Bài liên quan
“Or cette notion de d’objectivité, cette habitude de la
précision, cést précisément ce qui manque, sembletil, à la connaissance
orientale, d'ailleurs substantiellement si riche, spirituellement si
profonde. Seraitil impossible d’appliquer la forme de la science
occidentale au contenu de la connaissance orientale ?....
René Gillouin (Questions politiques et religieuses)
Cái học của Đông phương vẫn có cái bản chất phong phú, cái tinh thần
thâm trầm thật, nhưng chính là thiếu một cái quan niệm về khách quan,
không quen biết sự đích xác là gì. Nay họ lại không thể đem cái hình
thức của khoa học Tây phương mà ứng dụng vào nội dung của học thuật Đông
phương được dư?
(Lời của nhà phê bình Pháp René Gillouin)
Nước Nam ta có một nền quốc học chân chính không?
Câu hỏi đó gần đây đã làm đầu đề cho một cuộc tranh luận rất thú vị.
Ông Lê Dư trong báo Đông Tây ở Hà Nội thì quyết rằng có, ông Phan Khôi
trong báo Phụ nữ ở Sài Gòn thì quyết rằng không.
Quốc học không phải là một vật có thể giấu giếm đi được hay là cần
phải tìm tòi mới ra. Nếu quả có thật thì nó sờ sờ rõ rệt ra đó, ai còn
chối được, mà phải đến người nọ nói có, người kia nói không! Sở dĩ phải
khởi ra câu hỏi đó, đủ biết rằng nếu nước ta đã từng có một nền quốc
học, thì cái quốc học ấy cũng là nhỏ nhen, eo hẹp, không có gì đủ đem
khoe với thiên hạ.
Nay chứng xét lịch sử thấy quả như vậy. Nước Nam ta mấy mươi thế kỉ
theo học nước Tàu, chỉ mới là một người học trò khá, chưa hề thấy thoát
cửa thầy mà lập nên môn hộ riêng. Không những thế, lại cũng thường không
lọt ra được ngoài vòng "giáo khoa" mà bước lên tới cõi “học thuật” nữa.
Như vậy thì làm sao cho có quốc học được?
Anh hùng ta có, liệt nữ ta có, danh sĩ cao tăng ta cũng có, nhưng
trong cõi học nước ta, cổ kim chưa có người nào có tài sáng khởi, phát
minh ra những tư tưởng mới, thiết lập ra những học thuyết mới, đủ có cái
vẻ độc lập một "nhà" đối với các "nhà" khác như bách gia chư tử bên Tàu
ngày xưa. Hay thoảng hoặc cũng có mà mai một đi mất, sử sách không
truyền chăng? Nhưng phàm đã gọi là một cái học thì phải có cảm hóa người
ta sâu xa, phải có ảnh hưởng trong xã hội., phải gây ra một cái phong
trào tư tưởng, không thể tịch mịch ngay đi mà không còn tăm hơi gì nữa.
Cho nên dân hay kê cứu trong các sách cổ, tìm kiếm ra được năm ba cái ý
kiến lạ hay tư tưởng kì của một vài bậc tiền bối lỗi lạc, như vậy cũng
chưa đủ chứng rằng nước ta có quốc học với cái học cố hữu của bên Tàu
truyền sang.
Ngay cái học mượn của người đó, ta học cũng chưa đến nơi. Nhà Nho ta,
ngoài mấy bộ kinh truyện là sách giáo khoa của phái Khổng, Mạnh, mấy ai
đã từng thiệp liệp đến bách gia chư tử. Ai đã từng nghiên cứu đến học
thuyết họ Mặc, họ Dương, đến Lão, Trang, đến Phật học? Ngay trong Nho
giáo, cũng chỉ biết đến Tống Nho là cùng, còn Minh Nho thì mặc nhiên
không hiểu chi hết. Như Vương Dương Minh phản đối cái Nho học hẹp hòi
của các thầy nhà Tống mà phát minh ra một cái thuyết mới có ý vị thâm
trầm hơn, ở nước ta hầu như không ai biết đến. Ở Nhật Bản thì phái Vương
học lại thịnh hành lắm, không những có ảnh hưởng trong học giới, mà lại
tiềm nhiễm cả phong tục, có người cho là cái võ sĩ đạo của nước ấy
chính sở đắc ở Vương học nhiều. Nhật Bản cũng là học trò của Tàu, cũng
mô phỏng văn hóa của Tàu trong mấy mươi đời, nhưng họ biết lựa lọc kén
chọn, họ không có phóng chép một cách nô lệ như mình, cho nên tuy về
đường tư tưởng học thuật, họ vẫn chịu ảnh hưởng của Tàu nhiều, nhưng họ
cũng có một nền quốc học của họ, dầu không được rực rỡ cho lắm, mà vẫn
có đặc sắc khác người.
