Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Hebert Spencer: Quyền không đếm xỉa tới nhà nước

Herbert Spencer (1820-1903)
1 – Như một hệ luận của đề xuất «phải đặt mọi thiết chế dưới quy luật về quyền tự do, như nhau và bằng nhau  (1), của mọi người», chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài sự công nhận cho mọi công dân quyền tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật. Nếu mỗi người đều có tự do làm tất cả những gì mình muốn một khi không xâm phạm vào quyền tự do – như ta và bằng ta – của kẻ khác, thì hắn hoàn toàn có tự do cắt đứt mọi quan hệ với nhà nước, nghĩa là vất bỏ sự che chở của nhà nước, đồng thời từ chối chi trả cho sự bảo quản bộ máy nhà nước. Hiển nhiên là khi hành động như vậy, hắn chẳng dẫm chân lên quyền tự do của ai khác, bằng bất cứ cách nào hết cả, bởi vì đây là một thái độ thụ động, và khi giữ thái động thụ động thì hắn không thể nào là kẻ xâm lấn. Và cũng hiển nhiên là hắn không thể bị bắt buộc phải tiếp tục sống trong một cộng đồng chính trị mà không vi phạm đạo lý, bởi vì tư cách công dân bao hàm nghĩa vụ đóng thuế, và tước đi tài sản của một người nào trái với ý muốn của y là vi phạm quyền lợi của người đó. Chính phủ chỉ là một viên chức được nhiều cá nhân trả công để đảm bảo cho họ những lợi ích nhất định, nên ngay bản chất của mối liên hệ này đã hàm ý rằng nó tùy thuộc vào sự phát biểu của mỗi người là hắn muốn hay không muốn có một viên chức như thế. Nếu có ai đó quyết định không đếm xỉa gì tới cái liên hiệp an ninh tương trợ này, thì chẳng có gì để nói cả, ngoại trừ rằng hắn sẽ mất đi mọi quyền được giúp đỡ, và tự đặt mình vào nguy hiểm bị ngược đãi – điều mà hắn hoàn toàn có tự do làm, nếu thích.Hắn không thể bị giữ lại bằng bạo lực trong một tổ hợp chính trị mà không vi phạm quyền bình đẳng về tự do; hắn có thể rút lui khỏi tổ hợp đó mà không hề vi phạm vào quyền tự do, như nhau và bằng nhau này, của mọi người, và do đó, hắn hoàn toàn có quyền rút lui như vậy.

2«Không điều luật nhân tạo nào có chút giá trị gì nếu nó trái với luật tự nhiên ; và uy quyền của mọi luật lệ có giá trị do con người tạo ra đều xuất phát từ thứ quyền nguyên thủy này, trực tiếp hay gián tiếp». Blackstone (2) đã viết như thế, và ta hãy vinh danh ông vì đã vượt qua được tư tưởng của thời đại mình, và ngay cả của thời đại chúng ta, thật sự có thể nói như thế. Đây là một món thuốc giải độc tốt cho loại mê tín chính trị đang thịnh hành khắp nơi. Một cái phanh chặn đứng sự tôn thờ quyền lực còn đang lừa ta vào cái tròng của tệ thổi phồng loại đặc quyền của những nhà nước hiến định, giống như của các vương triều trước kia. Hãy làm cho mọi người hiểu rằng một chính quyền pháp trị không phải là «Thượng Đế trên Trái đất», mặc dù họ có vẻ nghĩ như vậy thật, do uy quyền mà họ gán cho nó, và những gì mà họ trông đợi từ nó. Hãy chỉ cho họ biết rằng nó chỉ là một thiết chế nhằm phục vụ cho một mục đích đơn thuần thế tục, rằng quyền hành của nó, khi không phải là đồ cướp bóc, thì trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là đồ vay mượn. Hơn nữa, há chúng ta chẳng thấy rằng tinh chất của mọi chính quyền, thực ra, là sự vô đạo lý hay sao? Phải chăng nó là con cháu của cái ác, và vẫn còn đeo quanh mình bao tì vết của cái nguồn gốc ấy? Phải chăng nó tồn tại vì tội ác tồn tại? Tội phạm càng nhiều thì nó càng mạnh, hay như chúng ta nói, càng chuyên chế , đúng không? Tội phạm càng giảm, thì càng có nhiều tự do, nghĩa là càng có ít chính quyền hơn, đúng không? Và khi hết tội phạm thì nhà nước cũng phải tiêu vong, chính vì loại đối tượng mà nó cần để thực hiện chức năng của mình không còn nữa, đúng không? Chẳng những quyền lực của bọn quan chức tồn tại vì tội ác, mà hơn thế nữa, nhờ có tội ác. Bạo lực được sử dụng để duy trì nó, và mọi hình thức bạo lực đều dẫn tới tội phạm. Lính tráng, công an,cai tù, và gươm giáo, gậy gộc, xiềng xích< đều là những công cụ để gây khổ não, và mọi hình thức gây khổ não đều sai trái, nói một cách trừu tượng. Nhà nước dùng loại vũ khí xấu ác để khuất phục cái xấu với cái ác, rồi bị lây nhiễm bởi loại đối tượng nhắm đến, cũng như thứ phương pháp sử dụng. Đạo lý không thể công nhận điều đó, đơn giản vì, là biểu hiện của luật pháp hoàn hảo, nó không thể tán thành bất cứ cái gì xuất phát từ, hay dựa trên, sự vi phạm thứ luật pháp này. Do đó, quyền lực pháp trị (3) không bao giờ là đạo lý cả, và chỉ vĩnh viễn phải là quy ước mà thôi.

