Có nhiều cách tiếp cận các quyền của con người.
Trong các học thuyết pháp lý hiện hành ở các nước phát triển, các
quyền con người được phân định rõ ràng và được đảm bảo thực thi trên
thực tế. Trong khi ở các nước kém phát triển, các quyền con người dường
như chưa được phân định và lý giải rành mạch. Rất nhiều khái niệm bị
lẫn lộn, thậm chí một số quyền được nhấn mạnh, một số quyền bị coi nhẹ,
một số quyền không được đáp ứng hay không được đảm bảo.
Có
thể thấy, từ trước đến nay, các khái niệm về quyền được hiểu một cách
hết sức kỹ thuật, và do đó nó trở thành đối tượng nghiên cứu trong các
ngành hẹp của khoa học xã hội. Ví dụ, luật học tập trung nghiên cứu cấu
trúc các quyền, xã hội học nghiên cứu các quyền con người trong mối
quan hệ giữa con người và xã hội… Tuy nhiên, trên thực tế, những nghiên
cứu như vậy chỉ có thể kiểm nghiệm và đưa vào áp dụng ở các nước phát
triển, nơi có truyền thống về dân chủ, bởi vì ở đó những khái niệm
chung nhất, khái quát nhất của cấu trúc các quyền được nhận thức một
cách phổ biến. Trong khi lịch sử hình thành và phát triển của các quốc
gia châu Á cho thấy chưa bao giờ cấu trúc các quyền được nghiên cứu một
cách phổ quát ở khu vực này. Nó không trở thành đối tượng nhận thức và
không được tận dụng như là công cụ để giám sát những hoạt động vi phạm
các quyền con người. Thậm chí, ở các quốc gia phi dân chủ, xu hướng
chính trị hoá các vấn đề con người dẫn đến việc nhấn mạnh các yếu tố
cộng đồng, nhà nước, tức là nhấn mạnh chủ quyền, sau đó đến quyền công
dân, rồi mới đến nhân quyền. Khi nói đến nhân quyền người ta giải thích
rằng nó đã được đề cập trong hai khái niệm kia, và hai khái niệm đó
phải có trước nhân quyền.
Trong các quan điểm đấu tranh
với hiện tượng vi phạm nhân quyền ở các quốc gia phi dân chủ, các nhà
luật học đã định nghĩa rõ những quyền nào là quyền tự nhiên của con
người và những quyền nào phụ thuộc vào mức độ phát triển. Những quyền
tự nhiên của con người có nghĩa là ở tất cả các nơi, không phụ thuộc
trình độ phát triển, tất cả mọi người đều có những quyền tương ứng. Còn
những quyền phụ thuộc vào trình độ phát triển thì được chi tiết hoá,
cụ thể hoá, ví dụ như những quyền về kinh tế hay một số quyền về văn
hoá… Mặc dù vậy, trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thực sự có sự phân định
rành mạch về các quyền con người.
Theo quan điểm của tôi, liên quan đến con người có 3 cấp độ quyền, như người ta đã thừa nhận, đó là nhân quyền, dân quyền và chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức được một cách rõ ràng trật tự hay vị trí của các quyền này trong cuộc sống của mình.
Thứ nhất là nhân quyền,
đó là quyền của con người, quyền ấy có giá trị phổ quát toàn cầu, ở
đâu có con người thì ở đấy có nhân quyền. Tại sao cần phải nhấn mạnh ý
nghĩa phổ quát của nhân quyền? Vì khi nói tới nhân quyền, nhiều nước
thường đưa vào đó nội dung văn hoá, tức là họ cho rằng nhân quyền ở
nước này khác nhân quyền ở nước kia vì nhân quyền là một quyền đặc thù
có tính chất địa lý hay có tính chất văn hoá. Rõ ràng đưa yếu tố văn
hoá vào để giải thích các vấn đề thuộc về con người là một cách để ngụy
biện, để che đậy một thực tế là khái niệm quyền con người đã bị chính
trị hoá. Tôi phản đối cách giải thích và cách hiểu này. Đã là nhân
quyền thì quyền ấy phải được hiểu theo những định nghĩa thống nhất toàn
cầu. Khi nói đến nhân quyền là nói đến các quyền cá nhân, quyền tự do
của mỗi một con người.
