"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người" - Fukuzawa Yukichi
"Thích điều nhân mà không thích học thành ra người ngu, thích mưu lược mà không thích học thành ra người tặc, thích điều thẳng mà không thích học thành ra người giảo, thích đức dũng mà không thích học thành ra người loạn, thích cương cường mà không thích học thành ra người cuồng!" - Khổng Tử
"Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự bạo ngược bất công là soi sáng đến hết mức có thể tâm trí của quần chúng và đặc biệt là cho họ tri thức và sự thật." - Thomas Jefferson
"Hòa bình không có nghĩa là hết xung đột; sự khác biệt luôn hiện diện trong quan hệ giữa người và người. Hòa bình là giải quyết sự khác biết đó thông qua những phương pháp ôn hòa; bằng đối thoại, giáo dục, sự hiểu biết; và bằng những cách thức khác mang tính nhân bản." - Dalai Lama

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

George Graham Vest - A Tribute to Dogs

Bài diễn văn của luật sư George Graham Vest tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các bài diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua.

Thưa quý ngài hội thẩm,

Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn.

Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi, thậm chí còn luôn mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất.

Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta.
George Graham Vest (1830 – 1904)

Nó luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió đông giá rét hay bão tuyết vùi lấp, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó.

Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trunng thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù...

Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta - chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô!


Nguồn: Internet

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Khuyến học: Phần VI - Luật pháp quý giá như thế nào?

Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901)
PHẦN VI: LUẬT PHÁP QUÝ GIÁ NHƯ THẾ NÀO?

>>Khuyến học, 1, 2 ,3 4, 5, 6, 7, 8, ...

Quốc dân phải làm trọn bổn phận “một thân hai vai”:


Chính phủ là người đại diện cho dân, làm theo ý nguyện của dân. Nhiệm vụ của chính phủ là trấn áp, bắt giữ kẻ có tội, bảo vệ người vô tội. Nếu mọi sự đều diễn ra trôi chảy như vậy thì trị an, trật tự trong nước tốt đẹp biết bao!

Người ta thường gọi kẻ có tội là ác nhân, gọi người vô tội là lương thiện.

Giả thử có kẻ xấu định gây nguy hại, chẳng hạn như chúng định hãm hại bố mẹ, vợ con chúng ta. Về lý mà nói, trong trường hợp này người lương thiện hoàn toàn có quyền tự vệ trước bạo lực của kẻ xấu, và còn có quyền “dần cho chúng một trận nhừ tử”. Nhưng không phải lúc nào người lương thiện cũng có thể chống trả nỗi lũ người xấu nếu chỉ biết cậy vào sức mình. Mà cứ cho là có thể tự vệ được đi nữa, thì cũng cần phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc để lo phòng chống tội phạm.

Nhưng, chẳng phải là chúng ta đã thỏa thuận với chỉnh phủ rằng người dân ủy thác cho chính phủ - với tư cách làm người đại diện cho quốc dân – đứng ra bảo vệ trật tự trị an, đổi lại người dân sẽ đóng thuế đảm bảo cho mọi khoản chi cần thiết của chính phủ, kể cả lương lậu cho các viện chức đó sao? Ngoài ra, chính phủ - với tư cách là tổng đại diện cho người dân – có mọi quyền hành để giải quyết tức thì bất cứ việc gì xảy ra, theo hướng có lợi cho nhân dân.

Quốc dân nghe theo chính phủ không có nghĩa là chúng ta quân theo pháp luật do chính phủ soạn thảo. Cái mà chúng ta tuân theo chính là luật pháp do chính chúng ta lập ra. Chúng ta phá luật tức là chúng ta tự xé bỏ những quy định do bản thân chúng ta đặt ra. Nếu vi phạm luật, chịu sự trừng phạt thì đó không phải là do chính phủ mà là theo luật tự chúng ta quy định.

Mỗi người dân chúng ta có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là lập ra chính phủ làm đại diện cho chúng ta, để bắt giữ kẻ xấu trong xã hội, bảo vệ dân lành. Thứ hai là thực hiện đúng sự thỏa thuận với chính phủ, tuân thủ pháp luật, và được chính phủ bảo vệ.

Theo lẽ đó, một khi chúng ta đã giao phó quyền lực chính trị cho chính phủ thì nhất thiết không được vi phạm thỏa thuận, nhất quyết không được quay lưng lại luật pháp. Bắt giữ lũ sát nhân, xử tử hình chúng là quyền hạn thuộc chính phủ. Quyền xét xử cũng như hòa giải mọi cuộc tranh chấp không phải là việc để quốc dân chúng ta phải nhúng tay vào. Nếu chỉ “vì căm thù” mà tự ý phán xử, bằng cách giết bọn ác nhân, hành động như vậy sẽ là phạm tội. Và tội này khó được pháp luật bỏ qua. Không có sai phạm nào lớn như sai phạm này.

Ở các quốc gia văn minh phát triển, hành vi “cá nhân tự coi mình là quyền phán quyết, hành xử” bị luật pháp khép tội rất nặng. Còn tại Nhật bản, người ta lầm tưởng rằng chính phủ rất có uy. Nhưng thật ra nhiều người chỉ biết sợ chính phủ thôi, chứ họ hoàn toàn không am hiểu luật, không biết được luật pháp cao quý ra sao.

Bây giờ tôi sẽ giải thích rõ hơn, vì sao bất kỳ cá nhân nào cũng không được “tự ý phán quyết hành xử”, cũng như vì sao luật pháp lại quý giá đến như vậy.

Tôi lấy ví dụ thế này: Có một lũ cướp, xông vào nhà mình, đe dọa gia chủ và định thực hiện hành vi cướp tài sản. Theo luật thì chủ nhân phải báo ngay cho nhà chức trách biết. Nhưng thực tế, vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, gia chủ luống cuống và cũng chẳng có thời gian để làm việc đó. Trong lúc bọn cướp đã xông vào nhà và bắt đầu cướp tài sản. Gia chủ muốn ngăn lũ cướp lại, nhưng một mình thì rất nguy hiểm nên hợp sức với mọi người trong nhà chống chọi lại lũ cướp. Nhờ thế mà lũ cướp bị tóm và bị giải tới nhà chức trách. Khi bắt được lũ cướp, đánh què chân, có trường hợp vì quá tay nên đánh chết bọn cướp.

Tuy vậy, gia chủ và những người trong nhà không bị khép tội “tự coi mình có quyền phán quyết hành xử”. Vì họ rơi vào hoàn cảnh buộc phải dùng phương tiện tự vệ để bảo vệ tính mạng, bảo vệ tài sản của mình.

Trừng phạt tội phạm là quyền hạn của chính phủ, dứt khoát không phải là bổn phận hay trách nhiệm của một cá nhân nào cả. Vì vậy, trường hợp bắt được lũ cướp và cho dù chúng ta chưa bị chúng gây thương tích gì cả, nhưng chỉ và quá căm tức mà đánh đập hay giết phắt chúng đi là không được. Luật pháp không cho phép, dù chỉ dùng một ngón tay động vào cơ thể chúng. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cấp báo ngay cho nhà đương cục, và chợ đợi sự phán xử của chính phủ. Nếu tóm chúng xong, chúng ta hành động theo cảm tính, tức là “tự cho mình có quyền đánh đập, trả thù”, thì hành động như thế tương đương với tội cố ý giết người vô tội, sẽ bị luật pháp khép vào tội giết người.

Luật pháp của quốc gia nghiêm minh có nghĩa là vậy.

“Trung thần nghĩa sĩ” dưới góc độ pháp luật:

Nếu xem xét vấn đề như trên, thì bạn se hiểu rõ việc “tự cho mình cái quyền phán quyết” là nghiêm trọng đến nhường nào? Chúng ta phải hiểu rằng trước khi bị trả thù thì những kẻ hãm hại cha mẹ mình đã phạm tội giết người. Bắt giữ và kết án chúng là trách nhiệm của chính phủ, quốc dân chúng ta không liên quan. Có cái lý nà cho phép tự tiện giết tội phạm thay cho chính phủ với lý do trả thù cho cha mẹ bị hại. Hành động như vậy cũng có nghĩa là quay lưng lại với những thỏa thuận với chính phủ, đi chệch khỏi trách nhiệm của quốc dân, không phải phận sự mà cứ tùy tiện phán xử.

Nếu thấy cách xử trí củ chính phủ là sai lầm, bao che cho tội phạm thì phải kiện chính phủ vì sự vô lý đó. Giả thử, kẻ thù của cha mẹ đứng ngay trước mặt cũng không có nguyên tắc nào cho phép con cái được tự động trả thù.

Dưới thời Genroku co câu chuyện các võ sĩ thuộc hạ của Asano – lãnh chúa vùng Akou – sát hại sứ thần triều đình là Kira Kozukenosuke để rửa nhục cho chủ.

Người đời ca tụng những người tham gia việc báo thù này,gọi họ là các “Nghĩa sĩ thành Akou”. Lời ca tụng như thế chẳng phải là một lầm lẫn sao?

Vào thời đó, chính quyền Nhật bản là shogun Tokugawa. Lãnh chúa Asano Takuminokami, sứ thần Kira Kozukenosuke, võ sĩ thuộc hạ của nhà Asano… tất thảy đều là người Nhật bản. Lẽ đương nhiên mọi người đều thỏa thuận sẽ tuân thep chính phủ và nhận sự bảo hộ của chính phủ. Vậy mà khi xảy ra chuyện sứ thần Kira có điều sai trái, thất lễ với Asano, lẽ ra phải thưa kiện với chính phủ thì lãnh chúa Asano lại nổi trận lôi đình theo cảm tính, rút gươm dọa giết sứ thần. Từ đó, cả hai nhà tìm mọi cách trả thù nhau, buộc Shogun Tokugawa phải phán xử. Kết cục là lãnh chúa Asano bị khéo tội giết người, buộc phải mổ bụng tự vẫn. Còn phía nhà Kira không phải chịu thêm hình phạt nào hết.

Có thể khẳng định rằng kết quả của phiên tòa đó có sự thiên lệch, bất chính. Nhưng nếu nhận thấy sự không minh bạch, thiên vị như vậy, tại sao thuộc hạ gia thân của nhà Asano lại không kháng kiện chính phủ. Nếu như cả 47 võ sĩ thuộc hạ nhà Asano, lần lượt khiếu kiện theo đúng quy định, thủ tục của luật pháp thì sự thể sẽ ra sao? Có thế sự khiếu kiện của họ sẽ không được chấp nhận, ngược lại những người tham gia khiếu kiện sẽ bị bắt và bị giết vì bản chất nền chính phủ do shogun Tokugawa cầm đầu là độc đoán, bạo ngược. Nhưng chúng ta không sợ, người này bị bắt, bị giết thì người khác tiếp tục tranh đấu. Việc khiếu kiện thấu tình đạt lý thì dù lần lượt cả 47 võ sĩ buộc phải hi sinh mạng sống cũng phải khiếu kiện cho đến cùng.

