Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Nguyễn Trần Bạt: Tự do là gì?

“Chúng ta phải tự do chỉ để được hiện hữu một cách nào đó. Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do không phải là con người” (Jean Paul Sartre)


I. Tự do – Gương mặt đẹp đẽ nhất


Từ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người. Nhận thức của nhân loại về tự do mới chỉ dừng lại ở những phát hiện của các nhà triết học thời kỳ Khai sáng. Trong khi đó, với tư cách là một đối tượng triết học quan trọng, bên cạnh những nội dung nguyên thuỷ, khái niệm tự do vẫn đang không ngừng vận động và ngày càng chứa đựng thêm nhiều nội dung mới. 


Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi người. Ai cũng yêu tự do, ai cũng khao khát tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do, giống như sự thèm muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước. Chính vì thế, không một con người nào yên phận sống trong sự nô dịch của người khác và không một dân tộc nào cam chịu sống trong sự kìm kẹp của dân tộc khác. Các cuộc kháng chiến chính là để giải phóng con người ra khỏi sự nô dịch và kiềm toả. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để đo đạc sự lành mạnh của một dân tộc.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Phương Tây là mảnh đất đầu tiên có tự do, ở đó khát vọng tự do của con người được đáp ứng và chính sự gặp gỡ của con người với tự do đã tạo ra trạng thái phát triển rực rỡ. Kết quả của quá trình phát triển lâu dài của văn minh phương Tây là: tự do, với tư cách như một đối tượng thơ ca, được mô tả như những thiên thần bay bên trên đời sống tinh thần con người; và, tự do, với tư cách như một đối tượng triết học, được cụ thể hoá thành những nguyên tắc cấu tạo ra xã hội, cấu tạo ra nhà nước. Quan điểm về tự do của phương Tây có thể được tóm tắt như sau: tự do được coi là quyền tự nhiên của con người, là không gian vốn có của mỗi con người. Con người sinh ra đã có tự do, tự do như tài sản hay vốn tự có của mỗi người. Cốt lõi của văn hoá phương Tây chính là những tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ. Dựa trên tinh thần tuyệt đối của tự do cá nhân, phương Tây coi tự do là chất xúc tác cơ bản của đời sống, là năng lượng tạo ra đời sống con người và lẽ tất yếu, trở thành linh hồn của mọi sự tiến bộ và phát triển.


Tự do chỉ có thể nảy nở ở vùng đất mà những nhận thức về tự do cũng như mối quan tâm dành cho tự do được mở rộng và khơi sâu. Điều này đúng với phương Tây, nơi các học giả bàn về tự do một cách sôi nổi và đầy cảm hứng, trong khi ở phương Đông thì gần như xảy ra điều ngược lại, bởi lẽ hầu hết các học giả đều có khuynh hướng thu hẹp không gian tự do của con người. Khoa học nhận thức ở phương Đông chưa làm rõ được khái niệm tự do cũng như xây dựng phạm trù tự do đúng đắn. Chính vì thế, người phương Đông chưa hiểu đúng bản chất của tự do, vẫn xem tự do như một cái gì đó ở bên ngoài, bên trên cuộc sống. Trong quan niệm của họ, tự do là cái cho phép hay là cái được ban phát từ trên xuống, như là một ân sủng của đấng tối cao trao cho con người. Những nhận thức lệch lạc và mơ hồ như thế về tự do đã làm hạn chế rất nhiều năng lực phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Hay nói cách khác, phương Đông lạc hậu vì chưa bao giờ xem tự do như đối tượng chính hay linh hồn của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, trong các cuộc cải cách, cái cần thay đổi trước tiên ở phương Đông là nhận thức về tự do.


Điều quan trọng nhất mà phương Đông cần nhận thức là: tự do không phải là một loại quyền được trao tặng bởi bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào mà nó là tài sản tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa tự do không phải là không gian cho phép, không một nhà nước nào có quyền ban phát tự do cho con người. Nói cách khác, con người phải ra khỏi trạng thái nhận thức tự do như là sự nhân nhượng của bề trên đối với kẻ dưới, tức là trạng thái thụ động đón nhận tự do. Cần phải khẳng định tự do không phải là thứ gì đó ở bên ngoài cuộc sống, tự do thuộc về con người, tự do gắn liền với con người với tất cả hình hài cụ thể của nó. Tự do là nhà ở, tự do là đường đi, tự do là bãi cỏ rộng mênh mông, là thức ăn, là nước uống… Tự do là tất cả những gì liên quan đến đời sống con người kể cả vật chất lẫn tinh thần. Tự do muôn hình muôn vẻ và thiêng liêng đến mức không có định kiến nào trói buộc được nó, hễ bị kìm kẹp bởi định kiến là con người mất tự do. Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tưởng tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn . Nếu đằng sau nó không là gì nữa, không còn nó thì không phải tự do. Tự do là một không gian dành cho mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào khả năng của mình, mỗi cá nhân đều có quyền làm chủ không gian ấy, khai thác nó và hơn nữa là mở rộng nó.


Có nhiều cách định nghĩa về tự do, một trong những định nghĩa phổ biến nhất là của Hegel: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Tự do ở đây không phải là thứ tự do bản năng mà là thứ tự do trong mối tương quan với cái tất yếu, và cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Định nghĩa này cho thấy ranh giới giữa trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là sự nhận thức được cái tất yếu. Con người càng nhận thức được cái tất yếu bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu tự do như là kết quả của việc nhận ra cái tất yếu. Nhận thức về cái tất yếu là một năng lực vô cùng quan trọng và là việc không hề đơn giản đối với con người. Không phải ngẫu nhiên, nhiều khi con người không nhận ra cái tất yếu để hành động, do đó, phần đông con người vẫn không hiểu về tự do và giá trị cao quý của tự do. Có một điều cần phải nhìn nhận là ranh giới giữa tự do và không tự do rất mong manh, con người thường chỉ nhận ra tự do khi vướng phải ranh giới của sự thiếu tự do hay nói khác đi, chừng nào chưa vướng phải các ranh giới của sự thiếu hoặc mất tự do thì con người vẫn chưa cảm thấy giá trị của tự do, của cuộc sống tự do. Chính vì vậy, con người cần những định nghĩa gần gũi hơn về tự do.