Hệ quả là có một sự bất nhất nào đó trong cố gắng xác định vị thế, cấu trúc và hành động của nhà nước, bằng cách viện dẫn những nguyên lý đầu tiên của sự công chính. Bởi vì, như vừa được vạch ra, ta không thể nào làm cho thứ luật lệ của một định chế không hoàn hảo, từ cả bản chất lẫn nguồn gốc, phù hợp được với thứ luật hoàn hảo của đạo lý hết cả. Tất cả những gì ta có thể làm là xác định : thứ nhất, chính quyền pháp trị phải có thái độ nào đối với cộng đồng để tránh cho nhà nước trở thành hiện thân của sự bất công, chỉ bởi sự tồn tại của nó? ; thứ hai, chính quyền pháp trị phải được cấu tạo như thế nào để nhà nước biểu hiện ít mâu thuẫn nhất với quy luật đạo đức? ; và thứ ba, hành động của chính quyền pháp trị phải bị hạn chế vào khu vực nào, để ngăn cản nhà nước nhân lên những vi phạm vào sự công chính mà nó đã được dựng lên để ngăn ngừa?

Điều kiện đầu tiên ta phải tuân thủ trước khi một chính quyền pháp trị được dựng lên mà không vi phạm vào quyền bình đẳng về tự do, là sự công nhận cái quyền đang được bàn cãi ở đây : quyền không đếm xỉa tới nhà nước.

3 – Kẻ bênh vực chủ nghĩa chuyên chính thuần túy có thể hoàn toàn tin tưởng rằng sự kiểm soát của nhà nước là vô hạn định và vô điều kiện. Những ai quả quyết rằng con người được làm ra cho nhà nước , chứ không phải nhà nước được dựng lên cho con người, thì có thể nhất quán chủ trương rằng không ai có thể tự ý rút ra ngoài phạm vi của tổ chức chính trị. Nhưng ai đã khẳng định rằng nhân dân là nguồn gốc chính đáng duy nhất của quyền lực – nghĩa là cho rằng quyền lực pháp trị không phải là cái căn nguyên mà là cái được ủy thác – thì không thể chối bỏ quyền không đếm xỉa tới nhà nước mà không tự giam mình trong sự phi lý. Bởi nếu chính quyền là do ủy thác, kết quả sẽ là người ủy thác là chủ nhân của kẻ được ủy thác ; một kết quả khác nữa sẽ là họ đã tự nguyện ủy thác trong tư cách chủ nhân, và điều này có nghĩa rằng họ có thể cho hay rút lại sự ủy thác này tùy ý. Gọi cái bị giật khỏi tay con người là ủy thác, bất chấp họ có đồng ý hay không, là điều vô nghĩa. Nhưng cái gì là đúng cho mọi cộng đồng thì cũng đúng cho mỗi cá nhân riêng lẻ. Một chính quyền chỉ có thể hành động hợp lẽ cho nhân dân khi được họ cho phép, cũng y hệt như thế, nó chỉ có thể hành động hợp lẽ cho mỗi cá nhân khi được anh ta cho phép. Nếu A, B và C cùng bàn bạc xem họ sẽ dùng hay không dùng một viên chức để cung cấp cho họ một dịch vụ nào đó, và nếu cả A lẫn B đều nhất trí sử dụng trong khi C không đồng ý, thì công minh mà nói, C không thể nào bị cưỡng ép tham gia như một thành phần vào thỏa thuận ấy. Và điều này phải đúng cho ba mươi người cũng như cho ba người ; và nếu nó đúng cho ba mươi người, thì tại sao lại không đúng cho ba trăm, ba nghìn hay ba triệu người?