Làm như thế thì chính phủ có tàn bạo độc đoán đến mấy cuối cùng cũng phải thừa nhận đạo lý, phải xử lại phiên tòa, buộc nhà Kira cũng phải chịu tội. Có như vậy tôi mới coi là những nghĩa sĩ chân chính và mới đáng được ca ngợi.

Tiếc thay, họ hoàn toàn không biết tới nguyên tắc đó. Là quốc dân mà không suy tính tới sức nặng của pháp luật. Tự cho mình có quyền trả thù chém giết nhà Kira. Chỉ có thế nói rằng họ đã ngộ nhận về trách nhiệm của quốc dân, phán quyết tội lỗi theo cảm tính cá nhân. Cũng may là chính quyền Mạc phủ Tokugawa thời đó đã trấn áp toàn bộ cuộc bạo hành này, nếu không thì cả hai dòng họ Asano và Kira cùng các thuộc hạ của họ sẽ tiếp tục báo thù, hạ sát lẫn nhau không biết khi nào mới chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy. Và kết quả là xã hội sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp.

Tự cho mình có quyền phán quyết, việc này gây tổn hại cho quốc gia ra sao, bạn đọc chắc đã hiểu. Chúng ta phải cân nhắc trong suy nghĩ và hành động, Đó là điều tôi muốn nói.

Ngày xưa, ở Nhật Bản có luật cho phép các Võ sĩ chém đầu bất kỳ một người nông dân nào dám thất lễ với tầng lớp Samurai. Chính phủ đã dung túng, hợp pháp hóa cho tầng lớp Võ sĩ có “quyền được tự ý phán quyết” trong xã hội. Thật đáng lên án.

Luật pháp của quốc gia, phải do duy nhất chính phủ nơi đó có quyền thực thi. Nếu không như vậy thì chính phủ sẽ suy yếu. Chính quyền Mạc phủ Tokugawa suy vong cũng vì lẽ đó.

“Tenchyu” – Thay trời trừng phạt:

Có một kiểu “tự ý phán xử” hết sức nguy hại, có thể làm nghiêng ngả nền chính trị đất nước, đó là ám sát.

Từ xa xưa, các vụ giết người thong thường vì tư thù, hoặc để cướp đoạt của cải. Những kẻ giết người đều thừa hiểu hành động đó là phạm tội, và bản thân sẽ trở thành tội phạm.

Và trong xã hội còn có một kiểu giết người khác. Hình thức này không mang tính tư thù. Nó được gọi là hành vi ám sát các địch thủ chính trị.

Trong một đất nước, việc có các luồng tư tưởng chính trị khác biệt là lẽ bình thường. Chỉ vì cái gọi là “chống lại hiểm họa của những người có quan điểm, chính kiến khác với mình”, họ căm tức tư tưởng của người khác, họ vi phạm quốc pháp bởi động cơ cá nhân, họ giết người theo cảm tính, họ không những không biết hổ nhục mà lại còn lấy làm đắc ý và dõng dạc tuyên bố: “Đó là hành động thay trời trừng phạt”. Những kẻ ám sát được tâng bốc, được coi là “nghĩa sĩ”.

Cái gọi là Tenchyu – Thiên tru, hay thay trời trừng phạt là cái gì vậy? Có thật là họ thực sự chủ trương thay trời trừng phạt? Vậy thì trước đó, hãy tự ngẫm lại xem họ là cái gì trong xã hội đã. Chẳng phải là họ đang sống ở đất nước này và đã thỏa thuận với chính phủ như thế nào với tư cách là một công dân? Đó là nhất định tuân thủ tôn trọng quốc pháp và nhận được sự bảo vệ che chở của chính phủ đó sao?

Nếu như có bất mãn với nền chính trị của đất nước, hoặc cảm nhận thấy có nhiều kẻ định xâm phạm thế chế thì bình  tĩnh kháng nghị sự tình đó lên chính phủ. Tại sao lại phớt lờ, qua mặt chính phủ, tự cho mình cái quyền được phán quyết như vậy? Những người thuộc loại này thường không có cái nhìn tổng thể, họ vừa cứng nhắc lại vừa nóng vội trước tiền đồ của quốc gia. Họ không nắm được nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng như hiện  nay của đất nước, nên cũng không biết phải dùng biện pháp nào để đưa đất nước rời khỏi tình cảnh hiện tại.

Thử nhìn lại xem, trong lịch sử đông tây cổ kim đã có vụ ám sát chính trị nào làm cho thế giới này tốt hơn, làm cho con người trong xã hội trở nên hạnh phúc hơn chưa?

Luật cần rõ ràng, đơn giản nhưng phải nghiêm minh:

Những người không tôn trọng phép nước, không thấy sự quý giá của quốc pháp, ngoài mặt luôn tỏ vẻ nghiệm chỉnh, đứng đắn, nể sợ cán bộ công quyền, nhưng bên trong thì ngấm ngầm vi phạm luật pháp mà không chút mảy may hổ thẹn. Họ luôn tìm mọi kẽ hở trong luật để luồn lác, né tránh. Những kẻ giỏi luồn lách luật lại được dư luận khen ngợi là “tài ba”. Họ rất khoái chí khi khoa khoang cùng đồng bọn về thủ đoạn của mình: “Bề ngoài phải làm như thế này. Muốn tránh được luật thì phải làm thế kia”. Tệ hại hơn, họ còn bí mật móc ngoặc với các công chức, để tạo lợi thế cho họ trong công việc làm ăn. Đổi lại là hai phía cùng chia chác món hời, cùng tham nhũng và giấu nhẹm tội lỗi.

Phải thừa nhận rằng “đại pháp do các đấng bề trên” lập ra có nhiều điểm rất nhiêu khê, phiền phức, thậm chí có khi còn trái hẳn với thực tế, nên mới xảy ra tình trạng như trên. Nhưng, nếu xem xét vấn đề trên góc độ chính trị của một quốc gia thì cá vụ việc đó là những tập quán xấu đáng sợ. Một khi coi thường luật pháp, quốc dân đã trở thành những người không trung thực với đất nước, thản nhiên vi phạm luật, dửng dưng trước mọi tội lỗi.

Ví dụ như khi chính quyền đề ra luật “Cấm tiểu tiện không đúng chỗ”. Vậy mà không ít người trong chúng ta lại coi thường lệnh cấm này, thản nhiên “tè” bậy, miễn sao đừng để cảnh sát trông thấy là được. Bị phát hiện, họ không tỏ ra hối hận nhận mình sai trái, mà lại còn kêu ca “người khác cũng thế sao không bắt, lại chỉ bắt có mình tôi”, rồi tự than vãn cho “cái số không may” của mình.

Tôi chỉ còn biết than trời trước tình trạng thản nhiên coi thường phép nước như vậy.

Vì thế, chính phủ khi làm luật cần phải đơn giản và rõ ràng. Và luật pháp phải được thực hiện nghiêm minh. Mặt khác, quốc dân chúng ta nếu nhận thấy luật đưa ra còn nhiều điểm bất tiện thì phải cùng nhau tranh luận và kháng nghị với chính phủ một cách thằng thắn, không ngần ngại. Và cũng phải hiểu rằng một khi luật đó đang được áp dụng thì trước hết phải chấp hành luật cái đã. Vì đó là nghĩa vụ của quốc dân.

Bộ máy hành chính với những quan chức “đầu gỗ”:

Mới đây, trường Keio chúng tôi có một vụ việc.

Số là, từ năm kia trường chúng tôi được nhà quý tộc Ota Sukeyoshi tài trợ cho một khoản tiền để thuê một người Mỹ sang giảng dạy. Hết hạn hợp đồng, ông ta về nước. Chúng tôi tìm được người khác sang thay và đã thỏa thuận xong với người mới về mọi điều khoản.

Nhà quý tộc Ota bèn gửi đơn đến Bộ Giáo dục ở Tokyo, đề nghị chấp thuận cho người Mỹ này đang có mặt tại trường giảng dạy về Văn học Mỹ. Thế nhưng, theo quy chế mà Bộ giáo dục ban hành thì “không chấp nhận cho các giảng viên người Mỹ nếu không xuất trình được bằng tốt nghiệp khao học tại Mỹ cho dù chi phí thuê là do cá nhân tài trợ cho trường tư thục”. “Người Mỹ này không xuất trình bằng tốt nghiệp nên Bộ không thể cho phép ông ta giảng dạy về Văn học Mỹ. Còn nếu dạy tiếng Anh thì được”.

Tokyo đã phúc đáp thư thỉnh cầu của nhà quý tộc Ota như trên.

Thấy vậy, tôi bèn viết đơn gửi lên Bộ để trình bày cụ thể hơn. Trong đơn tôi viết: “Quả thật người Mỹ này không có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu của Bộ, nhưng chúng tôi xét thấy rằng năng lực của ông ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cho học sinh của nhà trường, nên chúng tôi mong Bộ cấp phép. Nếu chúng tôi ghi trong đơn đề nghị “ông ta sang Nhật để dạy ngoại ngữ” thì mọi việc sẽ xong. Nhưng trường chúng tôi vốn có nhu cầu học về Văn học Mỹ, nên chúng tôi mới viết đơn đề nghị chính thức. Vả lại dối trá với quý Bộ bằng cách xin một đằng làm một nẻo thì lương tâm của chúng tôi lại càng không cho phép”. Nhưng Bộ vẫn giữ nguyên tắc của mình và trả lại toàn bộ hồ sợ đề nghị của tôi.

Chằng còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải xin lỗi và không thể tuyển dụng người Mỹ ấy. Cuối tháng 12 năm ngoái, ông ta trở về Mỹ. Kế hoạch giúp đỡ trường của nhà quý tộc Ota vì thế cũng tan thành mây khói. Hàng trăm học sinh cũng mất hết hi vọng.
Đại học Keio ngày nay

Thật ra, không chỉ riêng trường tư thục của tôi bị ảnh hưởng mà phải nói rằng quyết định của Bộ là rào cản nặng nề cho nền giáo dục của cả đất nước. Bao công sức trở nên vô tích sự. Sự tức giận vì những quy định ngu ngốc trào lên trong chúng tôi.

Nhưng vì đó là nguyên tắc, luật pháp nên phải tuân thủ, không thể làm khác. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn đề nghị.

Chỉ riêng việc này, trướng chúng tôi họp đi họp lại cả chục lần. Đa số ý kiến nghiêng về việc xóa chữ Văn học, thay vào đó là chữ Ngoại Ngữ. Làm như vậy cũng chỉ vì lợi ích của học sinh thôi chứ có làm gì xấu đâu.

Kết cục là trường chúng tôi không thuê được giảng viện. Cho dù việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hội và học sinh nhà trường nhưng cũng không vì thế mà chúng tôi lừa gạt cơ quan công quyền. Để đạt được mục đích mà phải dối trá thì thật đáng hổ hẹn vì chúng ta là những học giả chân chính, những người sống luôn phải tuân thủ pháp luật. Phương sách tối ưu là không làm sai bổn phận cơ bản của quốc dân một nước. Và cũng vì thế mà dẫn tới quyết định như tôi kể ở trên.