Đến như ta thì khác hẳn. Ta học của Tàu mà chỉ học thuần về một
phương diện cử nghiệp, là cái học rất thô thiển, không có giá trị gì về
nghĩa lí tinh thần cả, mài miệt về một đường đó trong mấy mươi đời,
thành ra cái óc tê liệt đi mà không sản xuất ra được tư tưởng gì mới lạ
nữa.
Dẫu thế nào mặc lòng, người phụng sự chủ nghĩa quốc gia, đoái nhìn
lại cái học của nước nhà, thấy vắng vẻ tịch mịch, không khỏi rầu lòng mà
lấy làm thương tiếc, gặp những lúc trong lòng bối rối, trong trí băn
khoăn, mở đống sách cũ của tiền nhân để lại, muốn tìm kiếm một vài tư
tưởng hoặc học thuyết gì thiết tha thâm trầm đủ đem ra đối phó với đời,
thì chỉ thấy các cụ ngâm hoa vịnh nguyệt, lặp lại mấy câu sáo cũ của
người Tàu, ôn lại những bài học cũ từ xưa đến giờ, không khám phá được
điều gì mới lạ về vũ trụ nhân sinh cả, thật lấy làm thất vọng vô cùng.
Nói thế không phải là bội bạc với tiền nhân, nhưng sự thật thế nào ta
phải công nhận như thế. Ta vẫn có nước, nước ta vẫn có tiếng là ham
học, nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn
lại mấy quyển sách giáo khoa cũ, hết năm ấy đến năm khác, già đời vẫn
không khỏi cái tư cách làm học trò! Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ
xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn thế, vì ta đừng có tưởng rằng
cái tâm lí học trò đó, ngày nay ta gột rửa được sạch đi đâu. Xưa khi
học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò
Tây mà thôi. Duy có khác là cái nghiệp làm học trò Tàu kinh qua mấy mươi
đời, cái kết quả "tiêu cực" của nó đã rành ra đó; còn cái nghiệp làm
học trò Tây thì mới trên dưới năm sáu mươi năm mà thôi, còn có thể mong
rằng sau này có lẽ thành được cái kết quả "tích cực" chăng. Song cứ xem
gương như bây giờ, thì cũng không lấy gì làm vui lòng cho lắm; xét những
tay xuất sắc trong làng Tây học phần nhiều cũng chưa thoát được cái tâm
lí học trò đó; bọn đàn anh khi xưa thì dặm lại mấy câu sáo của Tàu, bọn
đàn anh bây giờ cũng dặm lại mấy câu sáo mới của Tây đó mà thôi, chưa
mấy ai rõ rệt có cái tư cách - đừng nói đến tư cách nữa, hẳn có cái hi
vọng mà thôi - muốn độc lập trong cõi học vấn tư tưởng cả.
Như vậy
thì ra giống ta chung kiếp chỉ làm nô lệ về đường tinh thần hay sao? Hay
là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá, không đủ cho ta cái óc tự lập?
Hay là bởi những duyên cớ nào khác nữa?
Cái đó cần phải xét cho tường.
Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật. Bởi tại làm sao?
Từ nay về sau, ta có thể gây được một nền quốc học không? Phải làm thế nào?