Tôi cho rằng, tự do là một đại lượng có chất lượng rỗng, một tập hợp rỗng, điều ấy có nghĩa, tự do là một không gian, nhưng người ta không đi lang thang trong đó mà người ta đi theo các đòi hỏi. Con người luôn hành động theo đòi hỏi của tâm hồn mình. Chính sự thúc bách của nghĩa vụ, của những đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn khiến con người hành động. Khi con người hành động theo các đòi hỏi mà không bị ngăn cản thì lúc đó, con người có tự do. Như vậy, tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Sự chủ động không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà do sự thúc bách của tâm hồn. Nếu không có sự thúc bách từ bên trong tâm hồn tức là không chủ động. Chủ động là điều kiện ban đầu để con người nhận được cảm giác hạnh phúc khi thực thi các quyền tự do, đồng thời, chủ động là trạng thái mà con người đạt được khi có tự do hay có kinh nghiệm về tự do. Chúng ta có thể cảm nhận được con người tự do là con người không bị lệ thuộc, biết đi tìm cái đúng, biết nghĩ đến cùng và biết xây dựng cho mình công nghệ để hành động theo trí tưởng tượng của mình. Vì thế, tự do được tập hợp dưới hình thức các quyền tạo ra những không gian chính trị mà ở đấy con người hành động dựa trên nhận thức của mình về các tất yếu. Nói cách khác, tự do là khoảng không gian mà ở đó con người có được sự thống nhất giữa ý nghĩ và hành vi, con người yên tâm về sự tồn tại của mình, về hành động của mình mà không chịu sự áp đặt, kiềm tỏa của bất kỳ yếu tố nào. Kết lại, để định nghĩa về tự do, tôi cho rằng tự do là quá trình dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Khi có sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi thì con người chủ động.


Ý nghĩ và hành vi là hai thành tố căn bản của tự do, đó là tự do nhận thức và tự do hành động. Con người tự do là con người được tự do nhận thức và tự do hành động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chúng ta biết rằng, thể hiện sống của con người là hành động, nhưng thể hiện sống của cái trước hành động là ý nghĩ. Tự do nhận thức là nền tảng để con người đi tới tự do hành động. Không có tự do nhận thức, con người không thể có tự do hành động bởi vì khi ấy, con người luôn vấp phải các ranh giới về mặt nhận thức, do vậy, con người sẽ cảm thấy bị hạn chế, bị mất tự do ngay từ trong ý nghĩ chứ không chỉ trong hành vi của mình. Tự do nhận thức sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển và dịch chuyển của ý nghĩ, trong khi đó, tự do hành động sẽ tạo điều kiện cho sự dịch chuyển của hành vi tương ứng và phù hợp với sự dịch chuyển của ý nghĩ. Mặt khác, tự do nhận thức là điều kiện tiên quyết để xây dựng các không gian nhận thức của mỗi cá nhân, từ đó mới hình thành một vườn ươm tư duy của cộng đồng. Khu vườn đó chỉ đa dạng và phong phú chừng nào tự do nhận thức được công nhận như một trong những nguyên lý căn bản nhất. Sự phong phú và đa dạng về mặt nhận thức sẽ dẫn tới sự phong phú và đa dạng của hành động. Đó chính là nhân tố tạo ra tính đa chiều của các không gian kinh tế, chính trị và văn hoá – điều kiện cần và đủ để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi nhà nước duy trì và phát triển sự đúng đắn của mình. Đến lượt mình, tự do hành động lại tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian nhận thức của mỗi cá nhân và cộng đồng, bởi thông qua tự do hành động, con người có điều kiện làm phong phú kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hoá của mình, và do đó, có thể xúc tiến những cái mới về nhận thức và tự điều chỉnh nhận thức của mình. Đấy chính là mối liên hệ hữu cơ giữa hai thành tố cơ bản nhất của tự do. Ở một xã hội mà sự dịch chuyển song song này diễn ra thuận lợi trong một trật tự hài hoà thì xã hội ấy sẽ đạt tới trạng thái tự do.


Tóm lại, tự do không hề xa lạ, nó là bản chất tự nhiên của con người. Tự do gắn liền với đời sống con người từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Càng ngày, những nghiên cứu về tự do càng cho thấy sự cần thiết phải biến tự do trở thành cấu trúc tinh thần hay trở thành thực phẩm hàng ngày của đời sống tinh thần con người. Con người phải thấy được giá trị, địa vị của tự do trong đời sống và ứng dụng nó để tạo ra hạnh phúc của mình.


II. Những cảm giác của tự do


Tự do là một khái niệm nhiều chiều, nhiều thành tố. Con người có thể nhận thức, chiêm nghiệm những khía cạnh của tự do như một khái niệm ở tầng cao triết học, chính trị học nhưng không chỉ có thế, con người còn có thể cảm nhận được tự do một cách sinh động, hàng ngày, thông qua các cảm giác của mình. Trong tâm hồn con người luôn luôn hiện hữu những cảm giác của tự do. Đó là tình yêu tự do bản năng, là cảm hứng sáng tạo, là danh dự, là hạnh phúc.