Trên đây là một ví dụ liên quan tới việc giải quyết chuyện học hành ở một trường tư thục. Đọc tơi đây, các bạn có thể cho là tưởng chuyện gì ghê gớm lắm chứ sự việc cỏn con thế này không đáng bàn luận. Nhưng nếu chúng ta cùng cảm nhận nguyên nhân của sự việc thì tôi nghĩ là nó hệ trọng tới cả một nền giáo dục quốc gia.
Với chủ ý đó tôi xin được kết thúc bài viết ở đây.

Tháng 2 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Lạm bàn về trí thức và ngụy trí thức

Tôi là bác sĩ. Người đời thường xếp tôi và những người tốt nghiệp đại học (học thật chứ không phải học giả như bây giờ) là “trí thức”. Không biết tự bao giờ, người ta xếp những người “có học” là thành phần trí thức, nhưng tự trong thâm tâm, tôi không bao giờ nghĩ mình là bậc trí thức. Những đồng nghiệp tôi cũng không nghĩ họ là trí thức. Tôi không thấy những người mang chức danh “giáo sư”, “tiến sĩ” nhan nhản trong ngành y là trí thức, không phải vì những chức tước đó là do mua bán, mà vì họ chẳng có phát kiến gì có ảnh hưởng ngoài nghành nghề của mình. Thật ra, ngày nay, mỗi lần nghe ai đó giới thiệu “giáo sư, tiến sĩ” là tôi tự động khinh bỉ ngay! Tôi khinh bỉ vì tôi biết khả năng là những tước danh như thế là dỏm, và bản thân những người đó không xứng đáng được gọi như thế, chứ nói gì đến hai chữ “trí thức”.

Tôi nhìn thầy của mình như GS Trần Ngọc Ninh là bậc trí thức. Không phải vì Thầy có bằng cấp cao và chức danh giáo sư, nhưng vì Thầy là người uyên bác có đóng góp ngoài lĩnh vực chuyên môn của Thầy. Tôi coi cụ Nguyễn Hiến Lê là bậc trí thức, không phải vì cụ có học thức cao (thật ra, cụ chưa bao giờ tốt nghiệp đại học), mà vì những đóng góp vô giá của cụ cho xã hội qua những tác phẩm của cụ. Tôi xem cụ Đào Duy Anh, cũng chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, là một bậc trí thức.

Hai cảm nhận trên để tôi đi đến một kết luận: Học vấn cao hay lao động trí óc không phải là một đặc tính làm nên người trí thức.

Thế thì trí thức là gì? Tôi mới đọc được một từ rất hay từ web của GS Nguyễn Văn Tuấn. Đó là từ nguỵ trí thức. Ông không giải thích cụ thể thế nào là nguỵ trí thức (có lẽ là pseudo-intellectual?), do đó ở đây tôi cố gắng bổ sung ý nghĩa chữ đó. Theo cảm nhận của tôi, nhận ra những đặc điểm của nguỵ trí thức cũng là cách để chúng ta phân biệt với trí thức chân chính. Theo tôi, những đặc tính sau đây có thể giúp chúng ta nhận dạng một người trí thức chân chính để phân biệt với những nguỵ trí thức.

Vượt tầm: Người trí thức chân chính không chỉ là người có chuyên môn cao, mà còn phải có những đóng góp ngoài chuyên ngành của mình. Có chuyên môn cao là một intellectual worker (có lẽ dịch là người lao động trí óc) như có người định nghĩa trên trang web của GS Nguyễn Văn Tuấn. Người trí thức đi ra ngoài phạm vi chuyên môn của một intellectual worker, bằng cách đóng góp ý kiến, phản biện những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, triết học … GS Trần Ngọc Ninh, BS Nguyễn Khắc Viện là những người của ngành y, nhưng các bậc đàn anh đó còn là những nhà văn hoá có tiếng. Họ xứng đáng là những intellectual – nhà trí thức. Người trí thức chân chính không chỉ có tầm mà còn có tâm. Họ đau đáu lo chuyện quốc gia đại sự dù họ không có quyền.

Khiêm tốn: Người trí thức là những người khiêm tốn, vì họ ý thức được rằng kiến thức của mình còn hạn chế. Khiêm tốn tri thức còn có nghĩa người trí thức không khẳng định những gì mình chưa biết hay chưa có chứng cứ. Dĩ nhiên, khiêm tốn ở đây cũng có nghĩa là người trí thức không nên tự phụ, kiêu căng, khoác lác, kiêu ngạo, mà phải sử dụng logic và chứng cứ để phát biểu một cách hợp lý. Việt Nam không thiếu những người cũng mang danh giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhưng kỳ thực là họ không có kiến thức uyên bác về lĩnh vực họ phát biểu. Thay vào đó là những khoa ngôn, rừng chữ cầu kỳ, màu mè, mà chính họ cũng không hiểu họ nói gì. Những kẻ đó tôi gọi là nguỵ trí thức. Giới báo chí thường hay bị lừa bởi những nguỵ trí thức. Mới đây đã xảy ra trường hợp một ông bác sĩ hay dùng những từ ngữ triết học cao siêu được mời viết bài và giảng ở Đại học quốc gia TPHCM, nhưng chỉ vài ngày thì người ta phát hiện ông ta chỉ là loại nguỵ trí thức.

Can đảm, dấn thân: Người trí thức thật sự khác với trí thức trùm chăn. Trí thức trùm chăn là những kẻ cũng có bằng cấp cao, cũng danh xưng đầy mình, cũng lao động trí óc, nhưng không có khả năng hình thành một quan điểm độc lập. Họ là những người nằm trong một tổ chức, như Đảng CSVN. Họ có thể nhận ra những gì Đảng dạy là sai, nhưng họ không dám nói ra, chỉ “trùm chăn” hay đóng vai 3 con khỉ không muốn nghe, không muốn thấy, và không muốn nói. Loại này thì có nhiều ở Việt Nam. Ở bàn nhậu họ phát biểu rất hăng, nhưng khi họp chi bộ thì họ là những con mèo đáng thương hại. Ngược lại với loại trí thức dỏm (trùm chăn) đó là trí thức thật, những người không khi nào chấp nhận lý lẽ của người khác một cách dễ dãi, không bao giờ chấp nhận giáo điều, không bao giờ khuất phục trước những kẻ quyền thế. Đặc tính can đảm đặt người trí thức ở tình thế có khi nguy hiểm. Nếu Đảng dạy trí thức phải là a, b, c, mà người trí thức phản biện (với lý lẽ) không phải như thế thì người trí thức sẽ đối đầu với rủi ro. Người trí thức chân chính chấp nhận rủi ro đó. Còn nguỵ trí thức thì chỉ việc đi theo đường hay học thuộc bài Đảng đã dạy.

Thấu cảm: Người trí thức chân chính lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu họ. Đặc tính này có tương quan với khả năng hình thành quan điểm và lý trí của người khác, và lý giải từ những giả định, tiền đề và ý tưởng của chính mình. Thấu cảm còn có nghĩa là người trí thức sẵn sàng chấp nhận mình sai cho dù mình tin tưởng rằng mình đúng. Những loại trí thức dỏm không có đặc tính thấu cảm, bởi họ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Họ có thể là những người ở nước ngoài, không chịu sự chi phối của các nhóm quyền lực chính trị, nhưng họ sẵn sàng lớn tiếng lên tiếng lên lớp đồng môn trong nước là “phản biện trung thành” và lấy làm hài lòng sự lên lớp của mình.

Liêm chính: Người trí thức chân chính là người áp dụng những quy chuẩn khoa học để đánh giá những lý giải và chứng cứ của mình, chứ không phải dễ dãi với những gì mình tin tưởng. Nói cách khác, người trí thức dùng quy chuẩn khoa học chẳng những cho người khác mà còn cho chính mình. Điều này đòi hỏi người trí thức phải thành thật chấp nhận những quan điểm khác với mình. Đặc tính này tương phải với nguỵ trí thức, những kẻ không có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác, không đủ can đảm để ghi nhận phê bình của người khác. Nguỵ trí thức cũng là loại trùm chăn, vì đầu óc họ (cũng lao động trí óc) chỉ biết có một quan điểm, chỉ tin vào một thần tượng. Bất cứ ai phê bình thần tượng của họ, họ nổi nóng và lảm nhảm. Một loại nguỵ trí thức khác là lên giọng dạy người khác rằng khi phản biện phải có am hiểu vấn đề nhưng bản thân họ thì chẳng có bất cứ một kiến thức nào về vấn đề họ phản biện. Đó là loại nguỵ trí thức tiền hậu bất nhất, một tiêu chuẩn cho mình, một tiêu chuẩn cho người khác.

Kiên trì và trung thành: Người trí thức chân chính là người trung thành với lý tưởng của mình, tin rằng lý tưởng đó sẽ làm cho xã hội tốt hơn. Họ kiên trì theo đuổi những sự thật hay nguyên lý mà họ tin tưởng, bất chấp những khó khăn, cản trở, và đe doạ. Khác với trí thức chân chính, nguỵ trí thức thay đổi quan điểm khi có điều kiện. Hôm nào họ tích cực tham gia phản biện dự án bauxite, nhưng sau một thời gian có lẽ bị uốn nắn, họ quay sang nói trí thức không cần phản biện!

Căn cứ vào những đặc tính trên, tôi nghĩ ở Việt Nam rất khó có một giai cấp trí thức chân chính. Chúng ta không có cơ hội để phản biện trên báo chí thì làm sao vượt tầm được. Nền học thuật còn chưa có tự do thì làm sao chúng ta có cơ hội công bố những quan điểm học thuật. Thay vào đó, chúng ta có rất nhiều nguỵ trí thức. Trong số này phải kể đến chính những người đã làm ồn ào không gian cyber với định nghĩa thế nào là trí thức.

Nguồn: BS. Ngọc

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Nói về khái niệm "vong thân" trong học thuyết Mác

Karl Marx (1818 - 1883)
Học thuyết Mác, ít ra là thời trẻ hay trong giai đoạn đầu vẫn thường hay nói đến khái niệm sự vong thân. Nên nói cách khác, hai cái cốt lõi tạo nên hệ thống lý thuyết của Mác là ý niệm vong thân và ý niệm xã hội cộng sản không giai cấp.

Điều này đúng ra cả những người cộng sản và những người phản đối cộng sản tức phản đối mác xít ngày nay phải cần nên biết. Bởi vì có hiểu sâu về hai phần này mới thật sự hiểu rõ về Mác, và ý nghĩa cộng sản mới trở nên tự giác mà không phải mơ hồ, cũng như ý nghĩa không thích cộng sản mới trở nên có cơ sở mà không phải chỉ mù quáng hoặc hoàn toàn cảm tính. Tất nhiên nói như vậy là nói đối với những người có lý tưởng theo đuổi hay có tinh thần vì xã hội thật sự mà không phải chỉ vì các thị hiếu nhất thời hay các quyền lợi riêng nhỏ hẹp hay cá nhân của mình.

Vậy ý nghĩa của khái niệm sự vong thân là gì ? Ý niệm sự vong thân (alienation) khởi thủy xuất phát từ nhà triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 –1831), là nhà triết học duy tâm người Đức nổi danh và đã được Karl Heinrich Marx (1818 –1883), tức Mác, nhà tư tưởng duy vật lấy lại. Hegel cho khởi thủy của tồn tại vũ trụ là Tinh thần như một thực thể ngầm ẩn, vô hình, nhưng mang tính siêu nhiên tuyệt đối. Khi thực thể Tinh thần đó tự phóng mình ra bên ngoài nó để trở thành tồn tại vũ trụ và thế giới cụ thể, đó chính là sự vong thân của nó. Vong thân có nghĩa là tự đánh mất bản thân của mình để trở thành cái gì đó trái lại, hay khác hẳn với mình.

Mác đã lấy lại ý tưởng cơ bản này của Hegel, nhưng ông là nhà duy vật, nên đã chủ trương lật ngược Hegel lại như ông vẫn nói, và khái niệm vong thân được dùng hoàn toàn trong ý nghĩa con người nơi xã hội. Mác cho rằng xã hội tư bản chủ nghĩa là xã hội vong thân, giai cấp tư bản vong thân và giai cấp công nhân cũng vong thân. Giai cấp tư bản vong thân vì chỉ biết chạy theo lợi nhuận, lấy đồng tiền làm mục đích mà đánh mất bản thân con người tự nhiên của mình. Giới công nhân cũng vong thân, vì sản phẩm kinh tế mình làm ra không phải của mình mà là sở hữu của người khác, tức là giới tư bản, coi như vong thân trong cuộc sống nghèo khổ và trong lao động không nhằm cho chính mục đích riêng. Mác lấy ví dụ công nhân xây nhà nhưng nhà đó là của người khác, không phải sở hữu của mình.

Từ trên cơ sở đó, Mác cho rằng nguồn gốc của vong thân nơi con người và xã hội chính là quyền tư hữu. Bởi vậy để chống lại vong thân, hay xóa bỏ vong thân và cứu vớt xã hội, cứu vớt con người, trả lại bản thân tự có cho con người, thì nhất thiết phải tiêu diệt quyền tư hữu, tiến tới xã hội cộng sản trong tương lai không còn giai cấp, không còn sự vong thân. Bài toán giải quyết về mặt kinh tế xã hội của Mác chính là sự làm ăn tập thể, theo kế hoạch hóa của toàn xã hội mà không theo nguyên tắc tự đầu tư kinh doanh của giai cấp tư bản làm ăn cá thể và riêng lẻ nữa. Đây cũng là chính sách kinh tế tập thể thời Lênin, thời công nông trường ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, hay giai đoạn kinh tế bao cấp và làm chủ tập thể hợp tác xã thời kỳ Lê Duẩn ở Việt Nam.

Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy việc làm ăn tập thể hay sự hợp tác hóa sản xuất theo mô hình công nông trường đã hoàn toàn thất bại từ cả thời Lênin, đến cả thời Mao Trạch Đông và thời của Lê Duẩn. Các chính sách đổi mới của Liên Xô, của Trung Quốc, và sau này của Việt Nam đều đã cho thấy điều đó. Có nghĩa lý luận kinh tế xã hội của Mác đã không dựa trên thực chất tâm lý khách quan, tự nhiên của cá nhân con người mà chỉ suy đoán kiểu trừu tượng, tưởng tượng, tư biện thuần túy nên thực tế đã xa rời thực tại và bị thất bại.

Nhưng ở đây không cần mở rộng ra thêm mà chỉ quy lại ý nghĩa của khái niệm vong thân. Nói khác Mác cho rằng trong xã hội tư bản hay tư sản, con người vong thân về mặt kinh tế, mặt xã hội, mặt tinh thần, hay nói chung là cả mặt đời sống và mặt văn hóa. Mác cho rằng xã hội tư bản là xã hội suy đồi về văn hóa, nên phải giải phóng nó để tạo nên xã hội vô sản cũng là nhằm chấm dứt mọi sự vong thân. Tuy nhiên, thực tế, khi Lênin lần đầu tiên thiết lập nền chuyên chính vô sản, thì hầu mọi cá nhân đều phải tuân thủ một cách triệt để máy móc theo lệnh lạc của nhà nước, mà đỉnh cao nhất là xã hội chuyên đoán toàn diện thời Stalin, cũng có nghĩa mọi sự vong thân của cá nhân và xã hội đều đã đạt đến đỉnh điểm cao nhất. Dưới thời của Mao Trạch Đông và thời kỳ ang ca của khmer đỏ đều không khác gì điều ấy. Nguyên [cả] xã hội đánh mất bản thân chính mình, thành tuyệt đối giả đối, thành ra bản thân khác, con người khác với điều tự có ban đầu trước đó của mình. Khái niệm chống vong thân của Mác đã trở thành như cái bumêriêng của thổ dân Úc châu khi ném đi lại quay về chính chỗ khởi điểm của nó.

Có nghĩa mọi sự vong thân của cá nhân và xã hội con người trong các chế độ toàn trị đều thật sự hết sức nặng nề, không bất kỳ cá nhân nào thoát ra khỏi được, và nó thành xã hội vong thân toàn diện nhất, còn hơn cả trong chế độ tư bản mà Mác đã từng lên án. Bởi vì khi mọi người không còn có quyền phê phán, không có quyền ngôn luận đúng nghĩa, luôn luôn phải đánh mất bản thân mình vì sợ hãi sự nguy hiểm do người khác mang lại, thì quả cá nhân đó cũng tự đánh mất chính bản thân hay toàn thể xã hội không còn tự chủ, không còn khách quan, tự nhiên nữa, thì đó nếu không phải là sự vong thân thì gọi là gì tất mọi người cũng đều thấy.

Thời kỳ miền Nam cũ trước đây, các Giáo sư triết học như Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung v.v… ở Đại học Huế và Đại học Sài gòn đều hay thích nói đến Mác và đến ý nghĩa vong thân của con người và xã hội mà chính Mác đề ra và nhấn mạnh. Nhưng thật sự, từ sau năm 75 trở lại đây không còn nghe trong xã hội có ai còn nhắc đến khái niệm vong thân của Mác nữa. Hầu như người ta đã quá quen với sự vong thân nên coi nó như không còn nữa hay cũng không còn gì để nói khi hoàn cảnh xã hội đã hoàn toàn biến chuyển và đổi khác.

Thế nhưng nếu theo ý nghĩa sự vong thân của Mác, thì mọi sự biến đổi con người xa rời với chính bản thân mình chính là sự vong thân thực chất hay thực tế nhất. Chẳng hạn trong giáo dục nếu chỉ theo một chiều, trong truyền thông đại chúng nếu mọi nguồn thông tin đều không khách quan hay có sự định hướng hoặc hạn chế, làm cho cá nhân và xã hội đi xa trong cự ly đối với sự thật vốn có về nhiều phương diện hay về mọi mặt, thì đó nếu không phải tạo nên chính các cá nhân hay toàn xã hội vong thân thì gọi là gì. Có nghĩa chính những điều ban đầu do Mác hăng hái và lý tưởng hô hào cũng như chủ trương, cuối cùng chỉ đi ngược lại với chính ý nguyện ngay tình của Mác nơi xuất phát điểm của Mác, có phải chăng là chuyện gậy ông đập lưng ông khiến cho bao người buộc phải suy nghĩ.

Nên nói chung lại, cả về mặt kinh tế xã hội chính trị lẫn quan điểm nhân bản, hầu như mọi lý tưởng ban đầu của Mác thực sự trong thực tế đều bị phản lại. Kiểu như trường hợp Tố Hữu đã từng làm thơ khóc Stalin một cách trình diễn và giả dối, đó quả là sự vong thân thượng đẳng nhất. Đó chính là sự tự đánh mất bản thân mình vì người khác, và cũng khiến cho nhiều người khác phải vong thân theo nhất là giới học sinh đọc các tác phẩm thi ca của Tố Hữu, thật quả là hệ thống vong thân dây chuyền mà có lẽ chính bản thân Mác ban đầu cũng không hề tiên liệu hay không hề ngờ tới. Vậy kết luận lại, Mác ngay từ đầu đã tự mình vong thân, hay ông chỉ khiến cho người khác vong thân, hoặc chính những người theo ông chỉ nhân danh ông để phản lại ông, và khiến cho ông đã trở thành chính tác giả đầu tiên cho sự vong thân toàn diện và đại trà nhất trong một giai đoạn đã vốn kéo dài rất lâu của toàn thể lịch sử xã hội loài người mà trước đó có thể chưa hề bao giờ có.

Võ Hưng Thanh

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Khuyến học: Phần V - Lòng quả cảm của con người sinh ra từ đâu?

PHẦN V. LÒNG QUẢ CẢM CỦA CON NGƯỜI SINH RA TỪ ĐÂU?
>> Khuyến học, 1, 2 ,3 4, 5, 6, ...

Khi viết “Khuyến học”, tôi vốn có ý định là cung cấp “sách nhập môn” hoặc “sách giáo khoa bậc tiểu học” cho độc giả. Cho nên từ Phần Một đến Phần Ba, tôi chủ tâm dùng nhiều tục ngữ, khẩu ngữ và câu văn cũng gắng viết sao cho độc giả dễ đọc, dễ hiểu.

Từ Phần Bốn trở đi, tôi thay đổi đôi chút cách hành văn, có đôi chỗ sử dụng những từ ngữ hơi khó hơn.

Riêng Phần Năm này – ghi lại bài nói của tôi trong buổi họp mặt của hội Kejo, nhân dịp ngày đầu năm, mồng Một tháng Giêng năm Minh Trị thứ bảy – mang văn phong giống như Phần Bốn. và tôi e rằng sẽ khó hiểu hơn đối với bạn đọc.

Vì Phần Bốn và Phần Năm này tôi muốn nhắm tới đối tượng là sinh viên và muốn luận đàm với họ.

Trong xã hội, sinh viên nói chung xem ra có vẻ uể oải., thiếu sinh lực. Nhưng họ có năng lực đọc rất tốt. Đối với họ, vấn đề càng khó càng muốn tìm hiểu. Vì vậy, cả hai Phần Bốn và năm này, tôi không ngần ngại đưa ra vấn đề khó và nội dung bài viết cũng được nâng lên một cách tự nhiên. Tôi cũng thành thật tạ lỗi với các bạn mới học, vì đã làm sai chủ ý ban đầu của “Khuyến học”.

Từ phần Sáu, tôi sẽ trở về với ý tưởng mục tiêu ban dầu, viết sao cho dễ hiểu, kiên quyết loại bỏ các từ khó, câu khó, nghĩa khó. Mong bạn đọc thong cảm cho ý tôi ở hai phần Bốn và Năm này, chứ đừng vì thế mà đánh giá toàn bộ cuốn sách mà tôi đã và đang viết sẽ khó hiểu, xa rời với trình độ người học, người đọc.

