Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Nguyễn Trần Bạt: Tổ chức phản biện xã hội như là yếu tố phục sinh cảm hứng xã hội

Suy ra cho cùng, con người là những người trồng vườn, canh tác những sản phẩm khác nhau lên trên những cánh đồng khác nhau trong không gian tinh thần của những người xung quanh. Đó chính là gợi ý để các nhà chính trị biết gieo trồng vào trong đời sống tinh thần của người dân những cánh đồng khác nhau, những mảnh vườn khác nhau, những hoa trái khác nhau, tức là gieo mầm cho sự chung sống với nhau của con người. Đó chính là con đường hình thành cảm hứng xã hội, mà tổ chức phản biện xã hội chính là một trong những cách thức tập trung nhất để phục sinh cảm hứng xã hội của tất cả mọi người.

Chúng ta biết rằng, con người chỉ có cảm hứng sáng tạo, cảm hứng phát triển hay cảm hứng xã hội khi con người có tự do. Nhất là đối với cảm hứng xã hội thì tự do ngôn luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tự do ngôn luận rất cần nhưng tự do ngôn luận không phải là một quyền tự do tuyệt đối mà là tự do thỏa thuận. Tự do bao giờ cũng là một khoảng không gian phù hợp với quyền lợi của các lực lượng xã hội trong đó có lực lượng cầm quyền. Nếu như anh vượt quá sức chịu đựng và năng lực quản lý của những người cầm quyền thì không còn tự do nữa mà là hỗn loạn. Phải phân biệt rất rõ ràng rằng tự do và hỗn loạn là rất khác nhau. Quá trình tổ chức phản biện xã hội phải tạo ra được thói quen thảo luận về ranh giới của không gian đó. Toàn bộ nội dung của việc tổ chức ra đời sống tự do và dân chủ không phải là việc các lực lượng xã hội phát ngôn một cách thoải mái các đòi hỏi của mình mà chính là các lực lượng xã hội thảo luận với nhau để có sự đồng thuận giữa các nhóm lợi ích và đó chính là hoạt động phản biện xã hội.

Yếu tố cốt lõi tạo ra sự thành công của quá trình tổ chức phản biện xã hội là sự tham gia của cả ba lực lượng: nhà nước, giới truyền thông và giới trí thức vào việc xác định những giới hạn hợp lý của tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận từ xưa đến nay đều được tất cả các lực lượng xã hội nói đến và tán thành. Nhưng mỗi người, mỗi lực lượng quan niệm tự do ngôn luận một cách hoàn toàn khác nhau và cái khác nhau phổ biến nhất khi người ta hiểu về tự do ngôn luận chính là sự khác nhau về mức độ. Bởi vì tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản thuộc về quyền con người, nhưng các quyền con người được triển khai trong đời sống lại lệ thuộc hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở thượng tầng kiến trúc của xã hội, tức là phù hợp với năng lực xã hội. Nếu hiểu tự do ngôn luận như một quyền tuyệt đối, như một quyền không có giới hạn và không có mức độ thì nó sẽ dẫn đến mất đoàn kết xã hội. Ví dụ, trước khi xảy ra vụ 11-9 ở Hoa Kỳ thì người Mỹ có rất nhiều tự do nhưng sau khi xảy ra sự việc này thì không phải người Mỹ nào cũng có tự do giống nhau và không phải người Mỹ nào cũng có tự do như cũ. Như vậy, độ tự do của các công dân đôi lúc lệ thuộc vào tình thế chính trị, tình thế xã hội. Nói một cách chính xác hơn, tự do ngôn luận chỉ được gọi là hợp lý khi nó phù hợp với ba thứ: thứ nhất là phù hợp với tình thế, thứ hai là phù hợp với năng lực quản lý xã hội và thứ ba là phù hợp với khả năng tự giác của nhân dân về việc sử dụng các quyền tự do.

Có thể thấy rằng thảo luận giữa nhà nước và xã hội về giới hạn của tự do ngôn luận là một vấn đề cực kỳ quan trọng để tổ chức phản biện xã hội. Nếu không tạo ra được những cuộc thảo luận giữa xã hội và nhà nước về những giới hạn có thể, thì nhà nước có thể đưa ra các rào cản quá gần và hạn chế rất nhiều tự do xã hội. Tự do xã hội không phải là vô tận. Tự do xã hội là một khoảng không gian mà ở trong đấy mỗi một người đều có thể chịu đựng được, kể cả nhà quản lý cũng như người dân. Các cơ quan truyền thông khi truyền tải các ý kiến xã hội phải nhận thức được rằng tự do ngôn luận có các giới hạn của nó. Các cơ quan truyền thông là người tổ chức ra các sân khấu của đời sống phản biện, nếu cái sân khấu ấy quá rộng thì người ta có thể không chỉ kê các đạo cụ cần cho đời sống, cần cho vở diễn lên đấy mà người ta còn kê cả những thứ không cần thiết và tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội. Các cơ quan truyền thông cần phải ý thức về tính giới hạn, về tính định lượng và tính hợp lý để xác lập một sân khấu các ý kiến có kích thước phù hợp với năng lực quản lý của nhà nước và năng lực sử dụng một cách hợp lý của xã hội, tức là tạo ra các sân khấu đủ tự do nhưng không thừa để kê thêm những thứ không cần thiết. Vậy làm thế nào để xác lập được cái không gian hợp lý đó? Các cơ quan truyền thông phải hợp tác với những người lãnh đạo đất nước, họ có quyền hỏi ý kiến các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo rằng đến đâu là hợp lý. Nếu không thừa nhận công nghệ thảo luận như vậy thì chúng ta chỉ có chỉ thị chứ không có thảo luận. Chỉ thị đưa ra giới hạn nhưng là giới hạn từ một phía. Còn thảo luận cũng đưa ra giới hạn nhưng là giới hạn từ hai phía, giới hạn ấy phản ánh độ tự do mà xã hội cần phù hợp với sức chịu đựng của nhà cầm quyền.

Nếu không tổ chức phản biện xã hội thì các nhà chính trị sẽ không thấy được sự xuất hiện của những yếu tố mới trong đời sống xã hội. Mà các nhà chính trị thì phải luôn luôn biết rằng trong xã hội đang có cái gì manh nha xuất hiện, cái gì trong chúng có lợi, cái gì có hại, phải tạo ra khoảng không gian để cho tất cả mọi thứ xấu tốt bộc lộ ra khi nó chưa kịp gây hại, thậm chí ngay cả khi nó chưa kịp làm lợi. Các nhà chính trị đôi lúc không nhìn thấy tất cả các loại hoa trái ở ngoài đời vì họ nhìn cuộc sống thông qua những bức ảnh mà những người thợ chụp ảnh mang đến. Mỗi người chụp một kiểu, người chụp quất, người chụp đào, người chụp cúc mang đến, cho nên, cuộc sống bị "xé lẻ" để đem đến cho các nhà chính trị. Các nhà chính trị nhìn thấy những bức hình lẻ của cuộc sống chứ không nhìn thấy tổng thể, do đó, chính sách bao giờ cũng phản ánh hoặc cúc, hoặc đào, hoặc quất mà không phải giải pháp cho cả khu vườn. Khi giải pháp mà không phải cho cả khu vườn mà chỉ cho đào hoặc quất thì chúng ta chỉ có thể có quất hoặc đào thôi và đấy chính là tính phi biện chứng của các giải pháp có tính chất chính sách. Phản biện làm cho tất cả các loại hoa trái đều xuất hiện và không những chỉ xuất hiện bằng hình mà nó còn nói tiếng nói của nó. Tất cả những tiếng rì rào khác nhau ấy tạo ra một dàn âm thanh mà ở đấy nhà chính trị nhận ra rằng khu vườn ấy thiếu gì và nó cần thêm cái gì. Cuộc sống là một khu vườn đa dạng và các nhà chính trị phải biết nếm. Ngày xưa, thời phong kiến các vị vua thường hay đi vi hành. Vi hành là đi nếm những hoa tươi, quả ngọt còn dính cả bụi của cuộc sống. Làm thế nào để được hưởng, được trông thấy, được chạm vào những giải pháp còn tươi nguyên của đời sống xã hội là công nghệ và trí tuệ cần có đối với các nhà chính trị, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo.

Đôi khi, những người cầm quyền lầm tưởng rằng họ có thể gieo trồng cảm hứng xã hội bằng những công cụ tuyên truyền của mình. Nhưng kết quả của sự tuyên truyền ấy không phải là cảm hứng phát triển mà lại làm mất đi cảm hứng của con người. Cần phải gieo trồng cảm hứng phát triển xã hội không phải bằng sự tuyên truyền chủ quan mà bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của cảm hứng phát triển mà các điều kiện đó chỉ có thể được đảm bảo trong một thể chế chính trị dân chủ. Ở đó, con người bình đẳng với nhau trong các quá trình thương thảo để tạo ra khế ước xã hội hay các giải pháp phát triển. Con người chỉ có thể bị cuốn vào quá trình ấy, chỉ có thể được khơi dậy hay phục sinh cảm hứng xã hội khi xã hội tổ chức được một cơ cấu phản biện xã hội thành công.

Chúng ta đều biết rằng càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng tăng lên, tăng lên trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, chính vì thế chúng ta buộc phải giải quyết vấn đề dân chủ ở hai cấp độ, cấp độ trong một quốc gia và cấp độ giữa các quốc gia. Nếu như không phổ biến sự nới rộng của khái niệm dân chủ, tức là không tạo ra trạng thái khế ước của từng giai đoạn đối với sự nới rộng các quyền con người, thì con người không có cơ sở pháp lý để hành động và đòi hỏi. Cái đó thể hiện tập trung ở việc mở rộng nội dung về các quyền con người trong các quá trình lập pháp của các quốc gia, và trong các công ước quốc tế về quyền con người. Hiện nay chúng ta đã có các công ước quốc tế về quyền con người, nhưng các công ước này chưa xét đến sự phát triển của khái niệm quan trọng nhất đối với con người là tự do. Vì thế quyền con người bây giờ một mặt trở nên lạc hậu đối với các nước phát triển, mặt khác trở thành lý tưởng phi hiện thực đối với các quốc gia chậm phát triển, do khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng khuếch đại, từ đó nó dẫn đến trạng thái phi dân chủ giữa các quốc gia. Giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào trong nội dung của công ước quốc tế về quyền con người để khắc phục mâu thuẫn ở trong từng quốc gia và trong sinh hoạt chính trị giữa các quốc gia với nhau là một vấn đề lớn của thế giới. Nếu không bổ sung hàng ngày các tiêu chuẩn, các sự nới rộng, các sự diễn biến của đòi hỏi các quyền dân chủ trên thế giới thì các tiêu chuẩn luôn luôn lạc hậu và nó cản trở sự phát triển, nó không những tạo ra sự hiểu lầm lẫn nhau giữa các tầng lớp xã hội trong một quốc gia mà còn tạo ra sự hiểu lầm lẫn nhau giữa các quốc gia.

Do đó, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ là nội dung của cuộc cải cách chính trị không chỉ trên quy mô quốc gia mà còn ở quy mô toàn cầu. Nghĩa là, con người phải thường xuyên điều chỉnh nội dung của các công ước, các quy chế về quyền con người và chủ quyền quốc gia, tổ chức sự đối thoại toàn cầu về khái niệm dân chủ để giải quyết mâu thuẫn chung của thế giới, kéo tất cả các quốc gia cùng tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu.
 Cội nguồn cảm hứng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More