Một
trong những nội dung quan trọng của cái Tôi là cái Chúng ta. Chúng ta
là một trạng thái phát triển của cái Tôi, một trạng thái cá biệt của cái
Tôi. Chúng ta và Tôi không phải là hai không gian độc lập khác nhau.
Cái Tôi là trên hết, là nguồn gốc của mọi thứ còn lại, trong đó có cái
Chúng ta. Nhiều người vẫn luôn cho rằng cái Chúng ta bao trùm lên cái
Tôi nhưng không phải thế, cái Tôi chứa tất cả mọi thứ. Khi nào cái Chúng
ta ở bên ngoài cái Tôi, bao lên cái Tôi thì đó là trái tự nhiên.
Nếu
đặt cái Chúng ta lên trên cái Tôi sẽ làm phá vỡ định nghĩa quan trọng
nhất về con người. Tự do sinh ra con người, con người là chủ thể của sự
đàm phán và tạo ra các khế ước. Cái Chúng ta tồn tại được là nhờ những
thoả thuận mà không có những cái Tôi thì không thể có thoả thuận. Tóm
lại, cái Tôi có trước, cái Tôi chứa đựng mọi thứ, cái Tôi là điểm bắt
đầu của mọi quá trình xã hội. Nếu cái Tôi là cái bánh thì cái Chúng ta
là yếu tố tạo ra nhân của cái bánh. Cái Chúng ta là một trong những nội
dung quan trọng nhất, thể hiện tầm vóc của cái Tôi, nhưng nó không thể
thay thế cái Tôi được. Nếu không có cái Chúng ta trong cái Tôi thì anh
là một người xấu, nhưng nếu không có cái Tôi thì anh không thành con
người.
Nghiên cứu về nội dung Chúng ta sẽ giúp làm rõ không gian nghĩa vụ và trách nhiệm trong cái Tôi. Cái Tôi biến thành cái Chúng ta thông qua không gian trách nhiệm, không gian nghĩa vụ.
Không gian nghĩa vụ và trách nhiệm tạo ra phần Chúng ta trong cái Tôi,
tức tạo ra tâm lý đại diện. Do đó, cái Chúng ta chính là cơ sở của lý
thuyết đại diện. Nếu một người tự nhận là đại diện mà không ý thức được
nghĩa vụ và trách nhiệm của mình thì người đó đại diện cho ai và hy sinh
cái gì? Kẻ muốn làm đại diện thì phải biết ta đại diện cho ai, ta phải
mất cái gì để thực hiện quyền đại diện, ta phải có những năng lực nào để
hoàn tất nghĩa vụ đại diện. Tuy nhiên, nếu dừng ở mức độ hoàn tất nghĩa
vụ thì mới chỉ đủ cho sự tồn tại của xã hội chứ chưa đủ cho sự phát
triển. Có những nghĩa vụ bắt buộc và có cả những nghĩa vụ không phải là
bắt buộc mà là sứ mệnh. Ví dụ, không phải ai cũng buộc phải có trách
nhiệm hy sinh thân mình vì Tổ quốc nhưng có những người làm như thế. Như
vậy, con người vẫn luôn có những hành vi vượt ra ngoài nghĩa vụ và
trách nhiệm. Cần phải nghiên cứu cả hiện tượng này vì đó là cấu trúc
Siêu Chúng ta. Cái Siêu Chúng ta là trạng thái phát triển cao của cái
Tôi. Không gian Siêu Chúng ta là nơi con người tiến
hành những hành động bên ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm. Đó là những hành
vi có ý nghĩa phục vụ sự phát triển của nhân loại. Nếu chúng ta không
lý giải được các hiện tượng như vậy thì không tìm ra được lối thoát để
phát triển nhân loại. Nhân loại tồn tại bằng ý thức trách nhiệm
và tinh thần nghĩa vụ nhưng nhân loại phát triển bằng tinh thần siêu
nghĩa vụ, siêu trách nhiệm, tinh thần sứ mệnh. Ý thức nghĩa vụ
và tinh thần trách nhiệm là những phẩm chất cần và đủ để từng cái tôi
tham gia vào tiến trình phát triển, và thứ lãnh đạo chương trình phát
triển ấy chính là cái Siêu Chúng ta.
Có
những cái Tôi có thể biến thành cái Siêu chúng ta, nhưng cũng có những
cá thể chỉ có thể phát triển thành cái Chúng ta, thậm chí có những cá
thể không phát triển thành cái Chúng ta được. Cái Chúng ta tạo ra trạng
thái thông thường, đó là sự tụ họp hay sự phản ánh quan hệ của những cá
thể thông thường. Còn cái Siêu Chúng ta là sự tụ họp hay phản ánh của
những mối quan hệ không thông thường. Cá thể không thông thường ấy cũng
là kết quả của cả hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật tự do. Anh
có những điều kiện tự do đến mức anh trở thành người thủ lĩnh, nhưng
anh có những ràng buộc tự nhiên để có điều kiện thực hiện các ý nghĩ
siêu Chúng ta. Những ai ý thức được về cái Chúng ta thì trở
thành người đại diện còn ý thức được về sứ mệnh, về cái Siêu Chúng ta
thì trở thành nhà lãnh đạo, trở thành yếu tố lãnh đạo.
Những
xã hội không phát triển là xã hội mà ai cũng muốn làm to nhưng không đủ
năng lực và trí tuệ để làm bất kỳ cái gì vừa vừa, tức là họ không có
cái Chúng ta, họ không nghĩ đến nghĩa vụ và sứ mệnh của người đại diện.
Đó là sự chiếm đoạt của những con thú lớn chứ không phải là sự thực thi
nhiệm vụ của người ý thức được về nghĩa vụ và sứ mệnh. Tôi không phê
phán cái Tôi mà chỉ phê phán cái Tôi không có nhân. Chúng ta vẫn thường
nghe thấy những khẩu hiệu như "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi
người". Nghe thì rất có lý nhưng nếu ngẫm kỹ thì rất vô trách nhiệm.
Đúng ra là mỗi cá nhân hãy lo cho mình trước rồi sẽ thấy cái chúng ta ở
trong mình. Một con người mà không biết yêu mình thì sẽ không yêu người
khác. Ví dụ, tôi yêu công ty của tôi, tôi yêu những thành viên đã tạo ra
công ty đó. Để công ty của tôi làm ăn được tôi phải yêu cái xã hội đó.
Nếu anh yêu anh một cách có trách nhiệm thì anh sẽ có Chúng ta trong
anh. Nếu anh không yêu anh thật thì anh sẽ hành động theo nhu cầu nhằm
thoả mãn anh, tức thoả mãn cái chết tinh thần của anh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét