Phát triển, suy cho cùng, chính là sự tăng trưởng những giá
trị của con người chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu
tăng trưởng kinh tế là một yếu tố để biểu thị - có lẽ là tập trung
nhất - năng lực thoả mãn nhu cầu của con người, nhưng không phải là tất
cả. Khi người ta cố gắng để có được sự tăng trưởng bằng mọi giá thì đó
chỉ còn là cuộc chạy đua giữa các nhà chính trị. Tôi cho rằng sự phát
triển chân chính là những khả năng, năng lực và những thành tựu đó con
người tạo ra chứ không phải là kết quả của những biến hoá chính trị,
của sự thống kê mang tính chính trị.
Sự phát triển về khoa
học công nghệ hay trí tuệ là sự đi đến điểm gặp nhau giữa người sáng
tạo và người sử dụng. Người ta nghĩ ra Internet mà không ai dùng thì
Internet cũng không đóng vai trò xã hội gì. Đấy chính là lý tưởng phát
triển, tính tương thích giữa dân trí và sự sáng tạo. Trước khi đi đến
trạng thái ấy, các dân tộc đang phát triển cần phải xác lập mục tiêu
sống. Nếu đi theo những hình mẫu cũ, chúng ta sẽ luôn luôn trong tình
trạng thiếu thốn. Một số nước châu Á đạt được sự tăng trưởng kinh tế
rất đáng khích lệ nhưng vẫn không phát triển, đó là vì họ không xác lập
được sự cân bằng tổng hoà của các thành tố tham gia vào quá trình phát
triền, tức là không xác lập được giá trị của sự phát triền. Tại sao?
Vì họ chỉ nhìn chính họ, vào quá khứ của họ, mà không nhìn vào hiện
tại. Họ đố kỵ với tất cả những gì ở bên ngoài.
Logic,
theo tôi, cần phải khác. Chúng ta hãy đi tìm cuộc sống của mình. Cái gì
giúp chúng ta sống tốt, phát triển tốt hơn thì chúng ta phải xem là
quan trọng. Khi chúng ta xem nó là quan trọng, khi chúng ta sử dụng nó
thì chúng ta phải trả cho nó sự kính trọng nó, cũng là kính trọng con
người với các giá trị trọn vẹn của nó. Chính các giá trị trọn vẹn của
con người chứ không phải cái gì khác sẽ tạo ra hoặc phá hoại sự phát
triển bền vững. Định nghĩa sự phát triển là một nhiệm vụ khó khăn,
nhưng nếu đồng ý với chúng tôi rằng con người là mục tiêu của sự phát
triển thì có thể thấy rõ rằng phát triển bền vững chính là sự hoàn
thiện không ngừng của con người.
Trong mỗi con người có
hai năng lực khác nhau: năng lực để bán và năng lực để kiến tạo. Năng
lực để bán được chủ động chuẩn bị nhưng được sử dụng một cách bị động,
còn năng lực kiến tạo thì tồn tại một cách bị động nhưng lại được sử
dụng một cách chủ động. Sự hoàn thiện của con người chính là sự hoàn
thiện các khả năng này.
Như thế, phát triển vừa là một quá
trình, vừa là một trạng thái. Khi người ta xem xét nó thì nó là một
trạng thái, còn tự nó thì là một quá trình. Phát triển là một hiện
tượng. Xem xét sự phát triển là một hiện tượng khác. Viện trợ và nhận
viện trợ, chẳng hạn, không phải là sự phát triển. Người ta có thể dùng
viện trợ như phương tiện trợ giúp phát triển, như trợ giúp y tế hay trợ
giúp kỹ thuật...
