Thế giới đã đi qua nhiều chặng đường
phát triển, nhưng có thể nói, những thành tựu của khoa học công nghệ,
khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn vẫn chỉ dành cho gần một phần ba
nhân loại. Hai phần ba còn lại của nhân loại vẫn đang phải vật lộn với
cuộc sống để tồn tại. Đó là những con người thiếu tự do, và vì thiếu tự
do nên họ lâm vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và không phát triển
được. Những trăn trở về thân phận con người, đặc biệt là những trăn trở
trong việc tìm ra công nghệ giúp con người phát triển thúc đẩy chúng tôi
tiếp tục truy nguyên khái niệm tự do.
Có thể nói, lịch sử loài người chính là
hành trình đến với tự do, trong đó, cuộc đấu tranh để giành tự do, giữ
tự do luôn luôn là cuộc chiến đấu sống còn. Từ xưa đến nay, tất cả những
sự kiện lớn đánh dấu tiến trình lịch sử đều phản ánh khát vọng, mục
tiêu và động lực để con người tìm đến tự do, đòi tự do hay đòi lại quyền
làm người. Nếu xâu chuỗi tất cả các sự kiện đó và lấy tự do như là đích
đến, chúng ta sẽ thấy loài người đã trải qua ba lần thất vọng lớn.
Đó là ba lần loài người có được cơ hội tự do, ba lần con người có được
những gợi ý về tự do và tưởng như mình sắp được giải phóng khỏi mọi thứ
gông cùm, nhưng không phải, đấy là ba lần loài người lỡ đò, và chỉ những
ai leo lên được chiếc thuyền của tự do trong những lần ấy thì phát
triển. Tôi cho rằng, giải phóng con người ra khỏi trạng thái nông nô
bằng chủ nghĩa phong kiến là lần gợi ý thứ nhất về tự do. Giải phóng con
người ra khỏi sự bóc lột, sự bần cùng hóa của chủ nghĩa tư bản, bằng
tinh thần tự do của thời kỳ Khai sáng là gợi ý lần thứ hai, và lần gợi ý
thứ ba là bằng các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ba lần con người
được gợi ý về tự do nhưng cho đến bây giờ, một phần rất lớn nhân loại
vẫn trong trạng thái thiếu tự do.
Lần thứ nhất là lần thất vọng về các triều đại phong kiến. Những
triều đại phong kiến có thể là gợi ý về một cấu trúc xã hội có trật tự,
nó lần đầu tiên xác lập các quyền công dân của con người, giải phóng
con người ra khỏi trạng thái nô lệ. Nhưng trên thực tế, chúng ta đều
biết, chủ nghĩa phong kiến đã đem lại cho con người một tương lai không
mấy tốt đẹp.
Để làm rõ tính chất của giai đoạn lịch sử
này, có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ việc mô tả trạng thái công dân thô
sơ là gì. Những trạng thái này chúng ta có thể thấy rõ qua văn học. Thực
ra, các nhà nước phong kiến ở một chừng mực nhất định cũng tạo ra sự
phát triển và con người cũng đã nếm trải sự thành công. Chủ nghĩa phong
kiến đem lại cho chúng ta nhiều thứ, đem lại cho chúng ta những kiệt tác
như “Decamerone” của Boccaccio, “Gargantua và Pantagruel” của Rabelais,
“Don Quijote” của Cervantes, “Hamlet”, “Romeo và Juliet” của
Shakespeare… Ở đó, hình ảnh con người bắt đầu được chú ý như những ngôi
sao trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa, các nhà văn cũng như con người
nói chung đã bắt đầu có kinh nghiệm mô tả chính mình, và những ai được
tôn vinh là vĩ nhân, thiên tài bao giờ cũng là những người mô tả con
người một cách chi tiết nhất, xác thực nhất. Các nhà văn bắt đầu có kinh
nghiệm mô tả không chỉ vẻ đẹp lương thiện, vẻ đẹp bên trong của đời
sống tâm hồn mà còn mô tả cả những khuyết tật của con người, mô tả mặt
tiêu cực của con người và loài người, mô tả các âm mưu chính trị. Đấy là
thời kỳ Phục hưng, thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn học dưới các
triều đại phong kiến. Như vậy, con người cũng có sự tăng trưởng năng lực
trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và sự phát triển các
giá trị cá nhân mà chủ nghĩa phong kiến đem lại vẫn ở mức thấp, nó làm
cho con người với tư cách là chủ thể của cuộc sống phát triển chậm hơn
đòi hỏi của cuộc sống.
