Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Phạm Quỳnh: Bàn phiếm về văn hóa Đông - Tây


So sánh văn minh Đông phương với Tây phương, còn vấn đề nào to tát bằng! Nhưng đọc đến đầu đề đã lấy làm sợ thay. Từ ngày Đông phương và Tây phương giao tiếp nhau thân mật đến cảm hóa lẫn nhau về đường tinh thần, đường tri thức, những bậc đại trí trong thiên hạ để ý nghiên cứu về vấn đề ấy cũng đã nhiều. Nhưng vì cái phạm vi nó to rộng quá, nên chửa ai xem được khắp và xét đến cùng. Đem Đông phương và Tây phương đối nhau, tựa hồ như hai cái khối hồn nhiên đem ra so sánh. Kì thực có giản dị như thế đâu, Đông phương với Tây phương chẳng qua là hai cái tên chung bao gồm biết bao nhiêu dân tộc khác, bao nhiêu văn hóa khác nhau. Trong một cõi Tây phương mà văn hóa nước Pháp không giống văn hóa nước Anh, văn hóa nước Anh lại khác văn hóa nước Đức; nay nói chung văn hóa Tây phương thời là chỉ văn hóa nước nào? Tức cũng như nói chung văn hóa Đông phương là chỉ văn hóa Ấn Độ, hay là văn hóa Nhật Bản, hay là văn hóa Trung Hoa? Vẫn biết rằng các nhà nghị luận là dùng phép tổng quát, chỉ gồm lấy những tính cách chung của văn hóa cả một phương mà không xét đến những sự đặc biệt trong văn hóa của từng nước, và cứ đại để mà xét như thế thời văn hóa nước Pháp dẫu khác với nước Đức, nhưng cũng là đại đồng tiểu dị, sánh với nhau còn gần hơn là sánh với văn hóa nước Tàu hay nước Nhật vậy. Song nhà nghị luận muốn khái quát cho đích đáng thời phàm những văn chương, triết học, mĩ thuật, tôn giáo, luân lí, chính trị của các nước Thái Đông, Thái Tây đời xưa đời nay, ít ra cũng phải thiệp hiệp và lĩnh lược được hết, thời phán đoán mới khỏi sai lầm, nghị luận mới được xác đáng. Bậc thiên tài như thế, cổ kim đã được mấy người?

Hiện nay có nhà đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã từng đem một cái tư tưởng rất cao mà phê phán về văn minh Thái Tây. Nhưng ý kiến tiên sinh siêu việt quá, dẫu có cái đạo vị thâm trầm, cái mùi thơ ngào ngạt, mà tưởng không thiết cho sự yêu cầu của tâm trí người ta đương buổi Á, Âu xung đột này.

Lại mấy năm trước có một nhà làm sách Nhật Bản tên là Okakura Kakuzo, học vấn uyên bác, kiêm thông cả Hán học cùng Âu học, soạn một quyển sách nghĩa lí cũng sâu sắc, khám phá được nhiều điều, đều là Lí tưởng Đông phương, nhưng lập luận có ý thiên vì lòng ái quốc, cho rằng nước Nhật ngày nay là cái kho bảo tàng chung để chứa cả tinh hoa của thế giới.

Xem như thế thì so sánh văn minh Đông-Tây thật không phải là sự dễ. Các bậc tài cao học rộng còn chưa xét được đến nơi, tôi đây đâu dám tự phụ.

Song người nước ta bây giờ đương đứng giữa nơi hợp lưu hai cái văn hóa khác nhau, trước mắt có cái cảnh hai dòng nước đổ lộn, chưa biết rồi sau trong đục ra thế nào. Kẻ bi quan cho rằng nước càng xa nguồn tất càng đục; kẻ lạc quan cho rằng nước có đổ lộn sức mới to. Bi quan hay lạc quan, chẳng qua là theo cái ý riêng của mỗi phái mà dự tưởng sự kết quả về sau này. Còn hiện nay thời cũng chửa ai biết ra thế nào cả, lòng còn phân vân, trí còn bối rối, chửa hay nên đối phó với phong trào ra sao.