Nhưng không bao giờ có thể tạo ra sự
phát triển bằng cách mang tiền cho người khác. Trợ giúp sự phát triển
con người là tạo điều kiện cho con người có đủ khả năng và năng lực để
tạo ra đời sống của chính họ. Trường hợp các quốc gia có các điều kiện
tự nhiên đặc biệt, chẳng hạn các quốc gia có nhiều dầu mỏ cũng vậy. Họ
chẳng phải làm gì nhiều để có một điều kiện sống tốt. Nhưng không ai
coi đó là những quốc gia phát triển. Tất nhiên, nếu dưới chân có một
thứ gì đó giúp con người ăn được mà không phải lao động thì đó không
phải là điều bất hạnh. Nhưng tôi cũng không biết có thể xem đó là may
mắn hay không. Tôi luôn luôn cho rằng chỉ khi nào con người tạo ra được
một cách tự nhiên những giá trị của cuộc sống thì mới có dấu hiệu của
sự phát triển. Tất nhiên, con người có thể khai thác thiên nhiên.
Nhưng
họ phải khai thác thiên nhiên bằng những sáng tạo của mình để không
tàn phá các yếu tố khác của đời sống. Điều này giống như khi được nhà
của anh có một mỏ kim cương. Anh có thể đập cái nhà đi để khai thác và
mua một cái nhà khác.
Chất lượng sống chắc chắn không chỉ tính bằng số lượng thịt hay vải, mà cao hơn, là đời sống tinh thần và môi trường sống.
Những nhu cầu vật chất là tuyệt đối quan trọng trong giai đoạn đầu,
khi con người còn phải đối mặt với nạn đói, nạn rét, nhưng khi mức sống
vật chất càng được cải thiện thì vai trò của những yếu tố văn hoá tinh
thần càng tăng lên. Như vậy, với tư cách là mục tiêu của sự phát triển
kinh tế, văn hoá góp phần quyết định nhu cầu của xã hội, thông qua đó
kích thích phát triển sản xuất và khoa họe kỹ thuật.
Như ở
trên chúng tôi đã nói, bản thân việc phân định kinh tế và văn hoá một
cách rạch ròi là không chặt chẽ và thoả đáng. Theo chúng tôi, cũng
giống như những hoạt động khác mà con người tiến hành vì sự tồn tại,
phát triển và tự hoàn thiện của mình, bản thân hoạt động kinh tế không
chỉ gắn bó với văn hoá mà thực sự cũng là một mảng của văn hoá hiểu
theo nghĩa rộng.
Chúng ta đang nói chuyện phát triển kinh
tế, đúng hơn là chúng ta đang nói đến năng lực vật chất. Bởi kinh tế là
phương thức, vật chất là đối tượng, là thực thể. Các qui mô vật chất
ảnh hưởng khá mạnh đến văn hoá. Nếu chúng ta nói đến hội hoạ chẳng hạn,
đại bộ phận tranh của phương Tây là tranh sơn dầu. Tính bền vững của
nó cho phép gìn giữ nhiều bằng chứng để chúng ta thưởng thức và nghiên
cứu. Trong khi đó, tranh của nhiều nước bằng giấy nên việc bảo quản rất
khó. Kết quả là chúng ta mất đi các tư liệu để nghiên cứu. Ngược lại,
con người càng va chạm nhiều càng có kinh nghiệm. Mối liên hệ giữa văn
hoá và sự phát triển quy mô vật chất hay kinh tế luôn thông qua con
người với tư cách là một thực thể văn hoá. Phương pháp nhận thức kinh
tế tác động thông qua con người: các kế sách làm ăn, các lý thuyết về
kinh tế... Cơ sở của mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và kinh tế
chính là ở chỗ: con người, với tư cách là một thực thể văn hoá, không
chỉ tham gia vào hoạt động kinh tế, mà còn tham gia vào việc xây dựng
các lý thuyết kinh tế và vào việc uốn nắn các trào lưu kinh tế. Bản
thân văn hoá và kinh tế là các khái niệm chỉ xuất hiện trong nhận thức,
chúng không phải là thực thể. Đó là những khái niệm tinh thần, sẽ thay
đổi cùng với thời gian, cùng với sự thay đổi cả văn hoá lẫn kinh tế.
Mối
quan hệ biện chứng giữa văn hoá và kinh tế là một trong những quan hệ
huyền bí nhất. Văn hoá có một vùng bao phủ rất lớn, gần như trọn vẹn
đời sống tinh thần của con người. Có thể nói rằng văn hoá chính là
những giá trị tinh thần của đời sống con người. Văn hoá tác động đến
mọi mặt của cuộc sống chứ không phải chỉ có kinh tế. Trong nghĩa hẹp
nhất, văn hoá, như chúng ta đã nghiên cứu trong những phần trước, có
thể được hiểu là lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Văn hoá cũng có thể
được hiểu rộng hơn, bao gồm cả nghệ thuật, giáo đục, lối sống, tập tục.