Tuy nói quốc học ai cũng hiểu rồi, song cũng nên định nghĩa qua cho
khỏi lầm. Quốc học là gồm những phong trào về tư tưởng học thuật trong
một nước, có đặc sắc với nước khác, và có kết tinh thành ra những sự
nghiệp trước tác, lưu truyền trong nước ấy và ảnh hưởng đến các học giả
trong nước ấy.
Cứ nghĩa tuyệt đối thì không nước nào hẳn có quốc học đặc biệt, nghĩa
là tự mình gây dựng ra, không phải nhờ mượn của người, trừ ra những
nước tổ văn minh trong thế giới như Tàu, Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp không kể.
Nhưng cứ nghĩa tương đối thì mỗi dân tộc hấp thụ được cái văn minh
học thuật của ngoài, tất có biến hóa theo tinh thần riêng của mình, mà
thành hẳn của riêng mình. Bởi thế nước Pháp, nước Anh, nước Đức v.v.,
tuy về đời trước thời nguồn gốc vẫn là do ở Hi Lạp, La Mã ra, mà về sau
thời thường chịu ảnh hưởng lẫn của nhau nhiều, nhưng nước nào cũng có
cái văn minh, học thuật của nước ấy, không giống với các nước kia; học
thuật riêng đó, tức là quốc học của mỗi nước. Như nước Nhật ở Á Đông ta
cũng vậy, thật là "con tinh thần" (fils spirituel) của nước Tàu, đồng
văn đồng hóa với Tàu, nhưng vẫn có một lối học riêng của họ, tuy cũng
xuất ở Tàu mà ra, mà có cái đặc sắc khác với Tàu, có thể gọi là quốc học
của Nhật Bản được.
Đến như ta thì mượn cái học của người mà không hóa được theo tinh
thần của mình, không gây được một nền quốc học cho mình, là bởi cớ sao
vậy?
Nói rằng vì giống mình kém hèn hẳn, thì có lẽ phụ cái óc thông minh
của các cụ đời xưa, và cũng không đúng với sự thật chăng? Nhưng nói rằng
vì tình thế khiến nên mà sau tạo thành một cái tâm lí riêng không lợi
cho sự học vấn tư tưởng, tự do, thì có lẽ đúng hơn. Tình thế ấy thuộc về
địa lí, thuộc về lịch sử, lại cũng thuộc về chính trị nữa.
Thuộc về địa lí là nước ta tiếp cận ngay với nước Tàu, đối với Tàu,
dầu sau khi ta độc lập rồi, vẫn coi như một nước phụ dung, một nước
phiên thuộc. Ta chỉ là một bộ phận trong cái thế giới Chính mà thôi.
Thông tục thường có câu: nước Tàu như cái áo, nước ta như cái dải. Thật
thế, nước ta, nhất là xứ Bắc Kì là nơi phát tích của nước ta, chẳng qua
là một tỉnh Quảng Đông lạc về phía Nam mà thôi, người dân vốn cũng là
một giống trong các giống Bách Việt như Quảng Đông, nhờ đất liền nên sự
giao thông lại càng thân mật lắm. Người Tàu lại tiện đường tràn sang
nước ta, hoặc bằng cách chiến tranh, hoặc bằng cách hòa bình, cứ luôn
luôn, hết đời ấy sang đời khác, không hồi nào là không. Cho nên nước ta,
dầu có biệt lập thành nước, nhưng về đường địa lí vẫn là tùy thuộc nước
Tàu, khác với Nhật Bản, là một đảo quốc cách biển, người Tàu không trực
tiếp sang được nên không bị xâm lấn bao giờ. Có giữ được độc lập về thổ
võ, mới giữ được độc lập về tinh thần.
Thuộc về lịch sử thì sự quan hệ của ta với Tàu lại mật thiết hơn nữa.