Thực tế, có sự khác nhau giữa trạng
thái nhân quyền ở quốc gia này và quốc gia kia, nhưng đó không phải là
đặc thù văn hoá mà là kết quả của trình độ phát triển. Các điều kiện
để tôn trọng quyền con người rất khác nhau ở các quốc gia có mức độ
phát triển khác nhau. Điều đó có nghĩa, những điều kiện chính trị khác
nhau, những điều kiện kinh tế khác nhau, những điều kiện phát triển
khác nhau sẽ tạo ra sự khác biệt giữa trạng thái nhân quyền ở các quốc
gia. Và như thế không có nghĩa là người ta có quyền thừa nhận sự khác
nhau về quyền con người. Phải chấm dứt trạng thái cho rằng quyền con
người là một khái niệm mang đặc điểm văn hoá.
Nhân quyền
là các quyền bẩm sinh, quyền hiển nhiên, đấy là quyền của tạo hoá.
Quyền của tạo hoá là quyền phổ biến, nó đúng và nó là đòi hỏi cho bất
kỳ vùng địa lý nào, bất kỳ thể chế hay quốc gia nào. Bản Tuyên Ngôn Ðộc
lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, có lẽ là văn bản đầu tiên công
bố khái niệm quyền con người một cách chính thức. Bản tuyên ngôn đã
khẳng định quyền con người là vốn có và không thể xâm phạm, nó xuất
hiện, tồn tại cùng xã hội loài người, không phải do con người võ đoán
hoặc do ý chí áp đặt mà do “tạo hóa” sinh ra. Cần phải lên án và xoá bỏ
tất cả mọi âm mưu làm biến dạng các quyền tự nhiên của con người.
Quyền thứ hai là dân quyền
hay quyền công dân, các quyền này quy định hành vi của người dân. Nếu
không phân biệt nhân quyền và dân quyền thì rõ ràng chúng ta không biết
bảo vệ dân quyền. Mỗi một quốc gia là sự kết hợp có chất lượng lịch sử
của các mối tương quan giữa con người, giữa các cá thể với nhau. Điều
đó có nghĩa, các quốc gia có sau con người và vì thế dân quyền có sau
nhân quyền. Hơn nữa, dân quyền phải được định nghĩa dựa vào trạng thái
phát triển chính trị của các quốc gia, hay quyền cơ bản của công dân lệ
thuộc chủ yếu vào cấu trúc chính trị của quốc gia. Do đó, dân quyền là
sản phẩm mang chất lượng quốc gia còn nhân quyền là sản phẩm tự nhiên
của con người.
Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia lạc hậu có sự
không rành mạch giữa nhân quyền và dân quyền, tức là quyền cơ bản của
con người với quyền cơ bản của công dân. Trong hiến pháp của một số
nước, nhân quyền được quy kết vào quyền công dân: "các quyền con
người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng
thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật"…
Đó là sự thay thế nhân quyền bằng dân quyền, tức là biến một quyền
hiển nhiên của con người thành quyền cho con người. Sự nhập nhằng giữa
nhân quyền và dân quyền thường tồn tại ở những nhà nước phi dân chủ,
còn ở những nhà nước dân chủ thì sự khác biệt ấy là rõ ràng, ở đó nhân
quyền và dân quyền là hoàn toàn khác nhau.
Nhân quyền khi
trộn lẫn vào dân quyền thì luôn luôn phải đi qua cái vỏ hình thức của
dân quyền. Một nhà nước mà không thực sự là của nhân dân thì nhà nước
đó là cấp trên của nhân dân, nhà nước đó xác lập các quyền con người.