Đang hạnh phúc thì chớ quên sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục:

“Hôm nay, mồng Một tháng Giêng năm Minh Trị thứ bảy, chúng ta họp mặt tại đây – trường tư thục Kejo, để đón chào năm mới. Niên hiệu Minh Trị là niên hiệu Độc lập của nước ta. Và trường tư thục này cũng là trường độc lập trong xã hội ta. Sum họp ở trường độc lập, đón năm mới độc lập, chúng ta thật vui sướng. Nhưng khi đang hân hoan sống trong niềm vui sướng, chúng ta cũng không được phép quên rằng, sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục, buồn khổ.

Từ xa xưa, nước ta đã bao lần hết lâm vào cảnh hoạn nạn, qua thanh bình, rồi lại loạn lạc. Chính quyền cai trị trên đất nước ta cũng biết bao lần hưng thịnh, suy vong. Nhưng chúng ta chưa bao giờ cảm thấy mất độc lập, mất nước. Vì quốc dân chúng ta đã quen với tập quán, phong tục của một đất nước “bế quan tỏa cảng”, đất nước đóng cửa với nước ngoài.

Đóng của với nước ngoài suốt bao đời nay nên đất nước ta chưa từng đứng trước nguy cơ bị nước ngoài xâm lăng, chưa từng rơi vào nguy cơ bị chiến tranh xâm lược. Và một khi đã cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài thì việc loạn lạc hay thanh bình chỉ là vấn đề trong nhà giữa người dân ta với nhau mà thôi.

Dân tộc ta đã từng kinh qua biết bao cuộc chiến tranh, nhưng đó chỉ là nội chiến giữa các thế lực trong nước với nhau. Chính quyền có thay đổi cũng chỉ là thay đổi từ thế lực này qua thế lực khác, và vẫn là thế lực Nhật Bản. Chính vì thế mà chúng ta chưa từng mất nước, mất độc lập dân tộc. Điều nay cũng giống như những đứa trẻ sinh ra và được nuôi nấng, chăm bẵm trong vòng tay bảo vệ chặt chẽ của người trong dòng họ, những đứa trẻ đó chưa từng một lần va vấp với cuộc sống bên ngoài gia đình. Những đứa trẻ như vậy chắc hẳn sẽ yếu ớt khi bước ra ngoài xã hội

Hiện nay, việc giao thương với phương tây ngày một mở rộng. Mọi mối bang giao quốc tế đều ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lãnh vực trong nước. Chúng ta đang ở trong tình thế tất cả mọi thứ đều phải xử lý trên cơ sở tính toán hơn thiệt với phương tây. Trình độ của nền văn minh hiện có ở nước ta là kết quả của bao đời ông cha chúng ta tự lực làm nên, nhưng nếu đem so với phương tây thì rõ ràng “mình mới bước được một bước thì người ta đã nhảy ba bước”. Đã chậm hơn phương tây thì đương nhiên phải học, ừng này trong chúng ta lại nảy sinh tư tưởng chỉ biết ngồi bi quan than thở; vì họ chạy nhay như vậy, ta có cố mấy cũng chẳng làm sao mà bằng được phương tây.

Và đến bây giờ chúng ta mới cảm nhận được một thực tế là nền độc lập của nước ta sao mà mong minh, yếu ớt đến thế khi đứng trước sức mạnh của phương Tây.

 Tinh thần, chí khí độc lập là điểm xuất phát của mọi vấn đề:

 Không thể đánh giá được công cuộc khai hóa văn minh của một nước nếu chỉ nhìn vào diện mạo bề ngoài không thôi. Dù chính phủ Minh Trị có tự mãn đến mấy vì đã xây dựng được rất nhiều trường học, nhà máy xí nghiệp, xây dựng lục quân hải quân, thì tất cả những thứ đó cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài, chỉ là “phần xác” của một quốc gia văn minh. Để hoàn thiện hình thức bề ngoài thì rất đơn giản. Vì chỉ cần có tiền. Có tiền thì xây được trường học, mua được máy móc, dựng được nhà xưởng, trang bị sung ống tàu bè cho quân đội.

Nhưng, có một vấn đề không hiện ra thành hình ở đây. Vấn đề này mắt không nhìn thấy, tai không nghe được, không thể mua bán, không thể vay mượn. Nó liên quan tơi hết thảy người Nhật bản chúng ta. Nó ảnh hưởng rất mạnh. Không có nó, thì mọi hình thái của văn minh như những gì mà tôi đã nêu ra ở trên đều không thể phát huy được hiệu quả trong thực tế. Nó là cái quan trọng nhất cà phải được coi là “phần hồn” của văn minh. Vậy đó là cái gì?

Đó chính là: “Chí khí độc lập của nhân dân, tinh thần độc lập của nhân dân”.

Thời gian qua, chính phủ nước ta ra sức xây dựng trường học, chấn hưng xí nghiệp nhà xưởng, cải cách quân đội. Và hầu như đã hoàn tất diện mạo bề ngoài, “phần xác” của một nước văn minh trên đất Nhật Bản. Thế nhưng, cái quan trọng nhất mà chúng ta thiếu đó là chí khí, tinh thần của nhân dân để đưa đất nước thực sự độc lập, thực sự bình đẳng với phương tây. Nhân dân ta cũng không có cả chí khí tinh thần quyết không để đất nước thua kém phương Tây. Và không chỉ nhân dân không có chí khí đó, tinh thần đó, mà ngay cả những quan chức chính phủ - những người có trách nhiệm phải tìm hiểu phương tây – cũng thế, chưa tìm hiểu thì họ đã tặc lưỡi buông xuôi, vì chính họ cũng mang tâm lý tự ti, mặc cảm trước phương Tây. Đã tự ti và mặc cảm như vậy thì còn đầu óc đâu để mà tỉnh táo nắm bắt tình hình được nữa.

Vấn đề chính là ở chỗ: Nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng.

 Vận hội sẽ hé mở ở những nơi phát huy được chí khí của mình:

 Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên khắp đất nước. Từ quân đội, học thuật, công thương nghiệp cho tới cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, không cái gì mà chính phủ không nhúng tay vào. Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu vậy. Đất nước ta như quần đảo không người ở. Nhân dân ta mang tư tưởng như những kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất này. Và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi. Vì thế, đối với người dân, vận mệnh quốc gia không dính dáng gì đến mình cả, không phải là nơi để phát huy chí khí. Tư tưởng này bao trùm khắp mọi miền đất nước.

Trên thế gian này, mọi sự vật nếu không tiến bộ ắt sẽ thụt lùi. Còn nếu nỗ lực thì không thể thụt lùi mà chắc chắn sẽ tiến về phía trước. Chẳng có sự vật nào lại không lùi không tiến mà chỉ dẫm chân tại chỗ cả.

Nhìn vào xã hội nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng như hình thái văn minh đang tiến lên, nhưng “phần hồn” của văn minh thì ngày càng suy giảm. Tôi muốn nói với các bạn thế này: ngày xưa, dưới thời phong kiến Mạc phủ, chính quyền chỉ dùng sức mạnh cai trị dân. Nhân dân do yếu thế nên chỉ còn có cách là ngoan ngoãn phục tùng chính quyền, nhưng trong bụng thì không phục chút nào cả. Học sợ sức mạnh của chính quyền nên phải theo, và bề ngoài phải tỏ ra phục tùng.

Hiện nay, chính phủ Minh Trị không những có sức mạnh mà còn có cả trí tuệ nữa. Chính phủ Minh Trị đang đảm đương, xử lý mọi vấn đề bằng sự mẫn cảm,  hết sức nhanh nhậy.

Chưa đầy 10 năm sau khi lên nắm quyền, chính phủ đã cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục, quân đội, xây dựng hệ thống đường sắt, thành lập mạng lưới bưu điện, điện tín, xây dựng nhưng công trình kiến trúc bằng đá, xây dựng hệ thống cầu cống bằng sắt thép… Tính quyết đoán, năng lực hành động và những kết quả đạt được của chính phủ thu hút sự quan tâm chú ý của dân chúng.

Nhưng trường học là trường học của chính phủ, quân đội là quân đội của chính phủ. Đường sắt, bưu điện, điện tín, công trình kiến trúc bằng đá, cầu cống bằng sắt thép cũng như vậy. tất cả đều của chính phủ.

Người dân suy nghĩ về những việc trên như thế nào? Và dân chúng nói với nhau ra sao? Họ bảo rằng: “Chính phủ hiện nay vừa có sức mạnh vừa có đầu óc, nên chẳng ai có thể đọ nổi. Chính phủ ở trên cao trị quốc, mọi thứ đã có chính phủ lo nghĩ và làm cho rồi. Còn chúng ta là loại dân đen ở dưới, cứ có cái ăn để sống là được. Việc nước là chuyện đại sự, là việc của “các quan trên”, chứ đâu phải việc của lũ dân đen mình mà lo”.

Nhưng tôi xin phân tích thế này: chính quyền phong kiến Mạc phủ trước đây, chỉ biết dùng quyền lực để cai trị, còn chính phủ Minh Trị hiện nay, dùng cả sức và trí để cai trị. Chính quyền cũ không biết thủ thuật để cai trị dân, còn chính phủ mới bây giờ thì ngược lại. Chính quyền cũ dùng mọi cách làm tê liệt, làm rã rời sức dân, chà đạp tới tận cùng chân tơ kẽ tóc của dân, quy định cả cách ăn mặc, đi đứng của mọi thành phần trong xã hội, trừng phạt nghiêm khắc mọi sự lẫn lộn. Còn chính phủ hiện nay thì cai trị khéo léo tới mức người dân bị lấy mất cả “hồn lẫn xác” mà cũng không hay. Vì thế dân ta thời trước sợ chính quyền như sợ ma quỷ, còn dân ta ngày nay thì tôn chính quyền lên như thần thánh để thờ.

Nếu nhân dân ta không tỉnh ngộ, không nhận ra sự “lầm tưởng” mà cứ thế quen dần với tình trạng như hiện nay, thì chính phủ có đổ công đổ của để hoàn thiện “cái vỏ” căn minh nhiều đến đâu đi nữa cũng chỉ tổ làm cho khí lực trong dân ngày một mất đi và như thế tinh thần – phần hồn của văn minh – cũng suy yếu theo.

Lẽ ra phải tự hào về quân đội thường trực của chính phủ là để bảo vệ đất nước, thì ngược lại dân chúng vẫn nhìn quân đội như một công cụ để chính phủ đe dọa và đàn áp. Lẽ ra phải tự hào về trường học, đường sắt – là bằng chững tiến bộ của nền văn minh – thì ngược lại dân chúng coi chúng như vậy phẩm được chính phủ ban tặng. Thói ỷ lại vào chính phủ cứ thế mà gia tăng.