1. Tình yêu tự do


Như đã nói ở trên, con người thường chỉ nhận ra tự do khi vướng phải ranh giới của sự thiếu tự do. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khát vọng về tự do không thường trực trong mỗi người. Tự do có thể không hiện hữu ở tất cả mọi nơi nhưng tình yêu đối với tự do bao giờ cũng tồn tại trong con người như một bản năng. Có thể tình yêu tự do được thể hiện mạnh mẽ ở người này, cũng có thể ở trạng thái “ngủ” hay chưa được đánh thức ở người kia, nhưng con người nói chung luôn khao khát tự do một cách bản năng. Điều này cũng giống với việc không chỉ những người biết chơi cờ mà ngay cả những người không biết chơi cờ vẫn đến tham dự một cách hồ hởi vào những ngày hội đấu cờ. Bởi lẽ, mặc dù không phải là người chơi cờ nhưng con người luôn cảm thấy niềm vui khi được thưởng thức cảm giác tự do của việc đánh cờ trong một bàn cờ đầy quy tắc. Xã hội dân chủ cũng giống như một bàn cờ, đó là một xã hội tự do và đầy cảm hứng trong mối tương quan với những quy tắc hợp lý và thống nhất. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, nếu coi niềm vui là cảm giác có được khi đi những nước cờ đầy tự do và sáng tạo mà không hề vi phạm những quy tắc chơi cờ thì không chỉ những người dân trong xã hội dân chủ, mà ngay cả người dân ở những xã hội chưa có nền dân chủ cũng cảm thấy được niềm vui đó. Bởi vì tình yêu tự do bản năng chính là mối liên hệ ngầm giữa những con người lành mạnh.


Đôi khi con người cũng nổi hứng tự do, đó là lúc cái bản năng tự do không được kiểm soát, nó trỗi dậy một cách phung phí. Hoặc có khi, tự do bị tước đoạt khiến con người có những phản ứng, đó là phản ứng trước sự thiếu tự do hay sự yếm khí của con người. Nhưng phải đến khi con người thực sự đi tìm kiếm tự do thì tự do mới trở thành lý tưởng, thành động lực của con người. Vì thế, không phải ngẫu nhiên những vần thơ hay nhất về tự do lại được cất lên trong ngục tù và những nhà thơ tự do đồng thời là những chiến sĩ của tự do như Sandor Petofi, Nazim Hikmet… Sandor Petofi đã viết lên những câu thơ, những bài thơ chứa đựng sự rung cảm sâu sắc trong điều kiện thiếu tự do:


“Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Ta dâng hiến đời ta
Vì tự do muôn đời
Ta hi sinh tình ái”
(Sandor Petofi)


Câu thơ cho thấy sự đánh đổi quyết liệt giữa những giá trị đáng ra có thể chung sống với nhau trong cùng một con người là Tự do và Ái tình. Nhưng người ta phải đánh đổi Ái tình lấy Tự do. Tại sao lại đánh đổi? Vì họ là những chiến sĩ của tự do, những người chiến đấu cho tự do trong điều kiện thiếu tự do. Chính tình yêu tự do là hạt nhân cơ bản của tâm lý chính trị hay khát vọng chính trị của con người. Khi đó tự do được đặt lên cao hơn cả tình yêu, tự do trở thành lý tưởng, thành khát vọng sống của con người.


Tuy nhiên, trong mỗi con người, bên cạnh bản năng tìm tự do còn có cả bản năng chống lại tự do, hay nói cách khác, con người bảo vệ tự do của mình và chống lại tự do của người khác. Chính tính hai mặt này là tiền đề tạo ra mâu thuẫn xã hội. Chỉ khi bị chiếm đoạt tự do, con người mới nảy sinh tình yêu sống chết cho tự do và ý thức bảo vệ tự do cho chính mình. Nếu tự do là một thứ không cần bảo vệ thì con người không thể có cái gọi là nền dân chủ, không thể có cái gọi là nền văn hóa chính trị tiên tiến. Bản chất của sự phát triển và của nền văn hóa chính trị tiên tiến là bảo vệ các quyền dân chủ. Bản chất của nền dân chủ chính là bảo vệ các quyền tự do của con người. Chính vì thế, định nghĩa về quyền tự do trong Hiến pháp của Campuchia do Liên Hiệp quốc soạn thảo năm 1993 có một câu rất hay rằng: “Tự do cá nhân là tự do của một con người mưu cầu hạnh phúc, nhưng không dẫm đạp lên các quyền tương tự của người khác“. Tự do là anh nghĩ đến đâu thì anh có thể đi đến đấy nhưng đi mà không gây đổ vỡ cho người khác, không dẫm đạp lên tự do của người khác. Đấy chính là bản lĩnh của con người, bản lĩnh của tự do. Không có tự do thì con người không có kinh nghiệm, vì thế, mọi thứ phải bắt đầu bằng tự do, tự do là hạt nhân của mọi quá trình nhận thức và phát triển.


Chính ý chí và tình yêu tự do bản năng của con người tạo ra nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, bởi nhà nước pháp quyền là công cụ nhân tạo để duy trì, phát triển và bảo vệ tự do. Trong nhà nước pháp quyền, luật pháp là một bộ các quy tắc ứng xử và điều chỉnh, nó càng gần với bản năng ứng xử của con người bao nhiêu, tức là càng biến thành văn hoá bao nhiêu thì càng có khả năng thực thi trong hiện thực bấy nhiêu. Giá trị tự do của luật pháp chính là bảo vệ các thói quen văn hoá của con người và ý chí tự do của con người.


2. Tâm hồn và lẽ phải


Tự do tạo ra con người nhưng ngược lại, con người, ở chỗ sâu xa nhất của mình là tâm hồn làm cho tự do trở nên đa dạng, giàu có về nội dung. Chính tâm hồn con người khi vận động theo những lẽ phải của nó là một biểu hiện sâu sắc nhất của tự do.