Giống Giao Chỉ ta, từ khi mới thành bộ lạc đã bị người Tàu thống trị
rồi. Trong mười thế kỉ, ta sống ở trong vòng khuôn nước Tàu, không khác
gì một bộ phận của Tàu vậy. Đến khi lập thành nước, từ thế kỉ thứ 10,
thì cái dấu vết của Tàu đã hình như in sâu vào trong trí não ta rồi. Tự
bấy giờ tiếng gọi là một nước, được độc lập về đường chính trị, nhưng
nào đã hoàn toàn độc lập đâu, chỉ những lo lắng, những khó nhọc, những
chật vật đối với nước láng giềng mạnh kia nó chỉ lăm le định tràn sang
mà chiếm lấy mình, mà thật nó cũng đã tràn sang biết mấy mươi lần, lần
nào mình cũng cực khổ, dùng hết nỗ lực mới đuổi nó đi được. Thành ra cả
cuộc lịch sử nước Nam ta là một cuộc chiến đấu vô hồi vô hạn đối với
người Tàu, hoặc bằng võ lực hoặc bằng ngoại giao, hằng ngày chỉ nơm nớp
sợ lại bị thuộc lần nữa.
Cái công của tiền nhân ta chống giữ cho non sông đất nước nhà, can
đảm vô cùng, kiên nhẫn vô cùng, thật là đánh cảm phục. Nhưng cái tinh
lực trong nước đều chuyên chú về một việc cạnh tranh để sinh tồn đó,
cạnh tranh với một kẻ cường lân hằng ngày nó đàn áp, để cố sinh tồn cho
ra vẻ một nước độc lập, thì còn có thì giờ đâu, còn có dư sức đâu mà
nghĩ đến việc khác nữa. Cái quan niệm quốc gia bị nguy hiểm luôn nên
thường lo sợ luôn, chiếm mất cả tâm tư trí lực, không còn để thừa chỗ
cho những quan niệm khác về văn hóa, về mĩ thuật gì nữa. Nói riêng về
học thuật thì đã sẵn cái học của Tàu đó tiềm nhiễm vào sâu từ thuở mới
thành dân thành nước, không thể tưởng tượng rằng ngoài sách vở của thánh
hiền còn có nghĩa lí gì khác nữa. Sau đời Lí đời Trần là hồi Phật học
còn thịnh hành, rồi chỉ độc tôn có một phái Nho học cho là đạo chính
truyền, ngoại giả không dám có tư tưởng nào khác, sợ bị mang tiếng là
“dị đoan”. Cái lệ "con chiên" theo đạo nước người thường hay "ngoan đạo"
hơn là chính người nước phát hành ra đạo ấy.
Thường nghiệm người Nam mình theo đạo Giatô lại mộ đạo hơn ngươi Tây
nhiều. Xưa kia theo đạo Nho có lẽ cũng sùng đạo hơn người Tàu vậy, vả
lại học thuật mà đã dính có tính cách tôn giáo thì không thể nào tiến
hóa được nữa. Không những nước ta mà ngay nước Tàu cũng vậy, từ khi cái
học của Khổng, Mạnh, trước bị Hán Nho, rồi sau Tống Nho, lập thành đạo
có tín điều, có giáo lí, có lễ nghi hình thức phân minh, thời không phải
là học thuật nữa, mà nghiễm nhiên thành tôn giáo rồi. Người theo đạo
đâu có dám nghị luận về lẽ đạo nữa. Nếu còn dám nghị luận điều gì hay là
ăn ở khác với lẽ đạo, thì là có tội với danh giáo, ắt phải trục xuất ra
ngoài giáo hội rồi.
Thuộc về chính trị thì cái tình thế cũng khốn nạn như vậy. Nho học
lợi cho cái chính thể quân chủ chuyên chế, nên đế vương nước ta lại càng
tôn sùng lắm. Đời Lí, đời Trần, cái phong trào Phật học còn thịnh, nên
nhân tài trong nước, thường thường vẫn có người xuất ở trong hàng tăng
lữ. Tự cuối đời Trần đầu Lê trở về sau, thì bao nhiêu nhân tài là đúc
theo cái khuôn khoa cử của Nho giáo cả. Cái chế độ khoa cử thật là một
cái quà tai hại nước Tàu đã tặng cho ta. Ở ngay bên Tàu nó đã hại mà
sang bên ta cái độc của nó lại gấp mấy lần nữa. Bao nhiêu kẻ anh tuấn
trong nước đều phải đúc vào cái khuôn ấy cả, nếu không thì không thể ra
thi thố gì với đời được nữa. Nhưng đã đúc vào cái khuôn ấy rồi, thì thần
trí eo hẹp lại sao mà còn có tư tưởng, có học vấn, tự do được nữa.