4 – Trong số những mê tín chính trị được ám chỉ ở trên, không có cái nào được phổ biến khắp nơi như ý tưởng cho rằng tập hợp đa số có toàn quyền. Do ấn tượng là sự duy trì trật tự luôn luôn đòi hỏi rằng quyền lực phải nằm trong tay một phe phái nào đó, ý thức đạo lý của thời đại ta cảm thấy rằng một quyền lực như thế không thể được đúng đắn giao cho bất cứ ai, mà phải giao cho phần nửa lớn nhất của xã hội. Nó diễn giải ngạn ngữ «ý dân là ý Trời» theo nghĩa đen, rồi chuyển tính linh thiêng của vế sau sang vế trước, để kết luận rằng ý dân – nghĩa là ý kiến của đa số – là phán quyết chung thẩm. Tuy nhiên, sự tin tưởng này là hoàn toàn sai lầm. Để lập luận, hãy giả sử rằng một chính quyền đại diện hợp pháp cho công luận nào đó, vì kinh hoảng trước họa nhân mãn gần kề, dự tính ban hành một sắc luật theo đó tất cả mọi đứa trẻ sắp sinh ra trong vòng mười năm tới sẽ bị trấn nước cho tới chết. Có ai nghĩ rằng một đạo luật tương tự là có thể bênh vực được chăng? Nếu không, hiển nhiên là có một giới hạn cho quyền lực của số đông. Hãy giả sử thêm rằng có hai chủng tộc cùng sống chung trên một lãnh thổ – dân Celts và dân Saxons chẳng hạn – và bên đông dân hơn quyết định bắt mọi cá nhân của bên kia làm nô lệ. Quyền lực của đa số, trong một trường hợp tương tự, có giá trị gì chăng? Nếu không, hẳn nó cũng còn phải tuân phục một cái gì khác. Hãy giả sử thêm, một lần nữa, rằng tất cả những người mà thu nhập hàng năm thấp hơn năm mươi bảng Anh cùng quyết định hạ tất cả mọi thu nhập nào vượt quá con số này xuống tới mức chuẩn của họ, và tước đoạt phần vượt trội cho công quỹ. Quyết định của họ có thể được xem là chính đáng chăng? Nếu không, phải thú nhận, lần thứ ba, rằng còn có một thứ luật mà tiếng nói của số đông phải tuân phục. Cái luật đó là gì, nếu không phải là công lý thuần khiết – quy luật bình đẳng về tự do? Những giới hạn mà ta đặt trước ý muốn của số đông đều chính xác là những giới hạn mà quy luật này dựng lên. Chúng ta phủ nhận cho đám đông cái quyền giết chóc, nô dịch hóa, cướp bóc< đơn giản chỉ vì giết người, bắt người làm nô lệ và cướp đoạt< đều là những hành vi xâm phạm quy luật này – những xúc phạm quá hiển nhiên để có thể bỏ qua. Nhưng ở đây, nếu các xâm phạm lớn là sai trái, thì những vi phạm nhỏ cũng thế. Nếu ý muốn của số đông không thể vượt qua nguyên tắc đầu tiên của đạo lý trong các trường hợp này, thì nó cũng bất lực tương tự trong bất kỳ trường hợp nào khác. Bởi thế cho nên, dù thiểu số là yếu đuối đến đâu, dù toan tính vi phạm các quyền tự do của nó là nhỏ nhoi đến đâu, ta cũng không thể cho phép một sự xâm phạm nào loại này xảy ra.