Khi đó, các quyền đương nhiên, vốn có của con người trở thành các quyền
có tính chất ban phát. Nhân quyền phải được luật pháp các nước thừa
nhận, tức là nó được thể hiện dưới vỏ quyền công dân, phải nằm trong
các bộ luật dưới hình thức các quyền công dân. Thế nhưng trong điều
kiện các nhà nước phi dân chủ là nhà nước không được tạo ra bởi nhân
dân, không được kiểm soát bởi nhân dân, thì đương nhiên, các quyền con
người thông qua dân quyền trở thành quyền được bàn bạc bởi nhà nước. Ở
những nơi đó, cả nhà chính trị và người dân không hiểu được giá trị
nhân quyền, nên mới có thực tế là bản thân nhân dân cũng tầm thường hóa
nhân quyền, cho rằng không cần đến nhân quyền mà chỉ cần dân quyền là
đủ. Điều này cũng lý giải tại sao cải cách của những nước đó thất bại,
là bởi thông qua cải cách, người ta chỉ tìm cách giải quyết những bài
toán nới rộng không gian về dân quyền, tức là nới rộng quan hệ giữa con
người và nhà nước mà bỏ qua vấn đề mấu chốt là nhân quyền. Người ta
không nhận ra rằng nhân quyền mới là trung tâm của mọi vấn đề.
Quyền thứ ba là chủ quyền.
Chủ quyền chính là quyền quốc gia hay quyền sở hữu đất nước, mà người
đại diện cho quốc gia là nhà nước. Lâu nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là
những quốc gia chậm phát triển hay nhấn mạnh vấn đề chủ quyền. Ở những
nước này, chủ quyền chỉ được hiểu như là quyền của những người đại
diện quốc gia để đối thoại với quốc gia khác mà người ta không biết
rằng, chủ quyền chính là quyền của con người làm chủ đất nước, làm chủ
quốc gia và tập trung tạo ra chính phủ, tạo ra nhà nước của mình. Đây
chính là mấu chốt của mọi vấn đề liên quan đến quyền con người, nói
cách khác, chủ quyền là nơi tập hợp tất cả những vấn đề phức tạp về
phương diện chính trị của cấu trúc các quyền. Vì thế, nếu không làm rõ
khái niệm nhân quyền thì nhân dân không hiểu đúng về chủ quyền, càng
không biết đòi hỏi cơ hội để nói về vấn đề chủ quyền.
Trên
thực tế, người định nghĩa chủ quyền chính là các chính phủ. Đất đai là
sở hữu toàn dân là một cách giải thích chủ quyền, biên giới là khái
niệm mang tính chất chủ quyền. Sự tranh chấp về chủ quyền chủ yếu thông
qua sự đàm phán của các quốc gia, của các chính phủ. Các chính phủ
thường cường điệu mặt đối ngoại của chủ quyền mà quên mất nội dung bên
trong, nội dung đối nội của nó. Nội dung đối nội của chủ quyền là quyền
sở hữu đất nước, quyền làm chủ đất nước của mỗi một người dân. Và chỉ
khi đất nước có ngoại xâm, hay là chỉ trong những trạng thái có chiến
tranh xâm lược thì chủ quyền mới được giải thích như quyền đối ngoại.
Còn trong điều kiện hoà bình, trong điều kiện các cộng đồng dân tộc
thích hoà bình và không có chiến tranh, nội dung cơ bản của chủ quyền
là các quyền đối nội, tức là quyền đối với nhau của các thành viên cấu
trúc ra xã hội và cùng chia nhau quyền làm chủ quốc gia mình.