Với những cách hiểu như thế, văn hoá được coi là mục tiêu của chính
sách phát triển văn hoá. Theo nghĩa này, nhà nước phải coi trọng văn
hoá như là một bộ phận của các hoạt động kinh tế và xã hội, phải đầu tư
để "phát triển văn hoá”.
Thông thường, cách hiểu này là
kim chỉ nam cho chính sách "văn hoá xã hội” của nhiều nhà nước, vốn giữ
quan niệm kinh tế chủ nghĩa về xã hội, một quan niệm đã ngự trị mấy
thế kỷ trước và gần như suất thế kỷ hai mươi. Quan niệm cũ này coi văn
hoá là hệ quả của các quá trình phát triển kinh tế, chính trị. Vì thế,
cho đến nay, trong chính sách phát triển của hầu hết các quốc gia,
người ta tập trung phần lớn vào các mục tiêu kinh tế, còn văn hoá nằm
trong phần "phúc lợi" - các phúc lợi kinh tế văn hoá, xã hội...
Tuy
thế, cũng không nên phê phán cách quan niệm ấy, bởi vì nó là quan niệm
theo cách hiểu thông thường của đại đa số nhân dân và cho phép hướng
tới những mục tiêu gần. Mặt khác, văn hoá, đối với sự phát triển của
một quốc gia, nhất thiết phải được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa tổng
thể, bao gồm toàn thế các hoạt động và các giá trị sáng tạo còn lại qua
lịch sử, thể hiện trên các lĩnh vực lao động, sinh hoạt vật chất và
tinh thần.
Những người theo quyết định luận kinh tế qui sự
phát triển vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy không phải
cứ có thu nhập theo đầu người cao là có văn hoá cao. Một số quốc gia
dầu mỏ rất giàu có, nhưng đã không sao thoát khỏi tình trạng lạc hậu.
Chính vì lý do đó mà Liên Hợp Quốc đã phải đưa vào những tiêu chí khác
để đánh giá tình trạng phát triển, gọi là chỉ số phát triển con người
mà ngoài mức thu nhập người ta còn tính đến cả tỷ lệ sống sau khi sinh,
tỷ lệ biết đọc biết viết và số năm đi học.
Như thế, phát
triển phải nhằm đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc trong một xã
hội tiến bộ tổng thể, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Với cách quan
niệm rộng như thế, chúng ta có thể vạch ra chiến lược phát triển xa
hơn.
Văn hoá là động lực của phát triển
Nói
văn hoá là động lực của sự phát triển chính là nói đến quá trình trong
đó con người được và tự trang bị cho mình những kiến thức, những hệ
giá trị để có thể trở thành một nhân tố tạo ra sự phát triển. Mục tiêu
là cái chúng ta đặt ra để phấn đấu. Còn động lực là công cụ để đi đến
mục tiêu. Khi chúng ta đã đạt được mục tiêu, chính nó lại trở thành
hành trang, phương tiện, thành công cụ để tạo ra vùng nhận thức mới. Đó
chính là động lực của sự phát triển.
Cách thức mà con
người hay các dân tộc lựa chọn để tìm kiếm tương lai cho mình là dựa
trên những kinh nghiệm văn hoá của nó. Văn hoá là nền tảng, là phương
thức cơ bản để mỗi dân tộc lựa chọn cung cách đi ra khỏi quá khứ của
mình. Văn hoá là động lực, nhưng không phải là động lực theo nghĩa
thông thường. Văn hoá lớn hơn nhiều so với các định nghĩa mà chúng ta
thường thấy trong các sách vở. Theo tôi, để phát triển, vấn đề không
phải chỉ là việc chúng ta phải vứt bỏ một thói quen cụ thể hay một cách
nhìn cụ thể nào đó, như người Việt phải vứt bỏ quan điểm tam tòng tử
đức của thời phong kiến chẳng hạn, mặc dù với tư cách là người Việt
Nam, chúng tôi thiên về chủ trương loại bỏ bớt những gì cổ xưa đang trở
thành vật cản đối với với sự phát triển đất nước.