Cứ thực ra thì kẻ thức giả trong nước ta bây giờ, người nào cố ý không để tâm đến những chuyện xa xôi ấy thì chớ, còn những người còn biết trọng điều nghĩa lí ở đời, còn biết cho rằng ngoài sự danh lợi còn có những lẽ quan thiết cho nhân tâm thế đạo hơn, thời xem ra ai ai cũng như bỡ ngỡ, bơ thờ, thẩn thơ, ngơ ngác, như người lỡ bước lạc đường, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu. Cho nên nhất là trong hạng thanh niên, kẻ không có chí bị đắm đuối trong cuộc ăn chơi phóng túng đã đành, kẻ có chí cũng đến hãm hại vào chốn sầu thảm chán chường.

Cái bi kịch về tinh thần đó, cái thảm trạng trong tâm trí đó, ông cha ta ngày xưa không từng biết, vì đương đời bế quan tỏa cảng, các cụ chỉ biết có một cái văn minh học thuật của Trung Hoa mà thôi, di truyền tự thượng cổ, tích lũy đã lâu đời, thành như một nền văn hóa riêng của nước mình, cúc cung tận tụy, thành thực phụng thờ, lòng được chuyên nhất, không phải chia sẻ ra lắm đường, nên giữ được cái vẻ thản nhiên yên ổn.

Kịp đến buổi phong hội mở mang, Á - Âu giao thiệp, thời sự xung đột hai cái văn hóa Đông-Tây bắt đầu từ đấy. Trong bấy lâu, tuy cứ bề ngoài mà xét tựa hồ như có bên thắng bên bại, bên tiến bên lùi, tình thế đã rõ ràng ra đó, nhưng cứ thực sự thời người mình đối với bên nào cũng còn lúng túng dở dang, chưa quyết hẳn theo một phương châm nhất định. Bởi thế nên chí hướng phất phơ, tâm hồn phảng phất, thần chí không được thư xướng mà trong lòng như mang một nỗi áy náy không yên.

Cũng muốn nhắm mắt mà theo mới, nhưng theo mãi rồi đến đâu? Nếu kết quả chỉ gây ra một giống không Âu không Á, nửa Tây nửa Đông, tầm phơ tầm phất, lốc cốc lông bông, không nhà không nước, không cha không ông, thời cũng là trong công vô ích mà lại để hại về sau. Cũng muốn khư khư mà giữ cũ, nhớ lấy câu “giấy rách giữ lề”, nhưng mà lại lắm nỗi dở dang, “bỏ thương vương tội”; những cái nguyên nhân tích nhược trong bấy lâu đeo đẳng mãi thật cũng khốn!

Ấy tình trạng những kẻ thức giả trong nước ta thuộc về vấn đề văn hóa có cái vẻ bối rối mà thảm thương như thế. Đối với tình trạng ấy, trách sao có lắm người sinh ra những tư tưởng chán đời. Không phải đời đáng chán, bởi lòng không yên, trí không định, nên sự nghiệp đến hững hờ, mà công danh đến đểnh đoảng. Mà lòng không yên, trí không định, là bởi cái vấn đề văn hóa chửa giải quyết xong.

Xét cho cùng, cái nguyên nhân của mọi sự chếch lệch trong xã hội, mọi nỗi bất bình trong lòng người không phải là thuộc về luân lí, không phải là thuộc về chính trị, chính là một cái vấn đề văn hóa ấy vậy.

Văn hóa là gì? Văn hóa là cái cách đào luyện tinh thần người ta thế nào cho được thập phần tốt đẹp, để nẩy nở ra những công trình to tát, sự nghiệp lớn lao mà đem tư cách một quốc dân đến tuyệt phẩm. Ví người ta như cái cây, thời văn hóa là cách trồng cây, bón cây, tưới cây, cho nở ngành xanh ngọn, kết quả sinh hóa, để tô điểm cho cái vườn hoa của thế giới.