Tình thần độc lập trong nhân dân khô héo, teo tóp như thế, cái gì cũng “sợ hãi” mà trông cậy vào chính phủ của nước mình thì thử hỏi bằng cách nào và làm thế nào mà Nhật Bản chúng ta có thế tranh đấu để văn minh so với phương Tây được?

Vì thế tôi nghĩ: Nếu không vun đắp chí khí độc lập trong nhân dân, mà chỉ lo hoàn thiện cái vỏ bề ngoài của văn minh trên đất nước ta, thì điều đó cũng là vô nghĩa. Ngược lại, cái vỏ văn minh đó chỉ khiến cho lòng dân thêm yếu đuối, hoang  mang.

 Khai phá văn minh là nhiệm vụ của tầng lớp trí thức trung lưu:

 Văn minh của một quốc gia, không phải do chính phủ sang tạo từ trên xuống và cũng không phải do thường dân làm được từ dưới đưa lên. Văn minh của một quốc gia phải do tầng lớp giữa – giai cấp trung lưu – có tri thức, kiến thức, động não trước thời cuộc, suy nghĩ hợp lòng dân thực hiện. Có như vậy mới mong thành công.

Lịch sử của các quốc gia Tây Âu cho thấy sự phát triển công thương nghiệp ở các nước này không phải do chính phủ tạo ra. Mà tất cả đều là thành quả được sinh ra từ sự lao tâm khổ tứ, từ quá trinh lao động trí óc cật lực, từ quá trinh nghiên cứu tìm tòi đầy gian nan vất vả của các học giả thuộc giai cấp trung lưu.

Đầu máy hơi nước là phát minh của Watt. Đường sắt là thành quả công phu của Stevenson. Người nghiên cứu và tìm ra nguyên lý kinh tế là Adam Smith. Họ đều thuộc tầng lớp giữa, không phải bộ trưởng nội các chính phủ và cũng không phải là công nhân trực tiếp sản xuất. Họ thuộc giai cấp trung lưu, có tri thức, tìm tòi nghiên cứu, nhờ đó mà làm thay đổi bộ mặt xã hội.

Để mọi cá nhân có thể nghiên cứu, phát minh và ứng dụng kết quả rộng rãi trong xã hội, giúp ích cho cuộc sống thì cần phải tổ chức các công tu, phải khởi nghiệp trong khu vực tư nhân. Bảo hộ và tạo mọi điều kiện cho các công tu tư nhân phát triển là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính phủ. Khai phá văn minh là công việc của khu vực tư nhân, bảo hộ là công việc của chính phủ. Có như thế thì mọi người dân mới không dửng dưng, mới tự hào “công cuộc  văn minh hóa” là công cuộc của chính họ, chứ không phải là vật sở hữu riêng của chính phủ. Có như thế thì nhân dân mới vui sướng đồng cảm với mọi phát minh sang chế trên đất nước mình và càng muốn đồng lòng hợp sức sao cho mình không thua kém phương Tây. Chỉ có như vậy văn minh mới làm tăng chí khỉ của dân, mới trở thành sức mạnh hậu thuận cho nền độc lập của đất nước.

Thử nhìn vào công cuộc văn minh đang diễn ra trên đất nước ta mà xem, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta đang làm ngược với quy luật.

Ở nước Nhật chúng ta hiện nay, người chủ trương thúc đẩy văn minh, gìn giữ độc lập trước áp lực phương Tây là những người thuộc tầng lớp giữa trong xã hội, là các nhà trí thức và đơn độc chỉ có họ. Nhưng số đó cũng chỉ là thiểu số ít ỏi. Còn đa phần các tri thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý à lo giữ chỗ cho bản thân họ hơn là lo lắng ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều ấy. Đa số các tri thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón  cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Họ thỏa mãn với quyền cao bổng hậu. tệ hại hơn nữa, họ lại tự cao tự đại: “Uyên bác như chúng tôi đã tập trung hết trong hàng ngũ chính quyền rồi, trong xã hội đâu còn ai?”.

Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước. Lẽ ra phải đảm nhiệm vai trò mở mang, nuôi dưỡng văn minh với tư cách của người trí thức, thì học lại vùi đầu vào việc kiếm lợi cho riêng bản thân, họ chẳng bận tâm đến sự thoái hóa của tinh thần học vấn trong xã hội, đất nước ra sao họ cũng mặc. Như thế mà vẫn tự cho mình là trí thức được sao?

Đó là một thực tế đáng hổ thẹn.

May sao, trường tư thục Kejo của chúng ta không có ai chạy theo trào lưu đang thịnh hành nói trên. Kể từ khi sáng lập, dù đơn độc nhưng trường chúng ta chưa bao giờ đánh mất niềm tự hào, dù phải “đơn thương độc mã” trong xã hội hiện tại, chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục vun xới, nuôi dưỡng tinh thần độc lập. Chúng ta chỉ có một mục đích gánh vai nâng đỡ tinh thần độc lập trong nhân dân.

Chúng ta lẻ loi, đang đứng mũi chịu sào trong cơn cuồng phong, trong dòng nước chảy xiết, chúng ta đang phải gồng mình chống chọi với cả một trào lưu đang làm thoái hóa xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta thật khó khăn. Nhưng chính lúc này đòi hỏi chúng ta phải có lòng quả cảm và tinh thần cương quyết.

Dũng khí của con người không sinh ra từ sách vở.

Đọc sách là phương tiện nâng cao học vấn.

Học vấn là phương pháp tiến tới thực tiễn.

Chính kinh nghiệm, sự từng trải sản sinh ra lòng quả cảm.

Hội Kejo chúng ta, bất chấp khó khăn, bất chấp gian khổ, nguyện đem hết tri thức kiến thức có được, xây đắp con đường phát triển văn minh. Để đi tới đó, chúng ta không phân biệt, không từ nan bất kỳ lĩnh vực nào, ngành học nào. Chúng ta làm thương nghiệp, chúng ta tranh luận luật pháp, chấn hưng công nghiệp, khuyến nông, viết sách, dịch sách, phát hành báo, tất cả những gì liên quan tới văn minh.

Mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về vai trò, sự đóng góp của bản thân, phải đi tiên phong trong nhân dân. Chúng ta cũng hợp tác với chính phủ.

Sức dân và sức chính quyền có cân bằng thì tiềm lực quốc gia mới gia tăng, nền móng độc lập của quốc gia mới vững chắc, có như vậy nước ta mới mong được bình đẳng với phương Tây.

Tôi tin rằng, vài mươi năm sau, cũng trong một dịp đón mừng năm mới, khi nhắc tới buổi sum họp hôm nay, chúng ta sẽ cùng nói với nhau rằng: “Mới chỉ có nền độc lập mong manh như hồi đó mà chúng ta sung sướng đến vậy. Bây giờ đã sánh vai bình đẳng thực sự với phương Tây như thế này thì còn sung sướng đến nhường nào?”.  Như thế mới là niềm vui thực sự phải không các bạn?

Tôi muốn nói với các bạn trước khi cho phép tôi kết thúc.

Các bạn sinh viên. Các bạn hãy tự quyết định tương lại, chí hướng của chính mình theo mục đích của trường tư thục chúng ta ngay từ hôm nay, ngày đón năm mới này.

Tháng Giêng năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1784)

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Phan Bội Châu: Lưu cầu huyết lệ tân thư

Theo học thuyết của Quảng Trọng, nước có bốn “Duy” (bốn mối lớn). Nói ngược lại thì quốc duy tức là duy quốc (giữ nước). Giữ nước trước hết là giữ quốc thể. Nhưng giữ quốc thể ngày nay thật cũng khó giữ lắm. Vì sao? Quyền bính của nước ta là ở quan lại, nhân dân, tài sản. Nước có quan lại, tức là vị đứng đầu nước (nguyên thủ) có tay chân. Quan lại có nhân dân cũng như tay chân có ngón có đốt. Còn tài sản là huyết mạch của nước, huyết  mạch phải lưu thông trong tay chân ngón đốt, không thể một khắc gián đoạn. Thế mà quan lại ngày nay không phải tự ta truất trắc được. Tài sản ngày nay không phải tự ta vận dụng được. Đại thế sụp đổ khó lòng cứu vãn. Mọi việc đều bị xâm lăng lấn át, ngày càng thêm nặng, dầu muốn vớt vát cũng khó khăn muôn phần.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì vẫn có cách làm được. Câu Tiễn đã từng mất nước, vẫn lấy việc thờ Ngô mà diệt Ngô. Nhật Bản là nước nhỏ hèn, vẫn lấy việc chịu lún Anh mà chống Anh. Lão tử nói: “Muốn thu lại, cần trương ra, muốn lấy được cần cho trước”. Binh thư Tá thiên nói: “Mình không đương được, mượn tay người khác, chẳng cần tự mình làm mà vẫn được việc”. Hợp hai thuyết ấy không phải không có cách làm.

Từ ngày nước mất đến nay, sự thế đổi khác, thực là tôi tớ mà danh là chủ nhân. Nói về cục thế, thì là một sự kỳ lạ, từ xưa chưa hề xảy ra. Nói về biến đổi, thì là một điều hổ nhục, từ xưa chưa hề mắc phải. Bọn chúng làm con hổ, nhỏ nước bọt thèm thuồng, người mình làm con cá, vẩy đuôi trốn lui. Động có yêu cầu việc gì thì cho là tốn kém hàng vạn. Bớt điều chúng thích, tiêu việc ta cần, chúng có vui đâu. Sở dĩ chúng còn để ta sống là vì chúng không dám giết chết đó thôi. Bên ngoài để che tai mắt nước khác, bên trong để lừa nhân dân nước ta. Chúng tạm cho ta cái danh giả để chúng giành lấy cái lợi thực.

Nay ta may còn được như thế này thì cũng nên lo tính việc giữ nước (duy quốc), dầu mất bò rồi mới sửa chuồng cũng chưa phải là muộn. Chúng ta nên mưu kín nghĩ xa, rán sức nhọc lòng, ngoài thì cố làm cái việc Câu Tiễn thờ Ngô, trong thì nuôi cái mưu Nhật Bản chịu lún Anh. Khi chưa sinh sự thì phải tự nhún mình nén khí để mua chuộc lòng chúng, phải qua lại thân mật để che tai mắt chúng, tìm trăm cách để lừa dối chúng, hễ chưa nuốt được gan chúng là chưa thôi. Khi đã sinh sự thì viện công pháp quốc tế mà yêu cầu, viện luật lệ nước ta mà tranh chấp, cả trăm miệng đều bẻ lại chúng, hễ chưa chặn được mưu chúng là chưa thôi. Lấy trí khôn và giúp khí mạnh thì dầu phải nhẫn nhục đến đâu cũng nấn ná mà làm; lấy khí mạnh mà đỡ trí khôn thì dầu biện biễn lễ có găng cũng mạnh dạn mà nói. Chúng thấy ta rất đỗi quyết lòng thì cũng phải chiều lòng; chúng thấy ta quả quyết giành thế thì chúng cũng phải nhượng thế. Lòng quyết được thì quyền bính mặc nhiên chuyển về ta, chúng không thể ngăn cản, thế giành được thì quyền bính hiển nhiên trả lại ta, chúng không dám lừa dối. Vua tôi đồng lòng, trăm người một bụng, dầu chúng ngoan cố cũng phải thua ta.