Người Nhật Bản họ hơn mình chính là vì họ không mắc cái vạ khoa cử như
mình. Họ bắt chước cái gì của Tàu thì bắt chước, chớ đến cái lối khoa cử
thì họ không chơi. Đời Tokugawa cũng đã có một hồi thi hành cái chế độ
hãm hại nhân tài, nô lệ thần trí đó, nhưng mà sĩ phu trong ta thì đến
năm, sáu trăm năm sinh trưởng trong cái chế độ ấy, trách nào cái khí
tinh anh trong nước chẳng đến tiêu mòn đi hết cả. Ở Văn Miếu Hà Nội còn
mấy dãy bia kỉ niệm bậc nhân tài lỗi lạc, nhưng vì mài miệt về đường
khoa cử, nên đều mai một mất cả, tên còn rành rạch trên bia đá đó, mà có
sự nghiệp về đường học vấn tư tưởng được những ai? (l) (1) xem Phụ nữ Tân văn, số 104, ngày 15.10.1931, tr.5)
Nói tóm lại thời địa lí, lịch sử, chính trị đều như hiệp sức nhau lại
mà gây cho nước ta một cái tình thế rất bất lợi cho sự học vấn tư
tưởng. Bao nhiêu những người khá trong nước đều bị cái tình thế ấy nó áp
bức trong mấy mươi đời, nên lần lần tập thành một cái tâm lí riêng, là
cái tâm lí ỉ lại vào người, chớ không dám tự lập một mình; trong việc
học vấn thì cái tâm lí ấy tức như trên kia gọi là cái tâm lí làm học trò
suốt đời vậy. Nước ta ở ngay cạnh nách nước Tàu, từ hồi ấu trĩ cho đến
lúc trưởng thành đều núp bóng nước Tàu mà sinh trưởng cả, khác nào như
một cái cây nho mọc bên cây lớn, bị nó "cớm" không thể nào nẩy nở ra
được.
Nhưng trước kia mọc ở dưới bóng cây "đa" phương Đông đã bị "cớm" mà
không lên cao được, chỉ sợ nay mọc dưới bóng cây “sên” phương Tây, cũng
lại bị “cớm” mà cằn cọc hẳn lại, thì thôi, còn mong mỏi gì nữa!
Song nay ta đã tỉnh ngộ rồi, thì ta nên kíp tìm phương bổ cứu.
Mới đây tôi có viết một bài luận bằng Pháp văn đăng trong báo Tây nói
về sự đồng hóa. Bài ấy nguyên văn chữ Pháp có lục đăng vào phần phụ
chương kì Nam Phong trước. Tôi nói rằng đồng hóa có nhiều cách: có cách
đồng hóa đến không còn cốt cách tinh thần gì của mình nữa, mà biến hẳn
theo người; có cách đồng hóa lấy những cái hay của người mà giữ được cốt
cách tinh thần của mình, lại bồi bổ vào cho mạnh mẽ thêm lên. Cách đồng
hóa trên là cách ta đồng hóa với Tàu ngày xưa đó, kết quả đến ngày nay
anh em ta phải than rằng nước ta không có quốc học. Gương đó trước còn
đó, ta phải soi đấy mà liệu đường đi sau này.
Nếu ngày nay ta lại đồng hóa theo Tây như ngày xưa đồng hóa theo Tàu,
thì giả sử có thành công nữa cũng phải đến mấy mươi đời, mà rốt cuộc
lại cũng chỉ thành một bản phóng mờ của nước Pháp, chứ chẳng có tinh
thần cốt cách gì cả, rồi trăm năm về sau này, lại có ông Phan Khôi nào
hậu sinh đó, trông thấv cõi học nước nhà vẫn vắng vẻ tịch mịch, không
khỏi thở dài mà than rằng: “Quái! Nước ta học Tây đến ba bốn trăm năm mà
vẫn chưa có một nền quốc học riêng!” Bấy giờ không phải là trong nước
không có lắm tay làm thơ làm văn Tây giỏi, chẳng kém gì người Tây, tức
như các cụ ta ngày xưa cũng lắm tay làm thơ văn Tàu chẳng kém gì người
Tàu, nhưng cũng chỉ thế thôi, chớ ngay trong làng thơ văn xưa kia chưa
cụ nào bằng Lí, Đỗ, Tô, Hàn, thì sau này có lẽ cũng không ai bằng Victor
Hugo hay Anatole France được, vì cái nghiệp học mượn viết nhờ có đời có
kiếp nào cho bằng hẳn người ta. Thơ văn còn thế, đến học vấn tư tưởng
tất lại còn kém hơn nữa.