Nay mầm Hồng chồi Lạc của ta cũng không phải là giống cỏ hèn của Tạo vật; sao nỡ để cho đến khô héo mà úa tàn? Bởi vì ta bấy lâu lúng túng chưa biết cách vun xới cho phải đường. Cứ trồng theo lối cũ thời chỉ gây được một giống cây non bộ, coi nó nhỏ nhen lí tí, thấp hẹp bần cùng, đặt trong chậu sành chậu sứ, bể cạn tường hoa thì được, chứ đem ra nơi nắng cả gió to được mấy nả. Muốn trồng theo lối mới thời cũng chỉ mọc ra ngoài một loài tầm gửi giây leo, quấn vào chung quanh cây lớn thời sống được, chứ thả ra mềm oặt đứng sao?

Nhân tài nước ta cũng như cái dây tầm gửi, cây non bộ đó, mong sao có ngày chiếm được địa vị vẻ vang trên thế giới?

Cho nên cái vấn đề văn hóa đối với nước ta là quan hệ lắm. Vấn đề này có giải quyết được phải đường, thời nước ta mới có được nhân tài xứng đáng; nước ta có nhân tài xứng đáng, thì mới mong sinh tồn tự lập ở đời.

Tôi không dám tự phụ rằng đã tìm được cách giải quyết vấn đề ấy. Nhưng bấy lâu nay, từ khi khôn lớn biết tư tưởng đến giờ, vẫn lấy làm băn khoăn khắc khoải, lúc nào cũng như canh cánh trong lòng, tưởng như sự hạnh phúc cả một đời, sự vận mệnh cả một nước là quan hệ ở đó. Tôi không phải là người “đa tư đa cảm” như các bạn thanh niên đời nay; nhưng bẩm sinh ra vẫn có cái tính hay biết sướng biết khổ vì một cái lí tưởng suông. Tưởng giả nghèo khó đói rét cũng có thể chịu được, mà trong lòng trong trí không có một cái lí tưởng, một cái chủ nghĩa đích đáng để làm trụ cột cho sự tư tưởng hành vi của mình, thời khổ không biết dường nào. Nói thế không phải là đem tâm lí riêng mà phô bày cho thiên hạ đâu. Thiên hạ nào có biết chi. Nhưng nói thế là để tỏ rằng, đối với cái vấn đề văn hóa này, thành thực và sốt sắng là dường nào.

Vẫn biết rằng một lòng thành thực sốt sắng thật chưa đủ giải quyết được một vấn đề quan trọng mà khó khăn, nhưng không có tư cách gì khác nữa thời thế cũng đủ để cùng các anh em đồng chí trong nước giãi bày chút ý kiến riêng.

Bọn ta sống giữa đời Đông-Tây giao thiệp, Âu-Á một nhà, đối với văn hóa Tây phương, đối với văn hóa Đông phương, đối với tinh thần Âu châu, đối với tinh thần Á châu, phải nên có một thái độ như thế nào? Ấy cả cái vấn đề là gồm trong một câu đó.

Gần đây đã thành một câu khẩu đầu hễ bàn đến văn minh Âu-Á thì nói nên phải điều hòa hai bên, giữ lấy cái hay mà bỏ cái dở. Tôi đây cũng tin ở sự điều hòa đó, vẫn lấy bốn chữ “Thổ nạp Âu-Á” làm lời cảnh huấn riêng. Song nói dễ mà làm khó; văn minh không phải là vị thuốc, có thể cứ đồng cân mà hòa lấy cho đúng liều được. Văn minh là một vật không hình thể, không trọng lượng; văn minh là thuộc về tinh thần vậy.

Muốn điều hòa hai cái tinh thần khác nhau, phải biết dùng trí tuệ một cách sáng suốt khôn ngoan, phải biết khảo sát: thương lượng, biện biệt, phán đoán, rồi mà châm chước cho thích trung. Khó lắm thay! Lại khó hơn nữa, là cách giáo dục trong nước tuyệt nhiên không giúp được tí gì cho sự điều hòa ấy, không những không giúp được tí gì mà lại hầu như ngăn trở cho không thành được. Vì rằng muốn điều hòa tất phải có hai bên, mà nay giáo dục chỉ chuyên về một bên, bên kia không biết đến, thì còn điều hòa cái gì? Hiện nay cái hiện tượng đã rõ rồi đấy: phần nhiều những bậc thiếu niên tuấn tú trong nước, từ thuở nhỏ chỉ theo về một đường Tây học, đối với văn học Đông phương, đối với lịch sử nước nhà, đang nhiên không biết một tí gì, như thế thời còn biết điều hòa là sự gì nữa? Muốn điều hòa, phải tham bác cả đôi bên, nghiền ngẫm cho thâm thúy, rồi mới châm chước cho vừa phải. Nếu chỉ độc chuyên một phương diện, thời thành ra thiên lệch rồi.