Nhà cải cách nhiệt tình nghĩ trong đầu : một khi đã tu bổ hiến pháp cho nó thành dân chủ hoàn toàn, thì ta đã đưa được nhà nước vào sự hài hòa với công lý tuyệt đối. Dù có thể là cần thiết cho thời đại ta, một niềm tin tương tự vẫn rất đỗi là sai lạc. Không tiến trình nào có thể biến sự cưỡng bách thành công chính. Cái nhà nước có hình thức tự do nhất chỉ là cái chính quyền có hình thức ít bị phản đối nhất. Sự thống trị của đa số trên thiểu số, ta gọi nó là bạo quyền ; sự thống trị của thiểu số trên đa số cũng là bạo quyền nữa, chỉ khác là nó thuộc loại ít gay gắt hơn mà thôi. Trong cả hai trường hợp, mệnh lệnh đưa ra là :«Anh phải làm như tôi muốn, chứ không phải như anh muốn» ; và nếu bên một trăm người phán như thế với bên chín mươi chín người, thay vì bên chín mươi chín người với bên một trăm người, thì nó chỉ trái đạo lý hơn kém nhau có một đơn vị. Nghĩa là dù phe nào trong hai bên thực hiện mệnh lệnh này cũng đều là vi phạm, một cách tất yếu, quy luật bình đẳng về tự do ; khác biệt duy nhất là, bởi một phe nó bị vi phạm trong tư cách con người và pháp nhân của chín mươi chín người, trong khi bởi phe kia trong tư cách con người và pháp nhân của một trăm người. Và điều xứng đáng duy nhất của hình thức chính quyền dân chủ chỉ có nội dung là, trong hình thức này, nó chỉ xâm phạm quyền của phe ít đông hơn mà thôi.

Sự tồn tại của những đa số và thiểu số chính là chỉ dấu của một tình trạng không có đạo lý. Chúng ta đều thấy rằng người có cá tính hài hòa với quy luật đạo đức có thể đạt tới hạnh phúc trọn vẹn mà không làm giảm thiểu hạnh phúc của đồng loại. Nhưng sự ban hành loại dàn xếpcông cộng thông qua biểu quyết lại ám chỉ một xã hội được tập hợp bởi những con người có cấu tạo rất khác : nó ám chỉ rằng ước muốn của một số người không thể nào được thỏa mãn nếu không hy sinh nguyện vọng của những người khác, nghĩa là nó ám chỉ rằng phe đa số buộc phải giáng lên đầu bên thiểu số một lượng khổ não nào đấy, và do đó, ám chỉ một tình trạng không đạo lý hữu cơ. Như vậy, từ một quan điểm khác, ta nhận thức một lần nữa rằng, ngay cả trong hình thức công minh nhất của nó, nhà nước cũng không thể tự tách rời khỏi cái xấu ác, rằng hơn nữa, mọi hành động của nó đều cốt yếu là tội ác, trừ phi quyền không đếm xỉa tới nhà nước được công nhận.