Phải thấy rằng sự tăng trưởng các năng lực là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất mà tự do mang lại cho con người. Tự do hoàn chỉnh mang lại cho con người sự phát triển, tự do không hoàn chỉnh thì tạo ra cho con người sự bức xúc. Nếu
không có tự do và không nếm trải giá trị của tự do thì con người không
thể nào căm ghét sự thiếu tự do được. Chính ý chí đòi tự do và đòi được
khẳng định giá trị cá nhân mạnh mẽ tới mức đã làm nên một thời kỳ Phục
hưng rực rỡ cho nhân loại. Tinh thần tự do thời Phục hưng đã bóc trần sự
hạn chế tự do của chủ nghĩa phong kiến. Chính những bài thơ viết về sự
thiếu tự do, những trường ca ca thán về sự mất tự do làm cho tự do được
xác nhận như là một nhu cầu có thật của đời sống trong các triều đại
phong kiến. Và nhu cầu ấy cũng là nguồn cảm hứng để Shakespeare viết nên
thiên tình sử vĩ đại, Romeo và Juliet. Shakespeare đã xây dựng thành
công hình ảnh một đôi trai gái đẹp hơn cả thiên thần, thế mà cuối cùng
ông lại phải giết chết sản phẩm tinh thần của mình để cảnh báo loài
người rằng: âm mưu, định kiến và lòng thù hận đã tạo ra nỗi bất hạnh như
thế nào đối với đời sống và thân phận con người. Tất nhiên, đấy không
phải là sự thất vọng hoàn toàn ở con người, song điều tôi muốn nói ở đây
là chủ nghĩa phong kiến đã tạo ra trạng thái không hoàn chỉnh của khái niệm tự do. Thời
kỳ này, tự do của con người bị bó hẹp do con người ý thức rất rõ về
thân phận nhỏ bé của mình và cam chịu với sự ban phát tự do của các tầng
lớp trên. Chính vì tự do thời phong kiến không hoàn chỉnh nên một bộ
phận khá lớn của nhân loại trên thực tế không có tự do, còn một bộ phận
được hưởng một chút tự do thì thất vọng và khao khát cái phần tự do rất
lớn còn lại mà mình không được hưởng. Do đó, tôi gọi tự do ở giai đoạn
này là tự do hạn chế.
Tuy nhiên, con người không thất vọng hoàn
toàn. Sự khao khát tự do thời phong kiến thúc đẩy con người tiếp tục đi
tìm tự do. Bắt đầu từ thế kỷ XVI rồi sang thế kỷ XVII, con người bước
lên một bậc phát triển cao hơn với những phát minh của thời đại cách
mạng khoa học, nhưng thể chế chính trị cơ bản của các quốc gia lúc này
vẫn là những chính thể chuyên chế và vì vậy, con người nói chung vẫn
luôn bị cắt xén tự do. Các cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị cộng
với mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội quân chủ chuyên chế dẫn đến hệ quả
là, một phong trào tự do mới hình thành và nở rộ vào thế kỳ XVIII, phong
trào Khai sáng. Nó đề cao tự do và sự phát triển tinh thần của từng cá
nhân con người. Những tinh thần tự do của phong trào này, về sau, đã
tham gia một cách tích cực vào các cuộc cải cách xã hội ở châu Âu và sự
hình thành của chủ nghĩa tư bản.