Cho nên cái vấn đề văn hóa ở nước ta càng xét ra lại càng thấy khó khăn phiền phức vô cùng.

Trước hết có một cách giải quyết cái vấn đề ấy, mới coi tựa hồ như giản dị ổn thỏa hơn cả, một số nhiều trong quốc dân ta ngày nay như mơ màng mà khuynh hướng về hết. Kể giản tiện thì cách này giản tiện thật, giản tiện quá! Là cứ thuận dòng nước mà chảy xuôi, không cần phải bận lòng đến sự gì nữa. Nghĩa là xóa hẳn cái vấn đề đi, cho là không cần phải đề khởi ra làm gì. Ngày nay các nước Âu Tây cường thịnh nhất trong thế giới, văn hóa của các nước ấy chắc là hay ho tốt đẹp vô cùng. Ta cứ việc nhắm mắt mà theo, hà tất phải nghĩ quanh nghĩ quẩn cho phiền. Có ngày theo được đến nơi, rồi cũng sẽ được như người ta, có lo gì? Và văn hóa ấy ngày nay có thế lực rất mạnh, cơ hồ muốn tràn ngập cả thế giới. Dẫu ta không muốn theo, cái phong trào nó cũng lôi cuốn ta đi. Miễn cưỡng phải theo, thà rằng vui lòng mà theo còn hơn.

Nói rút là theo phái ấy thời vấn đề văn hóa ở nước ta là một câu chuyện hão huyền, bất tất phải bàn đến. Nghĩ cũng tiện thật, nhưng mà nghĩ kĩ có lẽ chưa tiện chút nào. Dẫu nay không muốn bàn đến mà rồi có ngày cũng phải bàn. Nếu không liệu sớm ngay từ giờ, rồi càng ngày càng thêm khó. Xưa nay không có nước nào bỏ căn bản mình mà thành lập được bao giờ. Phàm sự văn hóa là phải vun trồng tự nơi căn bản mà đi. Nếu bỏ căn bản của mình mà chuyên phóng chép của người, thời là công cái “dã tràng xe cát bể Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công chuyện gì!” Tự mình không có gốc sẵn mà đi mượn của người, thời như người vay lãi mà ăn, sớm trưa tất có ngày phá sản. Tình cảnh ấy rất là nguy ngập. Người Nam ta nếu túy tâm về Âu hóa mà không hồi cố đến căn bản mình, thời không khác gì người đi vay nợ mà ăn, tất có ngày vỡ nợ. Ví Âu hóa mà có cách nào hóa được hẳn như người Tây, thời còn hạnh phúc nào bằng, chúng ta xin sẵn lòng kí cả hai tay. Nhưng cái lệ không thế được; cổ kim không có bao giờ có sức biến hóa đến căn bản như thế. Nếu trong khi biến hóa mà không khéo châm chước điều hòa, thời có cái nguy gây ra một giống dở dang bác tạp, căn bản cũ mất hết mà tính cách mới không thành, tức là một cái quái vật trong nhân quần, không biết liệt vào chủng loại nào. Giống quái vật ấy chỉ biết xuẩn động quấy rối, không biết sáng khởi kiến thiết bao giờ.

Giống quái vật ấy là cái ác ma của xã hội, càng ngày càng nhiều thời xã hội đến diệt vong. Nói thế không phải là nói quá, cái triệu chứng đã nghiệm thấy ngay quanh mình vậy.