Muốn
biết văn hoá thời hiện đại là như thế nào và nó tác động ra sao đến
đời sống nhân loại, chúng ta phải xem xét thời hiện đại là gì?
Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của một số học giả về nền kinh
tế tri thức. Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một xã hội tri thức trong
đó tri thức là tiêu chuẩn số một để phân loại, định giá con người. Bởi
nền kinh tế nào cũng là sản phẩm của đời sống xã hội. Vì thế không thể
có nền kinh tế tri thức trước khi có một nền xã hội tri thức.
Chính
những tiêu chuẩn văn hoá, nhất là văn hoá chính trị, sẽ quyết định
quan điểm của con người về phát triển. Nó trở thành động lực trực tiếp
của tiến bộ. Đã đến lúc chúng ta không nên xem văn hoá là đối tượng
chung chung, mà nó phải trở thành tiêu chuẩn được thể hiện trong hành
vi hàng ngày tương ứng với cương vị và chức năng xã hội của từng người.
Thế
hệ trẻ có những tiêu chuẩn của mình. Đàn ông hay đàn bà có tiêu chuẩn
của riêng họ. Đặc biệt, nhà lãnh đạo càng phải có tiêu chuẩn của mình.
Theo tôi nền văn hoá chính trị là nền văn hoá với những tiêu chuẩn cần
thiết và bắt buộc đối với những người lãnh đạo để họ thể hiện hành vi
của mình đối với nhân dân, đùng cho nhân dân để lựa chọn người lãnh
đạo.
Tôi xin lấy hai mô hình quản lý chủ yếu trên thế giới
hiện nay: một hình phương Tây (đại diện là Mỹ) và phương Đông (đại
diện là Nhật Bản). Trái với những lời ca ngợi đầy rẫy trên báo chí, tôi
không cho rằng các công ty Nhật quản lý tốt, bởi vì tất cả các cộng
đồng hẹp đều suy thoái. Các công ty Nhật thường khép kín và đần dần
biến thành những cộng đồng mang tính gia đình. Chính sự tha hoá của các
công ty Nhật Bản đã gây ra sự suy sụp hiện nay của nền kinh tế Nhật
Bản. Tuy nhiên, các công ty Nhật không tự sáng tạo ra phương pháp quản
lý của mình. Nó bắt nguồn từ kinh nghiệm văn hoá của người Nhật. Người
Nhật mở của trước người Việt Nam xét về mặt kinh tế, nhưng người Nhật
không mở cửa về mặt văn hoá. Rất khó tìm thấy một người Nhật nói tiếng
Anh tại Tokyo ngay cả vào năm 1988, khi chúng tôi có dịp đến thăm. Tại
Nhật cho đến gần đây vẫn không có quảng cáo bằng tiếng Anh. Sự bảo thủ
về mặt văn hoá sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản nếu
người Nhật không thức tỉnh về điều này.
Mô hình Mỹ là mô
hình được ưa chuộng nhất trên thế giới. Thế hệ trẻ, thế hệ tương lai
của các quốc gia, đang hướng về nền văn hoá này. Bởi vì trong đó con
người được khẳng định và được tự do sáng tạo, tự do tiêu xài thời lượng
của cuộc đời mình. Theo chúng tôi, ở đâu con người không có tự do thì ở
đó không có phát triển thật sự, có chăng chỉ là sự đánh tráo nguồn tài
nguyên này sang nguồn tài nguyên khác mà thôi. Điều này có vẻ nghịch
lý, bởi luật Mỹ chặt chẽ hơn luật Nhật rất nhiều. Nhưng ở Mỹ, con người
được tự do sáng tạo, tự do tư tưởng đến mức không có ai có đủ uy tín
để trở thành tổng thống nếu không thông qua sự tự trình bày của mình.