Có thể nói, tâm hồn con người giống như hạt dẻ, nó có một lớp vỏ cứng, đến một ngày nào đó, lớp vỏ cứng ấy được bóc ra và tâm hồn con người mới trực tiếp giao dịch với cuộc sống. Tâm hồn con người là một đại lượng ngủ trước khi nó tự nhận ra nó, và bao giờ nó cũng tự nhận ra nó trước khi người ta tìm đến nó. Tâm hồn sinh ra cùng con người nên lúc nào nó cũng hồn nhiên mà không bao giờ chịu già đi. Ngay cả khi người ta tưởng rằng đã đánh mất tâm hồn thì thực ra, đó chỉ là trạng thái tê liệt của tâm hồn. Vì thế, mới có thuyết luân hồi nói về các linh hồn nhập vào những quán trọ khác nhau của cuộc đời là thể xác. Con người phải biết trân trọng, nâng niu, giữ gìn tâm hồn mình, không đánh đổi nó bằng bất cứ cái gì, bởi lẽ, trong tất cả các bộ phận cấu thành nên một con người, phần dễ bị tê liệt nhất chính là tâm hồn. Nhiều người lầm tưởng rằng cùng với kinh nghiệm, cùng với sự khôn ngoan trong đời sống vật chất, trong đời sống quan trường, họ đã thắng, nhưng đến khi về hưu, ngẫm lại những điều đã trải qua, họ mới nhận ra thực chất cái mình có, cái mình nhận được, cái mình đánh đổi được không bao giờ có giá trị bằng cái mình đã đánh mất. Tôi cho rằng, sự yên ổn của tâm hồn là điều vô cùng quý giá, một người chỉ có thể được gọi là thành đạt nếu như người đó có một đời sống tâm hồn thanh thản. Sự thanh thản của tâm hồn hay một tâm hồn chứa đựng nhiều lẽ phải là nguồn gốc của hạnh phúc.


Con người liên kết tất cả những lẽ phải thông qua tình cảm của mình tạo nên lẽ phải tâm hồn. Phải khẳng định rằng, nhận thức bằng lẽ phải tâm hồn là biểu hiện cao nhất của tự do. Không ai có thể kiểm soát được tâm hồn con người, ở chỗ sâu thẳm ấy, con người tự do. Con người thường có khuynh hướng cường điệu ý thức mà không biết rằng, ý thức chỉ là một bộ phận nhận thức, thậm chí không phải là bộ phận thông thái nhất. Chính tâm hồn mới là bộ phận thông thái nhất của con người. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào ý thức thì ý thức sẽ làm hỏng sự chân thực của cuộc sống, bởi vì ý thức của mỗi người không hoàn toàn là của chính người đó, mà nó còn chịu ảnh hưởng của những sự áp đặt từ môi trường khách quan, từ sự tuyên truyền, cấy ghép của người khác. Chỉ có tâm hồn chúng ta mới thuần tuý là của chính chúng ta. Khi nào chúng ta phát triển bằng những chỉ dẫn của tâm hồn thì chúng ta sẽ trở thành chính chúng ta. Suy cho cùng, con người sống và làm việc tuân theo lẽ phải của tâm hồn mà con người nhận thấy trong bản thân mình. Con người liên kết các lẽ phải thông qua tình cảm của mình, tình cảm vươn đến đâu, tạo ra mối liên kết đến đâu thì giá trị con người hình thành đến đấy. Đấy chính là quá trình phát triển tự nhiên của nhân cách con người. Con người nên để cho tâm hồn của mình chỉ đạo cuộc sống hơn là ý thức. Con người cần để tâm hồn tự động tạo ra sự liên kết các trí khôn lại hơn là cố gắng bằng ý thức để xâu chúng lại một cách máy móc, bởi vì chính tâm hồn và chỉ có tâm hồn mới là chất xúc tác tạo ra các chuỗi hạt cực kỳ duyên dáng. Tóm lại, tâm hồn là yếu tố hướng dẫn con người, giúp con người nhận ra lẽ phải. Và lẽ phải tâm hồn chính là cách ngắn nhất mà con người có thể sử dụng để đi đến sự đúng đắn.
 Đương nhiên, con người có nhiều cách để tạo ra thành quả, tạo ra giá trị, nhưng nếu có sự hướng dẫn của đời sống tâm hồn thì con người có thể tạo ra được những giá trị vượt cả sức tưởng tượng của mình. Chính lẽ phải của tâm hồn đã hướng dẫn con người vượt qua rất nhiều ranh giới tự nhiên, những cản trở tự nhiên đến những trạng thái nhận thức mà con người chưa từng có kinh nghiệm. Nói cách khác, tâm hồn là công cụ vạn năng giúp con người vượt ra khỏi ranh giới tự nhiên thông thường, những trở ngại của sự thiếu hụt kinh nghiệm để mường tượng, suy tưởng và tiến tới những nhận thức hoàn chỉnh. Lao động tâm hồn hay lao động bằng lẽ phải tâm hồn của các thiên tài đã tạo ra những bước ngoặt cho đời sống phát triển của loài người và đấy là những minh chứng hùng hồn mà chúng ta có thể trông thấy. Các dân tộc châu Âu vĩ đại vì họ có Michelangelo, Leonardo da Vinci, có Picasso, Beethoven hay Mozart… Đó là những đỉnh cao của tinh hoa nhân loại, đồng thời cũng là những đỉnh cao của các giá trị tâm hồn mà con người luôn muốn vươn tới. Chúng mách bảo chúng ta rằng, muốn phát triển, con người phải có tâm hồn và tâm hồn ấy phải phát triển.