Như vậy thời dẫu người nhiệt thành Âu hóa, vì có cái trí phán đoán sáng suốt, tất phải hiểu rằng sự điều hòa là sự cần. Cái thuyết thuận dòng xuôi chảy, nhắm mắt mà theo phong trào, là một cái thuyết sai lầm vậy. Nay đã biết điều hòa là sự cần, thời phải nên điều hòa ra làm sao? Như trên kia đã nói, sự này là thuộc về tinh thần, về trí tuệ, không thể cân nhắc đo lường được, không thể kê ra cân lượng như cái đơn thầy thuốc vậy. Phải tùy ở mỗi người biết khéo dụng trí khôn mà châm chước có thích nghi. Song cũng phải có mấy cái phàm lệ chung để định cái thái độ của người mình đối với hai văn hóa Đông, Tây như thế nào.

Trước hết hẳn phải định nghĩa văn hóa là gì. Như đã giải ở trên, văn hóa là gồm cách đoàn luyện tinh thần người ta. Văn hóa là dịch tiếng Tây culture, nghĩa đen là cách cấy trồng. Người ta ví như cái cây thì văn hóa là cách vun trồng cho nẩy nở được hết cái tinh hoa. Cây có trồng cây mới tốt, người có hóa người mới hay; văn minh với dã man khác nhau là một bên có văn hóa, một bên không. Như vậy thời văn hóa là một sự cần, một dân một nước không thể khuyết được. Nước ta xưa nay vẫn xưng là “văn hiến chi bang”, nghĩa là đời nào cũng có văn hóa, nên người thuần, tục tốt, xã hội chỉnh đốn, lịch sử vẻ vang. Nay gặp đời giao thông, thế không thể không ra tiếp thụ văn minh mới, thâu thái mà điều hòa với cái tinh thần cố hữu của mình. Ta phải tìm cách gây lấy một nền văn hóa riêng cho nước ta, tham bác cả hai tinh thần Âu, Á. Đó không phải là sự mơ tưởng viển vông, chính là một sự yếu cần cho lẽ sinh tồn vậy. Kẻ thức giả trong nước phải nhận chân lấy cái trách nhiệm đó mà ra sức đảm đương. Lại là việc lâu dài, không thể kể hàng tháng hàng năm, cũng không thể thành công kết quả ngay được. Nhưng phải biết rằng dân tộc ta muốn tìm đường giải phóng, muốn tìm phương tự lập, duy có cách đó mới mong kiến hiệu được, còn ngoại giả không có đường lối nào nữa. Xin quốc dân ta nhớ lấy cho rằng, cứ tình thế nước ta ngày nay, vận động về đường chính trị không bằng vận động về đường văn hóa. Vấn đề văn hóa còn quan hệ hơn vấn đề chính trị vậy.

Đó là điều cốt yếu, mong những nhà có chí trong nước để tâm suy xét, vì trong bài này không thể nói cho hết ý được.

Nay đã biết sự văn hóa là quan hệ, việc điều hòa văn hóa là sự cần, thời phải biết cách đối đãi hai cái văn hóa Đông, Tây ra thế nào.

Ngày nay vì thời thế, quốc dân ta mỗi ngày một khuynh hướng về đường Tây học. Phần nhiều cũng là thuận dòng nước chảy xuôi, như trên kia đã nói có lẽ không mấy ai nghĩ đến cái tính cách, cái giá trị của Tây học thế nào. Hay là có, có nghĩ đến cái giá trị sự học, nghĩ đến nhiều, nhưng nghĩ rằng học hết tiểu học thì có thể làm được vài chục đồng một tháng, hết trung học thời được dăm chục đồng, mà hết cao đẳng thời được một trăm đồng, không kể còn những phẩm hàm chiếu đối, danh dự xóm làng là phụ thêm ở ngoài nữa. Cái giá
trị đó tuy cũng đáng trân trọng thật, nhưng quyết không phải là giá trị chân chính của sự Tây học. Nay bất luận vì cớ gì mà người nước ta xô theo Tây học, đã theo cũng phải biết rõ tính cách sự học thế nào. Tính cách ấy, muốn phân tích ra cho tường thì phiền phức lắm, nhưng có thể tóm tắt lại đại khái bằng một câu như sau này: học thuật của Thái Tây là học thuật về sự vật văn hóa của Thái Tây là văn hóa về sự vật. Người Âu Tây từ xưa đến nay chỉ chuyên chủ khảo sát sự vật, mà làm thế là chỉ có một mục đích lợi dụng cho người ta được phú cường...