Các
công ty Mỹ như một tổ ong, có người ra và người vào, dựa trên những
tiêu chuẩn nào đó, với một cơ chế thông thoáng. Tôi cho rằng mô hình
này tốt hơn, bởi nó dựa trên sự tự do của con người, bởi vì sớm hay
muộn sự phát triển của xã hội cũng dựa trên sự thức tỉnh các giá trị cá
nhân. Toàn cầu hoá và hội nhập là một minh chứng cho sự mất đi đần dần
của các giá trị khu trú để cho phép con người trở thành một đối tượng
độc lập. Đó là cá nhân. Tính hiệu quả hiện thời về mặt kinh tế của các
công ty Mỹ chưa chắc đã hơn các công ty Nhật Bản. Nhưng tính hiệu quả
về mặt triết học thì chắc chắn là các công ty Mỹ hơn hẳn.
Một
đặc điểm khác của mô hình Mỹ là sự linh hoạt. Cách người Mỹ quản lý
hôm nay không giống như cách quản lý của họ trước đây, và thậm chí
không giống như trong các quyển sách đó chính họ viết. Ngay cả trong xã
hội cũng vậy, họ tạo ra một cộng đồng văn hóa rất linh hoạt. Người Mỹ
cỹng học hỏi nhiều từ phương Đông. Không có Viện nghiên cứu về phương
Đông nào của các nước phương Đông lại to như các Viện nghiên cứu phương
Đông của người Mỹ. Không có Viện bảo tàng nào về châu Á ở châu Á lại
to như Viện bảo tàng châu Á tại San Francisco. Người Mỹ đang cố gắng
nhận thức thế giới và chúng ta học họ, bám sát theo sự phát triển kinh
nghiệm của họ để nhận ra được rằng chất lượng phương Đông trong các
giải pháp chính trị xã hội và kinh tế của người Mỹ hoàn toàn không kém
phương Đông. Chúng ta cần phải vươn tới các giá trị hợp lý hơn. Bởi vì
phát triển văn hoá nhằm làm cho mỗi người có năng lực ứng xử với nhiều
nền văn hoá cùng một lúc, để có thể đối thoại một cách bình đẳng với
các nền văn hoá khác. Thành công của người Mỹ không thể giải thích nếu
không xem xét vai trò quyết định của văn hoá.
Trong
bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào, kinh tế vẫn đóng một vai trò cực
kỳ quan trọng, nếu như không nói là quan trọng nhất: Chúng ta không thể
nói đến phát triển nếu không cải thiện được đời sống vật chất cho con
người. Nhưng nếu như chúng ta quan niệm phát triển như là sự tiến bộ
tổng thể của xã hội thì không phải chỉ cần có sự giàu có vật chất là có
sự phát triển. Muốn có phát triển, cần phải có những tác động của đời
sống tinh thần. Hơn nữa, ngay cả việc tăng trưởng kinh tế đơn thuần
cũng cần có tác động trực tiếp và gián tiếp của văn hoá. Văn hoá làm
tăng chất lượng nhu cầu của con người, cũng làm tăng chất lượng sản
xuất kinh doanh và thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì lẽ đó mà hiện
nay rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cổ vũ cho luận điểm cho rằng văn
hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển.
Thực
ra con người lý tưởng là con người được cân đối trong sự phát triển về
mặt văn hoá. Con người chưa có được các giá trị văn hoá ở mức phát
triển là con người không hoàn chỉnh. ở đây cần phải chú ý rằng nói đến
phát triển là nói đến một sự so sánh tương đối. Vậy chúng ta so sánh
tương đối với ai? Với chính những cộng đồng văn hoá khác, những con
người khác. Khi chưa có nó, chúng ta phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu -
phấn đấu để đạt tới sự trưởng thành, sự hiện đại về mặt văn hoá, phấn
đấu để các giá trị của mình tương thích với sinh hoạt quốc tế. Nói cách
khác về mặt văn hoá, mỗi dân tộc cần phải phấn đấu để ra khỏi nền văn
hoá mang tính cát cứ của mình, để có thể đối thoại, để tương
thích
một cách hoàn chỉnh, một cách hoà bình trong sinh hoạt với các cộng
đồng khác. Suy ra cho cùng con người hiện đại, con người phát triển về
mặt văn hoá tức là con người có thể nói chuyện với nhiều cộng đồng văn
hoá khác trên những tiêu chuẩn văn hoá khác, tức là con người có thể
hiểu các nền văn hoá khác nhau.
