. Không thể bắt giống nòi phải trả cái giá ấy cho cái gọi là "sự ổn định", mà kỳ thực chẳng có gì ổn định ngoài sự ổn định quyền lực lãnh đạo của một tập đoàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More