5 – Thật ra, ta có thể suy diễn từ lời công nhận của các chính quyền đương tồn và dư luận đời thường rằng con người được tự do vất bỏ những lợi lộc và gánh nặng của tư cách công dân. Mặc dù có lẽ họ chưa sẵn sàng chấp nhận một học thuyết đi quá xa như quan điểm được trình bày ở đây, các nhà cấp tiến thời nay vẫn vô tình thú nhận niềm tin của họ vào một châm ngôn rõ ràng là biểu hiện của học thuyết này. Họ chẳng liên tục trích dẫn câu nói của Blackstone hay sao? – theo đó, «không một công dân Anh quốc nào có thể bị bắt buộc phải trả bất kỳ thứ đóng góp và thuế má nào, ngay cả để bảo vệ vương quốc và hỗ trợ chính phủ, trừ những khoản mà lương tri của anh ta hay đại diện của anh ta tại Quốc hội áp đặt». Câu này muốn nói gì? Theo họ, nó có nghĩa rằng mỗi người phải có một phiếu. Đúng, nhưng thật ra nó còn nói nhiều hơn thế.Nếu ngôn từ có một ý nghĩa nào, thì đây là một phát biểu rạch ròi về cái quyền ta đang đòi hỏi. Khi xác định rằng một người có thể không bị buộc phải trả thuế, trừ phi anh ta đã trực tiếp hay gián tiếp thỏa thuận, thì nó khẳng định rằng anh ta có thể từ chối đóng thuế vô điều kiện ; và từ chối trả thuế là cắt đứt mọi liên hệ với nhà nước. Có lẽ người ta sẽ bắt bẻ rằng sự đồng ý này không phải là đặc thù mà là tổng quát, rằng khi bầu lên một đại biểu, mọi công dân đều hàm ý rằng anh ta sẽ nhất trí với mọi việc mà người đại biểu này sẽ làm. Nhưng giả thử rằng anh ta không bỏ phiếu cho ông ấy, mà ngược lại, đã làm mọi cách để một người có ý kiến đối lập được bầu thì sao ? Có lẽ người ta sẽ trả lời rằng, bằng sự tham gia vào một cuộc đầu phiếu tương tự, anh ta đã thỏa thuận ngầm là sẽ tuân theo quyết định của đa số. Nhưng nếu anh ta không đi bầu thì sao? Thế thì anh ta chẳng thể than vãn một cách chính đáng về bất cứ thứ thuế nào được cả, bởi vì anh ta chưa hề phản đối việc thu thứ thuế đó. Như vậy là, quái gở thay, dường như anh ta đã đồng ý, dù hành động kiểu nào – dù nói có, dù nói không, dù không nói có cũng chẳng nói không mà đứng trung lập! Một mớ bòng bong, thứ học thuyết này. Ở đây, ta chứng kiến một công dân bất hạnh : người ta hỏi anh ta có sẵn sàng chi trả cho một lợi ích được rao mời hay không, và dù anh ta có sử dụng hay không cái phương tiện duy nhất để biểu đạt sự từ chối của mình, chúng ta cũng được báo cáo rằng anh ta đã đồng ý trên thực tế, chỉ vì số người chấp thuận cao hơn số người phản đối. Và như thế là ta bị tròng vào cổ cái nguyên lý mới, rằng sự chấp thuận của A không tùy thuộc vào điều A nói, mà vào điều B tình cờ nói! Hoặc những người trích dẫn Blackstone chọn sự phi lý này, hoặc họ chọn học thuyết được trình bày ở trên. Hoặc phương châm của họ bao hàm quyền không đếm xỉa tới nhà nước, hoặc nó hoàn toàn vô nghĩa.

6 – Có một sự hỗn tạp lạ lùng trong những tin tưởng chính trị của chúng ta. Các hệ thống vang danh một thời và nay đã bắt đầu bị xuyên thủng lỗ chỗ được chắp vá với những ý tưởng hiện đại khác hẳn về phẩm chất cũng như về màu sắc ; và người ta trịnh trọng khoác lên người loại hệ thống này để diễu hành, hoàn toàn không ý thức được về sự lố bịch của mình. Tình hình quá độ của ta ngày nay, dự phần vào cả quá khứ lẫn tương lai, đã đẻ ra loại học thuyết lai căng, nơi phơi bày cái hỗn hợp kỳ quái nhất giữa những tàn dư chuyên chế và các hứa hẹn tự do. Đây là loại hình tổ chức cổ hủ được ngụy trang ngộ nghĩnh dưới những mầm mống của cái mới – đặc điểm biểu thị sự thích nghi vàomột tiền trạng đã được cải biến nhờ một số tiên đoán thô sơ về cái sắp tới – tất cả tạo ra một hỗn hợp những quan hệ tạp nhạp tới mức không thể xếp được những quái thai thời đại này vào loại gì. Vì ý tưởng tất yếu phải mang dấu ấn của thời đại, than phiền về sự biểu đồng tình với những tin tưởng phi lý này cũng chẳng ích lợi gì. Mặt khác, thật là đáng tiếc nếu con người không theo đuổi đến cùng chuỗi lý luận đã dẫn tới những thay đổi cục bộ đó. Trong trường hợp ở đây chẳng hạn, lôgic buộc họ phải chấp nhận rằng, về những điểm bên cạnh đặc điểm vừa xem xét ở trên, họ đã bênh vực nhiều ý kiến và sử dụng những luận cứ bao hàm trong đó quyền không đếm xỉa tới nhà nước.

