Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Nguyễn An Ninh: Để phân biệt người Hy Lạp văn minh với người man di mọi rợ

    Nền văn minh hiện nay quả thật là một sự đáng xấu hổ.
     
    Cho tới bây giờ loài người luôn luôn rêu rao lên như một điều chân lý: con người khác với con vật vì hơn con vật ở chỗ có khối óc biết suy nghĩ và có trái tim biết thương cảm, trong khi thật ra con người khác với con vật vì lẽ giản dị là con người nói láo, con vật thì không nói láo.

    Ở cái thời đại hoàn hảo nầy mà sự học vấn được ban phát cho tất cả mọi người, mà nền giáo dục quốc gia đào tạo ra hàng loạt những công dân theo mẫu con người toàn hảo nhất thì xin hỏi trong các chế độ Cộng hòa do con người lập ra,  "các đức tính có được lan truyền rộng rãi và thực thi như trong xã hội của loài vật hay không?".

    Chỉ cần đọc những cuốn sách luân lý đang dùng trong các trường học, chúng ta cũng đủ mắc cỡ cho cái nền văn minh rất được ca tụng của chúng ta.  Trong những cuốn sách dùng để giáo dục con em chúng ta, những nghị sĩ tương lai, những quan chức cai trị tương lai, hoặc những bộ trưởng tương lai, chúng ta vẫn còn thấy những tấm gương về loài vật được kể ra không ngớt để dạy cho trẻ con những đức tính ở đời: sự siêng năng làm lụng của loài kiến, tình mẫu tử của loài gà và loài khỉ, tình vợ chồng của chim bồ câu, tình bằng hữu của trâu bò, lòng trung thành của loài chó, trí khôn của con lừa, sự tiết độ ăn uống có chừng mực của loài lạc đà... Những lời tự thú nhận ngấm ngầm như vậy đã phản biện lại những câu tự đề cao huênh hoang của con người. Và chúng ta phải là những kẻ hơi thiếu lý trí một chút thì mới dám có gan la lớn lên là con người hơn con vật, hoặc phải ngây ngô như những người Hy Lạp xa xưa trẻ hơn chúng ta sống cách nay hàng chục thế kỷ thì mới liều mạng tuyên bố là cái phân biệt con người với con vật, phân biệt người Hy Lạp văn minh với người của những bộ tộc man di, là sự hiểu biết về triết lý và cách điều hành việc nước.

    Nhưng có lẽ cũng do cái quan niệm về con người và con vật, về người Hy Lạp văn minh và người bộ tộc man di, mà người Hy Lạp đã hoàn toàn đồng ý với chúng ta về một điều chân lý nầy: con người hơn con vật bởi vì con người nói láo, còn con vật thì khong nói láo. Vì triết lý là một ảo ảnh, là một sự lừa dối, là cái ảo giác ru ngủ cuộc đời của một vài kẻ bị bịnh thần kinh. Còn trong chuyện điều hành việc nước thì sự thành công thường về tay những kẻ miệng lưỡi có tài ăn nói, những kẻ thạo nghề hứa hẹn, những kẻ biết cách dùng giọng nói của mình để làm dịu những sự lầm than khổ ải của dân chúng và biết làm cho họ quên đi cái bụng đói của họ chỉ độc bằng mùi thơm của một khúc thịt xúc xích.

    Thật đáng nguyền rủa cái ông thần nào đã ban cho con người giọng nói vì ban như vậy là giúp cho con người có phương tiện để nói láo. Do đó đã gieo tai họa cho con người. Tục ngữ có câu: Câm như cá chép. Nhờ vậy mà họ hàng dòng giống loài cá chép được sung sướng thái bình. Con lừa kêu be be và khổ sở nhưng mà khổ sở ít. Chỉ có con người là biết nói, thành thử xã hội loài người bị biến thành địa ngục, vì chỉ có con người mới biết nói láo và chỉ có xã hội loài người mới là một sân khấu bi hài kịch.