Các hiền triết phương Đông không thiết gì đến sự vật, chỉ chủ dạy người ta sửa mình theo Đạo đức, và ăn ở với nhau trong xã hội cho êm thấm. Ấy cái đặc sắc, cái giá trị của văn hóa Đông phương là thế. Nếu cứ biệt lập ra một thế giới, không can thiệp đến ngoài, thời Đạo đức cũng đủ làm cho xã hội hòa bình. Nhưng cái văn minh đạo nghĩa ấy nhất đán phải ra xung đột với cái văn minh công lợi của Tây phương kia, thời không sao địch nổi, chỉ thấy hết phen thất bại ấy đến phen thất bại khác, rồi mà càng ngày càng sút đi, hầu như không còn có cơ hưng thịnh lên được nữa.

Hai văn hóa đã có tính chất khác nhau như thế, thời đối với văn hóa Tây phương ta phải có cái chủ ý thâu thái, mà trong khi thâu thái phải biết khéo kén chọn; đối với văn hóa Đông phương ta phải có cái chủ ý bảo tồn, mà trong khi bảo tồn phải biết khéo phát huy.

Nói rằng thâu thái, lại nói rằng kén chọn, là không thể cứ toàn thể, cứ y nhiên mà thâu nhập được; phải biết phân tích, phải biện biệt các phần mà chỉ chọn lấy phần nào có bổ ích cho sự tăng tiến của ta mà thôi. Việc này là thuần ở cái tài khôn khéo của mỗi người, không thể định cách thức sẵn được. Nhưng có một điều cất yếu, là rất không nên câu nệ. Học Tây mà câu nệ là hỏng.

Nói rằng bảo tồn, lại nói rằng phát huy, là cũng có cái ý phân biệt ở trong đó, phần nào là phần cốt yếu thì phải nên giữ gìn, mà lại tỏ rạng cho sáng sủa thêm ra. Vì rằng văn hóa Đông phương ta ngày nay trường qua một hồi yếm thế, không những ta cần phải bảo tồn lấy, mà ta lại cần phải biểu dương lên. Đối với văn hóa Âu Tây ta nên hoài nghi bao nhiêu, thời đối với văn hóa Á Đông ta lại phải nên đôn đốc bấy nhiêu. Người Âu mê tín ở khoa học, người Á mê tín ở đạo đức. Sự mê tín trên có lẽ không chính đáng, vì đối với sự vật mà mê tín. Sự mê tín dưới có thể thừa nhận được, vì đối với một cái lí tưởng mà mê tín. Lí tưởng ấy cho rằng có thể lấy đạo đức, lấy nhân nghĩa mà giáo hóa người đời sửa sang phong tục, chỉnh đốn xã hội, mưu sự hạnh phúc cho nhân quần và sự hòa bình trong thiên hạ. Lí tưởng ấy ta phải nên trân trọng, vì là cái tinh túy của văn hóa Đông phương ta; ta phải nên giữ gìn cho khỏi bị những phong trào mới nó lay chuyển đến đổ nát đi mất. Ta phải nên phát huy ra để làm cái đuốc sáng soi con đường tiến hóa cho nước ta.

Như vậy thời văn hóa Tây phương là gồm ở khoa học; văn hóa Đông phương là gồm ở Đạo học. Đối với khoa học ta phải nên có lòng công lợi, đối với đạo học ta phải nên có bụng chân thành. Hai đàng là cần cả, không đàng nào khuyết được. Nếu có Khoa học mà không có Đạo học thời như có vỏ mà không có ruột, không có khoa học thời như có ruột mà không có vỏ, không thể xông pha được với đời. Cho nên hai bên phải điều hòa hai cái văn hóa Đông, Tây vậy.

