Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Nguyễn Trần Bạt: Không có sự phát triển nào đi trước tự do

    Trong suốt cuộc đời con người cũng như trong suốt lịch sử nhân loại có hai vấn đề lớn cần quan tâm. Thứ nhất là vấn đề tồn tại, thứ hai là vấn đề phát triển. Phát triển là một trong những mục tiêu cơ bản của con người. Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng ý thức được điều đó.

    Có một thời gian rất dài, con người phân vân giữa phát triển và không phát triển, con người cố gắng giải thích quyền có sự khác nhau trong quan niệm về phát triển, thậm chí, con người bàn đến khái niệm phát triển mà không bàn đến sự bắt buộc phải phát triển. Chúng ta vẫn hay nói nhiều về sự phát triển mà chưa hiểu hết bản chất của nó. Nếu không hiểu bản chất của sự phát triển, chúng ta không thể hiểu được giá trị của tự do và công nghệ sử dụng tự do. Tại sao chúng ta lại cần tự do? Và tự do có phải là một thứ xa xỉ không? Đấy là một vấn đề cần phải được thảo luận rất nghiêm túc. Nghiên cứu mối tương quan giữa tự do với con người, con người và sự phát triển, tự do và sự phát triển chính là nghiên cứu sự phát triển với định hướng con người là trung tâm. Tự do sinh ra con người và con người cần tự do để phát triển. Phát triển là một tất yếu mà con người không thể trốn tránh.

    I. Con người – trung tâm của sự phát triển


    Trước hết, cần phải phân biệt giữa phát triển và tăng trưởng kinh tế. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là yếu tố biểu thị một cách tập trung nhất năng lực thỏa mãn nhu cầu của con người, nhưng mình nó chưa đủ để gọi là phát triển. Tăng trưởng là biểu hiện hình thức hay biểu hiện hẹp của phát triển. Nói cách khác, tăng trưởng chỉ là sự gia tăng về vật chất, còn phát triển là nâng cao và hoàn thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của con người. Chúng ta biết rằng, giàu có không phải là mục tiêu của sự phát triển, mà khát vọng lớn nhất của con người bao giờ cũng là một cuộc sống hạnh phúc. Ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đấy có sự phát triển. Sự phát triển chính là trạng thái con người có hạnh phúc, có năng lực, đặc biệt là năng lực nhận thức tốt hơn, có điều kiện hưởng thụ và tư duy một cách tự do, sáng tạo hơn. Vì thế, phát triển là quá trình tạo ra những năng lực để con người tự nâng cao đời sống của mình. Suy cho cùng, phát triển là sự tăng trưởng những giá trị của con người. Như vậy, con người là trung tâm của sự phát triển, hay nói cách khác, con người là động lực tạo nên sự phát triển, và phát triển phải vì hạnh phúc của con người.

    Chỉ số quan trọng nhất để đánh giá mọi sự phát triển là chỉ số con người. Vì suy cho cùng, giá trị con người là kết quả cuối cùng của sự phát triển. Mọi sự phát triển có ý nghĩa gì nếu nó không phải là của mỗi con người và vì mỗi con người? Phải hiểu rằng, sự phát triển không chỉ được thể hiện bởi các nhà nước bình đẳng trên trường quốc tế về sự giàu có. Cũng có những giai đoạn như thế nhưng đó là giai đoạn đối đầu và nó đã qua rồi. Một nhà nước mạnh trong quan hệ với các nhà nước khác nhưng người dân không hạnh phúc thì sức mạnh đó cũng không có ý nghĩa. Mỗi con người phải được hưởng hạnh phúc, phải được hưởng kết quả của sự phát triển và thước đo đánh giá chỉ số này thể hiện trước tiên ở thái độ tự tin của mỗi cá thể trong cộng đồng đối với các quan hệ mà họ buộc phải đối thoại trong cuộc sống. Nếu không phát triển, nếu không cảm thấy hạnh phúc thì một người khó có thể đủ tự tin để đối thoại với người khác, càng không có đủ năng lực để cạnh tranh. Thời đại bây giờ cần sự phát triển thực chất, tức là con người ở các quốc gia khác nhau có tư thế bình đẳng với nhau. Đó là những con người xác định được tiêu chuẩn phát triển, có năng lực tạo ra sự phát triển và phát triển ở những chặng tiếp theo của cuộc sống.