Quyền bính thu về dần thì quan lại lại là quan lại của ta, nhân dân là nhân dân của ta. Do đó, tài sản cũng không thể không phải là tài sản của ta. Rồi thì ta giảm bớt những thứ phù phí vô ích để tiêu vào việc cần kíp; bỏ bớt nhưng hư phí vô dụng để làm những việc thực dụng. Học thuật đổi được thì ta đổi dần, nhân dân nuôi được thì ta nuôi dần, dân khí chấn được thì ta chấn dần. Làm được ba điều ấy, tức là giữ được quốc thể đó vậy.

Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là trước hết. Nhân tài từ nhân dân mà ra, dân khí chấn rồi thì mới nuôi nhân tài được. Học thuật cốt nhân dân noi theo, dân khí chấn rồi học thuật mới đổi được. Sao lại nói đổi học thuật tất phải chấn dân khí đã? Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ. Trước kia sống bình thường đã lâu. Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù. Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn. Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân, dẫu có những người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như sấm sét, thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết và mặt trời (2). Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi, hóa ngu hèn đến nỗi có tay chân mà không biết làm lụng, có tài sản mà không biết trao đổi, có miệng lưỡi mà không biết trình bày, có núi bể mà không biết vượt bơi, có khoáng sản àm không biết dò lấy, có máy móc mà không biết cho chạy. Thậm chí thấy nhục vua cha mà không biết căm tức, thấy ngoại nhân mắng nhiếc, lừa đùa mà vẫn bằng chân như vại, ngu thật là ngu!

Gần đây phong hội ngày mở mang, thời cuộc ngày thay đổi, gặp cảnh đau lòng khổ tứ mà vẫn không bổ ích cho nỗi thua kém của mình. Các nước Thái tây đâu có hạng người gỗ đá như thế! U mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế! Phỏng khiến thoắt chốc thay đổi học thuật lập ra qui chế mới thì không khỏi làm cho họ khiếp thấy ngại nghe, sinh ra nhiên nhiễu. Mở mang trí tuệ, họ cho là hiếu kỳ, sửa đổi cho hợp thời, họ cho là trái cổ. Bọn giàu có tài giỏi đã không muốn làm thì những người nghèo dốt trông cậy sao được. Cho nên nói rằng dân khí chưa chấn thì học thuật khó lòng sử đổi.

Muốn chấn dân khí  phải làm thế nào? Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ, bớt lệnh áp bức để cổ võ khi cương cường. Hiện nay thói tốt đã mất, việc hối lộ công hành. Lúc đầu chỉ mới mon men lén lút, dần dần thần tiền trở nên vững mạnh, muốn thêm một cấp là được một cấp, muốn thăng một bậc là được một bậc, đồng bạc ném vào, luật nào cũng phá. Cho đến khoa mục là việc to lớn như trời mà người ta cũng dùng tiền chạy chọt, không chút kiêng dè. Người ta chỉ chú trọng việc làm quan và thi đậu, nhờ bất liêm mà được thì còn biết xấu hổ là gì nữa! Huống hồ người dầu non nớt đã có tiền làm cho thành giỏi giang, người dầu dốt kém đã có tiền làm cho thành thông thạo, như thế cần gì phải chịu khó học để cố gắng tiến lên! Con đường hối lộ chưa chặn hẳn thì dân khí không sao chấn được.

Các nước Thái tây cho dân có quyền tự do, người trên có lỗi, dân được phép bắt lỗi, người trên chống dân thì dân được chống lại. Các vua thời trước muốn cùng dân tính việc. Sách Chu Lễ nói: “Hỏi khắp muôn dân” là có ý muốn khuyến khích lòng trung dũng của nhân dân, thấu hiểu việc lớn nhỏ trong thôn xóm. Quan dân như nhau thì dân cần gì phải luồn cúi. Ngày nay giữa quan và dân xa cách như trời với đất. Người bình dân thấy bọn lại thuộc hơn thấy hùm sói, người bách tính đến chốn nha môn khiếp sợ hơn cả con rệp ở khe giường, dầu có oan uổng cũng không chỗ kêu van. Nếu có vài người cứng cổ thì khác nào dùng cái “mâu” đâm vào cái “thuẫn”, thu được cái khí một chút thì mất ngay cái liêm, như thế muốn dân không tự ti sao được! Ôi! Núi sông chưa đổi, quỉ thần còn thiêng, nếu biết đồng bào là ruột thịt thì sao nỡ không thu hút họ để họ phải chạy tới kêu xin nơi cửa người ngoài, khác nào tự ta đuổi cá về vực sâu, sao mà khờ dại đến thế! Nay nên thành thực mở lối kêu van, dứt đường cầu cạnh, thắt chặt tình trên dưới, mở rộng đường thẳng ngay, làm cho công luận vững như sắt đá, chính lý sáng từ cổ kim, búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được. Quan dưới như thế, quan trên tất phải theo. Quan trên như thế, người ngoài tất phải chiều. Lẽ phải rõ rệt, không ai mạnh ai hèn, dân chúng lâu ngày sẽ cho là thường, dẫu muốn bắt họ quì lụy luồn cúi cũng không thể được…

Còn muốn thay đổi đầy đủ hơn nữa thì phải dùng những ký thuật: Thuật thứ nhất là mở mang công dịch. Xét ra dân ta mà trí khéo không nẩy nở ra được, nào có phải bản chất họ không thông minh đâu, chẳng qua chỉ vì cái khí ươn hèn lười biếng. Hiện nay cầu sắt, đường sắt và các sở nhà máy có thể thuê dân làm. Nếu quả muốn mở mang công dịch thì nên trả công thuê khá cao để người nghèo đói được nhờ. Nghiêm mệnh lệnh làm công, rộng điều lệ làm công, bắt bọn nhà giàu cũng phải làm, không được trốn tránh. Lại cần nghiêm sức những người thừa hành phải lấy công tâm mà làm việc, không được ăn bớt tiền thuê nhân công bỏ túi cho đầy, không được viện lệ vu vơ câu nệ mà làm khó dễ. Có thế thì người nghèo tập quen thói cần cù và người giàu cũng sinh lòng phẫn nộ. Tập cần cù thì khí được luyện, sinh phẫn nộ thì khí được trương. Đã luyện và trương tất không chịu lún người khác.

Kỹ thuật thứ hai là nắn sửa cái hại của phép đánh thuế. Thuế nào có hại cho dân nghèo thì giảm và giảm thêm mãi. Như các loại chè, muối, cá, rau, dân nghèo không có đủ thì đánh thuế nhẹ để đỡ sức dân. Thuế nào có hại cho nhà giàu thì tăng lên và tăng thêm mãi. Như các loại nha phiến, lò rượu,  vốn đặt lãi, nhà cho thuê, chỉ nhà giàu mới có, thu thuế nặng tất họ phải oán, mà họ oán thì qui lỗi cho người ngoài (tức thực dân thống trị) và gợi lên lời chê phiền nhiễu độc ác. Đỡ sức dân thì có lợi cho ta và do đó dân quen theo ta. Gợi lời chê (người ngoài) thì có thiện cảm với ta và do đó ta được thêm thuận lợi.

Những kỹ thuật nói trên là nhằm mục đích mượn tay người ngoài làm để ta thu kết quả. Bọn người ngoài chỉ cầu lợi. Dân nghèo muốn thu ít thì bớt thu, nhà giàu ghét thu nhiều thì tăng thu, chúng nghe lấy làm thích mà ta thì đạt được cái trí. Việc gây thù oán của bọn phú hào, việc luyện khả năng cho đám dân nghèo ấy là một cách thừa cơ mà lợi dụng, chắc chắn làm được. Các thày thuốc thường nói: “Khai thông cái muốn thông, ủng tắc cái muốn tắc” ấy là thượng sách.

Như thế là chấn được dân khí, mà dân khí có chấn thì mới tuyển được những người tài giỏi để dạy cho họ cái học hữu dụng và bỏ cái học hư văn, vẫn tôn trọng cái tốt của sách thánh hiền phải phụ thêm việc học học của Thái tây. Việc thi cử lập qui chế mới, chứ không thi văn suông. Việc chọn nhân tài thì nghiêm phòng cái lối chạy ngoài mà không câu nệ lời khen tục sáo. Học thuật đã tiến thì bỏ bớt thường lệ để bạt dụng những người tài năng ở miền thảo dã, phớt qua cấm lệ để thu hút những người kỳ tài ở nơi núi rừng. Cấp học bổng xuất dương du học thật hậu để giúp thành công; tìm tài ngoại giao cho tinh để khuyên cố gắng. Như thế là nhân tài được nuôi dưỡng. Những người nay đang ở thấp là nhân tài tương lai, những người nay đã lên cao là nhân tài hiện tại. Nhờ có họ giúp sức thì mới thực hiện được những điều nói trên.

Trong khoảng trời xanh bát ngát, bể thẳm mênh mông (tức là trong nước), chắc chắn cũng có những người gánh được cái việc tối đại của nghìn muôn đời, lập nên được cái công tối gian khổ của nghìn muôn năm và đương lấy được cái nhục tối hiếm tối lạ của nghìn muôn thuở. Có được những người ấy thì quyền bính sẽ thu về được, quan lại sẽ truất trắc được dân dân sẽ sử linh được, tài sản sẽ vận dụng được. Lúc bấy giờ, muốn chấn dân khí thì dân khí ngày càng cao vọt, muốn nuôi nhân tài thì nhân tài ngày càng thịnh đạt. Cái thành công của Câu Tiễn, Nhật Bản chỉ ngẩng đầu mà đợi. Nhờ vậy có thể nói chắc rằng, huyết mạch sẽ đầy đủ, tay chân ngón đốt sẽ béo mập và vị đứng đầu nước sẽ vững vàng như núi Thái Sơn. Bằng không làm theo lời bàn trên thì chẳng khác đem cho nhà người ngoài cư trú, làm tôi tớ cho người ngoài sai khiến, hiến tài sản cho người ngoài tiêu dùng, hơn thế nữa, đem thê thiếp và con gái cho người ngoài làm vợ, còn trách gì được ai! Còn trách gì được ai!…

(1903)
_______________________________
Cùng tác giả:

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Mỹ "mở", Việt "khóa"

Những ngôi nhà ở Mỹ thường “quên” khóa cửa nhưng không thấy kẻ cắp, kẻ trộm lọt vào. Việt Nam thì khóa đủ các loại khóa vẫn bị bẻ khóa, cắt khóa. Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được.

Những người Mỹ không khóa cửa nhà bao giờ !

 
Đấy là câu nói như thốt lên của những người đã đến Mỹ. Chuyện người Mỹ không khóa cửa là chuyện xưa lắm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại. Bởi câu chuyện người Mỹ không khóa cửa chứa đựng bao điều suy ngẫm khi tôi phải chứng kiến những gì ngược lại ở Việt Nam.

Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đâu đến Mỹ đã không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi đến gần hết chuyến đi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo đuổi bạn tôi không rời.

Chiếc IPad và vài “đô” tiết kiệm

Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua giúp một cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2 được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi vẫn rất bị “sốc”. Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách hàng. Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.

Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay thiếu thốn…Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy. Nhưng cách sống ấy là cách sống của đại đa số người Mỹ.

Xin đừng nghĩ là nước Mỹ giàu có nên chẳng ai muốn ăn cắp. Người Mỹ là người tiêu tiền một cách kỹ lưỡng và có kế hoạch nhất. Thực tế, người Mỹ vào siêu thị sẽ đứng khá lâu trước một mặt hàng giá 2 đô 99 xu và một mặt hàng giá 3 đô 10 xu. Khi đi ăn với bạn, họ trả không thừa một xu với số tiền họ phải trả. Mà khi đó, một cái ipad2 giá ở Mỹ khoảng 1.200 đô la.

Chúng ta từng đọc trên báo Việt Nam viết về những làn sóng khổng lồ người Mỹ ùa đến các siêu thị trong những ngày giảm giá và tai nạn chết người đã xẩy ra khi những khách hàng chen nhau vào siêu thị để mua hàng giảm giá. Một đô la có giá trị rất nhỏ với mức lương tháng trung bình của người Mỹ là hàng ngàn đô la. Nhưng tôi đã quan sát trong nhiều năm khi ở Mỹ cách tiêu một đô la của người Mỹ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác họ đang tiêu những đồng một đô la như tiêu những đồng tiền cuối cùng của đời họ. Nói vậy để thấy họ quý từng đồng đô la như thế nào.

Lại chuyện Nhật và Việt

Ông cha ta có câu ” đói cho sạch, rách cho thơm”. Những tưởng đó là lối sống của người Việt Nam ngày nay. Nhưng câu nói của ông cha chúng ta đang bị vấy bẩn và làm lu mờ. Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó.  Sau khi kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.

Thế nhưng, khi về đến Hà Nội, chiếc thùng giấy của tôi đã bị rạch và một số thứ trong thùng giấy đã biến mất. Cái vali có khóa ngầm cũng bị đập vỡ. Chiếc khóa kiểu như vậy không thể bị vỡ một cách vô tình như thế. Tôi không có chứng cứ để nói rằng những ai đó ở sân bay Nội Bài đã rạch thùng, đập khóa vali và ăn cắp đồ của tôi. Nhưng tôi tin thùng hàng của tôi đã bị rạch và khóa vali của tôi bị đập ở đó. Tôi không bao giờ tin những nhân viên làm việc ở sân bay Narita, Tokyo đã làm cái việc xấu xa đó.

Bởi ngay ở sân bay Narita, tôi đã chứng kiến nhân cách của người Nhật ngay trong chính thời gian mà người Nhật vừa trải qua đại thảm họa sóng thần. Tôi đã viết câu chuyện về nhân cách Nhật thông qua một người hầu bàn ở câu chuyện trước. Những thứ tôi mất tính ra không phải là một món tiền lớn. Nhưng hành động ăn cắp đã làm tôi nổi giận nhiều ngày. Mà không chỉ là tôi, không ít hàng khách Việt Nam và báo chí đã lên tiếng về những điều xấu xa tương tự mà họ là nạn nhân.

Nghèo và tự trọng

Đời sống của con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều so với 10 năm trước và quá nhiều so với những năm tháng ngèo đói trước kia. Nhưng những hành động tham nhũng, tham ô, ăn cắp, lừa dối… của người Việt Nam hình như mỗi ngày một gia tăng. Mấy ngày trước, chúng tôi đi du lịch ở Nha Trang. Người hướng dẫn viên mỗi khi lên xe lại nhắc chúng tôi hãy cảnh giác cao độ nếu không muốn bị móc túi, nếu không muốn mua phải hàng giả. Anh cảnh báo chúng tôi rằng ngay cả mặt hàng yến sào đắt như vàng cũng dễ dàng bị làm giả.

Đời sống kinh tế của đất nước được cải thiện rất nhiều và với một tốc độ khá nhanh. Nhưng lòng tự trọng và lối sống văn hóa thì những người có quan tâm đều nhận thấy nó bị đánh mất đi nhanh hơn và lan truyền rộng hơn sự phát triển kinh tế nhiều lần. Nếu cứ đà này thì chỉ mươi năm nữa, những người yếu bóng vía ra đường sẽ chỉ thấy nhan nhản những kẻ ăn cắp và bọn lừa đảo.

Tại sao những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và hy sinh con người Việt Nam lại sống với lòng tự trọng cao như vậy mà bây giờ giàu có hơn thì lòng tự trọng ấy lại bị hoen ố quá nhiều ? Tôi biết rằng câu hỏi của tôi quá ngây thơ nhưng tôi cứ phải hỏi. Mà đúng hơn đó không phải là một câu hỏi mà là một tiếng kêu đau đớn và lo sợ. Và những điều làm cho chúng ta đau đớn và lo sợ sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục ở đây xin đừng hiểu chỉ là nhà trường mà là cách quản lý và điều hành xã hội. Không có sự thật nào ngoài sự thật này.

Khoá cửa muôn năm

Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan tành.

Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút.  Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài đến tận…100 năm. Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng phải đi chứ không còn cách nào khác.

Nguyễn Quang Thiều

Tình nguyện nô lệ hay chọn lựa tự do?

Có một điều kỳ lạ, là rất nhiều người không hề biết coi trọng tự do. Họ không có khát vọng tự do trong tâm hồn, không ý thức được rằng tự do chính là một kho tàng quý báu, không quan niệm được là khi thiếu vắng tự do thì mọi sự xấu xa đều ồ ạt đổ xô đến và tất cả những gì có thể coi là tốt đẹp cho đời sống đều trở thành hư thối, đều bị đầu độc bởi trạng thái nô lệ. Vì sao những người ấy không coi trọng tự do ? Có lẽ vì ngay khi muốn tự do, thì họ liền được tự do. Như thể họ không coi trọng tự do chỉ vì tự do có thể có được một cách quá dễ dàng.

Hỡi những con người mù quáng, tự bịt mắt và đóng kín tâm hồn mình trước sự thật! Các bạn để cho người ta tước đoạt đời sống của mình, cướp bóc công sức lao động của mình, tài sản cha ông mình để lại. Các bạn sống mà không thể nào nói được rằng mình sở hữu bất cứ gì! Hạnh phúc của bạn chỉ là hãnh diện được làm người quản lý tất cả những gì bạn nghĩ mình có, kể cả gia đình và đời sống của bạn.

Điều trớ trêu là sự bất hạnh ấy không đến từ những người mà bạn coi là kẻ thù, mà từ những nhân vật được bạn tôn xưng làm lãnh tụ, những người ngồi được trên ngôi vị cao cả của họ nhờ vào công sức của chính bạn. Thậm chí bạn sẵn sàng hy sinh tính mạng để chiến đấu cho họ, sẵn sàng xô đẩy con em của bạn vào chỗ chết để bảo vệ cho quyền hành của họ.

Hãy nhìn xem: những người ấy, những kẻ có tất cả uy quyền trên bạn, cũng chỉ là những con người như bạn. Họ cũng chỉ có hai con mắt, hai bàn tay, đôi chân và một tấm thân như bạn. Tất cả những gì họ có thêm vào đó, và sử dụng chúng để nô lệ hóa bạn, đều do chính bạn dâng tặng cho họ. Thật vậy, những kẻ cai trị bạn lấy đâu ra muôn ngàn cặp mắt để theo dõi rình rập bạn, nếu không được bạn hiến dâng cho họ? Họ lấy đâu ra muôn ngàn cánh tay để kềm chế, đánh đập bạn nếu không lấy những phương tiện ấy từ chính hàng ngũ của bạn? Bàn chân họ dùng để đạp lên bạn, dẫm nát nhà cửa và gia đình bạn, đến từ đâu, nếu không phải do chính những người như bạn cống hiến?

Bạo chúa lấy đâu ra sức mạnh và quyền hành nếu không phải từ chính bạn? Kẻ cầm quyền làm sao nhiễu hại được bạn, nếu bạn không dung dưỡng hành vi cướp bóc của họ, nếu bạn không đồng lõa với việc làm sát nhân của họ, phản bội lại chính bạn và những người đồng cảnh ngộ? Bạn gieo trồng để họ thu gặt lợi nhuận. Bạn xây dựng cửa nhà để họ chiếm đoạt. Bạn sanh thành những bé gái cho họ thỏa mãn dục tính, bạn dưỡng dục nuôi dạy những thanh thiếu niên để họ sử dụng trong các cuộc chinh chiến, hay như những công cụ sắt máu cho sự thống trị tàn bạo của họ. Bạn sát hại và bóc lột những người như bạn, để kẻ cầm quyền yên thân lặn ngụp trong xa hoa, lạc thú. Bạn tự làm cho mình yếu kém đi để tăng cường sức mạnh của kẻ thống trị, để họ xiết chặt hơn nữa những gông cùm trói buộc bạn.

Trước những áp bức mà ngay đến súc vật cũng không chịu nổi, bạn có thể thoát ra được nếu bạn thử làm một điều duy nhất. Điều ấy không phải là nỗ lực đấu tranh, mà chỉ là nghĩ đến sự giải thoát, là mong muốn nó. Khi bạn quyết định không là nô lệ, khi ấy, bạn có tự do ! Bạn không cần chống lại bạo chúa, không cần tấn công nó, hủy diệt nó. Bạn chỉ cần ngừng nâng đỡ nó, thì, bạn sẽ thấy: như một người khổng lồ bằng sắt thép nặng nề với đôi chân đất sét, nó sẽ tự động gãy đổ, ngã gục dưới sức nặng của chính nó, để tan tành vỡ nát trên mặt đất (…).

Ngay cả loài vật cũng biết kêu lên: « Tự Do muôn năm ». Nhiều giống thú biết tự để cho mình chết đi khi chẳng may bị bắt bớ cầm giữ. Nếu giữa các loài súc sinh có một sự phân chia đẳng cấp, thì chắc chắn những nòi giống biết chết vì Tự Do sẽ thuộc về đẳng cấp được tôn quý nhất. Những loài vật khác, từ lớn đến nhỏ, đều cố sức chống cự khi bị cầm giữ, bằng mọi phương cách, từ cào, cấu, cắn, đá … với một năng lực và ý chí quyết tâm cực kỳ mạnh mẽ, như nhắc nhở mọi người trong chúng ta sự quý báu không thể đo lường được của tự do.

Hỡi mọi con người! Bạo chúa chỉ có vẻ to lớn vĩ đại khi các bạn quỳ gối trước mặt nó. Hãy đứng lên! Không quyền lực nào có thể thống trị được những con người Tự Do…

Etienne de la Boétie (1530-1563) 
Nguyễn Hoài Vân (lược dịch)

Facebook Digg Stumbleupon Favorites More