 Muốn trở thành một người lành mạnh thì mỗi con người phải có sự phát triển cân đối về mặt tâm hồn. Để đời sống tâm hồn phong phú và cao đẹp thì con người phải có được sự đa dạng về mặt văn hoá, đa dạng về mặt học thuật, đa dạng về mặt thưởng thức và phải gắn bó mình với thiên nhiên, với con người, với tất cả những gì đang hiện hữu xung quanh. Nếu không gắn bó với thiên nhiên thì tâm hồn khô héo, nếu không gắn bó với con người thì mất đi tính nhân hậu vốn có, cái mà chúng ta vẫn coi là bản tính tự nhiên trong mỗi một con người. Tóm lại, nếu con người không có sự đa dạng tinh thần, hay là trạng thái tự do về tinh thần thì con người không có sự ổn định trong cách thức tiệm cận đến lẽ phải, thậm chí, không thể nhận thức được lẽ phải. Mà nói rộng ra, sự ổn định của xã hội là kết quả của sự ổn định trong cách thức con người tiệm cận đến lẽ phải. Vì thế, nếu một dân tộc không khuyến khích sự phát triển của đời sống tâm hồn, của tự do thì dân tộc ấy không thể phát triển được.


Đời sống tâm hồn là một dòng chảy liên tục, nếu chúng ta làm gãy mạch chủ đạo của tâm hồn thì chúng ta không bao giờ nối lại được dòng chảy ấy. Chính vì thế, con người không bao giờ được quên nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sự phong phú, sự trọn vẹn của đời sống tâm hồn. Con người phải giữ gìn khát vọng vươn tới sự phong phú của đời sống tâm hồn bởi vì mất nó, con người sẽ chết về mặt tinh thần. Điều đó hoàn toàn có thể diễn ra hàng ngày trong đời sống mỗi cá nhân. Duy trì sự tươi tắn, sự cao quý trong đời sống tinh thần của mình chính là nghệ thuật quan trọng nhất để giữ gìn các giá trị của mình trong thước đo của người khác. Bởi lẽ, khi các giá trị tinh thần của mình cao đẹp và ổn định, con người sẽ nhận được tình yêu của người khác một cách cao đẹp và ổn định. Con người tìm kiếm sự yêu mến của người khác đối với mình bằng chính sự cao đẹp của tâm hồn. Hay nói cách khác, con người chinh phục và hấp dẫn người khác bằng sức mạnh vô song của ý chí, của sự phong phú và uyên thâm của đời sống tâm hồn. Con người phải học cách để làm cho người khác cảm thấy có nhu cầu chiêm ngưỡng mình như là một người giao lưu với mình. Con người nói chung không thể toàn thiện, nhưng bằng cách luôn chăm sóc cho sự phong phú, trọn vẹn của đời sống tinh thần, con người có thể hoàn thiện bản thân, hoàn thiện lòng dũng cảm và ý chí vươn tới sự thịnh vượng.


3. Cảm hứng và sáng tạo


Có một giai thoại về trận đánh lịch sử giải phóng Leningrad là: trước trận đánh, Stalin ra lệnh tập trung tất cả các thành viên thuộc dàn nhạc giao hưởng của Hồng quân Liên Xô trở về để chơi bản giao hưởng số 7 của Shostakovich nhằm mục đích tạo cảm hứng và sự hưng phấn cho những người lính khi xung trận. Đó cũng chính là thời điểm bắt đầu sự phản công của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức. Câu chuyện này cho thấy cảm hứng vô cùng quan trọng đối với con người, nhất là khi con người biết cách khai thác và sử dụng chúng. Trong bất kỳ một công việc sáng tạo nào cũng vậy, để sáng tạo, con người không chỉ cần năng lực mà còn cần cả cảm hứng. Cảm hứng là động lực thúc đẩy khát vọng phát triển của con người. Một con người không có cảm hứng, một dân tộc không có cảm hứng, thì không thể có khát vọng đi tìm các giá trị, và do đó không thể phát triển được.


Phát triển là kết quả của sự sáng tạo, mà sự sáng tạo luôn bắt nguồn từ cảm hứng mà tự do mang lại cho con người. Người phương Đông chúng ta vẫn phê phán việc người phương Tây thể hiện tình cảm của mình ở giữa phố, vào ban ngày. Chúng ta cho rằng họ không kín đáo và không biết xấu hổ, như vậy có nghĩa là chính chúng ta không nhận thấy rằng mình không biết yêu mến vẻ đẹp thật sự của con người, đó là yêu giữa mặt trời. Chúng ta không có được những cảm hứng như vậy bởi chúng ta thiếu tự do. Những xã hội lạc hậu chừng nào còn chưa hiểu được giá trị của nhân quyền thì cả nhà chính trị và người dân của họ đều không thể có được cảm hứng. Nếu chỉ coi dân quyền là đủ, mà tầm thường hóa hay không cần đến nhân quyền thì con người không bao giờ vươn tới được trạng thái Người vì không có đủ cảm hứng để phát triển.