Bởi vì cái ý nghĩa của Biệt giáo (4) là gì ? Có một thời cả đức tin tôn giáo lẫn phương thức thờ phụng của mọi người đều bị quy định bởi luật pháp, y hệt như mọi hành vi thế tục khác, và nếu căn cứ theo một số điều khoản hiện tồn trong sách luật của ta, thì tình hình đến nay vẫn còn như thế. Tuy nhiên, nhờ sự lớn mạnh của tinh thần Thanh giáo (đạo Tin Lành) chúng ta đã hết đếm xỉa tới nhà nước trên vấn đề này – trọn vẹn trên lý thuyết và phần nào trong thực tiễn. Chúng ta đã làm như thế nào ? Bằng cách đảm nhận một thái độ, mà nếu kiên định giữ được, sẽ bao hàm quyền không đếm xỉa tới nhà nước hoàn toàn. Hãy quan sát thái độ và lập trường của cả hai bên. Nhà lập pháp phán: «Đây là tín điều của mi. Mi phải tin theo và công khai bày tỏ những gì đã được ghi chép ở đây cho mi». Kẻ biệt giáo trả lời : «Tôi thà đi tù chứ không làm bất cứ điều gì như thế». Nhà lập pháp phán tiếp : «Hành vi tôn giáo của mi phải đúng như ta quy định, mi phải đến các nhà thờ do ta dựng lên, và làm theo loại nghi lễ được cử hành tại đó». Lời đáp trả là : «Chẳng có gì khiến tôi phải làm như thế cả. Tôi hoàn toàn phủ nhận cái quyền ra lệnh của ông trên những vấn đề này, và nhất quyết chống đến cùng». Nhà lập pháp phán thêm : «Chót hết, chúng ta sẽ đòi mi chi các món tiền mà ta thấy cần thiết để hỗ trợ cho những định chế tôn giáo đó». Kẻ độc lập cứng đầu kêu to : «Ông sẽ không lấy được xu nào của tôi đâu. Ngay cả trong trường hợp tôi tin vào loại tín điều do nhà thờ của ông ban ra (nhưng tôi không hề tin),tôi sẽ đứng lên chống lại sự can thiệp của ông, và nếu ông xâm phạm vào tài sản của tôi, ông sẽ gặp sự phản kháng và phải dùng đến vũ lực».

Nhìn một cách trừu tượng, thì cách hành xử trên đây thực tế là gì? Nó có nghĩa rằng cá nhân xác định cái quyền thực thi một trong những quyền tự do của anh ta – tình cảm tôn giáo – một cách hoàn toàn tự do và không có giới hạn nào, ngoài cái quyền được đòi hỏi như anh và bằng anh của kẻ khác. Còn cụm từ «không đếm xỉa tới nhà nước» có nghĩa là gì ? Đơn giản là sự khẳng định cái quyền được thực thi tất cả mọi quyền tự do khác y hệt như thế. Bởi quyền này chính xác là sự tiếp nối hay mở rộng của quyền kia, nó có cùng một nền tảng như quyền kia, nó cùng đứng hoặc cùng đổ với quyền kia. Người đời thường vô tư phân biệt quyền dân sự một bên với quyền tôn giáo một bên, như hai thứ quyền khác nhau ; song sự phân cách này là hoàn toàn độc đoán. Chúng là những bộ phận của một chỉnh thể, và về mặt triết học, không thể nào có thể bị tách rời. «Có chứ !», kẻ ngoan cố bắt bẻ : «sự xác định quyền tôn giáo là bắt buộc, như một bổn phận tôn giáo. Tự do thờ phụng Thượng Đế, theo cách con người nghĩ rằng đúng, là thứ tự do mà nếu không có , hắn không thể nào thực hiện được điều hắn tin là những mệnh lệnh linh thiêng của Đấng Tối cao, và do đó, lương tâm con người đòi hỏi hắn phải bảo vệ». Đúng thôi. Nhưng nếu ta cũng có thể khẳng định tương tự về mọi thứ quyền tự do khác thì sao ? Nếu sự bảo vệ mọi quyền tự do khác hóa ra cũng là một vấn đề lương tâm thì sao ? Há chúng ta không thấy rằng hạnh phúc của con người tùy thuộc vào ý muốn của Thượng đế sao ? – nghĩa là hạnh phúc này chỉ có thể đạt được bằng cách thực thi mọi quyền lực của con người, và hắn không thể nào thực thi chúng mà không có tự do . Và nếu cái tự do để thực thi mọi quyền lực là điều kiện không thể thiếu để ý muốn của Đấng Tối Cao thành hiện thực, thì sự bảo tồn nó cũng là một nghĩa vụ, theo chính lập luận của kẻ phản biện ở trên. Hay nói cách khác, sự bảo vệ mọi quyền tự do hành động dường như không chỉ có thể mà còn bắt buộc phải là một yêu sách của lương tâm. Và như thế, chúng t a được chứng minh rõ ràng rằng, trong cả hai lĩnh vực lương cũng như giáo, các đòi hỏi không đếm xỉa tới nhà nước là đồng nhất về bản chất. Có thể xử lý tương tự một lý do khác , thường được quy cho giới bất đồng. Ngoài việc chống trả sự sai khiến của nhà nước trên nguyên tắc, kẻ bất đồng còn chống trả vì phản đối những quan điểm hay học thuyết được rao dạy. Không một đạo luật nào buộc anh ta phải nhận điều anh xem là một tin tưởng sai lầm, và luôn luôn nhớ đến bổn phận đối với người đồng hương, anh ta từ chối phát tán loại tin tưởng sai lầm đó bằng túi tiền của mình. Lập trường này hoàn toàn hiểu được.

