Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Nguyễn Trần Bạt: Những phẩm hạnh: tự do, bình đẳng, bác ái


Về vấn đề quyền con người, có nhiều quan điểm nhưng cách phân chia thành ba cấp độ quyền như vậy xuất phát từ lập luận của tôi: con người là trung tâm của mọi sự phát triển, hơn nữa là để cho con người tự do, con người bình đẳng và con người bác ái. Tất cả các bộ luật đều được xây dựng dựa vào sự tôn trọng ba quyền cơ bản này. Trong tuyên ngôn của Cách mạng Pháp có nói đến tự do, bình đẳng, bác ái như là những khẩu hiệu. Nhưng chúng ta cần phải hiểu, tự do, bình đẳng, bác ái là những phẩm chất thuộc về bản thân con người. Tự do, bình đẳng, bác ái chính là một trong các quyền trung tâm của nhân quyền.

Trước hết, đã là con người thì phải tự do và có khát vọng tự do. Nếu con người không có khát vọng tự do thì tự do sinh ra vô nghĩa. Tự do là đòi hỏi tự nhiên của con người, thuộc về con người, bắt đầu từ con người, và là phẩm chất phổ quát của con người. Bởi tự do sinh ra con người, nếu không tự do thì không phải là con người, nên tự do là phẩm hạnh quan trọng số một của con người.

Thứ hai là, con người phải bình đẳng và phải có khát vọng bình đẳng. Bởi nếu không có khát vọng bình đẳng thì sẽ không có cái vỏ vật chất của khát vọng tự do. Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của khát vọng tự do là khát vọng bình đẳng. Nói như vậy có vẻ trừu tượng nhưng nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Nếu một người sợ một người, một người không bình đẳng với một người thì ngay lập tức, người đó có cảm giác mất tự do. Và cảm giác mất tự do là cảm giác mất một cách song phương các quan hệ giữa con người này với con người khác.

Đôi lúc người ta cứ nghĩ rằng cảm giác mất tự do của những quốc gia không thiếu dân chủ là cảm giác của cá nhân với nhà nước, nhưng thực ra không phải như vậy. Cảm giác không có tự do là cảm giác có thật trong quan hệ song phương giữa một cá nhân với các cá nhân có tư cách đại diện cho nhà nước. Anh không có tự do với một người công an cụ thể nào đó chứ anh không có cảm giác mất tự do với khái niệm công an. Vì thế, tự do là phẩm hạnh số một, là phẩm hạnh đầu tiên, là phẩm hạnh có tính chất tiên đề để hình thành khái niệm con người. Và bình đẳng là đòi hỏi tất yếu cho quan hệ giữa con người với nhau, đó là cảm giác mà con người cần phải có đối với tất cả các quan hệ song phương của họ trong cuộc sống.

Cuối cùng, bác ái là phẩm chất cải thiện môi trường sống của con người. Trong cấu trúc của bác ái có cả sự vị tha, vị tha là phẩm hạnh cần có để con người có thể sống được với nhau. Vươn tới sự bác ái cao quý chính là để hoàn thiện giá trị con người.

Xưa nay, các nhà luật học, các nhà chính trị học nói về tự do, bình đẳng, bác ái như những khẩu hiệu chính trị, chưa bao giờ, chưa ở đâu những khái niệm đó được giải thích như là phẩm hạnh con người.

Con người chấp nhận trạng thái ban phát những thứ đó chính là con người không hiểu tự do và không có tự do. Nếu như con người không hưởng ứng khái niệm tự do, không hưởng ứng khái niệm bình đẳng, không hưởng ứng khái niệm bác ái, thì tự do, bình đẳng, bác ái không có chỗ cư trú và không có nội dung gì trong cuộc sống. Bởi vì, chỗ cư trú duy nhất mà khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái có thể có trong đời sống chính là con người. Con người là nơi cư trú của những khát vọng về tự do, khát vọng về bình đẳng, khát vọng về bác ái. Cho nên khi con người không trở thành trung tâm của mọi sự chú ý thì tất cả những sự sắp đặt trật tự đều không có ý nghĩa. Do vậy, vấn đề đặt ra không phải là có nhân quyền hay không, mà là nhân quyền được tôn trọng và thể hiện như thế nào trong các nền chính trị khác nhau, các nhà nước khác nhau và các trình độ phát triển khác nhau.

Nguyễn Trần Bạt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More