    Cùng với tiến bộ xã hội, khái niệm phát triển có thêm nhiều nội dung mới.

    Con người không chỉ nói đến sự phát triển với ý nghĩa thuần tuý mà cò bàn đến sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững là thành quả của các nguồn phát triển ổn định. Các nguồn phát triển ổn định được tạo nên bởi chính các giá trị trọn vẹn của con người. Chúng ta biết rằng, mọi sự phát triển luôn luôn có những gợi ý, luôn luôn có yếu tố sáng tạo và thể nghiệm những sáng tạo của con người. Đấy là bản chất của cuộc sống phát triển. Cải cách là một hình thức sáng tạo của con người để duy trì sự ổn định của các nguồn phát triển. Nếu cải cách kinh tế tạo ra được sức mạnh nhìn thấy của sự phát triển thì cải cách chính trị, cải cách văn hoá và nhất là cải cách giáo dục tạo sự phát triển bền vững. Muốn có sự phát triển bền vững, con người phải xác lập được sự cân bằng của tất cả các thành tố tham gia vào quá trình phát triển. Trong khi đi tìm trạng thái mới, để tránh được cái sai thì con người phải bình tĩnh, bởi nếu nóng vội, con người rất dễ lăn xuống dốc theo quán tính mà không tìm thấy giới hạn để dừng. Toàn bộ tiến trình phát triển ổn định chính là xác lập trạng thái không lăn theo quán tính của đời sống phát triển. Nhưng con người sẽ rất vất vả nếu không lợi dụng được quán tính của sự dịch chuyển. Bởi thế, con người cần đến khoa học và chính trị để tận dụng quán tính mà không lệ thuộc vào quán tính. Con người cần phải có trạng thái bình tĩnh trong nhận thức về sự phát triển. Trạng thái bình tĩnh đó chính là trạng thái tự cân bằng của đời sống.

    Vậy, phát triển con người là gì?

    Như tôi đã nói, tự do gắn liền với con người, tự do sinh ra con người, cho nên muốn phát triển, con người phải tự do. Chỉ có tự do thì con người mới phát triển, chỉ có phát triển thì mới đảm bảo những giá trị của con người. Mức độ tự do là yếu tố ban đầu tạo nên chỉ số con người. Tôi cho rằng, năng lực để nhận ra cơ hội, năng lực để khai thác cơ hội và năng lực để tổ chức cuộc sống là những năng lực quan trọng nhất của con người. Những năng lực đó chỉ xuất hiện khi con người tự do và chịu thương chịu khó để nhận thức. Ngay cả khi đã có tự do, không có cách nào để trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người phát triển nếu con người không lao động thật. Điều đó có nghĩa, để phát triển thì trước hết con người phải lao động, đầu tiên là lao động trí tuệ. Không có năng lực lao động trí tuệ thì con người không thể nhận biết được các cơ hội. Chính lao động trí tuệ cần mẫn và liên tục giúp con người hoàn thiện trí tuệ của mình, con người trở nên thông thái, cao thượng và tự tìm thấy tương lai của mình. Tự do và lao động tạo ra năng lực và năng lực tạo ra mọi sự phát triển. Sự phát triển có thể khác nhau ở từng con người nhưng luôn có sự phát triển cho tất cả những con người hội tụ đủ cả hai điều kiện đó. Khi mỗi người tạo ra sự phát triển của chính mình thì xã hội sẽ tự nhiên được hưởng thành quả của sự phát triển và chắc chắn đó là sự phát triển bền vững.