Nhưng đây lại là một thái độ, hoặc cũng dẫn kẻ theo nó đến sự bất đồng dân sự, hoặc sẽ bỏ anh ta trước hai ngả đường. Bởi vì tại sao anh lại từ chối làm công cụ cho việc quảng bá một học thuyết sai lầm ? Bởi vì sai lầm là trái với hạnh phúc con người. Thế thì, có thể nào chứng minh được rằng cần chống trả nhà nước trong một trường hợp, và không chống trong một trường hợp khác chăng ? Chẳng ai có thể khẳng định có chủ tâm rằng, nếu chính quyền đòi hỏi ta đóng góp tiền bạc để giúp nó dạy điều ta nghĩ là sẽ gây ra cái xấu ác thì ta phải từ chối, song nếu cũng số tiền đó lại được dùng để làm điều xấu ác thì ta phải chấp thuận. Tuy nhiên, đấy lại chính là cái đề nghị đầy hy vọng mà kẻ vừa công nhận quyền không đếm xỉa tới nhà nước trong khu vực tôn giáo, vừa phủ nhận nó trong các vấn đề công dân khác, phải song song bảo vệ cùng một lúc.

7 – Nội dung của chương này nhắc nhở chúng ta thêm một lần nữa về sự xung khắc cố hữu giữa một thứ luật hoàn hảo và một nhà nước không hoàn hảo. Tính khả thi của nguyên lý nêu lên ở đây biến thiên theo tỷ lệ thuận với tình hình đạo lý xã hội. Trong một xã hội hoàn toàn đồi trụy, sự thu nạp nó sẽ tạo ra tình trạng hỗn loạn vô chính phủ. Trong một xã hội hoàn toàn đạo đức, sự thu nạp nó vừa là vô hại, vừa không thể tránh. Sự tiến triển về điều kiện một xã hội lành mạnh – tức là điều kiện khi những biện pháp chữa trị bằng luật pháp không còn cần thiết – chính là sự tiến triển về điều kiện khi loại biện pháp chữa trị này sẽ bị gạt sang một bên, và cái chính quyền chủ trương nó sẽ bị coi thường. Cả hai sự thay đổi tất yếu phải được phối hợp. Cái ý thức đạo đức mà ưu thế sẽ làm cho xã hội hài hòa và nhà nước không còn cần thiết nữa cũng chính là cái ý thức đạo đức lúc đó sẽ làm cho mỗi người khẳng định tự do của mình tới mức không đếm xỉa gì tới nhà nước –nghĩa là cùng một thứ đạo lý sẽ vô hiệu hóa chính quyền bằng cách ngăn chặn phe đa số cưỡng ép phe thiểu số. Và bởi vì các biểu hiện khác nhau của cùng một tình cảm phải giữ một tỷ lệ bất biế n giữa cái này với cái kia, khuynh hướng vất bỏ nhà nước chỉ có thể gia tăng trong cùng một vận tốc với sự trở thành vô ích của các chính quyền.Vì thế, chẳng ai nên hoảng hốt trước sự truyền bá học thuyết đang được bàn tán. Nhiều thay đổi còn phải liên tục xảy ra trước khi nó có thể bắt đầu tạo nhiều ảnh hưởng. Có lẽ còn phải trải qua một thời gian dài nữa trước khi quyền không đếm xỉa tới nhà nước được thừa nhận rộng khắp, ngay cả trên lý thuyết. Rồi còn phải chờ lâu hơn nữa trước khi nó được công nhận trong pháp