Cảm hứng thường được biểu hiện dưới hình thức của văn hoá, nó là một trạng thái tinh thần được phát tán, lan truyền, ảnh hưởng rất nhanh và hiệu quả thông qua văn hóa. Nhưng cần phải hiểu rằng cảm hứng không thuộc về văn hóa mà cảm hứng luôn thuộc về con người. Chúng ta thường thấy những tác phẩm văn học có giá trị bao giờ cũng là những tác phẩm gieo vào lòng người đọc những rung cảm thực sự. Tại sao mọi người ở khắp nơi trên thế giới khi đọc “Chiến tranh và hoà bình” của Tolstoi đều bị lôi cuốn bởi tinh thần Nga bất diệt trong cuộc chiến tranh vệ quốc? Nếu như tác phẩm này bị bao kín bởi lớp vỏ áo văn hóa và bị cố định bởi ngôn ngữ thì liệu nó có thể gợi lên những cảm xúc ở độc giả không? Ngôn ngữ cũng là văn hoá cho nên nó có giá trị khu trú. Nếu dừng lại ở trạng thái văn hóa như những đặc thù khu trú thì văn hóa không có giá trị hỗ trợ phát triển. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy, mọi sáng tạo không chỉ theo đuổi ngôn ngữ hay cái vỏ hình thức bên ngoài mà còn phải theo đuổi tinh thần cơ bản thuộc về con người để tạo ra giá trị phổ quát có tính chất kích thích sự phát triển của đời sống, của tâm hồn con người. Chính cái tinh thần cơ bản ấy là yếu tố quan trọng nhất khơi dậy sự đồng cảm của con người. Sự lan toả các giá trị văn hóa giúp con người hiểu nhau dễ hơn, truyền tải chất lượng tâm hồn con người dễ hơn, và do đó, tác động thúc đẩy sự phát triển giữa các quốc gia diễn ra một cách dễ dàng hơn. Có như thế mới thỏa mãn nhu cầu tham gia tích cực của mỗi người vào các cộng đồng công dân khác, tức là giúp con người có ích trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Một con người có ích là một con người góp phần vào sự phát triển ở những nơi mà nó đến, tức là tại nhiều nền văn hóa mà nó có mặt.


Cảm hứng có thể xúc tiến khả năng phát triển nhưng cũng có thể xúc tiến khả năng phá hoại khi nó không được cân bằng. Cảm hứng không được cân bằng là biểu hiện của sự mất cân đối trong đời sống tinh thần và trạng thái này rất nguy hiểm. Chính loại cảm hứng này đã tạo ra cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, mở cửa cho năng lực phá hoại và tạo ra sự tàn sát kinh hoàng. Đó là biểu hiện đáng sợ nhất của sự giận dữ đầy cảm hứng của những con người không biết mình đang làm gì và không kiểm soát được chính mình. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác lập được sự cân đối giữa năng lựccảm hứng của con người. Để tránh những hậu quả như vậy, con người cần phải tạo ra được những thể chế mà ở đấy, ngay cả cảm hứng cũng phải được điều chỉnh, được cân bằng. Vậy, làm thế nào để cân bằng cảm hứng của con người? Ai đó từng nói rất hay: “Chúng ta cần sự nổi giận của trí tuệ chứ không cần trí tuệ của sự nổi giận“. Tôi cho rằng chỉ có trí tuệ mới có thể cân bằng được cảm hứng. Con người phải biết tự cân bằng cảm hứng của mình bằng trí tuệ của mình. Con người không thể để cho cảm hứng của mình được thể hiện một cách tuỳ tiện, mù quáng, nhưng con người cũng không được để cho cảm hứng bị tiêu diệt. Bởi vì, khi không còn cảm hứng, con người trở nên khô khốc trong sự tỉnh táo, mất cảm hứng là mất đi động lực phát triển các giá trị tinh thần. Hiện tượng này thường xảy ra ở những xã hội mà tính đa dạng của cuộc sống bị hạn chế hay bị tiêu diệt. Trong cuộc sống đã từng tồn tại những xã hội như thế, đó là xã hội mà mọi cảm hứng đều bị dồn nén, con người không muốn làm gì cả, con người bằng lòng với sự nghèo khổ, thậm chí thiêng liêng hoá sự nghèo khổ của mình. Việc dồn nén các cảm hứng đã tạo ra mặt trái của nó là chủ nghĩa hoài cổ, chủ nghĩa yêu chuộng quá khứ và đấy là một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm phát triển sẽ được đề cập đến ở những phần sau.
Như vậy, cảm hứng là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Một con người không có cảm hứng, một dân tộc không có cảm hứng thì sẽ luôn luôn lười biếng và không còn khát vọng để đi tìm cái mới ngoài những thứ mà mình đã có, và do đó không thể phát triển được. Tất cả các dân tộc đều phải ý thức một cách rõ ràng về việc gieo trồng cảm hứng phát triển xã hội và tất nhiên, quá trình này buộc phải bắt đầu từ việc khích lệ cảm hứng của mỗi cá nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xây dựng chế độ dân chủ để tự do trở thành cảm hứng cơ bản khích lệ con người tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình phát triển của cá nhân và của cả cộng đồng.


Vậy thông qua cảm hứng, tự do biến thành sự sáng tạo như thế nào? Con người sáng tạo thông qua năng lực tưởng tượng của mình và cảm hứng chính là chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng ấy. Như vậy, rõ ràng, tự do là chất xúc tác cho mọi sáng tạo của con người, và con người không thể sáng tạo được nếu không có tự do. Tự do tạo ra cảm hứng làm chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng, đồng thời nó khuyến khích sự phát triển năng lực tưởng tượng và làm bùng nổ năng lực sáng tạo ở mỗi người. Có một thế giới tưởng tượng tràn ngập trong mình, con người mới có đam mê sáng tạo. Nói cách khác, con người chỉ sáng tạo được nếu tự nguyện lao động, nếu yêu mến cái mình đang làm, yêu mến cuộc sống và đất nước mình đang sống. Tự do là không gian của mọi sự sáng tạo từ văn hoá, nghệ thuật cho đến khoa học công nghệ… Michelangelo từng nằm ngửa trên các quang treo mấy năm ròng để vẽ bức họa “Sáng tạo thế giới” trên nóc vòm nhà thờ Sixtine nổi tiếng ở Italia. Nếu không có thiên thần nhập vào trong tâm hồn của Michelangelo, nếu Michelangelo không bay trong tự do, không để mình bay lên cùng với sự thăng hoa của trí tưởng tượng thì làm sao ông có thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách nằm ngửa trên quang treo để vẽ ra tác phẩm mà hàng trăm năm sau con người vẫn còn tấm tắc, trầm trồ? Chính cảm hứng và năng lực tưởng tượng phong phú làm nên sự đa dạng các giá trị tinh thần, nơi con người có thể nhặt được sự sáng tạo ở trong bất kỳ góc tối nào của cuộc sống.