Văn hoá hình thành do sự
tương tác đa dạng, ngay cả trong cộng đồng hẹp, vì vậy người có văn hoá
là người có thể tương tác một cách thành công với cộng đồng rộng hơn,
và hơn thế nữa, với nhiều cộng đồng. Mỗi dân tộc cần phải rèn luyện để
có thể có năng lực ứng xử với nhiều hệ thống tiêu chuẩn văn hoá.
Tất
cả các nhân tố trong cấu trúc văn hoá đều tác động đến đời sống con
người. Nhưng cấu trúc văn hoá rất rộng, và mỗi một dân tộc - mỗi cộng
đồng văn hoá - đều có những thiếu hụt, những khiếm khuyết nhất định.
Nghiên cứu những cấu trúc ấy không chỉ có nghĩa là nghiên cứu các giá
trị, các nội dung phổ quát của khái niệm văn hoá mà còn là nghiên cứu
những khiếm khuyết trong cộng đồng văn hoá ấy.
Đó chính là
hoạt động quan trọng nhất của sự lãnh đạo chính trị đối với sự phát
triển. Tôi xin điểm qua ảnh hưởng của các thành tố trong cấu trúc của
văn hoá.
Vai trò của tri thức, tư tưởng
Tri
thức là động lực của tiến bộ. Các nhà triết học của nhiều thời đại đã
từng coi lịch sử nhân loại là cuộc đấu tranh xã hội. Tôi cho rằng lịch
sử loài người đồng thời còn là cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Quan hệ
giữa con người với nhau và với thiên nhiên làm nên cốt lõi toàn bộ sự
tồn tại của loài người. Trong quá trình đó con người tìm hiểu chính
mình và tìm hiểu thiên nhiên.
Trong tất cả các tri thức mà
con người tích luỹ được qua các thời đại thì tư tưởng là thứ quan
trọng nhất, cao nhất và cũng tác động mạnh nhất đến tiến trình phát
triển của lịch sử. Đó là vì tư tưởng trực tiếp tác động đến hoạt động
của nhà nước, làm thay đổi sâu sắc đời sống của xã hội loài người.
Nhưng vai trò của hệ tư tưởng không chỉ nằm ở đó. Như chúng ta sẽ khảo
sát trong phần ba dưới đây, nhà nước còn có thể coi là một bên đối tác
trong hợp đồng kinh tế với xã hội, trong đó nhà nước cung cấp một vài
loại dịch vụ đặc biệt và đổi lấy các khoản thuế. Trong quan hệ này
không thể không có các kẻ gian lận và mọi hệ thống pháp luật đều không
thể chống được triệt để. Hệ tư tưởng lấp kín chỗ trống đó bằng cách tạo
nên những quy tắc tâm lý, đạo đức, thế giới quan để điều chỉnh những
hành vi của con người.
Những tác động trực tiếp của tri
thức trong đời sống kinh tế nhân loại đang không ngừng tăng lên. Từ
kinh tế khai thác thiên nhiên, con người đang tiến dần đến một nền kinh
tế khai thác chất xám, trong đó phần giá trị của nguyên vật liệu, tiền
vốn và sức lao động cơ bắp đang ngày càng giảm bớt.
Trong
một nền kinh tế như thế, chỉ những quốc gia nào có được một nền giáo
dục tốt, đủ sức trang bị những kiến thức cần thiết cho công dân của
mình tương xứng với đòi hỏi của tương lai mới có thể có cơ hội hội nhập
thành công với thế giới.
Mọi sự phát triển luôn cần có
gợi ý, luôn có yếu tố sáng tạo của một ai đó, luôn luôn có thể nghiệm
sự sáng tạo nào đó. Đó là bản chất của sự phát triển và đó cũng là lý
do giải thích tầm quan trọng của một lực lượng tinh hoa trong xã hội.