chế. Và ngay cả lúc đó cũng vẫn sẽ còn rất nhiều phanh hãm nhằm cản trở sự thực thi nó sớm sủa. Một kinh nghiệm cay đắng sẽ thử thách rất cam go những kẻ từ bỏ sự che chở của luật pháp quá sớm. Khi nào còn có một sự yêu thích những sắp xếp tạm bợ và một sự sợ hãi những thử nghiệm lớn, như nơi phần đông người đời hiện nay, thì họ sẽ còn tránh sử dụng cái quyền không đếm xỉa tới nhà nước này rất lâu, cho đến khi sự thực thi nó không còn gặp chút nguy hiểm nào nữa.

Phạm Trọng Luật (dịch)
___________________________________
Chú thích:

1 «The law of equal freedom». Ở nhiều chỗ trong bản dịch Việt ngữ này, ngoài «quyền
bình đẳng về tự do», chúng tôi đôi khi cũng diễn nghĩa thêm bằng cụm từ «quyền tự
do, như nhau và bằng nhau, của mọi người» khi ngữ cảnh cho phép.

2 Sir William Blackstone (1723-1780), nhân vật cốt cán của thời Khai Sáng Anh,
thường được so sánh ngang với Montesquieu, Beccaria và Voltaire. Về thơ văn, các
tập thơ được biết đến nhiều nhất của ông là The Lawyer to his Muse, và The Pantheon.
Ngoài ra ông còn viết về kiến trúc như Elements of Architecture, An Abridgement of
Architecture. Song sự nghiệp của ông chủ yếu nằm trong lĩnh vực luật: ông lần lượt
làm luật sư, giáo sư luật, bình luận gia về luật, quan tòa và chính trị gia thuộc đảng
Bảo Thủ. Những tác phẩm luật nổi tiếng nhất của ông gồm có: An Analysis of the
Laws of England (1756), A Discourse on the Study of the Law (1758), và Commentaries
on the Laws of England (1766). Quyển sau cùng, được tái bản rất nhiều lần, đã có ảnh
hưởng lớn đặc biệt ở Hoa Kỳ, trên James Iredell, John Marshall, James Wilson, John Jay, John Adams, James Kent, Abraham Lincoln… và vẫn còn được trích dẫn thường
xuyên trong những quyết định của Tòa Án Tối Cao Mỹ.

3 Các từ «legislative authority» và «legislature» được Spencer dùng để chỉ «State »,
tức là nhà nước, chứ không chỉ giới hạn vào cơ quan lập pháp của nhà nước. Trong
bản tiếng Pháp, Devaldès dịch là «autorité législative», «puissance législative», và
«État». Ở đây, chúng tôi cũng dùng cả ba từ «quyền lực pháp trị», «chính quyền pháp
trị» và «nhà nước» như cùng chỉ một thực tại, cộng thêm cước chú này.

4 Dissent ở đây viết hoa nên không chỉ sự bất đồng ý kiến trong đời thường, mà chỉ
những tín hữu Biệt giáo (ly khai với Anh giáo và Nhà thờ Anh ; từ này xuất hiện
khoảng năm 1566). Họ bị loại khỏi các công vụ dân sự hay quân sự bởi đạo luật gọi
là Test Acts. Bản tiếng Pháp của Devaldès dịch chính xác là Non-conformistes.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More