Tuy
nhiên, chủ quyền là quyền chính trị, nó được cấu trúc, được hình thành
và phát triển bởi chất lượng của hệ thống chính trị. Lịch sử đã chứng
minh rằng dân chủ là thể chế hợp lý nhất mà ở đó người dân có toàn
quyền đối với đất nước của mình, chủ quyền là công cụ để bảo vệ nhân
quyền và dân quyền. Vấn đề cần phải nghiên cứu là, ai là người đại diện
cho chủ quyền trong các phát biểu quốc tế, trong các thảo luận quốc
tế? Cơ sở pháp lý nào của các chính phủ cho phép họ có quyền nói về chủ
quyền? Như vậy, các chính phủ phải là người đại diện chân chính và hợp
pháp cho nguyện vọng của người dân và chỉ những người được lựa chọn bởi
người dân mới có đầy đủ quyền của người đại diện. Quyền làm chủ của
người dân trong chủ quyền là tạo ra chính phủ theo ý muốn và các chính
phủ bắt buộc phải đối thoại quốc tế dựa vào đòi hỏi của người dân thông
qua việc tạo ra các sinh hoạt quốc hội.
Một cách tổng
quát, có thể kết luận, chủ quyền là một khái niệm gồm hai yếu tố, đó là
quyền tạo ra chính phủ của người dân, và quyền làm chủ của người dân,
tức là quyền tạo ra các trạng thái chính sách, các trạng thái pháp
luật. Nói cách khác, chủ quyền của người dân được xác lập tập trung ở
các quyền dân chủ đối với hệ thống chính trị. Đây là một kết luận có
tính chất lý luận căn bản về tổ chức nhà nước trong một nền chính trị
dân chủ.
Chúng ta phải nhận biết các cấp độ
quyền con người để thấy được cần phải tôn trọng và bảo vệ con người với
đầy đủ các quyền của họ. Tôn trọng và bảo vệ các quyền con người là
dấu hiệu của xã hội có những con người tự do hay xã hội dân chủ.
Emmanuel Kant (1724 - 1804), người đã từng có đóng góp lớn vào việc
nghiên cứu sự vận hành của trái đất, sự tồn tại của Ðại Thiên hà vũ trụ
nằm ngoài Thiên hà, cũng chính là nhà bác học rất thích nhắc đi nhắc
lại câu ngạn ngữ: "Hãy thực hiện công lý đi, cho dù thế giới có tiêu
vong". Có thể hiểu câu ngạn ngữ này là, dù thế giới có tiêu vong đi
chăng nữa thì chúng ta vẫn phải tôn trọng công lý, vì sự tôn trọng công
lý là dấu hiệu thể hiện chúng ta là con người, mà tôn trọng công lý
chính là tôn trọng con người, tôn trọng các quyền con người. Qua câu
nói đó, chúng ta thấy được tầm vóc suy nghĩ, sự lạnh lùng, sự tỉnh táo,
sự thú vị và bản lĩnh của một nhà hiền triết vĩ đại. Những con người
như thế giúp chúng ta nhận thức về bản thân, về nhu cầu phải khám phá,
phải đòi hỏi để từ đó trả lời câu hỏi chúng ta là ai, nếu chúng ta là
con người thì phải sống đúng nghĩa là người với đầy đủ các quyền con
người.
Nguyên lý về quyền con người là nguyên
lý mà người ta không thể nhân danh bất kỳ lý do nào để phủ nhận nó
được, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của một dân tộc trong
quá trình ganh đua toàn cầu. Chân lý tất yếu của quyền
con người là sự tự giác của các không gian. I. Gandhi trước khi làm thủ
tướng Ấn Độ viết một luận văn tiến sỹ là Không gian vật chất và tinh thần cần thiết cho một cá nhân để phát triển.
Quyền là không gian sáng tạo của con người, không gian tuyệt đối phải
được đảm bảo nếu con người muốn phát triển, hay muốn trở thành nhà lãnh
đạo chân chính. Do đó, nhiệm vụ của nhà chính trị là biến trí lực của
người dân thành lực lượng của đời sống xã hội. Nhà chính trị, nhà lãnh
đạo có không gian quyền lực riêng, đó là không gian phối hợp các năng
lực của đời sống xã hội mà nhà chính trị quản lý.
Nguyễn Trần Bạt (Cội nguồn cảm hứng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét