Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Xã hội Na Uy trong cái nhìn của tôi

Một sự tình cờ của số phận đã đưa tôi đến với đất nước Na Uy, quốc gia có diện tích lớn hơn Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 4,8 triệu, trong đó số người nhập cư từ các nước khác chiếm khoảng trên 10%. Và con số này vẫn đang tăng lên hàng năm.

Tại các thành phố của Na Uy bây giờ bạn có thể bắt gặp dân nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ như Chi lê, Brazil, Mexico… châu Âu như Ba Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha… châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… nhiều nhất là từ vùng Trung Đông của châu Á như Iran, Palestine, Afghanistan… Nghĩa là chẳng khác gì trên đất Mỹ. Ngay trong ngôi trường dạy tiếng Na Uy cho người nước ngoài mà tôi đang học, đã có thể đếm được khoảng gần 50 quốc tịch khác nhau của học sinh. Có lẽ ý thức được vấn đề dân số ít ỏi của mình trong khi đất đai khá rộng và tiền bạc, tài nguyên cũng không thiếu, chính phủ Na Uy đã mở rộng vòng tay đón dân nhập cư từ các quốc gia khác nhau đến Na Uy theo nhiều con đường khác nhau. Những năm gần đây thì số người từ các nước Trung Đông chiếm tỉ lệ rất cao.

So với các cộng đồng khác, người Việt ở Na Uy có khoảng gần 20 ngàn người, có mặt tại đất nước này từ sau năm 1975 với những đợt thuyền nhân bỏ nước ra đi may mắn được tàu Na Uy vớt hoặc vào trại tị nạn rồi chuyển đến Na Uy. Một cộng đồng cũng không phải là nhỏ nếu tính trên tỉ lệ dân số của Na Uy.

Na Uy là một đất nước yên bình. Cảm giác được an toàn có lẽ sẽ là cảm giác đầu tiên và chung nhất của những người dân nhập cư dù đến từ quốc gia nào khi chấp nhận chọn Na Uy làm tổ quốc thứ hai. Phải chăng đó là một trong những giá trị lớn nhất mà quốc gia này đem đến cho nhân dân của họ khi tạo ra một môi trường xã hội mà ở đó người ta có thể quên đi nhiều nỗi lo âu, sợ hãi? Nhìn khuôn mặt, dáng dấp người Na Uy trong đời sống hàng ngày cũng thấy toát lên vẻ bình an, không lo lắng không vội vàng, mà thật sự thì có gì phải lo lắng, căng thẳng? Từ khi còn là một đứa trẻ cắp sách đến trường, học sinh ở Na Uy hầu như không phải chịu áp lực về việc học hành – không có sự xếp loại hay phân biệt học sinh giỏi với học sinh kém, xã hội Na Uy quan niệm nên tạo cho trẻ em một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái, mọi đứa trẻ đều như nhau; nếu có một đứa trẻ học kém thì nhà trường sẽ cử giáo viên kèm cặp riêng những môn nào mà em bị kém chứ không bắt em học sinh đó phải học một lớp khác; thầy cô hay nhà trường không bị áp lực vể thành tích để ép các em phải học; bố mẹ các em cũng không ép…Trong suốt cuộc đời một người Na Uy họ cũng không phải lo lắng nhiều hay chịu nhiều sức ép từ xã hội. Gần như mọi thứ đều được nhà nước lo toan, đảm bảo; đi học thì được miễn phí cho đến hết trung học, nếu học tiếp đại học thì vay tiền ngân hàng sau này đi làm trả, khi có công ăn việc làm thì coi như khỏi phải lo cho tuổi già hay lúc đau yếu, còn nếu không có việc thì vẫn có trợ cấp thất nghiệp với thời hạn khá là… ưu ái; nếu lập gia đình và có con thì đứa con đó mới sinh ra đã được nhà nước phụ một tay chu cấp v.v… Môi trường sạch, thực phẩm sạch, tỉ lệ tai nạn giao thông thấp (chủ yếu vì dân số ít nên xe cộ không phải chen lấn nhau gây ra tai nạn!), bệnh tật cũng ít (ngoài lý do môi trường và thực phẩm sạch vừa nói trên, ở Na Uy các bác sĩ rất hiếm khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc nặng đô, thuốc kháng sinh lại càng khó khăn, còn nếu mua thuốc ở các hiệu thuốc thì luôn luôn phải có toa bác sĩ nên có lẽ đó cũng là một trong những lý do giúp người Na Uy ít bệnh). Xã hội ổn định. Người dân cũng không có những nỗi lo về việc không được nói điều này không được viết điều kia chỉ trích chính quyền hay không được phép tụ tập, lập đảng v.v… Sống trong một xã hội như vậy nên nhìn chung tính cách của người Na Uy hiền lành, lương thiện, tử tế, không phức tạp. Xã hội thế nào con người thế ấy (hay ngược lại – như con gà và quả trứng chẳng biết cái nào có trước vậy!).