    Điều chân lý cổ xưa của người Hy Lạp có lẽ ngày nay có thể sửa lại cho đúng như sau: cái phân biệt con người với con vật, người văn minh với người mọi rợ man di là cái việc đàng này nói láo, còn đằng kia thì không nói láo.

    Và đây là một bằng cớ do một nhà du hành Ăng Lê kể lại để minh họa:
     
    Một hôm đang đi qua xứ Masal (ở Phi Châu) tự nhiên tôi có hỏi những chiến binh bộ tộc đi hộ tống tôi một câu để biết ngôn ngữ của họ dùng chữ gì để nói cảm ơn

    Không ai trả lời được. Tôi đổi qua câu khác, hỏi loanh quanh:

     - Nếu tôi tăng cho mấy anh con bò cái tơ mập mạp nầy, các anh có vừa lòng không?

    - Dĩ nhiên là vừa lòng.

    - Vậy mấy anh nói gì với tôi?

    - Không nói gì hết.

    - Sao lại không nói gì. Mấy anh nhìn nhận là tôi đã làm mấy anh vừa lòng, vậy mà lại không nói gì hết.

     Một người trong đám chiến binh nói:

    - Những con bò cái tơ, ông có đưa nó cho tụi tui đâu!

    Tôi nói:

    - Phải rồi. Đây tôi đưa nó cho anh, anh lấy đi...

    Lúc đó anh chiến binh bèn nói:

    " - Tôi phải cho người đi kêu em trai tôi tới để dắt con bò về, kẻo ông đổi ý"! Họ cho dắt bò đi. Nhưng không ai trong bọn họ nói lên một tiếng cảm ơn. Chữ cảm ơn không  có trong tiếng nói của họ và lòng biết ơn cũng không có trong phong tục tập quán của họ!
     
    Đó là một sự ngạc nhiên rất ngây ngô của một con người văn minh mà ngay từ nhỏ đã bị mọi người bưng bít không co biết rằng văn minh là sự sùng bái tài nói láo. Chỉ có người văn minh mới thốt ra hai chữ cảm ơn và cảm ơn là nói láo, bởi vì lòng biết ơn đích thực không bao giờ được diễn ra lời. Nói ra lời lòng biết ơn là dấu hiệu của kẻ vô ơn.

     Trong các xã hội văn minh, để tập cho trẻ con quen dần với tấn tuồng bi hài của cuộc đời, việc làm đầu tiên của các bậc cha mẹ là dạy cho con mình biết nói cảm ơn.

     - Ông đây cho con một tòa lâu đài nhỏ và một chiếc xe hơi nhỏ bằng cây. Vậy con nói cảm ơn ông đi.

     - Ông đây cho con mấy anh lính nhỏ bằng chì để tập cho con biết đánh giặc. Vậy con nói cảm ơn ông đi, vì chỉ có những đứa vô phép mới không chịu nói lời cảm ơn.

     Mặc dầu là như vậy nhưng mấy ông quan toàn quyền Ăng lê ở Ấn Độ đã không nói cảm ơn dân tộc Ấn Độ thì chớ, lại còn đè nén áp bức họ nữa kia.

     Lão Camdelier được người ta tha cho không đánh bằng chổi chà và đá đít bằng mũi giày thì cứ nhè cái đám dân An Nam mà nổi cơn thịnh nộ.

     Còn thằng cha Darles được chúng ta tặng không mấy người bằng xương bằng thịt để cho y tập chơi trò giết chóc, vậy mà thay vì nói cảm ơn chúng ta, y lại nói cục cứt với chúng ta.

     Mấy ông quan toàn quyền Ăng lê, lão Candelier và thằng cha Darles đều là những người chân thật và thẳng thắn đáng được nêu ra làm gương, để cho những kẻ tôn thờ cái nền Văn minh có châm ngôn hành động là: "Nói láo và Giả nhân giả nghĩa" phải đỏ mặt thẹn thùng.

    Nguyễn An Ninh
    Báo Chuông Rè, số 11 ngày 24/3/1924
    Nguồn: Chungta.com

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Facebook Digg Stumbleupon Favorites More