Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Khế ước xã hội và hiến pháp

• Hôm nay chính phủ quyết định cho giá xăng tăng.
• Hôm nay chính phủ quyết định cho giá điện tăng.
• Hôm nay chính phủ quyết định thu phí các phương tiện giao thông.
• Hôm nay chính phủ quyết định đầu tư vài nghìn tỉ vào dự án Vinashin.
• Hôm nay chính phủ quyết định đầu tư cũng vài nghìn tỉ vào dự án Vinaline.
• Hôm nay chính phủ quyết định đầu tư rất nhiều tỉ vào xây đập Sông Tranh, đập Đắc krong, đập abc, hầm Kim Liên, hầm Thủ Thiêm, hầm Hải Vân, hầm xyz…. Và ít lâu sau, chưa đầy một năm, các đập và hầm này lần lượt nứt vỡ, đe dọa tính mạng tài sản và sự an toàn của hàng ngàn người dân, trong khi chính phủ rung đùi “vẫn đảm bảo an toàn”.
• Hôm nay một cô gái đuổi cướp qua 6 ngã tư mà không một ai trợ giúp.
• Hôm nay thêm một người dân bị công an hành hung.
• Hôm nay một vài người dân bị cướp đất, tên cướp trả 200 ngàn đồng mỗi mét vuông đất và đòi họ phải ra khỏi nhà ngay, hoặc cho côn đồ vào đánh, đập nhà.
• Hôm nay một nhà báo vào tù vì hối lộ cảnh sát để chụp ảnh làm chứng cảnh sát nhận hối lộ….
• Hôm nay một phó giáo sư tiến sĩ bảo rằng nên hợp pháp việc chạy chức chạy quyền.
• Hôm nay, báo chí chính thức thông tin về hàm lượng độc tố trong mỗi quả cam quả táo bán ngoài chợ, và chúng ta truyền tai nhau về tin thịt gà thối ngâm hóa chất Trung Quốc, quần áo Trung Quốc chứa côn trùng lạ, thịt lợn nuôi bằng thuốc tăng trọng, rau phun hóa chất trừ sâu, phở ngâm thuốc bảo quản.

Còn biết bao việc tương tự mà ta nghe được mỗi ngày nữa? Và có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao xã hội ta đang sống lại trở nên như vậy? Có bao giờ bạn muốn lâm vào tình cảnh ấy, một trong những tình cảnh mà tôi vừa nêu ở trên? Chắc chắn là không! Nhưng lại không có gì đảm bảo rằng, chắc chắn ta sẽ không bị như thế. Xã hội ta đang sống, là một xã hội đầy rẫy những nguy cơ... Và bạn, gia đình bạn, nằm ở đâu, và được ai bảo vệ trong xã hội này?

Có một thứ tồn tại trên đời, mà có thể bạn chưa từng nghe đến, hoặc nghe qua rồi mà mặc kệ không quan tâm, đó là “KHẾ ƯỚC XÃ HỘI”. Bất kì một xã hội nào, hay nói rộng hơn, một đất nước nào cũng phải có một bản khế ước cho mình, mà trong đó, mỗi người chúng ta, mỗi công dân, tự thỏa thuận với nhau, và thỏa thuận với nhà cầm quyền cách thức mà mình được đối xử, qua đó nhượng cho họ một số quyền phán quyết những chuyện trọng đại của quốc gia. Chúng ta cho phép nhà cầm quyền do chúng ta chọn ra được quyền thay mặt chúng ta đối ngoại, đổi lại ta nộp thuế, ta đi nghĩa vụ quân sự, ta ủng hộ chính sách bảo vệ đất nước. Ta cho phép nhà cầm quyền do ta chọn ra được thay ta quyết định phương án sử dụng ngân sách của chúng ta góp vào, đổi lại ta đảm bảo sự đóng góp đó, và buộc họ dùng số tiền của chúng ta một cách hiệu quả và hợp lý. Đường hỏng phải sửa, xây đập phải đúng chất lượng, đồng bào ta nghèo phải trợ cấp cho họ cơm ăn áo mặc. Ta trả lương cho nhà cầm quyền, cho họ có quyền lực trong nước, đổi lại, để họ đối xử với chúng ta theo đúng nguyên tắc dịch vụ: ta trả lương, ta phải được phục vụ chu đáo.