Nói tóm lại, cả cái vấn đề văn hóa nước ta là ở sự phân biệt và điều hòa hai mối Đạo học và Khoa học vậy. Điều đó tựa hồ như tầm thường ai cũng biết, mà về phần riêng tôi phải suy nghĩ trong nhiều năm mới hiểu thấu được hết lẽ. Nhưng đến khi hiểu được rồi thời thấy trong lòng được khoan khoái, trong trí được vững vàng, không còn băn khoăn khắc khoải như trước nữa. Điều đó tuy tầm thường như thế mà tôi hiểu được cho là một sự phát minh đáng kỉ niệm trong một đời. Còn sự phát minh nữa, cũng tầm thường cho thiên hạ mà cũng đáng kỉ niệm cho riêng tôi, là phát minh được một cái phương tiện để giúp cho sự điều hòa như trên kia. Sự tác dụng thiết yếu nhất của thần trí người ta là sự tư tưởng. Dẫu văn hóa phương nào nước nào cũng là phát nguyên ở một mối tư tưởng trong lòng người mà ra. Nhưng nếu cái tư tưởng ấy cứ u u âm âm ở trong lòng, thời như vô hình vô trạng, không biết đâu mà dò xét được. Tất phát biểu ra lời nói mới gọi là thành hình. Lời nói tuy là cái áo của tư tưởng, mà tư tưởng tất phải do lời nói mới biểu lộ ra được, thời lời nói cũng tức là cái cơ quan “thực hiện” của tư tưởng, lời nói quan hệ vô cùng. Nay người trí thức ở nước ta - là nói người trí thức mà thôi, còn kẻ tầm thường thời có mấy khi dùng đến tư tưởng - từ xưa đến nay, tư tưởng bằng tiếng gì? Có thể nói rằng các nhà cựu học hầu hết tư tưởng bằng chữ Nho cả, mà các bậc tân học cũng phần nhiều tư tưởng bằng chữ Pháp hết. Tư tưởng bằng thứ chữ nào là trong óc họ nghe ra một cái lí tưởng gì thời liền tự nhiên diễn ra bằng thứ chữ ấy, hoặc diễn thành câu rõ ràng, hoặc diễn u âm trong trí. Như thế thời nhà Nho học không mấy khi là không am diễn tư tưởng mình bằng chữ Tây. Như thế thời dẫu là tư tưởng riêng của mình mà một nửa thành ra Tây hay Tàu vậy. Huống nhiều khi lại là tư tưởng mượn!

Tôi lấy cái đó làm khổ tâm, bèn nghĩ ra một cách phương tiện để bổ cứu, cách phương tiện này chính là sự nghiệp tôi về đường quốc văn. Tôi nghĩ rằng: Cớ sao người nước ta không tư tưởng bằng tiếng ta? Hoặc cho tiếng ta còn non nớt, thời có tập đến dùng đến mới thành ra già dặn được. Vả lại lời nói già dặn là ở như tư tưởng già dặn. Chỉ sợ tư tưởng còn non nớt, không sợ lời nói non nớt. Từ đó tôi đã gia công thí nghiệm và tự đặt lệ riêng cho mình rằng: phàm tư tưởng gì mà không nói ra được tiếng ta thì chưa phải là tư tưởng của mình, còn là tư tưởng mượn cả. Thí nghiệm trong bấy lâu, xem ra cũng hơi có kiến hiệu. Lại nhận ra rằng cách đó chính là một cách rất diệu để giúp cho sự điều hòa hai cái văn minh như trên kia, vì những tư tưởng trong sách Tây sách Tàu phải diễn ra tiếng ta cả, khác nào qua cái óc ta lọc đi một lần dễ cho sự “tiêu hóa” biết dường nào! Nếu cứ để trườn trườn như trong sách, cứ giữ nguyên chất của người ta, thời chỉ dùng đến sức kí ức để nhớ lấy và truyền đi lắm khi hãy còn sống sượng, trí não không thể dung nạp được, không thể “tiêu hóa” được, chỉ giao dịch ở ngoài cửa miệng mà thôi. Nay đem đàn diễn ra tiếng ta, tức là biến nhuyễn ra cho dễ dung hòa vào khí huyết tinh túy của ta, cho dễ cùng nhau điều hòa trong óc ta vậy. Mấy sự “phát minh” đó, thật là tầm thường, chẳng lấy gì làm lạ lùng cả. Nói ra đây, thật là lời “bàn phiếm”; nhưng có ai chưa kịp nghĩ tới thời cũng mong giúp được cho sự nghiên cứu về vấn đề văn hóa một đôi phần vậy.

Phạm Quỳnh (1924)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More