Có một vài mẩu chuyện nhỏ mà tôi sẽ kể ra đây như những ví dụ về tính cách lương thiện, tử tế của người Na Uy. Con gái tôi mua một chiếc điện thoại di động cũng khá đắt tiền, nhưng một thời gian sau chỗ cắm để sạc điện trên chiếc điện thoại bị lờn, không sạc được. Vì vẫn đang trong thời hạn bảo hành nên con bé mang ra cửa hàng. Đầu tiên người ta đổi cho cháu một cái giống hệt để xài tạm trong thời gian họ giữ máy để sửa chữa. Đúng hẹn khi con bé đến, họ thông báo không sửa được và đền cho cháu một cái y hệt nhưng mới toanh. Một vài lần khác cũng tương tự như vậy với những món hàng khác mà tôi đã mua về, đã xé bao ra dùng thử không được, mang ra họ vẫn trả lại đủ tiền.

Hay một lần hai mẹ con tôi mua vé xe bus từ Oslo về Kristiansand (giá vé khoảng gần 60 USD/người) , chẳng biết loay hoay thế nào rớt mất hai cái vé, khi bước lên xe trình bày với người tài xế, ông ấy liền bảo “Tôi tin chị. Chị cứ lên xe đi, không sao”.

Tính tôi vốn lơ đãng, ra đường không quên cái này thì cũng quên cái kia. Có lần tôi mua một mớ mỹ phẩm, bỏ quên luôn tại cửa hàng, ngày hôm sau ra họ vẫn còn giữ đó, nhưng như thế vẫn chưa đủ, tôi xách cái túi vừa lấy lại đi sang một cửa hàng khác mua một cái áo và lại… bỏ quên ở đây, đi một lúc sực nhớ quay lui, lại lấy lại lần thứ hai!

Và còn rất nhiều những ví dụ khác.

Một cô giáo dạy tiếng Anh mà tôi quen, vốn là người Malaysia lấy chồng Na Uy cũng kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà chị đã từng lấy làm ngạc nhiên dù sống ở Na Uy nhiều năm. Như một lần con gái chị về nhà và kể con nhường hết phần ăn trưa cho một bạn người nước ngoài học cùng lớp vì bạn không mang theo thức ăn, chị hỏi nhường hết vậy con lấy gì ăn, cô bé hồn nhiên trả lời: nhưng cô giáo dạy vậy mà, cô bảo nên nhường cho bạn khi bạn không có.

Ngay từ nhỏ, người Na Uy đã được dạy những điều tử tế, dạy sống lương thiện, dạy trước tiên hãy tin vào người khác nếu muốn người khác tin mình, cũng như không phân biệt, kỳ thị chủng tộc, màu da… nên trong cuộc đời người dân Na Uy nói chung đã sống như vậy.

Nói như vậy không có nghĩa xã hội Na Uy là một xã hội hoàn hảo. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Xã hội Na Uy, có thể gọi là một mô hình xã hội chủ nghĩa khá lý tưởng dù theo chế độ quân chủ lập hiến, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. “Tính chất xã hội chủ nghĩa” coi trọng sự bình đẳng đôi khi lại là một sự cào bằng, làm giảm đi nỗ lực cạnh tranh trong mỗi con người. Thực vậy, người Na Uy có thói quen chấp nhận, bằng lòng với những gì mình có, ít khi muốn đua tranh với người khác hay vươn lên hơn nữa. Khác hẳn với xã hội Mỹ nơi con người phải “cày như trâu”, phải cạnh tranh không mệt mỏi, phải vươn lên không ngừng để có một ngày mai tốt hơn ngày hôm qua, hôm nay và để không bị đào thải. Chính điều đó tạo ra sự tiến bộ không ngừng của xã hội Mỹ, còn các xã hội Bắc Âu nói chung trong đó có Na Uy bị cái sức ỳ vì không có tính cạnh tranh dữ dội như vậy. Và khi đời sống hiền lành, bằng phẳng quá thì con người cũng đơn giản. Không biết có chủ quan, phiến diện không nhưng đôi khi tôi cứ nghĩ, nếu là người làm văn hóa nghệ thuật ở Na Uy thì không biết tôi sẽ sáng tác về cái gì (!). Rất là khó bởi trong cuộc sống có xung đột, mâu thuẫn xã hội gì nhiều đâu, chỉ trừ sáng tác về nỗi cô đơn của con người hay tình yêu chẳng hạn, vốn là những đề tài muôn thuở!

Nhìn chung, với một người thích cuộc sống an phận, không lo nghĩ nhiều thì Na Uy là một thiên đường, còn những ai thích một cuộc sống nhiếu tính cạnh tranh, nhiều cơ hội khác nhau… thì chưa chắc đã cảm thấy phù hợp với Na Uy.

Nhưng dẫu sao, một xã hội mà điều tốt, sự tử tế, lương thiện là phổ biến còn cái ác, sự không tử tế là chuyện hiếm hoi, một xã hội mà con người tin nhau, và tin vào điều tử tế, đó là một xã hội lành mạnh, là giấc mơ mà tôi đang mơ cho Việt Nam – đất nước tôi, dân tộc tôi.

- Đạo diễn SONG CHI

4 nhận xét:

Muốn tới đất nước này lắm roài đấy. Muốn được đến 1 đất nước yên bình và an toàn. :D

Những người thích cuộc sống an phận, không lo nghĩ nhiều thì Na Uy là một thiên đường

waaaaaa
bài viết hay quá :)
Cám ơn tác giả nhiều nha

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More