Vậy thì BẢN KHẾ ƯỚC CỦA CHÚNG TA Ở ĐÂU?

Khế ước xã hội cơ bản nhất của một quốc gia, chính là Hiến pháp của quốc gia ấy. Chẳng thế, mà trong hơn một mặt giấy ghi trọn nội dung của Hiến pháp Hoa Kỳ, một trong những bản Khế ước xã hội tiến bộ nhất được thế giới công nhận, hoàn toàn qui định những quyền mà một nhà nước có thể có đối với công dân của họ. Ở Hoa Kỳ, người dân hoàn toàn tự do, làm những gì pháp luật không cấm, còn nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Đó là cách người Mỹ qui ước với nhau trong khế ước của mình. Người Việt Nam ta làm gì cho khế ước của mình?

ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO?

Không, các bạn ạ. Cũng như khi bạn đi xin việc. Chẳng nhà tuyển dụng nào lại để cho người được tuyển dụng lập hợp đồng cả. Chính chúng ta mới là người có quyền lập ra bản khế ước đó, và buộc nhà cầm quyền, những người được chúng ta tuyển dụng và ủy thác quyền của mình kí vào bản khế ước ấy, hoặc là ta sẽ tìm nhà cầm quyền khác, người có thể đảm bảo quyền lợi cho mình. Chúng ta lập ra khế ước, buộc nhà cầm quyền không được đòi tiền của chúng ta một cách vô lý, và phải đảm bảo giá cả tiêu dùng thông qua quản lý kinh tế hiệu quả. Tự dưng tăng giá ga, giá điện, giá xăng, tự nhiên thu phí vô lý, ta có quyền điều đình với họ. Chúng ta lập khế ước để buộc họ phải tiêu tiền của chúng ta một cách hợp lý, bỏ ra vài ngàn tỉ để mua một con tàu cũ nát? Trong khi con đường trước cửa nhà bạn đã ngập nước mà không ai đến sửa? Chúng ta có quyền điều đình với họ về việc đó.

Nhiều trẻ em vùng cao không có một mái trường kiên cố mà nhà cầm quyền dùng tiền của bạn xây bảo tàng tiền tỉ rồi để không? Chúng ta có quyền phản đối và điều đình với họ. Thực phẩm chúng ta ăn không đảm bảo chất lượng? chúng ta có quyền buộc nhà cầm quyền phải quản lý chất lượng sản phẩm, họ có thể làm việc ấy, nhưng họ đang không làm, và ta đang nhận hậu quả.

Giờ đây, nhà cầm quyền đưa ra một bản Hiến pháp dự thảo dài dặc, mà hẳn là đọc được một trang đầu, ta sẽ ngao ngán. Tại sao? Vì nó là do người được tuyển dụng soạn thảo, và chúng ta thì đang thờ ơ. Họ chỉ cho 90 triệu dân 3 tháng để đọc một bản dự thảo 124 điều trong đó không biết bao nhiêu điều ràng buộc chính chúng ta, trong khi những gì ràng buộc họ lại rất lỏng lẻo và mờ nhạt.

Chúng ta cần một Khế ước xã hội của mình, chúng ta cần ràng buộc những “công bộc” mình tuyển dụng và trả lương. Vì cuộc sống của chính chúng ta, vì một xã hội đầy những nguy cơ mà ta đang sống. Hãy cải thiện nó bằng bước đầu tiên: quan tâm đến bản khế ước của chính mình.
Nguồn: © Wegreen Vietnam FB

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More