Có thể nói, phong trào Khai sáng là lần gợi ý thứ hai để con người có tự do.Nhưng
các chính thể chuyên chế không nhận ra cơ hội ấy, và vì thế, không
tránh được một loạt các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu. Con người làm
cuộc cách mạng ở Pháp, con người tưởng rằng mình có tự do nhưng lại nhận
được Napoleon. Cả châu Âu vĩ đại nhận được Napoleon chứ không chỉ riêng
nước Pháp. Triều đình Habsbourg cũng nhận được Napoleon. Nước Anh cũng
nhận được Napoleon. Trong các cuộc xung đột, cả miền viễn Đông cũng nhận
được Napoleon; nước Nga thiếu một chút nữa cũng nhận được Napoleon. Rõ
ràng, cách mạng tư sản là một cơ hội khổng lồ của những kẻ cơ hội, và nó
đã tạo ra Napoleon. Sau này, các nhà sử học, các nhà kinh tế học, các
nhà chính trị học đánh giá Napoleon là người kiến tạo ra chủ nghĩa tư
bản châu Âu, là người tạo dựng những hoạt động ban đầu của chủ nghĩa tư
bản châu Âu. Bản thân tôi thì cho rằng những phân tích này không hẳn đã
đúng. Chắc chắn, lịch sử sẽ cho chúng ta sự đánh giá khách quan và đúng
đắn nhất. Song, có một điều không thể phủ nhận, chính sự bành
trướng của Napoleon đã tạo ra cơ hội phát triển cho chủ nghĩa tư bản,
nhưng sự sụp đổ của Napoleon thì tạo ra cơ hội tuyệt đối để con người
giải phóng lại toàn bộ châu Âu.
Khi chủ nghĩa tư bản ra đời và phát
triển, con người có những thành quả mới nhưng bên cạnh đó lại có những
thất vọng mới. Lịch sử đã ghi nhận cuộc cách mạng khoa học tự nhiên là
cuộc cách mạng tạo ra bước ngoặt lớn trong tư duy của con người. Nó hỗ
trợ đắc lực cho việc ứng dụng vào thực tế, và vì thế, từ nửa sau thế kỷ
XIX, nền công nghiệp cơ khí của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn tích
luỹ ban đầu đã làm sản sinh ra một khối lượng hàng hóa, của cải vật chất
lớn cho thế giới. So với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến,
chủ nghĩa tư bản đã có đóng góp to lớn đưa xã hội tiến lên về nhiều mặt.
Tuy nhiên, tình trạng con người lại đáng báo động vì hàng loạt các cuộc
xung đột sắc tộc, các cuộc tranh chấp thuộc địa và bóc lột dã man, các
cuộc thế chiến xảy ra vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do, quyền phát
triển của con người. Sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản
hoang dã hay là đứa con ngỗ ngược thoát thai từ chủ nghĩa tư bản sơ
khai đã đàn áp xã hội và con người ở những vùng lạc hậu. Và ngay ở những
nước tư bản, những phương pháp bóc lột người lao động như của Taylor ở
Mỹ hay một vài phương pháp khác đã tạo ra nỗi kinh hoàng cho con người.
Như vậy, loài người thất vọng lần thứ hai bởi sự ra đời của chủ nghĩa thực dân.