    Hiện nay, người ta bắt đầu thấy rằng chỉ số IQ không còn quan trọng trong sự phát triển, sự thành đạt của một cá nhân mà thay vào đó, chỉ số cảm hứng hay chỉ số EQ ngày càng trở nên quan trọng. Con người có thể thiếu kinh nghiệm nhưng nếu không có nhiệt tình ở bên trong để đi tìm hạnh phúc thì không có sự phát triển. Nếu một người không phong phú, không đa dạng từ trong đời sống tinh thần thì người đó khó có thể tiếp thu các giá trị thiêng liêng, cao quý, thiết thực, cái gì người đó có trong tay cũng chỉ là kết quả của sự dịch chuyển hình thức, chỉ là cầm hộ sự phát triển của người khác. Sự phong phú của đời sống tinh thần con người, sự cao quý của tâm hồn con người chính là cái kho tiềm ẩn các giải pháp để phát triển. Nếu con người không phong phú thì con người không có các kinh nghiệm tình huống, con người không ứng xử đủ nhanh để tạo ra các giải pháp phát triển và do đó, con người luôn lỡ nhịp trong sự phát triển.

    Phải khẳng định rằng con người, đặc biệt là con người của thời đại ngày nay không có cách nào trốn tránh sự phát triển được, không thể nói đến sự phát triển mà không bắt buộc mình phải phát triển. Phát triển là con đường sống của tất cả các dân tộc, kể cả các dân tộc đã phát triển. Phát triển là một tất yếu của con người, là nội dung cơ bản của con người. Bởi vì không phát triển thì con người không tồn tại. Phát triển tác động đến xã hội, tác động đến cuộc sống của mỗi người, cả đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người. Nếu xem sự phát triển là hoàn thiện đời sống hạnh phúc của con người thì không thể không nói đến dân chủ. Dân chủ là biện pháp duy nhất đúng đắn tạo ra sự phát triển và bảo đảm hạnh phúc của con người, vì nó tạo ra công nghệ kiểm soát tính hợp lý của sự phát triển. Dân chủ đảm bảo mọi giá trị cuối cùng của sự phát triển được phân phối một cách công bằng đến từng con người, điều đó có nghĩa, phát triển không chỉ là vấn đề của từng quốc gia mà quan trọng hơn, đó là vấn đề của từng con người. Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, nếu không xây dựng chế độ dân chủ để tự do trở thành cảm hứng cơ bản khích lệ con người tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cạnh tranh toàn cầu thì không thể có sự phát triển được

    II. Tự do và sự phát triển

    Tự do và phát triển là hai phạm trù có quan hệ hệ quả và biện chứng sâu sắc. Tự do là điều kiện ban đầu của sự phát triển vì tự do giải phóng năng lực con người và tạo ra sức cạnh tranh, mà cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển. Ngược lại, phát triển góp phần nới rộng các biên của khái niệm tự do hay mở rộng không gian tự do.

    Sự phát triển của mỗi con người phản ánh sức cạnh tranh của người đó. Giá trị con người tạo nên sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của con người trong thời đại mới. Ở đâu con người có sức cạnh tranh tốt, ở đấy có sự phát triển. Cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển vì đó là động lực cơ bản của mọi sự sáng tạo. Bản chất của cuộc sống là tính đa dạng tự nhiên của các yếu tố, chúng luôn luôn có xu hướng cạnh tranh với nhau và cạnh tranh trong sự bình đẳng. Quá trình cạnh tranh tự do và bình đẳng của các yếu tố tạo ra sự phát triển. Do vậy, cần phải đảm bảo một môi trường mà ở đó mỗi một đối tượng tham gia đều có những quyền tự do và bình đẳng trong quá trình cạnh tranh. Tự do tạo ra giá trị con người mà con người chỉ hoàn toàn tự do khi có tự do chính trị. Đảm bảo tự do chính trị chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi một con người, vì tự do chính trị tạo ra sự phong phú của các khuynh hướng trong xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh của cả xã hội. Cho nên, để có sức cạnh tranh, các quốc gia phải tìm mọi cách huy động hay giải phóng nhân tố con người một cách tối đa. Như đã phân tích, để tạo ra sự phát triển, con người không chỉ cần năng lực mà còn cần cả cảm hứng. Tự do là cảm hứng của sự phát triển. Một dân tộc không có cảm hứng, một con người không có cảm hứng và không còn khát vọng đi tìm hạnh phúc thì không thể phát triển được. Chỉ có tự do mới tạo ra cảm hứng cho con người. Đến lượt mình, cảm hứng khích lệ sáng tạo, cạnh tranh và tạo ra sự phát triển.