Nói đến sự sáng tạo không thể không nói đến cái đẹp vì sáng tạo chính là cái đẹp. Cái đẹp tồn tại ở ngay bên trong mỗi con người nếu con người biết yêu cái đẹp. Cái đẹp là thông điệp của sự hợp lý, sự cao thượng, thậm chí có thể khẳng định cái đẹp là biểu hiện cao nhất của trạng thái phát triển của con người, đó là sự thăng hoa các khả năng của con người, tức là sự sáng tạo. Vạn Lý Trường Thành là một ví dụ. Vẻ đẹp uy nghi, hùng vĩ của nó luôn làm cho chúng ta thích thú, làm cho chúng ta choáng ngợp và khiến chúng ta phải kinh ngạc, ngưỡng mộ. Trong sự chập trùng của thiên nhiên, người ta vẽ một nét nhấn làm phô ra những đường nét uốn lượn lộng lẫy của trời đất và buộc tất cả phải thừa nhận vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp ấy đã đem lại sự hấp dẫn cho nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nếu ta bỏ đi những Di Hoà Viên, Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành thì đất nước Trung Hoa có gì cuốn hút? Cũng như vậy, nước Pháp sẽ giảm đi biết bao nhiêu sự vẫy gọi nếu như chúng ta bỏ đi của Paris sông Saint, điện Louvre, điện Pantheon… Cho nên cái đẹp là biểu hiện tổng hợp của cuộc đời, là biểu hiện cao nhất không chỉ của sự thịnh vượng mà của cả sự bất tử. Trong đó, vượt lên tất cả, con người là sự tổng hợp cao quý nhất, là hiện thân cao nhất của cái đẹp. Bức tượng David luôn được ca ngợi là một trong những biểu tượng đẹp nhất của nghệ thuật tạo hình theo phong cách cổ điển chính vì nó thể hiện vẻ đẹp cân đối và hoàn mỹ nhất của con người.


Cái đẹp bao giờ cũng tồn tại cùng với sự đa dạng và tự nhiên của đời sống tinh thần con người. Nếu con người không có trí tưởng tượng, không nhận biết được vẻ đẹp bằng chính tâm hồn mình thì con người không biết cách tạo ra vẻ đẹp và càng không thể có được nó. Mỗi người chỉ có một tâm hồn, một đời sống tinh thần, do vậy, nếu nó khô cứng, đơn điệu hoặc méo mó thì con người không thể có động lực làm bất cứ việc gì mà cảm thấy hạnh phúc. Nếu xây dựng các tiêu chuẩn để con người trở thành những kẻ ngốc nghếch và đơn điệu, hay nếu làm cho con người méo mó và mất đi sự đa dạng tình thần vốn có thì đấy là tội diệt chủng về mặt tinh thần. Xét trên quan điểm phát triển, sự diệt chủng về mặt tinh thần là một tội ác chống lại loài người bởi nó tiêu diệt khả năng sáng tạo của con người. Thế giới vẫn lên án tội ác diệt chủng về mặt sinh học nhưng dường như chưa nhận ra một sự diệt chủng khác còn nguy hiểm hơn, đó là sự diệt chủng con người về mặt tinh thần. Vì thế, phải xây dựng con người ở giá trị cá nhân của nó. Tôn trọng giá trị cá nhân con người là tôn trọng cuộc đời và giá trị của chính mình, của người khác và tôn trọng sự trong sạch của đời sống xã hội. Khi xác nhận được giá trị của mình thì con người mới có giá trị đóng góp cho xã hội. Ở phương Tây, người ta đề cao vai trò cá nhân, trái lại, ở phương Đông, vì những lý do văn hoá, người ta coi trọng vai trò của cộng đồng. Do đó, phương Đông không có con người hoàn chỉnh, không có các cá thể hoàn chỉnh. Trước đây, người phương Đông thường lên án những đặc điểm mang tính cá nhân và gọi đó là ích kỷ, là cá nhân chủ nghĩa, theo đó, người ta đối lập cá nhân với cộng đồng, lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Quan niệm như vậy cho đến nay chưa phải là đã hoàn toàn chấm dứt. Phải thấy rằng, sự đối lập, sự khinh trọng đó rất phi lý, bởi cá thể và cộng đồng không phải là một cặp phạm trù đối lập mà là cặp phạm trù có quan hệ hệ quả. Cộng đồng là kết quả sự tụ họp của các cá thể. Một cộng đồng lành mạnh phải được cấu tạo bởi các cá thể lành mạnh, mà một cá thể lành mạnh phải bắt đầu từ một cá thể có giá trị. Khi nào con người không nhận ra mình là một cá thể và chứng minh mình là một cá thể có giá trị thì khi ấy, con người vẫn không phát triển.


Tóm lại, cảm hứng và sáng tạo luôn đi liền với nhau, gắn kết với nhau bởi xúc tác là tự do. Có thể nói, chính cảm hứng và tình yêu tự do đã tạo ra những thành tựu và những dấu ấn có giá trị vĩnh cửu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.


4. Danh dự 


Danh dự là một chỉ tiêu mang chất lượng tinh thần và là một trong những cảm giác quan trọng nhất của con người. Danh dự cũng là một chỉ tiêu thể hiện mức độ tự do của con người. Chúng ta biết rằng, khi con người không có tự do thì con người không thể tự lập. Sự thiếu tự do làm cho con người mất mát những năng lực cơ bản và trở thành những sinh vật luôn phụ thuộc, đáng sợ nhất là phụ thuộc vào những nhận thức bị áp đặt. Khi phụ thuộc, con người đánh mất lòng tự trọng. Mà không có lòng tự trọng, con người không thể có danh dự, vì tự trọng là nguồn gốc của niềm tự hào, của cảm giác danh dự.