Vậy thời ngày nay nếu ta phải đồng hóa theo Tây - mà cái đó là tất
nhiên vì lẽ chính trị, lẽ kinh tế, lẽ văn hóa bắt buộc ta càng ngày càng
phải giao tiếp với người Tây - ta nên đồng hóa có ý thức, có nghĩa lí,
nên kén chọn lấy những cái hay của người ta mà bắt chước, nên xem xét
mình thiếu những gì mà học tập lấy của người ta để bồi bổ cho mình.
Nói riêng về đường học thuật - mà học thuật là chủ não của văn minh -
thì học thuật của Đông phương ít tấn tới, học thuật của Tây phương mau
phát đạt, là vì Tây họ có cái quan niệm về khoa học, mà người Đông
phương mình thì không có vậy.
Khoa học đây là nghĩa rộng không phải là nói về các khoa chuyên môn,
như lí học, hóa học, thiên văn học, địa lí học đâu. Khoa học đây là nói
về cái phương pháp: cái tinh thần của sự học của người Thái Tây. khởi
xướng ra khoa học là lối học phân ra khoa loại, đặt thành phương pháp,
để cầu lấy kết quả đích xác, tìm lấy chân lí sự vật. Khoa học là phép
học chỉ châu tuần trong cõi thực tế, không mơ tưởng những sự huyền vi.
Khoa học là sự học lấy lí luận làm tiên phong, lấy thực nghiệm làm hậu
kính, lấy sự thật nhiển nhiên làm căn cứ, lấy lẽ phải tất nhiên làm mục
đích.
Lối học như vậy, thì lối học Đông phương ta thật không có. Đông
phương chỉ có đạo đức chớ không có khoa học. Đạo học và khoa học khác
nhau thế nào, Lương Khai Siêu trong bài tựa bản tiết yếu sách Minh Nho
học án có phân biệt như sau này, tưởng cũng xác đáng lắm: “Đạo học với
khoa học, phải nên phân biệt cho rất rõ. Đạo học là cái học thụ dụng, tự
mình tìm lấy được, chớ không phải đợi ở ngoài, cổ kim Đông Tây chỉ có
một, chớ không có hai. Khoa học là cái học ứng dụng, nhờ các biện luận
tích lũy mà thành ra, tùy cái trình độ văn minh trong xã hội mà tiến
hóa, cho nên khoa học chuộng mới. Đạo học thời những lời nói cũ tự trăm,
ngàn năm về trước, kẻ hiền triết ngày nay vị tất đã nói được hay hơn.
Khoa học chuộng rộng, đạo học thời một lời nói nửa câu, có thể đem mà
thụ dụng suốt cả đời không hết. Lão Tử nói rằng: "Vi học nhật ích, vi
đạo nhật tổn" (làm việc học thì ngày càng nhiều lên, làm việc đạo thì
ngày càng ít đi), học ấy là nói khoa học, mà đạo ấy là nói đạo học vậy”.
Lương Khải Siêu nói mấy câu đó, kể cũng là khám phá lắm vậy, Đông
phương với Tây phương khác nhau chính là ở cái quan niệm về sự học đó.
Cái học của Đông phương là đạo học, là cái học "thụ dụng", nghĩa là
dùng cho mình, là cái học "nhật tổn” nghĩa là càng nhập diệu bao nhiêu
thì những cái chi tiết bề ngoài nó càng bớt đi bấy nhiêu, mà chỉ còn lại
cái tôn chỉ thâm trầm cao thượng, là cái tôn chỉ học làm nhà đạo đức,
làm ông thánh hiền ở đời. Đã “thụ dụng” thì là thuộc về phương diện chủ
quan, người nào tâm đắc là người ấy được, không cần mà cũng không thể
đem tuyên truyền ban bố ra cho thiên hạ được. Đã là "nhật tổn" thì học
càng thâm, càng quy nạp lại mấy điều cốt yếu, tự mình giác ngộ là đủ,
không cần phải suy diễn ra cho nó rườm rà bề bộn làm gì.
Nay ta làm án cổ nhân mà buộc cho cái tội không gây nổi một nền quốc
học cho nước nhà, ta cũng phải nghĩ lại mà lượng xét cái quan niệm về sự
học của các cụ là thuộc về đạo học như vừa giải nghĩa đó. Các cụ đã có
cái quan niệm như vậy thì học là chủ để thụ dụng, cốt là trau dồi nhân
cách mình thế nào có thể hi thánh hi hiền được, chớ không phải cốt lập
ra học thuyết để truyền cho đời vậy. Các cụ dạy học trò cũng là đem cái
tâm thuật mà truyền cho học trò, khiến cho người nào có tư cách thì tự
mình tâm đắc lấy, mà lại đem thụ dụng cho mình. Vậy muốn phán đoán về
các cụ cho công bằng thì phải xét các cụ về cái chỗ thụ dụng đó, nghĩa
là xét các cụ làm người thế nào, ra đời thế nào, chớ không phải xét của
các cụ hay hay dở, có hay không vậy. Nếu xét cách học để làm người của
các cụ, thì ta thật đáng thờ các cụ làm ông cha, chớ không phải vì các
cụ mà xấu hổ vậy.
Song đạo học là cái học để làm thánh hiền, ở vào đời nay, có đâu được
bằng cái học cho được giàu mạnh. Khoa học là cái học cho được giàu mạnh
đó, lấy về công dụng mà xét thì khoa học đích hẳn là thích hợp với đời
này hơn là đạo học, các nước Thái Tây được phú cường như bây giờ là nhờ ở
khoa học. Ta muốn sinh tồn được ở đời này, ta cũng phải cần có khoa
học.
Nhưng đó là đứng về phương diện duy lợi mà nói.
Bàn về học thuật, không nên thiên về sự lợi ích, chỉ nên nói về nghĩa lí mà thôi.
Nói về nghĩa lí thời khoa học cũng có lắm cái hay lắm. Nhưng cái hay
đó, người Âu Tây cũng không phải là một sớm một mai mà tìm ra ngay được.
Hi Lạp, La Mã đời xưa cũng chưa biết khoa học là cái gì. Cái học cổ của
họ cũng chỉ là đạo đức mà thôi, mà trong khoảng đời Trung cổ thời cũng
là phiền toái lôi thôi lắm, lại thêm quyền áp chế giáo hội Giatô nữa, có
lẽ còn tệ hại độc ác hơn là cái quyền chuyên chế của Nho giáo ở Đông
phương ta. Nhưng từ thế kỉ thứ 16, ở Âu châu họ có một cuộc cách mạng về
tinh thần, đề xướng lên cái quyền tự do phê phán, đem cả các học thuyết
cổ sát hạch lại, rồi lần lần mới nẩy ra cái quan niệm về khoa học đời
nay.
Như vậy thì cái quan niệm về khoa học của Thái Tây mới mầm mống ra tự
thế kỉ thứ 16 mà thôi, mà cũng còn hun đúc mãi đến thế kỉ thứ 19 mới
thật là xuất hiện ra một cách rực rỡ. Tự đấy thời mỗi ngày một phát đạt,
thiên biến vạn hóa đổi mới cả mặt địa cầu, có trong khoảng một thế kỉ
mà làm cho thế giới tiến hóa mau bằng mấy ngàn năm về trước.
Nay chúng ta tiếp xúc cái văn minh của Thái Tây mới biết đến cái giá
trị cùng cái sức mạnh của khoa học thì ngoảnh lại xét mình, thấy cái óc
mình dường như hãy còn như cái óc của người Tây về trước thế kỉ thứ 16
vậy. Vậy nếu ta muốn tiến hóa cho bằng người, thì ta cũng phải làm một
cuộc cách mạng về tinh thần, như người Âu Tây về thế kỉ thứ 16, cách
mạng một cách hòa bình mà thôi, vì đường lối người ta đã đi qua, mình cứ
việc theo, không phải khó nhọc gì.
Mục đích của sự cách mạng đó, không phải là phá cái đạo cổ hữu của
mình đi đâu nhưng cốt là gây lấy cái quan niệm khoa học mà bổ thêm vào.
Hai đàng tuy khác nhau, nhưng tất nhiên là không phản trái nhau. Cái học
thụ dụng với cái học ứng dụng có thể kiêm cả cũng được. Dạy cái học thụ
dụng là thuộc về cá nhân, thuộc về chủ quan, là phần riêng của mỗi
người, không cần và cũng không thể truyền dạy được; cái học ứng dụng là
thuộc về phổ thông, thuộc về khách quan, là của chung của xã hội, có thể
dùng làm lợi khí để trao đổi trí thức, để xúc tiến tư tưởng, để bồi đắp
lấy một nền quốc học cho sau này được.
Vậy thời việc cần cấp bây giờ là phải đem cái quan niệm khoa học của
Âu Tây ra mà phân tích cho tinh tường. Khi đã dò được đến nơi, tìm được
manh mối rồi, thì phải tập dùng cái phương pháp của khoa học mà nghiên
cứu những nghĩa lí cổ của Đông phương mình, vì cái khoa học sẵn có của
Thái Tây, thì đã biên chép cả trong sách Tây rồi, ta cứ việc theo đó mà
học, không cần phải bàn làm chi. Nhưng cái học đó là cái học "vô ngã"
thuộc về cái kho trí thức chung của cả loài người, dầu có học được hết
đi nữa cũng vẫn không bao giờ thành quốc học riêng của mình được. Muốn
cho gây được thành một cái quốc học riêng của mình, thì phải dùng phương
pháp phê bình khảo cứu của khoa học mà phân tích những học thuyết cùng
nghĩa lí cũ của Á Đông, rồi đem ra nghiền ngẫm, suy nghĩ: đối chiếu với
những điều chân lí cùng những sự phát minh của khoa học Thái Tây. Kết
quả sự phân tích cùng tổng hợp đó, tức là tài liệu gây ra quốc học sau
này vậy.
Việc gây dựng ra quốc học, không phải là việc một vài người, cũng
không phải là việc một đời người mà làm xong được. Nhưng nếu các học giả
trong nước đều có cái chí về việc đó, thì trước hết có thể gây ra được
một cái "học phong" để làm hoàn cảnh cho quốc học sau này có chỗ mà sinh
nở ra được.
Chí đó, chính là cái chí muốn tự lập về đường tinh thần. Muốn tự lập
thì không thể làm mất cái cốt cách tinh thần của mình đi mà đồng hóa
theo người cả được. Phải mượn phương pháp của người để tự bồi bổ cho
mình. Trên đầu bài này có tiêu đề một câu của nhà phê bình nước Pháp bàn
về cách Đông phương và Tây phương có thể bổ trợ cho nhau thế nào. Ý tác
giả là Tây phương ngày nay đã đem khoa học đến cực điểm, nên quay về mà
hỏi cái bài đạo học ở Đông phương, còn như Đông phương thì bấy lâu
triền miên trong cõi đạo học mơ màng ngừng trệ mà không tiến hóa được
nữa, thì nên mượn phương pháp của khoa học Tây phương để mà chấn chỉnh
lại cái cổ học của mình cho có vẻ hoạt bát hơn. Nhà phê bình tóm tắt cái
ý kiến ấy bằng một câu rằng: "Đem hình thức của khoa học Tây phương mà
ứng dụng vào nội dung của học thuật Đông phương" (Appliquer la forme de la science occidentale au contenu de la connaissance orientale).
Nay cũng xin lấy câu ấy để kết luận bài này.
(Nam Phong, số 163)