    Tự do bao giờ cũng là điểm xuất phát của sự phát triển. Mặc dù Amartya Sen, một trong những nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, rất có lý khi cho rằng “Phát triển như là tự do”, nhưng theo tôi, nói cho đến cùng thì không có sự phát triển nào đi trước tự do. Mọi sự phát triển chỉ có thể có được khi có tự do và đi cùng với tự do. Sự phát triển có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, nhưng nếu như ở các vùng có sự phát triển đi qua mà con người không được hưởng thụ thì điều đó chứng tỏ ở đấy con người chưa tự do, ở đấy con người chỉ cầm hộ sự phát triển của người khác. Tự do không chỉ là linh hồn của sự phát triển mà chính là sự phát triển. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng ngày nay tự do không còn là quyền chính trị mà là quyền phát triển. Tự do không chỉ là nội dung của sự phát triển mà hơn thế là động lực cơ bản, là yếu tố tạo ra sự phát triển. Trạng thái kém phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị thể hiện sự kém phát triển của các quyền tự do hoặc không có tự do. Phát triển vừa là hệ quả của tự do, đồng thời cũng là tiền đề để con người có tự do nhiều hơn.

    Tự do là khái niệm động, khái niệm biến thiên. Tự do là linh hồn của mọi sự phát triển và bản thân tự do cũng là một khái niệm có chất lượng phát triển. Điều ấy có nghĩa, không gian tự do luôn có xu hướng nở ra. Không gian ấy không đo được bằng hệ quy chiếu của hình học Euclid. Không gian của tự do là không gian tự nở, tất cả các trục của nó đều cong. Không gian tự do không có tận cùng. Con người yêu tự do mới hiểu tự do có ý nghĩa sống còn với con người như thế nào. Tự do giống như bầu không khí mà con người cần từng giây từng phút cho sự sống của mình. Ai cũng có không gian tự do của mình cũng như có quyền khai thác và sử dụng nó để phát triển. Một người có tự do hơn người khác, có nhiều cơ hội hơn người khác nếu biết khai thác triệt để không gian tự do của mình. Chúng ta đã chỉ ra ở phần trước là không gian tự do của mỗi cá thể được cấu tạo bởi không gian tự do bên trong là đời sống tinh thần của cá thể đó và không gian tự do khách quan bên ngoài là các điều kiện vĩ mô của cộng đồng, của xã hội. Con người càng tự do với thể chế bao nhiêu thì con người càng tôn trọng tự do bên trong của mình bấy nhiêu. Ngược lại, càng ý thức được tự do bên trong của mình bao nhiêu thì con người càng đòi hỏi tự do với thể chế bấy nhiêu. Phát triển chính là sự hoà hợp giữa hai không gian tự do đó. Ở nơi nào không gian tự do khách quan và không gian tinh thần đồng nhất với nhau thì ở đó có những tiền đề cơ bản cho sự phát triển con người.

    Quyền con người của ngày hôm qua, của thế kỷ XX khác với của thế kỷ XXI. Gần đây, các nhà chính trị châu Âu thất bại khi trưng cầu phê chuẩn Hiến pháp châu Âu, lý do là họ đã không rèn luyện cho người dân châu Âu thấy rằng việc nới rộng không gian châu Âu trở thành một thể thống nhất là nhu cầu của sự phát triển. Người dân vừa không được thuyết phục để chấp nhận thực tế phát triển, vừa không được khích lệ sự tín nhiệm đối với nhà nước trong việc đưa ra những tiêu chuẩn mới của khái niệm tự do, cho nên các nhà chính trị đã thất bại. Người dân Châu Âu đã có tự do và có nhiều đến mức người ta cảm thấy nhờn với tự do. Nhưng thực ra, con người luôn hiểu tự do một cách có giới hạn và con người phải không ngừng thay đổi, nâng cao sự hiểu biết của mình. Không ai khác mà chính các nhà chính trị phải có trách nhiệm tạo ra sự thức tỉnh của con người về giá trị mới của tự do. Nâng cao hiểu biết về khái niệm tự do sẽ thúc đẩy con người phát triển hay nói cách khác, phát triển là nhận ra những giới hạn mới của tự do. Mỗi một thời đại có những giới hạn tự do riêng. Giới hạn tự do là sự giới hạn của lịch sử đối với tự do, và là một trong những biểu hiện cho sự phát triển của thời đại. Phát triển năng lực nhận thức, đặc biệt là năng lực nhận thức về tự do là đòi hỏi thiết yếu của thời đại đối với mỗi người, mỗi dân tộc, thậm chí, nó phải được coi là năng lực quan trọng nhất của con người. Tự do là điểm khởi đầu, là hạt nhân của mọi quá trình nhận thức và phát triển. Kinh nghiệm về tự do tiệm tiến với năng lực nhận thức của mỗi con người. Cùng với sự phát triển các năng lực, con người sẽ nhận ra những giới hạn mới, những chân trời mới của tự do. Tự do không chỉ dừng lại ở không gian bên trong của các giới hạn tự do, mà tự do của con người hiện đại, tự do chủ động, còn là sự phá vỡ đường biên của các giới hạn. Phát triển chính là sử dụng các quyền tự do để phá vỡ các giới hạn của tự do.

    Chúng ta phải nhớ rằng tự do không chỉ là điều kiện của sự phát triển mà tự do còn là điều kiện của sự sống. Tự do là điều kiện cân bằng của sự sống và nếu không cân bằng thì con người không có trạng thái ban đầu của sự phát triển. Không thể nào phát triển ở bên ngoài sự cân bằng được, bởi vì bản chất của sự phát triển là sự dịch chuyển để phá vỡ giới hạn cân bằng trước đó và tìm kiếm một giới hạn cân bằng cao hơn. Một trong những sự cân bằng quan trọng là sự cân bằng giữa những con người trong cộng đồng với nhau. Nếu không có tự do thì không có sự cân bằng, bởi vì con người tương tác với nhau mới tạo ra cân bằng, cân bằng tạo ra ổn định, cân bằng chính là một trạng thái biểu kiến của sự ổn định. Nếu không ổn định thì con người không thể nhận thức được sự phát triển, nhận thức được nhu cầu cần phải dịch chuyển đến trạng thái nào. Rất nhiều người lầm tưởng tự do là một thứ xa xỉ, là món ăn của người giàu có. Nhưng thực ra, con người nghèo khổ càng cần đến tự do, vì như đã nói, tự do sinh ra những giá trị con người, mà giá trị con người làm nên sự phát triển. Chúng ta phấn đấu vì sự giàu có, vì hạnh phúc của mình nhưng trước đó, chúng ta phải phấn đấu để có những giá trị con người.

    Chúng ta phải xây dựng những giá trị bền vững vì muốn có sự phát triển bền vững, con người phải bền vững. Muốn con người bền vững thì không gian chính trị phải bền vững và đó chính là không gian mà người dân làm chủ, là không giam mà các quyền tự do của con người được đảm bảo. Nếu không có tự do thì không có tiền đề, không có không gian ban đầu, không có sự sạch sẽ tâm hồn để con người tiếp nhận tất cả các khả năng tìm kiếm lối thoát phát triển. Mọi sự phát triển phải bắt đầu từ tự do. Mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển và các quyền tự do chính trị là ở chỗ, nó tạo ra các không gian chính trị, xã hội để con người phát triển một cách bền vững.

    III. Những chặng đường phát triển

    Phát triển vừa là một quá trình, vừa là một trạng thái. Phát triển là trạng thái khi con người xem xét nó ở những thời điểm nhất định, còn tự nó là một quá trình. Phát triển luôn luôn là một quá trình liên tục bao gồm những chặng khác nhau với các nội dung khác nhau. Tôi cho rằng có hai chặng đường phát triển mà bất kỳ ai, bất kỳ dân tộc nào cũng cần phải ý thức được. Chặng đầu tiên là chặng đi từ tiền con người trở thành con người và chặng thứ hai là phát triển con người. Nghiên cứu sự phát triển qua hai chặng đó là nghiên cứu con người với những năng lực mở rộng phù hợp với đòi hỏi của thời đại.

    Như tôi đã nói, con người chính là mục tiêu của sự phát triển. Vì thế, ở chặng thứ nhất, phải làm thế nào để mỗi người đạt được các tiêu chuẩn con người. Đấy là vấn đề lớn của mọi thời đại. Là con người theo đúng nghĩa rất quan trọng vì phải là con người mới có tâm lý con người, mới có nhân cách. Nhân cách con người chỉ hình thành sau khi con người có tự do, tự do như cái vốn ban đầu để tiền con người trở thành con người, nếu con người chưa biết tự do, chưa được hưởng hạnh phúc mà tự do đem lại thì không có kinh nghiệm đi tìm và cũng không biết cái mình cần tìm là tự do. Hiện nay, hơn một nửa nhân loại vẫn chưa có cuộc sống của con người theo đúng nghĩa. Đó là những con người nghèo khổ, khu trú, lạc hậu và chậm phát triển, bản thân họ chưa được giải phóng. Do vậy, chặng thứ nhất của quá trình phát triển là phải trả lại cho con người những điều kiện phát triển, mà điều kiện ban đầu, điều kiện tiên quyết, điều kiện sống còn của quá trình này chính là tự do.

    Sang đến chặng thứ hai, sự phát triển không còn đơn thuần là giải phóng con người, đem lại tự do cho con người mà là phát triển con người. Trong việc phát triển con người thì phát triển năng lực con người là quan trọng nhất. Các năng lực của con người không còn phù hợp với đòi hỏi của thời đại là năng lực chậm phát triển. Năng lực ấy không bán được, không đổi được, không tạo ra được thành tựu. Rất nhiều người không phù hợp và luôn luôn lạc hậu so với thời đại mà họ tồn tại. Chính sự lạc hậu so với những điều kiện của thời đại mà con người tồn tại tạo ra nỗi bất hạnh chủ yếu của con người. Do vậy, phát triển con người là làm cho con người có những năng lực phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Phát triển năng lực con người là một công việc bao gồm nhiều bước.

    Thứ nhất, cần phải tạo ra một xã hội tự do. Chỉ có xã hội tự do mới tạo ra cơ hội va đập (tôi chưa nói đến cơ hội có công ăn việc làm, cơ hội thành công), sự va đập làm cho mỗi một cá thể thức tỉnh về sự không tương thích của các khả năng của mình. Nếu không có những cơ hội va đập, con người sẽ thiếu năng lực để nhận biết, để đánh giá, để so sánh hay nói cách khác, con người thiếu kinh nghiệm hành động. Sự thiếu tự do của con người tạo ra sự thiếu hụt các năng lực phù hợp với đòi hỏi của thời đại và làm cho con người không phát hiện ra sự chậm phát triển của năng lực của mình.