Thực ra thì thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đặt ra nhiệm vụ cho người
này người kia. Có UNESCO là vì người ta cần có một tổ chức chuyên
nghiệp để giao nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá toàn cầu, để xây dựng sự
chung sống hoà bình giữa các cộng đồng dân tộc và cộng đồng văn hoá.
Tuy nhiên, chúng ta đừng kỳ vọng vào sự hoạt động của những ai đó cụ
thể hay tổ chức nào đó cụ thể. Chúng ta phải kỳ vọng trước hết vào sự
thức tỉnh những giá trị được gợi ý ở con người và được biến thành sở
hữu cộng đồng. Đúng là cần phải có ai đó gợi ý, ai đó nghĩ trước, nhưng
sự gợi ý phải gắn liền với sự chấp nhận mà sự chấp nhận nào cũng bắt
đầu từ thiện chí. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá làm việc một cách không
vô tư. Họ biểu diễn sự hiểu biết của họ hơn là vì con người. Một số
không đủ dũng cảm, hay thậm chí còn trở thành kẻ phụ hoạ chính trị.
Theo
chúng tôi, tiêu chuẩn văn hoá quan trọng nhất của thời đại của chúng
ta là trí tuệ, là tri thức. Trí tuệ không phải là diễn đạt một cách
hiện đại các kiến thức cũ mà chính là sự phát hiện những khái niệm,
những giới hạn mới trong quá trình nhận thức của con người. Vì thế trí
tuệ gắn liền với tự do.
Đã đến lúc chúng ta phải nói đến
các khái niệm mới xuất hiện trên thế giới, như khái niệm an ninh con
người chẳng hạn. Khái niệm này tương xứng với cặp phạm trù về an ninh
quốc gia. Những khái niệm mới này chính là tiêu chuẩn của thế giới hiện
đại, là đòi hỏi đối với hành vi của con người.
Vai trò của tín ngưỡng
Trong
một thời gian dài, do những nhận thức phiến diện hoặc do ảnh hưởng của
chủ nghĩa duy vật cực đoan, người ta coi thường hoặc phủ nhận vai trò
của tín ngưỡng đối với phát triển. Rõ ràng, muốn phát triển nguồn lực
con người chúng ta không thể bỏ qua vấn đề tín ngưỡng. Một thế giới
bình an để con người trở về sau những vật lộn trong đời sống, sau những
biến động khôn lường của thực tiễn xã hội chắc chắn là cần thiết để
con người tồn tại và phát triển.
Không phải ngẫu nhiên mà
thời gian cuối thế kỷ này được đánh dấu bằng sự phục hồi của gần như
tất cả các tôn giáo trên thế giới. Mặc dù không mang một ý nghĩa như
nhau ở mọi nơi trên thế giới, sự phục hồi này, theo chúng tôi, có nguồn
gốc sâu xa ở sự đổ vỡ của các hệ thống tư tưởng chính trị. Điều này rõ
nhất ở Liên Xô cũ và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây.
Tuy nhiên, điều này cũng thấy ở cả các quốc gia Hồi giáo và Phật
giáo... Nhưng điều đáng lo ngại là ở một số nơi đang xuất hiện những
hoạt động tôn giáo quá khích, do những phần tử cơ hội giật dây, nhằm
lợi dụng tình trạng mất cân bằng của tâm lý xã hội để thực hiện những
mục đích cá nhân.
Đã qua rồi từ rất lâu thời trị vì trực
tiếp của tôn giáo, nhưng người ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là tôn
giáo ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành lối sống, đến đạo đức xã hội.
Nhiều người ngạc nhiên trước hiện tượng là ở nhiều nước trên thế giới,
chẳng hạn tại Thái Lan, Indonesia, Campuchia và phần nào cả Việt
Nam... người Hoa rất thành đạt và ngay cả khi chỉ chiếm một phần nhỏ
dân số, họ lại có thể khống chế được một sức mạnh kinh tế cực kỳ to
lớn. Theo chúng tôi đó không phải là ngẫu nhiên mà gắn liền với bản
lĩnh của người Hoa, mà bản lĩnh đó lại là kết quả của những yếu tố văn
hoá, trước hết là tôn giáo. Theo chúng tôi, chính Khổng giáo đã dạy
người Hoa những đức tính quí báu như cần cù, chịu đựng gian khổ, coi
trọng trí thức và có quan điểm thực tế. Những tính cách này cũng rất rõ
ở người Nhật, người Hàn Quốc và người Việt. Trong khi đó Đạo Phật
hướng người ta vào trạng thái cam chịu, dễ đầu hàng số phận và hoàn
cảnh, cuối cùng là thủ tiêu sự cạnh tranh.