Nói đến cùng, con người không có cảm giác danh dự thì không phải là con người, con người hoàn chỉnh hay con người hiểu theo đúng nghĩa của nó. Bởi vì con người không có danh dự thì không tự tin đứng trước người khác, nhất là người khác chủng tộc, và không đủ tự tin để đứng trước ai thì đấy có phải là con người không? Danh dự được xác lập như một chỉ tiêu làm nguồn vốn phát triển các giá trị tinh thần con người. Danh dự là kim chỉ nam để tiến tới những giá trị văn hoá cởi mở hơn và phát triển các năng lực. Nhân cách của một con người phát triển cùng với tình yêu của người đó. Trước hết, con người phải có danh dự thì mới biết thương yêu người khác. Khi đạt đến một tình yêu rộng lớn hơn là tình yêu đất nước thì đấy chính là biểu hiện mang tính cộng đồng của danh dự.


Danh dự là một cảm giác mang chất lượng sở hữu cá nhân. Khi nào danh dự trở thành sở hữu cá nhân thì đó chính là điểm phát triển cao nhất của ý thức về đạo đức. Trạng thái tụ họp của các danh dự cá nhân đôi lúc tạo ra danh dự tập thể, nhưng danh dự tập thể không phải là trạng thái thường xuyên, mà ngay cả tập thể có danh dự thì nó cũng bị phân chia thành từng mẩu một và được chứa đựng trong từng cá nhân. Không phải ai trong tập thể cũng chứa đựng trong mình danh dự ấy, song, một điều chắc chắn là ai cũng phải có danh dự của mình. Bởi vì nếu thiếu danh dự, con người không có cách gì để phát triển lành mạnh được. Nếu thiếu danh dự, mọi sự phát triển đều biến thành sự phát triển của những yếu tố tiêu cực và chúng ta không thể làm cho xã hội trở nên tốt đẹp. Một dân tộc muốn trở thành dân tộc lành mạnh thì mỗi con người phải trở thành một con người hoàn chỉnh, cân bằng về mặt tinh thần.


5. Hạnh phúc


Hạnh phúc là trạng thái cảm giác mà tất cả con người đều mong có. Hạnh phúc là mục tiêu của cuộc sống con người, mục tiêu của mọi sự phát triển. Suy ra cho cùng, tất cả ý nghĩa, giá trị, niềm vui của cuộc sống đều được gói ghém trong khái niệm hạnh phúc. Cảm giác hạnh phúc vô cùng quan trọng, nó làm cho một người rất vất vả, rất lam lũ có thể làm thơ. Cảm giác hạnh phúc là tiền đề của khát vọng vươn tới, đó là cảm giác muốn chiếm lĩnh những giá trị cao quý nhất của cuộc sống. Suy cho cùng, đời sống con người là một tập hợp các cảm giác, trong đó cảm giác hạnh phúc có mặt ở trung tâm của mọi cảm giác còn lại.


Hạnh phúc của một người chỉ được tạo ra bằng chính năng lực của người đó. Chúng ta đều biết rằng có thể cho con người tiền nhưng không thể cho con người hạnh phúc. Hạnh phúc phải là thành quả của sự phát triển và nó chỉ xuất hiện trong điều kiện phát triển đầy đủ của con người. Do đó, con người không thể đạt được hạnh phúc nếu thiếu tự do. Tự do là phương tiện mà nhờ nó, con người có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình. Tự do không phải chỉ là quyền trên lý thuyết hay quyền trên thực tế mà đi liền với nó còn là cảm giác hạnh phúc. Khi con người có đủ năng lực để hành động, đủ trí tuệ để khai thác các quyền của mình, tức là khi các quyền được sử dụng thì nó đem đến cho con người một cảm giác muốn làm lại như thế ở lần sau. Hành động này đem lại cho con người một khoái cảm, đó chính là cơn nghiện tự nhiên của con người đối với những tập hợp quyền của mình. Và cơn nghiện ấy tạo ra cảm giác về trạng thái hạnh phúc, trạng thái thoả mãn, trạng thái viên mãn của con người, chính cảm giác ấy là cảm giác ban đầu của quá trình sáng tạo. Như vậy, tự do là một trong những điều kiện ban đầu để hình thành hạnh phúc.Khi con người gặt hái được thành quả từ việc có tự do thì con người hạnh phúc. Tự do là cảm giác đầu vào của con người và hạnh phúc là cảm giác đầu ra của con người, toàn bộ tiến trình ở giữa là tiến trình phát triển. Không phải con người tìm được tự do khi đi qua một ngục tù là con người đã có được hạnh phúc. Hạnh phúc của con người là một cảm giác tổng hợp từ cảm giác tự tin, tự hào, tự trọng đến tình yêu… Mà xét đến cùng, đó chính là những trạng thái cảm xúc chỉ tồn tại ở một người có danh dự, nên cảm giác hạnh phúc thường đi liền với trạng thái con người có danh dự.


Con người cần phải phấn đấu để khả năng hạnh phúc là phổ quát trong mọi trường hợp tương tác giữa con người với con người, hay làm cho hạnh phúc là cảm giác phổ biến trong đời sống tinh thần mỗi người. Nếu có công cụ để tìm ra hạnh phúc trong mọi sự tương tác đó thì công nghệ ấy cần phải trở thành công nghệ phổ quát, vì chính sự phổ quát của hạnh phúc tạo ra sự khuyến khích con người tiếp tục tồn tại và phát triển.

Nguồn: Cội nguồn cảm hứng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More