Chính những tư tưởng tự do đi cùng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản
bị bôi nhọ bởi chủ nghĩa thực dân. Chế độ thực dân mà người Pháp đưa vào
Việt Nam là một ví dụ điển hình. Ở Việt Nam, từ những năm đầu thế kỷ
XX, chúng ta đã biết đến khái niệm tự do thông qua việc truyền bá một
loạt tư tưởng của các nhà văn hóa lớn của Pháp như Montesquieu,
Voltaire, Rousseau, Diderot… Những triết gia này có lẽ cũng là những
người đầu tiên trong lịch sử nhân loại viết ra một cách tương đối hệ
thống và dưới những hình thức khác nhau về khái niệm tự do. Với sự góp
mặt của người Pháp ở Đông Dương, những khái niệm tự do đã được truyền
vào Đông Dương và những tư tưởng về tự do đã được phổ biến một cách rộng
rãi nhất ở Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ XX, khi phong trào
Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền. Có thể nói, đấy là lần đầu tiên người
Việt Nam biết đến khái niệm tự do thông qua sự truyền bá văn hóa của
chính quyền Pháp. Nó đã làm nở rộ một tầng lớp trí thức mới. Hầu hết các
nhà trí thức lớn, các trào lưu văn hoá lớn, tự do hơn và cởi mở hơn của
chúng ta đều xuất hiện vào giai đoạn đó, như Tự lực văn đoàn, như phong
trào Thơ Mới… Những phong trào này chịu ảnh hưởng rõ rệt của các tư
tưởng nhân văn thời kỳ Khai sáng. Nhưng do bị cai trị và bóc lột bởi chủ
nghĩa thực dân, người Việt dần dần phủ nhận những giá trị văn hóa mang
tinh thần tự do Pháp. Như vậy, chính người Pháp đã đem ánh sáng, hơi thở
của tự do, hay đem tinh thần và những màu sắc văn hóa của khái niệm tự
do đến Việt Nam, nhưng cũng chính chủ nghĩa thực dân Pháp lại bôi nhọ
khái niệm đó. Vì thế, trong lòng người Việt, những cảm hứng về tự do
theo gợi ý của nền văn hóa Pháp đã tắt rất nhanh.
Những thực tế lịch sử đó cho thấy đến
giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, con người lại đối mặt với một giới hạn
nữa của sự thiếu tự do. Suy ra cho cùng, con người bắt đầu có quyền tự
do là con người vất vả. Trong chủ nghĩa phong kiến, con
người cũng có quyền được hưởng tự do nhưng đó là cái tự do hạn chế, còn
trong chủ nghĩa tư bản, con người được hưởng cái tự do vất vả. Trạng
thái tự do này không đem lại cho con người thứ hạnh phúc giản đơn nhất
là sự bình đẳng, bởi vì con người vẫn bị bóc lột, bị khai thác sức lao
động một cách tàn tệ. Những mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc
khiến con người mong mỏi tìm ra một hình thái xã hội mới có khả năng
giải quyết chúng và đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho con người.
Trước yêu cầu lịch sử ấy, con người đã
tiến hành một phong trào cách mạng mới, phong trào giải phóng dân tộc.
Từ đây, lịch sử mở ra chặng thứ ba con người có cơ hội đến với tự do.
Giữa thế kỷ XX, phong trào cách mạng giải
phóng dân tộc xuất hiện như một trào lưu tư tưởng mới, một phương thức
để giải phóng con người ra khỏi sự bóc lột dã man của chủ nghĩa tư bản
sơ khai và sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Những tư tưởng của phong
trào này đã thổi trên khắp thế giới như một luồng gió mới, một tinh thần
tự do mới, một phương thức đi tìm tự do mới và nó đem lại rất nhiều hy
vọng cho các dân tộc trên thế giới. Nó đem lại hy vọng không chỉ cho con
người ở các khu vực thuộc địa, các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ
Latinh mà còn cho cả người châu Âu. Phải nói rằng, phong trào giải phóng
dân tộc đã mở rộng ảnh hưởng của mình như gợi ý về một phương thức tìm
kiếm tự do trở lại cho con người.