Vai trò của truyền thống, đạo đức, lối sống và pháp luật?
Truyền
thống, đạo đức, lối sống và pháp luật có vai trò tổ chức, điều tiết và
định hướng, dĩ nhiên bằng những cách khác nhau, đối với sự phát triển
xã hội.
Truyền thống, đạo đức và lối sống, như chúng ta đã
biết, là những lề thói, những luật lệ không thành văn nhưng được đa số
thành viên trong xã hội chấp nhận và tuân thủ. Khác với pháp luật,
những yếu tố này được hình thành một cách tự nhiên, qua quá trình lâu
dài và cũng tương đối bền vững hơn.
Tuy nhiên, không phải
những yếu tố này bao giờ cũng mang vai trò tích cực. Trong khi rất
nhiều khía cạnh của truyền thống, đạo đức và lối sống có tác dụng hỗ
trợ cho sự phát triển thì cũng có những khía cạnh khác trở thành lạc
hậu, tiêu cực và cản trở sự tiến bộ của xã hội. Có thể thấy rõ những
tác động của lối sống, đạo đức và truyền thống đến sự phát triển kinh
tế nếu so sánh những xã hội như Hàn Quốc, Thái Lan... Yoshihara Kunio,
trong cuốn sách nghiên cứu về Hàn Quốc và Thái Lan nhận xét rằng đường
như người Hàn Quốc coi trọng làm việc hơn người Thái Lan. Người Hàn
Quốc cũng ít thoả mãn hơn sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm hơn và coi trọng
giáo dục hơn người Thái. Chính những phẩm chất này đã đóng một vai trò
quan trọng vào sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc và giải thích tại
sao trong vòng hai chục năm Hàn Quốe đã bỏ xa Thái Lan về mọi mặt.
Luật
pháp tác động đến sự phát triển trực tiếp và nhanh chóng hơn, thông
qua những hình thức khác nhau của quyền lực nhà nước. Pháp luật, vì thế
cũng mang tính ngắn hạn hơn, đồng thời cũng mang dấu ấn nặng nề của
giai cấp cầm quyền. Nhiệm vụ của một nhà nước văn minh là ngày càng
khảm bớt tính giai cấp và tính ngắn hạn của pháp luật.
Vai trò của thẩm mỹ
Như
chúng ta đã nghiên cứu ở trên, thẩm mỹ là một hệ thống hoàn chỉnh bao
gồm những năng lực tinh thần giúp cho con người điều chỉnh hành vi của
mình theo những qui luật của cái đẹp, nhằm cảm thụ, nhận thức, đánh giá
và sáng tạo nên các giá trị thẩm mỹ. Nó không thể bị đồng nhất với văn
hoá nghệ thuật, mà bao hàm tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Thẩm
mỹ là khái niệm có liên quan đến tất cả những mặt khác của văn hoá như
tri thức, đạo đức, truyền thống... Trong nhiều trường hợp người ta còn
có thế coi chừng như những khái niệm đồng nhất. Chẳng hạn, chính tri
thức đầy đủ về con người, xã hội, luật pháp... giúp người ta lựa chọn
cách ứng xử - đó chính là thẩm mỹ trong cuộc sống. Nói cho cùng, thẩm
mỹ cũng chính là đạo đức.
Không cần phải tranh cãi, chúng
ta ai cũng thấy rõ rằng văn hoá thẩm mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng
đối với việc hình thành nhân cách của con người, mà con người lại là
đối tượng phục vụ, đồng thời là cơ sở, là động lực của phát triển.
Sách: Văn hóa và con người
0 nhận xét:
Đăng nhận xét