    Thứ hai, cần phải có một thể chế dân chủ. Cũng có những con người tự đào tạo mình, tự đầu tư cho mình nhưng ở một thể chế không dân chủ thì trạng thái tự do ấy chỉ là trạng thái nhất thời, không ổn định. Sự không ổn định ấy tạo ra sự lệch pha nào đó trong nhận thức, trong việc cấu tạo kinh nghiệm của con người. Cho nên người ta cần dân chủ để đảm bảo cho tự do ổn định. Tất nhiên, khi đã có tự do, dân chủ thì không phải đương nhiên chúng ta sẽ có hạnh phúc, vì tự do, dân chủ chỉ tạo ra cơ hội chứ không tạo ra thành tựu. Thành tựu là sự kết hợp giữa cơ hội và sự đúng đắn của con người.

    Trong các chặng đường phát triển ấy, như ở trên đã nói, bình tĩnh là điều kiện cần và đủ để con người lợi dụng được tất cả các yếu tố, kể cả yếu tố đột phá. Người ta luôn luôn cần các yếu tố đột phá. Yếu tố đột phá đôi lúc là những yếu tố xuất hiện một cách ngẫu nhiên, từ bên ngoài, một cách khách quan đối với các tiến trình. Nhưng đôi lúc nó xuất hiện ngay trong lực lượng, trong các chủ thể của tiến trình. Đối với một con chim, yếu tố chủ thể của sự bay của nó là đôi cánh, nhưng yếu tố khách thể, yếu tố bên ngoài của sự bay của nó là gió. Thông thường, nó tận dụng gió để đỡ mỏi cánh, nhưng đến chỗ lặng gió thì nó phải tạo ra những sự đột phá mang chất lượng chủ quan từ trong đôi cánh của chính mình để đi qua những chặng hay là những chướng ngại vật. Như vậy, trước đó, đôi cánh được chỉ đạo bởi một bộ não thông minh là không lãng phí năng lượng khi có gió, tức là biết tận dụng gió, hay là không bay ngược gió. Con người phải thường xuyên phát hiện ra các yếu tố đột phá. Yếu tố đột phá nằm ở trong chính mình là nội lực, yếu tố đột phá nằm ở ngoài mình là yếu tố khách quan. Cả hai yếu tố ấy đều cùng tồn tại trong một tiến trình phát triển. Con người cần phải phát hiện được những yếu tố như vậy và phối hợp sử dụng chúng theo một công nghệ nào đó để tạo ra hiệu quả lớn nhất.

    Trong tiến trình phát triển tự nhiên của con người có cả những cách thức tạo ra bước nhảy. Tuy nhiên, giải pháp ấy chứa trong nó đầy rủi ro, cho nên sự đột phá cần phải được điều chỉnh bởi những lực lượng cực kỳ thông thái và mạnh mẽ. Chúng ta phải biết hồi sinh lại các yếu tố mình đã đốt cháy để tạo ra sự đột phá, chúng ta phải biết dự trữ những năng lượng cho thời điểm sau đột phá để tiến trình phát triển được bình thường. Đột phá là một tác động chủ quan, đột phá chính là cải cách. Các nguyên lý của đột phá chính là nguyên lý của các cuộc cải cách. Vì thế, các cuộc cải cách đều phải được thiết kế một cách cẩn thận như nguyên lý mà tôi đã viết trong quyển “Cải cách và Sự phát triển”, trong đó có xác định độ thấm của các chính sách vĩ mô, xác định điểm dừng của những tác động chủ quan đến tiến trình tự nhiên như thế nào là hợp lý, tức là con người có thái độ thận trọng trong tiến trình thực hiện những cú đột phá của đời sống phát triển tự nhiên. Làm cho ngoại lực xuất hiện như những yếu tố đột phá giữa đời sống phát triển là do sự chỉ đạo của năng lực tư duy, đó chính là nội lực. Chính phần cao quý nhất, phần tinh khôn nhất của nội lực hướng dẫn quá trình sử dụng những năng lực bên ngoài để tạo ra sự đột phá. Hơn nữa, tất cả các sự vật phát triển không phải là bằng các yếu tố bên trong mà bằng sự hội nhập với yếu tố bên ngoài. Mở rộng không gian bên trong để chứa đựng các yếu tố thâm nhập từ bên ngoài chính là bí quyết của sự phát triển. Phát triển về số lượng và phát triển về chất lượng, hay là cân đối giữa chất lượng và số lượng trong quá trình phát triển, đó là kết quả của trí tuệ. Trí tuệ bao giờ cũng là nội lực, tức là mỗi chủ thể đều phải có năng lực phân loại những thứ mà mình kết nạp vào trong đời sống của mình để tạo ra sự phát triển của chính mình.

    Như vậy, quá trình phát triển của con người tối thiểu phải có hai giai đoạn, giai đoạn phấn đấu để trở thành con người và giai đoạn phấn đấu để trở thành con người phù hợp với đòi hỏi của thời đại.

    Chặng đầu tiên và quan trọng hơn cả của cuộc đấu tranh vì con người là đưa tiền con người trở thành con người. Chặng thứ hai là trang bị cho con người những năng lực phát triển theo khuynh hướng mở để con người luôn luôn tương thích hay thỏa mãn đòi hỏi của thời đại. Sự thỏa mãn các đòi hỏi của thời đại chính là giải phóng con người ra khỏi nỗi bất hạnh của mình. Đó vừa là hai công đoạn rất cơ bản trong quá trình đấu tranh để giải phóng mỗi một con người, vừa là hai chặng của tiến trình phát triển chung của cả nhân loại.

    Con người đã nhận ra sự cần thiết phải tiến hành chặng đầu tiên là giải phóng mình khỏi trạng thái tiền con người nhưng chưa thành công trên phạm vi toàn cầu. Con người đã từng nhận được tự do nhưng đó là những biến dạng của tự do, là tự do hạn chế, tự do vất vả và tự do sai lạc. Tự do hạn chế có nghĩa là cái tất yếu chỉ được nhận thức rất giới hạn chứ con người chưa thực sự sở hữu một không gian tự do bên trong. Tự do vất vả là sự thiếu tự do trong trạng thái không bình đẳng giữa con người với con người. Còn tự do sai lạc là thứ tự do mà con người tưởng rằng mình có nhưng thực ra, con người không thực sự tự do.

    Có thể nói, ba lần thất bại của con người khi đi tìm tự do đánh dấu sự khép lại chặng đường đầu tiên trong tiến trình phát triển. Mở đầu cho chặng đường thứ hai chính là toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là xu thế chung lớn nhất từ trước tới nay, nó mở ra cơ hội khổng lồ cho con người tìm lại tự do và biến khát vọng phát triển thành sự thực. Con người trong thời đại toàn cầu hoá phải là con người phát triển, hơn thế phải phát triển toàn diện vì đó là đòi hỏi của thế giới hiện đại, của kỷ nguyên phát triển khoa học công nghệ, của sự hợp tác và cùng phát triển.

    Toàn cầu hoá là cơ hội để con người so sánh với nhau và thấy được nỗi bất hạnh của việc không thành người, nỗi bất hạnh của việc con người không thỏa mãn những đòi hỏi của thời đại. Các đòi hỏi của thời đại thể hiện tập trung ở những tiêu chuẩn về tự do và hạnh phúc của con người. Đó chính là nội dung của khái niệm phát triển trong thời đại ngày nay.


    Nguồn: Cội nguồn cảm hứng

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Facebook Digg Stumbleupon Favorites More