Kết quả của phong trào giải phóng dân tộc
là sự độc lập của các dân tộc và mỗi dân tộc đều có được một người đại
diện, tức là có tiếng nói của mình. Chúng ta phải khẳng định rằng giải
phóng các dân tộc ra khỏi sự nô dịch trực tiếp của chủ nghĩa thực dân,
của các nước đế quốc là một thành tựu vĩ đại của nhân loại. Quá trình ấy
là tiền đề quan trọng, tuy nhiên, nó chưa phải là quá trình giải phóng
con người. Chúng ta đều biết, giải phóng dân tộc là đi tìm độc lập dân
tộc. Con người mất nước thì con người đi tìm độc lập dân tộc. Đi tìm độc
lập dân tộc là đi tìm cho dân tộc quyền tự do của nó. Nhưng khi đã
giành được độc lập dân tộc rồi thì con người lại lúng túng trong việc
phân phối tự do đó đến với tất cả mọi người. Nói cách khác, tự do của
dân tộc không được “phân phối” cho người dân, tự do của dân tộc đã không
trở thành quyền tự do của mỗi con người. Hàng thập kỷ sau cách mạng,
con người vẫn lầm tưởng rằng độc lập dân tộc là tự do, lầm tưởng là mình
có tự do. Nhân loại tưởng rằng mình đã được giải phóng hoàn toàn nhưng
trên thực tế, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mới chỉ giải phóng tự do
cho một số người chứ không phải cho tất cả mọi người. Sau khi kết thúc
quá trình giải phóng dân tộc, một bộ phận rất lớn con người lại rơi vào
trạng thái lệ thuộc mới do chính nền văn hóa và mô hình nhà nước chuyên
chính của những dân tộc ấy tạo ra. Ở đó con người được giáo dục theo
những mục tiêu chính trị, theo những sự tưởng tượng chính trị đã cố định
sẵn, thậm chí, người ta tuyên truyền cả những tiêu chí đạo đức, văn hoá
và xem chúng như là những yếu tố không thể thay đổi được. Khi làm như
thế người ta đã quên mất rằng, việc tuyên truyền những tiêu chí cực đoan
có khả năng vừa điều khiển, vừa lãnh đạo con người sẽ dẫn đến hậu quả
là làm biến mất dần con người thông qua làm biến mất sự đa dạng tinh
thần của cuộc sống.
Không phải ai khác mà chính các nhà nước
chuyên chính khi ra đời và thực thi các quyền lãnh đạo đất nước đã đánh
mất dần tinh thần tự do ban đầu của phong trào xã hội dân chủ, và do đó,
làm mất đi các giá trị nhân văn của phong trào đó. Tất nhiên, sự thất
bại của các nhà nước chuyên chính không phải chỉ là sự đi trệch khỏi lý
tưởng hay truyền thống nhân văn của phong trào xã hội dân chủ mà còn do
một loạt các sai lầm khác nữa. Các nhà nước này đã thay thế các chính
phủ cụ thể bằng chính phủ tập thể, thay thế sự độc tài cá nhân bằng sự
độc tài tập thể, và hệ quả là con người không có cơ hội để nhìn ra bóng
dáng kẻ nô dịch mình, không có năng lực nhìn thấy kẻ nô dịch mình, và
dần dần con người trở thành kẻ nô dịch chính mình. Chính điều này đã làm
con người tự uốn nắn lại và tạo ra ở một số nơi khác trạng thái tự do
đúng đắn hơn. Tóm lại, có thể nói, những năm cuối cùng của thế kỷ XX là
những năm mà loài người bước sang một giai đoạn thất vọng mới, đó là sự
thất vọng về những tư tưởng mang tinh thần nhân văn nhưng bị làm cho sai
lạc khiến nó bộc lộ tất cả các mặt tiêu cực của các nhà nước kiểu mới.
Chính vì thế, tự do trong thời kỳ này là tự do sai lạc.
Hiện tại, loài người vẫn tiếp tục vấp
phải những sai lầm trong vấn đề giải phóng con người, hay nói cách khác,
con người vẫn chưa được giải phóng bằng một số định nghĩa cơ bản, bằng
một số tiêu chuẩn cơ bản được xác lập như là những tiêu chuẩn toàn cầu
về con người. Thế giới chỉ đạt đến trạng thái có những định nghĩa của
những quốc gia có vùng ảnh hưởng quyết định chứ chưa có một định nghĩa
thống nhất về con người và tự do. Vì thế, nhân loại cần hội tụ
đến một hệ tiêu chuẩn về tự do có chất lượng toàn cầu đối với thân phận
con người, đó là cơ sở cho việc kiểm soát trạng thái tôn trọng các quyền
con người, đồng thời xúc tiến một sự phát triển mang tính toàn cầu đối
với các giá trị con người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét